Những vấn đề liên quan tới sử dụng thuốc cho người cao tuổi

Theo luật người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi được định nghĩa là người từ 60 tuổi trở lên. Theo thông tin từ Bộ Y Tế, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% dân số và tuổi thọ bình quân nước ta là 75,6 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới.

Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi ở nước ta cũng rất lớn. Trung bình 1 người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3 bệnh và 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Do vậy có tới 66% bệnh nhân trên 65 tuổi và 87% bệnh nhân trên 75 tuổi phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày, 34% bệnh nhân trên 75 tuổi phải dùng ít nhất 3 thứ thuốc.

Nhân ngày cao tuổi Việt Nam (ngày 06/06 hằng năm), chúng tôi xin được lược qua những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi, đồng thời giải đáp một số câu hỏi thường gặp nhằm giúp cho việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi được hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn.

ĐẶC ĐIỂM Ở NGƯỜI CAO TUỔI ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC DÙNG THUỐC RA SAO ?

Những thay đổi sinh lý ở người cao tuổi làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình tác động của cơ thể lên thuốc (dược động học) và ảnh hưởng của thuốc lên cơ thể (dược lực học). Ngoài ra, tình trạng đa bệnh – đa thuốc/suy yếu/suy giảm nhận thức cũng khiến cho người cao tuổi dễ bị các tác dụng phụ và các tương tác thuốc hơn. Một số ví dụ như:

– Việc suy giảm chức năng thận sẽ làm tăng tích tụ các thuốc bài tiết qua thận, dẫn đến tích lũy thuốc trong cơ thể và làm tăng khả năng gặp phải các tác dụng phụ của thuốc

– Người cao tuổi tăng lượng mỡ, giảm lượng nước nên một số thuốc an thần như diazepam với đặc tính tan trong mỡ sẽ cần thời gian lâu hơn để thải trừ ra khỏi cơ thể, dẫn đến tác dụng an thần kéo dài, tăng nguy cơ té ngã, cần sử dụng bắt đầu với liều thấp.

– Người cao tuổi có xu hướng sử dụng các thảo dược và thực phẩm chức năng, dẫn đến nguy cơ gặp phải các tương tác với thuốc điều trị bệnh nếu không được tư vấn kỹ.

– Một số thuốc để điều trị bệnh lý này có thể làm nặng thêm một tình trạng bệnh lý khác: ví dụ thuốc diphenhydramin được dùng trong các triệu chứng dị ứng có thể làm nặng thêm tình trạng bí tiểu ở người đã có sẵn bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt.

– Tình trạng suy giảm nhận thức khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị. Một số loại thuốc an thần, thuốc ngủ có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

Những vấn đề liên quan tới sử dụng thuốc cho người cao tuổi

TS BS. Thân Hà Ngọc Thể – Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ

HẬU QUẢ CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC KHÔNG HỢP LÝ Ở NGƯỜI CAO TUỔI ?

So với người trưởng thành trẻ tuổi, người cao tuổi có nguy cơ gặp phải các biến cố có hại từ việc dùng thuốc cao hơn gấp 2-4 lần so với người trẻ (ví dụ hạ đường huyết, hạ huyết áp, táo bón, té ngã, bí tiểu, suy giảm nhận thức).

Một số ví dụ về các hậu quả xuất phát từ việc dùng thuốc không hợp lý khiến người bệnh phải nhập viện như:

– Tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y uống để điều trị bệnh dẫn đến suy chức năng gan và/hoặc suy chức năng thận cấp, hôn mê, tăng đường huyết…

– Xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện vì tự ý mua thuốc giảm đau, kháng viêm uống để trị đau nhức khớp.

– Uống thuốc điều trị đái tháo đường quá liều hoặc bỏ bữa ăn dẫn đến dễ bị hạ đường huyết quá mức, hậu quả là té ngã và các chấn thương do té ngã.

