Tại sao muỗi hút máu

Loài muỗi có năng lực phát hiện mục tiêu (con người) ở khoảng cách hàng chục mét. Trong vòng vài giây, chúng nhanh chóng tiếp cận vùng da trần của đối tượng và hút máu.

Báo cáo mới, đăng trên chuyên san Medical Entomology, bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng muỗi đực thường tránh người. Trên thực tế, muỗi đực vẫn bị con người hấp dẫn, dù không hành động như muỗi cái là hút máu người.

Để rút ra kết luận trên, đội ngũ khoa học gia do tiến sĩ Perran Ross của Đại học Melbourne (Úc) dẫn đầu đã tiến hành thí nghiệm ở loài muỗi vằn Aedes aegypti, hung thủ truyền bệnh sốt xuất huyết cho người.

Họ thả muỗi vằn, cả đực lẫn cái, vào một khu vực và đặt camera ghi nhận chuyển động của chúng. Kết quả cho thấy muỗi đực vẫn lân la đến gần 2 mục tiêu nhưng không đậu lên da để hút máu.

Trong số hai người đóng vai trò là mục tiêu, một người thu hút số lượng muỗi gấp ba người còn lại. Hiện vẫn chưa hiểu rõ sự khác biệt này, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này nhiều khả năng là do hỗn hợp mùi tỏa ra từ da đối tượng.

Vì thế, dù không hút máu, muỗi đực sẽ vẫn vo ve bên tai con người và gây phiền toái không thua gì muỗi cái.

'Dĩ độc trị độc': dùng muỗi dập dịch sốt xuất huyết

Tin liên quan

Muỗi là nguồn lây nhiễm của một số bệnh vô cùng nguy hiểm như Zika, sốt xuất huyết, sốt rét. Trong hơn 3.000 loài muỗi trên thế giới, những loài hút máu người chỉ chiếm số lượng nhỏ. Đến nay, nhân loại còn chưa hiểu rõ về cách muỗi lần theo mùi hương trên cơ thể con người. Trong khi đó, nghiên cứu về khả năng này được cho là có thể giúp cứu sống hàng nghìn sinh mạng mỗi năm.

Carolyn McBride, phó giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Học viện Khoa học Thần kinh Princeton ở New Jersey đã làm rõ tầm quan trọng của điều này.

Bà cho biết: "Mỗi khi một loài muỗi tiến hóa thành sinh vật hút máu người - chỉ mới xảy ra hai hoặc ba lần - chúng đều trở thành vật trung gian truyền bệnh".

Đó là lý do tại sao cần nghiên cứu cách muỗi định vị con người dựa trên mùi hương.

Giáo sư McBride đã nghiên cứu về loài muỗi Aedes aegypti, hay còn gọi là "muỗi sốt vàng", nhiều năm. Muỗi Aedes aegypti cũng là vật trung gian lây nhiễm cả bệnh sốt xuất huyết, Zika và chikungunya.

Bà cho biết: "Muỗi chủ yếu chọn con mồi dựa trên mùi hương. Đặc biệt, chỉ có muỗi cái hút máu vì chúng cần nguồn thức ăn này để đẻ trứng. Vì vậy việc xác định tại sao một muỗi cái lại chọn một con người cụ thể để hút máu mà không phải một loài động vật máu nóng khác là vô cùng quan trọng".

Christopher Potter, phó giáo sư khoa học thần kinh tại Trung tâm sinh học cảm quan, Đại học Johns Hopkins, cho rằng khi xác định được cách muỗi định vị con mồi, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc hoặc mồi nhử để dụ muỗi tránh xa con người, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, đây không phải công việc dễ dàng, vì mùi của các loài động vật, bao gồm cả con người, được tạo thành từ hàng trăm hợp chất hóa học trộn lẫn với nhau theo những tỷ lệ cụ thể.

