Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945 (Ảnh: Tư liệu)

Cách đây 76 năm, trong những ngày thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Từ đây, toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Hòa vào dòng chảy của lịch sử, kể từ sau ngày lập nước 2/9/1945, quân và dân Phú Thọ cùng với cả nước đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trải qua các cuộc kháng chiến, mảnh đất Phú Thọ đã có hàng vạn thanh niên tình nguyện gia nhập bộ đội chủ lực, hàng chục vạn người tham gia bộ đội địa phương, dân quân du kích, dân công, thanh niên xung phong, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó có trên 18 nghìn người con ưu tú đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ, hàng vạn người con đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trận.

76 năm đã qua, nhất là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Nhịp độ phát triển và đổi thay từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng ngày càng nhanh chóng, mạnh mẽ. Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng

Diện mạo đô thị của Phú Thọ ngày càng khởi sắc (Ảnh chụp thành phố Việt Trì tháng 10/2020)

Trên quê hương Phú Thọ anh hùng, khắc ghi Lời thề Độc lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chung sức đồng lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, biến khó khăn, thách thức thành những lợi thế và tìm chọn hướng đi phù hợp để khôi phục, phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Phú Thọ đã và đang nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Nhờ đó, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,22%. Cơ cấu kinh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng

Phú Thọ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch bệnh nút giao IC7, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh)

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm, đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 122 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Những năm gần đây, Phú Thọ luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích trong giảng dạy, học tập. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các hoạt động văn hóa, thông tin truyền thông, thể thao có nhiều khởi sắc. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 1,5%/năm; huyện Tân Sơn đã ra khỏi huyện nghèo trước 2 năm.

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng cách mạng

Những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích giáo dục (Ảnh: Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cho Sở Giáo dục và Đào tạo)

Với những thành tích đã đạt được, Phú Thọ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày thu lịch sử năm nào vẫn vẹn nguyên giá trị, vang vọng khắp non sông, đất nước như nhắc nhở thế hệ cháu con về những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ cha ông đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trong điều kiện mới, bối cảnh mới đầy thách thức, những người con trên quê hương Đất Tổ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung nguyện đoàn kết một lòng, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo nhằm sớm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, hòa bình, ổn định và phồn vinh. Đó chính là khát vọng, là ý chí Việt Nam được nuôi dưỡng và thắp sáng từ ngọn lửa niềm tin mang tên “Lời thề Độc lập”.

Thanh Hòa

(Bqp.vn) - Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trải qua 76 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.

Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc

Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [1].

Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.

Nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, Giáo sư Sin-gô Si-ba-ta (Nhật Bản) cho biết “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình” [2].

Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”

Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào... Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu... Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy... Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng...” [3].

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” [4].

Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” [5]; đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam” [6].

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [7].

Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mãi trường tồn với thời gian

75 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật. Với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016).

Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, sau gần 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, hiện đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 118/189 quốc gia (năm 2019); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên...

Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ...

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

[1], [3], [4], [5], [6], [7] - trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. Tập 4, tr. 1, 2, 3

[2] - Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 96.