– Không tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như tự ý bẻ viên, nghiền thuốc hoặc tháo viên nang có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị: hay gặp ở người cao tuổi là tự ý tháo viên nang của thuốc kháng đông (thuốc thường dùng trong một số bệnh tim mạch) để dễ uống thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết và phải nhập viện do thuốc.  

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN ?

Để việc sử dụng thuốc an toàn hơn, 4 nguyên tắc người cao tuổi cần tuân thủ:

– Sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ theo đúng chỉ dẫn: không tự ý bẻ, nghiền thuốc, ngưng thuốc, giảm liều hoặc tự ý mua thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

– Giữ lại các đơn thuốc và xếp theo thứ tự thời gian: đảm bảo người nhà và tất cả các bác sĩ (kể cả trường hợp điều trị với nhiều bác sĩ khác nhau) biết được tất cả các thuốc mà người cao tuổi đang dùng (gồm tên thuốc, liều lượng) cũng như các thực phẩm chức năng, thảo dược và những thay đổi về việc dùng thuốc gần đây. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu, đi du lịch hoặc có dị ứng thuốc.

– Lưu ý về những tương tác và tác dụng phụ có thể xảy ra: Tương tác thuốc có thể xảy ra khi một loại thuốc nào đó hoặc đồ uống, thức ăn, các loại thảo dược, thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến tác dụng của một thuốc khác hoặc một tình trạng bệnh lý làm cho một loại thuốc trở nên gây hại.

Việc đọc thông tin kê toa của mỗi loại thuốc hoặc tham vấn với bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ giúp biết thêm về thuốc, hạn sử dụng, cách bảo quản đúng và hạn chế được những tác dụng phụ có thể xảy ra. Ví dụ việc sử dụng nitroglycerin là một thuốc điều trị đau thắt ngực có chống chỉ định dùng cùng với thuốc điều trị rối loạn cương dương như Sildenafil (Viagra) vì tương tác thuốc nghiêm trọng có thể xảy ra dẫn đến hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm đến tính mạng. Cần luôn chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về những bất thường trong quá trình dùng thuốc.

– Cùng bác sĩ, dược sĩ trao đổi về tất cả các thuốc, chế phẩm bổ sung, thảo dược đang dùng trong mỗi lần thăm khám: để xác nhận lại các thuốc có còn cần thiết dùng tiếp không hay có thể ngưng được; chế phẩm bổ sung hoặc loại thảo dược đang dùng có phù hợp không. Nếu thấy thuốc vượt quá khả năng chi trả, có thể hỏi bác sĩ, dược sĩ về loại thuốc thay thế, vẫn hiệu quả nhưng chi phí thấp hơn. Cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ khi cảm thấy một loại thuốc nào đó không thật sự hiệu quả (ví dụ, nếu thuốc giảm đau không giúp giảm đau tốt như đã mong đợi). Việc trao đổi này giúp hạn chế các tương tác thuốc, tác dụng phụ và chi phí.

QUÊN UỐNG THUỐC CÓ NGUY HIỂM ? CẦN LÀM GÌ KHI QUÊN ?

Người cao tuổi đôi khi vì uống rất nhiều thuốc và vào các thời gian khác nhau sẽ dẫn đến việc quên uống thuốc. Tùy vào từng loại thuốc mà việc quên liều sẽ có những ảnh hưởng khác nhau và đòi hỏi cách xử trí khác nhau.

Việc quên một liều có thể không gây ra vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu việc này diễn ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Cụ thể:

– Bỏ qua thời điểm thuốc có tác dụng tốt nhất: Thuốc giảm đau trong viêm khớp sẽ hiệu quả nhất khi được uống trước khi xuất hiện triệu chứng đau dữ dội hay việc sử dụng thuốc xịt quá trễ trong bệnh hen suyễn có thể không giúp phòng ngừa được cơn hen sẽ xảy ra.

