Lê minh ca sĩ là ai?

Lê minh ca sĩ là ai?
 

Năm 2005 mình viết bài thơ “Về Hội Lim” tặng NSND Thuý Hường. Bài thơ được Báo Văn Nghệ đăng. Nhạc sĩ Tuấn Phương, Trưởng phòng Ca nhạc, Ban Văn Nghệ Truyền Hình Việt Nam thích phổ nhạc bài này. Trăn trở mãi một hôm Tuấn Phương bảo:

- Em nghĩ rồi quan họ không phải sở trường của em. Em giới thiệu anh với bạn em - anh Lê Minh. Ông này đắm đuối với quan họ lắm!

Qua Tuấn Phương, mình và nhạc sĩ Lê Minh gặp nhau tại cầu Lủ trên sông Tô Lịch. Cuộc gặp diễn ra rất lạ: đường đông hai ông chào nhau đưa bài thơ, cám ơn rồi chia tay thế thôi vì trước đó đã gọi hẹn nội dung cuộc gặp qua điện thoại.

Ấn tượng quan hệ nhạt buồn không vồn vã. Gặp để biết mặt thì đúng hơn.

Khoảng hơn tuần sau đúng vào quá trưa một ngày mưa nước ngập đầy đường Hà Nội. Lũ tràn sông Tô Lịch (... Hà Nội thành hồ thành biển...). Mình nhận được cuộc gọi của Lê Minh:

- Chào Thắng! Mình Lê Minh đây, mình phổ nhạc xong bài thơ “Về Hội Lim” rồi. Thắng có rỗi sang nhà mình nghe thử.

- Nghe được không anh!

- Mình nghĩ nó hay đấy!

Từ nhà mình Khu đô thị Đại Kim - Định Công sang nhà Lê Minh khoảng 2km. Đường Kim Giang nước ngập qua đầu gối mình đi xe đạp sang nhà Lê Minh. Cuộc gặp hồ hởi thoải mái không hề giữ kẽ khách sáo. Cả buổi chiều nghe Demo “Về Hội Lim” không chán.

“Về Hội Lim” được VTV giới thiệu “Tác phẩm mới”. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là bộ ba tụi mình: Lê Minh, mình, NSND Thu Hiền được mời dự lễ kỉ niệm 180 năm thành lập tỉnh Bắc Ninh (1831-2011). Hôm đó Thu Hiền trình bày trực tiếp “Về Hội Lim” trước mấy vạn khán giả và quan khách. Hạnh phúc và tự hào lắm mọi người ạ.

Từ ca khúc “Về Hội Lim”, mình và Lê Minh trở thành bạn tri kỉ như có sự sắp đặt của tạo hoá. Hầu như ngày nào cũng gặp nhau. Có hôm cả sáng cả chiều. Ăn sáng, uống trà hợp nhau không bia rượu thuốc lá, cà phê. Thời gian trôi nhanh quá tính ra đã gần 20 năm rồi.

Lê Minh sinh năm 1947 tuổi Hợi, anh hơn mình 5 tuổi. Quê anh thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn Thanh Hoá. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Anh biết chơi đàn Nhị từ năm tám, chín tuổi do ông anh rể truyền cho. Ham thích có năng khiếu được kéo Nhị trong đội văn nghệ thôn, lớn lên vào bộ đội thông tin. Ngoài biết kéo Nhị còn biết chơi thêm Ghita. Acordion, lại khéo viết chữ kẻ vẽ được quân đội chọn vào Đoàn Nghệ Thuật Binh Chủng Thông Tin cùng đợt với nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Đặng Trường Lưu, nghệ sĩ Trọng Hoà, nhạc sĩ Huy Tiến ... Năm 1980 Lê Minh ra quân về công tác tại sở Văn Hoá Hà Tây, năm 1990 anh về “nghỉ một cục”, lao động tự do. Để sống và nuôi được gia đình vợ với 3 con anh làm đủ nghề. Thậm chí cuối đời cho đến tận bây giờ anh là ông giáo dạy đàn piano mát tay. Tạo nguồn tuyển sinh cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Học sinh học anh nhiều cháu giờ đã thành danh, có cháu hiện đang tu nghiệp tại Mỹ, tài thật toàn tự mò mẫm học rồi truyền nghề. Con trai con gái anh đều tốt nghiệp Nhạc viện, cháu trai Lê Vân vừa là nhạc sĩ sáng tác vừa là nhạc công Piano có tên tuổi.

