Ngày trôi về phía cũ review

Vốn là phóng viên của một tờ báo kinh tế hơn bốn năm và hiện đang là biên tập viên cho một tạp chí , Anh Khang đã quen với công việc viết lách cũng như xem đây như một cách để gửi gắm những suy tư về cuộc sống và tuổi trẻ. Nhiều người cho rằng người làm báo luôn dựa trên những thông tin, dữ kiện thực tế nên thường khó có được lối viết mềm mại, uyển chuyển như các nhà văn, nhưng Anh Khang là một trường hợp ngoại lệ. Độc giả sẽ tìm thấy trong Ngày trôi về phía cũ một giọng văn lãng mạn, giàu chất thơ và cũng đầy chiêm nghiệm. Có thể nói cuốn sách đã ghi lại những khoảnh khắc của tình yêu thời trẻ, từ những vụng về bỡ ngỡ cho đến khi đã rời xa và quay nhìn lại những điều đã qua bằng tất cả sự trân trọng riêng dành.

Một số tản văn trong sách đã được tác giả trích đăng trên trang mạng xã hội và nhận được nhiều sự đồng cảm của độc giả như Chia tay có thật?, Điểm dối lừa, Bởi yêu em chưa bao giờ là một điều dễ dàng, Phế phẩm ký ức... Sở dĩ những trang viết này gần gũi và dễ được các bạn trẻ đón nhận là vì tác giả đã nói thay cảm xúc của họ về ngày cũ, người xưa - điều mà ai cũng từng có và đánh mất trong đời. Đọc Ngày trôi về phía cũ, sẽ thấy có niềm tin lẫn thất vọng, có ngọt ngào lẫn cực đoan, nhưng tất cả rồi cũng trôi về phía sau và yên mình khép mắt, ngủ một giấc say nồng trong chăn ấm nệm êm mang tên Kỷ niệm.

Hãy lắng nghe những tâm tình trong Ngày trôi về phía cũ:

Cảm ơn người thứ ba trong cuộc tình của hai chúng ta, để anh và em hiểu được rằng đã không còn khái niệm duy nhất trong nhau, đã không còn những tin nhắn cuối cùng vỗ về riêng giấc ngủ hay nỗi nhớ chỉ dành cho một nơi chốn đi về quen thuộc. Sớm hay muộn, anh cũng cần trả em lại với bình yên thực sự - nếu em đã không thể tìm thấy điều đó bên anh. Và em cũng cần trả anh lại với hiện thực, để anh tự thấy rằng hạnh phúc tưởng chừng đã có, tất cả hóa ra chỉ là tạm bợ. Em yêu anh hay chỉ yêu thứ tình cảm được nhận từ anh, cũng không còn quan trọng, bởi con đường trước mắt đủ rộng và dài để em hiểu hết ý nghĩa của thương yêu - dù với bất kỳ ai chăng nữa. (Đôi lúc phải cảm ơn người thứ ba)

Anh bảo em quên bởi vì tình yêu suy cho cùng cũng chỉ là một chuyện trần gian, chẳng thể đủ nhiều viễn vông và huyễn hoặc cho một kết cục không-chóng-tàn. Tình yêu bắt đầu từ những cảm xúc và được duy trì bằng thói quen, tiếc thay cảm xúc thì chóng vánh còn thói quen thường nhanh tẻ nhạt. Cuối cùng, chẳng còn lại gì trong tay dù anh đã cố nắm thật chặt không buông rời - anh cuối cùng lạc mất tay em, cuối cùng rơi mất kỷ niệm và cuối cùng đánh mất thương yêu. Anh cuối cùng không là người cuối cùng của em… (Ngày anh bảo em quên)

Đôi khi chúng ta trôi về hai khoảng trời xa nhau đến ngút mắt tận cùng, mà vẫn cố ngóng hoài về một phía không còn nhau. Mắt đã cay xè, thôi đành dụi mắt, dụi tắt ngày xưa… Đôi khi anh không còn là anh, nhưng tình yêu cho em, thì mãi vẫn riêng dành. (Trôi về hai khoảng trời)