– Gây thất bại trong điều trị: nếu không uống thuốc kháng sinh đúng và đủ liều, tự ngưng khi thấy giảm triệu chứng có thể gây ra kháng thuốc làm tình trạng nhiễm trùng khó kiểm soát và đôi khi cần phải điều trị với một liệu trình kháng sinh dài ngày hơn hoặc phải đổi thuốc điều trị.

– Có thể gặp phải hội chứng “ngưng thuốc”: các thuốc tác động trên thần kinh trung ương như một số thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm…nếu quên liều liên tục hoặc ngưng đột ngột có thể gây rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, lo âu, đau đầu…

– Tăng nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng: đôi khi việc quên dùng các thuốc huyết áp hoặc thuốc tim mạch như aspirin có thể gây tăng huyết áp dội ngược, cơn đột quỵ hoặc đau tim tái phát. Việc quên uống thuốc điều trị đái tháo đường có thể làm đường huyết không được kiểm soát tốt, tăng nguy cơ gặp biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, tim…

Tốt nhất là liên hệ với bác sĩ, dược sĩ để biết cần phải làm gì đối với những trường hợp quên uống thuốc cụ thể. Nếu không liên hệ được, có thể đọc thêm thông tin kê toa đối với từng loại thuốc để xem hướng dẫn khi quên liều. Nhìn chung, có thể tham khảo nguyên tắc xử trí sau khi quên liều:

– Nếu nhận ra quên uống thuốc trong vòng 2 giờ so với thời điểm cần uống thuốc: có thể uống liều đã quên ngay khi nhớ ra và dùng liều kế tiếp như thông thường.

– Nếu nhận ra muộn hơn 2 giờ so với thời điểm cần uống thuốc: tùy vào số lần dùng thuốc trong ngày để quyết định:

  • Nếu thuốc đó cần dùng 1-2 lần/ngày: có thể an toàn để dùng thuốc khi kịp thời nhớ ra, miễn là không sát với liều kế tiếp (không dùng thuốc bù khi liều kế tiếp quá gần với thời điểm nhớ ra đã quên thuốc) để tránh quá liều.
  • Nếu thuốc đó cần dùng ít nhất 3 lần/ngày: thường là an toàn khi bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như thường ngày.

Những vấn đề liên quan tới sử dụng thuốc cho người cao tuổi

TS BS. Thân Hà Ngọc Thể khám cho người bệnh

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP NGƯỜI CAO TUỔI KHÔNG QUÊN DÙNG THUỐC ?

Có thể hạn chế việc quên dùng thuốc ở người cao tuổi bằng những biện pháp sau:

– Dán nhãn nhắc nhở: có thể nhờ quầy thuốc cho nhãn phóng to, dán lên các hộp, lọ thuốc các thông tin về tên thuốc, liều dùng.

– Sử dụng hộp chia thuốc: nếu phải dùng nhiều thuốc khác nhau, có thể cho thuốc trong các hộp chia thuốc theo ngăn, theo giờ như hộp chia thuốc 1 ngày 4 ngăn (sáng – trưa – chiều – tối); đồng thời đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc phù hợp, tránh ánh sáng, nóng, ẩm.

– Tạo thói quen dùng thuốc gắn liền với các hoạt động trong ngày: như sau ăn sáng, buổi tối trước khi đi ngủ …

– Cài đặt chuông báo trong điện thoại, đồng hồ: để nhắc nhở việc uống thuốc theo đúng giờ

CÓ NÊN UỐNG THUỐC VỚI NƯỚC NGỌT, NƯỚC TRÁI CÂY, SỮA?

Như chúng ta biết, vì đôi khi thuốc đắng và có mùi vị khó chịu mà nhiều người kết hợp uống thuốc với nước đường, nước ngọt. Tuy nhiên việc uống thuốc với nước lọc mới được xem là an toàn nhất, tránh được những tương tác có thể xảy ra. Cụ thể:

– Một số thức uống như cà phê, trà, nước ngọt có thể chứa caffeine. Chất này kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tương tác với một số kháng sinh như ciprofloxacin, thuốc đau dạ dày cimetidin…

– Thành phần tannin tạo nên vị hơi chát trong trà và một số loại nước ngọt làm giảm sự hấp thu của các chế phẩm bổ sung sắt, từ đó khiến việc bổ sung sắt để điều trị thiếu máu thiếu sắt trở nên kém hiệu quả.

