Vai trò của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, tình hình an ninh quốc gia (ANQG) luôn được giữ vững, ổn định; tình hình hội nhập quốc tế được tăng cường mở rộng, hợp tác; nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trong nước có nhiều diễn biến phức tạp: Hoạt động của các thế lực thù địch, người việt phản động sống ở nước ngoài luôn tìm cách câu kết, móc nối với các đối tượng trong nước, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” thực hiện diễn biến hòa bình nhằm gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành những điểm nóng về an ninh, trật tự; các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra nhiều với tính chất liều lĩnh, manh động, có tổ chức. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, thông tư chỉ đạo về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó, xác định Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, chủ công, tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Có thể nói, công tác Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, của các ban, ngành, đoàn thể, sử dụng các hình thức, biện pháp để phối hợp, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động quần chúng tự giác tham gia xây dựng và bảo vệ nền ANTT, phòng ngừa phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, sự toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về ANQG và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vai trò, nhiệm vụ của lực lượng Công an trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có ý nghĩa quan trọng, nội dụng được thể hiện cụ thể như sau:

Vai trò của lực lượng Công an trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tại điều 3, Quyết định Số: 521/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13 tháng 6 năm 2005 về việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào các quy định hiện hành hướng dẫn tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hàng năm phải bảo đảm yêu cầu thiết thực, có hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức nhằm thực hiện nội dung, yêu cầu gồm: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ và xây dựng lực lượng Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp trong xã hội, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại trật tự an toàn xã hội; biểu dương, khen thưởng kịp thời với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Lực lượng Công an nhân dân (CAND) giữ vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ ANTT ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

Nghị quyết về công tác dân vận của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII cũng đã chỉ rõ “Trong giai đoạn mới của Cách mạng nước ta, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng” và coi đó là biện pháp để động viên, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở.

Trong những năm qua, Công an các địa phương đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở đạt được những kết quả cao như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng và thực hiện các Nghị quyết, Thông tư được chú trọng và triển khai sâu rộng ở mỗi đơn vị Công an địa phương; công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT thu được nhiều kết quả quan trọng; công tác xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở được các cấp, các ngành chú trọng hơn trước; nhiệm vụ giữ vững ANTT trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với xây dựng lực lượng Công an xã; công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận của lực lượng Công an tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu quả; công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng được thực hiện sâu rộng đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ của lực lượng Công an trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc

Lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt, chủ công trực tiếp trong tổ chức, vận động quần chúng bảo vệ ANTQ, mỗi một bộ phận trong lực lượng CAND đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Nhiệm vụ tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được giao cho lực lượng chuyên trách, bố trí theo ngành dọc: Cấp Bộ là Cục “Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ – V28” trực thuộc Bộ; cấp tỉnh là phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ – PV28; cấp huyện là Đội Công an xây dựng phong trào và Quản lý Bảo vệ dân phố. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là công tác vô cùng quan trọng, với nhiều lực lượng cùng tiến hành hoạt động, ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều nội dung khác nhau, vì vậy, cần phải có một lực lượng nòng cốt đủ lớn về số lượng, mạnh về chất lượng, được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn sâu để thực thi nhiệm vụ.

Nhiệm vụ của lực lượng Công an trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là tổng hợp những nội dung bao gồm như: Điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng và thực hiện các nghị quyết, thông tư; công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác triển khai xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ… Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, lực lượng CAND nói chung và Công an tại địa bàn cơ sở nói riêng đã chủ động tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học, tăng cường vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng ngừa chấn áp tội phạm và các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Công an tai địa bàn cơ sở đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan doanh nghiệp, đơn vị, rà soát đánh giá, kiện toàn tổ chức nâng cao hiệu quả của lực lượng bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, bảo vệ dân phố; rà soát lại địa bàn, củng cố các điểm tuần tra nhân dân ở các khu dân cư và trên các tuyến, điểm nóng về tình hình ANTT. ngoài ra, còn triển khai thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình nội bộ nhân dân, kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn bức xúc trong nội bộ quần chúng nhân dân; việc triển khai thực hiện Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được kịp thời tới các tầng lớp nhân dân, qua đó đã nêu cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của toàn dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào toàn bảo vệ ANTQ tại địa bàn một số địa phương còn gặp không ít những khó khăn như: Sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ còn mang tính hình thức, kết quả đạt được trong phối hợp chưa cao; ý thức chấp hành của một bộ phận quần chúng nhân dân còn chưa nghiêm, chưa đồng tình với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương; một số đối tượng lợi dụng đạo giáo lôi kéo đồng bào, các giáo dân tham gia biểu tình, tuyên truyền sai trái quan điểm chỉ đạo của Đảng; một số quần chúng nhân dân còn lơ là, thiếu cảnh giác, e ngại trong việc tố giác tội phạm; công tác triển khai nội dung, ý nghĩa “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở một số cơ quan, đoàn thể, phường, xã còn chậm.

