Dematerialized là gì

Về khái niệm “trừu tượng” trong hội họa trừu tượng(*)

Nguyễn Đình Đăng

Ấy, đừng nói rằng bạn đồng ý với tôi. 

Khi mọi người đồng ý với tôi, tôi luôn có cảm giác rằng chắc tôi phải sai rồi.

Oscar Wilde

Dematerialized là gì

W. Kandinsky, Bố cục 8 (1923)
Centre Georges Pompidou

Theo từ vựng Hán-Việt, trừu 抽 có nghĩa là kéo ra, rút ra, tượng 象 là hình ảnh từ một vật (object), trừu tượng 抽象 là rút hình ảnh ra hoặc hình ảnh bị rút ra. Trong cách hiểu thông thường, tranh trừu tượng là tranh trong đó hình ảnh các vật cụ thể (object) của thế giới khách quan (như người, vật, cây cối, sông, núi v.v.) bị loại ra. Cần lưu ý rằng “trừu tượng” (抽象) không đồng nghĩa với “trừu hình” (抽形). Hội hoạ trừu tượng  là thứ hội hoạ trong đó chỉ còn “hình” (形) mà không còn “tượng” (象) nữa. Trong một bức tranh trừu tượng họa sĩ tạo ra một bố cục gồm các mảng màu, đường nét, hình khối, mà không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật nào từ thế giới khách quan. Wassily Kandinsky coi các hình khối trừu tượng (abstract forms) là các hình khối bị mất tính vật chất (dematerialized) tức không thể hiện bất cứ tính chất nào của vật chất (having no material interpretation) [1].

Có ý kiến dựa trên việc diễn giải từ “trừu” như “chắt lọc” (to abstract), kiểu “chiết bơ từ sữa” (to abstract butter from milk), để đưa ra khái niệm hội họa trừu tượng như một thứ hội hoạ trình bày hình ảnh đã được chắt lọc của vật trong thế giới khách quan. Có điều, một hình ảnh chắt lọc như vậy vẫn liên quan tới thế giới vật chất. Như vậy, một bức tranh vẽ bản chất (essence) của một con gà hay một hình ảnh chắt lọc của một con gà (an abstracted image of a chicken), chặt chẽ mà nói, chưa phải là một bức tranh trừu tượng bởi nó vẫn liên quan tới con gà. Khi hoạ sĩ khoanh một vòng tròn nhằm diễn tả mặt trăng thì đó không phải là một bức tranh trừu tượng. Đó có thể là hội hoạ tối giản [2], tuy rất gần với trừu tượng.

Dematerialized là gì

Con gà trống đã được “chắt lọc”
của Pablo Picasso

Hội hoạ trừu tượng một cách tuyệt đối có nghĩa là trong nó không còn vết tích gì của vật thể từ thế giới của hiện thực khách quan nữa. Không phải chắt lọc để giữ lại cái tinh túy của vật thể, mà là loại bỏ hoàn toàn, loại bỏ hết mọi dấu vết của vật thể,  kể cả cái gọi là bản chất của vật thể, nếu có. Vì thế, tác phẩm duy nhất gần với hội hoạ trừu tượng tuyệt đối từng tồn tại từ trước tới giờ là Các bức tranh trắng của Robert Rauschenberg, vì trong tranh hầu như không còn gì nữa: không hình, không màu (màu trắng thực ra vừa không phải là màu vừa là tổng hợp của tất cả các màu – nó là nothingness – hư vô), không đường nét. Tại sao nói “hầu như”? Bởi vì khi treo tranh lên, bề mặt trắng của nó vẫn còn phản quang ánh sáng và bóng đổ từ môi trường xung quanh và có thể đổi màu tùy theo ánh sáng trong phòng, tức còn cho ta liên tưởng tới hiện thực xung quanh.

Dematerialized là gì

Robert Rauschenberg
White painting (1951)

Nhưng như vậy cũng có nghĩa rằng hội hoạ trừu tượng tuyệt đối là tận cùng của hội hoạ, là cái chết của hội hoạ. Quá trình vẽ các loại tranh trừu tượng là loại bỏ hình ảnh của vật thể thế nào để đạt cái tuyệt đối của trừu tượng. Một khi đạt được cái tuyệt đối đó thì cũng không còn hội họa nữa. Điều này cũng tương tự triết lý của Sigmund Freud: “Mục đích của toàn bộ cuộc sống là cái chết.”

