Hồ sơ đăng kí công đoàn như thế nào

Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Năm nay, thủ tục thành lập công đoàn được tiến hành như thế nào?

Công ty có nghĩa vụ thành lập công đoàn?

Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định, người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Theo đó, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Có thể thấy, việc thành lập công đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người lao động. Công ty không có nghĩa vụ thành lập công đoàn. Song, công ty phải tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn khi có mong muốn đồng thời thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động.

Như vậy, pháp luật khuyến khích việc thành lập công đoàn và đây không phải là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công ty nên không có quy định xử phạt khi không thành lập công đoàn.

Hồ sơ đăng kí công đoàn như thế nào

Thủ tục thành lập công đoàn (Ảnh minh họa)

Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở

Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động):

+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.

+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:

- Nội dung hội nghị gồm:

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;

+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);

+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;

+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.

- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

Trình tự thành lập công đoàn cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam như sau:

(1) Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở

a. Nơi chưa có công đoàn cơ sở người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động.

b. Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.

c. Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

(2) Đại hội thành lập công đoàn cơ sở

a. Thành phần dự đại hội gồm:

- Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

- Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

- Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

b. Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.

c. Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

- Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).

- Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).

- Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.

- Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.

d. Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Mục 8 của Hướng dẫn này. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

đ. Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.

e. Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

g. Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Việc thành lập công đoàn cơ sở phải đảm bảo tuân thủ đúng theo trình tự nêu trên.

Tiền quỹ công đoàn cơ sở được sử dụng vào mục đích gì?

Căn cứ quy định tại Điều 15 Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020, tiền quỹ công đoàn cơ sở được sử dụng nhằm mục đích thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.

- Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước.

- Giám sát hoặc tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, xã hội.

- Tổ chức thực hiện nghị quyết của công đoàn các cấp, chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên và cán bộ công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo đúng quy định; thực hiện công tác phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.

- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng loại hình công đoàn cơ sở.

Công đoàn cơ sở được phép sử dụng quỹ để thực hiện hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động hay không?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 về nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp như sau:

"13.2. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp
a. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp bao gồm các loại hình doanh nghiệp được cấp phép thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
b. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
- Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng thang bảng lương, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.
- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật."

Có thể thấy, trường hợp doanh nghiệp nơi bạn làm việc thành lập công đoàn cơ sở thì theo đó, công đoàn cơ sở được phép dùng nguồn quỹ để thực hiện hoạt động chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người lao động.