Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng

Tàu du lịch lưu trú trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đầu tư hiện đại
 

Đầu tư các sản phẩm du lịch chất lượng cao

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch của cả nước có hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú được các hãng lữ hành đánh giá cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.308 khách sạn, khu căn hộ cao cấp từ 1-5 sao, nhà nghỉ và tàu lưu trú du lịch với hơn 21.000 buồng. Trong đó, có 55 khách sạn từ 3-5 sao với tổng số hơn 6.650 phòng; tàu thủy lưu trú du lịch với hơn 160 tàu với khoảng 2.000 phòng. Điều đáng nói, những năm gần đây, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp đạt chất lượng cao đã ra đời như: Wyndham, Royallotus, Novotel, Vinpearl, FLC, Legacy... Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đạt tiêu chuẩn cao, thay vì xu hướng đầu tư nhà nghỉ loại nhỏ, khách sạn mini như những năm trước.

Sự ra đời của các khách sạn cao cấp thời gian qua đã cho thấy sự tăng trưởng của dịch vụ lưu trú trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng phục vụ khách du lịch đến tham quan lưu trú, nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh. Trong khối khách sạn, công suất sử dụng buồng phòng của khối khách sạn 4 sao đạt cao nhất, tính trung bình khoảng 70%.

Cùng với việc nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, ngành du lịch đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, chú trọng đến khai thác các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong đó, phải kể đến các nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào khai thác như: Du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hóa của cư dân địa phương tại làng quê Yên Đức (Đông Triều), Quảng Yên, Cô Tô, Cái Chiên (Hải Hà), Bình Liêu, Tiên Yên...

Quảng Ninh cũng đã đưa vào khai thác một số công trình hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ quan trọng tạo thành các sản phẩm du lịch như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long, Tổ hợp vui chơi giải trí Hạ Long Marina, Tuần Châu - Âu Lạc, Sun World Ha Long Complex, Trung tâm tổ chức lễ hội Yên Tử v.v..

Thời gian tới, một số Dự án du lịch tiếp tục được triển khai theo Quy hoạch du lịch như: Tổ hợp vui chơi giải trí có casino tại Vân Đồn, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh, Dự án biểu diễn thực cảnh Vịnh Hạ Long, Hệ thống các sân golf tại Hạ Long, Vân Đồn... sẽ tạo ra điểm nhấn và lực hút hấp dẫn đối với nhà đầu tư và du khách. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Quảng Ninh đang tập trung phát triển vào 4 dòng sản phẩm chính gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch biên giới. Công tác quản lý, khai thác các tuyến điểm du lịch đã được các sở, ngành, địa phương từng bước quan tâm.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến nay có 12/14 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch, cụ thể toàn địa bàn có 33 tuyến và 88 điểm du lịch và 1 khu du lịch địa phương được công nhận. Các tuyến điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang được quan tâm tiến hành khảo sát bổ sung và triển khai các bước đầu tư về cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ khách du lịch và nhằm đa dạng các điểm tham quan trên Vịnh.

Chuẩn hóa các dịch vụ du lịch

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan trên, chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Ninh cũng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài hệ thống cơ sở lưu trú phân bố không đồng đều, những khách sạn quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, chủ yếu tập trung ở trung tâm du lịch Hạ Long, Móng Cái. Còn các trung tâm du lịch khác, các khách sạn, cơ sở lưu trú phần lớn vẫn quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ không cao, như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đối với du khách chi tiêu cao, khách du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị và triển lãm). Thêm nữa, các cơ sở ăn uống tuy đa dạng nhưng chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực còn yếu và thiếu kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ hạn chế; công tác truyền thông, quảng bá về du lịch tuy có cải thiện, nhưng còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, sáng tạo.

Thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để giúp ngành Du lịch phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành Du lịch của tỉnh.

Việc chuẩn hóa các dịch vụ du lịch không chỉ giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ mà nhằm giới thiệu đến du khách các điểm, nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao để họ an tâm mua sắm. Từ đó góp phần làm tăng thời gian lưu trú tham quan, thúc đẩy chi tiêu, tăng nguồn thu ngoại tệ từ du lịch.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đối với các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường sự liên kết, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kịp thời kết nối với các ngành chức năng để tìm hướng đi mới cho phát triển du lịch. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động du lịch, dịch vụ, qua đó góp phần đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước.

Vấn đề chất lượng dịch vụ đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là một nội dung trọng tâm. Với quan điểm phát triển tập trung về chiều sâu có chất lượng, có hiệu quả và có tính bền vững, đảm bảo có thương hiệu, có sự cạnh tranh. Đó là quan điểm đột phá có tính xuyên suốt trong thời gian tới./.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Giang có 4 Làng văn hóa du lịch cộng đồng với 37 hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, trong đó xã Phương Độ, Phương Thiện mỗi xã có 16 hộ, Ngọc Đường là 5 hộ. Nhận thức về việc phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng là để phát triển nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như ý thức được việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong những năm qua, Người dân 3 xã ngoại thành của thành phố Hà Giang đã đầu tư để nâng cao chất lượng các dịch vụ Làng văn hóa du lịch của mình. Từ đó, làm cho diện mạo Làng văn hóa du lịch cộng đồng thay đổi khởi sắc rõ nét hơn, nhiều hộ đã sống và làm giàu được từ dịch vụ du lịch cộng đồng.