Yêu anh là chấp nhận mọi thứ ở lưng chừng, kể cả hạnh phúc. Đến vui cũng không dám quá trớn và buồn cũng phải gói ghém đi, bởi chỉ một chút xao động dù rất khẽ, hạnh phúc la đà kia sẽ rơi hẫng không phanh. Em vẫn cứ bên cạnh, lắng nghe những buồn vui thường nhật, những giận hờn lẫn ngọt ngào của tình yêu anh đang có. Anh vẫn đi về nơi chốn bình yên của riêng mình bằng hết sự quan tâm và trân trọng, mặc cho khoảng nhớ trong lòng đã xốn xang ít nhiều bởi một hình dung khác. Dẫu biết những khoảnh khắc này rồi sẽ chóng qua, cuối đoạn đường em cũng chỉ là người xa lạ nhìn về hạnh phúc của người ta. Biết là người dưng, vẫn thi thoảng nhủ thầm: "Nếu anh gặp em từ đầu...”.(Ở lưng chừng hạnh phúc)

Chỉ đọc “Ngày trôi về phía cũ” của Anh Khang vỏn vẹn trong nửa tiếng đồng hồ ngày hôm qua, nhưng những dư vị của cuốn tản văn này vẫn còn vương vấn mãi trong lòng tôi cho tới tận bây giờ. Đó là cuốn sách tràn đầy những cung bậc cảm xúc của hoài cổ, nuối tiếc và mong manh. 37 tản văn nho nhỏ là 37 bức thư tình ngọt ngào, 37 nỗi niềm tâm sự chất chứa của tác giả giấu trong lòng sau những mảnh tình vụn vỡ. Và chính Anh Khang đã bộc bạch về tác phẩm của mình thế này: Chỉ là những cảm xúc được góp nhặt sau một-vài-lần yêu, những tản văn-tùy bút được tôi viết như một cách cất giữ những điều xưa cũ của một thời non trẻ. Tôi gom hết người cũ-chuyện xưa và gọi tên những trang viết này là “Ngày trôi về phía cũ”.

Bước qua một mối tình, có mấy ai sẽ hài lòng không tiếc nuối khi nhìn về quá khứ, có mấy ai sẽ mỉm cười nói lời chia tay và chúc nửa kia hạnh phúc? Cuốn sách này đặc biệt dành cho những người đang chìm trong đau khổ sau những mối tình tan vỡ, cho những kẻ đã lỡ đánh mất niềm tin trong tình yêu. Cho dù đang hạnh phúc trong mật ngọt tình yêu, “Ngày trôi về phía cũ” vẫn khiến tôi xúc động bồi hồi. Bởi lẽ, sống trên đời, ai chẳng từng có những vấn vương xưa cũ, ai chẳng từng có những rung động trẻ con, ai chẳng từng có những mối tình dang dở, ai chẳng từng đi qua những thương nhớ, ai chẳng từng ít nhất một lần thất bại trong tình yêu… Tôi khâm phục với cách tác giả đối mặt với hiện thực, với những rạn nứt tan vỡ không thể tránh khỏi, bi nhưng không lụy. Dường như hai chữ “chia tay” ấy chưa hẳn đã đáng sợ, nặng nề như những gì ta luôn tưởng tượng.

Ngôn ngữ của Anh Khang vô cùng bình dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, độc giả dễ dàng tìm thấy niềm đồng cảm trong những cảm xúc chân thành mộc mạc ấy. Lời văn tự sự giàu hình ảnh, cảm xúc lắng đọng và đầy tính triết lý. Có lẽ, tác giả đã trải qua rất nhiều mối tình, rất nhiều sóng gió trong cuộc đời, mới có thể viết nên những dòng này… Thật đáng tiếc khi cuốn sách có phần nhạt dần đi khi trôi về khúc cuối. Sự thiếu mới mẻ, đa dạng gây cảm giác nhàm, oải và hụt hẫng sau khúc nhạc dạo bay bổng cho người đọc. Dẫu sao, “Ngày trôi về phía cũ” (Anh Khang) vẫn là một cuốn sách nhẹ nhàng, êm dịu đáng phải đọc bởi sức mạnh xoa dịu đi ánh nắng hè oi ả và những vết thương lòng mãi chẳng liền sẹo ẩn khuất trong chữ nghĩa của nó.