Vì cậu, cả ngàn lần rồi tiếng anh

Đọc “Người đua diều”, Afghanistan những thập niên trước hiện ra trong tâm trí tôi với cả vẻ đẹp nên thơ cả sự hoang tàn dã man mà cơn lốc biến động chính trị quét qua đã để lại. Lần đầu tiên, tôi thực sự ghi nhớ trong lòng rằng Kabul với những ngôi nhà có cổng sắt uốn, vườn hoa và cây ăn quả là thủ đô của đất nước này. Tôi nhận ra rằng có quá nhiều những quốc gia, những dân tộc mà tôi đã không chú ý đến, nhưng như chiếc hòm đựng báu vật được giấu trên gác xép, khi lớp bụi được phủi đi, họ vẫn làm chúng ta cả sửng sốt lẫn rung động.

        ” – Nhà văn ư? Wahid nói, rõ ràng là xúc động.

          – Ông viết về Afghanistan à? … Có lẽ ông nên lại viết về Afghanistan, nói cho mọi người trên thế giới biết bọn Taliban đang làm gì đất nước chúng ta.”

Khaled Hosseini đã viết về Taliban, nhưng còn hơn cả thế, ông khắc hoạ một thời kì lịch sử dài khoảng hơn 40 năm kể từ những năm 60 thế kỉ trước, ông phô bày ra cho thế giới thấy một đất nước trong thời kì thanh bình, với những dấu hiệu văn hoá lấp lánh như vàng ròng, để rồi đối lập với cảnh đổ nát hoang tàn, những giọt nước mắt, máu thấm đen quần áo, những đứa trẻ bị bạo hành, xác chết, những tâm hồn chai sạn,… khi chính những người dân nơi đây huỷ hoại quê hương mình. Giữa biến động lịch sử ấy là cuộc đời bé nhỏ của Amir và Hassan, yêu thương và căm thù, trung thành và phản bội, tội lỗi và thứ tha, tất cả hoà quyện thành một bản trường ca.

Amir là một cậu ấm quý tộc, một người Pashtun cao quý, cha cậu là người đàn ông vĩ đại, nổi tiếng với khối tài sản và lòng can trường. Hassan là con trai một người ở của gia đình Amir mang dòng máu người Hazara đáng khinh, khi đế chế Mogol đi qua và để sót lại một vài mảnh của mình. Còn gì có thể đối lập hơn thế?

Chúng lớn lên với nhau và tuổi thơ của đứa này luôn có bóng dáng của người còn lại. Chúng hay ngồi trên cây bạch dương cao, chân vắt chéo, ăn quả dâu tằm và dùng gương chiếu ánh sáng trêu chọc người qua đường. Dưới gốc cây ấy, Amir thường hay đọc cho Hassan nghe cuốn sách được học ở trường, và một ngày khi cậu tự ý phóng tác đoạn kết, Hassan đã nói đó là câu chuyện hấp dẫn nhất mình từng nghe. Và như thể là ai đó đã vô tình tìm ra kho tàng được giấu kín, Hassan đã gợi cho Amir một giấc mơ, một sự nghiệp mà cậu sẽ dành cả đời mình để đeo đuổi. Một ngày mùa hè, Amir dùng dao khắc tên hai đứa lên thân cây: ” Amir và Hasan, hai Sultan ( người có quyền lực) của Kabul”

Nhưng sự khác biệt đâu có tha cho chúng hoàn toàn, nó ẩn sâu nhất trong suy nghĩ của Amir, khi cậu cố tình đọc sai chữ cho Hassan, một sự hả hê thầm lặng khi bản thân tài năng hơn một cậu bé Hazara, khi cậu chỉ chơi với Hassan khi lũ bạn cùng lớp không ở đó. Amir luôn cảm thấy một sự ganh đua ngấm ngầm nào đấy giữa hai đứa và kết thúc phải luôn là cậu giành phần thắng. Amir con của Baba, một Toophan Agha (Ngài Bão Tố) luôn cố gắng để được nổi bật, để làm cho người cha mình hằng ngưỡng mộ ấy tự hào. Tôi có cảm giác mình đang nhìn thấy Sasuke và Itachi, thấy An Nguyệt và Thất Sinh trong hình bóng hai đứa bé ấy, thấy tình yêu thương trong sự ganh ghét và thấy sự ganh ghét trong tình yêu thương. Quả thực nhà văn đã miêu tả những xúc cảm ấy quá mức tinh tế, như những suy tư thầm kín của tôi bị bóc tách ra khi lỡ hả hê vì mình được điểm cao hơn đứa bạn thân cùng bàn.

Tôi đã đợi sự đổ vỡ từ trang đầu tiên của cuốn sách, thấp thỏm liệu đã đến lúc chưa, đau đớn vì sự đau đớn của hai đứa bé khi sự việc xảy ra và cũng đau đớn khi mãi cao trào không đến mà cuộc sống trẻ thơ của chúng cứ hồn nhiên như vậy. Tôi vẫn luôn biết rằng một mỗi quan hệ mà một bên cho đi quá nhiều sẽ không bền. Cái cảm giác bấp bênh ấy dằn vặt tôi. Rồi nó xảy ra thật, vào một mùa đông năm 1975.

        “Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên: Của tôi là Baba

        Của cậu ấy là Amir. Tên tôi

        Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ khởi nguồn của những gì đã xảy ra trong mùa đông năm 1975 – và tất cả những gì tiếp theo sau đó – đã nằm sẵn trong những tiếng bập bẹ đầu tiên ấy.”

