Sông Hồng có bao nhiêu nhánh sông?

(HNMCT) - Hà Nội đang khẩn trương thực hiện quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn chảy qua thành phố theo tiêu chí hài hòa giữa sinh thái, văn hóa và lịch sử. Nếu được Chính phủ phê duyệt, trong tương lai, “mặt tiền” của Hà Nội sẽ hướng ra sông Hồng. Tuy nhiên, đoạn sông này vẫn còn nhiều chuyện ít người biết.

Sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Quý Tú

Đoạn sông chảy qua Hà Nội quanh co nên mới có câu: “Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông”. Vì quanh co như cái nhĩ tai, chỗ rộng, chỗ hẹp nên người xưa gọi là Nhĩ Hà. Khúc sông rộng nhất đoạn qua Hà Nội là xã Vân Cốc (huyện Phúc Thọ), tính từ đê bên này sang bờ bên kia rộng tới 8km, còn khúc hẹp nhất là Chèm - rộng 1,2km. Nhĩ Hà đổi dòng liên tục, vì thế, hồ Tây ban đầu là góc cua. Khi sông đổi dòng, cát lấp hai đầu trở thành hồ Tây thơ mộng ngày nay.

Cuối thế kỷ XVIII, nước sông Hồng sát đê Yên Phụ. Ở đây có lò nung vôi Thạch Khối ngày đêm tấp nập thuyền chở đá ra vào, thuyền mua vôi chen lấn. Nhưng đến giữa thế kỷ XIX, lò nung vôi này biến mất do sông đổi dòng, hướng sang Gia Lâm. Hồ Hoàn Kiếm ngày nay là dấu tích của hồ Lục Thủy xưa. Lục Thủy nằm sát đê, nhưng Nhĩ Hà đổi dòng khiến bãi bồi rộng ra và người ta lại cho đắp đê mới nên Lục Thủy thành hồ trong đê. Có ý kiến cho rằng hồ Ba Mẫu, Trung Phụng, Văn Chương... xưa cũng nằm ngoài bãi, tuy nhiên, khảo sát tài liệu và bản đồ cổ cho thấy các hồ này hình thành là do lấy đất để đắp đê.

Theo thống kê của ngành Thủy lợi, từ năm 1902 đến năm 1972, sông Hồng đoạn qua Hà Nội đổi dòng tới 7 lần. Việc sông đổi dòng đã tác động đến bãi bồi ven đê và bãi Giữa. Có một điều kỳ lạ là theo chiều dài của sông Hồng từ đầu nguồn đổ ra biển có rất nhiều bãi bồi giữa sông, nhưng bãi dài nhất, rộng nhất, có dân ở lại là đoạn chảy qua Hà Nội được gọi là bãi Giữa. Vì bãi Giữa chia dòng chảy làm hai nhánh, nên khúc sông này còn có tên là Nhị Hà.

Không biết bãi Giữa có từ bao giờ nhưng thời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn ra xây thành Thăng Long trên nền thành Đại La cũ đã di dời làng An Xá ở phía nam hồ Tây để lấy đất mở rộng thành. Dân An Xá phải chuyển ra sống ở ven sông, từ bãi Phú Thượng kéo xuống khu vực Đầm Trấu và cả vùng Bắc Biên gần cửa sông Đuống được đặt tên là Cơ Xá. Bãi Giữa thuộc đất làng Cơ Xá. Bãi Giữa là tên Nôm, còn tên chữ là Trung Hà. Phần đất có dân ở gọi là làng Đại Xá. Bãi Giữa thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào nước lũ. Năm nào mưa to, lũ lớn thì cát lở khiến bãi hẹp lại, nhưng năm nào lũ nhỏ, mưa ít thì bãi không bị lở.

Năm 1885, trận lũ lớn đã làm nước tràn vào khu nhượng địa Đồn Thủy (tương ứng khu vực Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố Phạm Ngũ Lão hiện nay), đe dọa tính mạng quân đội Pháp đóng ở đây. Khi nước rút, thực dân Pháp đã cho đắp 400m đê phụ ở đầu phố Hàng Than để chuyển dòng chảy của sông Hồng sang phía Gia Lâm nên bãi Giữa ổn định từ đó.

Nửa đầu thế kỷ XX, bãi Giữa trở nên xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó trồng dâu nuôi tằm. Từ đầu đến cuối bãi có một con đường chính, hai bên có các đường xương cá vào các xóm. Duy nhất cả bãi chỉ có một ngôi nhà gạch ở gần chân cầu Long Biên là nhà nuôi tằm của ông Nguyễn Thừa Đạt, người giàu có nhất bãi. Bãi Giữa đã trở thành điểm du lịch khi chính quyền Pháp cho làm cầu thang từ cầu Long Biên xuống. Từ năm 1947 đến 1954, lo sợ Việt Minh phá cầu Long Biên nên quân Pháp thường xuyên tuần tra khắp bãi.

