Huyện Hải Hà có bao nhiêu xã?

  • 11/01/2021
  • 0 bình luận
  • Địa Ốc Thịnh Vượng
  • Chuyên mục: Tin Bất Động Sản
Huyện Hải Hà có bao nhiêu xã?

Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện với 177 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 72 phường, 7 thị trấn và 98 xã. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam

Show

(*) Nguồn dữ liệu cập nhật từ Tổng Cục Thống Kê tới tháng 01/2021. Có thể tại thời điểm bạn xem bài viết này các số liệu đã khác.

Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi!

Xem thêm:

Cơ quan lập Quy hoạch:

VIỆN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN QUỐC GIA

Chủ đầu tư:

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HÀ

Cơ quan thẩm định và trình duyệt:

SỞ XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NINH

Cơ quan phê duyệt:

UBND TỈNH QUẢNG NINH

MỤC LỤC                                                                                                                Trang

I.       MỞ ĐẦU                                                                                                                   5

I.1. Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch. 5

I.2. Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch. 6

I.3. Mục tiêu và quan điểm quy hoạch. 6

I.4. Căn cứ lập quy hoạch. 7

II.     CHƯƠNG II - ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN        10

II.1. Điều kiện tự nhiên. 10

II.2. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội 22

II.3. Hiện trạng dân số, lao động. 25

II.4. Hiện trạng đất đai 27

II.5. Hiện trạng phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn. 31

II.6. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội 33

II.7. Hiện trạng kiến trúc cảnh quan. 37

II.8. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật 39

II.9. Tình hình triển khai quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng. 50

II.10.      Đánh giá tổng hợp thực trạng và ưu thế phát triển vùng. 60

III.   CHƯƠNG III - BỐI CẢNH, TẦM NHÌN VÀ DỰ BÁO PHÁT TRIỂN   63

III.1.       Bối cảnh và tầm nhìn phát triển đến năm 2050 và ngoài 2050. 63

III.2.       Mối quan hệ vùng và tiền đề phát triển. 65

III.3.       Tính chất và chức năng. 66

III.4.       Dự báo phát triển. 67

IV.    CHƯƠNG IV - ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN   80

IV.1.       Mô hình phát triển không gian. 80

IV.2.       Phân vùng kiểm soát quản lý phát triển. 82

IV.3.       Phân bố các không gian phát triển gắn với định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu  90

IV.4.       Định hướng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn. 96

IV.5.       Định hướng phát triển hệ thống các công trình hạ tầng xã hội 97

IV.6.       Thiết kế đô thị 101

IV.7.       Quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn. 107

V.      CHƯƠNG V - ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT   114

V.1. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật 114

V.2. Định hướng quy hoạch giao thông. 122

V.3. Định hướng quy hoạch cấp nước. 130

V.4. Định hướng quy hoạch cấp điện. 136

V.5. Định hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc. 141

V.6. Định hướng thoát nước thải, quản lý CTR và nghĩa trang. 144

VI.    CHƯƠNG VI - ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC   152

VI.1.       Tổng quan nội dung. 152

VI.2.       Hiện trạng môi trường. 152

VI.3.       Các vấn đề và mục tiêu môi trường chính liên quan. 160

VI.4.       Dự báo diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch. 165

VI.5.       Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động môi trường. 170

VI.6.       Chương trình quản lý, giám sát môi trường. 172

VII.  CHƯƠNG VII - LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ    175

VII.1.      Lộ trình phát triển. 175

VII.2.      Các dự án ưu tiên đầu tư.. 175

VII.3.      Giải pháp thu hút vốn đầu tư.. 180

VIII.              CHƯƠNG VIII - ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH QUẢN LÝ   182

IX.    KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ  185

I.1. Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch

Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đối với quốc gia. Tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) về mọi mặt như: Về du lịch có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn…; Về dịch vụ thương mại với các Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bình Liêu, Bắc Phong Sinh..., nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Về công nghiệp là vùng tập trung chế biến khoáng sản lớn, nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu… Nhìn chung, các khu vực có tiềm năng phát triển KTXH của Tỉnh trải đều khắp mọi khu vực, trong đó có huyện Hải Hà, một trong những khu vực có vị trí quan trọng trên hành lang Móng Cái - Đầm Hà - Hải Hà - Bình Liêu trong định hướng phát triển Một tâm - Hai Cánh - Đa chiều - Hai mũi đột phá của Quảng Ninh.

Hải Hà có diện tích khoảng 69.013 ha­, bao gồm thị trấn Quảng Hà và 15 xã, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch rừng, biển, đảo... Công tác quy hoạch trên địa bàn huyện luôn được chú trọng triển khai. Năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng huyện Hải Hà giai đoạn 2008 - 2020 đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 05/9/2008. Đến nay cần lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà bởi nhứng lý do sau:

Các chủ trương, chính sách phát triển KTXH liên quan đến huyện

- Ngày 10/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg về việc thành lập KKTCK Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, 09 đơn vị hành chính của huyện Hải Hà (các xã Quảng Điền, Quảng Phong, Phú Hải, Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung, Cái Chiên, thị trấn Quảng Hà) nằm trong không gian KKTCK Móng Cái. Khu vực Hải Hà cần được định hướng phát triển trên cơ sở chia sẻ tiềm năng, thế mạnh để cùng với thành phố Móng Cái tạo thành một tổng thể thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh Quảng Ninh và của Quốc gia.

- Ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đồng thời, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 về cơ bản đã hoàn thành, đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển mới cho vùng huyện Hải Hà. Ngoài ra, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKTCK Móng Cái, huyện Hải Hà đang được triển khai cũng đề ra các yêu cầu phát triển mới.

Tác động từ thực tiễn phát triển với nhiều thay đổi:

- Tác động của các dự án cấp quốc gia, tầm quốc tế như: KCN cảng biển Hải Hà, KKTCK Bắc Phong Sinh, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Quốc lộ 4B, tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, sân bay Vân Đồn... đem đến cơ hội phát triển vùng huyện Hải Hà lên tầm cao mới.

- Tác động nội tại với KKTCK Bắc Phong Sinh đang phát triển, các xã được triển khai Quy hoạch Nông thôn mới, thị trấn Quảng Hà được lập quy hoạch phân khu mở rộng... Cần thiết có sự rà soát, khớp nối đồng bộ để đưa ra các định hướng phát triển tổng thể với tầm nhìn dài hạn.

- Quy hoạch chung xây dựng huyện Hải Hà giai đoạn 2008 - 2020 nghiên cứu một phần không gian huyện, trong khi đó, các khu vực khác của huyện cũng cần được khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển bền vững, hiệu quả.

Với những lý do chủ yếu trên, công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà với tầm nhìn dài hạn, nhằm khai thác bền vững các lợi thế cơ bản của huyện, tăng cường sức hấp dẫn đầu tư cho khu vực là cần thiết và cấp bách. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, khoa học cho công tác quản lý, triển khai các bước đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện trong các giai đoạn tới.

I.2. Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch

Phạm vi nghiên cứu: Đặt huyện Hải Hà trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp tỉnh có xét đến quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh và các đô thị trong KKTCK Móng Cái.

Vị trí và ranh giới lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới huyện Hải Hà gồm có thị trấn Quảng Hà và 15 xã: Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Thắng, Phú Hải, Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Điền, Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Sơn, Đường Hoa, Tiến Tới, Quảng Đức, Quảng Thịnh và xã đảo Cái Chiên. Ranh giới được xác định như sau:

- Phía Bắc: giáp Quảng Tây, Trung Quốc;

- Phía Nam: giáp với vịnh Bắc Bộ;

- Phía Đông: giáp thành phố Móng Cái và vịnh Bắc Bộ

- Phía Tây: Giáp huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu.

Quy mô lập quy hoạch: Toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Hải Hà là 69.013 ha­ (trong đó, diện tích đất liền là 51.393,17 ha). Quy mô diện tích lập quy hoạch: 51.393,17 ha.

Thời gian lập quy hoạch

- Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020;

- Giai đoạn dài hạn đến năm 2030; Tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050

I.3. Mục tiêu và quan điểm quy hoạch

Định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh Dịch vụ - Công nghiệp hiện đại vào năm 2020, là một trong những đầu tầu kinh tế của Miền Bắc, là một trong ba cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Triển khai, cụ thể hóa, vận dụng có sáng tạo các định hướng quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, vùng, quốc gia với tầm nhìn dài hạn trong mối liên hệ giao lưu phát triển giữa Asean với Trung Quốc, góp phần quan trọng đưa khu vực trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, xã hội và liên kết kinh tế thương mại quốc tế.

Xây dựng Hải Hà thành khu vực phát triển đô thị sinh thái, hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khả năng cạnh tranh cao, có bước phát triển đột phá trên cơ sở xác định tính khác biệt, lợi thế nổi trội của khu vực, đảm bảo tính hấp dẫn cao, thu hút các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế tham gia đầu tư.

Làm cơ sở để quản lý, kiểm soát phát triển, triển khai các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư xây dựng trên địa bàn.

I.4. Căn cứ lập quy hoạch

Các văn bản pháp lý:

- Luật Xây dựng số 16/2003/QH11;

- Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

- Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đô thị; Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị; Thông tư 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

- Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;

- Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án quy hoạch xây dựng; Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Các văn bản chủ trương:

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020;

- Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 18/10/2011 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2015;

- Thông báo số 841-TB/TU ngày 01/10/2012 của Tỉnh ủy Quảng Ninh tại cuộc họp ngày 26/9/2012 về công tác quy hoạch (tại Điểm 7 đã chỉ đạo: “ Việc lập các quy hoạch cần triển khai song song giữa quy hoạch của Tỉnh và của các Sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chung, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và mối liên kết tổng thể”;

- Thông báo số 01-TB/BCĐ ngày 20/11/2012 của Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch “Thông báo ý kiến của Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch của Tỉnh tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai Nghị quyết 06-NQ/TV ngày 20/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược, lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh”;

- Kết luận số 02-KL/BCĐ của Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tại cuộc họp kiểm tra tiến độ triển khai công tác xây dựng chiến lược lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015;  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020;

- Các văn bản, tài liệu khác có liên quan

Các văn bản, tài liệu cơ sở nghiên cứu

- Quyết định 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Quyết định số 1558/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và ngoài 2050;

- Quyết định số 4009/QĐ-UBND ngày 08/12/2009 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch Nông, Lâm nghiệp và Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020; Quyết định số 2770/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt ĐIều chỉnh Quy hoạch tổng thẻ ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến 2010, xây dựng quy hoạch đến 2015 và định hướng đến 2020; Quyết định số 3134/QĐ-UBND ngày 13/11/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Quảng Ninh đến 2015, định hướng đến 2020; Quyết định số 2628/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh “về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh”;Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống chế biến Lâm sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Văn bản số 2802/UBND-NLN1 ngày 27/5/2014 về việc chấp thuận phương án quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 850A/QĐ-UBND ngày 11/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Hải Hà đến năm 2020;

- Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2738/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

-  Quyết định số 4252/QĐ-UBND ngày 25/12/2009 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 05/9/2008 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Hải Hà giai đoạn 2008 - 2020;

- Quyết định số 19/20012/QĐ-TTg ngày 10/4/2012 về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung KKTCK Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quy hoạch xây dựng KKTCK Bắc Phong Sinh (đang thực hiện); Quy hoạch nông thôn mới các xã trên địa bàn huyện Hải Hà; Các đồ án quy hoạch  xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH huyện Hải Hà; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH KKTCK Móng Cái; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH KKTCK Bắc Phong Sinh; Quy hoạch sử dụng đất và các chuyên ngành khác đang được lập, triển khai và các đồ án khác có liên quan;

- Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 của UBND tỉnh QUảng Ninh về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 Khu công nghiệp - Cảng biển hải Hà, huyện hải Hà, tỉnh Quảng Ninh;

- Quyết định 1779/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh v/v phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050;

- Công văn số 171/VQHQG-TTKTCQ ngày 05/06/2015 của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia về việc thực hiện Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Hải Hà;

- Công văn số 1363/SXD-QH ngày 22/06/2015 của Sở Xây dựng Quảng Ninh về việc trình duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050;

- Biên bản làm việc tại Sở Xây dựng Quảng Ninh ngày 04/07/2015 về việc rà soát xây Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Hải Hà

- Báo cáo ngày 18/7/2015 của Ban Kinh tế - Xã hội, Hội đồng nhân dân về thẩm tra Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050.

