Uống thuốc xong bao lâu thì ăn được

Cũng giống như cuộc đời của một con người, thuốc cũng có quá trình sinh, lão, bệnh, tử khi chu du khắp cơ thể người và cuối cùng được đào thải sau khi hoàn thành sứ mạng của nó. Hãy xem hành trình của thuốc như thế nào trong cơ thể chúng ta.


Khi ta phải bắt buộc dùng thuốc như thuốc giảm đau, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc để bổ sung sự thiếu hụt (như thiếu insulin gây bệnh đái tháo đường) hoặc làm giảm sự thừa thãi một chất nào đó (như mỡ máu bị tăng cao) nhằm điều chỉnh lại sư cân bằng của cơ thể, ta phải đưa thuốc vào trong cơ thể nhờ con đường cho thuốc. Có nhiều con đường cho thuốc dựa vào các dạng bào chế để con người sử dụng như: thuốc dạng uống hoặc ngậm (dưới lưỡi); thuốc dạng tiêm chích (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm động mạch…); thuốc bôi ngoài da; thuốc bơm hít (khí dung) vào hầu họng; thuốc đạn đặt trực tràng; thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi...

Sau khi đưa thuốc vào cơ thể bằng các con đường đã nêu, thuốc sẽ di chuyển vào trong máu để đến các cơ quan và các mô trong cơ thể, đặc biệt tiến thẳng tới phần cơ thể bị bệnh. Từ đó, thuốc sẽ gây ra tác dụng gọi là hiệu ứng dược lý như phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Cuối cùng cơ thể chúng ta sẽ loại bỏ thuốc và các chất chuyển hóa của nó ra ngoài cơ thể.


Uống thuốc xong bao lâu thì ăn được


Cũng giống đời người có sinh, bệnh, lão, tử, số phận thuốc trong cơ thể có các giai đoạn: hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ.
Thuốc được hấp thu như thế nào?

Thuốc có thể được hấp thu trực tiếp vào máu khi dùng đường tiêm chích. Tiêm tĩnh mạch (viết tắt IV) vì đưa thuốc thẳng vào trong mạch máu nên cho tác dụng nhanh nhất, nhanh hơn tiêm bắp (IM) và tiêm dưới da (SC). Thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch, có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính. Trong trường hợp cấp cứu hay bệnh nhân hôn mê không thể dùng đường uống thì mới dùng đường tiêm.

Thuốc dùng phổ biến là thuốc uống. Tùy dạng thuốc uống (viên nén trần, viên nén bao, viên nang, thuốc uống lỏng như sirô, nhũ dịch, hỗn dịch…) mà sự hấp thu thuốc vào cơ thể nhanh chậm khác nhau. Khi thuốc uống vào miệng, đi qua thực quản và đi vào dạ dày, một số sẽ bắt đầu hòa tan trong khi dạng thuốc lỏng thì đã hòa tan sẵn. Một vài loại thuốc sẽ được hấp thụ tại dạ dày, số khác sẽ di chuyển vào ruột non. Điều này tùy thuộc vào lớp áo bao của viên thuốc. Nhiều loại thuốc có lớp áo bọc đặc biệt nhằm bảo vệ viên thuốc tránh bị hủy hoại bởi axít dạ dày hoặc bảo vệ niêm mạc dạ dày tránh không cho thuốc tác động trực tiếp gây hại dạ dày (viên nén bao tan ở ruột chứ không tan ở dạ dày). Thuốc viên nang dạng con nhộng có khi cũng có cách thức bảo vệ dạng này, do vậy người bệnh không nên mở viên nang để lấy thuốc bên trong uống. Thuốc được xử lý bởi dạ dày có thể tan hoàn toàn hoặc không tan sẽ được chuyển vào ruột non. Từ đây, thuốc được hấp thụ vào niêm mạc của ruột non ở ba nơi: tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng. Thuốc được hấp thu từ ruột non sẽ di chuyển vào trong máu.

Nếu uống thuốc cùng với bữa ăn, có sự tương tác thuốc uống với thức ăn có thể làm thuốc không hoặc chậm hấp thu. Vì vậy, cần lưu ý có 4 loại thuốc uống: loại nên uống vào lúc bụng no, loại uống vào lúc bụng đói, loại nên uống cùng với bữa ăn, và loại uống tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc.

