Xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ

            Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Trong quá trình thi công có nhiều công trình chậm so với tiến độ ghi trong hợp đồng, cá biệt có công trình chậm trễ kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị của thành phố và cuộc sống của người dân. UBND thành phố luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo sâu sát vấn đề này, đặc biệt là việc xử lý vi phạm tiến độ thi công và việc bù chênh lệch chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công do chậm trễ tiến độ trong hoàn công quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

            Tiến độ thi công công trình bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có  nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng điều kiện thời tiết, vướng mặt bằng và đền bù giải tỏa, xử lý kỹ thuật, phát sinh bổ sung các biện pháp thi công, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, nguồn vốn cho công trình bị cắt giảm so với kế hoạch đã bố trí, nghỉ lễ tết theo quy định,... Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu như: không đáp ứng năng lực nên không tập trung đầy đủ vật tư, nhân lực, máy móc thiết bị để thi công; có trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi công để được tính bổ sung chênh lệch chi phí,... và cũng có trường hợp do năng lực quản lý điều hành của Chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án còn hạn chế.

Để xử lý tình trạng chậm trễ tiến độ thi công, vừa qua UBND thành phố đã có Công văn số 2999/UBND-QLĐTư ngày 08/5/2012 chỉ đạo đối với việc điều chỉnh tiến độ thi công công trình: Giao trách nhiệm cho Trưởng ban các Ban QLDA hoặc Giám đốc các Công ty được giao nhiệm vụ điều hành dự án chịu trách nhiệm về nội dung, thời gian xin gia hạn tiến độ (riêng đối với công trình vướng giải tỏa còn phải có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng) báo cáo trực tiếp UBND thành phố xem xét, quyết định gia hạn. Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đề xuất xử lý.

Việc chậm trễ tiến độ thi công công trình gây chậm trễ đưa công trình vào khai thác sử dụng dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, bên cạnh đó còn làm tăng chi phí đầu tư do phải bổ sung chi phí phát sinh do kéo dài thời gian thi công và phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán dự án hoàn thành.

Do đó tại các văn bản điều chỉnh tiến độ, chủ trương chung của UBND thành phố là: Tiến độ thi công được gia hạn nhằm làm cơ sở triển khai hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án. Cho phép gia hạn hợp đồng không có nghĩa là nhà thầu được phép thi công mà không bị xử phạt nếu việc chậm trễ tiến độ do lỗi của nhà thầu. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành được gia hạn không phải là cơ sở để tính bù giá vật liệu, nhân công và máy thi công công trình, việc bù giá phải thực hiện theo đúng chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 3860/UBND-QLĐTư ngày 30/6/2008 và Công văn số 7889/UBND-QLĐTư ngày 19/12/2008, cụ thể chỉ cho phép bù chênh lệch giá nhiên, vật liệu và nhân công, ca máy đối với phần khối lượng chậm trễ tiến độ do nguyên nhân khách quan, không bù chênh lệch đối với phần khối lượng chậm trễ tiến độ do nhà thầu gây ra. Chủ đầu tư, Điều hành dự án có trách nhiệm báo cáo giải trình cụ thể việc chậm trễ tiến độ thực hiện hợp đồng thi công và đề xuất xử phạt để Sở Tài chính xem xét trong quá trình thẩm tra quyết toán công trình hoàn thành theo quy định.

Về việc xử phạt hợp đồng đối với các công trình thi công chậm trễ tiến độ, UBND thành phố cũng đã có Công văn số 4584/UBND-QLĐTư ngày 30/7/2008, trong đó nêu rõ: Yêu cầu Chủ đầu tư, Ban QLDA khi lập Báo cáo quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình thi công chậm trễ tiến độ, phải báo cáo giải trình đầy đủ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan do chậm trễ tiến độ kèm theo hồ sơ chứng minh việc chậm trễ tiến độ do nguyên nhân khách quan; đồng thời tính toán xử phạt chẫm trễ tiến độ do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu theo cam kết trong hợp đồng trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Trường hợp các công trình thi công chậm trễ tiến độ nhưng Chủ đầu tư, Ban QLDA không giải trình đầy đủ nguyên nhân thì cơ quan thẩm tra quyết toán căn cứ các điều kiện ghi trong hợp đồng, hồ sơ dự thầu, thời gian trễ tiến độ thi công để tính toán xử phạt và khấu trừ vào giá trị quyết toán công trình.

