Bản sắc thông lệ văn hóa của thuyết kiến tạo năm 2024

Trong phần này, nhóm tác giả trình bày cụ thể và chi tiết hơn về FDI tại Việt Nam sau hơn ba thập kỷ dựa trên các tiêu chí bao gồm những sự kiện nổi bật, thực trạng và triển vọng.

TÓM TẮT: Rút gọn thuộc tính là bài toán quan trọng trong bước tiền xử lý dữ liệu của quá trình khai phá dữ liệu và khám phá tri thức. Trong mấy năm gần đây, các nhà nghiên cứu đề xuất các phương pháp rút gọn thuộc tính trực tiếp trên bảng quyết định gốc theo tiếp cận tập thô mờ (Fuzzy Rough Set FRS) nhằm nâng cao độ chính xác mô hình phân lớp. Tuy nhiên, số lượng thuộc tính thu được theo tiếp cận FRS chưa tối ưu do ràng buộc giữa các đối tượng trong bảng quyết định chưa được xem xét đầy đủ. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất phương pháp rút gọn thuộc tính trực tiếp trên bảng quyết định gốc theo tiếp cận tập thô mờ trực cảm (Intuitionistic Fuzzy Rough Set IFRS) dựa trên các đề xuất mới về hàm thành viên và không thành viên. Kết quả thử nghiệm trên các bộ dữ liệu mẫu cho thấy, số lượng thuộc tính của tập rút gọn theo phương pháp đề xuất giảm đáng kể so với các phương pháp FRS và một số phương pháp IFRS khác.

Đặt vấn đề: Bên cạnh y đức, tính chuyên nghiệp trong y khoa là một trong những năng lực cốt lõi của Điều Dưỡng tác động trực tiếp đến hiệu quả chăm sóc quản lý người bệnh. Do đó, việc xác định mức độ nhận thức của điều dưỡng về tính chuyên nghiệp là nhu cầu cấp thiết trong xây dựng chương trình huấn luyện tính chuyên nghiệp cho điều dưỡng hiệu quả và hội nhập khu vực. Mục tiêu: Xác định mức độ nhận thức của sinh viên và cựu sinh viên với các giá trị cốt lõi tính chuyên nghiệp và sự khác biệt về mức độ nhận thức về giá trị cốt lõi tính chuyên nghiệp trong hai nhóm. Phương pháp nghiên cứu: thiết kế mô tả cắt ngang từ 01/10/2020 đến 20/02/2021, thực hiện trên 208 sinh viên và 88 cựu sinh viên khoa Điều Dưỡng tại trường Đại Học Quốc Tế Miền Đông, tỉnh Bình Dương sử dụng bảng câu hỏi tính chuyên nghiệp trong y khoa áp dụng thang likert 1-5 gồm 6 thành tố đo lường tính chuyên nghiệp. Hệ số Cronbach’s Alpha của toàn thang đo 0,91 để đánh giá nhận thức các giá trị cốt lõi tính chuyên nghiệp...

Việc đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua việc xây dựng các tiêu chí về năng lực công nghệ ứng dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Kết quả dựa trên phương pháp tổng hợp tài liệu kết hợp với khảo sát doanh nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực của con người trong chuỗi hoạt động từ việc lựa chọn công nghệ theo năng lực, khả năng sử dụng công nghệ và phát triển công nghệ. Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá năng lực công nghệ: (1) Năng lực tìm kiếm công nghệ, (2) năng lực tiếp nhận công nghệ, (3) năng lực vận hành công nghệ, năng lực cải tiến và đổi mới về nguyên lý công nghệ

Nghiên cứu này nhằm khám phá tác động của Tính vị chủng, Căng thẳng kinh tế và Đánh giá sản phẩm lên sự không sẵn lòng mua hàng hóa Trung Quốc của người tiêu dùng Việt Nam. Dựa trên những sự kiện căng thẳng kinh tế gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, nghiên cứu này đánh giá lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam và sự không sẵn lòng mua hàng hóa Trung Quốc của họ như thế nào. Dựa trên dữ liệu thu thập từ 248 khách hàng, kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính cho thấy sự không sẵn lòng mua hàng hóa Trung Quốc của người tiêu dùng Việt Nam chịu tác động của ba yếu tố là Căng thẳng kinh tế, Tính vị chủng và Đánh giá sản phẩm. Nghiên cứu này có thể hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh và tiếp thị, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối các hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

văn hóa hàng ngày, bản sắc, không gian văn hóa, văn hóa sông nước, chợ nổi, đờn ca tài tử

Tóm tắt

Văn hóa – lớp vỏ biểu đạt này đã và đang mang nhiều cái được biểu đạt. Sự phong phú không chỉ thể hiện ở số lượng vài trăm định nghĩa về nó trên thế giới mà còn thể hiện ở sự khác biệt trong các lằn ranh quan niệm về nó, từ đó, dẫn đến những định hướng nghiên cứu khác nhau, những định hướng chính sách khác nhau gây nên không ít hệ lụy xã hội.

Bài viết này sẽ sử dụng lý thuyết “văn hóa hàng ngày” (everyday culture) vốn đã được đề xuất từ lâu trong nghiên cứu văn hóa trên thế giới nhưng mới được quan tâm gần đây ở Việt Nam nhằm tìm hiểu việc kiến tạo và tái kiến tạo bản sắc văn hóa Tây Nam Bộ, từ đó làm rõ hơn tính biến đổi và tính đa dạng trong văn hóa vùng Tây Nam Bộ hiện nay.

(Toquoc)- Bản sắc với tư cách một sự kiến tạo, đang đặt ra nhiều vấn đề nghiên cứu liên quan, chẳng hạn như cơ chế biểu tượng hóa của nền văn hóa dân tộc, vấn đề bản sắc và hệ tư tưởng, bản sắc và thiết chế văn hóa xã hội, bản sắc và tính chủ thể, bản sắc và toàn cầu hóa. Các ngành tâm lý học, xã hội học, văn hóa học, chính trị học, triết học, sử học… đều có các định nghĩa khác nhau về bản sắc và bản sắc dân tộc. Nghiên cứu bản sắc là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng. Bài viết này xuất phát từ bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, toàn cầu hóa thông tin hiện nay lần ngược trở lại quá khứ tìm những bài học kinh nghiệm ứng xử của các nhà văn, nhà văn hóa Việt Nam trước bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, phương Tây hóa, Pháp hóa hồi đầu thế kỷ 20. Sau đó khảo sát những ứng xử có tính đại diện của đương đại, diễn giải lại những tưởng tưởng về dân tộc, về bản sắc dân tộc của các nhà văn, nhà phê bình, đồng thời đề xuất những vấn đề có thể tiếp tục được thảo luận.

Toàn cầu hóa văn hóa: bản sắc trở thành vấn đề trung tâm

Toàn cầu hóa với tính cách một hệ tư tưởng, một hiện tượng, một quá trình phương Tây hóa, không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, mà còn tác động mạnh mẽ đến cấu trúc văn hóa của nhiều quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa đem lại cho chúng ta, một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, cơ hội để phát triển văn hóa, giao lưu liên văn hóa với các nước trên thế giới, song cũng đưa đến không ít thách thức. Sự xuất hiện ở khắp nơi những cái khác - thông tin khác, văn hóa khác, mẫu hình khác, biểu tượng khác, thông điệp và giá trị khác… đang thực sự trở thành một thách thức không nhỏ đối với nền văn hóa dân tộc.

Trước sự phương Tây hóa, Mỹ hóa mạnh mẽ nhằm tạo ra một thế giới phẳng, việc tái diễn giải bản sắc dân tộc, đề cao trách nhiệm công dân ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết của bất kỳ quốc gia nào. Lâu nay, chúng ta thường nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu/tư tưởng “hòa nhập nhưng không hòa tan”, về thực chất đây chính là một trong những diễn ngôn thể hiện thái độ vừa tôn trọng toàn cầu hóa như một quá trình không thể đảo ngược, một chiến lược hướng tới tránh những xung đột/mâu thuẫn văn hóa tiềm ẩn, nỗ lực rút ngắn khoảng cách văn hóa, vừa ngầm kháng cự lại ảnh hưởng tiêu cực (những mặt trái) của toàn cầu hóa, chống lại sự đồng hóa văn hóa của phương Tây, của chủ nghĩa tư bản - thực dân, xét từ lập trường dân tộc. Đó là một lựa chọn chính trị phù hợp với thực tế, vì lợi ích phát triển đất nước, đồng thời là một cam kết khẳng định bản lĩnh dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc và duy trì những giá trị truyền thống. Bài học ứng xử của Nga và nhiều nước khác trước bối cảnh chủ nghĩa duy lý châu Âu đang thúc đẩy khí thế hiện đại hóa quốc gia trước đây, là lựa chọn con đường hiện đại hóa rượt đuổi, để “tránh sự tan rã và số phận là thuộc địa của châu Âu”.