- Văn bản số 916/UBND ngày 13/8/2015 của UBND huyện Hải Hà về việc xin ý kiến đóng góp vào đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà (kèm theo hồ sơ xin ý kiến);

- Công văn số 2017/SXD-QH ngày 21/8/2015 của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh về việc tham gia ý kiến về Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 2899/TNMT-KHTC ngày 21/8/2015 về việc tham gia ý kiến về Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 1525/CV-UBND ngày 21/8/2015 của UBND thành phố Móng Cái về việc tham gia ý kiến về Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 1250/KKT-QHXD ngày 20/8/2015 của Ban Quản lý Khu kinh tế về việc tham gia ý kiến Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 149/TN&MT ngày 21/8/2015 của Phòng Tài nguyên và môi trường - Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà về việc tham gia ý kiến Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 3411/SGTVT - KHTC ngày 01/9/2015 của Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh về việc tham gia ý kiến Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Nghị Quyết số 70/2015/NQ-HĐND huyện Hải Hà ngày 24/7/2015 của Hội đồng nhân dân huyện Hải Hà về việc thông qua ý kiến Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Văn bản số 2539/BCH-TM ngày 14/10/2015 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh về Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 2218/SCT-KHTC ngày 14/10/2015 của Sở Công thương Quảng Ninh về việc tham gia ý kiến về nội dung đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 2861/NN&PTNT-KHTC của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tham gia ý kiến đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 2536/SVHTTDL-PTTNDL ngày 15/10/2015 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tham gia ý kiến đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Công văn số 2611/SYT-KHTC ngày 13/10/2015 của Sở Y tế về việc tham gia ý kiến đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Văn bản số 1238/UBND ngày 16/10/2015 của UBND huyện Hải Hà về việc Tổng hợp, giải trình các nội dung đã tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, cộng đồng dân cư tham gia quá trình nghiên cứu Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh, huyện Hải Hà; Các văn bản, tài liệu, số liệu, bản đồ khác có liên quan.


II.CHƯƠNG II - ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN

II.1. Điều kiện tự nhiên

II.1.1. Vị trí

Hải Hà thuộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, tọa độ địa lý từ 21012’46’’ đến 21038’27’’ vĩ độ Bắc và từ 107030’54’’ đến 107051’49’’ kinh độ Đông.

Huyện có Quốc lộ 18 đi qua, cách thành phố Hạ Long 150 km, cách cửa khẩu Móng Cái 36 km, có vị trí then chốt về quốc phòng - an ninh đối với vùng Đông Bắc của Quốc gia.

II.1.2. Địa hình địa chất

Hải Hà có địa hình đa dạng gồm miền núi cao, trung du ven biển, vùng ngập mặn, hải đảo. Về tổng thể địa hình huyện Hải Hà phân chia thành các kiểu địa hình chính sau:

- Vùng đồi núi cao phía Tây Bắc: Độ cao từ 200 - 1.500m so với mặt nước biền gồm các dãy núi cao, dạng bán bình nguyên. Địa hình chia cắt nhiều tạo thành các thung lũng hẹp, chân đồi là những ruộng bậc thang. Cấu tạo địa chất của vùng chủ yếu là đá sa phiến thạch, khi phong hóa chia ra đất đỏ vàng hoặc vàng đỏ, thanh phần cơ giới trung bình. Dưới tầng đất mịn thường gặp lớp đá mẹ phong hóa mềm (vụn bở). Tùy theo địa hình mà tầng đất hình thành dày hay mỏng tập trung chính ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Thành.

- Vùng trung du ven biển: Vừa có địa hình đồi núi thấp, vừa có đồng bằng xen kẽ, tập trung ở các xã ven biển như: Quảng Thắng, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Điền và Quảng Phong. Địa hình vùng này thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

- Vùng hải đảo phía Nam: xã đảo Cái Chiên có khoảng diện tích 2.549,95 ha, địa hình đa dạng, giao thông gặp nhiều khó khăn, việc giao lưu với bên ngoài là đường thủy.

II.1.3. Khí hậu

Huyện Hải Hà có chế độ khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa. Về mùa đông (tháng 11 - 3), không khí cực đới lục địa và biển Đông thịnh hành gây thời tiết lạnh, khô vào nửa đầu mùa đông (tháng 12 - 1) và lạnh, ẩm vào nửa cuối mùa đông (tháng 2 - 3). Về mùa hạ (tháng 5 - 9), các khối không khí xích đạo, không khí nhiệt đới Thái Bình Dương và bắc Ấn Độ Dương thịnh hành cùng với nhiễu động thời tiết đặc biệt gây ra hiện tượng nóng, ẩm và xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, dông... Tháng 4 và tháng 10 là các tháng chuyển tiếp, các khối không khí suy yếu và tranh giành ảnh hưởng, thời tiết ôn hòa hơn.

http://ig-vast.ac.vn/uploads/nghiencuukhoahoc/2014_05/thuyvan5.png

Nhiệt độ trung bình năm 22,4 - 23,30C, nhiệt độ trung bình cao nhất từ 30 - 340C, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào mùa đông xuống đến 5 - 150C. Biên độ nhiệt độ ngày đêm tương đối lớn từ 10 - 120C.

Gió: có 2 hướng gió chính là gió Đông - Bắc và Đông - Nam: Gió mùa Đông Bắc: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thịnh hành là gió Bắc và gió Đông Bắc, tốc độ gió từ 2 - 4m/s. Gió mùa Đông Bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 - 5 ngày, tốc độ gió trong những đợt gió mùa đạt tới cấp 5, cấp 6, gió mùa tràn về thường lạnh, giá rét; gió Đông Nam: Thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 9 là gió Nam và Đông Nam, gió thổi từ biển vào mang theo hơi nước tạo nên không khí mát mẻ, tốc độ gió trung bình từ 2 - 4m/s. Gió thịnh hành trong mùa đông ở khu vực ven biển này là gió Đông Bắc với tần suất khá lớn 50 ¸ 60%.

Mưa: Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng không đều, mưa trung bình 3.120mm/năm; năm có lượng mưa lớn nhất đạt 3.830mm, năm có lượng mưa nhỏ nhất 3.015mm.

Độ ẩm: Do gần biển nên độ ẩm cao hơn khu vực núi Cao Bằng, Lạng Sơn. Độ ẩm trung bình năm đạt 83¸84%, thời kỳ đầu mùa đông là thời kỳ đẹp nhất trong năm. tháng cực tiểu là tháng 7 độ ẩm giảm xuống còn 80%, tháng cực đại độ ẩm thường ở mức 85 ¸ 86%.

Bão: là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 - 40m/s, bão thường kèm theo mưa nhiều. Về mùa đông ở những vùng núi cao khi nhiệt độ xuống quá thấp sẽ xuất hiện sương muối, thường xuất hiện vào tháng 2, tháng 11 và kéo dài mỗi đợt 1 - 3 ngày.

Nắng:tổng số giờ nắng toàn năm khoảng 1600¸1700giờ/năm.

http://ig-vast.ac.vn/uploads/nghiencuukhoahoc/2014_05/thuyvan1.png

Một số đặc trưng khí hậu đo tại các trạm ở khu vực Quảng Ninh

Trái trên - Nhiệt độ trung bình tháng;

Trái dưới - Lượng mưa trung bình tháng

Phải trên - Số giờ nắng trung bình tháng

Phải dưới - Tốc độ gió cực đại các tháng

Mùa hè hướng gió chủ đạo là hướng Nam và Tây Nam chiếm ưu thế chủ đạo với tần suất là 40¸50%, tốc đọ gió khá lớn, trung bình năm lên tới 2,5m/s. ngoài hải đảo tốc độ gió lớn hơn đất liền từ 1¸2m/s.

Bão:Hải Hà là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 - 40m/s, bão thường kèm theo mưa nhiều gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Sương muối: Về mùa đông ở những vùng núi cao khi nhiệt độ xuống quá thấp sẽ xuất hiện sương muối gây thiệt hại trực tiếp đến hoa màu và một số loại cây trồng. Sương muối thường xuất hiện vào tháng 11, tháng 2 và kéo dài mỗi đợt 1 - 3 ngày.

Nhìn chu-ng, điều kiện khí hậu huyện Hải Hà thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng và tương đối đa dạng. Tuy nhiên do địa hình chia cắt mạnh nên mùa mưa thường có lũ đột ngột gây ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân.

II.1.4. Thủy văn

Hải Hà có hệ thống sông suối khá dày đặc với hệ thống sông suối chính là sông Hà Cối, sông Tài Chi, sông Tấn Mài, sông Đường Hoa

Sông Hà Cối: Bắt nguồn từ vùng núi Keo Tiên, chảy qua xã Quảng Sơn đổ về biển qua thị trấn Quảng Hà, sông có chiều dài 35km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Diện tích lưu vực khoảng 118,4km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.190m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,69m3/s;

Đoạn cuối của sông chia làm nhiều sông nhỏ trước khi đổ ra biển. thứ tự các nhánh sông như sau: Sông Hà Nam, sông Hà Cối, sông Bồ Lồ (sông Đại Hoàng), sông Đường Hoa, sông Cái Đá Bàn. Trong các sông này chỉ có sông Hà Cối có lưu lượng nước sông lớn về mùa mưa lũ. Các sông còn lại lưu lượng không đáng kể.

Sông Tài Chi: Bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc xã Quảng Đức, sông có chiều dài 25km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đến thị trấn Quảng Hà thì nhập vào sông Hà Cối. Diện tích lưu vực sông 82,4 km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.490m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,72m3/s.

Sông Tấn Mài: Bắt nguồn từ vùng núi cao xã Quảng Đức, sông có chiều dài 24km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nhập vào sông Mỏ Hàn (ranh giới 2 huyện Hải Hà và Móng Cái).

Cả 3 con sông này ngắn hẹp và có độ dốc lớn.

II.1.5. Hệ thống hồ đập

Hải Hà có 3 hồ chứa nước ngọt bao gồm:

- Hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn, có diện tích 110ha, với dung tích thường xuyên đạt 15 triệu m3 nước.

- Hồ Khe Dầu (đảo Cái Chiên), có diện tích 18ha, đây là hồ chứa nước ngọt lớn trên đảo, những năm tới có thể nâng cao trình đập để tích nước ngọt được nhiều hơn.

- Hồ Khe Đình (đảo Cái Chiên), có diện tích 5ha, độ sâu trung bình 4 - 6m, có hệ thống mương bê tông dẫn nước. Những năm tới có thể cải tạo khơi sâu và đắp đập để nâng cao trình tưới, tích nước được nhiều hơn..

