Giáo viên quản nhiệm là làm gì năm 2024

Không chỉ cùng ăn, cùng ngủ với HS, giáo viên quản nhiệm còn phải hòa đồng, cùng chơi với HS! (ảnh chụp tại Trường THPT Tư thục Hồng Đức, TP.HCM)

“Nghề này, nếu không quen biết thân thích, không ngoại giao tốt rất khó “sống”. Đôi lúc giáo viên đứng lớp cũng không coi giáo viên quản nhiệm ra gì. Có khi không ưa mình, họ còn nói bóng gió trước học sinh (HS) để HS coi thường mình. Hơn nữa, HS khối dân lập, tư thục không ngoan lắm. Ngay cả khi còn học ở trường đã không nhớ đến mình huống gì sau khi chúng ra trường…”. Đó là những lời “gan ruột” của một quản nhiệm “già”.

Khó khăn khó tránh khỏi!

Trong quan hệ đồng nghiệp, chuyện “ma cũ ăn hiếp ma mới” trong nghề quản nhiệm là không hiếm. Thầy T. đã từng làm quản nhiệm của một trường dân lập ở quận Tân Bình cho biết: “Quản nhiệm mới thường phải chịu thiệt thòi hơn. Nếu quản nhiệm nào không được lòng tổng quản nhiệm thì mệt lắm. Làm nghề này mà không thân thích, không khôn khéo, không ngoại giao tốt thì sớm bỏ nghề”. Thầy T. kể lại chuyện mình: “Vì gần trường tôi có rất nhiều quán cà phê, internet, các dịch vụ “câu” HS. Theo quy định nhà trường cấm HS la cà quán cà phê, hàng quán trước trường nhưng do những HS này hay quà cáp cho thầy tổng quản nhiệm nên các em vẫn ra ngoài được. Hơn nữa, cứ mỗi lần các em ra vào cổng lại mời thầy tổng quản nhiệm cà phê, thuốc lá. Tôi không đồng ý với cách làm việc đó, vậy là mâu thuẫn với mấy HS nhà giàu chỉ lo ăn chơi, đua đòi không chịu học này, mâu thuẫn với thầy tổng quản nhiệm và cả những người buôn bán trước cổng trường. Cuối cùng tôi đành bỏ nghề”. Không chỉ đồng nghiệp, nhiều giáo viên còn nhìn quản nhiệm với cái nhìn không mấy thân thiện. Thầy T. cho biết thêm: “Những quản nhiệm không được lòng giáo viên đứng lớp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Họ vì không ưa giáo viên quản nhiệm nào đó nên gián tiếp tác động vào HS, gây khó khăn cho quản nhiệm”. Một quản nhiệm ở Trường Dân lập Hồng Hà cho biết: “Làm nghề này không tránh khỏi những va chạm, thường là khi HS mất vặt gì đó, nó gọi về báo cha mẹ. Hoặc khi HS ốm, phụ huynh thấy xót con nên quở quản nhiệm không quan tâm con mình đến nơi đến chốn. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng phụ huynh cứ quở trách quản nhiệm trước rồi sau họ mới nghĩ lại. Hoặc khi HS bị xử phạt nặng tay thì phụ huynh làm ầm lên”. Quản nhiệm trẻ lại còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thầy N.V.C. ví von: “Quản nhiệm “già” cũng giống như con “hổ”, dù đã chết nằm đấy nhưng vẫn khiến người ta sợ. Còn mình không phải là “hổ” nên dù có hao hơi tắt tiếng, nhắc tới nhắc lui HS vẫn cứ… ầu ơ. Trong khi quản nhiệm “già” chỉ cần nhắc khẽ là HS lo làm ngay”. Không chỉ bận rộn với công tác quản lý HS, khảo bài cho các em, nhắc nhở các em ăn, ngủ đúng giờ giấc, quản nhiệm còn phải bận rộn với việc họp hành. Thường là mỗi tuần họp một lần vào chiều chủ nhật. Những quản nhiệm kiêm giáo viên đứng lớp phải họp với ban giám hiệu vào ngày đầu tuần. Công việc từng ngày, từng tuần của một giáo viên quản nhiệm cứ thế mà trôi đi.