Đó cũng chính là lý do mà Pablo Picasso đã căn cứ để phủ nhận hội hoạ trừu tượng. Ông nói:

“Không có cái gọi là hội hoạ trừu tượng. Hoạ sĩ bao giờ cũng phải bắt đầu từ một vật nào đó, sau đó thì làm mọi cách để loại bỏ tất cả sự giống hay dấu vết của hiện thực đi. Nhưng làm cách gì đi chăng nữa hoạ sĩ cũng không thể xoá được cái ý tưởng của một vật thể trong tranh của mình, tựa như một vết nhơ không thể nào tẩy đi được. Chính vật thể là thứ kích thích hoạ sĩ, khêu gợi ý tưởng và tạo một loạt cảm xúc cho hoạ sĩ. Những ý tưởng và cảm xúc đó sẽ mãi mãi bị giam trong bức tranh của hoạ sĩ.“

Giải thích:

Picasso bám vào khái niệm hội hoạ trừu tượng là sự loại bỏ tất cả sự giống hay dấu vết của hiện thực đi. Sự giống hay dấu vết của hiện thực trong tranh được thể hiện qua cái gì? Qua các hình khối, đường nét, màu sắc, nói cho gọn là hình ảnh (hay tượng 象), từ các vật thể của thế giới khách quan. Những thứ đó phải được loại đi (chứ không phải mọi hình 形!). Vậy còn lại cái gì? Chỉ còn lại những hình (tức đường nét, hình khối, màu sắc) không có bất cứ liên quan gì tới các vật thể của thế giới khách quan. Có thể thực hiện điều đó một cách triệt để không? Câu trả lời của Picasso là không, bởi theo ông, hễ còn hình khối, màu sắc, đường nét tức là còn dấu vết của thế giới khách quan, hay nói cách khác là hễ còn hình (形) thì còn tượng (象), không thể rút hoàn toàn tượng khỏi hình. Vì thế ông phủ nhận hội hoạ trừu tượng.

Các hoạ sĩ vẽ tranh trừu tượng chắc không chia sẻ sự phủ nhận hội hoạ trừu tượng của Picasso. Có thể họ không bao giờ đạt tới một sự trừu tượng tuyệt đối theo quan niệm loại bỏ mọi hình ảnh liên quan tới vật thể của thế giới khách quan, nhưng trong quá trình tiến tới lý tưởng đó, họ có thể làm “những phép gần đúng” (approximations) để sáng tạo ra những tác phẩm đáng giá. Điều này cũng tương tự như trong hội họa hiện thực: Có thể các hoạ sĩ sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo (perfection), nhưng trên còn đường vươn tới sự hoàn hảo, họ đã, đang, và hy vọng là sẽ còn sáng tạo ra những kiệt tác. Trên thực tế, hàng loạt tác giả và tác phẩm đã được các nhà lý luận và phê bình nghệ thuật xếp vào hội họa trừu tượng, thậm chí bất chấp sự phản đối của chính tác giả của chúng (như trường hợp của Mark Rothko – người phủ nhận mình là hoạ sĩ trừu tượng). Song, cuối cùng giá trị của hội hoạ nằm trong giá trị thẩm mỹ của bức tranh chứ không phải ở sự phân loại bức tranh đó thuộc về hội hoạ hiện thực, ấn tuợng, lập thể, siêu thực, hay trừu tượng.

Dematerialized là gì

Jackson Pollock, Number 1 (1950)
National Gallery of Art

Phụ lục

Cụ tổ của hội hoạ trừu tượng

Người ta thường đồng ý với nhau rằng hội hoạ trừu tượng là sản phẩm của thế kỷ 20 mà cụ tổ là Wassily Kandinsky, người đã thử xây dựng lý thuyết về một thứ hội hoạ trừu tượng không tưởng [1]. Tuy nhiên, có lẽ một trong những bức hoạ trừu tượng đầu tiên, hay ít nhất là trước Kandinsky 7 thế kỷ, là bức vẽ huyền thoại của Giotto.