II.1.6. Hải văn

- Dòng chảy tổng lượng hình thành do dao động triều, gió, sóng, dòng nước từ các sông, trong đó dòng triều có vai trò quyết định. Tại vùng biển huyện Hải Hà, từ tháng 6 - 8 dòng chảy có hướng Tây Nam - Đông Bắc, tốc độ trung bình từ 15 - 30cm/s, các tháng còn lại dòng chảy có hướng ngược lại, tốc độ trung bình 25 - 40cm/s. Dòng triều mang tính thuận nghịch, hướng chủ yếu song song với đường bờ, tốc độ cực đại có thể trên 100cm/s. Tốc độ triều rút thường lớn hơn tốc độ triều lên.

- Mùa đông, là thời kỳ nhiệt độ thấp nhất trong năm. Nhiệt độ nước biển trung bình cao nhất từ 23,5 - 24,50C, trung bình thấp nhất khoảng 18 - 190C. Nhiệt độ trung bình khoảng 20,5 – 21,50C. Trong thời kỳ này độ mặn có giá trị cao, cao nhất vào tháng 1 và tháng 2, do thời kỳ này ít mưa nhất, lượng mưa nhỏ, độ mặn ít bị pha loãng. Mùa hè cũng là mùa mưa nhiều, lượng mưa lớn, nước biển bị pha loãng và nước ngọt từ các sông, suối trong đất liền đổ ra nhiều nên độ mặn nước biển xuống thấp. Độ mặn thấp nhất vào tháng 7, 8 giá trị trung bình từ 21 - 22‰. Trong những vùng cửa sông đổ ra vịnh độ mặn thấp nhất có thể xuống tới 2- 4‰.

Thuỷ triều huyện Hải Hà cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh mang tính nhật triều đều điển hình với hầu hết số ngày trong tháng là nhật triều (trong 1 ngày có 1 lần nước lớn và 1 lần nước ròng). Trong 1 tháng mặt trăng có 2 kỳ nước cường, biên độ dao động 0,5 - 1,0m. Đây cũng là khu vực có độ cao của triều lớn nhất dải ven bờ Việt Nam, có thể đạt tới 4 - 5m. Mực nước trung bình tại Tiên Yên là 2,1m. Thuỷ triều cao kết hợp cùng với hiện tượng nước dâng trong mưa bão là một trong những điều kiện gây tổn thương các đê bao, bờ đầm nuôi thuỷ sản của huyện.

II.1.7. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Theo dự báo vào cuối thế kỷ 21 (nhiệt độ dự báo trung bình 25,80C), nhiệt độ trung bình năm ở Đông Bắc Bộ có thể tăng lên 2,50C so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 là 23,30C. Trong khi lượng mưa số liệu thống kê từ năm 1980 - 2010 cho thấy  Quảng Ninh là địa phương có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rõ nhất là vào mùa mưa, tần suất mưa và chu kỳ mưa đã thay đổi đáng kể.

Trong những năm qua mưa thất thường, mùa lũ cũng có độ trễ, đỉnh lũ thường xuất hiện muộn. Tình trạng mưa kéo dài, lũ về đạt đỉnh muộn kết hợp hệ thống thoát nước đô thị kém, nhiều dự án san gạt không có biện pháp bảo vệ môi trường, khiến cho nhiều nơi trên địa bàn bị ngập úng. Theo dự báo lượng mưa trên địa bàn trong những năm tới cũng có thể tăng từ 7 - 8% so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999.

Theo số liệu quan trắc tại các trạm hải văn học dọc ven biển Việt Nam cho thấy tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 3mm/năm (giai đoạn 1993-2008), tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Trong khoảng 50 năm qua, mực nước biển tại Trạm hải văn Hòn Dáu dâng lên khoảng 20cm. Theo dự báo tất cả các huyện, thị, thành phố có biển của Quảng Ninh đều tác động bởi nước biển dâng. Trong đó ảnh hưởng nhiều nhất được xác định là Tp. Móng Cái, huyện Hải Hà và Đầm Hà, có thể bị nhấn chìm cả chục km2 diện tích ven biển.

Nếu nước biển dâng 1m thì tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ trên 10% diện tích bị ngập lụt; khoảng 5% chiều dài quốc lộ, trên 6% chiều dài tỉnh lộ, gần 4% chiều dài đường sắt, trên 9% dân số bị ảnh hưởng.

Đối với kịch bản phát thải trung bình, tỉnh Quảng Ninh năm 2100 so với cuối thế kỷ trước là: Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 2,5% (mức dự báo ở các tỉnh thành khác: Tăng thấp nhất 1,9%, cao nhất 3,7%), mức thay đổi lượng mưa khoảng 6,7% (mức dự báo các tỉnh thành khác: Thấp nhất 1 và cao nhất là 10). Dự báo giai đoạn 2020-2100, mực nước biển sẽ dâng từ 7-64cm so với giai đoạn 1980-1999, khi đó tổng diện tích bị ngập của tỉnh Quảng Ninh là 125,27km2; địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là một số khu vực ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Hoành Bồ.

II.1.8. Địa chất

Đặc điểm địa chất của huyện Hải Hà được biểu hiện trên tờ Địa chất và khoáng sản tờ Móng Cái (F-48-XXIV) và Hạ Long (F-48-XXX) tỷ lệ 1/200.000 do Nguyễn Công Lượng chủ biên, xuất bản năm 2000. Trên địa phận huyện Hải Hà các trầm tích chủ yếu thuộc 4 hệ tầng: hệ tầng Tấn Mài (O3 - S tm); hệ tầng Bình Liêu (T2a bl); hệ tầng Hà Cối (J1-2 hc) và hệ Đệ tứ không phân chia.

Hệ tầng Tấn Mài (O3 - S tm): Phân bố tại vùng núi cao thuộc các xã Quảng Sơn, Quảng Thịnh và Quảng Đức và xã đảo Cái Chiên. Thành phần củ yếu của hệ tầng là các trầm tích lục nguyên biến chất yếu, phần dưới hạt lớn, phần trên hạt nhỏ. Đá bị biến chất không đều theo đường phương. Tại một số nơi, đá bị vò nhàu, uốn nếp mạnh mẽ và bị ép mặt láng bóng.

Hệ tầng Bình Liêu (T2a bl): Phân bố tại vung núi cao Quảng Nam Châu phía bắc xã Quảng Sơn và Quảng Đức. Hệ tầng này được lộ ra ở huyện Hải Hà đặc trưng bởi các trầm tích lục nguyên xen với đá nguồn núi lửa.

Hệ tầng Hà Cối (J1-2 hc): Phân bố rộng rãi trong các gò đồi của các xã ven biển huyện Hải Hà như Đường Hoa, Tiến Tới, Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thành, Quảng Thắng. Hệ tầng được đặc trưng bởi các trầm tích lục địa màu đỏ, thay đổi nhanh về thành phần độ hạt, nghèo vật chất hữu cơ, không thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Hệ Đệ Tứ: Phân bố chủ yếu trong các đồng bằng nhỏ hẹp của các xã ven biển và bãi triều huyện Hải Hà. Thành phần của đặc trưng là các trầm tích bở rời hạt thô như cuội sỏi, cát, bột, sét (ít) tướng sông biển (vùng cửa sông Hà Cối, Mã Ham, Đường Hoa, Cái Đại Hoàng), đầm lầy ven biển và biển nông ven bờ.

Huyện Hải Hà nằm trong đới kiến trúc Caledoni Katazia (Pusarovski, 1965) với hoạt động kiến tạo kiểu cửa sông hình phễu khá bình ổn. Đứt gãy đóng vai trò quan trọng đi qua vùng chủ yếu là các hệ đứt gãy hướng đông bắc - tây nam bao gồm đứt gãy Tấn Mài - Tiên Yên và Hoành Bồ - Vĩnh Thực.

Do nằm trong vùng kiến tạo chủ yếu gây bởi hoạt động biển lấn không đền bù bồi tích nên bờ biển Hải Hà sẽ có quá trình xói lở chiếm ưu thế hơn bồi tụ, các trầm tích chiếm ưu thế chủ yếu là bột và cát bột.

II.1.9. Địa chấn.

Theo Viện Vật lý địa cầu, khu vực huyện Hải Hà không phải là vùng xảy ra nhiều trận động đất nguy hiểm. Do hoạt động kiến tạo địa chất và đặc trưng vùng ven biển nơi này vẫn sẽ có động đất xảy ra nhưng với cường độ yếu.

Bản đồ phân vùng động đất (Mmax) vùng biển Đông Việt Nam và ven bờ

Chú thích: Động đất cực đại ( Mmax) là động đất lớn nhất có thể xảy ra.

- Động đất mạnh 5,0 - 5,5 độ Richter gây chấn động cấp 7, làm hư hại nhẹ nhà cửa.

- Động đất 6,0 - 6,5 độ Richter gây chấn động cấp 8, làm hư hại nặng nhà cửa.

- Động đất > 6,5 độ Richter gây chấn động cấp 8-9-10.., làm hư hại nhà cửa nặng hơn cấp 8

II.1.10. Thổ nhưỡng

Đất của huyện Hải Hà được chia thành 02 vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng ven biển. Vùng đồi núi bao gồm 04 loại đất sau:

Đất nâu tím: Hình thành và phát triển trên sa phiến thạch tím hạt mịn, diện tích 2.167,6 ha chiếm 4,2% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Long, Đường Hoa, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Thành. Loại đất này phù hợp với trồng hoa màu ở độ dốc  < 80, trồng cây lâu năm ở độ dốc từ 8 - 150, phát triển nông lâm kết hợp ở độ dốc từ 15 - 250, trồng rừng ở độ dốc trên 250.

Đất vàng đỏ: Diện tích 25.580ha, chiếm 49,91% diện tích tự nhiên. Loại đất này phù hợp với phát triển nhiều loại cây lâu năm như chè, cây ăn quả, cây đặc sản như hồi, quế, trám vũ, cây lấy gỗ quý như nghiến, đinh hương.

Đất mùn vàng đỏ trên núi: Diện tích đất này có 4.674,47ha phân bố chủ yếu ở xã Quảng Sơn, Quảng Đức. Loại đất này có ở vùng núi cao và có độ dốc lớn >200 nên phù hợp với trồng rừng phòng hộ và khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn. Đất này hình thành ở độ cao trên 700m, khí hậu lạnh và ẩm hơn vùng đồi núi thấp.

Đất nhân tác: Đất hình thành do tác động của con người san ủi làm ruộng bậc thang, diện tích 1.216,34 ha. Loại đất này phù hợp với sản xuất nông nghiệp khi có đủ nước. Đây là loại đất tốt ở địa hình bằng thoải, hầu hết có độ phì nhiêu khá.

Vùng đồng bằng ven biển bao gồm 05 loại đất sau:

Đất cát ven sông ven biển: Diện tích 2.205,78ha, chiếm 4,3% diện tích tự nhiên. Được hình thành ở ven biển, ven các sông chính do sự bồi đắp chủ yếu từ sản phẩm thô với sự hoạt động trầm tích phù sa của các hệ thống sông và biển. Đất thường ở địa hình thấp ngoài đê biển và thường xuyên ảnh hưởng của thuỷ triều. Đất nghèo dinh dưỡng, có thể trồng rừng ngập mặn chắn sóng.

Đất mặn: diện tích 1.762,39ha, phân bố ở các xã ven biển. Đối với vùng đất mặn ít nếu chủ động nước sẽ phù hợp với cây lúa, vùng mặn nhiều chủ yếu phát triển sú vẹt, đước. Đối với vùng đất mặn ít nếu chủ động nước sẽ phù hợp với cây lúa, vùng mặn nhiều chủ yếu phát triển sú vẹt, đước.

