Các nguyên nhân gây viêm miệng

Loét miệng hay còn gọi là nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện những vết loét trên các mô mềm ở miệng của bạn gây đau đớn. Loét miệng có thể gặp ở trên môi, nướu, lưỡi hoặc vòm miệng. Loét miệng thường không gây nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong việc ăn uống.

Thông thường, những vết loét trên miệng sẽ tự lành mà không để lại sẹo trong vòng từ 7 tới 10 ngày. Tuy nhiên nếu vết loét kéo dài hơn hai tuần thì bạn nên gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của loét miệng 

Niêm mạc miệng xuất hiện một hay nhiều đốm có kích thước 1-2 mm màu trắng, đôi khi là màu vàng, viền ở xung quanh có màu đỏ. Những vết loét này thường có hình tròn hay hình oval.

Biểu hiện tại vết loét: Viêm nhiễm, sưng nóng gây đau rát khó chịu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, loét miệng sẽ tự khỏi sau vài ngày tại nhà mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống do vết loét làm ảnh hưởng tới quá trình ăn uống. Vì vậy, hãy tới gặp bác sĩ nếu như vết loét của bạn kéo dài trên 10 ngày. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến loét miệng

Theo quan niệm dân gian, nguyên nhân dẫn tới loét miệng là do nóng trong người hay ăn những thức phẩm có tính cay nóng. Ngoài ra, những nguyên nhân sau cũng gây ra loét miệng:

  • Cắn vào miệng hoặc bị tác động gây tổn thương niêm mạc miệng như đánh răng mạnh quá, lâu dần phát triển thành vết loét.

  • Bị mắc một số bệnh lý về răng như sâu răng, viêm tủy răng, viêm quanh răng,...

  • Bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

  • Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate.

  • Thiếu một số chất như vitamin B6, B12, C, kẽm, acid folic hoặc các khoáng chất như sắt, kẽm,...

  • Rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mang thai hoặc tới kỳ kinh nguyệt.

  • Stress.

Đôi khi, vết loét có thể là dấu hiệu của một vài bệnh nghiêm trọng như: HIV/AIDS, nấm miệng, bệnh Crohn...Tuy nhiên thường hiếm gặp trường hợp này.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải loét miệng?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị loét miệng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loét miệng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loét miệng, bao gồm:

  • Thời tiết nóng.

  • Phụ nữ mang thai, đang trong kỳ kinh nguyệt.

  • Ăn những thức ăn cay, nóng.

  • Thiếu một số chất như vitamin, sắt, kẽm, acid folic,...

  • Bị tác động mạnh ở trong niêm mạc miệng như cắn trúng miệng, đánh răng quá mạnh,...


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loét miệng

Việc chẩn đoán loét miệng thường chỉ qua thăm khám lâm sàng mà không cần tới xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị loét miệng nặng thì bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, sinh thiết để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị loét miệng hiệu quả

Tình trạng loét miệng thường sẽ tự lành mà không cần phải điều trị. Những vết loét do chấn thương nhẹ sẽ tự khỏi trong khoảng 1 tới 2 tuần.

Bạn có thể sử dụng một số biện pháp sau để giúp vết loét nhanh lành hơn:

  • Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng;

  • Không ăn thực phẩm cay nóng;

  • Hạn chế ăn những đồ ăn có tính acid như cam, quýt,...;

  • Kiêng uống rượu bia, hút thuốc;

  • Uống thuốc giảm đau (nếu cần);

  • Bôi thuốc vào vết đau như corticosteroid tác dụng tại chỗ, thuốc giảm đau tại chỗ như benzydamine, gel nha khoa salicylate choline;

  • Ăn uống một số thực phẩm mát như nước ép rau củ, trái cây, rau xanh,...

Nếu những biện pháp khắc phục tại nhà không làm cải thiện vết loét, bạn có thể tới gặp bác sĩ để thảo luận về vấn đề của mình. 

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh. Nếu một tình trạng tiềm ẩn gây ra lở miệng, bác sĩ cũng sẽ lập kế hoạch điều trị cho tình trạng này.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loét miệng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước;

  • Ăn uống đầy đủ chất, bổ sung rau củ, trái cây, vitamin,...

Phương pháp phòng ngừa loét miệng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không uống rượu bia;

  • Tránh hút thuốc lá;

  • Ăn kỹ, nhai chậm;

  • Giảm căng thẳng;

  • Hạn chế ăn những thực phẩm cay nóng nhất là mùa hè;

  • Không nên ăn thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, đồ ngọt,...;

  • Bổ sung một số chất như vitamin B2, 6, 9, 12, C, sắt, kẽm,...thông qua rau xanh, trái cây, thực phẩm chức năng;

  • Tăng cường những thực phẩm có tính thanh nhiệt giúp mát gan, giải độc.Uống nhiều nước nên bổ sung đủ 2,5 lít nước mỗi ngày;