Năng lực xã hội là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm quyền lực
  • 2. Đặc điểm của quyền lực
  • 3. Khái niệm quyền lực xã hội
  • 4. Các yếu tố cấu thành quan hệ quyền lực xã hội
  • 5. Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền lực xã hội

1. Khái niệm quyền lực

Quyền lực được xem là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. Quyền lực sinh ra từ nhu cầu tổ chức hoạt động chung, nhu cầu phân công lao động xã hội và quản lí xã hội. Quyền lực là điều kiện và phương tiện cần thiết khách quan bảo đảm sự hoạt động bình thường của bất kì cộng đồng xã hội nào.

Quyền lực thể hiện mối quan hệ chỉ huy – lệ thuộc hoặc mệnh lệnh – phục tùng. Quyền lực thể hiện ở sự áp đặt ý chí của chủ thể có quyền đối với chủ thể dưới quyền, mặt khác, sức mạnh của nó được xác định ở mức độ phụ thuộc, phục tùng của chủ thể dưới quyền đối với ý chí chủ thể có quyền. Trong đó cưỡng chế vừa là yếu tố của nội dung quyền lực vừa là phương pháp mang tính quyết định để thực hiện quyền lực có sự kết hợp chặt chẽ với phương pháp thuyết phục.

Quyền lực tồn tại ở mọi cộng đồng có tổ chức, có mục đích của con người trong xã hội có giai cấp cũng như xã hội không có giai cấp, đối với cả xã hội nói chung cũng như đối với các bộ phận khác nhau của nó.

Do vậy, trong xã hội tồn tại nhiều loại quyền lực khác nhau như quyền lực thị tộc, quyền lực nhà nước, quyền lực của mỗi tổ chức trong xã hội… Mỗi chủ thể thường nằm trong nhiều mối quan hệ quyền lực khác nhau. Trong quan hệ quyền lực này chủ thể là người có quyền lực nhưng trong quan hệ quyền lực khác chủ thể lại có thể là người dưới quyền. Quyền lực có quan hệ mật thiết với hoạt động quản lí, nó là điều kiện không thể thiếu của quản lí để bảo đảm sự thống nhất ý chí của nhiều cá nhân nhằm thực hiện những công việc chung.

Quyền lực, được miêu tả theo khía cạnh khoa học xã hội, một mặt là khả năng gây ảnh hưởng của một người hoặc một nhóm người đến hành vi và suy nghĩ của các cá nhân, các nhóm người khác với ý nghĩa là “quyền lực”; mặt khác, nó đại diện cho một vị trí của cá nhân hoặc nhóm người, là khả năng đạt được mục tiêu xác định một cách đơn phương, không chịu sự kiểm soát, áp đặt, hay phải đáp ứng các điều kiện và đòi hỏi của các cá nhân hoặc nhóm người khác (ví dụ như: quyền con người). Vế sau được hiểu theo tính pháp lý với ý nghĩa là “thẩm quyền”, “quyền lợi” của các cá nhân và nhóm người tham gia vào một hệ thống xã hội được bảo trợ bởi một nền tảng pháp luật đã được xây dựng và đưa ra dựa theo các tiêu chí cụ thể, đặc biệt là dựa trên các thỏa thuận và cam kết của những chủ thể tham gia trong xã hội (khế ước xã hội).

Quyền lực xác định phạm vi, giới hạn của các “khả năng hành động, gây ảnh hưởng” cả về thể chất lẫn tinh thần của một người hoặc một nhóm người. Việc sử dụng thứ sức mạnh này để gây ảnh hưởng đến cá nhân, nhóm người khác, có thể mang theo những ý nghĩa tích cực cũng như tiêu cực, dựa trên mục đích, nguyên tắc, cách thức sử dụng chúng. Cần phân biệt việc “lạm quyền” và việc “vi phạm giới hạn quyền lực”. Lạm dụng quyền lực là việc sử dụng quyền lực mà không tuân theo những mục đích quy định cho sự tồn tại của quyền lực. Việc vượt quá phạm vi giới hạn quyền lực là việc không tuân theo những nguyên tắc, cách thức được quy định sẵn trong quá trình sử dụng quyền lực.