Khổ vì HS… con nhà giàu!

Thầy N.V.C. kể lại: “Khi mới về trường, thầy tổng quản nhiệm nói nhỏ với tôi: Trước đây có một thầy nghiêm khắc với HS. Một hôm bọn HS tắt đèn, đợi thầy vào phòng, bất ngờ chúng trùm mền và… đánh đập túi bụi. Sau khi thầy thoát ra ngoài được thì người thầy bầm dập nhưng rồi ban giám hiệu cũng đành bỏ qua vì nếu đuổi cả lớp lấy HS đâu mà dạy. Bọn này là con nhà giàu mới có tiền vào đây học. Nghe thầy kể tôi đã thấy ngán rồi”. Một quản nhiệm lâu năm trong nghề cho biết: “HS vào các trường tư thục, dân lập thường là HS con nhà khá giả nhưng lại ham chơi, ít chịu học, mặt bằng kiến thức khá thấp, lại không ngoan lắm. Phụ huynh của các em thường ít quan tâm đến việc học của các em. Vì sự “sống còn”, vì thương hiệu, nhiều trường siết chặt kỉ luật, bằng mọi hình thức phải nâng cao chất lượng học tập. Chính vì vậy, công việc của quản nhiệm rất vất vả và thường chịu áp lực”. Thầy N.V.C chia sẻ: “Mình phải đoán được HS nghĩ gì, sẽ làm gì để mà kịp thời can thiệp. Mình xử phạt HS khác gì mình xử phạt… mình. Để chúng gây gổ, đánh nhau dù lí do gì mình cũng bị kiểm điểm”. Cô Hạnh - một giáo viên quản nhiệm khác cho biết: “Có những em bướng bỉnh, mình đặt niềm tin vào nó, mình nhỏ to đủ điều nhưng vẫn thất bại”. Cực chẳng đã phải xử phạt, vì phạt HS thì quản nhiệm cũng chẳng vui vẻ gì. Thầy H. cho biết: “Va chạm với HS là điều không tránh khỏi, vì mình tiếp xúc thường xuyên, cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với chúng nó mà. Có trường HS còn yêu cầu ban giám hiệu đổi quản nhiệm khác nữa chứ”. Một quản nhiệm lâu năm từng làm việc cho một trường dân lập tại quận Tân Bình nói: “Nhiều gia đình ở Tây nguyên trúng cà phê, nông sản nên có tiền đầu tư cho con xuống thành phố học. Nhưng họ chỉ biết có tiền chứ không quan tâm nhiều đến con họ học thế nào, cứ giao hẳn cho nhà trường. Những “cậu ấm cô chiêu” này đã học không bằng dân thành phố lại ham chơi hơn, xuống thành phố nhiều trò cám dỗ, lại sẵn tiền cha mẹ nên chơi nhiều hơn học, rất khó quản lý, khó đưa chúng vào khuôn phép, kỉ luật”. Cô Hạnh kể: “Trong bữa cơm, một em ăn rất ít, không chịu ăn rau, tôi vừa ép vừa dỗ dành để em ăn hết đĩa rau. Cái thiếu của những em này không phải là vật chất mà là thiếu sự gần gũi, sẻ chia của cha mẹ. Vì vậy nhiều em tỏ ra bướng bỉnh, có hành động cá biệt, phản ứng thái quá và tất cả đều trút trên đầu quản nhiệm. Làm nghề này đôi lúc phải “chịu đấm ăn xôi” thôi em ạ!”, cô Hạnh thở dài.

Công Việt

“Ở nhà con bỏ cơm cả tuần bố mẹ con cũng không biết. Chỉ cho tiền con thôi chứ không quan tâm như cô”.