Chim khắc trên trống đồng là chim gì năm 2024

Tên chim Lạc và xứ sở của chim Lạc: Trên mặt trống đồng cổ Đông Sơn, dù tìm thấy ở địa điểm không gian nào (Đông Sơn, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Cổ Loa, Sông Đà, Ngọc Lũ v.v...)(1) đều không thiếu hình ảnh đàn chim mỏ dài, cổ dài, thân dài sải cánh bay quanh mặt trời. Lâu nay, người ta vẫn gọi đó là chim Lạc. Vậy, tên chim Lạc bắt nguồn từ đâu và chim Lạc thực sự là giống chim gì?

Chim khắc trên trống đồng là chim gì năm 2024

Giới nghiên cứu đã mất khá nhiều công sức để tìm nghĩa của từ "Lạc" trong cụm từ "chim Lạc". "Lạc" ở đây là từ Nôm hay từ Hán? Qua rất nhiều tranh luận và khảo cứu, sự đồng thuận nhiều hơn cả cho rằng, chữ "Lạc" này có xuất xứ từ chữ "Lạc điền" (ruộng nước). Làm ruộng nước là đặc trưng của văn hóa phương Nam (phân biệt với văn hóa phương Bắc – văn hóa Hán). Đặc điểm của ruộng Lạc là “Khai khẩn theo nước thủy triều”, “Theo nước thủy triều lên xuống mà làm ruộng”, như vậy Lạc điền là ruộng nước thủy triều, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc vương, người giúp việc là Lạc tướng. Thời Hùng Vương đã dùng rất phổ biến chữ "lạc" này: Lạc Việt, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc điền.

Địa bàn Cửu Chân thời Hùng Vương gồm Thanh Hóa, Nghệ An bên những dòng sông lớn, như: sông Mã, sông Lạch Trường, sông Yên, sông Lam, sông Cả… thời chưa có đê điều có rất nhiều ruộng theo nước thủy triều. Phát âm Thanh – Nghệ gọi ruộng nước theo thủy triều là đồng sác, ruộng sác (Thanh Hóa), đồng sạc, ruộng sạc (Nghệ An). Ca dao vẫn còn lưu dấu tích:

- Rủ nhau xuống sác mò cua

- Cua sác Giang, lang mả Ối.

- Rươi đồng sác, lác đồng sông...

Tiếng Thanh - Nghệ thuộc hệ ngôn ngữ Mường - Việt, dấu giọng thường không rõ ràng, âm S với âm L cũng không thật chính xác. Vì vậy, nơi gọi là ruộng sác, nơi lại là ruộng lác. Bởi vậy, thứ cây mọc hoang rất nhiều trên những ruộng nước được gọi là cây Lác và từ xa xưa người dân đã biết cắt chúng đem về chẻ ra phơi thành cói rồi dệt thành chiếu gọi là chiếu cói. Xứ Thanh nổi tiếng với chiếu cói Nga Sơn. Có một giống cá chỉ sinh sống trên đồng sác, thịt rất thơm ngon gọi là cá Lác (Việc làm thì nhác nhưng lại thích ăn cá Lác kho khô- thành ngữ)…

Như vậy, "lạc điền" chính là "ruộng sác", chim lạc là chim sác, loài chim ăn nước, chúa tể những cánh đồng thủy triều mênh mông trên trời dưới nước thuở chưa có đê điều.