2. Đặc điểm của quyền lực

– Tính tương tác xã hội: Quyền lực đòi hỏi sự tương tác ít nhất của hai chủ thể, tức quyền lực là một quan hệ xã hội. Quyền lực là quá trình tương tác và sẽ không tồn tại cho đến khi nó được thể hiện thành các hành động tương tác của từ hai chủ thể trở lên.

– Tính mục đích: Sự tác động đến chủ thể khác luôn có chú ý cho dù kết quả như thế nào đi chăng nữa. Tính mục đích giúp phân biệt quan hệ của quyền lực (một chiều, có mục đích, có hiệu lực) với sự ảnh hưởng nói chung (hai chiều, không có chủ đích, không chắc chắn và hiệu lực) dù chúng có thể có chung hình thức thể hiện.

– Tính cưỡng ép: Quan hệ quyền lực luôn dựa trên năng lực cưỡng ép (thưởng – phạt) đi kèm, đủ lớn để vượt qua sự chống đối. Đặc trưng này được coi là căn bản vì nó phân biệt quyền lực với các mối quan hệ xã hội có tính mục đích khác như thuyết phục, lừa đảo, dụ dỗ…

– Tính chính đáng: Tính chính đáng bao gồm: tính công ích, tính hợp lệ trong cách thức đạt quyền lực và sử dụng quyền lực đúng mục đích và hiệu quả. Tính cưỡng ép của quyền lực dù có lớn đến đâu cũng chưa đảm bảo hoàn toàn kết quả cuối cùng đạt được theo đúng mục đích vì phụ thuộc vào tính chống đối của chủ thể bị chi phối. Do đó, quyền lực cần có tính chính đáng, được thể hiện ở quá trình và phương thức thuyết phục bằng lý lẽ và lương tri.

3. Khái niệm quyền lực xã hội

Quyền lực xã hội là khả năng, năng lực chỉ phối và điều khiển xã hội.

Quyền lực xã hội (tiếng anh là Social power) là một dạng quan hệ xã hội theo chiều dọc biểu hiện ở khả năng một cá nhân hoặc nhóm điều khiển hành vi, thái độ, quan điểm của cá nhân khác, nhóm khác. Chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực xã hội có thể là một cá nhân, một nhóm xã hội hay một cộng đồng, một xã hội. Thực chất, quyền lực chính là việc giới hạn đồng thời mở rộng mức độ tự do của các chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực.

Quyền lực xã hội tồn tại ở khắp mọi nơi, trong tất cả các tập thể có tính cộng đồng của con người: trong các bộ lạc, thị tộc của xã hội nguyên thuỷ; trong gia đình, tôn giáo, đoàn thể; tại một công ty, một xí nghiệp; trong một cuộc vui chơi tập thể... Sự tồn tại của các cộng đồng người làm phát sinh nhu cầu điều hoà, phối hợp, đưa các hành vi riêng lẻ, cá biệt của cộng đồng phục tùng một ý chí có tính chỉ huy, điều hành; chỉ bằng cách đó mới xác lập được trật tự, đưa lại sự an ninh cho từng cá nhân cũng như của toàn thể cộng đồng.

Quyền lực xã hội bao gồm rất nhiều loại hình: quyền lực nhà nước, quyền lực của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các tập hợp quần chúng, quyền lực của cộng đồng dân cư, của các tổ chức tôn giáo, của dư luận xã hội. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội luôn luôn thống nhất với nhau.