Một trong những tiền đề của chiến lược phương Tây hóa, toàn cầu hóa văn hóa chính là quan niệm phân chia trung tâm - ngoại vi, văn minh - dã man của các nước phương Tây. Ngô Tất Tố, hồi đầu thế kỉ đã chỉ ra diễn ngôn toàn cầu hóa của phương Tây như sau: “nếu không được nghe, chắc các bạn cũng nhiều lần được đọc những lời hùng hồn của mấy ông đế quốc cắt nghĩa với kẻ bị chinh phục về việc ‘đánh chiếm’ thuộc địa của mình. Chẳng ai dùng đến chữ ‘đánh chiếm’, người ta bảo đó là công cuộc rất nhân đạo của mấy nước văn minh vì thiên chức mà khai hóa cho những dân tộc dã man... Hễ mở miệng trước mặt lũ dân bị chinh phục, mấy ông văn minh không bao giờ quên cái giọng chứa chan nhân nghĩa ấy”. Như thế, khai khóa cho dân tộc dã man, như Việt Nam, chỉ là khẩu hiệu, một diễn ngôn hợp thức hóa tiến trình thực dân hóa, Pháp hóa của Pháp.

Cơ sở quan trọng của quá trình toàn cầu hóa văn hóa hiện nay cũng xuất phát từ quan niệm trung tâm - ngoại vi nói trên. Đi liền với quan niệm đó là sự phát triển áp đảo của các mô hình giáo dục phương Tây; sự bùng nổ của truyền thông, mà sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các phương tiện nghe - nhìn, điện thoại di động, mạng internet toàn cầu là đặc trưng. Sự phát triển của mạng internet đã làm thay đổi bức tranh truyền thông hiện đại, các không gian và các khái niệm trước kia về biên giới; thay đổi cách thức tạo dựng, tiếp nhận thông tin, cả phạm vi phổ biến và mức độ ảnh hưởng của thông tin; thay đổi thế giới quan văn hóa và hành động của mỗi cá nhân/quốc gia, kéo theo đó là vấn đề dân chủ hóa, sự phát triển văn hóa đại chúng, sự hình thành xã hội dân sự và những vấn đề chính trị phức tạp khác. Sự bùng nổ truyền thông đã góp phần quan trọng làm cho toàn cầu hóa hiện nay có quy mô và tốc độ khác với các toàn cầu hóa trước kia.

Việt Nam chính thức tham gia mạng internet toàn cầu từ năm 1997. “Sự kiện 1997” không đơn giản là sự kiện lịch sử của riêng ngành Bưu chính Viễn thông trong nước, của lĩnh vực khoa học công nghệ, mà ở chiều khác điều đó còn đồng nghĩa với việc chúng ta đã tham gia sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa thông tin, toàn cầu hóa văn hóa. Từ đây chúng ta có thêm không gian mới, không gian mạng internet, nơi hứa hẹn sẽ góp phần thực hiện tốt nhất “dự án toàn cầu hóa”, kéo con người lại gần với nhau hơn, thống nhất họ lại, xóa bỏ mọi khoảng cách, nơi đang tạo ra một cuộc cách mạng về thông tin, tri thức, văn hóa và truyền thông trên quy mô toàn cầu. Mạng internet toàn cầu rõ ràng là một thành tựu của khoa học công nghệ, song đồng thời nó cũng là một sản phẩm văn hóa, một thực thể văn hóa sinh động. Tuy nhiên do toàn cầu hóa thông tin, toàn cầu hóa văn hóa là một quá trình không kém phần gay gắt, khốc liệt so với tính kinh tế của toàn cầu hóa, hay nói cách khác trong toàn cầu hóa văn hóa, toàn cầu hóa thông tin có chiều kích chính trị - tư tưởng hệ không đơn giản, nên chúng ta cần thận trọng, tỉnh táo để nhận diện đúng bản chất, thực trạng của các “chiến lược tự sự”, trên cơ sở đó có những biện pháp ứng xử phù hợp vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc.

Toàn cầu hóa không chỉ đem lại cơ hội giao tiếp liên văn hóa mà còn thúc đẩy ý thức diễn giải về sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia dân tộc. Sự khác biệt này không nên hiểu đơn giản như một rào cản hoặc một phản ứng tự vệ văn hóa (kiểu như thu mình lại hoặc bế quan tỏa cảng) đối với tiến trình toàn cầu hóa, mà là một ý thức biện chứng về sự tồn tại khác, giá trị khác, về tính đặc thù hiển nhiên của văn hóa mỗi dân tộc trong sự đa dạng của văn hóa toàn cầu. Chúng ta nên đề cao ý thức dân tộc, ý thức về bản sắc để chống lại sự xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn hóa của phương Tây hay nói như Thomas Mohrs là sự “san bằng dần dần những khác biệt và đặc thù về mặt văn hóa và khu vực”. Ở một phía khác, toàn cầu hóa văn hóa còn đặt ra nhu cầu đối thoại, giao lưu, thông hiểu lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Và để làm được điều đó (gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, rút ngắn khoảng cách…) thì trước hết cũng phải thừa nhận có sự khác biệt giữa các nền văn hóa; tôn trọng sự khác biệt đó là tôn trọng tính đa dạng tự nhiên của các nền văn hóa. Không thể có sự sáng tạo văn học nghệ thuật trong môi trường văn hóa vô bản sắc, hoặc chân không văn hóa. Đổi mới phải dựa trên những giá trị đã trở thành truyền thống. Không thể tham gia quá trình toàn cầu hóa, bước vào con đường hiện đại hóa (cơ chế của toàn cầu hóa) bằng cách từ bỏ căn cước văn hóa để chạy theo văn hóa phương Tây, càng không thể mong muốn các nước trên thế giới công nhận và đối thoại về văn hóa với dân tộc mình bằng cách tự xóa nhòa bản sắc văn hóa dân tộc hoặc bằng bất cứ giá nào. Cũng như vậy, không thể đồng thuận với ý thức hệ toàn cầu hóa một cách dễ dãi, cần có thái độ dứt khoát đi theo hệ tư tưởng do lịch sử đã lựa chọn để bảo đảm sự độc lập, ổn định về mặt chính trị. Song song với quá trình hội nhập quốc tế, mở cửa ra thế giới, chắt lọc và tiếp biến những yếu tố mới chúng ta cần khẳng định, giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống dân tộc.

Nhu cầu bảo vệ văn hóa dân tộc, duy trì và phát huy những yếu tố tích cực trong nền văn hóa dân tộc không xung đột với nhu cầu kiến tạo giá trị hiện đại của văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa; quan hệ giữa bản sắc và hiện đại nên được nhìn nhận là quan hệ bổ sung, là tính hai mặt của một vấn đề. Nghĩa là không thể chủ quan duy ý chí lựa chọn cái này từ bỏ cái kia mà thực hiện đồng thời hai việc có ý nghĩa quan trọng như nhau: dự phần vào quá trình toàn cầu hóa để tiếp nhận và kiến tạo các giá trị hiện đại, làm giàu văn hóa dân tộc, nhưng luôn gắn bó với bản sắc, truyền thống của dân tộc mình để không bị mất gốc, đồng thời khẳng định được sự hiện diện bình đẳng và có bản sắc của dân tộc Việt Nam trên thế giới, hơn nữa việc giữ gìn bản sắc trong khi hội nhập, mở cửa cũng sẽ tránh được những quan niệm một chiều, đề cao thái quá toàn cầu hóa văn hóa.

Toàn cầu hóa văn hóa khác toàn cầu hóa kinh tế ở chỗ: toàn cầu hóa kinh tế hướng đến việc mở cửa thương mại quốc tế, xóa bỏ các ranh giới, hình thành các công ty - tổ chức xuyên/siêu/liên quốc gia, các thị trường toàn cầu; trong khi đó, toàn cầu hóa văn hóa, do quan tâm đến đa dạng văn hóa, sự chung sống giữa các nền văn hóa, “quyền được có văn hóa khác” nên càng thúc đẩy ý thức tôn trọng vấn đề bản sắc, nghĩa là những vấn đề thuộc về tính khu biệt (biên giới) văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống… của mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Như thế, trong toàn cầu hóa văn hóa, bản sắc trở thành vấn đề trung tâm. Điều này cũng được Domineque Wolton, tác giả của Toàn cầu hóa văn hóa khẳng định: “càng đi lại nhiều, càng hướng ra thế giới, tham gia vào thế giới hiện đại và vào một kiểu ‘văn hóa toàn cầu’, con người càng chứng minh được nhu cầu bảo vệ bản sắc văn hóa, bản sắc ngôn ngữ, bản sắc địa phương (TTK nhấn mạnh) của mình. Chúng ta cùng lúc vừa muốn có UMTS - thế hệ điện thoại di động thứ ba cho phép các hoạt động, tác động qua lại, nâng cao tính động - vừa muốn giữ gìn nguồn gốc, lãnh thổ và bản sắc. Con người cần cả hai, nghĩa là cả truyền thông và văn hóa, theo nghĩa rộng là về giá trị, truyền thống, biểu trưng, ngôn ngữ… Không có gì tệ hơn là coi tính hiện đại chỉ là tính động mà quên mất là tính hiện đại cần cả bản sắc… Chúng ta đồng ý với toàn cầu hóa, với tất cả những dạng thức mở cửa, miễn là bên cạnh đó phải tăng cường bản sắc”.