Vậy, chim sác hay chim lạc thực sự là chim gì? Những giống chim ăn nước gồm: cò, hạc, bồ nông, vạc, diệc, giang... (mỗi giống lại gồm nhiều loài, hình thù khác nhau chút ít). Vậy, "chim Lạc" có phải là tên chung chỉ những giống chim kiếm ăn trên ruộng nước hay chỉ gọi một loài trong số chúng? Trên thực tế, trong số những giống chim ăn nước, chỉ có loài cò là quen thuộc, gắn bó với "Lạc dân" hơn cả. Chúng sống hòa thuận cùng với "Lạc dân" và cũng giống như "Lạc dân", loài cò hiền lành, cần mẫn, lặng lẽ nhặt từng con tôm, cái ốc kiếm sống. Thuở con người còn mưu sinh bằng săn bắt và hái lượm, dân Lạc Việt chả khác gì những chú cò, suốt ngày bì bõm nơi đồng sác, tối về, chim ngủ trên cây, người trú ngụ dưới gốc hòa đồng thân thiện. Có lẽ "tình bạn" từ rất lâu đời này khiến loài Cò là giống chim ít sợ người, hình ảnh những chú cò quẩn quanh bên bác nông dân và con trâu, - bò có thể gặp ở bất cứ đâu trên những ruộng cày. Như vậy, con cò - giống chim gắn bó với người dân đồng sác đã trở thành hình mẫu "chim Lạc" trên trống đồng cổ Đông Sơn. Lạc dân Đông Sơn với tất cả tình yêu mến đã cách điệu loài cò thành loài chim huyền thoại với hình ảnh mỏ dài, cổ dài, thân dài, đuôi dài, đôi cánh bát ngát sải cánh bay quanh mặt trời. Không phải ngẫu nhiên, con cò cũng xuất hiện khá nhiều trong ca dao Việt Nam, là ẩn dụ nghệ thuật về chính con người – chủ nhân đồng sác: Cái cò mày đi ăn đêm/ đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ có xáo thì xáo nước trong/ đừng xáo nước đục đau lòng cò con; Cái cò, cái vạc, cái nông/ Ba con cùng béo vặt lông con nào…; Cái cò đi đón cơn mưa/ tối tăm mù mịt ai đưa cò về…; Cái cò, cái vạc, cái nông / sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò…; Cái cò bay lả bay la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng v.v... Đúng như người xưa đã chọn lựa, lạc dân và họ nhà cò, xứng đáng là những chủ nhân của đồng sác mấy ngàn năm trước. Sự tôn vinh giống cò cho thấy sự hiền lành, giản dị trong tâm hồn, tính cách của người Lạc Việt xưa.

Xứ Thanh xưa, xứ sở của đồng sác và chim Lạc: Mấy nghìn năm trước, đất Cửu Chân rừng và biển gần như liền nhau, những cánh đồng ngày đêm nước triều lên mênh mông không bờ bến là nơi lý tưởng cho cò vạc sinh sống. Vì vậy, xứ Thanh xưa có nhiều làng cò, hiện người ta vẫn nhắc đến ba làng cò nổi tiếng: Kiên Thọ (Ngọc Lặc), Tiến Nông (Triệu Sơn) và đầm Quai Vạc hiện nằm ngay trung tâm thành phố Thanh Hóa. Nhìn vị trí các làng cò này thì thấy, làng cò như tiến gần hơn về phía biển, bởi các đồng sác dần lùi xa các cánh rừng. Làng cò Kiên Thọ có lẽ là làng cò "cổ" nhất và làng cò Quai Vạc sẽ là làng cò "trẻ" nhất của xứ Thanh?(2). Ngay bây giờ đây, đầm Quai Vạc đã lọt thỏm giữa trung tâm thành phố, người xe ồn ào, nhà san sát nhưng cò vẫn về đông đúc. Chúng còn "xông" vào nhà dân làm tổ trên các mái nhà, cãi nhau chí chóe, người dân mặc kệ để chúng muốn làm gì thì làm vì tâm niệm "đất lành chim đậu".