Nguyên nhân do lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quán triệt sâu sắc đường lối dân vận của Đảng; chưa huy động tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân cùng lực lượng Công an tại địa bàn cơ sở làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT cho nhân dân và các điều kiện đảm bảo đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của phong trào; chưa chú trọng khảo sát, phân tích, đánh giá, nắm bắt hoạt động thực tế, để áp dụng những biện pháp phù hợp hiệu quả hơn, có lúc còn hình thức, chung chung; sự phối hợp trao đổi, thông tin, triển khai các kế hoạch phối hợp tuyên tuyền, đảm bảo ANTT của các lực lượng liên quan còn trì trệ, chưa kịp thời; vai trò lãnh đạo trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tuyên truyền chưa thường xuyên.

Để tình tình ANTT được giữ vững, ổn định, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở được triển khai sâu rộng, có sự tự giác, tình nguyện tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, Công an tại địa bàn cơ sở với chức năng, quyền hạn được giao, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở đạt hiệu quả, trước hết, lực lượng Công an các địa phương, trong quyền hạn của mình, cần thường xuyên điều tra, nghiên cứu nắm tình hình mọi mặt liên quan đến ANTT, cụ thể: Nắm bắt đặc điểm tình hình địa lý, dân cư; tình hình ANTT; tình hình quần chúng chấp hành đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tình hình diễn biến của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn qua từng thời kỳ; những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà kẻ xấu có thể lợi dụng để kích động quần chúng, chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ nhân dân với Đảng, với Chính quyền, với lực lượng vũ trang ở địa phương.

Phương pháp điều tra nắm tình hình phải khoa học, chính xác, khách quan, sử dụng các biện pháp thông qua nhiều nguồn khác nhau như: Nghiên cứu khai thác các tài liệu sẵn có để nắm tình hình địa bàn; tiếp xúc, gặp gỡ quần chúng nhân dân để thu thập ý kiến; trực tiếp điều tra khảo sát mọi hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân ở địa phương để làm căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết.

Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng và thực hiện các nghị quyết, thông tư

Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cần được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vai trò chủ công của lược lượng Công an trong tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân. Xác định công tác công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên; hàng năm phải xây dựng Nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình hình ANTT ở đơn vị, địa phương, công bằng, công minh, giữ đúng nguyên tắc kỷ luật. Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giao dục vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì vậy, với nhiệm vụ được giao, lực lượng Công an tại địa bàn cơ sở cần chủ động tham mưu, hướng dẫn các tổ chức, lực lượng chuyên trách tại địa phương xây dựng kế hoạch, biện pháp tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức, đối tượng khác nhau để quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, thấy rõ được vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của họ, từ đó, mỗi người dân tích cực tự nguyện tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở.

Về nội dung tuyên truyền như: Tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ về âm mưu của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, lên án những việc làm sai trái của các nhóm đối tượng phản động, lôi kéo, kích động đồng bào, giáo dân biểu tình gây rối trật tự công cộng có âm mưu chống phá Đảng; tuyên truyền giáo dục để nhân dân hiểu về đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định, phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đối với phong trào bảo vệ ANTT; nhân rộng những tấm gương người tốt việc hay ở địa phương, những sáng kiến, việc làm tốt được các cấp biểu dương, khen ngợi…

Về hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức chính trị – xã hội; thông qua hệ thống giáo dục các cấp ở địa phương để tuyên truyền giáo dục quần chúng; sử dụng lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên để tuyên truyền giáo dục quần chúng theo từng chuyên đề nổi lên có liên quan trong từng thời gian; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp quần chúng để tọa đàm, trao đổi, giải thích những vấn đề về bảo vệ ANTT.

Để công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng đạt hiệu quả, trước hết phải tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhân thức cho cán bộ của các ban trong Đảng, trong chính quyền, cán bộ lãnh đạo các ngành, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, sau đó đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sâu trong nhân dân, động viên mọi người cùng có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục lẫn nhau, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị, tư tưởng trong nhân dân.

Kết hợp tuyên truyền giáo dục rộng rãi với tuyên truyền giáo dục cá biệt bằng lời lẽ đơn giản và thực tế sinh động; kết hợp chặt chẽ giữa việc tuyên truyền giáo dục quần chúng thực hiện nội dung, nhiệm vụ bảo vệ ANTT với việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kết hợp giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với cộng đồng. Kịp thời biểu dương người tốt việc tốt, khuyến khích các điển hình tiên tiến, đồng thời, lên án những hành động tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ tư, công tác xây dựng mô hình và nhân điển hình tiên tiến

Xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến làm cơ sở để tổ chức vận động quần chúng bảo vệ ANTQ. Điển hình tiên tiến là những cá nhân, đơn vị, cơ sở đạt được thành tích xuất sắc, người có uy tín trong quần chúng nhân dân, đi đầu trong các hoạt động, là tấm gương sáng để mọi quần chúng học tập, noi theo. Cần nhân rộng điển hình tiên tiến bằng hình thức tổ chức học tập, phát triển những nhân tố tích cực của phong trào toàn dân tại cơ sở, phổ biến kinh nghiệm điển hình, động viên thúc đẩy phong trào lên một bước mới có chất lượng cao hơn, đồng đều hơn. Để nhân rộng điển hình tiên tiến đạt hiệu quả, lực lượng Công an tại cơ sở cần tham mưu cho các lực lượng chức năng khác làm tốt việc lựa chọn điển hình tiên tiến; tổ chức rút kinh nghiệm điển hình tiên tiến; phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến; tổ chức Hội nghị nhân điển hình tiên tiến và lồng ghép nội dung của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các hoạt động phong trào, các tổ chức chính trị – xã hội khác tại địa bàn cơ sở.