Ở đây, bản sắc được chúng tôi hiểu như kết quả của sự kiến tạo, một sự tự định nghĩa những khác biệt làm nên giá trị về sự sự hiện diện/tồn tại có thực của cá nhân, cộng đồng này so với cá nhân, cộng đồng khác. Sự khác biệt ấy là cơ sở của các niềm tin về sự hiện diện có căn cước, về vai trò, vị trí, hệ giá trị riêng của các chủ thể và để nó có thể được nhận diện, hợp thức hóa bởi bất kỳ ai và không bị đồng nhất, đồng hóa dễ dãi với cái khác. Ý thức về bản sắc là ý thức của mỗi chủ thể (cá nhân, cộng đồng…) về sự khác biệt, về các giá trị, các thước đo đặc thù của chính nó, làm nên chính nó, và tạo ra căn cước của nó. Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 đưa lại cho chúng ta nhiều ví dụ, đó không phải là thời đại của cái tôi, hiểu theo nghĩa hạn hẹp đối lập với cái ta, mà phải nói cho đúng là thời đại ra đời của các bản sắc cá nhân. Thơ mới trở thành phương tiện định nghĩa, tưởng tượng, hư cấu về bản sắc của các nhà thơ Tây học. Hoài Thanh, trong “Một thời đại trong thi ca”, vừa tái diễn giải lại các tưởng tượng về bản sắc của các thi nhân Việt Nam thời đại mới vừa gán cho các thi nhân ấy những bản sắc riêng, tức là ông đã sử dụng lại ngôn ngữ kiến tạo, ngôn ngữ mô tả của các thi nhân trong thơ của họ để nhận diện, phân biệt, khu biệt các cái tôi khác nhau. Trong tư cách một sự kiến tạo, sự tự ý thức, tự định nghĩa của chủ thể, bản sắc có thể thay đổi, hoặc trở thành thứ bản sắc đa bội, theo dòng thời gian, tùy vào các bối cảnh văn hóa, ý thức hệ chính trị, xã hội khác nhau, và phụ thuộc vào các thành viên trong cộng đồng - những người tự cho mình tư cách thành viên, đại diện hoặc giành được quyền để định nghĩa bản sắc của nhóm, cộng đồng, dân tộc, và định nghĩa ấy được cộng đồng, nhóm người, tập thể, thể chế hợp thức hóa, lâu dần cái “định nghĩa - tưởng tượng” hoặc sự tạo tác đó được dùng để gán cho các thành viên tham gia hoặc thuộc về nó. Xuân Diệu trước 1945, chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, định nghĩa mình như một kẻ si tình cô đơn, một “vũ trụ chứa đầy bí mật”, nhưng sau đó, dưới ảnh hưởng của ý thức hệ mới, ông hình dung mình là người “cùng xương thịt với nhân dân, Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu. Tôi sống với cuộc đời chiến đấu. Của triệu người yêu dấu gian lao”. Bản sắc dân tộc - quốc gia cũng vậy, được hiểu như kết quả của sự kiến tạo, một thực thể động, có những chuẩn mực, thước đo và giá trị đặc thù cho dân tộc - quốc gia đó; sự hình thành - tạo tác và diễn giải về bản sắc thường được gắn với những yếu tố địa lý, kinh tế, văn hóa xã hội và chính trị nhất định, với ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc, ý thức quốc gia của các thành viên trong cộng đồng, dân tộc, quốc gia đó; bản sắc không phải là một chỉnh thể đóng kín, bất biến, càng không phải là phép cộng, sự pha trộn, lai ghép đơn giản các yếu tố khác nhau. Hồi đầu thế kỉ XX, trước sự áp đảo của tư tưởng và kinh tế phương Tây, người ta hình dung Việt Nam là một dân tộc thiên về tình cảm, trực giác, cụ thể, tổng hợp, trong khi phương Tây tiêu biểu cho tinh thần phân tích, trừu tượng, lý trí. Trong nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, bản sắc được kiến tạo mới, vấn đề bản sắc dân tộc được đặt ra, hình dung theo hướng khác phù hợp với hệ tư tưởng thời đại, chẳng hạn gắn với ý thức công dân, lòng yêu nước, ý thức về Tổ quốc, về nhân dân, chủ nghĩa tập thể, Đảng, lãnh tụ; gắn với ý thức phát huy di sản tinh thần của dân tộc. Nguyễn Hồng Phong nhận xét “Trong những giá trị mà Cách mạng đảo lộn hay tạo lập nên, có hiện tượng này: lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Chủ tịch nước được toàn thể dân chúng gọi bằng Bác, cách gọi thân mật mà vẫn tôn kính, nói lên quan hệ mới giữa lãnh tụ và quần chúng, chỉ có Cách mạng và cũng chỉ có tác phong vô cùng giản dị của Bác mới xây dựng nên được: cách gọi rất Việt Nam và cũng rất cách mạng”. Kết quả của sự tự ý thức và tưởng tượng về giá trị khác biệt của cá nhân/cộng đồng tạo ra, cái chúng ta gọi là bản sắc. Đến lượt mình, bản sắc lại trở thành một thứ ngôn ngữ kiến tạo và ngôn ngữ mô tả về cá nhân/cộng đồng đó, ngôn ngữ đó giúp vào việc nhận diện, phân biệt, khu biệt; người nào/cộng đồng nào có ngôn ngữ riêng về bản thân thì người đó/cộng đồng đó có bản sắc, có một “hình ảnh” riêng. Bản sắc là một ngôn ngữ, là cái khác biệt có thể có trong những tự thuật đầy ắp ý thức khẳng định căn cước của cá nhân/cộng đồng. Bản sắc luôn luôn được định nghĩa và định nghĩa lại, luôn luôn được sinh ra và tái cấu trúc.

Văn học là một bộ phận cấu thành đồng thời là một sản phẩm văn hóa, một “bộ phận trọng yếu của các mạng tư tưởng và văn hóa” bởi vậy nó không chỉ chịu sự chị phối, quy định mà còn biểu hiện sinh động diện mạo văn hóa tư tưởng từng thời kỳ, văn học góp phần lý giải sự vận động của văn hóa, tác động trở lại sự phát triển của nó. Để đánh giá văn học cần đặt chúng vào bối cảnh văn hóa nảy sinh, muốn tìm được phương hướng, biện pháp để phát triển văn học Việt Nam hiện nay, tất nhiên cũng phải đặt văn học vào bối cảnh văn hóa xã hội đương đại.

Bài học quá khứ: kiến tạo bản sắc - phụng sự dân tộc

Toàn cầu hóa (văn hóa…) đầu thế kỉ XX gắn với quá trình thuộc địa hóa, chinh phục, khai thác thị trường mới, với công cuộc hiện đại hóa, khai hóa văn minh (đồng hóa ngôn ngữ, văn hóa) của thực dân. Một trong những tiền đề quan trọng của quá trình hiện đại hóa, phương Tây hóa/Pháp hóa về mặt ngôn ngữ và văn hóa thời kỳ này ở các nước thuộc địa là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông - ngôn ngữ ấn loát, sự hình thành và thực thi rộng rãi hệ thống giáo dục Pháp... Nói về bối cảnh toàn cầu hóa, sự giải lãnh thổ hóa và thách thức của bản sắc địa phương, Lương Đức Thiệp đã viết: “Biên giới quốc gia đã bị kinh tế hoàn cầu phá vỡ từ lâu rồi để rồi nữa san phẳng dần đi, giữa khuôn khổ đã vỡ tung ra, làm sao xây dựng được một lâu đài quốc học rực rỡ cho tinh thần cố hữu nương nhờ, trong khi cả cái bản học thuật cũ và học thuật mới của ta đều vẫn còn phải lấy vật liệu tại các kho lý thuyết của các dân tộc Á châu và Âu châu. Văn học Việt Nam ngày nay cũng như văn học bất cứ quốc gia nào muốn tiến hóa và theo kịp nấc thang tiến hóa chung của toàn thể nhân loại cũng phải nhờ vào trào lưu văn học của cả thế giới. Trên căn bản nền văn học Việt Nam sẽ nẩy nở mạnh mẽ với những bản sắc địa phương do điều kiện sinh hoạt của dân chúng Việt Nam quyết định”.

