Tứ trụ triều đình việt nam là ai

Giá trị lịch sử

Danh tướng Trịnh Tú – quan tứ trụ triều Đinh – trung nghĩa vẹn toàn

Trịnh Tú (chữ Hán: 鄭琇; 924 - 979) là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam.

Năm 968, vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, lên ngôi hoàng đế (tức Đinh Tiên Hoàng). Danh tướng Trịnh Tú cùng với hoàng tử Đinh Liễn được triều đình cử đi giao bang với nhà Tống.

Chính sử cũng như thơ ca dân gian thường nói đến "Tứ trụ Bặc, Điền, Cơ, Tú" tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh, là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ và Trịnh Tú. Tứ trụ là cốt cán giúp vua Đinh dẹp sứ quân, thống nhất đất nước. Sau khi vua băng hà, các lại hết mình giành ngôi cho chủ cũ, việc không thành mà bị hại.

Tứ trụ triều đình việt nam là ai

Tượng thờ danh tướng Trịnh Tú đền thờ xã Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Trịnh Tú người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Từ thuở nhỏ, ông đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ kết bạn với (vua) Đinh Bộ Lĩnh, cùng nhau chơi trò đánh trận cờ lau.

Tham gia dẹp loạn

Trịnh Tú sau khi trưởng thành là tướng đi theo Đinh Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư thời nhà Ngô. Cả Đinh Điền, Lưu Cơ và Nguyễn Bặc cũng tham gia vào lực lượng này. Khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận (965), 12 sứ quân nổi dậy xưng hùng bá. Tướng Trịnh Tú phò giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp.

Việt giám thông khảo tổng luận bình rằng:

"Đinh Tiên Hoàng nhân khi nước Ngô loạn mất, bình được mười hai sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi, dùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú làm người phù tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm!"

Thần phả xã Tô Hải, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực, Thái Bình cho biết tướng Phạm Phòng Át chiếm cứ đằng Châu đem quân đến trang Tô Hải, vây chùa. Vua Đinh Bộ Lĩnh thấy khó chống nổi bèn sai các tướng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú giả thua chạy, Phòng Át tung quân đuổi theo, nhưng không kịp.

Sau đó Đinh Bộ Lĩnh phong cho Nguyễn Bặc làm Nguyên soái, Đinh Điền, Trịnh Tú làm Đại tướng quân, lại phong Đô Tứ Minh làm thống lĩnh tiền quân, kiêm tham tám mưu thần chia quân làm 4 đạo để dẹp 12 sứ quân.

Thần tích đình Lập Bái, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết khi sứ quân Trần Lãm qua đời, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh đã nắm quyền chỉ huy sứ quân Kỳ Bố Hải Khẩu, một lần ông cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú đi dò xét sứ quân Đằng Châu (Hưng Yên nay) khi đến trang Cổ Sách đã thu nạp được 3 anh em họ Phạm.

Giao bang với nhà Tống

Năm 968, vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, hiệu Đinh Tiên Hoàng, các tướng Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công (tức Tể tướng), Đinh Điền được phong làm Ngoại giáp, Lưu Cơ được phong làm Đô hộ phủ sĩ sư, chính là Thái sư ở Đô hộ phủ.

Chính sử không nhắc việc vua Đinh Tiên Hoàng phong chức cho Trịnh Tú nhưng thần tích dân gian gọi ông là quan Thượng thư Trịnh Tú, có nơi thờ như ở Liên Sơn, Gia Viễn gọi ông là quan Thái Bảo.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thứ: năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú sang giao hảo với nhà Tống, năm 975 Trịnh Tú tiếp tục được vua sai đi sứ sang nhà Tống, mở đầu giai đoạn mới của nền ngoại giao Việt Nam với nước lớn phía Bắc.

Trong 5 lần sứ giả Đại Cồ Việt được Vua Đinh Tiên Hoàng cử sang giao bang với nhà Tống thì Trịnh Tú sang 2 lần, Hoàng tử Đinh Liễn sang năm 972, phò mã Trần Nguyên Thái sang năm 976 và năm 977 thì tên sứ giả sử không chép rõ. TS sử học Đinh Công Vĩ viết về việc Trịnh Tú đi sứ: "… sứ giả Đại Cồ Việt bước vào ngoại giao với một tư thế tự hào chưa từng thấy. Đã hết rồi cái thời xưng Tiết độ sứ, nhận tiết việt của phương Bắc …".

Tứ trụ triều Đinh

Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ "Bặc, Điền, Cơ, Tú" tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh, là Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam: từ Đời Lý trở đi các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc cùng Trịnh Tú, Lưu Cơ đều được truy phong phúc thần. Trường ca chữ Nôm Thiên nam ngữ lục cho rằng:

"Bốn người có nghĩa đồng niên

Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ".