Vì tiếp nước của sông Đà, sông Lô và sông Thao (tên gọi sông Hồng đoạn từ Lào Cai về ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì) nên sông Hồng là con sông hung dữ nhất trong các con sông ở miền Bắc, và hung dữ nhất lại chính là khúc sông qua Hà Nội. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, kinh đô Thăng Long nhiều lần bị lũ lụt. Năm 1078, nước tràn vào cửa Đại Hưng (tương ứng khu vực Cửa Nam hiện nay); năm 1228, kinh thành bị lũ lớn; năm 1270, Thăng Long chìm trong nước và phải di chuyển bằng thuyền... Năm 1915, trận lũ phá vỡ đê Liên Mạc khiến nước tràn vào vùng Cổ Nhuế gây ngập kéo dài mấy tháng trời; phù sa lấp hết ruộng nên không thể cấy được lúa, buộc dân phải chuyển sang trồng màu và làm nghề may. 

Ngày nay, sông Hồng gần như không còn lũ vì thượng nguồn phía Trung Quốc và thượng nguồn sông Đà có các nhà máy thủy điện. Việc hình thành khu đô thị ven sông Hồng sẽ biến Hà Nội trở thành thành phố đẹp nhất trong các đô thị Việt Nam.

Sông Hồng, tên chữ Hán là Hồng Hà - 红河, là một con sông lớn chảy qua vùng đồng bằng Bắc Bộ ở Việt Nam. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776m trên dãy Ngụy Sơn. Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc có tên là Nguyên Giang. Sông vào lãnh thổ Việt Nam, tại Hà Khẩu thuộc tỉnh Lào Cai. Đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Bạch Hạc, thuộc thành phố Việt Trì gọi là sông Thao, người Thái gọi là Nậm Tao. Đoạn qua Hà Nội, sông uốn cong như vành tai, nên gọi là Nhĩ Hà, đọc chệch thành Nhị Hà. Nước sông có màu đỏ ngầu, do chứa nhiều phù sa, vì thế, gọi chung là sông Hồng.

Sông dài khoảng 1.183 km, đoạn chảy qua nước ta là 650km, qua địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Diện tích toàn lưu vực là 155.000 km2 chiếm 45.6% diện tích. Ngoài ra, sông Hồng còn có 614 phụ lưu từ cấp 1 đến cấp 6, trong đó có những phụ lưu lớn như sông Đà, sông Lô, sông Chảy… Sông đổ ra biển ở cửa biển Ba Lạt, nằm giáp ranh giữa huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Đoạn sông từ Lào Cai đến Yên Bái có 26 thác, hơn 100 ghềnh, từ Yên Bái xuống Việt Trì lòng sông rộng và sâu.

Sông Hồng còn được gọi là sông Cái, Nhị Hà, sông Nam Sang, sông Hoàng Giang... Đây là con sông bồi đắp nên nền văn minh sông Hồng - một trong 36 nền văn minh của thế giới. Sông Hồng đồng thời cũng là hệ thống sông lớn nhất ở miền Bắc và lớn thứ hai ở bán đảo Đông Dương (sau sông Mê Kông, hay còn gọi là sông Cửu Long).

Sông Hồng vào Hà Nội từ xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm đến xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, dài khoảng 30km, có lưu lượng nước bình quân hàng năm rất lớn, tới 2640m3/s với tổng lượng nước chảy qua tới 83,6 triệu m3.

Lũ sông Hồng chủ yếu là do lũ các phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô gây nên. Hàng năm, mùa lũ kéo dài 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch). Tháng có lưu lượng nước bình quân lớn nhất tức đỉnh lũ là tháng 8, lượng nước bằng 15% tổng lượng cả năm va bằng tổng lượng nước cả 7 tháng mùa cạn (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau). Tháng có lưu lượng nước nhỏ nhất là tháng 3.

Lượng phù sa của sông Hồng rất phong phú, trung bình 100 triệu tấn/ năm. Phù sa màu mỡ, độ chua (pH) trung bình là 7, lượng đạm 12g/m3, lượng mùn 2,76 đến 3,18g/m3. Lượng phù sa chủ yếu trong mùa lũ, chiếm 90% tổng lượng cả năm.

Đê sông Hồng được đắp từ năm 1108, đoạn từ Nghi Tàm đến Thanh Trì gọi lá đê Cơ Xá. Ngày nay sông Hồng chảy qua Việt Nam có 1267km đê ở cả hai bên hữu ngạn và tả ngạn. Độ cao mặt đê tại Hà Nội là 14m. Sông Hồng góp phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp cá giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng sông Hồng.