Cảm nhận về học tập và làm theo lời Bác

BÀI THAM KHẢO:

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về nội dung cơ bản cũng như giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Người trong toàn xã hội, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, thậm chí có cả các em nhỏ, cụ già nhiệt tình tham gia… nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người chân chính, bình thường, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành một người lãnh đạo tốt, một cán bộ tốt, một đảng viên tốt, một người công dân tốt. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải xuất phát từ “chữ tâm”. Điều này trước hết xuất phát từ tấm lòng yêu kính Bác, một con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân, cho chính chúng ta. Mặt khác, mục đích của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác còn vì mục đích là để “làm người”, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý “phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Toàn Đảng, toàn dân ta đang sôi nổi thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng như căn dặn của Bác trong Di chúc: “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn liền với việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Gắn tính tự giác học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân với sự đôn đốc, kiểm tra giám sát của tổ chức Đảng và nhân dân. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Tôi luôn cho rằng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là việc làm khó. Bởi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là chuẩn mực của tất thảy những việc diễn ra trong cuộc sống thường ngày, ai cũng đều có thể học, làm theo. Khi chúng ta thực sự hiểu, chúng ta sẽ nhận ra rằng học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ là nhu cầu tự thân, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động và nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn". Đó là những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Hòa (Yên Khánh) khi trò chuyện với chúng tôi về việc làm thế nào để có thể truyền cảm hứng học tập và làm theo lời Bác cho học sinh. Cô giáo Linh là người đạt giải nhì phần thi kể chuyện tại Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, giáo viên khối Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tỉnh Ninh Bình lần thứ II, năm học 2021-2022. Dưới đây là những chia sẻ của cô giáo Thùy Linh.

Phóng viên (PV): Được biết, Thùy Linh đã cùng với các thành viên trong đoàn tuyển mang về giải nhì cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh tại Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, giáo viên khối Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tỉnh Ninh Bình lần II, năm học 2021-2022. Cô giáo có thể chia sẻ những điều mình đã lĩnh hội được qua Hội thi? 

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh: Thực ra không phải đến bây giờ tôi mới tham gia Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà hồi còn học tiểu học (lớp 5), tôi đã tham gia cuộc thi "Thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ" và đạt giải nhì cấp tỉnh. Giờ đây, tôi lại vinh dự được tham dự Hội thi với một cương vị mới - cô giáo tiểu học. Đối với tôi, Hội thi lần này không chỉ là một sân chơi bổ ích, lý thú và ý nghĩa giúp tôi được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp mà còn mang ý nghĩa lớn lao, đó là trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống thông qua các câu chuyện kể về Người. 

Những câu chuyện kể về Bác, những phần thi đầy tâm huyết, đầy tài năng của các đoàn tuyển được Sở Giáo dục và Đào tạo biên tập thành những tư liệu quý giá, những học liệu sinh động góp phần nâng cao chất lượng học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các nhà trường. Qua thi tôi đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các đồng nghiệp, trưởng thành hơn rất nhiều, xây dựng cho mình phong cách tự tin, bản lĩnh trong thuyết trình. Không chỉ mang tính chất là Hội thi, đây còn là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tập thể cán bộ, giáo viên các trường nhằm củng cố, phát huy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội thi kết thúc nhưng dư âm còn đọng mãi, giúp tôi có thêm động lực quyết tâm rèn luyện để trở thành một giáo viên tốt. 

PV: Là một giáo viên, cô đã làm gì để truyền tải những giá trị tốt đẹp về tư tưởng Hồ Chí Minh đến với học sinh? 

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là sự kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Người luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người từng nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con". Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, là một giáo viên tôi luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên chiếm lĩnh tri thức, đổi mới phương thức dạy học để học sinh có thể tiếp thu bài giảng nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

Tôi học được ở Bác Hồ về phương pháp làm việc khoa học, lối sống dung dị, gần gũi vì vậy đã luôn nỗ lực rèn luyện tác phong, lề lối làm việc, gương mẫu trong lời nói, hành động, sống gần gũi và sẻ chia với học sinh. Trong quá trình giảng dạy và đặc biệt là sau lần tham dự Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, giáo viên khối Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tỉnh Ninh Bình lần II tôi luôn trăn trở làm thế nào để tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với học sinh không chỉ thông qua những trang sách giáo khoa khô khan mà nó phải được truyền đạt một cách dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động, từ đó mới thực sự thấm sâu vào tâm trí, tình cảm của học sinh. 

Nắm bắt được tâm lý học sinh tiểu học, đó là khả năng ghi nhớ bằng trực quan, hình tượng hơn ghi nhớ bằng ngôn ngữ. Vì vậy, để học sinh có thể cảm nhận được tấm lòng yêu nước thương dân của Bác Hồ, ngoài các bài giảng trong sách tiếng Việt, tôi đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: cho học sinh xem các video, hình ảnh sinh động về hoạt động thường ngày của Bác. Trong giờ hoạt động trải nghiệm, tôi đã cho học sinh được đóng vai các nhân vật trong các mẩu chuyện ngắn về đời sống của Bác. 

Ngoài ra, tôi đã áp dụng phương pháp dạy tích hợp giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua việc liên hệ với những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau đó, hướng dẫn để học sinh biết tự tìm hiểu và biết rút ra được ý nghĩa, bài học liên hệ cho bản thân từ nội dung chuyện kể. Tôi nhận thấy thông qua hoạt động học tập này, các em bộc lộ rõ các cảm xúc, sự sáng tạo của mình và thể hiện được niềm tin yêu, sự kính trọng của mình đối với Bác; tạo hứng thú học tập cho học sinh và quan trọng hơn là tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; xây dựng cho học sinh hướng đến những hành vi tốt đẹp, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. 

PV: Theo cô giáo, làm thế nào để tạo sức hút với học sinh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh? 

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh: Theo tôi, ngành Giáo dục nên thường xuyên tổ chức thêm nhiều các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ là với giáo viên mà còn trong cả học sinh ở các cấp học. Tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên theo các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc trang bị sách báo, tài liệu, đồ dùng dạy học, video.. để giáo viên được thuận lợi trong việc sưu tầm chuyện kể về Bác và có thể tích hợp vào một số bộ môn, bảo đảm khoa học, hợp lý, hấp dẫn. Trong điều kiện cho phép, các trường có thể cho học sinh tham quan trải nghiệm Bảo tàng Hồ Chí Minh- địa chỉ đỏ trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. 

PV: Xin cảm ơn cô giáo!

Mai Lan (Thực hiện)