Giống muỗi Aedes châu Phi chỉ cắn động vật (trái) và muỗi Aedes chỉ cắn người (phải). Ảnh: Carolyn McBride

McBride cho biết: "Các hợp chất hóa học có trong mùi cơ thể người về cơ bản giống với động vật khác. Sự khác biệt là do tỷ lệ và sự đa dạng của các hợp chất có trong mùi cơ thể người".

Mỗi con muỗi cái, khi lựa chọn con mồi của mình, đều phải thực hiện những tính toán hóa học phức tạp để phân giữa một con người và các giống loài khác như chó, mèo hay một bông hoa.

Zhilei Zhao, nghiên cứu sinh tại trung tâm của giáo sư McBride, đã mô tả công việc của phòng nghiên cứu: "Chúng tôi ghi lại tất cả các hoạt động của não bộ muỗi cái khi chúng tiếp xúc với các chiết xuất từ mùi cơ thể người và động vật. Phải mất 4 năm để phát triển loại thuốc thử di truyền cần thiết, hệ thống cung cấp mùi và phương pháp phân tích".

Nhóm nghiên cứu của McBride đã phát triển một thư viện về các thành phần hóa học có trong mùi cơ thể của động vật. Jessica Zung, nghiên cứu sinh tại đây, cho biết: "Những dữ liệu đó không có sẵn nên chúng tôi tự thu thập và xây dựng nó".

Zung cho biết sau khi so sánh các dữ liệu thu thập, kết quả cho thấy Decanal, một hợp chất đơn giản và phổ biến có nhiều hơn trong da người so với các động vật khác.

Đây là hợp chất tương đối phức tạp. Một nghiên cứu từ những năm 1970 cho thấy khi một thành phần có trong lớp dầu tự nhiên của da người là axit sapienic bị loại bỏ, decanal sẽ sót lại. Loại axit sapienic này chỉ có ở người..

Để hiểu chính xác cách muỗi định vị con mồi bằng mùi hương, các nhà khoa học đã lai tạo loài muỗi Aedes aegyti biến đổi gene để quan sát chi tiết hoạt động của các tế bào thần kinh khi loài muỗi này tiếp xúc với mùi của con người và động vật.

McBride cho biết: "Có một loại tế bào thần kinh phản ứng mạnh mẽ với cả mùi của người và động vật. Một loại tế bào khác phản ứng mạnh hơn với mùi của người so với của động vật". Vì vậy, cơ chế hoạt động có thể chỉ đơn giản là não của muỗi sẽ so sánh hai loại tế bào thần kinh này với nhau.

Hải Chi (Theo CNN)

Muỗi là loài vật vô cùng nguy hiểm. Muỗi hút máu người và truyền nhiễm các dịch bệnh. Nhỏ bé là thế, hơn cả ngàn sinh mạng mỗi năm phải bỏ mạng vì chúng. Các nghiên cứu chỉ ra, vết cắn của loài muỗi còn nguy hiểm hơn bất kỳ loài động vật nào khác. Vậy thì, điều gì ở vết muỗi cắn lại có thể gây chết người?

Muỗi – Loài động vật nguy hiểm nhất thế giới

Với vóc dáng vô cùng bé nhỏ, muỗi được vinh danh là loài động vật nguy hiểm nhất thế giới. Chúng là những sát thủ tí hon tước đi biết bao nhiêu sinh mạng. Hằng năm, chúng gây ra hàng triệu cái chết cho con người. Tuy nhiên, con người không phải những nạn nhân duy nhất của chúng. Bởi vì, chúng còn tấn công cả các loài động vật khác nữa cơ, như chó, mèo,…

Muỗi là một nhóm sinh vật thuộc lớp côn trùng. Chúng sở hữu những hai đôi cánh: một đôi cánh vảy và một đôi cánh cứng. Thân hình chúng thường mỏng và thuôn dài. Phải có đến hơn 3500 loài muỗi tồn tại trên Trái Đất. Chúng có kích thước khác nhau tùy theo loài nhưng thật may là chỉ nằm ở khoảng vài mm. Thử tưởng tượng như có con muỗi nào cỡ 3cm thôi cũng thấy hãi rồi phải không?