Thuốc được phân bố trong hệ tuần hoàn như thế nào?

Thuốc vào được trong máu sẽ theo dòng máu nhờ nhịp đập của tim để luân chuyển khắp cơ thể, giai đoạn này gọi là sự phân bố của thuốc. Khi phân bố trong máu đi khắp nơi, thuốc muốn gây ra tác dụng dược lý phải được đưa đến cơ quan đích, nơi đáp ứng với tác dụng dược lý đó. Sự phân bố của thuốc bị ảnh hưởng bởi chính đặc tính của thuốc (như kích thước phân tử, tính thân mỡ hay tính thân nước của thuốc…) và phụ thuộc vào tính chất của cơ quan đích mà thuốc sẽ di chuyển tới, như có thuốc qua được hàng rào máu não, có thuốc thấm vào trong mô xương…

Một số cơ quan đích rất khó cho thuốc thâm nhập, bao gồm dịch não tuỷ, xương, mắt. Một số thuốc có khả năng phân bố vào các cơ quan đích này tốt hơn các thuốc khác. Người ta phải chọn lựa các thuốc có khả năng phân bố tốt, ví dụ, bác sĩ cho dùng kháng sinh là các cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxim hay ceftriaxon) phân bố tốt vào dịch não tủy khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ở vùng não tủy (như viêm màng não).
Rất cần biết thuốc có được phân bố vào nhau thai hoặc sữa mẹ hay không và với lượng bao nhiêu, vì cần quan tâm đến tác dụng có thể có của thuốc trên bào thai và đứa trẻ đang bú mẹ có thể gây hại.

Thuốc được chuyển hóa trong cơ thể như thế nào?

Khi thuốc theo máu đi khắp nơi và đến gan thì được chuyển hóa. Gan là cơ quan chính cho việc chuyển hóa thuốc. Rất nhiều thuốc được chuyển hóa tại gan nhờ các enzym (men) chuyển hóa thuốc làm nhiệm vụ chuyển hóa.

Gan luôn xem thuốc là chất độc và chuyển hóa thuốc thành các chất chuyển hóa không còn độc, dễ tan trong nước để thận loại chất đó qua nước tiểu ra khỏi cơ thể.


Uống thuốc xong bao lâu thì ăn được

Đôi khi gan chuyển hóa thuốc thành chất chuyển hóa có độc tính, ví dụ paracetamol. Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt, được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Chuyển hóa paracetamol được xúc tác bởi enzym chuyển hóa thuốc gọi là cytochrom P450, hình thành chất chuyển hóa trung gian là N-acetyl benzoquinoneimin. Khi sử dụng với liều thông thường, chất này sẽ nhanh chóng được khử độc tính bởi glutathion (do gan tiết ra) và thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi sử dụng liều quá cao, không đủ glutathion khử độc tính, lượng N-acetyl benzoquinoneimin tạo thành tăng lên, thâm nhập vào tế bào gan, gây hoại tử gan. Chính vì vậy, tuyệt đối không được dùng quá liều paracetamol để trị cảm sốt.
Gan thải trừ thuốc bên trong cơ thể bằng cách chuyển hóa, thận thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể bằng cách bài tiết qua nước tiểu

Sau khi chuyển hóa ở gan, ngoài thải trừ qua đường tiểu, các chất chuyển hóa của thuốc còn được thải trừ qua mật để theo phân ra ngoài. Có nhiều thuốc còn được chuyển hóa thêm ở ruột và sẽ được tái hấp thu vào máu để thải trừ qua thận.

Enzym chuyển hóa một thuốc ở gan có thể bị ức chế (làm cho mất tác dụng) hoặc cảm ứng (làm cho tăng tác dụng) bởi thuốc dùng chung. Vì vậy, người ta rất lưu ý vấn đề tương tác thuốc ở giai đoạn chuyển hóa thuốc. Như kháng sinh erythromycin ức chế enzym chuyển hóa thuốc trị hen suyễn theophylin dẫn đến nồng độ theophylin cao hơn trong máu. Điều này có nghĩa người bệnh sẽ bị tăng độc tính của theophylin nếu dùng chung với erythromycin. Ngược lại, kháng sinh rifampicin gây cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc “tránh thai đường uống” và dẫn tới giảm nồng độ thuốc tránh thai, đôi khi làm mất tác dụng tránh thai nếu hai thuốc này dùng chung. Các thuốc vừa kể phải uống cách xa trong khoảng thời gian cần thiết.