            Theo số liệu tổng hợp tình hình quyết toán các dự án hoàn thành từ năm 2009 đến cuối năm 2012, Sở Tài chính đã đề xuất UBND thành phố xử phạt chậm tiến độ 67 công trình với số tiền gần 12 tỷ đồng.

Xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ

Ảnh: Cầu Rồng - Một trong những công trình thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu

            Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành đối với những công trình bị trễ tiến độ, đồng thời có biện pháp xử lý thích hợp đối với các đơn vị có liên quan trong việc để xảy ra chậm trễ tiến độ thi công công trình theo đúng chủ trương của UBND thành phố, đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, Điều hành dự án lưu ý một số nội dung sau trong công tác hoàn công quyết toán công trình, đó là:

- Cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan khi quyết toán hoàn thành công trình và nghiêm túc thực hiện chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 4584/UBND-QLĐTư.

- Không tính bù chênh lệch giá nhiên vật liệu và lương nhân công ca máy theo từng thời điểm thi công trong giá trị quyết toán đối với các hạng mục bị chậm trễ do lỗi của nhà thầu.

- Việc bù chênh lệch chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công phải lưu ý kiểm tra, rà soát tiến độ chi tiết toàn bộ công trình theo từng phần mục công việc (tính chất công việc, khối lượng thực hiện phải phù hợp với tiến độ thi công của hợp đồng và hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất).

- Nội dung báo cáo giải trình tiến độ phải xác định rõ phần công việc được gia hạn tiến độ; đối với công trình vướng giải tỏa đền bù phải kèm theo biên bản kiểm tra xác nhận phạm vi mặt bằng thi công chưa giải tỏa tại dự án được các bên liên quan thống nhất; kiểm tra rà soát các khu vực thi công không bị vướng mặt bằng, đền bù giải tỏa mà nhà thầu thi công chậm tiến độ, đối chiếu các nội dung của hợp đồng để đề xuất xử phạt nhà thầu theo đúng quy định (cụ thể như: khấu trừ số tiền phạt vào giá trị quyết toán công trình, không cho phép nhà thầu tham gia dự thầu các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn thành phố,...)./.

Nguyễn Văn Vĩ

Ngày 7/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA) tăng cường quản lý thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 

  • 8 địa phương đề nghị chuyển đổi đất rừng để làm cao tốc Bắc-Nam

Để đảm bảo tiến độ dự án, đặc biệt là 4 dự án thành phần có thời hạn cán đích trong năm 2022, Bộ GTVT yêu cầu giám đốc các Ban QLDA phân công lãnh đạo đơn vị thường trực tại hiện trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Các Ban QLDA cũng phải yêu cầu các nhà thầu cập nhật, điều chỉnh tiến độ thi công các tháng tiếp theo, đảm bảo bù lại phần khối lượng chậm tiến độ; xây dựng kế hoạch giải ngân phù hợp tiến độ điều chỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu xây lắp huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực, chủ động nguồn vật tư, vật liệu, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ.

Xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ
Bộ GTVT yêu cầu xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khi lựa chọn nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam.

Tại văn bản chỉ đạo lần này, Bộ GTVT cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ. Cụ thể, đối với nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ ký kết (Chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 theo quy định của hợp đồng, nhưng nhà thầu không có chuyển biến tích cực về tiến độ), Ban QLDA xem xét báo cáo Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng.

Phần khối lượng công việc chưa thực hiện đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác theo quy định trên cơ sở đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành của gói thầu; Thực hiện các thủ tục gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng (bị xử lý chấm dứt hợp đồng) sẽ được đánh giá không đáp ứng ở bước đánh giá sơ bộ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án do Bộ GTVT (từ 3 - 5 năm theo quy định hiện hành).

Đối với nhà thầu vi phạm tiến độ nhưng chưa đến mức phải xử lý chấm dứt hợp đồng, các Ban QLDA đôn đốc kiểm tra, giám sát, yêu cầu nhà thầu có giải pháp khắc phục ngay; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nếu nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án khác thuộc phạm vi quản lý.

Phạm Huyền