Cảm nhận của ánh Chí vẻ vẻ đẹp của đoạn thơ sau Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

 Cảm nhận 13 câu thơ đầu Vội vàng – Xuân Diệu – Văn mẫu 11

Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra khi tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Khi mà những cung bậc cảm xúc của nhà thơ căng lên như một sợi dây đàn thì chỉ cần mượn chút gió, chút nắng đã có thể dạo nên giai điệu. Với Xuân Diệu, giai điệu ấy, bản đàn ấy phải là khúc nhạc đầu tiên lúc tâm hồn chạm vào cuộc sống, phải là khúc thanh âm trong trẻo nhất, tha thiết nhất phát ra từ một tâm hồn khao khát sống đến cháy bỏng, vì cuộc sống mà không ngại làm trái với quy luật đất trời. Tuổi trẻ chỉ có một, tình yêu con người thì vô tận thế nên lúc nào Xuân Diệu cũng thôi thúc mình sống tận hưởng, tận hiến, không lãng phí một phút giây nào lúc ta có mặt trên đời. Ý nghĩ ấy thôi thúc nhà thơ cất lên tiếng tơ lòng cũng là quan điểm sống, quan điểm nghệ thuật của mình trong bài thơ Vội vàng. Trong đó 13 câu thơ đầu tiên chính là ước muốn kì lạ và những cảm nhận về cuộc sống tươi đẹp đang mở ra trước mắt thi nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu được mệnh danh là Ông hoàng của thơ tình yêu, là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.” Trong suốt cuộc đời cống hiến cho văn nghệ, Xuân Diệu luôn để tâm hồn mình giao cảm với cuộc đời, một cuộc đời trần tục và hiện tại. Ông luôn ý thức về tuổi trẻ và tình yêu là khoảng thời gian ngắn ngủi không thể lấy lại được của con người. Tuổi trẻ chỉ thật sự có ý nghĩa khi song hành với tình yêu trong bầu ngực nóng. Và ngược lại tình yêu đủ đầy nhất, trọn vẹn nhất khi còn ở tuổi trẻ. Để bộc lộ được sự giao hoà tuyệt đối của tâm hồn và thể xác, Xuân Diệu không ngừng tìm tòi ra những phá cách trong nghệ thuật. Từ hình tượng, nhịp điệu, ngôn ngữ…đều là sự khám phá rất tinh tế, rất mới lạ.

Ngay trong tập thơ đầu tiên Thơ thơ có tất cả 64 bài ra đời trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1938, Xuân Diệu đã khắc sâu vào lòng người đọc ấn tượng mạnh về cái tôi cá nhân cuộn trào, mãnh liệt. Những khát khao vô bờ được yêu và được sống tập trung thể hiện trong bài thơ Vội vàng cũng là bài thơ tiêu biểu về lẽ sống và tình yêu của nhà thơ. Nhan đề bài thơ đã hé mở phần nào thái độ sống cuống quýt, nồng nhiệt đến cháy bỏng của thi nhân khi nhận ra sự hữu hạn của đời người. Thế nên nhà thơ tình của chúng ta có một ước muốn đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Ông muốn níu giữ thời gian để những nét xuân sắc không phai tàn.

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Đã qua rồi một giai đoạn văn chương chỉ thấy cái chung mà không thấy cái riêng, chỉ thấy những ước muốn ẩn mình trong cái ta chung rộng lớn. Thơ mới là vùng đất màu mỡ để cái tôi bén rễ, đâm chồi. Nói như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam:”Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.

Không thoát lên tiên, không quên thế tục cũng không ngẩn ngơ buồn khi đời người nhiều u hoài, Xuân Diệu chọn cho mình một ước vọng điên cuồng vượt ra ngoài những điều mà con người có thể làm được “tắt nắng”, “buộc gió”. “Nắng, gió” là câu chuyện của thời tiết, là quy luật của tạo hoá. Một ngày nắng là một ngày đã qua, một mùa gió là một mùa sẽ hết. Nắng, gió không bao giờ ngừng vận động cũng là sự tất yếu của thời gian, không thể vì con người mà ngừng trôi. Vậy nên Xuân Diệu mượn chuyện “tắt nắng”, “buộc gió” để nói lên ước nguyện muốn giữ chặt thời gian, không để nó trôi qua một cách vô tình khi mà lòng người hữu tình và đời người thì hữu hạn.

