Heo nái de tối đa bao nhiều con

Quản lý heo nái để sinh sản có hiệu quả

23/12/2020

Khả năng sinh sản của heo nái chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như con giống, thức ăn, bệnh tật. Quản lý nái sinh sản tốt sẽ giúp tăng số heo con sơ sinh sống sót, giúp tăng lợi nhuận chăn nuôi, do đó người nuôi cần áp dụng phương pháp quản lý tổng thể để nâng cao hiệu quả sinh sản.

Quản lý heo cái hậu bị. Cần chọn heo cái hậu bị từ những dòng có khả năng sinh sản tốt. Một biểu hiện về khả năng sinh sản của heo cái hậu bị thông thường là sự động dục sớm. Heo bắt đầu động dục sớm lúc 5 tháng tuổi. Nên đợi đến khi động dục lần thứ ba mới cho phối giống (khi cái hậu bị đạt ít nhất 7 tháng tuổi) nhằm tăng mức độ rụng trứng. Đối với những cái hậu bị đến 9 tháng tuổi chưa thành thục tính dục cần loại bỏ.

Heo nái de tối đa bao nhiều con

Phát hiện động dục. Heo cái hậu bị thường thành thục tính dục lúc 5-6 tháng tuổi (150-180 ngày tuổi), với trọng lượng đạt 80 – 110kg. Chu kỳ động dục 20-21 ngày. Heo nái thường động dục lại sau khi cai sữa 3-8 ngày. Phát hiện động dục và gieo tinh đúng thời điểm là cần thiết để đạt tỷ lệ đậu thai cao. Heo lên giống có biểu hiện bỏ ăn, buồn bực, phá chuồng, nhảy lên những con khác. Thời điểm phối giống tốt nhất khi heo nái có phản ứng đứng yên, qua biểu hiện heo nái đứng yên khi người chăn nuôi đè lên lưng heo và tai dửng lên; hoặc khi thấy âm hộ chuyển từ sưng đỏ sang héo dần, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra thì đó là thời điểm phối giống tốt nhất.

Quản lý phối giống. Chu kỳ heo nái lên giống thường kéo dài 48 giờ và rụng trứng 8 – 12 giờ trước khi kết thúc lên giống (37 – 40 giờ sau khi bắt đầu lên giống). Thời gian phối giống tốt nhất là sau 12 – 26 giờ sau khi heo bắt đầu lên giống. Phối cho heo 2 lần lúc 12 và 24 giờ sau khi bắt đầu lên giống (thời điểm heo có phản ứng đứng yên). Phối giống quá sớm hoặc quá muộn đều ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và số heo con sinh ra.

Phát hiện heo có chửa. Những heo cái đã phối giống được theo dõi từ 18 – 25 ngày sau phối nếu không lên giống lại là có chửa. Trang trại có điều kiện có thể sử dụng máy siêu âm sau khi phối giống 30 – 45 ngày để chẩn đoán heo có chửa. Máy phát hiện heo nái có chửa với độ chính xác cao 90 – 95%.

Quản lý heo nái. Heo nái thường động dục lại sau khi cai sữa 3-8 ngày. Cá biệt có những nái động dục khi đang nuôi con, đặc biệt nếu thời gian nuôi con vượt quá 5 – 6 tuần và như vậy có thể nái không động dục lại trong 3-7 ngày sau cai sữa. Việc chọn lọc những heo mẹ động dục lại trong vòng 7 ngày sau cai sữa rất quan trọng giúp giữ cho chương trình quản lý của trại được trôi chảy. Đối với những nái qua thời gian 28 ngày sau cai sữa không có chửa thì nên loại thải, thời gian này đủ để heo nái động dục 2 kỳ. Nên cai sữa heo con sớm ở 3 – 4 tuần tuổi sẽ giúp heo mẹ mau động dục trở lại, giúp tăng số lứa đẻ của nái. Nếu heo mẹ gầy, dùng thức ăn có thành phần dinh dưỡng cao nhằm tăng trọng lượng heo mẹ chuẩn bị phối giống và đảm bảo khả năng rụng trứng được tối đa. Việc lên giống đồng loạt ở những heo nái tương đối đơn giản khi heo con được cai sữa đồng thời, và nái mẹ sẽ động dục trở lại với tỷ lệ cao trong 3 – 7 ngày sau cai sữa.

Ảnh hưởng của nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao sẽ làm chậm sự động dục, giảm mức độ rụng trứng, làm tăng hiện tượng chết thai sớm. Kết quả nghiên cứu cho thấy heo hậu bị cái chịu đựng 40 OC trong 2 giờ mỗi ngày trong vòng 1-13 ngày sau phối giống, tỷ lệ phôi sống giảm 35 – 40%. Tương tự đối với trường hợp heo bị thân nhiệt cao do bệnh, sốt cũng giảm sự động dục như trên. Môi trường có độ ẩm tương đối cao càng làm stress nhiệt nặng thêm. Đối với đực giống, stress nhiệt làm giảm tính dục, sản xuất lượng tinh ít và khả năng thụ tinh của tinh trùng giảm thấp. Nhiệt độ nuôi thích hợp là dưới 30OC.