Lúc đó trận đua diều rất lớn được tổ chức tại Kabul, đứa nào thắng sẽ là cả một niềm vinh dự lớn cho gia đình, Nang và Namoos, danh dự và tự hào. Baba muốn Amir giành chiến thắng, cậu đã làm thế, và sung sướng biết rằng quan hệ giữa hai người giờ đây đã thay đổi. Nhưng không chỉ thế, mọi thứ đã thay đổi từ cái hôm ấy, và đến tuổi tứ tuần Amir vẫn cảm thấy rằng mình đang khom người sau bức tường đất sụp đổ, nhòm trộm vào lối nhỏ hoang vắng đó suốt mấy chục năm qua. Ở nơi ấy Hassan bị chặn lại khi vẫn bảo vệ chiếc diều xanh mà cả hai đã thắng được – huy chương của Amir, chìa khoá thay đổi cuộc đời cậu, và cũng ở nơi ấy, Amir đã không đủ can đảm để cứu người bạn thân nhất đời mình.

        “Assef quỳ xuống phía sau Hassan, đưa hai tay lên háng Hassan lột trần đôi mông của cậu ra. Nó vẫn để một tay lên lưng Hassan, và tay kia tháo khoá dây lưng của nó, mở khoá kéo quần bò của nó. Ném quần lót của nó xuống. Nó quỳ sát phía sau Hassan. Hassan không chống lại. Cũng không rên rỉ. Cậu hơi ngóc đầu lên, và tôi lờ mờ thấy khuôn mặt cậu ấy. Thấy sự cam chịu trên đó. Đó là một cái nhìn tôi từng thấy trước đây. Đó là cái nhìn của con cừu non.”

        “Tôi liếc nhìn trong ánh sáng lờ mờ thì phát hiện ra Hassan đang bước chậm rãi về phía tôi. Tôi gặp cậu ấy bên một cây phong trụi lá bên bờ suối.

        Cậu cầm chiếc diều xanh trong hai tay, đó là vật đầu tiên tôi nhìn thấy. Và bây giờ tôi không thể dối trá mà bảo rằng, mắt tôi không thể dối trá mà bảo rằng mắt tôi không liếc nhìn thấy vết rách. Áo chapan của cậu đầy những vết bùn hoen bẩn ở phía trước và áo sơ mi bị xé toạc đến tận cổ. Cậu dừng lại. Chân lảo đảo như sắp gục ngã. Rồi tự đúng vững được, trao cho tôi chiếc diều.

        …Cậu định nói một điều gì đó, nhưng giọng nghẹn lại. Cậu mím miệng, mở miệng, rồi lại mím chặt lại. Lùi một bước. Lau mặt…

        Tôi nghĩ cậu sẽ bật khóc, nhưng cậu không thế, khiến tôi an tâm, và tôi vờ như không nghe thấy tiếng nghẹn tắc trong họng cậu. Hệt như tôi giả vờ không trông thấy vết bẩn ở đũng quần cậu. Hoặc những giọt nhỏ xíu đó nhỏ xuống từ giữa hai chân cậu làm vấy bẩn mặt tuyết.

        “Aigha sahib sẽ lo lắng” là tất cả những gì cậu nói. Cậu ngoảnh đi và khập khiễng rời khỏi chỗ tôi.”

Hassan không khóc, nhưng tôi đã vỡ oà ra, và tôi mong muốn biết bao mình có thể ôm cậu bé Hassan ấy vào lòng. Mới hôm trước thôi tôi đã trông thấy một comment trên facebook, một comment nghìn like, rằng không ai có thể cưỡng hiếp một người đàn ông mà không có sự đồng ý của anh ta. Tôi muốn đập vào nó mà hét lên rằng, liệu các người có dám nói thế trước mặt Hassan của tôi không. Ừ thì Hassan vẫn là một đứa trẻ, nhưng cậu trưởng thành đến mức tôi luôn nhầm lẫn cậu là một người đàn ông.

Và Amir, ôi Amir, tự trách về sự hèn nhát của bản thân và tránh mặt Hassan suốt, như thể điều đó có thể khiến quá khứ tội lỗi ấy ngủ yên. Để đóng gói kí ức của mình, lần này chính cậu là người vạch một vết dao lên tim Hassan.

Vậy đấy, Amir là một đứa trẻ, và thường thì ai cũng đặt bản thân lên trước tiên, dù cho đó có là bạn thân nhất đời mình, người anh em của mình.

        “Amir và Hassan, hai sultan của Kabul”

Biến động xảy ra không ngừng. Người Nga tràn vào đất nước Afghanistan, Amir và Baba cậu chạy qua Mỹ. Rồi một nhóm phản quân người Afgha nổi dậy và đẩy quân Nga ra khỏi biên cương. Họ được chào đón như một anh hùng và cũng chính họ là người reo rắc nỗi kinh hoàng mới, thậm chí còn lớn hơn cả những kẻ xâm lược khi xưa. Đó là Taliban. Và vào một ngày mùa hè ở Mỹ, Amir nhận được một cuộc điện thoại, như thể định mệnh đang vẫy gọi cậu, như thể lương tâm đang khe khẽ thì thào: ” Luôn có một con đường để tốt trở lại.”

Một hành trình từ Mỹ về Pakistan, rồi từ Pakistan trở về nơi cố hương bắt đầu. Một sự chuộc lỗi. Để nói với đứa con trai giống như được tạc của Hassan câu nói mà ngày xưa Hassan bắc tay hét với cậu, câu nói âm vang ngay cả trong những giấc mơ sâu nhất: “vì cậu, cả ngàn lần rồi” / “vì cháu, cả ngàn lần rồi.”

Hình như Hassan vẫn đang sống, cậu sống trong đứa con trai mình. Và cậu sống trong cả Amir.

Tặng cậu bé trung hậu môi hẻ Hassan!