          Phép điệp “tôi muốn” đứng trước hai động từ mạnh “tắt”, “buộc” chính là khẳng định khát khao muốn chiếm lấy thời gian cho riêng mình của nhà thơ. Một khẳng định mạnh mẽ, táo bạo và ngược đời vượt lên trên sự vô lý để bộc lộ lòng ham sống đến cuồng nhiệt của bản thân. Hoá ra nhà thơ muốn trói buộc guồng quay của thời gian là để “cho màu đừng nhạt mất” và “hương đừng bay đi”. “Màu” và “hương” chính là cách nói tượng trưng cho những gì tinh túy nhất, say đắm nhất của cuộc đời. Với một người ham sống, ham yêu như Xuân Diệu thì mọi điều của thiên nhiên, tạo hoá cần phải được đón nhận một cách tận tình nhất bằng cả thị giác lẫn khứu giác. Màu là sắc màu của trăm hoa đua nở, là hình ảnh thắm tươi của cuộc đời. Hương là hương thơm ngào ngạt, hương sắc nồng nàn của tạo hoá ban cho. Tuy nhiên cách nghĩ độc đáo của Xuân Diệu cho phép chúng ta nhận ra màu và hương kia chính là màu thời gian, hương thời gian.

“Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh”

(Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ)

Trong đôi mắt xanh non của nhà thơ, cuộc sống là thiên đường, thiên nhiên là khu vườn tình ái. Ai đã trót nhìn thấy sẽ đắm say, trót đắm say sẽ không thể rời đi dù nửa bước. Hương sắc ấy được nhà thơ bày ra bằng những nét vẽ tài tình mà mỗi nét là một rung động chân thành, sâu xa.

“ Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm. Thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Từ những câu thơ năm chữ nhịp thơ khẩn trương ở phần trước, đến đây câu thơ được mở rộng ra 8 chữ để diễn tả một khoảng không gian rộng lớn, bao quát như thiên đường chốn trần gian và cũng là để cảm xúc của nhà thơ có thể từ đấy mà bộc lộ dễ dàng hơn. Tuy câu chữ dàn trải hơn nhịp thơ không vì thế mà chậm lại. Đoạn thơ vẫn giữ nhịp điệu tha thiết, hối hả với điệp từ “này đây”:“này đây tuần tháng mật”, “này đây hoa”, “này đây lá”, “này đây khúc tình si”, “này đây ánh sáng chớp hàng mi”. Cấu trúc trùng điệp này tạo âm hưởng du dương cao ngất như khúc réo rắt của bản đàn, dẫu có cấu trúc câu gần nhau nhưng vẫn không trùng lặp. Mỗi lần “này đây” xuất hiện là một hình ảnh mới lạ, độc đáo về cảnh sắc cuộc đời bày ra trước mắt. Thiên nhiên dường như dành tất cả sự ưu ái cho người nghệ sĩ hay chính người nghệ sĩ nhạy cảm đã tìm thấy ở thiên nhiên một sự tươi mới đến mê hoặc. “Này đây” tạo cảm giác như vẻ đẹp luôn có chủ ý của thiên nhiên muốn bày ra, mời gọi người đến thưởng thức.

          Kết hợp với “này đây”, “của” là cách nói rất mới đậm chất Tây. “Của” đi đôi với “này đây” tạo thành một cặp từ quấn quýt lấy nhau, không thể tách rời. Bộ đôi “của”, “này đây” cũng như những hình ảnh thiên nhiên trong đoạn thơ đều đồng bộ, song hàng, không thể thiếu nhau như cách sống tình cảm của chính nhà thơ. “Ong bướm” sẽ cùng “tuần tháng mật”, “hoa” đi với “đồng nội”, “lá” cùng “cành tơ”, “yến oanh” kết hợp “khúc tình si”. Tất cả bện vào nhau, vì nhau mà tươi trẻ, vì toả sáng cho nhau để tạo thành một bức tranh tuyệt tác tạo hóa khéo sắp bày.