Đất phèn tiềm tàng: Được hình thành dưới rừng ngập mặn và vùng đầm trũng, chứa tỷ lệ hữu cơ cao, bị glây, yếm khí, đất bị nhiễm mặn nặng, hàm lượng mùn tầng mặt rất giàu, đạm, lân, kali tổng số từ khá đến giàu. Đất phèn được cải tạo để trồng lúa 2 vụ trong điều kiện thuận lợi về nước ngọt.

Đất phù sa không được bồi: Diện tích 825,55ha, đây là loại đất phù sa đã được cách ly khỏi ảnh hưởng của sự bồi đắp hàng năm của các hệ thống sông, Phù hợp với trồng cây công nghiệp.

Đất có tầng sét loang lổ: Diện tích 1136,08ha, hình thành do sự di chuyển mạnh lên và xuống của sắt, nhôm trong đất. Phù hợp với sản xuất nông nghiệp.

Đất xám: Diện tích 563,67ha, đất hình thành trên đá cát kết và phù sa cổ, ở địa hình bậc thang thấp. Những nơi thấp đủ nước phù hợp cho trồng lúa. Đất có phản ứng chua, đạm tổng số trung bình, lân kali tổng số nghèo.


II.1.11. Tài nguyên

Tài nguyên nước:

- Nguồn nước mặt: hệ thống sông suối khá dày đặc, có hồ Trúc Bài Sơn diện tích 110 ha, dung tích 15 triệu m3, hồ Khe Đình và hồ Khe Dầu thuộc xã đảo Cái Chiên diện tích 23 ha và các đập nước. Đây là nguồn nước mặt với trữ lượng lớn, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các xã trong toàn huyện. Nước ngọt từ các hồ, đập nước được dẫn tới các khu sản xuất nông nghiệp nhờ hệ thống kênh mương dẫn nước bao gồm: hệ thống kênh Trúc Bài Sơn dài 108,4km; hệ thống kênh Quảng Thành dài 58km; hệ thống kênh Đường Hoa dài 15 km; hệ thống kênh Cái Chiên dài 15 km; hệ thống kênh nội đồng dài 332,5 km. Qua kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước sông, hồ còn tốt, các thông số quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng của các hoạt động KTXH tới chất lượng nước không lớn. Nguồn nước sinh hoạt của nhân dân thị trấn được lấy từ nguồn nước mặt của sông Hà Cối, vị trí tại đập Tây Ninh xã Quảng Chính (cách thị trấn 2,5km) làm nguồn cấp nước đô thị.

- Nguồn nước ngầm: Hải Hà có trữ lượng nước ngầm khá lớn, chất lượng nước khá tốt, đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là nguồn nước được nhân dân sử dụng qua hệ thống giếng khơi.

- Nhìn chung nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở Hải Hà khá dồi dào, tuy nhiên còn khó khăn vào mùa khô. Trong thời gian tới cần có biện pháp cải tạo, xây dựng các công trình dự trữ nước mưa, phủ xanh đất trống, bảo vệ rừng và đưa nước ngọt từ nơi khác đến để đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH.

Tài nguyên biển:

- Hải Hà có bờ biển dài 35 km, diện tích biển và bãi biển khoảng 23.620 ha với nhiều loại hải sản quý sinh sống như tôm, cua, cá, sò huyết, sá sùng... Hiện tại nguồn lợi hải sản đã được khoanh nuôi tại xã Đường Hoa 163ha, Tiến Tới 12,0ha, Quảng Phong 150ha, Quảng Điền 64ha, Quảng Minh 252ha, Quảng Thắng 80ha, Quảng Thành 48ha.

- Biển Hải Hà hàng năm cho phép khai thác khoảng 9.000 tấn/năm ở cả vùng lộng và vùng khơi. Hải sản đánh bắt gồm nhiều loài tôm, cá quý hiếm có giá trị cao như tôm He đuôi xanh ở ngư trường núi Miều, Mực nang ở ngư trường Thoi Xanh và một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Song, cá Vược, cá Tráp... Khu vực biển đảo Cái chiên có những ngư trường lớn, tập trung nhiều tàu thuyền đến khai thác cho sản lượng cao.

Tài nguyên rừng:

- Huyện có tiềm năng phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2012, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 35.051,1 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 28.051,88 ha, chiếm 80,03% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp.

- Diện tích rừng tự nhiên 15.148,00 ha, chiếm 54,0% diện tích đất có rừng. Trong đó: Rừng nghèo 341,89 ha; Rừng phục hồi 12.301,91 ha; Rừng tre, nứa 54,70 ha; Rừng hỗn giao tre, nứa 1.604,50 ha; Rừng ngập mặn, phèn: 845,00 ha. Như  vậy có thể thấy khả năng lợi dụng của rừng tự nhiên không lớn, do hầu hết là rừng nghèo và rừng phục hồi. Rừng trồng 12.903,88 ha chiếm 46% diện tích đất có rừng.

- Thảm thực vật: Hệ thống thảm thực vật phong phú với các loại thực vật của khu vực đồi núi và khu vực ngập mặn. Khu vực đồi núi chủ yếu là các loại tre, nứa, cây lấy gỗ (keo, bạch đàn, cây đặc sản như quế). Khu vực ngập mặn chủ yếu là thông, sú vẹt, đước. Ngoài ra còn có hệ thống thực vật như các lùm, bụi cây chịu hạn như sim, mua, cỏ tranh.

- Rừng Hải Hà có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư, khái thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng:

- Mỏ đá Cao Lanh diện tích 22,51ha, phân bố ở các xã Quảng Đức và Quảng Sơn. Đây là nguồn khoáng sản có hàm lượng Allumin cao phù hợp cho sản xuất phụ gia xi măng, gạch chịu lửa, đá xẻ và một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ khác.

- Đất sét có diện tích khoảng 43,73 ha phân bố ở các xã Quảng Minh, Quảng Chính, Quảng Trung, Đường Hoa, Quảng Long, Quảng Thành, Quảng Phong. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân trên địa bàn.

- Đá cuội sỏi, cát, đá hộc: vẫn đang được khai thác ở các lòng sông, suối của huyện, ven đảo Cái Chiên (tiêu thụ trong thị trường huyện).

- Đá ốp lát: chủ yếu là đá Granit phân bố ở Quảng Nam Châu, trữ lượng ước khoảng 1,5 triệu m3, có màu hồng xanh khá đẹp, xếp vào loại có giá trị kinh tế cao.

- Mỏ Kaolin-pyrophilit Tấn Mài (phần lớn ở xã Quảng Đức và một phần ở xã Quảng Sơn) gồm 6 thân quặng có trữ lượng dự báo 60,5 triệu tấn (nguồn nguyên liệu quý hiếm cho sản xuất vật liệu chịu lửa, gốm, sứ xây dựng).

Tài nguyên du lịch, văn hóa:

- Các điểm thu hút khách du lịch trong thời gian qua phải kể đến như: đảo Cái Chiên, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hồ Trúc Bài Sơn, rừng phòng hộ đầu nguồn,… Đây là những khu vực lý tưởng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, du lịch tắm biển,…

- Đặc biệt, Cái Chiên là nơi có tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch: bãi biển tuyệt đẹp (bãi cát trắng mịn) và hàng phi lao trải dài khoảng 10 km, nước biển trong xanh là bãi tắm lý tưởng để cho các nhà đầu tư phát triển khai thác ngành du lịch biển và khu du lịch sinh thái. Gần đây đảo Cái Chiên cùng nhiều đảo khác trên vùng biển Quảng Ninh, nơi có dân cư sinh sống, còn nhiều khu rừng nguyên sinh, có nguồn nước tự nhiên dồi dào được  Tỉnh quy hoạch là những khu du lịch sinh thái, đồng thời là vùng kinh tế biển đảo, tạo thành phên giậu bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc.

- Hải Hà có lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Năm 1976 đã phát hiện ở Tấn Mài (nay là xã Quảng Đức) nhiều hòn đá có dáng công cụ thô sơ thời tiền sử. Viêc nghiên cứu để kết luận đang còn tiếp tục. Rất có thể đây là di chỉ thời đồ đá cũ đầu tiên và duy nhất tìm thấy ở Quảng Ninh. Năm 1995 đã tình cờ phát hiện trên đồi chè Quảng Lễ xã Quảng Chính một chiếc trống đồng thuộc hệ trống đồng Đông Sơn thời đại Hùng Vương. Năm 1999, các nhà khảo cổ lại phát hiện ở xã Đại Bình một di chỉ thời đồ đá mới tương đương thời kỳ văn hoá Bắc Sơn và trước Văn hoá Hạ Long.

- Cư dân sớm nhất ở Hải Hà là những người Kinh sống bằng khai thác hải sản ven biển sau đó là người các Tỉnh đồng bằng ra mở đất canh tác lập nên các làng ở vùng thấp. Ở vùng núi và trung du sớm nhất là người Tày, sau đó là các dân tộc thiểu số từ vùng Thập Vạn Đại Sơn bên kia biên giới sang, sau cùng là người Hoa. Từ năm 1978, Hải Hà có đông người từ đồng bằng đến thế chỗ người Hoa đã đem theo phong tục và tập quán của vùng xuôi và trở thành “đất chèo’’. Hải Hà đang chú ý nâng cao dân trí, vừa phát triển giáo dục phổ thông vừa chú ý giáo dục thường xuyên. Huyện có một trường phổ thông trung học và một trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên trung học đã là người địa phương.

- Về văn hoá, Hải Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Toàn huyện gần như không theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên là phổ biến. Các xã người Kinh cũ ở đây cũng có thầy mo và có nhiều phong tục khác người Kinh vùng đồng bằng. Đám chay xưa, đốt nhiều vàng mã, cúng lễ cầu kỳ, ăn uống tốn kém. Đám cưới có hát đối giao duyên, có tục giăng ngõ. Các dân tộc thiểu số cũng có nhiều phong tục riêng.

II.1.12. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên

Thuận lợi:

- Vị trí rất thuận lợi nằm trên Quốc lộ 18A, nối liền giữa cửa khẩu Móng Cái và thành phố Hạ Long, có cảng biển, cảng sông nên có ưu thế lớn trong việc giao lưu phát triển trong nước và quốc tế.

- Môi trường trong lành, phong cảnh đẹp, mùa hè tương đối mát mẻ, mùa đông khô ráo, sản lượng hải sản hàng năm lớn là những điều kiện tốt để phát triển du lịch, chăn nuôi, trồng trọt, thương mại, dịch vụ.

Khó khăn:

- Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhiệt đới, trong năm rủi ro nhất đối với NTTS vào tháng 7 (có đến 19/50 cơn bão từ năm 1980 đến 2010 xảy ra ở vùng Quảng Ninh - Ninh Bình xuất hiện vào tháng 7).

- Về mùa mưa: Lượng mưa được thu thập từ trạm đo Tiên Yên chưa phản ánh hết đặc tính của khu vực. Thực tế, từ bản đồ lượng mưa trung bình năm cho thấy huyện Hải hà nằm trong khu vực có lượng mưa lớn nhất trên toàn quốc (3000-4000mm lớn gấp đôi so với nhiều khu vực khác của tỉnh Quảng Ninh) do toàn bộ khu vực phía bắc và tây bắc của huyện được chắn bởi dãy núi rất cao (>1000m, có chỗ lên đến 1.450m). 

