Vừa đánh vừa địch vận là gì

QĐND - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác binh-địch vận (BĐV) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (1-1959) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã xác định: “Đảng phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu tranh thủ được binh lính đồng tình với cách mạng xây dựng khối công nông binh liên hiệp…”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (9-1963) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) khẳng định: “Xuất phát từ phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chúng ta phải kết hợp đánh địch bằng 3 mũi: Đánh địch bằng chính trị, đánh địch bằng quân sự và đánh địch bằng binh vận… Công tác binh vận phải được làm tốt để phục vụ đắc lực cho phương hướng tiến tới Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa của ta”.

Vừa đánh vừa địch vận là gì

Tù binh Mỹ bị bắt trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu.

Từ chủ trương lãnh đạo của Đảng, BĐV trở thành một nội dung của đường lối chính trị, một bộ phận của đường lối chiến tranh nhân dân, là một trong ba mũi giáp công đánh địch. Công tác BĐV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn luôn quán triệt và phục vụ cho đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng và có sự phát triển không ngừng cả về nội dung và phương thức. Đó là quá trình tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn hành động rất lâu dài và công phu. Nó gắn liền với phong trào đấu tranh chính trị, với chiến lược, chiến thuật quân sự, được tiến hành đồng thời với tác chiến của LLVT. Bằng hoạt động bền bỉ, liên tục, công tác BĐV đã góp phần quan trọng làm sụp đổ ngụy quân, ngụy quyền cả về tư tưởng và tổ chức. Có thể ví công tác BĐV làm mục ruỗng một thực thể từ bên trong, góp phần tạo điều kiện cho ngoại lực đạp vỡ thực thể đó một cách nhanh chóng. Đó là một mặt trận có tiếng súng và không tiếng súng, được tiến hành trong lòng địch, đầy hy sinh gian khổ của toàn quân, toàn dân.

Bản chất BĐV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ, lôi kéo những người Việt Nam vì những lý do khác nhau đang cầm súng, làm việc cho Mỹ, ngụy trở về với dân tộc, đứng lên cùng nhân dân chống xâm lược và bè lũ tay sai phản động, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy giảm, tê liệt dẫn đến tan rã về tư tưởng, tổ chức; đồng thời là mũi tiến công chính trị vào quân xâm lược Mỹ và chư hầu, làm cho chúng sa sút tinh thần, suy sụp ý chí xâm lược. Chính vì vậy, công tác BĐV trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành phong trào quần chúng tích cực, tự giác, liên tục, đều khắp; nhiều lực lượng tiến hành, đối tượng tác động và hình thức phong phú. Điều này thể hiện rõ ngay khi mới chiếm đóng được miền Nam, đế quốc Mỹ liên tiếp mở chiến dịch đàn áp, khủng bố nhân dân một cách hết sức dã man, dìm cách mạng miền Nam trong bể máu, dùng bộ máy chiến tranh tâm lý liên tục xuyên tạc lý tưởng cộng sản. Mỹ sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại tiến hành đánh phá hủy diệt, mở các chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”. Khi nhân dân vùng lên đồng khởi, Mỹ đưa vào miền Nam các loại vũ khí hiện đại, áp dụng các chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” dồn dân vào ấp chiến lược, thực hiện “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”... Để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quân, dân ta đã đoàn kết một lòng, thực hiện cả nước là một mặt trận, mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ; kết hợp chiến tranh cách mạng với khởi nghĩa của quần chúng, vừa tấn công tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, vừa khoét sâu chỗ yếu của chúng về chính trị và tinh thần.

Trong cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, công tác BĐV được sự tham gia đông đảo của nhân dân từ nông thôn đến thành thị, mọi ngành, mọi giới, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, từ người già đến trẻ nhỏ, gia đình binh sĩ... ở đâu có binh sĩ địch là ở đó có hoạt động BĐV với nhiều hình thức phong phú như: Vận động đào rã ngũ, hướng dẫn làm binh biến, tuyên truyền giác ngộ binh sĩ, móc nối xây dựng cơ sở, phát hiện bọn điệp báo phản bội...

Công tác BĐV phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh ngoại giao, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trên thế giới cả về tinh thần, vật chất; phục vụ nhiệm vụ đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống khủng bố, đàn áp, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Trong những năm địch tăng cường khủng bố, Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ địch và lập ra những đội võ trang bí mật mang danh lực lượng giáo phái ly khai để hoạt động tự vệ. Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo các địa phương phá kế hoạch xây dựng lực lượng của địch, hạn chế tác dụng đàn áp bằng cách đưa người của ta vào quân đội và chính quyền các cấp của địch, nhất là cấp xã. Tại Khu 5, liên khu ủy chỉ đạo các địa phương vận động phân hóa nội bộ địch, kiềm chế hoặc trừng trị bọn phản động, ác ôn, không để địch dùng quân đội đánh phá cách mạng. Các địa phương vận động binh sĩ, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền ủng hộ và tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân đòi các quyền tự do, dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và chống khủng bố đàn áp; xây dựng và sử dụng cơ sở trong lòng địch hoạt động hỗ trợ cho hình thức đấu tranh chính trị và võ trang tự vệ chống Ngô Đình Diệm và cải tạo họ đi theo cách mạng.