          Những hình ảnh “ong bướm”, “mật”, “hoa”, “đồng nội”, “lá”, “cành tơ”…vốn là những hình ảnh rất quen thuộc không phải quá mới mẻ. Tuy nhiên cách mà Xuân Diệu để chúng xuất hiện lại qua một hơi thở tươi mới nên lúc nào cũng như quen mà lạ, như lạ mà quen. “Tuần tháng mật” gợi cho chúng ta liên tưởng đến tuần trăng mật, khoảng thời gian hạnh phúc nhất của hôn nhân và cũng là khoảng thời gian con người chìm đắm trong những khám phá mới mẻ của những điều đầu tiên tinh khôi. Thiên nhiên cũng đẹp một nét đẹp tinh khôi như thế, lũ ong bướm cũng đang trải mình trong giai đoạn say đắm nhất, nồng nàn nhất. Cách nhìn này rất mới lại, lấy con người làm chuẩn mực để đo giá trị của thiên nhiên mới đúng là phong cách của thơ mới. Cả hình ảnh “cành tơ phơ phất” cũng mang nhịp điệu lạ kỳ do cách hiệp phần vần của hai tiếng liền kề “tơ”, “phơ” tạo ra một âm vang rất lạ như chính sợi dây rung cảm của nhà thơ trước vẻ tươi non, mơn mởn của lá cành. Đâu chỉ cảm nhận thiên nhiên bằng đôi mắt, người nghệ sĩ thời đại thả tâm hồn mình để từng tế bào rung lên xúc động. Thính giác căng ra gom những thanh âm trong trẻo vào mình. Từ đấy tiếng chim yến anh đâu chỉ biết hát khúc xuân về mà còn là “khúc tình si”. Điều mới mẻ cũng là đây, vị yêu đương tràn ngập khắp không gian để cả khúc hát quen thuộc của loài chim mùa xuân trở thành khúc ca của kẻ đang say đắm, si tình.

          Không phải là “này đây” nữa, câu thơ thứ năm trong đoạn chuyển vần đột ngột “Và này đây” như nhấn mạnh xúc cảm tha thiết của nhà thơ. Người nghệ sĩ không muốn mọi thứ dừng lại ở “này đây”. Ông vẫn còn luyến tiếc khi chưa thể giăng bày ra hết mọi nguồn vui mà lòng thì nô nức quá.

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Hình ảnh thơ đi từ cụ thể “ong bướm, hoa, lá” đến trừu tượng “ánh sáng, thời gian, niềm vui” nên ý nghĩa của thiên nhiên ngày thêm khái quát. Thiên nhiên không còn ý chỉ vẻ đẹp mà còn là quan niệm sống, là sự tái tạo cảm giác say mê của người nghệ sĩ với cuộc đời. Thế nên người nghệ sĩ nhìn đời bằng đôi mắt lúc nào cũng trong vắt như thuở đầu tiên. Cái khoảnh khắc đẹp nhất, mê ly nhất khi cảnh vật hiện lên trước mắt là lúc “ánh sáng chớp hàng mi”. Hoá ra cái đẹp của thiên nhiên cũng sẽ vô nghĩa nếu không gắn với cái đẹp của con người. Nói cách khác chính vì đôi mắt biết cảm thụ kia mới là yếu tố quyết định cái đẹp hay không đẹp của vạn vật. Nhà thơ đã khám phá giây phút tuyệt diệu của ánh sáng truyền từ đôi mắt đẹp với bờ mi dài như cánh cửa của một tâm hồn trong ngần. “Thần Vui” cũng là cách nói cụ thể hoá niềm hạnh phúc, nguồn vui đến từ con người, con người mới là đối tượng trung tâm của nụ cười.

      Thiên nhiên, cảnh sắc đẹp bởi con người, vì con người mà rạng rỡ nên nhà thơ hình dung mối quan hệ giữa giữa con người và thiên nhiên như một đôi trẻ yêu nhau, say sưa trong tình yêu hạnh phúc.

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Phép so sánh này đặc biệt độc đáo, điều mà không bao giờ tìm thấy ở thơ ca trung đại. Hình ảnh cụ thể của sức sống trẻ trung “ cặp môi” so sánh với thời gian trừu tượng “tháng giêng”. Một phép so sánh đầy niềm vui trần tục của đôi lứa yêu nhau, chỉ khi tận hưởng được niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy thì mới thật sự chạm vào cái tận cùng của niềm hạnh phúc mà chỉ tuổi trẻ mới có thể cảm nhận được trọn vẹn. Cũng như tháng giêng là tháng đầu tiên của một năm, khoảng thời gian trinh nguyên, tinh khôi nhất đời người cũng rơi vào tháng giêng ấy. Chính vì niềm hạnh phúc có thể sờ thấy, có thể chạm vào nên nhà thơ đâu chỉ cảm nhận bằng con tim mà còn huy động cả vị giác để “tháng giêng” bỗng “ngon”. Biện pháp chuyển đổi cảm giác này không phải lần đầu xuất hiện trong bài thơ nhưng mỗi lần góp mặt là mỗi lần tăng thêm sức gợi cảm cho những hình ảnh thơ và nhấn mạnh mong muốn chiếm giữ, tận hưởng của thi sĩ.