Bệnh tật và sinh sản. Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của heo nái. Sẩy thai, thai gỗ, thai chết lưu và và chu kỳ động dục bất thường là những biểu hiện của bệnh lý. Nhiều bệnh truyền nhiễm gây rối loạn sinh sản như bệnh giả dại, Parvovirus, virus gây viêm ruột có thể gây nên thai gỗ, bệnh Leptospirosis, sẩy thai truyền nhiễm gây sẩy thai, chết thai. Tùy tình hình dịch tễ tại địa phương cần có biện pháp thử máu, tiêm phòng vaccine các bệnh truyền nhiễm, chương trình chăm sóc sức khỏe cho quản lý heo sinh sản.

Dinh dưỡng. Điều quan trọng đối với heo cái sinh sản là cần cung cấp thức thức ăn đủ số lượng và chất lượng để đạt kết quả sinh sản tốt. Việc cho ăn quá mức không những gây lãng phí và tốn kém mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng khả năng chết thai. Nên áp dụng hệ thống cho ăn hạn chế theo định mức, sử dụng khẩu phần ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng, nhờ vậy heo cái sinh sản được cung cấp đủ chất dinh dưỡng hàng ngày, không tiêu thụ năng lượng quá mức.

Hep hậu bị từ cai sữa đến 70 – 90 kg cho ăn tự do theo chương trình dinh dưỡng heo con. Heo từ 70-90 kg trở lên chuyển qua sử dụng cám heo nái nuôi con cho tới khi heo được phối giống.

Heo nái mang thai cho ăn 1,8 – 2,2 kg/con/ngày từ khi phối giống đến 90 ngày mang thai. Sau 90 ngày đến 107 ngày mang thai cho ăn 2,5 – 3,2 kg/con/ ngày. Từ 107 ngày tới lúc đẻ cho nái ăn cám phù hợp và có thể giảm cám từ từ đến trước ngày đẻ cho ăn 1 kg/con/ngày, tăng cám từ từ sau đẻ đến sau 4 ngày là cho ăn tự do tức là ăn càng nhiều càng tốt từ 4 – 8 kg/ngày/nái.

Nhập một đàn giống mới. Khi nhập heo giống mới vào trại nên nuôi cách ly trong 30 ngày. Tiếp tục thực hiện kiểm tra lại một số bệnh dưới sự theo dõi của cán bộ thú y trong 30 ngày tiếp theo khi nhập đàn, nếu heo hậu bị của đàn mới có mang virus mới sẽ lan truyền cho nái đã phối giống, những biểu hiện của hiện tượng không thụ tinh nói trên sẽ bộc lộ. Tốt nhất nên dùng những heo cái đã sản xuất tại trại dùng làm heo thay thế và chỉ cần nhập heo đực mới hoặc nhập tinh nhân tạo. Đối với heo cái thuần nên được nhập từ một nguồn vào thời gian nhất định tránh đến mức thấp nhất việc đưa bệnh tật vào đàn.

Quản lý nái đẻ. Nếu biết được ngày phối giống, thời gian mang thai, người chăn nuôi sẽ dự kiến được ngày heo đẻ. Cần theo dõi khi nái đẻ, nhưng không cần phải hỗ trợ trừ khi cần thiết, hãy để cho nái sinh càng thoải mái càng tốt. Thời gian sinh trung bình giữa 2 heo con khoảng 15 – 20 phút, người chăn nuôi có thể can thiệp khi nái đẻ gặp khó khăn, giữa 2 lượt đẻ lâu quá 25 – 30 phút. Hãy giữ chuồng luôn sạch sẽ, dọn tất cả vật thải ra khi đẻ và cung cấp nhiệt bổ sung sưởi ấm cho heo con sơ sinh. Đảm bảo đủ nước sạch cho heo mẹ.Việc kiểm tra heo nái mẹ thường xuyên sẽ giúp nhận biết heo mẹ có chăm sóc heo con khéo léo không và nhận ra những trục trặc có thể xảy ra để can thiệp kịp thời. Quản lý nái sinh đồng loạt, giúp người chăn nuôi dễ dàng san bớt những ổ đông con qua những ổ ít con hơn.

Ghi chép. Để việc ghi chép chính xác, người chăn nuôi cần đánh dấu số tai heo con sinh ra với thẻ số gắn vào tai. Phiếu ghi chép cá thể nên ghi theo từng heo mẹ và đàn con. Phiếu ghi chép cá thể cũng được chép vào sổ lưu như cơ sở dữ liệu trích dùng cho việc chọn giống sau này của đàn giống. Cần ghi chép số tai heo mẹ, số tai heo cha, ngày đẻ, số heo con, trọng lượng heo sơ sinh, ngày cai sữa, số heo con cai sữa. Đực giống cần ghi tần số giao phối của heo đực, ngày lấy, số lượng tinh. Heo nái ghi ngày động dục, thời gian động dục để tính toán ngày động dục lại nếu không thụ thai, kiểm tra ngày có chửa định ngày vào chuồng đẻ. Những ghi chép đầy đủ năng suất cá thể qua tất cả các chu kỳ sinh sản giúp mang lại ích lợi trong việc cải thiện đàn heo và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

T.Nguyên

(Nguồn: Quản lý heo nái và heo cái hậu bị để sinh sản hiệu quả của John R. Dichi, James R. Danion, Leif H. Thompson)