Viện Công nghệ Bộ Công Thương

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với một số công nghệ nền tảng như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), in 3D, robotic… đã tạo ra sự phát triển thần tốc của khoa học và công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật và đời sống kinh tế - xã hội trong những năm gần đây.

Viện Công nghệ Bộ Công Thương

Hệ thống vận chuyển đóng bao NPK tự động của Viện IMI

TS. Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa (VIELINA) - cho biết, Viện đã chủ động nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ nền của CMCN 4.0 từ khi khái niệm CMCN 4.0 chưa có hoặc mới bắt đầu được đưa ra tại Việt Nam. Hiện nay, Viện có khá nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 đã đưa vào sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế. Điển hình như: Hệ thống điều khiển tích hợp dùng cho mỏ than hầm lò; hệ thống kiểm tra ngoại quan chất lượng sản phẩm dùng AI và thị giác máy ứng dụng cho một số doanh nghiệp FDI; hệ thống điều khiển cung cấp thức ăn và thông gió làm mát tự động cho trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ IoT...

Mới đây nhất, VIELINA đã chế tạo thành công Hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn. Hệ thống này hiện đang được sử dụng, vận hành tại Công ty Cổ phần chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Theo đánh giá của các chuyên gia ngành chè, đây là dây chuyền sản xuất chè có công suất lớn (sản xuất 50 tấn chè tươi/ngày), hiện đại nhất đang hoạt động tại Việt Nam. “Điều đáng nói là hệ thống thiết bị này do các chuyên gia Việt Nam tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt chuyển giao cho nhà máy, trong đó các công đoạn quan trọng nhất đã tự động hóa 100%, nhờ áp dụng các công nghệ 4.0 như: AI, IoT…” - TS. Nguyễn Thế Truyện nhấn mạnh.

Tại Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (còn gọi là Viện IMI), Viện luôn chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, có hàm lượng công nghệ cao, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn. Viện đã dần tiếp cận cuộc CMCN 4.0 khi chế tạo thành công hệ thống vận chuyển kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng robot công nghiệp. Hệ thống này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về khoa học và công nghệ (KH&CN), kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Viện còn đề xuất và đưa vào ứng dụng thực tế một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế CMCN 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có 2 Viện đã thực hiện cổ phần hóa (chưa kể các viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty ngành Công Thương và một số tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ).

Nhìn chung, hoạt động KH&CN của các Viện thuộc Bộ đã có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của các đề tài, dự án đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp ngành, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thời gian tới, hoạt động nghiên cứu KH&CN của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0.

Năm 2007, tại thời điểm hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại,  Bộ Công Thương quản lý mạng lưới gồm 11 Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ (09 Viện nghiên cứu chuyên ngành và 02 Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách), 12 Viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và 91. Trong hơn mười năm qua, cùng với chủ trương về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị KH&CN công lập, đặc biệt là việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, hệ thống các tổ chức KH&CN của ngành Công Thương đã liên tục thực hiện quá trình đổi mới, tái cơ cấu về quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương có 11 Viện trực thuộc và 02 Viện đã thực hiện cổ phần hóa thành mô hình Công ty cổ phần, nhà nước chiếm cổ phần chi phối, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp KH&CN: Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp và Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may.

Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là những tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi là KH&CN) đầu ngành với bề dày lịch sử phát triển từ 35 ÷ 60 năm, như Viện Nghiên cứu Cơ khí (thành lập năm 1962), Viện Công nghệ Thực phẩm (thành lập năm 1967), Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo và Viện Nghiên cứu Dệt may (thành lập năm 1969). Chức năng chủ yếu của các Viện nghiên cứu thuộc quản lý của Bộ Công Thương là: (i) Nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ thuộc ngành Công Thương; nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn trong các ngành và lĩnh vực về công nghiệp và thương mại; (ii)  Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực theo chuyên ngành của từng đơn vị; (iii) Cung cấp hoạt động tư vấn và dịch vụ KH&CN trong các lĩnh vực theo chuyên ngành của từng đơn vị; (iv) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN; (v) Công tác tiêu chuẩn hóa của ngành; (vi) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực KH&CN; (vii) Chế tạo, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thiết bị và phụ tùng trong các lĩnh vực theo chuyên ngành của từng đơn vị và các ngành, nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Các Viện có phạm vi hoạt động tương đối độc lập, đi theo các lĩnh vực chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp và năng lượng như: Lĩnh vực năng lượng (01 viện); Lĩnh vực Giấy và Bột giấy (01 viện), Lĩnh vực Da giày (01 viện), Lĩnh vực Sành sứ thủy tinh công nghiệp (01 viện), Lĩnh vực Mỏ - luyện kim (01 viện), Lĩnh vực Điện tử, tin học và tự động hóa (01 viện), Lĩnh vực Cơ khí (03 viện), Công nghiệp thực phẩm (02 viện), Lĩnh vực dệt may (01 đơn vị).