          Dù chưa nói ra, nhưng qua cách mà nhà thơ cảm nhận về cuộc sống, chúng ta cùng tìm được sợi dây liên kết ngầm về một nỗi sợ mà nhà thơ luôn ám ảnh. Hoa chỉ đẹp trên nội cỏ xanh rì, lá chỉ non tơ khi còn của cành phơ phất và chiếc môi kia chỉ ngon khi còn của tháng giêng. Có nghĩa là vạn vật chỉ thật sự xuân sắc khi tuổi còn trẻ. Mùa xuân và tuổi trẻ ai cũng trải qua, và ai cũng đều sẽ mất đi. Thế nên đoạn thơ đã âm thầm đưa ra lý do vì sao ban đầu nhà thơ lại có ý định ngông cuồng “tắt nắng, buộc gió”. Phải chăng ông ý thức sâu sắc sự tàn tạ của cảnh sắc theo thời gian. Vậy nên đang sung sướng đấy bỗng phút chốc ngậm ngùi, đang hạnh phúc ngập tràn bỗng do dự, bâng khuâng.

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Câu thơ hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Một dấu chấm ở giữa câu thơ không thường thấy đã tách đôi câu thơ cũng là tách đôi cảm xúc ra làm hai nửa. Một phần thuộc về tâm trạng nô nức, say mê trước cuộc đời tươi đẹp đến tâm hồn mình đạt trạng thái “sung sướng”. Còn một kia lại là nỗi luyến tiếc khi bản thân đã “vội vàng”. Hai trạng thái tâm lý đối lập nhau vẫn thường xảy ra trong một con người quá tha thiết với đời. Nhất là con người nhạy cảm trước những chuyển dời của cuộc đời như Xuân Diệu sẽ thấy đâu đâu cũng là dự báo cho một buổi chia lìa, ngay cả khi đang tận hưởng giây phút sum vầy.

“Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”

(Giục Giã – Xuân Diệu)

Vậy nên tôi đã “vội vàng một nửa” chính là tiếng nói của lý trí đang cảnh tỉnh cảm xúc trào dâng. Niềm vui con người nơi trần thế cũng chỉ là bữa tiệc chóng tàn, vui sướng, đắm say phải chăng đã vội vàng một nửa. Biết mình không còn nhiều thời gian, không còn nhiều giây phút để mà chần chừ thế nên nhà thơ đã sống gấp, tranh thủ từng khắc để không bỏ phí phút giây nào “tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Quy luật thời gian không vì con người mà phá vỡ cũng như nắng và gió sẽ không mất đi và hương, màu của thời gian sẽ cũng mau thay đổi, phai tàn. Hôm nay rồi cũng sẽ là của hôm qua. Ngày mai cũng đến lúc là ngày qua. Vì thế mà đừng chờ đến khi nắng xuân chuyển dần sang hạ thì mới nhớ xuân. Phải biết trân trọng thời gian hiện tại cũng vì chúng ta đang sống ở hiện tại mà thôi.

Vội vàng là tiếng nói đậm đà chất Xuân Diệu vừa nồng nàn vừa ấn tượng bằng những phá cách mới lạ. Đoạn thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối luận lý về cuộc đời và cảm xúc say mê, sôi nổi của một tâm hồn luôn khao khát giao hoà với đời, chưa bao giờ cảm thấy đủ đầy, no nê hay chán nản. 13 câu thơ đầu mở ra là ngần ấy hình ảnh mới lạ, nhiều liên tưởng, so sánh và ngân vang trong điệp khúc yêu đời, yêu người, trân trọng từng khoảnh khắc cuộc đời.

Thấy được cái hay, cá ý vị của thơ Xuân Diệu mới cảm được cái tâm của người nghệ sĩ đa cảm trước cuộc đời. Thái độ sống “vội vàng”, khẩn trương của nhà thơ cũng là bài học lớn cho thế trẻ quá thờ ơ trước cái đẹp, cái hay của thiên nhiên, cuộc đời. Phải xông xáo đi đầu, phải nhập cuộc hăng say để thoả cái tuổi trẻ nhiều khát vọng mới là thông điệp nhà thơ đặt ra.

Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;

Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.

(Giục giã – Xuân Diệu)