Tác phẩm âm nhạc của Lê Minh không nhiều. Khoảng 100 tác phẩm. Trước năm 2000 khán, thính giả ít nghe tiếng Lê Minh. Chỉ đến khi ca khúc “Lời ru” nhạc Lê Minh phổ thơ Hoàng Hạnh ra đời, như một làn gió mát thổi qua trưa hè nóng rát của làng quê, khiến các bà mẹ, chị em và mọi người ngỡ ngàng. Giới nhạc khó tính chấp nhận. “Lời ru” là bài hát không phải ngâm và cũng chẳng phải ru. Ai cũng hát nó được ai nghe cũng thấy được, thấy hay. Ngày xưa nghe bà nghe mẹ nghe chị ru thì ngủ, bây giờ nghe “Lời ru” thì ai cũng thổn thức, cũng chờ đợi ngóng trông. Lời thơ cũ quen không mới lạ. Nhưng những âm giai của ca khúc cứ len lỏi vào sâu kín tâm hồn người Việt mọi vùng miền, nhắc vở cho tình mẫu tử, nghĩa yêu thương gia đình đồng loại quê hương và nhân nghĩa nữa.

Thế rồi một vài tháng, một vài năm lại có một ca khúc nữa khác của Lê Minh ra đời. Không ồn ào nhưng cứ như những trận mưa giao mùa nhẹ nhàng thấm mát cho lâu ngày nắng rát. Mọi người biết đến Lê Minh. Truyền hình giới thiệu phỏng vấn. Các ca sĩ thành danh dựng bài. Lê Minh trở thành hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Cuộc sống vẫn vậy nghèo không tiền, có khác là có nhiều bạn các tỉnh. Bây giờ Lê Minh mỗi khi về thăm nhà được chính quyền và dân tiếp đón như kẻ xa quê thành đạt.

Lê Minh hiền, tính rất thật đôi khi vụng, cả nể. Đối xử với bạn bè không vồn vã chơi với ai cũng rất bền. Mình nghe được biết có người bạn người em chơi với Lê Minh, hành động và cư xử gây phiền buồn hơn vui, thế mà Lê Minh vẫn tha thứ vẫn bạn bè cho đến nay. Lê Minh có một người bạn nổi tiếng bầu xô giới văn nghệ. Có giai đoạn Lê Minh được mời cộng tác làm ăn. Mâu thuẫn trong công việc. Lê Minh bị phản đòn gần như thân bại danh liệt, gia đình tý đổ vỡ. Thế mà một ngày đọc bài thơ của đối thủ. Thấy hay anh phổ nhạc, ca khúc mang âm hưởng quan họ ra đời. Hay hay mãi, mọi ca sĩ quan họ mọi người yêu quan họ đều hát. Không phải một bài sau này anh còn phổ nhạc thêm bài nữa. Đó là ca khúc hay nhất từ xưa đến nay về nỗi đau vọng phu thời chinh chiến. Ngày ca khúc ra đời hai người cũ ngồi uống rượu không nói gì với nhau chỉ nghe nhạc, quên hết chuyện buồn xưa. Họ là những người “nhớn”. Giờ tên hai người gắn không rời tên hai ca khúc để lại đời. Tác giả thơ đã mất trước đây mấy năm.

Lê Minh thích phổ thơ các ca khúc. Khác nhiều nhạc sĩ anh tôn trọng thơ. Nhiều bài anh giữ nguyên lời của bài thơ. Anh bảo:

- Một ca khúc khi hát lên người nghe lúc đầu nghe giai điệu thấy hay họ nghe lại lần 2 nhưng đến lần 3 họ chú ý đến lời, ca khúc sống mãi bởi câu chuyện từ thơ. Mà nhà thơ họ đã chắt chiu máu thịt để viết ra thơ, mình là nhạc sĩ phải tìm nhạc tôn vinh cớ sao phải sửa thơ thay lời của họ!

Người xưa bảo mỗi ca khúc thường gắn với một cuộc tình. Điều này cũng đúng với Lê Minh. Chơi thân với nhau mình biết. Không phải cuộc tình của mình mà cuộc tình của bạn của người dưng thậm chí của kẻ thù cũng làm Lê Minh xúc động. Anh cứ như bị ma ám đi xe máy trên đường đông, đèo nhau vẫn nghe anh lẩm nhẩm nốt trầm nốt thăng í ơi í à...

Là người có cuộc đời hoà đồng với dân gian, tham gia nhiều lễ hội, nghe và biết chơi réo rắt bổng trầm với nhiều nhạc cụ. Phải chăng vì thế nhạc của Lê Minh viết về quan Họ mà vẫn có âm hưởng Huế, viết về Bắc sao nghe có gì đó tha thiết của Nam, có luyến lưu đa tình xứ Nghệ. Có day dứt của xứ Quảng. Nó là nhạc tình ngẫu hứng cứ yêu là hát lên của đàn con Việt.

