Đánh giá hiệu quả môi trường của dự án năm 2024

Đánh giá tác động môi trường là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các lợi ích kinh tế – xã hội với các lợi ích về môi trường. Thông qua việc đánh giá tác động môi trường sẽ dự báo được các tác động đến môi trường khi thực hiện các dự án đầu tư, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp phù hợp để xử lý hoặc ngăn chặn những tác động tiêu cực khi phát triển dự án.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (Gọi tắt là “Luật Bảo vệ môi trường 2020”), có nhiều quy định mới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết, mà quy định về đánh giá tác động môi trường là một trong những vấn đề doanh nghiệp đang lúng túng hiện nay.

Đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Theo đó, đánh giá tác động môi trường là sự đánh giá khả năng tích cực hay tiêu cực của một dự án đầu tư, một kế hoạch, một chính sách hoặc một chương trình được đề xuất đến môi trường trong mối quan hệ giữa các khía cạnh của tự nhiên, kinh tế và xã hội trước khi ra quyết định thực hiện, đồng thời đề xuất các biện pháp điều chỉnh tác động đến mức độ có thể chấp nhận được hoặc để khảo sát kỹ thuật mới.

Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Theo Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường như sau:

– Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

+ Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;

+ Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.

– Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Dẫn chiếu đến Khoản 3 và Điểm c, d, đ, e Khoản 4 Điều 28 Luật này thì dự án đầu tư nhóm I và một số dự án đầu tư nhóm II thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường gồm có:

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

– Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Điều 15 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn mẫu văn bản, tài liệu, hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm:

– Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Biên bản khảo sát thực tế khu vực thực hiện dự án (Nếu có) theo quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Bản nhận xét báo cáo đánh giá tác động môi trường của thành viên hội đồng thẩm định theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của thành viên hội đồng thẩm định theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Biên bản họp của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 09 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

– Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Đánh giá tác động môi trường là một đòi hỏi khách quan của quá trình kinh tế – xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững. Họa động đánh giá tác động môi trường trong các dự án đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường trong lành, bảo đảm quyền của con người được sống trong môi trường bền vững, trong sạch, an toàn. Chính vì vậy, đánh giá tác động môi trường ngày càng được xem là một vấn đề, một yếu tố có tính bắt buộc trong quá trình phát triển của đất nước.

Trên đây là bài viết về “Đánh giá tác động môi trường trong dự án đầu tư” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.