Bảng vị trí việc làm năm 2023

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong năm 2019 trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế.

Sáng 14/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chủ trì phiên họp để rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương Đảng về cải cách tiền lương, bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó từ 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm trong khu vực hành chính nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo), trong khu vực doanh nghiệp thì thực hiện ngang bằng nhau với khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước (loại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý).

Trên cơ sở Nghị quyết số 27 của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong năm nay và năm 2020, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị khung khổ thể chế để thực hiện cải cách, trong đó quan trọng nhất là xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, chức danh chức vụ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Việc thiết kế hệ thống thang bảng lương thì phải thiết kế thang bảng lương nói chung và hệ thống thang, bảng lương của các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; tính toán chuyển lương cũ sang lương mới...

“Trong quá trình chuẩn bị Đề án, nhiều vấn đề về cải cách lương đã sáng tỏ và được giải trình cụ thể nhưng giờ cần phải cụ thể hoá. Khó khăn nhất là ta đang chuẩn bị cơ sở cho cải cách lương trong bối cảnh chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp nên việc này làm càng sớm càng tốt, càng có dư địa để bàn thảo kỹ”, Phó Thủ tướng nêu tinh thần với các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 27 là Đề án phải bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế (mỗi năm giảm 2,5% biên chế), không chấp nhận xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng biên chế vẫn tăng, không bảo đảm được mục tiêu.

“Nhìn chung, ở khối tư nhân, một người làm lái xe, kiêm cả thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Còn khối Nhà nước thì một vị trí có ngày làm tới 1,5 hoặc 2 ca mà phải có 2 biên chế thì không được. Pháp luật còn cho phép làm thêm giờ cũng như chi trả lương thưởng thì không thể áp dụng máy móc thế được”, Phó Thủ tướng dẫn thực tế hiện nay và đề nghị Bộ Nội vụ kế thừa kinh nghiệm triển khai từ trước tới nay, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp chứ không máy móc áp dụng với Việt Nam để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ LĐ-TBXH và TP. Hà Nội đã triển khai xây dựng vị trí việc làm hiệu quả, đồng thời yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, nhân rộng cách làm hay ra các địa phương, bộ, ngành khác.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng lưu ý Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng các chức danh lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở và phân loại tương đương các chức danh trong hệ thống chính trị để Bộ Chính trị sớm trình Trung ương cho ý kiến vào cuối năm nay.

Về nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính và các địa phương tập trung các nguồn lực tài chính dành cho cải cách lương, kể cả nguồn vượt thu ngân sách Trung ương và địa phương từ 2018-2020 để tăng lương, không để xảy ra tình trạng các địa phương xin dùng nguồn cải cách lương để chi cho việc khác.

“Bên cạnh thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì vẫn phải có nguồn tiền cụ thể mới thực hiện được cải cách lương. Không thể để Nghị quyết Trung ương đặt ra yêu cầu mà không thực hiện được trong thực tiễn hoặc điều chỉnh lương không đáng được bao nhiêu, không đáp ứng được kỳ vọng của công chức, viên chức và người lao động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bảng vị trí việc làm năm 2023

Bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay áp dụng theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT. Hiện tại bảng lương cán bộ công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng theo bảng lương TẠI ĐÂY.

Dự kiến từ năm 2023 mới có 05 bảng lương theo vị trí việc làm mới dành cho cán bộ công chức viên chức thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành. (Đây là chủ trương của BCH Trung ương Đảng theo Nghị quyết 27-NQ/TW nhưng do dịch Covid nên đã bị hoãn lại).

Sau đây là các thông tin mới nhất liên quan đến dự thảo bảng lương theo vị trí việc làm từ năm 2023 dành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (Quân đội, công an).

Về bảng lương áp dụng với người giữ chức vụ lãnh đạo (Bảng 1)

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã sẽ được xây dựng thành 1 bảng lương riêng, theo nguyên tắc: 

  • Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc; Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì hưởng lương chức vụ cao nhất.
  • Mức lương của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương của lãnh đạo cấp dưới.
  • Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương, không phân loại bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở trung ương; không phân biệt các chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương.
  • Việc phân biệt các chức vụ ở bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở trung ương và các chức danh lãnh đạo theo đơn vị hành chính ở địa phương được thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
  • Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định.

Về bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ với người không giữ chức danh lãnh đạo (Bảng 2)

Với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo sẽ được xây dựng 01 bảng lương riêng theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức.

Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có các bậc lương theo nguyên tắc:

  • Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.
  • Các nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hiện nay sẽ được sắp xếp lại nhằm khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Về bảng lương đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, công an) (Bảng 3, 4, 5)

Với lực lượng vũ trang sẽ có 03 bảng lương riêng, gồm:

  • 01 bảng lương cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm (Bảng 3) (Tham khảo: Dự kiến Bảng lương sĩ quan quân đội công an năm 2023)
  • 01 bảng lương cho quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an (Bảng 4) (Tham khảo: Dự kiến Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội công an 2023)
  • 01 bảng lương dành cho công nhân quốc phòng, công nhân công an (Bảng 5)

(Giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Lưu ý:

- Khi xây dựng 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức LLVT nêu trên, mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay sẽ được bãi bỏ; thay vào đó sẽ có mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Tham khảo thêm bài viết: Bảng lương mới của công chức, viên chức, công an, quân đội từ năm 2023

Về bảng lương của giáo viên

  • Bảng lương mới, phụ cấp của giáo viên từ năm 2023

Về bảng lương các ngạch công chức, viên chức khác:

  • Bảng lương cán bộ công chức cấp xã phường năm 2023
  • Bảng lương, bậc lương, mã ngạch kế toán mới nhất
  • Bảng lương, bậc lương, hệ số lương, mã ngạch kỹ sư
  • Bảng xếp lương hệ số viên chức ngành y tế mới nhất

Thẩm quyền và lộ trình xây dựng 5 bảng lương theo vị trí việc làm

- Các Bộ, cơ quan Trung ương thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo ngành, lĩnh vực của mình gởi Bộ Nội vụ tổng hợp.

- Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị trình Bộ Chính trị thông qua để làm căn cứ xây dựng bảng lương chức vụ lãnh đạo (Bảng 1).

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Chính phủ về quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị.

- Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khu vực Đảng, đoàn thể.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, UBTVQH.

- Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

- Các Bộ ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện.

Vậy lương cán bộ công chức viên chức năm 2022 thực hiện như thế nào?

- Trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2022, trong đó tiếp tục lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, không tăng lương cơ sở năm 2022 và vẫn áp dụng mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, tức là vẫn áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.490.000 đồng/tháng. (Tham khảo chi tiết: Bảng lương bậc lương cán bộ công chức, viên chức LLVT 2022)

- Thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Mức lương đến năm 2025:

Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Mức lương đến năm 2030:

Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Minh Hùng (Tổng hợp)

Bài liên quan