– Các loại nước ép như cam, táo… được khuyến cáo uống cách xa thuốc chống dị ứng fexofenadin ít nhất 4 giờ vì chúng có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc và dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.

– Thành phần calci trong sữa sẽ tạo phức và làm giảm sự hấp thu của các kháng sinh như ciprofloxacin, levofloxacin, tetracyclin…hoặc thuốc điều trị loãng xương nhóm biphosphonat (alendronat, ibandronat…); do vậy nên sử dụng sữa hoặc các chế phẩm bổ sung calci cách xa các loại thuốc này.

UỐNG SỮA NÊN CÁCH UỐNG THUỐC BAO LÂU ?

Thành phần canxi hoặc magne, sắt trong sữa sẽ gắn kết với một số loại thuốc tạo phức chất không tan dẫn đến việc khó hấp thu thuốc, từ đó giảm hiệu quả điều trị. Thời gian uống sữa cách uống thuốc bao lâu sẽ tùy vào từng loại thuốc khác nhau. Cụ thể:

– Nhóm kháng sinh cyclin như tetracyclin, doxycyclin: cần cách vài giờ

– Nhóm kháng sinh quinolon như ciprofloxacin, levofloxacin: uống sữa cách trước uống thuốc ít nhất 6 giờ hoặc sau uống thuốc 2 giờ

– Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp levothyroxin: cách ít nhất 4 giờ

– Thuốc điều trị loãng xương nhóm biphosphonat (alendronat, ibandronat…): cách 30-60 phút

– Tham vấn thêm ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có thêm thông tin về loại thuốc đang dùng

CÓ NÊN NẰM XUỐNG NGAY SAU KHI UỐNG THUỐC ?

Nhiều người cao tuổi có thói quen là uống thuốc xong sẽ đi nằm. Tuy nhiên, đối với một số loại thuốc đặc biệt, thói quen này có thể gây ra ảnh hưởng có hại.

Tốt nhất là không nên nằm ngay sau khi uống thuốc để đảm bảo thuốc đi qua thực quản đến dạ dày và hấp thu trọn vẹn. Nếu người bệnh khó nuốt, uống thuốc với ít nước hoặc do uống thuốc rồi nằm ngay có thể khiến cho viên thuốc bị giữ ở thực quản, phóng thích các chất hóa học làm kích ứng niêm mạc thực quản, dẫn đến biến chứng gây hẹp, loét, xuất huyết, thủng thực quản.

Một số thuốc cần lưu ý đặc biệt không nên nằm ngay sau khi dùng thuốc như:

– Nhóm thuốc điều trị loãng xương (biphosphonat): cần tránh nằm xuống ít nhất 30-60 phút sau khi uống thuốc.

– Các kháng sinh nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin) hoặc clindamycin

– Thuốc ngừa biến cố tim mạch và đột quỵ: aspirin

– Thuốc giảm đau, kháng viêm NSAID (như ibuprofen, diclofenac, celecoxib…)

– Vitamin C, viên kali clorid, chế phẩm bổ sung sắt

KẾT LUẬN

Điều trị thuốc có thể làm tăng đáng kể chất lượng sống của người cao tuổi. Tuy vậy, ích lợi của việc điều trị thuốc có thể bị giảm đi do các tác dụng phụ của thuốc hay các biến cố phụ khi ngưng thuốc. Người cao tuổi với kiến thức đúng về sử dụng thuốc có thể góp phần quan trọng để dùng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả từ đó nâng cao chất lượng sống và giảm thiểu nguy cơ nhập viện cho người cao tuổi.

TS.BS. Thân Hà Ngọc Thể

DS. Nguyễn Thị Trang

Tạp Chí Sức Khỏe