Tại sao muỗi hút máu người?

Loài muỗi đã tồn tại trên hành tinh này cách đây 170 triệu năm. Muỗi là loài đẻ trứng. Trứng muỗi được đẻ trong nước, sau đó nở thành ấu trùng mà chúng ta vẫn hay gọi là bọ gậy hoặc lăng quăng. Bọ gậy sau này lớn lên thành nhộng và cuối cùng trở thành muỗi.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chỉ có muỗi cái mới thực hiện việc hút máu ấy. Muỗi đực không cần hút máu người vì chúng không mang nghĩa vụ sinh sản. Muỗi đực tồn tại bằng cách hút nhựa cây và hoa quả.

Muỗi hút máu người và động vật thường là muỗi cái. Chúng có khả năng cảm nhận tia hồng ngoại phát ra từ vật có thân nhiệt cao. Chúng đặc biệt nhạy cảm với carbon diocide trong hơi thở động vật và mùi mồ hôi. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, nếu bạn là nam giới mang nhóm máu O và cân nặng hơi quá khổ, bạn đã trở thành mục tiêu hàng đầu cho loài vật khát máu này!

6 cây kim được sử dụng để muỗi hút máu

Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. Muỗi hút máu sử dụng không chỉ một cây kim như chúng ta vẫn nghĩ. Thực chất, cây kim ấy chỉ là vỏ bọc bên ngoài thôi. Nhìn vào hình mặt cắt kế bên, chúng ta có thể nhận thấy bên trong lớp vỏ bọc ấy bao gồm tới 6 cây kim riêng biệt. Hình ảnh này đã được phóng lớn lên cũng như thêm màu sắc để chúng ta dễ dàng phân biệt.

Khi xác định nạn nhân, muỗi hút máu bằng cách cắm cả 6 cây kim này xuống da. Đầu kim sẽ liên tục được điều chỉnh để cắm trúng vào mạch máu. Khi hút máu, muỗi còn có khả năng lọc nước ra để đảm bảo tinh chất của máu được giữ nguyên trong bụng chúng. Chất lượng máu càng đậm đặc thì càng tăng khả năng sinh sản cho lứa kế tiếp. Vòng đời của muỗi thường không quá ngắn. Chúng có thể sống đến vài tuần, thậm chí là cả tháng.

Bệnh dịch truyền nhiễm

Cũng giống như khi đi tiêm ngừa, mỗi cá nhân đều được sử dụng một cây kim riêng biệt. Tuyệt đối không sử dụng chung đầu kim với các bệnh nhân khác để tránh lây nhiễm. Trước khi tiêm, các bác sĩ còn phải đảm bảo đầu kim được khử trùng tuyệt đối. Một công đoạn quả vô cùng phức tạp phải không? Dĩ nhiên, loài muỗi chẳng được cẩn thận đến vậy đâu.

Chỉ với cây kim gồm 6 đầu kim bé xíu ấy, chúng đâm xuyên qua da thịt chúng ta và thản nhiên hút máu. Sau đó, nếu chúng ta không tiêu diệt được chúng. Chúng sẽ lại hả hê đợi đến bữa ăn sau và lần này, chúng tìm nạn nhân khác. Cây kim của chúng đâm vào da thịt chúng ta giờ lại xuyên qua da thịt của một người khác. Hãy thử tưởng tượng xem nếu một trong hai nạn nhân của chúng bị bệnh truyền nhiễm thì sao? Chính loài muỗi hút máu người là tác nhân lây lan các loại bệnh vô cùng nguy hiểm. Ở Việt Nam, muỗi đã làm rúng động mùa hè năm 2004. Vài chục nghìn người Việt Nam đã mắc phải căn bệnh sốt xuất huyết vào năm ấy. Đáng buồn hơn, đã có đến vài chục ca tử vong.

Sao loài muỗi chưa bị tuyệt chủng?