4. Các yếu tố cấu thành quan hệ quyền lực xã hội

Những yếu tố tạo tạo ra quan hệ quyền lực xã hội?, khi các cá nhân hoàn toàn xa lạ lần đầu tương tác với nhau thì quan hệ đó chưa có quan hệ quyền lực. Khi quan hệ xã hội giữa các cá nhân này xác lập thì quan hệ quyền lực mới xuất hiện. Theo quan điểm của Karl Marx (1818-1883) thì nguồn gốc của sự bất bình đẳng xã hội chính là việc sở hữu hay không sở hữu tư liệu sản xuất. Chế độ sở hữu tư nhân là nguồn gốc tạo ra sự phân chia quyền lực trong xã hội, mà ở đó người chiếm hữu tư liệu sản xuất là người có quyền lực điều chỉnh hành vi và cơ hội của người không có tư liệu sản xuất. Max Weber cho rằng quyền lực không chỉ có nguồn gốc là kinh tế mà còn có từ nhiều yếu tố phi kinh tế khác nữa (gia đình, học vấn, tôn giáo, uy tín,…). Trong các dạng quyền lực xã hội, quyền lực quan trọng nhất là quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị thường được các cơ quan của chính phủ thực hiện.

Talcott Parsons thì cho rằng nguồn gốc của quyền lực nằm ở vị thế của một cấu trúc xã hội. Cấu trúc này hoạt động hài hòa, ổn định; nó quy định cho mỗi vị thế xã hội một quyền hạn tương ứng. Để thực hiện quyền hạn này, nó đặt ra cho vị thế đó một mô hình hành vi được phép, đáng được mong đợi; nghĩa là khi chúng ta thực hiện các vai trò được xã hội trao cho, thì chúng ta cũng thực hiện quyền lực mà chúng ta được ủy nhiệm. Như vậy xã hội đã tạo cho các vai trò này một sự hợp pháp, hay một sự chính đáng; tức là, nếu chúng ta có sự chính đáng, có sự hợp pháp, thì chúng ta có quyền lực. Quyền lực của các vai trò xã hội không giống nhau, nhưng chúng phối hợp với nhau để tạo ra một cơ cấu thống nhất và hài hòa.

5. Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền lực xã hội

Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng" đã đặc biệt lưu ý đến đặc trưng này của đời sống con người làm phát sinh nhu cầu về quyền lực xã hội trong quản lí, điều hành các hoạt động cộng đồng: Từ lúc đầu, loài người đã phải đấu tranh đối với giới tự nhiên để sống còn, như chống thú dữ, chống mưa nắng... Muốn thắng lợi, thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được... Quyền lực xã hội cũng đặc biệt cần thiết trong tổ chức nền sản xuất xã hội. Như vậy, quyền lực xã hội đã ra đời, tồn tại với tính cách là một nhu cầu khách quan, có vai trò của một chức năng xã hội, một thuộc tính không thể thiếu được của cuộc sống cộng đồng, dù nhỏ hay lớn. Tuỳ thuộc vào nhu cầu tổ chức, quản lí mà tính chất của quyền lực xã hội có những biểu hiện khác nhau: trong một đoàn thể, một chính đẳng, tính chất của quyền lực xã hội khác với quyền lực xã hội trong một gia đình, một dòng họ, một hội đoàn theo nghề nghiệp. Tuỳ thuộc vào thành phần dân cư của cộng đồng - thuần nhất hay đa dạng, đối lập nhau về quyền lợi mà tính chất của quyền lực xã hội lại khác: trong một chính đẳng gồm những người cùng chí hướng, tự nguyện gia nhập phấn đấu vì một lí tưởng khác với tính chất của quyền lực xã hội tổn tại trong một quốc gia với những tầng lớp dân cư khác nhau về vị trí xã hội, đối lập nhau về lợi ích... Một yếu tố khác có tính chất cũng rất cơ bản là phương thức thiết lập quyền lực xã hội: trên cơ sở một sự tự nguyện, tự giác chấp nhận hay bằng phương thức áp đặt, cưỡng chế, bạo lực... Từ đó, quyền lực xã hội được hình thành trên cơ sở các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán, nghí lễ tôn giáo và sự thừa nhận quyền uy của người đứng đầu.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)