Việt giám thông khảo tổng luận bình rằng: "Đinh Tiên Hoàng nhân khi nước Ngô loạn mất, bình được mười hai sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi, dùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú làm người phù tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm!"

Quan hệ giữa vua Đinh Tiên Hoàng với "tứ trụ triều Đinh" gồm "Điền - Bặc - Cơ - Tú" là sự gắn bó đẹp đẽ, bền chặt như kim cương, không gì phả vỡ nổi, song sử sách nói tới Đinh Điền, Nguyễn Bặc nhiều hơn Lưu Cơ, Trịnh Tú. Sử sách và dư luận dân gian nói nhiều hơn tới một bộ ba "Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc" vốn cùng năm sinh, năm mất, cùng quê, cùng chí hướng.

Tận trung với nhà Đinh

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại. Quan Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích bị nghi là thủ phạm hàng đầu, sợ hãi bỏ trốn rồi bị bắt và bị chém. Lê Hoàn thay ngôi lập triều Tiền Lê.

"Tứ trụ" và nhiều vị quan khác như Phạm Hạp, Đinh Sài Bơi, Đỗ Huy, Lý Phả, Trình Minh, Lưu Lang, Lý Đài, Lương Tuấn, Võ Trung, Phạm Thành,... muốn giữ ngôi nhà Đinh cho ấu chúa, nhưng bị Lê Hoàn đánh bại: Đinh Điền chết tại trận, Nguyễn Bặc bị bắt sống đem về chém tại Hoa Lư.

Còn các tướng Lưu Cơ và Trịnh Tú thì bị phục kích ở Bãi Vàng. Hai ông cùng hai bộ tướng chống cự quyết liệt, giết được bốn tướng của Lê Hoàn, nhưng cuối cùng bị quân đông hơn bao vây tiêu diệt. Thế là hai bên có tám tướng chết ở trận đó. Sau, dân làng Hoa Lư xây " Bát long tự" sát phía đông Bãi Vàng (sông Hoàng Long) để thờ giải an cho tám người

Ngày nay ở Ninh Bình còn rất nhiều đền thờ ông và các vị quan trung thần khác. Theo các nhà nghiên cứu, số đền thờ các trung thần nhà Đinh nhiều hơn số đền thờ Lê Hoàn và Dương hậu phản ánh tình cảm của dân chúng đối với các ông.

Ở Hoa Lư ngày nay còn truyền khẩu thơ " Bát long tự sự tích ca" và một thơ khuyết danh khác ca ngợi công lao và lòng dũng cảm của tứ trụ, trong đó có tài ngoại giao ứng đối của tướng Trịnh Tú. Ca ngợi công lao của tứ trụ đại thần nhà Đinh, dân gian có câu:

Bặc, Điền, Cơ, Tú hiên ngang.

Trịnh, Lưu sau lại Bãi Vàng hy sinh.

Hai người đi trước quang vinh

Hai người sau sáng lung linh cõi bờ.

Điền quân sự tham mưu Ngoại Giáp,

Bặc đứng đầu đền đáp nghĩa ân,

Lưu Cơ độ hộ sức thần,

Trịnh Tú ứng đối xa gần mến danh.

Đánh giá về cái chết thê thảm của hai đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và các trung thần khác liền sau cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: "việc khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ"… Đó là "bề tôi trung nghĩa, làm không xong việc mà chết ấy là bề tôi tử tiết".

Thống nhất với chính sử, giới Nho sĩ và nhân dân cũng nhiệt liệt ca ngợi. Gần 200 đền đài miếu mạo ở vùng Hà Nam Ninh coi các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc như một tấm gương trung liệt treo cao: "Trung quán nhật nguyệt" (Lòng trung xuyên suốt mặt trời).

Tôn vinh và thờ phụng

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thế: từ thời nhà Lý trở đi các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ đều được truy phong thượng đẳng phúc thần.

Đức ông Trịnh Tú được lập đền thờ tại quê nhà ở xã Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình. Đền Quan Thái Bảo nằm ở xóm Trường Xuân, xã Liên Sơn, Gia Viễn cũng là nơi thờ riêng Trịnh Tú duy nhất ở Việt Nam. Nhiều nơi khác phối thờ ông cùng các vị tứ trụ triều Đinh là Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lưu Cơ.

Đền thờ danh tướng Trịnh Tú tại xóm Trường Xuân, xã Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình nằm trong quần thể các di tích gắn với tuổi thơ và căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh ở 4 xã Gia Thủy, Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Phú như đình Mỹ Hạ, đình Ngọc Nhị, động Hoa Lư, đình Viến, đền thờ Lưu Cơ, đình Kính Chúc,... Đền còn lưu một sắc phong của Vua Khải Định, nói về việc ông hộ tống Nam Việt Vương Đinh Liễn sang sứ Trung Hoa.