Đây là không khí của buổi tập huấn do Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố tổ chức cho các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng của thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện. Theo dự kiến thì chỉ có 11 hộ làm dịch vụ du lịch tham gia tập huấn nhưng trong buổi tập huấn này tất cả các hộ dân trong thôn đã đến nghe để hiểu và hướng tới sẽ đầu tư làm dịch vụ. Tại lớp tập huấn, các hộ gia đình đã được Cán bộ phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa và Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh hướng dẫn về cách bài trí, sắp xếp đồ đạc trong gia đình; cách thức chế biến một số món ăn truyền thống phục vụ khách du lịch; những nguyên tắc khi đón tiếp, giao lưu với khách du lịch và xây dựng chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian. Ngoài ra, các hộ còn được giới thiệu, tìm hiểu và học hỏi thêm những cách làm hiệu quả của những Làng du lịch cộng đồng trong và ngoài nước. Qua lớp tập huấn này đã trang bị cho các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng của thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện những kiến thức cơ bản nhất trong việc phục vụ khách du lịch, nhất là đối với du khách nước ngoài. Từ đó, giúp cho các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng ngày càng phục vụ chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ được nâng cao hơn, sản phẩm du lịch đa dạng hơn, được giới thiệu và quảng bá rộng rãi hơn. Hơn thế từ lớp tập huấn đã tạo được sự gắn kết trong kinh doanh du lịch cộng đồng tại thôn Lâm Đồng đây chính là khâu yếu nhất trong việc liên kết của các hộ dân làm du lịch trên địa bàn Thành phố. Chị Đàm Thị Thương, thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện là học viên của lớp tập huấn chia sẻ sau khi được tập huấn sẽ về áp dụng vào việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch tại gia đình mình.

Xác định để thu hút được khách du lịch nhất là du khách nước ngoài đến thăm quan, du lịch và trải nghiệm tại các Làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong những năm qua thành phố Hà Giang đã cho chủ trương đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các Làng văn hóa du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn những giá trị văn hóa, phong tục tập quán và nét đẹp riêng có của các Làng. Thôn Bản Tùy là một trong những Làng văn hóa có phong cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, người dân thân thiện, mến khách. Trong những năm qua, xã Ngọc Đường đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, hướng dẫn cho từng hộ về phương thức làm dịch vụ lưu trú, xây dựng các chương trình trải nghiệm cho du khách như: việc mở rộng góc cua ngã ba vào làng để đảm bảo an toàn giao thông và tạo điểm nhất cho du khác ngay khi đặt chân tới Làng; mở rộng các tuyền đường nội thôn, quy hoạch xây dựng sân đỗ xe, công viên và các điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Ông Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Đường cho biết đến nay thôn Bản Tùy đã có nhiều hộ gia đình đạt tiêu chuẩn homestay và trong năm đã đón rất nhiều lượt du khách đến thăm quan và trải nghiệm tại Thôn nhất là khách nước ngoài.

Để du khách đến và ở lại lâu hơn tại Làng thì chất lượng dịch vụ cần phải được nâng cao đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Trong đó, Thành phố chú trọng tới việc gìn giữ những giá trị bản sắc độc đáo của dân tộc ở các Làng như việc: phục dựng các Lễ hội truyền thống; thành lập các đội văn nghệ dân gian; phục dựng các điệu hát, múa truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian; khuyến khích các hộ tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thống và tổ chức các tuyến du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm tại các Làng. Để gìn giữ, bảo tồn, phát huy được các Làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố theo ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Tỉnh thì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị là quan trọng và cần thiết và đặc biệt vai trò của người dân. Bởi theo ông Sử thì người dân là nòng cốt để phát triển cộng đồng, người dân phải được hưởng lợi ích, quản lý, điều hành và hơn hết người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình trong bảo tồn các giá trị truyền thống, việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng đây chính là yếu tố tiên quyết để du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

Xác định muốn phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng trong thời gian tới thành phố Hà Giang đã tập trung quy hoạch cụ thể các Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, phối hợp, tổ chức được các tour du lịch để thu hút khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng; nâng cao nhận thức cho người dân bằng hình thức tập huấn để họ thấy được vai trò và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch mà họ đang nắm giữ. Tuyên truyền, quảng bá xúc tiến loại hình du lịch cộng đồng đến các công ty lữ hành, các tỉnh bạn và du khách thập phương và có chính sách marketing phù hợp.

Với những bước đi vững chắc của các hộ dân làm du lịch cộng đồng, sự đầu tư về cơ sở vật chất của thành phố cộng với phong cảnh, nét đẹp và con người thành phố Hà Giang mến khách, thân thiện thì chắc chắn các Làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao, lượng khách đến với các Làng sẽ ngày một đông hơn và người dân sẽ có cơ hội làm giàu từ những giá trị truyền thống mà ông cha họ đã để lại…//