Vén màn sương huyền thoại trong câu chuyện vua Nguyễn Ánh được thần Hạc trắng hiển linh dẫn đường tìm đất xây trấn thành cho Thanh Hóa nên thành có tên là thành Thọ Hạc sẽ hé lộ sự thật: hơn hai trăm năm trước, từ thành Tư Phố nhìn ra phía đông, đất Thọ Hạc bây giờ còn mênh mông ruộng nước, những ruộng "lạc điền" ăn theo thủy triều sông Mã. Trên những cánh đồng ấy, cò, hạc bay trắng đồng. "Đất lành chim đậu", vị vua với tầm nhìn chiến lược thốt lên: đất trấn lị đây chứ đâu, và nó sẽ có tên là Hạc Thành! Thành Tư Phố cách Hạc thành không xa, song địa thế khác hẳn. Một bên tựa vào núi non hiểm yếu, lấy phòng thủ là chính, một bên ngự giữa đồng bằng mênh mang, hướng tới giao lưu, phát triển. Cho đến tận bây giờ thành Thọ Hạc xưa, thành phố Thanh Hóa ngày nay vẫn là trung tâm giao thông, kinh tế và văn hóa của đất Thanh. Đi liền với Thọ Hạc còn một cái tên khác gợi ý nghĩa trung tâm nguồn cội: Hạc Oa (tổ chim Hạc). Nơi đây, phải hội tụ giống chim này nhiều đến mức nào mới dám đặt danh xưng kiêu hãnh như vậy! Cũng có một vùng đất mang tên Bạch Hạc, đó là đất thuộc Phong Châu - Phú Thọ. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi và sách Lĩnh nam chích quái soạn vào thời Trần: "Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cành lá xum xuê, che lợp tới mấy ngàn dặm. Có chim hạc đến đậu nên chỗ đất đó gọi là đất Bạch Hạc". Huyền tích mơ hồ ấy dường như không thuyết phục mấy bằng hình ảnh ngã ba sông với ba dòng trắng sáng lấp lánh như hình ảnh chú bạch hạc khổng lồ tung cánh nên nơi ấy gọi là đất Bạch Hạc, ngã ba ấy gọi là ngã ba Bạch Hạc. Sự tích thành Thọ Hạc của xứ Thanh gắn với đấng quân vương có nguồn cội và dòng dõi xứ Thanh nên hiểu quê hương mình và cũng hiểu văn hóa nguồn cội xứ sở.

Đến đây đã có gì đó mách bảo về sợi dây liên hệ giữa vùng đất Hạc Oa với hình ảnh chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn. Địa chỉ tìm thấy trống đồng Đông Sơn đầu tiên cách Hạc Oa chỉ vài ki lô mét, trên cùng một thân đất. Liệu, có phải chủ nhân của Hạc Oa là những người đầu tiên đưa "người bạn" thân nhất, đáng yêu, gần gũi nhất của mình lên mặt trống đồng linh thiêng để đàn chim mỏ dài, cổ dài, cánh dài, thân dài, đuôi dài, chân dài mãi sải cánh bay vào bất tử?

Dù thế nào thì có một sự thật không thể phủ định: hình ảnh đàn chim trên trống đồng chính là giống chim nước - "chim Lạc", chủ nhân của những cánh đồng nước được người Lạc Việt cách điệu thành “chim thần”, “vật tổ” của giống nòi. Hình ảnh đàn chim đè sóng, cỡi gió, ngự trị thế giới nước bao la, chiếm lĩnh cả bầu trời cao rộng, là hiện thực cũng là ước mơ của người Lạc Việt. Hình ảnh chim lạc hóa thân vào tất cả, người mang lốt chim lạc, cây dáo, cây cung trên tay họ cũng hóa trang lông chim lạc. Từng cặp đôi trai gái giã cối đóng khố, mặc váy, mỗi chày tay là một cái lông cánh chim lạc cách điệu. Cho đến những vũ công nhảy múa cũng hóa trang lông cánh chim lạc… những con thuyền Lạc Việt mang dáng hình chim Lạc vẫn băng băng đè sóng lướt gió. Chim Lạc thống lĩnh cả Trời, Đất, Nước, bay lượn giữa bầu trời cao lộng gió, đánh bạn với mây sao, tắm mình trong ánh sáng vầng dương, dang đôi cánh mênh mông tỏa bóng mát lên muôn loài vạn vật trên mặt đất, và quẫy chân thành mái chèo khua sóng nước, vượt sông dài biển rộng. Những cánh chim Lạc ấy đã trở thành biểu tượng đích đáng cho con người, cuộc sống và khát vọng của cư dân phương Nam, cư dân Lạc điền với sắc thái văn hóa vùng sông nước.

Theo Hỏa Diệu Thúy, Báo văn hóa và đời sống

(1) Trống tìm thấy ở đâu người ta lấy địa danh nơi ấy đặt tên loại trống ấy.

(2) Cánh đồng Quai Vạc giờ chỉ còn diện tích 2.000m2, được ông chủ nhà hàng Hiền Hoa cho trồng tre, tạo đảo để cò trở về.