- Lượng mưa trong mùa mưa (chiếm hơn 75% lượng mưa cả năm; trong đó lượng mưa tháng 7 chiếm đến 25% lượng mưa cả năm). Mặt khác, từ tháng 6 - 8, trong tháng có đến 15 ngày có dông trong tổng số 18 - 20 ngày mưa,  nên nước ngọt thường dồn về nhanh, mạnh dễ phá vỡ ao đầm thủy sản hoặc gây hiện tượng ngọt hoá đột ngột (ngọt hóa nhanh và mặn hóa nhanh) vùng nước ven biển, làm “sốc” và có thể dẫn tới chết đối tượng nuôi, đặc biệt là các khu vực nuôi nhuyễn thể và tôm vùng ven bờ.

- Về mùa đông, dòng chảy ở các cửa sông thấp, nguồn nước ngọt hiếm làm cho độ mặn của vùng ven bờ rất cao (gần 30%o), mặt khác về mùa này khả năng trao đổi mùn bã hữu cơ, phù du của vùng ven bờ thấp. Đây là điều kiện rất bất lợi và làm rủi ro rất lớn ảnh hưởng lớn đến một sực phát triển của một số loài nuôi như tôm, ngao...

II.2. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

II.2.1. Hiện trạng tổ chức các đơn vị hành chính

Huyện Hải Hà có 16 đơn vị hành chính, bao gồm 1 Thị trấn và 15 xã: thị trấn Quảng Hà, các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Thịnh, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Minh, Phú Hải, Quảng Điền, Quảng Phong, Đường Hoa, Tiến Tới và xã đảo Cái Chiên.

Hải Hà có11 xã nằm sát cửa sông, ven biển, trong đó có 09 xã giáp biển là Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Điền, Phú Hải, Đường Hoa, Tiến Tới và xã đảo Cái Chiên.

Description: HanhChinh.jpg


II.2.2. Hiện trạng phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế:

- Giai đoạn 2005 - 2014 bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, … song  kinh tế của huyện Hải Hà vẫn duy trì được sự tăng trưởng khá cao và ổn định trong những năm qua.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005 - 2010 đạt 12,7%/năm. Các năm tiếp theo kinh tế huyện vẫn giữ được mức tăng trưởng đều. Năm 2014 tốc độ tăng trưởng đạt 13, 35% (giá cố định 94). Trong 13,35% tăng trưởng chung của kinh tế huyện Hải Hà khu vực nông lâm thủy sản tăng 36,54% (giảm 0,56% so với năm 2013), Công nghiệp - Xây dựng 24,29% (tăng 1,02%), Dịch vụ 39,17% (giảm 0,47%).

- Quy mô kinh tế tăng, giá trị tổng sản xuất các ngành năm 2014 đạt 1.657 tỷ đồng (giá 1994), gấp 2,41 lần so với năm 2010 (686,5 tỷ đồng).

- Công nghiệp - Xây dựng là ngành có giá trị sản xuất cao năm 2014 đạt 695.77 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2014 đạt 36,74%. Ngành dịch vụ những năm gần đây có mức tăng trưởng khá khi đạt 695.77 tỷ đồng trong năm 2014, tăng 3,49 lần năm 2010.

Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế, đóng góp của các ngành giai đoạn 2005 - 2014.

Đvt: Tỷ đồng (Giá 1994)

Chỉ tiêu

2005

2010

2011

2012

2013

2014

TĐTT (%)

TĐTT (%)

2005 - 2010

2010 - 2014

Gía trị sản xuất

320

686,5

804,5

920,0

1.146

1.657

12,7

24,46

Nông lâm thuỷ sản

166,4

257,5

275,5

290,5

333.21

369.03

8,4

9,41

CN - XD

60,2

199,0

244,0

291,5

417.71

695.77

17,9

36,74

Dịch vụ

93,4

230,0

285,0

338,0

395.16

592.23

15,6

26,67

Nguồn: Văn kiện ĐHĐB huyện lần thứ XX và Chi cục thống kê huyện Hải Hà.

Thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2014 là 18,25triệu đồng/người/năm, bằng 40% so với mức thu nhập bình quân của tỉnh Quảng Ninh).

Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 16% (2005) lên 24,29 % (2014);  Ngành dịch vụ cũng có những bước tăng trưởng đáng kể từ 36% năm 2005 lên 39,17% năm 2014, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản, ngành Nông lâm thủy sản đã giảm từ 48% (2005) xuống còn 36,54% (2014).

II.2.3. Hiện trạng các ngành kinh tế

a. Ngành nông lâm thủy sản

Tăng trưởng kinh tế: Giai đoạn 2005-2014 ngành nông lâm thuỷ sản huyện Hải Hà đã đạt được những kết quả khá cao: Giá trị sản xuất (theo giá CĐ 94) ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân cả thời kỳ 2005 – 2014 đạt 9,42%/năm. Trong đó: ngành nông nghiệp tăng 8,2%/năm; lâm nghiệp tăng 9,4%/năm; thủy sản tăng 10,7%/năm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt tăng 7,9%/năm, chăn nuôi tăng 8,0%/năm, dịch vụ nông nghiệp tăng 24,2%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành: Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thuỷ sản, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Cụ thể năm 2005 cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 57,7%; lâm nghiệp chiếm 4,7%; thủy sản chiếm 37,6%. Đến năm 2012 cơ cấu các ngành tương ứng là: 52,2%; 6,6%; 41,1%. Năm 2014: nông nghiệp chiếm 47%;  lâm nghiệp 12%; thủy sản 41%.

Trong nội bộ ngành nông nghiệp cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt và tăng chăn nuôi: Trồng trọt giảm từ 72,8% năm 2005 xuống 66,3% năm 2014; Chăn nuôi tăng từ 26,3% năm 2005 lên 32,3% năm 2014; Dịch vụ nông nghiệp ổn định ở mức trên 1% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp).

Nhìn chung, cơ cấu giữa các ngành thay đổi không nhiều qua các năm cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành còn chậm, không có sự đột biến. Có thể nhận thấy ngành nông nghiệp huyện phát triển chưa nhanh, chưa phát huy được tiềm năng sẵn có, nhất là tiềm năng khai thác tài nguyên mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản.

b. Ngành Công nghiệp - Xây dựng:

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng năm 2005 đạt 60,2 tỷ đồng (giá 1994) đến năm 2012 đạt 291,5 tỷ đồng, năm 2014 đạt 695.77 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân đạt 25,3%/năm giai đoạn 2005 – 2012 đến 2014 đạt 36.15%/năm.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng (giá TT) năm 2005 đạt 49,7 tỷ đồng (giá TT), chiếm 15,7% cơ cấu GTTT toàn nền kinh tế huyện Hải Hà; đến năm 2014 đạt 228,7 tỷ đồng, chiếm 22,7% cơ cấu GTTT.

c. Dịch vụ

Chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng GTTT giai đoạn 2005 - 2012 bình quân đạt 15,6%/năm, giai đoạn 2009 - 2014 đạt 24,84%/năm chiếm tỷ trọng 38,6% trong tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế của huyện.

Hoạt động tài chính - thu chi ngân sách:

- Thu ngân sách: Những năm gần đây, thu ngân sách hàng năm tăng khá. Nếu như năm 2005 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 55,2 tỷ đồng thì đến năm 2012 đạt 80,1 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân giai đoạn 2005 - 2014 tăng bình quân 4,9%/năm.

- Chi ngân sách năm 2014 đạt 361.558 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên 295.558 tỷ đồng, chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 66.000 tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước đã chủ động trong công tác xử lý dự toán chi, kiểm soát chi ngân sách, tiền mặt đáp ứng các nhiệm vụ chi cho các đơn vị, chi cục thuế thực hiện tốt nhiệm vụ thu và tăng thu ngân sách cho địa phương.

- Như vậy tình hình tài chính của huyện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa đủ chi cho phát triển kinh tế, còn phụ thuộc vào ngân sách cấp trên.

II.3. Hiện trạng dân số, lao động

II.3.1. Dân số

Dân số toàn huyện năm 2014 khoảng 58,52 ngàn người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 0,68 ngàn người, dân số nông thôn có khoảng 51,74 ngàn người. Tỷ lệ đô thị hóa 12,3%. Tốc độ tăng dân số giai đoạn giai đoạn 2005 - 2010 là 1,58%/năm bước sang giai đoạn tiếp theo từ năm 2010 - 2014 tốc độ tăng dân số toàn huyện giảm còn 1,46%/năm.

Bảng 2: Tốc độ tăng dân số huyện Hải Hà qua các năm.

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

Dân số toàn huyện (người)

55,221.0

56,393.0

57,920.0

57,534.0

58,680

Tỷ lệ tăng trung bình (%)

1.99

2.12

2.71

-0.67

1.72

- Tăng tự nhiên (%)

1.43

1.37

1.33

1.16

1.14

 - Tăng cơ học (%)

0.58

0.75

1.38

-1.83

0.58

Có thể phân chia dân số khu vực thành 3 vùng theo các vùng để tiện cho theo dõi đốic hiếu sau này

Bảng 3: Chi tiết thống kê dân số theo các xã thị trấn

Đvt: ngàn người

TT

Xã, thị trấn

Dân số (2014)

Phân vùng

Toàn huyện

58,68

Vùng

Dân số

1

TT Quảng Hà

6,8

Vùng I

30,15

2

Xã Quảng Thắng

2,47

3

Xã Quảng Thành

3,44

4

Xã Quảng Minh

5,22

5

Xã Quảng Trung

1,36

6

Xã Quảng Điền

2,91

7

Xã Quảng Phong

4,95

8

Xã Phú Hải

2,44

9

Xã Cái Chiên

0,56

10

Xã Quảng Đức

3,35

Vùng II

3,35

11

Xã Đường Hoa

3,73

Vùng III

24,56

12

Xã Quảng Chính

6,06

13

Xã Quảng Thịnh

2,69

14

Xã Quảng Long

5,48

15

Xã Quảng Sơn

4,22

16

Xã Tiến Tới

2,38

Dân tộc: Tính đến hết năm 2014, toàn huyện có 11 dân tộc, trong đó có 10 dân tộc thiểu số với 14.557 người chiếm 25,18% dân số toàn huyện, trong đó: Dao 18,70%, Tày 3,98%, Sán Dìu 0,64%, Sán Chỉ 0,29%, Hoa 1,0%, còn lại là người Nùng, Mường, Cao Lan, Thái, Củi Chu…).

II.3.2. Lao động

- Năm 2014 toàn huyện có 34,35 ngàn lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 34%; lao động qua đào tạo nghề đạt 18,36%.

- Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 34,94 ngàn người, trong đó: Lao động nông lâm, thuỷ sản có 24.783 người, chiếm 70,9%; lao động công nghiệp, xây dựng có 2.336 người, chiếm 6,69%; lao động dịch vụ có 7.818 người, chiếm 22,41%. Trong số, lao động trên địa bàn  có nhiều lao động chuyển từ nơi khác tới

Bảng 4: Hiện trạng lao động huyện Hải Hà

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2005

2010

2011

2012

2014

I

Số người trong độ tuổi lao động

Người

25.328

27.800

28.800

31.276

34.353

II

Tổng LĐ trong tuổi có việc làm

Người

24.257

28.238(*)

28.553

29.783

34.937 (*)

1

Lao động nông lâm, thuỷ sản

20.098

22.958

23.145

23.42

24.783

2

Lao động công nghiệp - xây dựng

1.119

1.381

1.427

1.546

2.336

3

Lao động dịch vụ

3.040

3.899

3.981

4.817

7.818

III

Cơ cấu lao động theo ngành

%

100

100

100

100

100

1

Lao động nông lâm, thuỷ sản

82,9

81,3

81,1

78,6

70.94

2

Lao động công nghiệp – xây dưng

4,6

4,9

5,0

5,2

6.69

3

Lao động dịch vụ

12,5

13,8

13,9

16,2

22.38

IV

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

12,5

18,05

12

26,14

34

(*): Dân số trong độ tuổi lao động năm 2010: 27.800 người, năm 2013: 34353 người. Số lượng lao động có việc làm trên địa bàn huyện đã tính thêm lao động từ khu vực khác đến làm việc năm 2010 : 438 người, năm 2013: 584 người.