Muỗi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn. Ở vùng cực Bắc, nơi muỗi sinh sản và di chuyển theo từng bầy lớn, chúng là nguồn thức ăn cho loài chim di cư. Vì thế, đặt trường hợp, loài muỗi đột nhiên biến mất! Một số lượng lớn cá thể các loài chim trong vùng sẽ tụt giảm. Muỗi còn là nguồn thức ăn cho nhiều loài cá. Khi muỗi biến mất hoàn toàn trên Trái Đất, những loài cá ấy cũng cùng chung số phận với các loài chim di cư.

Muỗi thật ra đóng góp khá lớn cho các nghiên cứu khoa học. Khi một nhà khoa học muốn kiểm tra nguồn nước tại một nơi nào đó, ta sẽ phải nhờ đến “chuyên gia” muỗi. Chất lượng nguồn nước phụ thuộc vào số lượng sinh vật phù du tồn tại ở đấy bao gồm cả ấu trùng muỗi. Ấu trùng muỗi rất nhạy cảm với môi trường sống. Chỉ cần môi trường sống của chúng bị ô nhiễm nhẹ, chúng khó mà tồn tại.

Phòng ngừa và khống chế muỗi hút máu

Trứng muỗi chỉ phát triển trong môi trường nước và ở nhiệt độ thích hợp từ 20 đến 25 độ C. Trớ trêu thay, đó cũng là nhiệt độ thông thường vào mùa mưa ở các nước nhiệt đới. Trong đó, có cả Việt Nam. Các bạn có thể tham khảo những gợi ý sau để phòng ngừa và tiêu diệt loài muỗi:

  • Cải tạo môi trường: Ông bà ta vẫn hay nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Chúng ta không thể cầm vợt và đi tiêu diệt từng con muỗi một. Thay vào đó, hãy triệt môi trường sinh sản của chúng. Thường xuyên nạo vét cỗng rãnh, không để nước đọng; phát quang bụi rậm; dọn dẹp nhà cửa để muỗi không có môi trường sinh sản.
  • Sử dụng thiên địch để diệt muỗi: Muỗi là nguồn thức ăn của rất nhiều loài sinh vật khác. Nếu có điều kiện, hãy nuôi cá hoặc lươn nhỏ để diệt bọ gậy. Chuồn chuồn cũng là một loài thiên địch. Ấu trùng của chúng sống trong nước ăn lăng quăng. Khi lớn, chuồn chuồn bắt muỗi. Một công đôi việc, phải không?
  • Dùng hóa chất diệt muỗi: Đây là phương pháp dễ thực hiện nhất. Chỉ cần rảo bước ra chợ hoặc vào siêu thị, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những bình xịt muỗi hoặc nhang muỗi. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi mua các loại hóa chất này nhé.
  • Bẫy điện: Sử dụng đèn bắt côn trùng hoặc vợt muỗi. Loại đèn bắt côn trùng thường phát ra mùi hương để dụ côn trùng đến. Lớp lưới bao quanh đèn phát ra dòng điện nhỏ đủ để tiêu diệt côn trùng. Loại đèn này sử dụng được cả trong nhà lẫn ngoài trời nhé!

Hãy bảo vệ chính mình khỏi loài muỗi hút máu

Các biện pháp kể trên chỉ phần nào giảm thiểu được số lượng muỗi sinh sản ở khu vực chúng ta sinh sống. Dĩ nhiên, loài muỗi sẽ không bị tiêu diệt ngay trong chớp mắt. Có thể phải mất đến cả tuần hay cả tháng mới thực sự thấy được dân số của loài muỗi thu hẹp đáng kể. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn nên tự bảo vệ chính mình. Hãy ngủ trong màn và bôi thuốc chống muỗi thường xuyên nhé!

Các video của Deep Look cho phép chúng ta quan sát những điều khó mà có cơ hội nhìn bằng mắt thường. Bên cạnh đó, kênh của Ted ED đem đến cho bạn những thông tin vô cùng thú vị! Tải ngay ứng dụng Woodpecker để xem thêm nhiều video nữa nhé!