Khi suy giảm chức năng gan, chuyển hóa các thuốc bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ thuốc trong máu gây độc. Vì vậy, trong trường hợp suy giảm chức năng gan thầy thuốc tránh dùng các thuốc chuyển hóa qua gan hay phải hiệu chỉnh liều thuốc dùng thấp hơn bình thường.

Thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể như thế nào?

Các cơ quan chính liên quan đến việc loại bỏ thuốc là gan và thận. Về cơ bản, những cơ quan này sẽ sàng lọc ra các thuốc được xem là độc hại. Gan sẽ chuyển hóa tức phá vỡ thuốc thông qua một chuỗi các phản ứng hóa học và sinh học phức tạp tạo thành các chất chuyển hóa. Những chất chuyển hóa có thể độc hại cần phế thải này được trữ trong gan cho đến khi chúng sẵn sàng được chuyển đến thận. Trong thận, các chất chuyển hóa lại được xử lý kỹ hơn và loại bỏ khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.

Có thể nói, một chức năng của gan và thận là thải trừ thuốc. Gan thải trừ thuốc bên trong cơ thể bằng cách chuyển hóa, còn thận thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể bằng cách bài tiết qua nước tiểu. Gan thận là cơ quan thải trừ thuốc chính của cơ thể. Nhiều thuốc còn được thải trừ qua đường ruột (qua phân), da (qua mồ hôi), phổi (hơi thở), sữa, tóc. Người ta đã phát hiện độc chất asen (thạch tín) trong tóc của Napoléon sau 150 năm chôn ông để kết luận là ông bị đầu độc!

Khi chức năng cơ quan thải trừ (gan thận) bị suy giảm thì thuốc bị tích lũy lâu trong cơ thể và nguy cơ bị độc tính lớn hơn. Cũng giống như suy gan, trong trường hợp suy thận rất cần giảm liều thuốc dùng.

Tóm lại, khi thuốc vào trong cơ thể, nó có cuộc hành trình bắt đầu từ “sinh” là bắt đầu hấp thu vào cơ thể, “lão, bệnh” là phân bố, chuyển hóa, và cuối cùng “tử” là sự thải trừ nó ra khỏi cơ thể. Điều quan trọng là ta dùng thuốc như thế nào giúp hành trình của thuốc suôn sẻ an toàn, không gây ra cái gọi là tai biến do thuốc xảy ra cho ta.

Theo SKĐS online.

Với thức ăn, mỗi loại thuốc uống có nguyên tắc riêng có những yếu tố lợi, hại ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vậy viên thuốc có quan hệ gì với bữa ăn, tuy không phải là tất cả nhưng có một số thuốc điều trị có mối quan hệ ràng buộc này. Muốn kết quả điều trị tốt cần phải tuân theo cách uống.

Thuốc với dạ dày, những điều nên biết

Thức ăn cần được acid dạ dày phân hủy lớp màng bao quanh, tạo điều kiện để các men tiêu hóa trong dạ dày, ruột, tụy ngấm vào và tiêu hóa thức ăn. Nếu không có acid thì lớp màng khó bị tiêu hủy và các men này khó lách được vào. Trong khi có bệnh và uống thuốc, chúng ta vẫn cần phải ăn, vậy chúng có ảnh hưởng tới nhau như thế nào?

Nồng độ trong máu của một loại thuốc uống phụ thuộc vào mức hấp thu của nó qua đường tiêu hóa. Một số yếu tố của dạ dày như pH dịch vị, dạ dày rỗng hoặc đầy thức ăn... có ảnh hưởng tới quá trình hấp thu thuốc làm tăng hoặc giảm hiệu suất điều trị. Dạ dày rỗng, hay khi chứa nhiều thức ăn có độ pH khác nhau: khi no pH tăng đến 3 hoặc hơn nữa tùy thuộc chế độ ăn, nhưng khi đói dịch dạ dày sẽ tăng tính acid độ pH chỉ còn khoảng 1,7-1,8, thuốc sẽ thay đổi hấp thu tùy theo pH. Mặt khác, dạ dày khi no hay đói cũng có ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của thuốc. Uống thuốc vào lúc đói chỉ cần 10 - 30 phút là thuốc từ dạ dày xuống ruột, nhưng nếu uống vào lúc no tốc độ di chuyển thuốc sẽ chậm, phải mất 1-4 giờ mới qua khỏi dạ dày. Vậy, nếu uống thuốc khi ăn no thuốc sẽ tồn lâu ở dạ dày, hậu quả tốt hay xấu còn tùy theo từng loại thuốc điều trị.