- Công tác lao động, việc làm và dạy nghề được quan tâm. Năm 2014 toàn huyện đào tạo nghề cho 475 lao động, đạt 105,6% KH (trong đó mở 8 lớp dạy nghề cho 265 lao động nông thôn, đạt 126,2% KH). Giải quyết việc làm cho 1.555 người, đạt 120% KH năm.

Chất lượng nguồn nhân lực:

- Trong nhiều năm qua, kinh tế của huyện liên tục phát triển. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, qua đó đã góp phần từng bước cải thiện, nâng cao thể trạng của người dân. Giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị thiếu cân, tỷ lệ chết mẹ khi sinh con; Duy trì công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em tại 100% xã, thị trấn, tuyên truyền giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ em cho các gia đình. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2014 là 13,63% (giảm 7,26% so với năm 2005).

- Tính đến hết năm 2014 toàn huyện có 34.353 lao động trong độ tuổi có khả năng làm việc, trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 34%; lao động qua đào tạo nghề đạt 18,36%.

Nhận xét:

- Nguồn lao động của huyện khá dồi dào, tuy nhiên lao động chủ yếu là phổ thông, phần lớn lao động làm việc trong các lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và chưa qua đào tạo nên thu nhập chưa cao. Đây là khó khăn, thách thức lớn của huyện trong quá trình phát triển công nghiệp giai đoạn tới, đặc biệt tổ hợp công nghiệp - đô thị - cảng biển nước sâu Hải Hà sẽ triển khai trong tương lai.

- Trong thành phần lao động người Kinh chiếm thành phần chủ yếu và nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các ngành lao động, người dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp nên lực lượng chủ yếu tham gia lao động ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp với trình độ lao động thấp phần lớn chưa qua đào tạo.

II.4. Hiện trạng đất đai

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện (31/12/2014) là 69.013 ha, trong đó diện tích đất liền của huyện Hải Hà là 51.393,17 ha, trong đó:

Đất nông nghiệp: 39.557,53 ha, chiếm 76,97% diện tích tự nhiên, trong đó: trồng cây lâu năm có 1.237,88ha; đất rừng phòng hộ có 15.207,54 ha; đất rừng sản xuất có 18.457,35 ha; đất nuôi trồng thủy sản có 922,44 ha.

Đất phi nông nghiệp: 6.059,91 ha, chiếm 11,79% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất ở tại nông thôn 367,09 ha; đất ở tại đô thị 41,94 ha; đất chuyên dùng 2.741,77 ha; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp 20,15 ha.

Đất chưa sử dụng: 5.775,73 ha, chiếm 11,24% trong đó đất bằng chưa sử dụng 4.893,24 ha.

Bảng 5: Tổng hợp hiện trạng sử dụng đất huyện Hải Hà

STT

Loại đất

Diện tích
(ha)

Cơ cấu
(%)

Tổng diện tích

51,393.17

100.00

I

Đất nông nghiệp

39,557.53

76.97

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

4,969.83

9.67

Đất trồng cây hàng năm

3,731.95

7.26

Đất trồng cây lâu năm

1,237.88

2.41

1.2

Đất lâm nghiệp

33,664.89

65.50

Đất rừng sản xuất

18,457.35

35.91

Đất rừng phòng hộ

15,207.54

29.59

1.3

Đất nuôi thuỷ sản

922.44

1.79

II

Đất phi nông nghiệp

6,059.91

11.79

2.1

Đất ở

409.03

0.80

Đất ở nông thôn

367.09

0.71

Đất ở đô thị

41.94

0.08

2.2

Đất chuyên dùng

2,741.77

5.33

Đất trụ sở cơ quan

20.15

0.04

Đất quốc phòng, an ninh

311.18

0.61

Đất SXKD phi nông nghiệp

1,298.26

2.53

Đất có mục đích công cộng

1,112.18

2.16

 2.3

Đất tôn giáo tín ngưỡng

1.63

0.00

2.4

Đất nghĩa trang nghĩa địa

90.68

0.18

2.5

Đất sông suối và mặt nước

2,814.80

5.48

III

Đất chưa sử dụng

5,775.73

11.24

Huyện Hải Hà có 3 vùng không gian đặc thù như sau:

Vùng I: 09 xã, thị trấn trong không gian KKTCK Móng Cái: Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung, Cái Chiên, Quảng Điền, Quảng Phong, Phú Hải và thị trẩn Quảng Hà.

Vùng II: Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Vùng III: Các xã thuộc khu vực nông thôn.

Bảng 6: Hiện trạng sử dụng đất tổng hợp theo phân vùng

STT

Mục đích sử dụng đất

Diện tích
(ha)

Vùng I
(ha)

Vùng II
(ha)

Vùng III
(ha)

Tổng diện tích

51,393.17

17,667.86

9,404.79

24,320.52

1

Đất nông nghiệp

39,557.53

9,776.47

8,547.10

21,286.46

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

4,969.83

2,588.85

348.15

1,954.01

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

3,731.95

1,979.98

268.33

1,301.83

a

Đất trồng lúa nước

2,713.84

1,314.69

1,113.81

b

Đất trồng cây hàng năm khác

1,018.11

595.36

59.82

188.02

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

1,237.00

609.98

8,298.95

652.20

1.2

Đất lâm nghiệp

33,664.89

6,475.16

6,901.32

18,878.66

1.2.1

Đất rừng sản xuất

18,457.35

4,055.23

1,397.63

7,123.52

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

15,207.54

1,434.66

11,409.98

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

922.44

730.84

398.30

1.4

Đất nông nghiệp khác

0.37

83.90

6.37

2

Đất phi nông nghiệp

6,059.91

3,010.49

435.59

3,033.22

2.1

Đất ở

409.03

213.99

22.28

437.95

2.1.1

Đất ở nông thôn

367.09

166.72

22.28

166.60

2.1.2

Đất ở đô thị

41.94

41.94

0.00

2.2

Đất chuyên dùng

2,741.77

1,621.09

133.49

1,155.97

2.2.1

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

20.15

13.84

2.40

3.25

2.2.2

Đất quốc phòng

311.18

816.35

54.18

7.70

2.2.3

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

1,298.26

782.09

10.20

591.73

2.2.4

Đất có mục đích công cộng

1,112.18

542.13

66.71

547.27

2.3

Đất tôn giáo tín ngưỡng

1.63

0.98

1.29

2.4

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

90.68

20.21

5.00

19.86

2.5

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng

2,814.80

1,226.85

272.82

1,689.52

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

2.00

0.00

2.00

0.00

3

Đất chưa sử dụng

5,775.73

3,289.54

322.10

2,163.61

Đất chưa sử dụng

4,893.24

3,085.69

33.49

1,774.27

Đất bằng chưa sử dụng

853.19

203.85

288.61

360.04

Đất đồi núi chưa sử dụng

29.30

0.00

29.30

Hiện trạng sử dụng đất phân theo đô thị và nông thôn:

Bảng 7: Hiện trạng sử dụng đất đô thị

TT

Mục đích sử dụng đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Tổng diện tích

9.404,79

100.00

1

Đất nông nghiệp

9.39

6.50

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

7.77

5.38

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

4.26

2.95

a

Đất trồng lúa nước

0.00

b

Đất trồng cây hàng năm khác

3.51

2.43

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

1.62

1.12

1.2

Đất lâm nghiệp

0.00

1.2.1

Đất rừng sản xuất

0.00

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

0.00

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

0.00

1.4

Đất nông nghiệp khác

0.00

2

Đất phi nông nghiệp

126.59

87.64

2.1

Đất ở

41.94

29.04

2.1.1

Đất ở nông thôn

0.00

2.1.2

Đất ở đô thị

41.94

29.04

2.2

Đất chuyên dùng

61.62

42.66

2.2.1

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

8.51

5.89

2.2.2

Đất quốc phòng

2.70

1.87

2.2.3

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

4.00

2.77

2.2.4

Đất có mục đích công cộng

46.41

32.13

2.3

Đất tôn giáo tín ngưỡng

0.02

0.01

2.4

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

0.12

0.08

2.5

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng

23.19

16.06

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

 0

0.00

3

Đất chưa sử dụng

8.16

5.65

Đất chưa sử dụng

8.16

5.65

Đất bằng chưa sử dụng

 0

0.00

Đất đồi núi chưa sử dụng

 0

0.00

Bảng 8: Hiện trạng sử dụng đất khu vực nông thôn:

STT

Mục đích sử dụng đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

1

Đất nông nghiệp

41,988.38

77.17

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

4,962.06

9.68

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

3,727.69

7.27

1.1.1.1

Đất trồng lúa nước

2,713.84

5.30

1.1.1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

1,014.60

1.98

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

1,235.38

2.41

1.2

Đất lâm nghiệp

33,664.89

65.69

1.2.1

Đất rừng sản xuất

18,457.35

36.02

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

15,207.54

29.67

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

922.44

1.80

1.4

Đất nông nghiệp khác

0.37

0.00

2

Đất phi nông nghiệp

5,933.32

11.58

2.1

Đất ở

367.09

0.72

2.1.1

Đất ở nông thôn

367.09

0.72

2.1.2

Đất ở đô thị

0.00

0.00

2.2

Đất chuyên dùng

2,680.15

5.23

2.2.1

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

11.64

0.02

2.2.2

Đất quốc phòng

308.48

0.60

2.2.3

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

1,294.26

2.53

2.2.4

Đất có mục đích công cộng

1,065.77

2.08

2.3

Đất tôn giáo tín ngưỡng

1.61

0.00

2.4

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

90.56

0.18

2.5

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng

2,791.61

5.45

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

2.00

0.00

3

Đất chưa sử dụng

5,767.57

11.25

Đất chưa sử dụng

4,885.08

9.53

Đất bằng chưa sử dụng

853.19

1.66

Đất đồi núi chưa sử dụng

29.30

0.06

II.5. Hiện trạng phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn

II.5.1. Hiện trạng phát triển đô thị

Thị trấn Quảng Hà, dân số đô thị năm 2014 khoảng 6,78 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa 11,56% . Diện tích đất tự nhiên khoảng 144,44 ha, có QL18 kết nối thuận tiện với các hệ thống cảng, các khu vực lân cận và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện. Thị trấn Hải Hà được xây dựng trên khu vực đồng bằng, nằm hai bên bờ sông Hà Cối và Tài Chi, là trung tâm huyện lỵ của huyện Hải Hà, đô thị loại 5.

Trong quá trình phát triển, Thị trấn được lập Quy hoạch chung năm 2008 và quy hoạch phân khu mở rộng với quy mô quy hoạch khoảng 565,47ha. Mở rộng diện tích ra các xã: Quảng Trung (33,43 ha), Quảng Minh (298,90ha), Phú Hải (88,79 ha). Trong những năm qua khu vực Hải Hà đã được đầu tư phát triển, không gian đô thị dần được cải tạo và xây mới gắn với cảnh quan 2 bên sông Hà Cối ngày càng khang trang và sach đẹp.