Tướng Trịnh Tú được đặt tên cho các đường phố ở thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình.

Hiện tại trung tâm thành phố Ninh Bình có khu Quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế với 4 góc có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5m, có lính canh và ngựa bằng đá.

Hiện nay, tại các di tích đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình và Nam Định, đền Tứ Trụ (quần thể di sản thế giới Tràng An), đình Bái ở xã Sơn Thành (Nho Quan) và quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế đều thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh, trong đó có quan Thái Bảo Trịnh Tú.

Theo trang Họ Trịnh Việt Nam:

Ngày 28/5/2019 đại diện HĐHTVN ( ông Trịnh Tứ- Pct) và HĐHT tỉnh Ninh Bình ( ông Trịnh Viết Kỳ - Ct, chị Trịnh Thị Ngọc - UV) đã cùng Ban xây dựng tôn tạo đền quan Thái bảo Trịnh Tú (ông Phạm Ngọc Sáu - trưởng ban, ông Trịnh Vui - Ptb, ông Lưu Danh Quỳnh - Ptb, ông Phạm Ngọc Quang - gskt) xem xét công việc thi công và tiến độ hoàn thành công trình.

Quan Thái bảo Trịnh Tú , một trong tứ trụ triều đình nhà Đinh ( thế kỷ thứ 10), được tôn thờ làm thần hoàng làng Trường Xuân, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và được các triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là Thượng đẳng thần.

Đền quan Thái bảo lâu ngày bị hư hại và bị hỏa hoạn cháy một phần . Bà con dân làng Trường Xuân không có ai họ Trịnh , nhưng đã cùng nhau góp công sức sửa chữa đền khỏi bị đổ nát. Do hoàn cảnh khó khăn, việc sửa chữa chỉ sơ sài, không đảm bảo lâu dài. Một số thân tộc Trịnh công đức xây tường bao, cổng v.v…

Qua phản ảnh và đề xuất của một số thân tộc Trịnh ở địa phương( chị Trịnh Thị Ngọc, ông Trịnh Vui), HĐHT phía Nam đã kêu gọi phát tâm công đức được trên 70 triệu đồng theo ước tính của Ban xây dựng trên cơ sở tận dụng vật liệu cũ và chắp vá.

Trước tình trạng đó, HĐHT tỉnh Ninh Bình đã vận động các thân tộc phát tâm ủng hộ thêm toàn bộ gỗ, đá, và tiền để tôn tạo công trình khang trang hơn,đảm bảo bền vững lâu dài.

HĐHT Ninh Bình và Ban xây dựng đã thống nhất với các nhà tài trợ chính ( ông Trịnh Viết Thập ủng hộ toàn bộ gỗ, đá …) sẽ tập trung thi công, dự kiến thượng lương trong tháng 6 AL và hoàn tất chánh tẩm vào cuối tháng 8 AL 2019. Công việc phục chế tượng quan Thái Bảo bị cháy một phần và trang bị nội thất , khánh thành đền đang được HĐHT Ninh Bình và Ban xây dựng trù tính sau khi hoàn thành xây dựng. Đây thực sự là một công trình hội tụ được tâm đức của dân làng và thân tộc Trịnh ở Ninh Bình và cả nước .

Nguồn: Tổng hợp InterNet

Ths Nguyễn Thy Ngà

Trở về đầu trang

0 Tổng số:

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Các tin khác

  • Đình Phú Hữu, xã Phú Sơn thờ phụng Sơn Thánh Tản Viên thời Hùng vương thứ 18
  • Đình Hương Trầm, thở phụng Quý Minh Đại vương, Quốc Mẫu Thánh Phi Đại vương và Càn Nương Bảo Hoa công chúa
  • Đình Bảo Đà, Dữu Lâu, thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và Cương Trực Đại vương
  • Đền Thượng, Thụy Vân, thờ phụng thần tướng Quý Minh Đại vương, Bạch Thạch Đại vương thời Hùng Vương thứ 18 và Đông Hải Đại Vương thời nhà Lý.
  • Đình Thanh Đình và các Lễ hội truyền thống
  • Đình Vĩnh Mộ thờ thần hoàng làng là thánh Nguyễn Như Kỳ, bộ tướng của Tản Viên Sơn thánh
  • Miếu Lãi Lèn nơi phát tích Hát Xoan Phú Thọ
  • Đình Việt Trì và Hoa Long Thiền Tự - Dấu ấn đầu tiên của Thời đại Hùng Vương
  • Hạ Hòa: Vùng đất của những di sản văn hóa lịch sử thời Hùng Vương
  • Đền Thượng xã Đan Thượng, thờ phụng thần Cao Sơn Đại vương thời Hùng Vương thứ 18
  • 12345...>>