Uống thuốc xong bao lâu thì ăn được

Uống thuốc đúng lúc để đạt hiệu quả chữa bệnh.

Những thuốc cần uống lúc no

Đó là các loại thuốc mà kích thước hạt chịu ảnh hưởng cùng với độ hấp thu như nitrofurantoin (điều trị nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính ở niệu đạo), griseofulvin (thuốc kháng sinh điều trị các loại nấm ngoài da), spironolacton (điều trị xơ gan cổ trướng, phù nề)... nên uống trong bữa ăn thì dịch dạ dày và thức ăn sẽ nhào nặn giúp các hạt thuốc trộn đều làm tăng độ ẩm và dễ hấp thu. Với các thuốc tan mạnh trong dầu mỡ như sulfamid, griseofulvin, phenytoin (trị động kinh và các cơn tâm thần vận động)... thì nên uống trong bữa ăn giàu chất béo. Phần lớn các thuốc kháng nấm ketoconazol nên uống trong bữa ăn để giảm bớt các hiện tượng không dung nạp đường tiêu hóa và cải thiện sự hấp thu, nhưng cần tránh uống rượu.

Các vitamin nhất là nhóm hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K thì nên uống trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn để dầu mỡ có trong thức ăn giúp vitamin dễ hòa tan, cơ thể hấp thu tốt.

Các thuốc chống viêm hạ nhiệt giảm đau không steroid: aspirin, ibuprofen, ketoprofen, diclofenac, kèm với nguy cơ loét dạ dày, cần uống thuốc vào bữa ăn và không được uống rượu.

Các thuốc chống sốt rét như chloroquin (niraquin), proguanil (paludein), mefloquin (lariam): uống vào cuối bữa ăn để cải thiện sự dung nạp đường tiêu hóa.

Những thuốc cần uống xa bữa ăn

Thuốc kháng sinh tetracyclin dễ tạo phức với ion canxi hóa trị 2 (Ca 2 trong thức ăn nhất là sữa), hay các cation kim loại khác có trong thức ăn làm biến đổi tính chất của thuốc mất tác dụng kháng sinh. Bởi vậy, cần uống tetracyclin và các biệt dược của nó cách xa bữa ăn (trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 1,5 - 2 giờ). Với thuốc kháng sinh ampicilin cũng dễ bị ức chế bởi thức ăn, không nên uống ngay sau bữa ăn; tuy nhiên, amoxycilin (chỉ định như ampicilin) thì không bị ức chế bởi thức ăn. Với đa số các kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, spiramycin, josamycin…) sự hấp thu sẽ tốt hơn nếu dùng xa bữa ăn và nên uống vào lúc đói; đối với erythromycin nên uống ngay trước bữa ăn. Cefalexin (ceporexin, reforal), oxacilin phải uống xa bữa ăn để hấp thu tốt hơn.

Những thuốc có tác dụng phụ gây nôn do cơ chế trung ương như opiat, thuốc chống ung thư... thì cần phải uống xa bữa ăn.

Thuốc nhuận tràng làm trơn (dầu paraffin) nên uống một lần vào buổi sáng, xa các bữa ăn để tránh cản trở hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K).

Những thuốc không liên quan với bữa ăn

Đó là những thuốc không bị thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu hoặc phá hỏng, có thể uống vào lúc nào cũng được. Thí dụ, với các kháng sinh nhóm quinolon (norfloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin…) có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn, sự hấp thu không bị ảnh hưởng. Amoxycilin (clamoxil) cũng vậy, có thể uống trong khi ăn hoặc ngoài bữa ăn. Thuốc tadalafil (chữa rối loạn cương dương) sự hấp thu thuốc không liên quan tới bữa ăn và thời điểm dùng thuốc, có thể uống tùy ý. Các thuốc tránh thai dạng uống có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn cũng được, nhưng cần phải uống vào giờ cố định sáng hoặc tối.

BS. Vũ Hướng Văn