Dự án xây dựng bờ kè dọc sông Hà Cối đã được đầu tư xây dựng, đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị Quảng Hà. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống khung giao thông đô thị, tuyến đường tránh qua trung tâm đô thị đã được thực hiện, bước đầu đã mang lại lợi ích cho người dân đô thị. Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông nối kết quốc lộ 18 với cảng biển Hải Hà đang được thực hiện, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này.

Description: QH-mrtt-SDD.jpg

Sơ đồ: Quy hoạch phân khu TT.Hải Hà mở rộng

II.5.2. Hiện trạng khu vực dân cư nông thôn

Khu vực nông thôn bao gồm các xã vùng núi Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Long, Quảng TrungQuảng Thành, Quảng Minh, Quảng Thắng, Đường Hoa, Quảng Thịnh, Quảng Chính và xã đảo Cái Chiên.

Cấu trúc các khu dân cư nông thôn:

- Cấu trúc khu dân cư nông thôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ địa hình, giao thông cho đến tập quán, nghành nghề của cộng đồng dân cư sinh sống tại đó.

- Nhận diện các hình thái kiến trúc đặc trưng: Có thể, nhận thấy cấu trúc cảnh quan mạng lưới dân cư nông thôn khá đa dạng và phong phú, về cơ bản, có thể phân thành 3 cấu trúc cảnh quan chính: Khu dân cư miền núi, Làng vùng trung du, Làng

- Những xã Quảng Đức, Quảng Sơn có đặc điểm là đất bằng phẳng rất ít, phân bố rải rác dọc theo chân dãy núi cao hoặc các tuyến sông. Dân cư sinh sống không tập trung, cấu trúc cảnh quan làng xóm không đặc trưng, mang tính tự phát phụ thuộc vào địa hình. Làng xóm có dân cư thưa thớt, sinh sống bằng các nghề nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc khai thác sản vật địa phương như mật ong rừng, khai thác gỗ… Mạng lưới giao thông ở miền núi rất phức tạp, các phương tiện lưu thông khó khăn nên sản xuất quy mô lớn không thể triển khai được tại vùng này.

- Các xã Quảng Thành, Quảng Thịnh, Quảng Long và phia Bắc xã Đường Hoa, là phần đệm giữa miền núi và đồng bằng có địa hình không bằng phẳng, gồ ghề. Để có thể sử dụng để canh tác, người dân phải san lấp và xử lý đất hoang trong một thời gian dài. Một số khu vực bị ngập nước theo mùa, nên dân cư thường tập trung sinh sống trên các gò, dải đất cao. Cấu trúc làng xóm phân tán, bị chia nhỏ do phụ thuộc vào địa hình, kết nối với nhau bởi các đường đê xuyên qua các cánh đồng. Mạng lưới giao thông tương đối phức tạp, bị giới hạn bởi mặt cắt đường hẹp, nên sản xuất quy mô lớn tại vùng này gặp nhiều khó khăn.

- Các xã ven biển có địa hình bằng phẳng thuận lợi xây dựng nên thuận lợi cho việc phát triển các cụm dân cư tập trung, làng xóm thường mang tính đặc trưng của vùng miền. Giao thông thuận lợi, có nhiều tuyến giao thông cấp tỉnh huyện chạy qua nên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tập trung, quy mô lớn. Cấu trúc làng xóm khá da dạng, tùy theo hình thức sản xuất của các làng. Tuy nhiên, vẫn giữ được nét truyền thống của làng quê Việt Nam.

- Các xã giáp ranh Quảng Hà chịu tác động của đô thị hóa. Dân cư trong làng thường bị ảnh hưởng bởi phương thức sinh hoạt của đô thị. Bên cạnh đó, sự giao thoa giữa văn hóa làng xóm và văn hóa đô thị sẽ khiến nảy sinh nhiều dịch vụ, nhu cầu đi lại do đó mà mở rộng. Các hàng quán và cơ sở sản xuất trong làng từ quy mô nhỏ lẻ sẽ dần phát triển lên và chuyên môn hơn, từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc làng xóm. Đường xá trong làng cũng sẽ phải mở rộng và nâng cấp, cơ cấu lao động sẽ chuyển dần từ nông nghiệp sang dịch vụ và sản xuất nhỏ.

- Xã đảo Cái Chiên: chịu ảnh hưởng địa hình hẹp và dài của đảo, dân cư khu vực này chủ yếu nằm trong khu vực thung nhỏ hẹp chạy dài giữa các ngọn đồi, núi theo hướng Đông Tây bám dọc theo 1 tuyến giao thông chính trên đảo dẫn ra bến tàu. Chủ yếu dân cư hiện nay sống bằng nghề biển.

II.6. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội

II.6.1. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế

Các cơ sở công nghiệp:

- Trong cơ cấu công nghiệp, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, trong đó tập trung chủ yếu với số lượng lớn là các cơ sở chế biến nông lâm sản thực phẩm; công nghiệp khác (điện, nước,...) chỉ chiếm một số lượng doanh nghiệp rất nhỏ.

- Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn toàn huyện có 250 cơ sở sản xuất, khai thác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó: công nghiệp khai thác là 11 cơ sở; công nghiệp chế biến là 238 cơ sở, công nghiệp sản xuất điện, nước có 1 cơ sở.

- Khai thác và sản xuất trên địa bàn các ngành nghề chủ yếu như sau:

Sản xuất gạch: Nhà máy gạch Tuynen Hải Hà do công ty TNTT Đình Minh quản lý đã đi vào hoạt động năm 2009, cùng với các chính sách thu hút dự án vào huyện, hiện nay Công ty TNTT xây dựng Thắng Lợi làm nhà máy gạch Tuynel ở xã Quảng Phong với công suất gạch đặc 20 triệu viên/năm và một dây truyền gạch tuynen 40 triệu viên năm và một vài doanh nghiệp khác đang thăm dò vùng nguyên vật liệu để đầu tư xây dựng các dây chuyền mới.

+ Khai thác cát đá sỏi: Ngoài những hộ sản xuất nhỏ lẻ khai thác ở dọc hai sông Tài Chi và sông Hà Cối thì hiện nay đã thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, khai thác với dây chuyền, máy móc tiên tiến (Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Lâm Hải).

+ Đá Granit: Công ty Đức Dương đã đầu tư một dây chuyền chế biến đá granit ở xã Quảng Chính.

+ Khai thác đá Ryolit: Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long Khai thác tại xã Quảng Sơn.

+ Khai thác quặng Atimol do xí nghiệp Thống Nhất đang khai thác ở xã Quảng Đức.

+ Sản xuất chè sở chế: chủ yếu do công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuấn Quỳnh (Công xuất 400 tấn/năm), Công ty TNHH chè Quảng Long (150 tấn/năm), Cơ sở sản xuất Thiện Thu (180 tấn/năm) và cơ sở Sản xuất Dũng Dung (150 tấn/năm) bao tiêu và sản xuất sản phẩm còn lại là một số xưởng sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình tự sản xuất.

- Với lực lượng tham gia là 1.046 lao động, trong đó: lao động làm việc trong lĩnh vực công ngiệp khai thác là 326 người; lao động công nghiệp chế biến là 691 người; lao động công nghiệp sản xuất và phân phối điện là 29 người.

Các cơ sở thương mại:

- Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh: cùng với KKTCK Hoành Mô - Đồng Văn được coi là các KKTCK hỗ trợ cho KKTCK Móng Cái để đảm bảo sự xuyên suốt và duy trì các hoạt động liên tục dọc chuỗi các KKTCK. Giá trị thu thuế xuất nhập khẩu (thu ngân sách) từ khoảng 20 - 40 tỷ đồng trong những năm vừa qua, KKTCK Bắc Phong Sinh có đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện, dự kiến những năm tới, thu thuế xuất - nhập khẩu tiếp tục tăng thêm.

- Mạng lưới chợ: có 05 chợ (chợ trung tâm huyện Hải Hà, chợ cửa khẩu biên giới Bắc Phong Sinh, chợ Đường Hoa và 02 chợ miền núi là chợ Quảng Đức và chợ Quảng Sơn) , đạt trung bình 3,12 xã /1 chợ, trung bình mỗi chợ phải phục vụ cho khoảng trên dưới 10,4 ngàn dân. Hình thức hoạt động: Chợ trung tâm huyện Hải Hà và chợ cửa khẩu biên giới hoạt động thường xuyên, chợ Đường Hoa hoạt động phiên.

+ Chợ Trung tâm huyện Hải Hà được xây dựng từ năm 1992 và đã được nâng cấp mở rộng 3 đợt. Diện tích xây dựng ban đầu từ 0,7 ha đến nay là 1,56 ha, được chia làm 2 khu (khu bán hàng cố định, và khu bán hàng lưu động). Là chợ trung tâm của huyện, lại có quốc lộ 18A đi qua, giáp thành phố Móng Cái nên những năm gần đây hoạt động của chợ tương đối tốt, hàng hóa phong phú hơn, sức mua bán tăng mạnh, từ đó đã góp phần tích cực vào phục vụ nhu cầu của nhân dân trong huyện, đóng góp một phần vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chợ trung tâm huyện đã xây dựng từ khá lâu, quy mô chợ nhỏ, ẩm thấp, quầy hàng chật hẹp. Mặt khác, khi xây dựng do nguồn ngân sách có hạn nên các hệ thống không đồng bộ: Chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy, tường rào không có, cống rãnh thoát nước bị ách tắc, mái tôn lâu ngày bị han gỉ....

+ Chợ cửa khẩu Bắc Phong Sinh được xây dựng trong những năm 2000, diện tích 1.800m2. Cơ sở vật chất của chợ bao gồm nhà chợ chính, khuôn viên và bãi chợ.

Các chợ Quảng Sơn, Quảng Đức lúc đầu hình thành tự phát, việc xây dựng chợ chưa có quy hoạch do đó diện tích hẹp, hạ tầng cơ sở yếu kém, không phù hợp. Cơ sở vật chất của chợ vẫn còn nghèo nàn, đường xá đi lại không thuận tiện, cần đầu tư nâng cấp.

- Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn huyện gồm có 7 cửa hàng trên đất liền và 3 tàu bán xăng dầu trên biển, chưa đáp ứng đủ số lượng, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, nhất là khu vực ven biển và xã hải đảo.

II.6.2. Hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội

Hiện trạng các công trình cơ quan hành chính: Thị trấn Quảng Hà là nơi tập trung rất nhiều các cơ quan ban ngành của huyện Hải Hà và thị trấn Quảng Hà như UBND - HĐND huyện, Huyện ủy, Viện kiểm sát, tòa án, phòng giáo dục, phòng tài chính, kho bạc, bảo hiểm, chi cục thuế, phòng thống kê…

Khu vực các xã hệ thống các công trình cơ quan, trụ sở làm việc có tương đối đầy đủ như trụ sở làm việc UBND các xã, bưu điện và một số cơ quan khác, đã bước đầu được đầu tư xây dựng, sủa chữa tương đối khang trang.