Như thế Việt Nam đã tiếp xúc với văn hóa phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp. Bài học kinh nghiệm cho hiện tại trong việc tiếp xúc, dung hợp với văn hóa ngoại lai chính là phát huy chủ nghĩa dân tộc. Lịch sử cho thấy, giới trí thức Việt Nam là tầng lớp đầu tiên nhận thức về người Khác, cái Khác - cái khác giữa mô hình văn hóa phương Tây so với văn hóa Á Đông, họ đã sớm đặt ra và đương đầu với vấn đề bản sắc văn hóa, sớm khẳng định chỗ đứng và căn cước dân tộc của người học, người viết trong bối cảnh thuộc địa hóa, hiện đại hóa của các nước thực dân. Liên hệ với các thời kỳ sau đó và hiện nay, ta thấy có một quy luật như sau: cứ khi nào chúng ta tiếp xúc, giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài thì vấn đề bản sắc lại nổi lên như một vấn đề trung tâm của quá trình đó; bản sắc như một cách tư duy về mình, không bao giờ tách khỏi những người khác, cái khác.

Sự tiếp xúc với phương Tây đem lại cơ hội để phát triển đất nước. Tiêu biểu cho ý thức về cơ hội phát triển của dân tộc trước bối cảnh phương Tây hóa đó lịch sử đã ghi nhận sự xuất hiện mẫu nhà Nho thức thời - mặc dù xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, nhưng họ lại mạnh bạo phê phán bọn nhà Nho chủ trương bế quan tỏa cảng, họ ủng hộ tư tưởng mở cửa đón gió Tây “giao thông với các cường quốc”, khắc phục sự cô lập về mặt dân tộc. Một mẫu người khác, cũng chính là sản phẩm của quá trình phương Tây hóa, là các trí thức Tây học. Nhiều nhà Nho thức thời, những chí sĩ yêu nước và trí thức Tây học (thông thạo văn Tây, đọc sách Tây) hồi đầu thế kỉ XX gặp nhau ở quan điểm: nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại theo các giá trị và nguyên tắc của châu Âu song song với việc đề cao bản sắc dân tộc, bảo tồn vốn cổ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tinh thần hướng đến quốc văn, quốc học, phụng sự quốc dân, số đông người bình dân, vì lợi ích phát triển của đất nước… thấm đẫm trong các phát ngôn, hành động của họ. Thiếu Sơn quan niệm, chúng ta đã có “bực nho uyên thâm lo về phục hưng cái cổ học”, cũng cần có “những nhà Tây học quảng bác, lo thâu nạp lấy cái tấn hóa Âu Tây”, ta phải đi từ chỗ bắt chước của người để làm chỗ hay cho mình, sau đó tự sáng tạo cái khác của mình, nghĩa là chúng ta vừa có cái đồng vừa có cái dị, nhân chỗ đồng mà đi sang chỗ dị, dị với đồng giúp đỡ lẫn nhau, nghĩa là trước sau Thiếu Sơn đều xác định chỗ đứng vì lợi ích dân tộc. Nguyễn An Ninh, một người ngay từ nhỏ đã theo học trường dòng, trực tiếp thụ hưởng nền văn hóa - giáo dục Pháp, du học ở Pháp về, nhưng như Nguyễn Văn Trung đánh giá, ông cũng không hề chối bỏ văn hóa dân tộc, Nguyễn Văn Ninh “chỉ lợi dụng tinh thần văn hóa Pháp, thể chế pháp lý Pháp để chống Pháp dưới mọi hình thức từ cải cách đến cách mạng xã hội”. Người Pháp gọi những người như Nguyễn An Ninh là “hạng công dân giả”, không thể trở thành người Pháp vì họ có lòng yêu quê hương, “không thể quên được cộng đồng ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử của họ”.

Huỳnh Thúc Kháng là một trong số những chí sĩ sớm bàn về cái khác giữa học giới các nước và học giới trong nước, giữa mĩ cảm xứ mình do ảnh hưởng từ văn hóa Tàu và mĩ cảm mới nảy sinh do tiếp xúc với văn hóa Pháp; ông ham chuộng Hán học nhưng lại là người ủng hộ sự truyền bá rộng rãi tư tưởng Âu học vào nước ta để gây dựng một “phong khí luận học”, mở “đường tự do tư tưởng”. Cũng chính Huỳnh Thúc Kháng phổ biến cái quan niệm cho rằng, nhà học giả, nhà văn Việt Nam dù ngày trước học theo Tàu, bây giờ học Tây thì cũng “phải có một cái quê hương”, phải xác định “mục đích đi học là làm việc mình, làm việc cho nước nhà mình”, cho quê hương, “không quê hương” thì trở thành hạng viết thuê, làm thuê ở các công sở đã là tột bậc. Tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hóa ngoại lai là chuyện bình thường, cần thiết, nhưng người tiếp nhận vẫn phải có điểm tựa là tinh thần dân tộc, phụng sự dân tộc.

Thiếu Sơn, trong Phê bình và cảo luận, nhận định về Phạm Quỳnh như sau: xuất thân Tây học, cảm hóa theo Tây học nhưng lại là người theo chủ nghĩa quốc gia, Phạm Quỳnh chủ trương dịch thuật các công trình của phương Tây nhằm mục đích “tài bồi cho quốc văn”, làm giàu khả năng diễn đạt của quốc ngữ; phát huy gia sản tinh thần của tiền nhân để lại, “giữ lấy nó làm cái căn bổn cho cái văn minh của nước nhà… ông muốn bảo tồn lấy cái đặc sắc trong văn hóa Đông phương, mà ông biết rằng cái văn hóa ấy cần phải dung hòa (TTK nhấn mạnh) với cái văn minh phương Tây mới có thể sống được với cái đời khoa học này… đọc văn của ông có thể biết thêm được cái tinh thần bổn sắc của nước Việt Nam”. Phan Khôi là một học giả tiêu biểu cho tinh thần hội nhập hồi đầu thế kỉ, điều này ai cũng rõ, nhưng ông cũng là tấm gương về lòng nhiệt tình chăm chút, vun đắp cho nền văn hóa, ngôn ngữ nước Việt ta: ông “rất có công với quốc văn. Quốc văn sau này mà được một ngày một hoàn toàn và có thể duy nhất được cả Nam Bắc, ấy là có một phần nhở ở công ông đã vun trồng, sửa đổi, cổ động, hô hào và nhờ ở sự ông thiệt hành ra cho người ta bắt chước”. Vũ Ngọc Phan khi làm báo, viết phê bình cũng tâm niệm văn chương đáng quý là thứ văn chương phụng sự quốc gia, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân, trở thành “tấm gương phản chiếu cuộc đời phức tạp của một dân tộc”, “phô bày với thế giới những tính cách của một dân tộc”. Sau này khi hồi tưởng lại những năm tháng cầm bút vì lý tưởng cao đẹp ấy, Vũ Ngọc Phan rút ra bài học kinh nghiệm của người làm văn nghệ: “dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, mình phải giữ gìn và phát huy nền văn hóa ưu tú của dân tộc mình, trong đó có ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật. Làm việc trên địa hạt của mình và giữ cho trong trắng, thì thế nào cũng thành công và có ích cho Tổ quốc, dù đó là phần đóng góp nhỏ bé”.

Trong số các các tác giả bàn về toàn cầu hóa văn hóa hồi đầu thế kỉ XX, Bùi Công Trừng là một trong những người có được những đánh giá khách quan, cởi mở và hiện đại về cuộc tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp. Những bàn thảo của ông về cách ứng xử trước hoàn cảnh thuộc địa hóa của phương Tây, trước hoàn cảnh “năm châu họp chợ” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa buổi đầu và của chúng ta ngày nay. Ông đã cho biết xưa nay mình vẫn “nuôi cái lý tưởng: các nhà văn trong nước cần phải góp sức trong việc bồi bổ, xây đắp nền văn hóa dân tộc”, ông nhấn mạnh Việt Nam có một nền văn hóa đặc biệt, dân tộc Việt Nam “có một sống từ phong tục đến ngôn ngữ hoàn toàn không giống một dân tộc nào”. “Tôi không tin rồi đây nền văn hóa Việt Nam sẽ đặc biệt hoàn toàn Việt Nam, không có những dấu vết gì về triết lý văn chương, kĩ thuật, phong tục, nghệ thuật của những nước ngoài đã dính líu với dân tộc ta về lịch sử dĩ vãng và hiện tại, vì tôi nghĩ, trong khi hai dân tộc tiếp xúc nhau, một nền văn hóa cao hơn bao giờ cũng ảnh hưởng mạnh vào nền văn hóa thấp kém, dầu nền văn hóa ấy thuộc về một dân tộc bị chinh phục cũng vậy… Chúng ta nên coi những ảnh hưởng ấy đã giúp một phần lớn trong công việc cấu tạo và phát triển nền văn hóa Việt Nam”, dân Việt nên “thu thái những cái hay, cái tốt của nền văn hóa Pháp” để vun đắp cho cây văn hóa Việt Nam”, “những mảnh văn hóa ở phương xa đưa lại dầu là Đông, Tây, kim cổ, chúng ta nên vui vẻ nhận lấy. Và chúng ta nhận lấy không phải để thờ phụng nó như một vật nghìn năm không thay đổi. Cũng không phải nhận lấy để đưa vào tàng cổ viện. Mà nhận lấy để đem vào lò máy đúc của tinh thần, lựa lọc lại, nung nấu lại, thêm màu sắc và sinh khí để làm món nuôi sống dân tộc Việt Nam trên con đường tiến hóa. Chúng ta nung đúc lại với cái tinh thần phấn đấu của dân tộc chúng ta, để thích hợp với đời sống của chúng ta ngày nay, để nâng cao nó lên và để gây dựng lấy một nền văn hóa tinh mĩ, góp vào gia tài chung của nhân loại”. Bùi Công Trừng coi trọng tinh thần dân tộc, cổ vũ cho một chủ nghĩa dân tộc tích cực, đề nghị các nhà văn nên tránh quan niệm hẹp hòi, ích kỉ, bế tỏa, loại bỏ cái “tinh thần đặc biệt vị chủng đi ngược với xu thế tiến hóa chung”: ông viết “hoàn cảnh năm châu hợp chợ này, một văn hóa bó hẹp trong phạm vi địa phương, thật không thể nào tự túc được. Nền văn hóa mỗi dân tộc phải do sự liên lạc giữa các nước mà mang theo tính chất quốc tế liên đới trong khoa học và nghệ thuật”.

