Công tác thanh tra xử lý vi phạm môi trường

Các thông tin, chủ đề quản lý cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường cần tra cứu, cập nhật hiệu lực pháp luật của từng điều luật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để áp dụng cho đúng!

Tham khảo thêm "Những câu hỏi thường gặp" tại đây!

Điều 159. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 161. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

2. Các bên tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau;

b) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 162. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác

Trách nhiệm của Bộ, ngành và địa phương trong thanh tra bảo vệ môi trường

Theo Điều 160 của Luật BVMT, trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT quy định: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên phạm vi cả nước; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng. Trong khi, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT.

Về trách nhiệm của UBND các cấp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm d khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Môi trường là vấn đề lớn của xã hội đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Ảnh: T.A

Thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường

Luật BVMT cũng quy định, thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về BVMT thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định đặc thù trong lĩnh vực này.

Theo đó, thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, thanh tra đột xuất được tiến hành theo quy định khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, Luật cũng quy định, trừ trường hợp thanh tra đột xuất theo quy định, số lần thanh tra về BVMT không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân.

“Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu”, Luật BVMT nêu rõ.

Cũng theo Luật BVMT, hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT là hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp kiểm tra để giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Luật này. Hoạt động kiểm tra, thanh tra về BVMT bảo đảm không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân; có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan khác có liên quan.

Với lượng phương tiện khổng lồ xe gắn máy, Hà Nội và những đô thị lớn cần tính tới các giải pháp đồng bộ để kiểm soát khí thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: T.A

Đối với hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, Điều 161 Luật BVMT quy định rõ: “Tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về BVMT, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...

Như vậy, cùng với quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng như UBND các cấp về BVMT, thì Luật BVMT cũng quy định rõ trách nhiệm về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường của các cơ quan chức năng.

Liên quan đến vấn đề BVMT về việc áp dụng kỹ thuật về khí thải đối với phương tiện xe cơ giới, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo: Về kiến nghị xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải Mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để thống nhất về cơ quan chủ trì, cơ sở pháp lý, bảo đảm phù hợp với Luật BVMT 2020, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định pháp luật liên quan khác, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh trùng dẫm, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cơ quan liên quan.

Tràng An