Ngưới sáng tác thơ văn nhạc hoạ đa số né tránh đi vào vết của người đi trước. Một ý tưởng, một cốt chuyện, một nét hoạ một câu thơ của ai đó lẫn vào tác phẩm của mình như hạt sạn, dễ bị mang tiếng đạo - giống như ăn cắp của người khác, có tác giả thân bại danh liệt mang tiếng suốt đời. Vậy mà Lê Minh một ông nhạc sĩ đồng quê dám liều nhảy đại vào tên cũ, chuyện cũ thậm chí cả dân ca cũ. Lê Minh viết đại viết lại mà thành công, mới hơn cũ hay hơn cũ, tình hơn cũ và dân ca hơn cũ mới chết chứ. Nhiều tác phẩm chứ không phải ít: “Tập tầm vông”, “Khách đến chơi nhà”, “Hết giận rồi thương”…

Có ông bạn nhạc sĩ có tiếng bảo mình:

- Nhạc của Lê Minh hay ở loại hình nhạc mang âm hưởng dân ca, nhưng nó cũ không mới nó không bay lên được. Nó chỉ thế thôi.

Mình không nghĩ thế. Ai đã nghe “Mưa non” ca khúc phổ thơ Vi Thuỳ Linh của Lê Minh sẽ thay đổi ngay quan điểm đây là ca khúc mới hiện đại thời sự hơn mọi bài hát, nhiều bài cũ đã viết về cái tết truyền thống cũ xưa. Vô tình Lê Minh đọc được bài thơ của Vi Thuỳ Linh trên báo anh phổ nhạc “Mưa non”, bài hát được giải thưởng, được Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng. Một ngày nhà thơ gọi điện đến rất rõ ràng thẳng thắn hỏi:

- Anh có phải nhạc sĩ phổ thơ bài “Mưa non” của tôi không. Yêu cầu anh thực hiện luật bản quyền tác phẩm!

Cũng nghiêm túc như nhà thơ, Lê Minh ngay lập tức trả lời:

- Vâng đúng tôi Lê Minh đây!

Và không có câu thứ hai. Anh nhờ Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chuyển 30% tiền thưởng ca khúc cho tác giả thơ theo quy định. Từ ngày đó đến nay hai tác giả thơ nhạc chưa một lần gặp nhau, chưa ai biết mặt ai. Nhưng tết cổ truyền về, trong khói hương trầm cổ kính mọi người mọi nhà lại nghe trong phút giao thừa.

... Lộc buông từ trời phố xanh mọi ngả. Mắt chàng thẳm thế giữ cả đời ta

...Gió luồn áo mở cho tình lên men....

Hiện đại thơ và nhạc, hiện đại cả ứng xử thế chứ còn hiện đại nào hơn

Viết nhạc toàn nhạc tình. Lê Minh được nhiều nữ ca sĩ quý mến, làm quen, nhiều người tự nhận bài này nhạc sĩ viết cho mình. Vợ anh một nguời phụ nữ đẹp người đẹp nết buồn phiền, có giai đoạn gia đình tí tan. Nhưng rồi nồi tròn méo lại úp vung tròn méo. Gia đình anh chị giờ vẫn hạnh phúc ba con hai trai một gái thành đạt cả, con cháu gần chục đứa đông đủ nếp tẻ, đứa nào cũng to cao đẹp trai xinh gái, biết chơi đàn hát nhạc. Chỉ có riêng Lê Minh vẫn cũ xưa như ngày nào. Đi ít viết nhiều. Cái gì cũng tự làm lấy từ viết nhạc phối khí thu âm đôi khi hứng lên còn hát nữa. Cả trồng hoa tưới rau giặt quần áo, nấu cơm chế biến thức ăn rất ngon, biết sửa chữa cả điện nước điều hoà.

Lê Minh cuộc đời thiệt thòi nhiều lắm, hơn hai chục năm quân ngũ, trước khi ra quân đã là thượng uý sao gạch đàng hoàng giờ về không lương không gì cả. Nhiều giải thưởng âm nhạc (trong đó có giải C cuộc thi ca khúc viết về Tuyên Quang “Chái cáy con đường xưa” phổ thơ Nguyễn Bá Thắng). Bao sáng tác để đời đến giờ mới là hội viên hội Hội Âm nhạc Hà Nội, vẫn chưa là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, không hiểu vì lí do gì. Anh sống chủ yếu bằng nghề dạy đàn Piano cho mấy đứa trẻ. Thế nhưng cuộc đời vẫn đẹp sao khi tác phẩm mới ra đời, ai hát anh cũng cho nhạc, cho tác phẩm, thậm chí cả thu âm. Anh cứ ru mình ru đời mình vậy.

Ai muốn nghe nhạc Lê Minh vào YouTube phải gõ: “Lê Minh con nhện tìm duyên”.

Thì mới ra còn không sẽ ra Lê Minh nào đấy mình chưa nghe bao giờ và Lê Minh Sơn thấy bảo nhạc sĩ hiện đại mình cũng không biết nhiều.

Anh cười bảo mình: Đời là vậy!