Tổng kết phong trào Thơ mới, Hoài Thanh ghi nhận sự xuất hiện của Kẻ khác “lạ lùng chưa bao giờ từng thấy” trên đất Việt Nam, theo ông sự tiếp xúc gặp gỡ với phương Tây có ý nghĩa bước ngoặt đối với nền văn hóa dân tộc, quá trình phương Tây hóa - Âu hóa - Pháp hóa đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, làm thay đổi quan niệm và mĩ cảm của phương Đông: “sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”, phong trào Thơ mới “là kết quả không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sát nhập đế quốc Pháp và xa hơn nữa, từ hồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hóa phương Tây, cái mầm sau này sẽ nảy nở thành thơ mới”. Mặc dù vậy, Hoài Thanh vẫn thấy người Việt luôn có ý thức Việt hóa, người cầm bút luôn giữ được bản sắc, căn cước của mình. Ông nói: “hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn… Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam. Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải”. Nhiều nhà thơ, trí thức Tây học tuy có chịu ảnh hưởng phương Tây nhưng tâm hồn họ vẫn gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, với văn hóa, văn học Việt Nam, với di sản tinh thần của cha ông, “thơ của họ có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Thơ mới phát huy được bản sắc cá nhân của thi nhân, khơi dậy được “cái hồn một nòi giống”. Hoài Thanh khái quát được quy luật ứng xử của nhà thơ trước bối cảnh toàn cầu hóa hồi đầu thế kỉ như sau: tiếp thu văn hóa phương Tây có thể làm được một cuộc cách mạng thơ ca, đem lại cho thơ ca tính hiện đại, nhưng thơ ca ấy chỉ có tính cách nhất thời, dành riêng cho thế hệ Tây học mới. “Muốn tìm một nguồn sống thi ca, phải đi theo hướng khác. Ảnh hưởng của thơ Pháp giúp ta nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta cũng cốt tìm ta… Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn. Tôi tin rằng nó có thể đưa sinh khí đến cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng... Nếu các thi nhân ta đủ chân thành để thừa hưởng di sản xưa, nếu họ biết tìm đến thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh viễn hơn, sâu sắc hơn mà bình dị hơn trong linh hồn nòi giống. Nhất là ca dao sẽ đưa họ về với dân quê, nghĩa là với chín mươi phần trăm số người trong nước. Trong nguồn sống dồi dào và mạnh mẽ ấy họ sẽ tìm ra những vần thơ không phải chỉ dành riêng cho chúng ta, một bọn người có học mới, mà có thể làm nao lòng hết thảy người Việt Nam”. Kết thúc bản tổng luận về một thời đại thi ca, Hoài Thanh cho rằng, Thơ mới không phải là sản phẩm thuần túy phương Tây mà như một kết tinh của tình yêu sâu đậm của các nhà thơ đối với tiếng Việt, “họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt…Chưa bao giờ như bây giờ, họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam Phong: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn. Chưa bao giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt. Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai” . Cũng Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều - Lưu Trong Lưu sau này, trong cuốn Văn chương và hành động khi bàn về hoàn cành đất nước bị thực dân đô hộ, đã khẳng định nhà văn “không thể tự đặt mình ra ngoài thời đại, ra ngoài quốc gia”, không thể làm ngơ trước quá trình thực dân hóa. Bàn về sự Âu hóa trong riêng lĩnh vực văn chương, trong bài viết về “Một nền văn chương Việt Nam” (năm 1939), Lưu Trọng Lư tỏ ý chống xu hướng “ngoại hóa”, ông lo ngại sự Âu hóa nền văn chương Việt Nam có thể đánh mất sự độc lập, “tính cách riêng”: “với sự Âu hóa tôi sợ nền văn chương Việt Nam sẽ mất đi những tính cách riêng và rồi sẽ không còn thành thực nữa vì bị mất gốc...”. Ông gọi những người chỉ biết say mê Pháp văn là “những đứa con bội bạc”, ông đánh thức tinh thần dân tộc nơi kẻ cầm bút trước cái bối cảnh mà ông gọi là “cơn mưa to gió lớn” hay một “cuộc đời quốc tế”: “cái nhiệm vụ của nhà văn Việt Nam trong lúc này thật là nặng nề mà cũng thật rõ ràng; được chứng kiến một giai đoạn độc nhất trong lịch sử, nhà văn Việt Nam với sự tai nghe mắt thấy trong giờ phút này, phải tạo tác ra một nước Việt Nam trong văn chương… nhà văn Việt Nam trong lúc này có cái sứ mệnh phải tiếp tục quá khứ và truyền giáo quá khứ ấy lại cho hậu lai, làm cho người Việt Nam bất diệt trong tinh thần, trong tư tưởng”. Cùng quan điểm với Lưu Trọng Lưu, Lan Khai phê phán những người “lai căng” “tự nhận theo chủ nghĩa quốc tế”, chạy theo “viễn cảnh thế giới đại đồng”, Lan Khai nhấn mạnh đó là một ảo tưởng, “tâm hồn của mỗi dân tộc bao giờ cũng có những mốc giới khó lòng vượt qua”, “ngoài cái gốc nhân loại, chúng ta người thế này, kẻ thế khác, không thể một loạt giống nhau… nói rộng ra, dân tộc này đối với dân tộc kia cũng vậy. Mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Sự thực này là một cái gì rất đáng tôn trọng. Nó làm cho nhân loại có vẻ đẹp như một bức thảm trăm màu... Trong địa hạt văn chương mỗi người chúng ta cần phải giữ gìn và làm cho mỗi ngày một rạng rỡ cái tính cách của mình. Làm như thế tức là làm giàu cho cái tính chung của cả giống người vậy”. Như thế hầu hết các nhà văn Việt Nam từ đầu thế kỷ trước đã thống nhất trong quan niệm rằng sức sống của văn hóa Việt Nam nằm ngay ở những tính cách riêng của nó. Chính nhờ có sức sống, tính cách riêng, cuộc sống độc lập về tinh thần ấy, dân tộc ta đã “thắng được bao nhiêu dã tâm của ngoại địch, ta còn làm cho tên tuổi ta rực rỡ một góc trời”, công việc của văn sĩ là phải “biết làm rực rõ cái tinh thần chủng tộc trong mọi sáng tác văn chương của ta. Đó là bước đi đầu tiên để đi tới sự gây dựng một nền văn hóa Việt Nam, nghĩa là sự sáng tạo cho dân tộc Việt Nam một cuộc sống độc lập về tinh thần”. “Văn hóa đã trở thành một tiêu chuẩn chính trị trong cuộc đấu tranh chống thực dân hóa, giành độc lập về mặt chính trị” từ những ngày đầu thế kỉ XX.

Tư tưởng kiến tạo bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện tập trung nhất và được thể chế hóa, thiết chế hóa trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, năm 1943. Theo Đề cương về văn hóa Việt Nam có ba nguyên tắc lớn xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Chúng ta “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hoá Việt Nam phát triển độc lập”, qua tranh đấu về tông phái văn nghệ - chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng, tiến hành “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, ấn định mẹo văn ta, cải cách chữ quốc ngữ”; tức là chúng ta chống lại ảnh hưởng nô dịch, sự phương Tây hóa, sự hiện đại hóa văn nghệ theo mô hình Pháp hiện đại, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, bản sắc Việt Nam theo hệ tư tưởng đã được dân tộc, lịch sử lựa chọn.

Nhu cầu kiến tạo bản sắc dân tộc không chỉ thể hiện chung chung ở việc khẳng định truyền thống văn hóa lâu đời, ở sự biểu dương tinh thần chủng tộc, mà ở ngay vấn bản sắc ngôn ngữ. Đầu thế kỉ XX, trong khi quan điểm bảo vệ văn hóa truyền thống (chủ trương duy trì chế độ khoa cử, Hán học…) còn khá mạnh thì khuynh hướng kêu gọi sử dụng chữ quốc ngữ, luyện quốc văn và truyền bá văn minh trong địa cầu đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người.

