Trong lần sửa đổi Hiến pháp 2013 nhân dân được tham gia góp ý xây dựng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Việc xây dựng Hiến pháp hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đòi hỏi một quy trình chặt chẽ, dân chủ với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hàng chục triệu ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta được ban hành trong bối cảnh cả nước đang trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra và để cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Hiến pháp năm 1992 đã tạo lập nền tảng chính trị - pháp lý cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, vì vậy, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử nhân dân ta đạt được trong 27 năm qua không thể tách rời quá trình thực thi Hiến pháp năm 1992. Tuy vậy, ở thời điểm ban hành Hiến pháp năm 1992, quá trình đổi mới vừa bắt đầu với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, từng bước đổi mới hệ thống chính trị. Cùng với đó, nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng và mới bắt tay vào xây dựng nền kinh tế thị trường, chưa hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001 cũng chỉ là những tiếp cận ban đầu về Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới, nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, vững chắc, tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này, ngày 23-11-2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tại Điều 2 đã nêu rõ mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là: "Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp".

Thực hiện Nghị quyết nói trên của QH, ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc làm này được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013, đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý bằng nhiều hình thức thích hợp và đã được chuyển đến từng hộ gia đình, đến công nhân, học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, đến các tổ viên, hội viên của mọi tổ chức đoàn thể xã hội.

Với sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính từ ngày 2-1 đến 30-4-2013, đã có hơn 26 triệu 91 nghìn lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Từ ngày 1-5 đến ngày 30-9-2013 đã có 685 thư, văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung, ý kiến của nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố.

Đồng thời, nhân dân cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.

Những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm Tại kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII đã thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân. Nhiều vị đại biểu QH cho rằng, Nghị quyết số 38 nói trên của QH đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua thảo luận, các vị đại biểu QH cơ bản tán thành với bố cục và nội dung dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng góp phần hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình QH xem xét tại kỳ họp thứ sáu này.

Ngày 23-10 và 5-11 vừa qua, QH khóa XIII lại tiếp tục thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về bản dự thảo đã được chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của nhân dân và các vị đại biểu QH. Không chỉ thảo luận sôi nổi trong hội trường mà ngay cả khi giải lao ở hành lang hội trường, nhiều đại biểu QH vẫn sôi nổi trao đổi ý kiến với phóng viên báo chí về những vấn đề mình tâm huyết. Có thể nói, ý kiến chung của nhiều vị đại biểu QH đánh giá: Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là thẳng thắn, thỏa đáng. Các nội dung tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo nhìn chung là hợp lý và đã trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân dân và các đại biểu QH.

Bản dự thảo trình ra QH lần này đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có nhiều điểm mới so với dự thảo trình QH tại kỳ họp trước.

Theo dõi quá trình thảo luận, chúng tôi nhận thấy các ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau và thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề cơ bản của dự thảo.

Vấn đề nổi lên, thu hút nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đó là chế định chính quyền địa phương quy định tại Chương IX. Ai cũng đồng ý rằng, đã đến lúc cần đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, nhưng đổi mới như thế nào là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đồng ý với khoản 1 Điều 110 quy định đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt do QH thành lập.

Nhưng đại biểu này đề nghị quy định rõ hơn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thành lập ở cấp nào (tỉnh, huyện, hay xã). Đã là đặc biệt thì phải là số ít, thậm chí chỉ là một.

Nếu là số nhiều thì không còn là đặc biệt nữa và việc có nhiều đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ làm cho hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, tản mạn và dễ bị lợi dụng.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) kiến nghị đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt do QH thành lập cần được ghi rõ ở cấp nào? Nếu là cấp trực thuộc Trung ương thì ghi thẳng ở khoản đầu (Điều 110) là: Nước được chia thành tỉnh, thành phố và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Ban soạn thảo đã tiếp thu triệt để ý kiến của các đại biểu QH tại kỳ họp thứ năm về chế định chính quyền địa phương.

Đại biểu này lập luận: Hiện chúng ta đang thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) quận, huyện, phường và chưa tổng kết để đi đến kết luận bỏ hay không bỏ HĐND ở các cấp này. Do vậy tán thành quy định trong Dự thảo về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Quy định như vậy là khái quát, tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương và tạo điều kiện cho sự thành lập chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn sau này.

Các đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cũng tán thành với quy định của dự thảo về nội dung này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại không tán thành với quy định tại Dự thảo về chế định chính quyền địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) phân tích: Hiến pháp khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, đã là của nhân dân thì phải do nhân dân tổ chức ra và nhân dân có quyền kiểm tra, kiểm soát quyền lực ấy. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND đã quy định trong Điều 6 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này. Nhưng theo quy định tại khoản 1, Điều 114 có thể thấy rằng, một số địa phương sẽ không tổ chức HĐND trong khi chúng ta chưa tổ chức tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Đại biểu này cũng như một số đại biểu khác (Phạm Xuân Thường -Thái Bình, Trương Minh Hoàng - Cà Mau,...) đều đề nghị tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp đầy đủ như hiện nay và thí điểm làm cho HĐND mạnh lên.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu QH quan tâm là quy định tại Điều 51 về các thành phần kinh tế, trong đó xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) tán thành với giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là, không nên nêu các thành phần kinh tế và xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, do nội dung này có nhiều ý kiến khác nhau, cho nên đại biểu này đề nghị giải trình sâu sắc hơn về vấn đề kinh tế nhà nước, cũng như giải trình về sự phù hợp hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới để tăng tính thuyết phục không chỉ đối với các đại biểu QH mà còn đối với cử tri cả nước. Mặc dù nhất trí với Dự thảo về quy định tại Điều 51, nhưng đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, cách thể hiện như dự thảo có thể làm cho nhiều người dân không hiểu và các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam cũng sẽ không hiểu được bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì? Do vậy, đã đề nghị viết: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường có định hướng và điều tiết của Nhà nước". Đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) cơ bản tán thành quy định trong Dự thảo về các thành phần kinh tế và nhấn mạnh trong báo cáo giải trình đã nêu rõ kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước.

Bàn thảo về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) nêu rõ, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết T.Ư II, khóa XI về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó xác định chế độ kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu này đề nghị làm rõ khái niệm kinh tế nhà nước và theo ý đại biểu kinh tế nhà nước bao gồm: Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Các ý kiến phát biểu chính thức tại hội trường cũng như ở ngoài hội trường QH đều bày tỏ chính kiến của mình, khẳng định mạnh mẽ cần thiết Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (Vũ Tiến Lộc -Thái Bình, Trần Đình Thu - Gia Lai, Nguyễn Thị Thanh - Ninh Bình, Tô Văn Tám - Kon Tum...). Nhiều ý kiến cho rằng, việc khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản là phù hợp truyền thống lịch sử và cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước, phù hợp thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta. Một số ý kiến tán thành nội dung Điều 4, nhưng đề nghị chỉnh sửa lại cách thể hiện.

Một số ý kiến khác lại đề nghị khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu QH về các vấn đề cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khá phong phú và đa dạng, từ Lời nói đầu đến Thể chế chính trị, Thể chế kinh tế và các chế định khác như quyền con người, quyền công dân và về tổ chức Bộ máy Nhà nước. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của người đại biểu của nhân dân mà còn thể hiện rõ trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước.

Những ý kiến đó, hiện đang được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý để QH xem xét, có thể thông qua tại kỳ họp này.

VŨ HOÀNG LONG