Về nguồn nhân lực, tính đến tháng cuối năm 2020, tổng số lao động của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là 1.553 người, bình quân là 120 lao động/Viện. Xét theo trình độ, số lao động có trình độ từ đại học trở lên là 1.277 người, chiếm tỷ lệ 82,2%, trong đó, số lao động có trình độ đại học 777 người, chiếm tỷ lệ 50%; thạc sỹ là 417 người, chiếm tỷ lệ 27%%; tiến sĩ là 83 người, chiếm tỷ lệ 5%. Số cán bộ có học hàm giáo sư/ phó giáo sư là 12 người, chiếm tỷ lệ 0,77%.

Về hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm của các Viện, tổng số phòng thí nghiệm (PTN) chuyên ngành là 36, trong đó chỉ có 02 PTN trọng điểm (gồm PTN trọng điểm Điện cao áp thuộc Viện Năng lượng, PTN trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí). Số lượng xưởng sản xuất, trung tâm thực nghiệm là 24 cơ sở, tập trung tại một số đơn vị như: Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.

Về năng lực tài chính, ngoài 02 Viện thực hiện cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, có 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 01 đơn vị nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và 08 đơn vị được Nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên. Nguồn tài chính chủ yếu của các đơn vị là từ hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó chủ yếu là sản xuất kinh doanh), tiếp theo là nguồn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Về đầu ra khoa học của các Viện: trong giai đoạn 2016-2020, tổng số công bố khoa học của 13 Viện là 933, trong đó có 786 công bố trong nước  và 147 công bố quốc tế . 03 đơn vị có số công bố nhiều nhất là: Viện Nghiên cứu Cơ khí (227), Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (113) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (83). Nếu xem xét đối với các công bố quốc tế, 03 Viện có số công bố quốc tế lớn nhất là: Viện Nghiên cứu Cơ khí (45), Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (32) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (19); trung bình số bài báo khoa học/cán bộ nghiên cứu giai đoạn vừa qua của các Viện đạt 0,45.

Về đầu ra công nghệ của các Viện: đây là bằng chứng quan trọng nhất đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN có tính ứng dụng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số đầu ra về công nghệ của các Viện là 197, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các Công nghệ chưa đăng ký SHTT nhưng đã chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp (75 công nghệ, chiếm 38%); tiếp theo là các Công nghệ được đăng ký SHTT, chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp (với 72 công nghệ, giải pháp, chiếm 37%). Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị có số lượng đầu ra về công nghệ lớn nhất, tiếp theo là Viện Điện tử Tin học Tự động hóa; đứng thứ 3 là Viện Công nghiệp Thực phẩm. Bên cạnh đó, các Viện cũng đạt được nhiều giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa về KH&CN trong nước và khu vực.

Về kết quả đào tạo: có 04 Viện gồm Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Điện tử Tin học và Tự động hóa, Viện Công nghiệp Thực phẩm và Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương. CTCP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp có chức năng đào tạo tiến sĩ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, bốn Viện có chức năng đào tạo trình độ tiến sĩ đã đào tạo 68 tiến sĩ, nhiều nhất là Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, 31 tiến sĩ, tiếp theo là Viện Nghiên cứu Cơ khí, 17 tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, 14 tiến sĩ và Viện Công nghiệp Thực phẩm là 6 tiến sĩ. Ngoài ra, các Viện cũng thực hiện việc phối hợp với các đơn vị đào tạo thực hiện đạo tạo cho 37 người, trong đó có 17 người trình độ đại học và 20 người trình độ sau đại học.

Bên cạnh đó, các Viện đã thực hiện tổng số 547 khóa đào tạo cho doanh nghiệp. Viện có hoạt động đào tạo mạnh nhất là Viện Nghiên cứu Cơ khí (231 khóa), tiếp theo là Viện Công nghiệp Thực phẩm (116 khóa), thứ 3 là Viện Công nghệ Giấy và Xenluylo (95 khóa).

Giai đoạn 2016 – 2020, các tổ chức KH&CN thuộc Bộ đã có những điều chỉnh quan trọng trong phương thức hoạt động, gắn với yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ các doanh nghiệp, từ đó, có những đóng góp ngày càng có ý nghĩa trong kết quả hoạt động KH&CN cũng như những thành tựu phát triển chung của ngành Công Thương.