Sự xuất hiện của chữ cái Latin, sự truyền bá văn hóa Pháp, ngôn ngữ Pháp ở Việt Nam là một dấu chỉ về sự hiện diện của văn hóa phương Tây, của quá trình thực dân hóa. Xung đột văn hóa giữa phái cựu và phái tân trong bối cảnh giao thời, hội nhập văn hóa lần này, chẳng qua chỉ là sự phân hóa thái độ của người dân bản địa trước quá trình thực dân hóa, phương Tây hóa văn hóa. Xét cho cùng các xung đột ấy cũng chỉ là những cách trả lời khác nhau, ngược nhau trước một câu hỏi đang hiện hữu của lịch sử lúc bấy giờ, rằng bản sắc dân tộc có phải là thực thể khép kín không, hay nó có thể tiếp biến những yếu tố ngoại lai để làm giàu cho bản sắc, tạo ra bản sắc liên hệ, bản sắc số nhiều. Trong khi bị thực dân áp đặt một ngôn ngữ mới, văn hóa mới (Pháp), trong khi mẫu hình văn hóa mà lâu nay chúng ta vẫn gắn bó bị bài bác, xói mòn giá trị, trong khi thứ ngôn ngữ lâu nay chúng ta dùng làm văn tự chính thức bị gạt ra bên lề, dân tộc ta đã từng bước tiếp nhận, học hỏi, sáng tạo và hoàn thiện chữ quốc ngữ để nó có thể tiếp tục gánh vác chức năng lưu giữ bản sắc: người Việt đã kiến tạo chữ quốc ngữ như là một bản sắc và sự hiện đại hóa của dân tộc. “Chữ quốc ngữ ra đời là một biến cố quan trọng. Nhờ đó mà ta có một nền văn học dân tộc, thuần túy Việt Nam thoát được cảnh học mướn, viết nhờ và thoát được ảnh hưởng nặng nề của ngoại quốc” trong đó bao gồm cả văn hóa Trung Hoa. Theo Thiếu Sơn khi diễn thuật tư tưởng của nước ngoài chúng ta phải dùng tiếng mẹ đẻ, dùng quốc văn của mình, dù ta có cố gắng thâu nạp tư tưởng nước ngoài đến đâu vẫn có chỗ khác, “không thâu nạp được hẳn”, hơn nữa nếu diễn thuật bằng quốc văn thì “tiềm tàng giúp cho bước nhân đồng của mình có chỗ cách dị với người”, “làm cho chỗ cách dị lại thêm lên”; quốc học, quốc văn “có quan hệ đến sự tồn vong của Tổ quốc”. Do quan niệm như thế nên Thiếu Sơn thường chú trọng đến bản sắc, cái riêng của dân tộc. Quan niệm tiếng mẹ đẻ như quốc hồn, Đông Hồ và các bạn cùng chí hướng đã lập Trí đức học xá hưởng ứng phong trào quốc văn ở ngoài Bắc, chuyên luyện quốc văn, dạy cho người khác biết yêu mến và sử dụng chữ quốc ngữ, “cha truyền con nối theo”. Ngay Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Bác Trạc, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Nhã, Trương Vĩnh Tống... từng quen với văn Tây, nhưng cũng có hồi nghỉ dùng Pháp văn để viết văn quốc ngữ. Tư tưởng xem văn hóa, ngôn ngữ thể hiện linh hồn của quốc gia, sự độc lập về văn hóa và quốc âm có liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Thiếu Sơn khoảng chục năm (1924) đã được Phạm Quỳnh nhấn mạnh. Chính Phạm Quỳnh đã khẳng quyết rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn... Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quí giá vô ngần”... một nước không thể không có quốc hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này... chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng…, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân một cõi sơn hà gấm vóc”. Xa hơn Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh có niềm tin rằng “nước ta sau này hay dở là nhờ ở chữ quốc ngữ”, chính vì có niềm tin ấy ông đã “đấu tranh không mệt mỏi cho việc truyền bá chữ quốc ngữ” (Phạm Thế Ngũ), cả đời ông phụng sự lý tưởng “làm cho chữ quốc ngữ có một tương lại rực rỡ” (Thanh Lãng)... Sự phát triển chữ quốc ngữ có quan hệ với phong trào quốc văn giai đoạn giao thời, ở ngoài Bắc trong Nam. Chữ quốc ngữ khi ấy, được coi như một phương tiện kiến tạo tính dân tộc, làm cho văn học Việt Nam có được cốt cách riêng “tiêu biểu cho sự thuần túy dân tộc”, là động lực thống nhất văn học ba miền thành một chỉnh thể. Hồi năm 1925,1926, nhân sự kiện Phan Bội Châu bị bắt, Phan Châu Trinh mất, chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ còn được báo chí, văn giới sử dụng như một phương tiện “cổ động dân tâm”, chuyển tải “tư tưởng quốc gia, chủ nghĩa cách mạng”. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Triệu Luật lại cho rằng cần phải sớm “điển chế Việt Nam văn tự”, đưa cái văn tự điển chế ấy đến với phần đông để gây dựng “nền văn học vững vàng”, “một nền văn hóa hoàn toàn Việt Nam”; ông tán đồng với quan niệm của một nhà văn Pháp rằng: “mỗi một chữ là gói cả linh hồn một chủng tộc”; “mỗi một tiếng, một chữ, là một ý niệm, khi đặt nó ông cha ta đã để tâm tư tưởng nhiều”, mất ngôn ngữ, mất tiếng nói xem như mất quốc hồn, mất quốc hồn đồng thời với việc mất chủ quyền lãnh thổ, chính trị thì coi như đất nước đã bị xóa sổ. Nếu hiểu “ngôn ngữ là bản sắc”, “không có bản sắc ngôn ngữ không có văn hóa “ thì việc đề cao ngôn ngữ dân tộc chính là đề cao văn hóa dân tộc; đề cao bản sắc ngôn ngữ cũng có nghĩa là khẳng định bản sắc văn hóa. Sự thắng thế của chữ quốc ngữ so với chữ Pháp do đó cũng phản ánh cái địa vị vẻ vang của văn hóa nước nhà... Tất cả những quan niệm và hành động đó góp phần cắt nghĩa được vì sao chúng ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phát triển văn hóa và giành được độc lập dân tộc trước thế lực thực dân mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Kinh nghiệm lịch sử ở đầu thế kỉ XX là cần mở cửa hội nhập, sử dụng đa ngôn ngữ, đa văn hóa để “mở mang tri thức”, nâng cao dân trí, thực hiện công cuộc hiện đại hóa để thích ứng với tình hình mới, quan hệ quốc tế mới, nhưng vẫn phải kiên trì và thường xuyên kiến tạo bản sắc, truyền thống, ngôn ngữ dân tộc.

*

Chủ đề của các diễn ngôn văn học về toàn cầu hóa văn hóa rất đa dạng. Có thể viết về sự xáo trộn bản sắc; nhu cầu kiến tạo bản sắc và sự tái diễn giải bản sắc văn hóa tập thể; sự sáp nhập, xói mòn và biết mất của một số yếu tố văn hóa và truyền thống nào đó; sự nổi lên của tư tưởng bài ngoại, phê phán sự lai căng văn hóa; nỗ lực diễn giải và nhận diện chỗ đứng của mẫu người văn hóa cũ trong không gian văn hóa mới; sức hấp dẫn của nền văn hóa ngoại lai; sự hình thành tư tưởng tự do về truyền thông và sự thực thi nền giáo dục mới theo mô hình phương Tây; sự hình thành và ý nghĩa của công cuộc hiện đại hóa văn hóa; sự hình thành mẫu người văn hóa mới, tiến trình chinh phục văn hóa thuộc địa của các mẫu quốc; chủ nghĩa đại đồng; sự nổi lên của văn hóa đại chúng; sự phát giác về những điểm dị đồng của hai nền văn hóa - bản địa và ngoại lai; khuynh hướng sử dụng và đề cao lối văn Tây, dịch thuật và quảng bá văn hóa phương Tây... Đây là những chủ đề bao trùm đời sống học thuật và sáng tác văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong số các sáng tác đó, có thể lựa chọn, chẳng hạn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, như một trường hợp tiêu biểu cho cách nhìn (của một bộ phận trí thức đầu thế kỉ trăn trở với) vấn đề bản sắc dân tộc, sự du nhập của văn hóa phương Tây - trào lưu Âu hóa, cách ứng xử của giới tinh hoa và bình dân với vấn đề cái khác. Về tư tưởng thế giới đại đồng có thể kể đến truyện ngắn Con dế mèn của Tô Hoài. Tất nhiên, tư tưởng về thế giới đại đồng, chủ nghĩa đại đồng không phải đến Tô Hoài mới được đề cập, trong sinh hoạt học thuật đầu thế kỉ đã có nhiều tác giả đề cập đến, nhưng về phương diện sáng tác, Con dế mèn của Tô Hoài đã hiện diện như một cái biểu đạt độc đáo về tư tưởng thế giới đại đồng - một chủ đề của thời đại toàn cầu hóa.