Công tác BĐV còn tận dụng sức mạnh của đấu tranh chính trị để vận động binh sĩ địch buông vũ khí, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Binh vận trong ba mũi giáp công chống phá, làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ-Diệm. Tại các địa phương, nhiều trưởng ban binh vận xã kiêm trưởng ban chống phá ấp chiến lược cùng chi bộ, đảng viên vào ấp chiến lược bám dân, bám địch, xây dựng lực lượng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Ở vùng miền núi Khu 5 và Tây Nguyên, ta tranh thủ các già làng, chức sắc có uy tín của tôn giáo, dùng phong tục tập quán, lệ làng, giáo lý để ngăn chặn hoặc rải truyền đơn, viết thư cảnh cáo, răn đe bọn ác ôn. Các tỉnh Nam Bộ đưa cán bộ, đảng viên, du kích, bộ đội về xã, ấp phát động quần chúng vận động gia đình binh sĩ và qua họ tiếp cận, nắm ấp trưởng, ấp phó, binh sĩ các lực lượng địch, xây dựng cơ sở nội tuyến, tạo điều kiện cho ba thứ quân bám trụ, đánh điểm diệt viện, phá hàng mảng lớn ấp chiến lược trên nhiều vùng rộng lớn. BĐV trong ba mũi giáp công đánh bại các chiến thuật quân sự, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quân ngụy, huy động đông đảo quần chúng xuống đường bám các trục lộ giao thông, các trụ sở ngụy quyền, căn cứ chỉ huy gây náo loạn hậu phương địch, tác động mạnh đến tinh thần binh lính địch. Cán bộ, nhân dân làm công tác BĐV tích cực tuyên truyền khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch, khơi dậy ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, chống Mỹ trong binh sĩ, ngụy quân, nhân viên ngụy quyền, thúc đẩy hành động binh biến, ly khai, góp phần làm suy yếu và tan rã một bộ phận quân ngụy, thức tỉnh lương tri binh sĩ Mỹ, chư hầu và nhân dân tiến bộ Mỹ, thúc đẩy hành động chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ.

Công tác BĐV của chúng ta đã lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt nhiên không báo oán trả thù, thực hiện đúng chính sách khoan hồng đối với tù binh, hàng binh, có chính sách phù hợp sử dụng binh lính, sĩ quan, tướng tá địch trong trường hợp họ thật tâm quay về với nhân dân, với cách mạng… Trong kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta đã kết hợp chặt chẽ binh vận với dân vận, địch vận với tác chiến, làm suy yếu tinh thần quân ngụy trên chiến trường, góp phần làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch. BĐV trong ba mũi giáp công đánh phá bình định làm chuyển biến tình hình ở nông thôn và đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị. Trong các chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng đã dựa vào sức mạnh áp đảo bằng mũi tấn công quân sự của các binh đoàn chủ lực, công tác BĐV vận động làm tan rã địch tại chỗ; cán bộ BĐV dũng cảm, táo bạo tiếp cận các đối tượng ở các cấp, buộc nhiều tên chỉ huy địch phải đầu hàng không điều kiện. Trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung, hoạt động BĐV nổi lên là: Phát động toàn dân và cùng lực lượng vũ trang ba thứ quân dùng mọi hình thức vận động làm tan rã địch tại chỗ, không cho chúng rút chạy co cụm, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực phát triển tấn công giải phóng các địa phương khác. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, BĐV đã phát huy cao độ mọi khả năng, lực lượng, phương thức hoạt động, góp phần to lớn vào thắng lợi trên chiến trường. Trên đường hành quân thần tốc, các binh đoàn chủ lực ta vừa tác chiến vừa làm công tác BĐV, một số đơn vị Quân đoàn 4 khi tiến đánh vào các căn cứ địch ở Hố Nai, Biên Hòa đã dùng loa gắn trên xe bọc thép thông báo tình hình chiến sự ngay trong hành tiến và dùng tù binh, hàng binh kêu gọi binh lính địch hạ vũ khí. Đến cao trào nổi dậy thực hiện “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” ở Đồng bằng sông Cửu Long, BĐV ở nhiều nơi trở thành mũi xung kích trực tiếp làm tan rã địch…

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị đã đánh giá: “Binh vận là một mũi tiến công chiến lược nhằm tan rã quân đội địch, nhất là để phá tan chính sách dùng “người Việt đánh người Việt” vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ”.

Đại tá NGÔ VĂN BÍCH, Cục trưởng Cục Dân vận