Tương truyền giáo hoàng Boniface muốn đặt vẽ một bức bích hoạ trên tường tu viện San Pietro. Ngài phái sứ giả đi khắp các vùng nước Ý để tìm hoạ sĩ giỏi nhất có thể vẽ bức bích họa này. Sứ giả yêu cầu mỗi hoạ sĩ gửi vài bức tranh để sứ giả đem về trình giáo hoàng. Khi sứ giả tới xưởng vẽ của Giotto và yêu cầu ông nộp tranh, Giotto lấy một tờ giấy, nhúng bút lông vào màu đỏ, và nhoằng một phát vẽ ngay một vòng tròn hoàn hảo lên giấy.

– Đây, – Giotto nói.

– Đó là tất cả ư? – Sứ giả bối rối.

– Quá đủ. Ông hãy đem nó cùng với các bức tranh khác về trình đức giáo hoàng để xem ngài có hiểu không.

Đức giáo hoàng cuối cùng đã chọn Giotto làm hoạ sĩ vẽ bức bích họa của tu viện. Vòng tròn của Giotto là một bức hoạ trừu tượng thực thụ bởi nó không nhằm diễn tả hay mô phỏng bất cứ một vật cụ thể hay một nội dung liên quan tới các vật cụ thể nào của thế giới quanh ta. Nó LÀ sự hoàn hảo, tựa như một bức Thiền hoạ.

Trước đây đa số đều tin rằng Jan Van Eyck là người phát minh ra sơn dầu vào thế kỷ 15 tại châu Âu. Năm 2001 người ta tìm thấy các tranh sơn dầu vẽ trên vách 12 trong số 50 hang tại Bamiyan (Tây Afghanistan) từ thế kỷ 5 – 7 với một kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có cả láng màu, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu tại châu Âu sau này.

Mọi quan điểm. khái niệm định nghĩa đều có thể thay đổi như chính khái niệm về cái đẹp trong mỹ thuật.

Dematerialized là gì

Giotto
Thánh Francesco giảng đạo cho chim (~ 1297 – 1300)
(trích đoạn bích hoạ tại giáo đường San Francesco ở Assisi)

Bài tập về nhà

Có người hỏi: “Tranh Pollock vẽ hay hơn tranh hải cẩu Tuần Châu vẽ ở chỗ nào?”

Bạn nào chưa biết câu trả lời có thể trả lời câu hỏi dễ hơn sau đây: “Tranh Picasso vẽ hay hơn tranh một đứa bé 9 tuổi vẽ ở chỗ nào?” Chỉ khi nào bạn không trả lời được thì mới cần xem giải đáp phía dưới [3].

________________

(*) Dành cho những người coi hội hoạ là thứ có thể hiểu được mà không cần học.

Chú giải:

[1] Василий Кандинский, (1910) (Bản tiếng Anh: W. Kandinsky, Concerning the spiritual in art.)

[2] Hội hoạ tối giản (minimalism) được khởi xưởng vào cuối những năm 1950 để phản kháng lại trào lưu trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism), và tiếp diễn tới những năm 1970. Hội hoạ tối giản chủ trương phơi bày những khía cạnh cơ bản nhất thuộc bản chất của vật thể.

[3] Đọc lại bài viết ở trên một lần nữa từ đầu đến cuối.

(Bài này tổng kết series các comments của tôi

đăng tại SOI từ 8 – 11/11/2012)

Các bài liên quan:

Wassily Kandinsky: Nguyên tắc nhu cầu nội tại

Wassily Kandinsky: Tam giác của cuộc sống tinh thần

Wassily Kandinsky bàn về các đại diện tiền thân của hội hoạ trừu tượng

Trừu tượng: Từ Pythagoras tới Kandinsky

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Pinterest
  • LinkedIn
  • Tumblr

Thích bài này:

Thích Đang tải...

Có liên quan

This entry was posted on 12/11/2012 at 5:13 chiều and is filed under hội họa. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. Responses are currently closed, but you can trackback from your own site.