Ở phía khác, sự lớn mạnh và phát triển của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới suốt thế kỉ XX cũng có thể được xem như một hiện tượng toàn cầu hóa, quốc tế hóa trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà văn đứng về phương diện bản sắc văn hóa và dân tộc kêu gọi chống lại văn hóa tư sản phương Tây, chủ trương xây dựng nền văn hóa mới thống nhất, văn hóa tập thể xã hội chủ nghĩa. Khi đất nước bị chia cắt, nền văn học miền Bắc hướng đến việc kiến tạo nền văn hóa đại chúng/bình dân, một nền văn hóa thuộc về số đông. Phê bình văn học ở miền Bắc từ 1954 đến 1975 vẫn trung thành với khẩu hiệu “dân tộc, khoa học, đại chúng” như giai đoạn trước đó. Mọi hoạt động văn hóa lúc này được xem như nằm trong khuôn khổ của nhãn quan chính trị, nhà văn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Miền Bắc đề cao bản sắc dân tộc, chủ trương khai thác di sản văn nghệ truyền thống của dân tộc, nhưng cũng ra sức “xây dựng nền văn nghệ mới” bằng cách “học tập văn nghệ tiên tiến của các nước”, “phát triển quan hệ văn hóa giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước bạn trên thế giới”, đẩy mạnh việc “giới thiệu văn nghệ của dân tộc với các nước có quan hệ ngoại giao với ta. Vì chúng ta tin rằng việc trao đổi làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, đoàn kết, yêu mến nhau hơn; đồng thời cũng làm cho văn nghệ của dân tộc thêm phong phú, bản sắc văn nghệ dân tộc được tăng cường”. Trong khi đó, miền Nam bị Mỹ hóa, đề cao mô hình văn hóa phương Tây, nhưng cũng muốn giành về mình những giá trị đặc thù của dân tộc, họ cũng đưa ra các khẩu hiệu “dân tộc, dân chủ, tiến bộ”. Bên cạnh khuynh hướng đề cao phương Tây như một dòng chính vẫn tồn tại một thái độ khác, đó là phê phán văn hóa phương Tây, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tư tưởng yêu nước, tiến bộ và nhân văn.

Trần Thiện Khanh

(Còn tiếp)


Xem thêm: Trần Nhu (chủ biên), Trần Nhật Quang, Toàn cầu hóa hôm nay và thế giới thứ ba, Nxb. Trẻ, 2001

Thái độ của Đức và Pháp trước “chủ nghĩa đế quốc văn hóa của Mỹ” được Cvetkova N.A dẫn lại trong một nghiên cứu tổng quan, gợi cho ta những bài học quan trọng về việc đề cao bản sắc. Theo Cvetkova N.A, nhiều nhà nghiên cứu Đức khẳng định rằng, “chính sách đào tạo lại và chủ nghĩa đế quốc văn hóa của Mỹ ở Đức sau Thế giới thứ hai không hề đụng chạm đến các đại diện của giới tinh hoa văn hóa Đức, do có sự khác biệt trong cách hiểu khái niệm văn hóa giữa người Mỹ và người Đức: người Đức, cũng như người Pháp, luôn nhấn mạnh tính hơn hẳn về văn hóa truyền thống của mình so với văn hóa Mỹ; và vì vậy, Đức và Pháp không phải là những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Mỹ”, cho dù họ có “sử dụng các vật phẩm và tư tưởng văn hóa Mỹ” (Cvetkova N.A, “Chủ nghĩa đế quốc về văn hóa”/Niên giám thông tin khoa học xã hội nước ngoài số 2, Nxb. Khoa học xã hội,H, 2011)

Về quan niệm xem Toàn cầu hóa văn hóa là quá trình chuyển hóa, phương Tây hóa về mặt văn hóa, là sự truyền bá, phổ biến và khẳng định những chuẩn mực, những giá trị, những phương thức sống, những mẫu hình văn hóa phương Tây trong toàn nhân loại, ở đó bản sắc văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia bị đe dọa, “các quan niệm về giá trị và các mẫu hình văn hóa nền tảng bị phủ lấp, xói mòn, bị phân rã hoặc hoàn toàn bị hủy hoại và thay thế” xem thêm ý kiến của A.A.Sokolov, “Văn hóa Việt Nam: toàn cầu hóa và thị trường”/Niên giám thông tin khoa học xã hội nước ngoài số 1,2010; Thomas Mohrs, “Sự phân ranh và sự cởi mở của các thế giới quan”/Những vấn đề triết học phương Tây thế kỉ XX, Nxb.Đại học quốc gia Hà Nội, H, 2007, Granin Ju. D “Toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc”/Niên giám thông tin khoa học xã hội nước ngoài số 1, Nxb. Khoa học xã hội,2010…..

Granin Ju.D. “Toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc”/ Niên giám thông tin khoa học xã hội nước ngoài số 1, Nxb. Khoa học xã hội, 2010, tr.388

“Việc châu Âu chia thế giới thành trung tâm và ngoại vi đã mở ra thời kỳ hiện đại hóa, kéo dài bốn thế kỷ. Thực ra, mặc dù có những thành tựu kinh tế và công nghệ ở qui mô lớn, với các hình thái chính trị phát triển mạnh mẽ, nhưng châu Âu rất lâu, cho đến tận cuối thế kỉ XVIII, vẫn không giành được vị thế trung tâm kinh tế của hành tinh….. nhưng ngay từ thế kỉ XVI và XVII, người châu Âu đã tự coi mình là người quyết định số phận của thế giới khi nhận thực được ý nghĩa (qui mô) của tiềm năng mà họ sở hữu….Bắt đầu từ giữa thế kỉ XVIII, sự bành trướng của châu Âu được đẩy mạnh về hướng châu Á, từ giữa thế kỉ XIX – là hướng về châu Phi….” , “việc chia lại bản đồ thế giới trong hai cuộc chiến tranh thế giới, sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng thông tin diễn ra vào giữa và một phần ba cuối thế kỉ XX đã không làm thay đổi” được tình trạng bất bình đẳng của thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba. “Mối liên kết xuyên quốc gia vẫn tiếp tục phát triển, đã xuất hiện tổ chức UN, WTO, IMF, NATO và các tổ chức siêu quốc gia khác trong lĩnh vực chính trị, tài chính và thương mại, tuy nhiên vectơ phát triển thế giới theo sơ đồ trung tâm – ngoại vi vẫn như cũ” (Granin Ju.D. “Toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc”/ Niên giám thông tin khoa học xã hội nước ngoài số 1, Nxb. Khoa học xã hội, 2010)

Ngô Tất Tố, “Vậy thì An Nam cũng phải có thuộc địa chứ?”/Thời vụ số 101, ngày 3/2/1939. Dẫn theo Ngô Tất Tố tác phẩm, tập 1, Nxb.Văn học, 1997, tr.396

Trên thực tế năm 1993 ở Việt Nam đã hình thành mạng lưới VARNET (máy chủ đặt tại Đại học quốc gia Australia) phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục. Lúc đó việc truy cập internet diễn ra trong phạm vi hẹp và đươc khai thác chủ yếu ở chức năng thư điện tử, để truy cập internet phải thông qua điện thoại viễn thông quốc tế

Nếu tính từ sự kiện này, Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa về mặt khoa học công nghệ, và toàn cầu hóa về mặt thông tin, văn hóa sớm hơn lĩnh vực kinh tế, tài chính thương mại. Thực ra không phải như vậy. Năm 1995 Việt Nam đã nộp xin gia nhập WTO, năm 2006 WTO chính thức kết nạp Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ đến thời điểm đó Việt Nam mới chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa về mặt kinh tế. Năm 1976 Việt Nam chính thức kế tục quy chế hội viên của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và được hưởng các khoản vay từ IMF, đến năm 1984 do phát sinh nợ quá hạn với IMF, Việt Nam đã bị đình chỉ quyền vay vốn, đến năm 1993 Việt Nam mới nối lại quan hệ tài chính với IMF (http://www.chinhphu.vn/), cũng trong thời gian này Việt Nam đã nối lại quan hệ với Nhóm ngân hàng thế giới (WBG). Năm 1986, Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế, hướng đến nền kinh tế thị trường. Năm 1987, Việt Nam thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mở cửa hội nhập kinh tế và kỹ thuật với thế giới; năm 1995 Mỹ hủy bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, năm 1998 Việt Nam gia nhập APEC (khu vực hóa là một xu thế nhằm chống lại toàn cầu hóa)…

Ở đây, thuật ngữ này dùng để chỉ sự bùng nổ mạnh mẽ của thông tin, tốc độ cập nhật và lan toả, sức ảnh hưởng, truyền bá rộng rãi của thông tin trên qui mô toàn thế giới nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại (mạng interne, điện thoại….).