Thứ năm, công tác xây dựng lực lượng nòng cốt tại địa bàn cơ sở

Lực lượng nòng cốt vận động quần chúng bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở được xác định gồm các thành phần: Công an xã; Bảo vệ dân phố; lực lượng dân phòng; lực lượng Xung kích ANTT; lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Hiện nay, có một số lực lượng nằm trong thành phần trên được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo điều kiện và phát huy hơn nữa vai trò của họ như: Pháp lệnh về Công an các cấp, Nghị định của Chính phủ quy định về lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Xác định rõ vai trò của lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTQ tại địa bàn cơ sở như: Ở địa bàn thành thị, ban bảo vệ dân phố là tổ chức nòng cốt để tổ chức, vận động và hướng dẫn nhân dân trong khu vực thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT; ở địa bàn nông thôn, lực lượng Công an xã là lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ; lực lượng dân phòng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở; đối với nội bộ các cơ quan, doanh nghiệp thì lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức quần chúng liên quan trong cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người, hướng dẫn các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT trong cơ quan doanh nghiệp. Lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTQ là cầu nối giữa Công an với nhân dân, xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa Công an với nhân dân cũng chính là tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an tổ chức, vận động quần chúng bảo vệ ANTQ. Ngoài ra, một số lực lượng khác chưa được đưa vào điều chỉnh, luật hóa, mà do lực lượng CAND xác định được vai trò và tầm quan trọng của lực lượng này đối với công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTQ và đưa vào đối tượng cần phải xây dựng làm lực lượng nòng cốt như: Tổ nhân dân tự quản, tổ thanh niên xung kích, tổ phụ nữ tự quản, tổ hòa giải nhân dân,…

Trong những năm qua, với nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phụ trách, lực lượng nòng cốt vận động quần chúng bảo vệ ANTQ trên địa bàn cơ sở đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, là mắt xích vô cùng quan trọng để việc tổ chức vận động quần chúng đi vào khuôn khổ, nề nếp; trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước và ngành Công an về công tác dân vận nói chung và vận động quần chúng bảo vệ ANTQ nói riêng. Lực lượng nòng cốt là chỗ dựa quan trọng xung kích của Công an cơ sở trong tổ chức, vận động quần chúng bảo vệ ANTQ. Vì vậy, cần tiếp tục tổ chức chặt chẽ và mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng này để nâng cao kỹ năng chiến đấu; cần đầu tư các trang, thiết bị, phương tiện nghiệp vụ cho mỗi lực lượng nòng cốt để cùng với lực lượng CAND tại mỗi địa bàn cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTQ.

Thứ sáu, công tác dân vận xây dựng quần chúng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Xây dựng cá nhân và các tổ chức quần chúng nòng cốt làm hạt nhân để thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tổ chức vận động nhân dân. Cá nhân quần chúng nòng cốt vừa là hạt nhân lãnh đạo phong trào, vừa là cầu nối giữa lực lượng Công an với nhân dân; là người giúp lực lượng Công an trực tiếp hướng dẫn quần chúng thực hiện các quy định về ANTT tại địa phương. Vì vậy việc xây dựng lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở để duy trì và phát triển, đẩy mạnh phong trào, đây là một nội dung rất quan trọng không thể thiếu.

Để  xây dựng quần chúng nòng cốt cần phải lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn có uy tín với quần chúng, được quần chúng tin yêu, có khả năng và điều kiện đảm nhiệm các mặt công tác về ANTT ở cơ sở, có khả năng tổ chức, điều hành các hoạt động có liên quan đến ANTT, bản thân có ý thức tự giác, tự nguyện và trách nhiệm cao trong công việc. Cần bồi dưỡng, hướng dẫn để đội ngũ cán bộ cơ sở nắm vững chức năng nhiệm vụ, quyền hạn lề lối làm việc, mối quan hệ và phân công đảm nhiệm công việc cụ thể để cán bộ cơ sở có kế hoạch thực hiện.

Căn cứ tình hình nắm được về quần chúng, căn cứ vào tiêu chuẩn quy định, tiến hành tuyển chọn, thu nạp các thành viên tham gia tổ chức quần chúng bảo vệ ANTQ đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng. Yêu cầu các thành viên tham gia các tổ chức quần chúng phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt nhiệt tình, hăng hái, tự nguyện tự giác và được quần chúng tín nhiệm.

Tiến hành giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn cho các thành viên nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ chính sách, lề lối phương pháp hoạt động của tổ chức; phương pháp xử lý các tình huống về ANTT xảy ra; việc sử dụng các phương tiện cần thiết để bảo vệ ANTT và các kiến thức cần thiết khác có liên quan đến bảo vệ ANTT để tổ chức quần chúng triển khai hoạt động tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ANTT có hiệu quả.

Duy Hòa