Thomas Mohrs, “Sự phân ranh và sự cởi mở của các thế giới quan”/Những vấn đề triết học phương Tây thế kỉ XX, Nxb.Đại học quốc gia Hà Nội, H, 2007,tr.27

Nxb.Thế giới, 2006,tr.26

Được hiểu theo hai cách: những đặc điểm riêng, những sự khác biệt giúp nhận diện chủ thể nào đó ngày càng tăng thêm, giàu có hơn, hay cái làm nên bản sắc được tăng thêm theo thời gian, không gian; và một chủ thể có có thể có nhiểu bản sắc,

Nguyễn Hồng Phong, “Tìm hiểu tính cách dân tộc”, H, Nxb. Khoa học, 1963, tr.257

Nghị quyết số 05-NQ/TW. Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 48, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2006

Lương Đức Thiệp, Văn chương và xã hội, Đại học thư xã, 1944, tr.101- 102

Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận, H. : Nam Ký, 1933

Nguyễn Văn Trung, Lục châu học, bản điện tử http://newvietart.com/index4.629.html

Dẫn theo Nguyễn Văn Trung, Lục châu học, bản điện tử http://newvietart.com/index4.629.html

Huỳnh Thúc Kháng, “Lại vấn đề chánh học cùng tá thuyết”/Tiếng dân, ngày18/10/1930, “Một vài mỹ cảm trong đời tôi”/Tiếng dân, ngày 10/3/1939

Huỳnh Thúc Kháng, “Nhà học giả phải có một cái quê hương”/Tiếng dân, ngày 17/4/1929

Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận, H. : Nam Ký, 1933

Vũ Ngọc Phan, Trên đường nghệ thuật, in lần thứ 2, H, Thủy Ký, 1944

Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, H, Nxb. Văn học, 1987

Bùi Công Trừng xuất thân từ gia đình Nho học, được Đảng Cộng sản Pháp tuyển chọn cử đi học tại trường Đại học phương Đông mang tên Stalin và tôt nghiệp năm 1930. Trong phê bình văn học, ông được nhắc đến như một trong những tác giả tích cực đấu tranh với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật những năm 1935 – 1939.

Bùi Công Trừng, “Tán thành sự gây dựng nền văn hóa Việt Nam”/Tao đàn tạp chí số 2, 16 Mars,1939

Lâu nay khi nói đến bản tổng kết phong trào Thơ mới của Hoài Thanh, chúng ta hầu như chỉ tập trung vào bài “Một thời đại trong phong trào thi ca” in trong Thi nhân Việt Nam năm 1942, mà không để ý trước đó một năm, Hoài Thanh đã công bố bài viết “Nguyên nhân sâu xa của phong trào thơ mới” (Tạp chí Tri tân số 25, tháng 11/1941). Trong bài viết năm 1941, Hoài Thanh tập trung cắt nghĩa sự đổi mới của thơ Việt Nam từ quá trình Âu hóa (toàn văn bài này, sau được in lại như phần mở đầu – có sửa chữa một số câu chữ - của bài “Một thời đại trong phong trào thi ca”), không đề cập đến những yếu tố bên trong, nhưng đến khi in Thi nhân Việt Nam ông đã thể hiện một cái nhìn hợp lý, khách quan và sâu sắc hơn, khẳng định sức sống của dân tộc, tính dân tộc, bản sắc dân tộc của Thơ mới. Bài viết của chúng tôi khảo sát nội dung chủ yếu của sự thay đổi nhận thức này ở Hoài Thanh.

Ở chỗ khác Hoài Thanh còn nói “phong trào thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bề vững”. Bàn về Thơ mới như kết quả của cuộc giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, Lưu Trọng Lư cũng không quên đặt nó trong quan hệ với di sản văn học dân tộc. Theo ông cách tân không phải là sự thay thế, loại bỏ những tượng đài, thành tựu quá khứ mà phải làm giàu có hơn gia tài văn hóa, người sáng tác cần giữ gìn bản sắc, di sản tinh thần của dân tộc, những huyền thoại, những biểu tượng văn hóa, văn học thiêng liêng, muôn đời của đất nước: “Thơ mới dầu có sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi lạc tôi cũng không vì bực thiên tài ấy mà rẻ rúng ông Nguyễn Du thân yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất diệt, nhà thi sĩ của muôn đời” (Tiểu thuyết thứ bảy số 29, ngày 15/12/1934).

Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Huế : Nguyễn Đức Phiên, 1942

Nxb. Phương Đông,H, 1936

“Một nền văn chương Việt Nam”, Tao đàn tạp chí số 2, 16 Mars, 1939

Lan Khai, “Thiên chức của văn sĩ Việt Nam”, Tao đàn tạp chí số 5, 1 Mai, 1939

Lan Khai, “Tính cách Việt Nam trong văn chương”, Tao đàn tạp chí số 4, 16 Avril, 1939

Lan Khai, “Tính cách Việt Nam trong văn chương”, Tao đàn tạp chí số 4, 16 Avril, 1939

Domineque Wolton, Toàn cầu hóa văn hóa, Nxb. Thế giới, 2006, tr.69

Thiếu Sơn, “Một thiếu sót lớn trong văn học sử Việt Nam: Đông kinh nghĩa thục”/Tuyển tập Thiếu sơn, Nghệ thuật và nhân sinh, Nxb.Văn hóa thông tin, H, 2000, tr.224

Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận, H. : Nam Ký, 1933

Phạm Quỳnh, “Bài diễn thuyết bằng quốc văn”/Nam phong tạp chí số 86 tháng 8/1924.

Thiếu Sơn, “Văn học Pháp với văn chương ta”/ ”/Tuyển tập Thiếu sơn, Nghệ thuật và nhân sinh, Nxb.Văn hóa thông tin, H, 2000, tr.204

Thiếu Sơn, “Báo giới và văn học quốc ngữ” (Bài diễn thuyết ở Hội Nam kỳ khuyến học Sài Gòn, ngày 19 Juillet 1933)

Nguyễn Triệu Luật “Muốn gây dựng một nền văn học vững vàng cho văn tự Việt Nam việc đầu tiên là phải điển chế văn tự”/Tao đàn tạo chí số 2, 16 Mars, 1939. Xem thêm: Lan Khai, “Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam?”/ Tao đàn tạo chí số 5, 1 Mai, 1939

Domineque Wolton, Toàn cầu hóa văn hóa,Nxb. Thế giới, 2006, tr.144

Lâu nay, chúng ta biết rằng, Nam kỳ (thuộc địa) là mảnh đất diễn ra sự phương Tây hóa, đồng hóa triệt để, nơi khởi phát sự hiện đại hóa văn hóa, và văn học sớm hơn Bắc và Trung kỳ (bảo hộ). Điều này có lý do quan trọng từ vấn đề bản sắc, ngôn ngữ, truyền thống… mạnh hay yếu. Nguyễn Văn Trung, trong Lục châu học, đã trích dẫn một vài nhận định của người Pháp về văn hóa và con người ở hai miền Nam Bắc nhằm cắt nghĩa vì sao Pháp áp dụng chính sách thuộc địa ở phía này, và bảo hộ ở phía kia như sau: “Ở miền Bắc, vùng đất cũ, nền văn minh làng xã khá chặt chẽ, con người đã gắn chặt với nền văn minh đó, nên rất khó thay đổi được nền văn minh này bằng nền văn minh Pháp’. Không thay đổi được thì phải tôn trọng nó và lợi dụng sự tôn trọng đó về mặt chính trị. Đó là ý nghĩa của chính sách bảo hộ, trái lại miền Nam là vùng đất mới, những người lưu dân đến cư ngụ không còn giữ được những truyền thống xưa cũ một cách chặt chẽ, họ lại là người tứ chiếng (Việt trà trộn với Tàu, Miên….) do đó có thể tác động vào những cấu trúc văn hóa lỏng lẻo này để thay thế chúng bằng văn hóa Pháp. Đó là cơ sở của chính sách đồng hóa và thuộc địa được áp dụng ở Nam kỳ.’. Vienos, ủy viên Hội đồng quản hạt, đánh giá: ‘chúng ta có trước mặt một xứ mà dân chúng không đồng nhất lắm nên có thể dễ dàng áp đặt một pháp chế mới, cũng không có những truyền thống địa phương nên có thể dễ dàng chấp nhận những thay đổi cần thiết sau khi bị chiếm đóng. Tất cả những điều trên đều tìm thấy ở Nam kỳ, dân số ở rải rác khắp xứ gồm người Tàu, người Việt, người Miên... không có một tầng lớp quí tộc địa phương, những người Việt di dân chỉ đến ở mảnh đất này gần đây, còn các viên chức hầu hết đều từ Huế gởi vào.” (Dẫn từ nguồn điện tử: http://newvietart.com/index4.629.html)

Khởi đăng Hà Nội báo từ số 40, tháng 10/1936, in sách lần đầu năm 1938

In lần đầu năm 1941, Nxb.Tân Dân, sau được viết thêm và đổi tên thành Dế mèn phiêu lưu ký (Nxb. Thanh niên)