Bảng 9: Hiện trạng các cơ quan công sở của huyện, các ngành và công trình kiến trúc, và công trình dịch vụ của thị trấn Quảng Hà

TT

Hạng mục

Diện tích (m2)

Tầng cao

Mật độ xây dựng (%)

1

Trụ sở UBND huyện

10.798,6

1 ¸ 3

13,68

2

Trụ sở huyện ủy

7.438,9

1 ¸ 3

13,43

3

Khu liên cơ quan

2346,0

4

18,93

4

Khu trung tâm hội nghị huyện

5.632,7

2

17,75

5

Đài truyền hình huyện

6.888,4

1 ¸ 3

5,91

6

Huyện đội Quảng Hà

8.056,1

1 ¸ 2

22,87

7

Công an huyện Quảng Hà

7.209,9

1 ¸ 3

15,4

8

Ngân hàng nông nghiệp

2.197,9

3

25,83

9

Kho bạc nhà nước

1.552,6

3

27,13

10

Bưu điện + Viễn thông huyện

1.957,6

3

39,55

11

Ban quản lý công trình

387,3

2

67,3

12

 Khu nhà văn hóa huyện Hải Hà

8035,0

2

14,48

13

Bến xe

7746,5

1

7,16

14

Chi cục quản lý thị trường

802,5

3

32,21

15

Trụ sở UBND thị trấn

1.828,1

1 ¸ 2

25,24

16

Tòa án

640,2

2

29,73

17

Viện kiểm soát

836,1

3

27,53

18

Đội thi hành án

151,0

2

70,0

19

Chi cục thuế

2041

7

31,55

20

Trung tâm thuỷ nông thuỷ điện

1291,7

2

25,00

21

Khu Chợ trung tâm thương mại mới

21072,0

3

12,61

22

Trạm cung cấp xăng dầu

1212,0

1

15,00

23

Nhà văn hoá thị trấn

1629,2

1

60,00

24

Ban quản lý rừng phòng hộ

444,0

2

50,0

25

Ngân hàng chính sách xã hội 

307,4

2

61,46

26

Trụ sở đoàn thanh niên huyện

2072,3

2

14,20

27

Nhà thờ My sơn

243,1

1

45,91

28

Trụ sở công an thị trấn Q Hà

912,7

2

23,0

29

Trạm y tế thị trấn

853,0

1

30,0

30

Nhà văn hoá phố My Sơn

398,0

1

17,5

31

Nhà văn hoá phố Lê Quý Đôn

821,0

1

16,0

32

Nhà văn háo phốTrần Khánh Dư

449,0

1

13,0

33

Nhà văn háo phố Trần Bình Trọng

609,0

1

27,92

34

Nhà văn hoá  Hoàng Hoa Thám

548,0

1

24,63

35

Nhà văn hoá phố Trần Quốc Toản

591,0

1

22,84

36

Nhà Văn hoá phố Phan Đình Phùng

600,0

1

24,66

37

Nhà Văn hoá phố Yết Kiêu

2183,0

1

10,00

38

Nhà văn hoá phố Ngô Quyền

400,0

1

23,0

39

Cây Xăng Hải Tân

520,0

1

40

Trạm bảo vệ thực vật

560,0

1

16,07

41

Trạm thú Y

753,0

1

20,15

42

Bệnh viện huyện

15119,0

2

25,00

43

Chợ thương mại cũ

11694,2

1

21,00

44

Phòng văn  thể huyện Hải Hà

1728,0

1

56,48

Các công trình giáo dục: Năm học 2013-2014: toàn huyện có 50 trường (15 trường MN, 16 trường TH, 12 trường THCS, 4 trường TH&THCS, 1 trường THCS&THPT, 2 trường THPT), 1 Trung tâm HN&GDTX, 1 cơ sở giáo dục MN công lập, 5 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và 16 trung tâm học tập công cồng với 633 nhóm, lớp và 13.094 học sinh.

Các công trình y tế: Đến hết năm 2014, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Có 1 bệnh viện Đa khoa tại Quảng Hà, 1 trung tâm y tế, 1 phòng y tế. Tổng số giường bệnh là 160 giường (trong đó bệnh viện đa khoa 80 giường, Trạm y tế xã 80 giường lưu).

Các công trình văn hóa- thể dục thể thao: Khu vực thị trấn Quảng Hà - Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có 01 nhà văn hóa thị trấn và các nhà văn hóa  khu phố. Có 01 sân đá bóng trung tâm, 01 thư viện huyện và khu vui chơi thanh thiếu niên phục vụ hoạt động thể thao, có nhiều cửa hàng sách văn hóa phẩm, các điểm Karaoke, đại lý Internet, … là nét văn hóa chung cho toàn huyện. Tại một số xã có 1 nhà văn hóa xã, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao. Một số xã có trung tâm văn hoá thôn, tùy theo qui mô dân số từng thôn, bản, qui mô nhà văn hóa cũng khác nhau, có 2 loại qui mô: 40 m2 và 90 m2, xã có điểm vui chơi thiếu nhỉ song do đầu tư chưa đồng bộ.

Nhận xét:

Hệ thống công trình công cộng tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt hệ thống giáo dục và y tế, văn hóa. Hệ thống công trình thể dục thể thao rất hạn chế, cả hệ thống công trình phục vụ cấp đô thị, cấp phường. Nhiều xã thiếu công trình TDTT, đặc biệt công trình thương mại, dịch vụ, chợ.

II.7. Hiện trạng kiến trúc cảnh quan

Khu vực thị trấn Quảng Hà đã từng bước thực hiện các dự án theo quy hoạch được duyệt như cải tạo các khu đô thi cũ, hình thành các khu đô thị mới, nạo vét và xây dựng mới, bổ sung hệ thống rãnh thoát nước dọc và các cống ngang, xây dựng và chỉnh trang vỉa hè, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, sơn kẻ mặt đường và lắp đặt hệ thống an toàn giao thông đầy đủ, đúng quy định. Bên cạnh đó dự án xây dựng bờ kè dọc sông Hà Cối đã được đầu tư xây dựng, đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị Quảng Hà.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống khung giao thông đô thị, tuyến đường tránh qua trung tâm đô thị đã được thực hiện, bước đầu đã mang lại lợi ích cho người dân đô thị. Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông nối kết quốc lộ 18 với cảng biển Hải Hà đang được thực hiện, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này.

Tại khu vực các xã, chủ yếu là nhà chia lô 1- 3 tầng nằm bám dọc tỉnh lộ huyện lộ với hình thức kiến trúc đơn điệu, chắp vá, và xây dựng một cách tự phát, màu sắc công trình không tạo được những nét hài hòa ăn nhập với nhau. Nhìn chung diện mạo kiến trúc mặt phố tại đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu làm đẹp chung của người dân huyện


Description: D:\Tai Lieu\Quang Ninh\Mong Cai\Hien Trang Mong Cai dot (2) 8-2012\anh hien trang\SDC17271.JPG

Description: D:\Tai Lieu\Quang Ninh\Mong Cai\Hien Trang Mong Cai dot (2) 8-2012\anh hien trang\SDC17264.JPG

Khu Trung tâm huyện Hải Hà

Trung tâm TDTT huyện

Cảnh quan thiên nhiên

Không gian đô thị dần được cải tạo và xây mới gắn với cảnh quan 2 bên sông Hà Cối ngày cảng khang trang và sach đẹp, hướng đến phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh, thân thiện với môi trường cảnh quan.

Các khu công nghiệp xanh, không gây ô nhiễm cũng đã và đang hình thành tại Hải Hà, các nông trường chè cũng đang đóng góp vào việc tạo dựng cảnh quan thiên của khu vực..

Tuy nhiên, cảnh quan khu vực vẫn còn một số hạn chế: Cảnh quan các tuyến phố khá mờ nhạt, kém hấp dẫn, nhiều tuyến chưa có cây xanh, vỉa hè, hệ thống các biển hiệu, đèn chiếu sáng, vật liệu trang trí chưa được quan tâm. Kiến trúc công trình tư nhân dọc các tuyến phố chưa được quan tâm, còn lộn xộn, các công trình công sở tuy ít nhiều có sự quan tâm nhưng nhìn chung cảnh quan các tuyến phố không tạo được những nét đặc trưng của đô thị. 

Hiện nay, Hải Hà đã và đang tiến hành xây mới khu trung tâm với các công trình tại thị trấn Quảng Hà đã phần nào đóng góp vào sự phát triển không gian chung của toàn đô thị. Các công trình hành chính được xây dựng với kiểu kiến trúc công sở phổ biến, quy mô khoảng 4-5 tầng, mật độ xây dựng vừa phải, khối tích sử dụng cũng như hệ thống sân vườn đáp ứng được nhu cầu về không gian hoạt động của người sử dụng.

II.8. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật

II.8.1. Hiện trạng chuẩn bị kỹ thuật

a. Hiện trạng nền xây dựng

Hiện trạng nền xây dựng các khu vực ở Hải Hà cơ bản như sau:

- Khu vực đồi núi cao phía Bắc (các xã Quảng Đức, Quảng Sơn): Cao độ địa hình từ 200÷1500m; Cao độ nền khu vực tập trung xây dựng: Xã Quảng Đức: Hxd = 120÷150m; Xã Quảng Sơn: Hxd = 78÷81m.

- Khu vực trung du và đồng bằng ven biển (các xã Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, TT Quảng Hà, Quảng Thịnh, Quảng Phong, Quảng Điền, Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Long, Đường Hoa, Tiến Tới và Phú Hải):  Cao độ địa hình từ 2÷270m; Cao độ nền khu vực tập trung xây dựng:

Thị trấn Quảng Hà: Hxd = 3,2÷5m.

Xã Quảng Thành: Hxd = 12÷30m.

Xã Quảng Minh: Hxd = 3÷5m.

Xã Quảng Thịnh: Hxd = 19÷35m.

Xã Quảng Chính: Hxd = 3÷5m.

Xã Quảng Long: Hxd = 10÷55m.

Xã Quảng Trung: Hxd = 3÷7m.

Xã Phú Hải: Hxd = 2,5÷5,5m.

Xã Quảng Phong: Hxd = 10÷15m.

Xã Đường Hoa: Hxd = 2,5÷5,5m.

Xã Quảng Điền: Hxd = 10÷15m.

Xã Tiến Tới: Hxd = 2,5÷4,5m.

Xã Quảng Thắng: Hxd = 3÷12m.

- Khu vực hải đảo Cái Chiên: Cao độ địa hình từ 0,2÷100m; Cao độ nền khu vực tập trung xây dựng: Hxd = 15÷35m.

b. Thoát nước

Thị trấn Quảng Hà: hiện có 2 tuyến cống chạy 2 bên đường Quốc lộ 18A từ ngã 3 Quốc lộ mới đến cầu Quảng Hà với kích thước 100cm x100cm, chiều dài khoảng 1.700m. Các khu vực còn lại hầu như chưa có hệ thống thoát nước, nước chảy theo địa hình tự nhiên thoát xuống các sông suối nhỏ trong khu vực sau đó đổ ra biển.

Khu vực nông thôn: Các xã thuộc huyện Hải Hà chưa có hệ thống thoát nước mưa. Nước mưa thoát theo hướng dốc nền địa hình tự nhiên đổ ra các suối nhỏ và sông Hà Cối, Tài Chi, sau đó thoát ra biển.

c. Hiện trạng thủy lợi và đê điều:

- Hiện có 5 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho 16 xã, thị trấn. Trong đó 3 hệ thống tưới chính với diện tích tưới lớn là: Hệ thống công trình Trúc Bài Sơn, đập Quảng Thành, kênh - đập xã Đường Hoa và 2 hệ thống tưới là: hệ thống kênh - đập Quảng Sơn, Quảng Đức và hệ thống thủy lợi xã Cái Chiên.

 - Hệ thống kênh mương toàn huyện có tổng chiều dài là 487,51 km, trong đó kênh mương loại I dài 3,89 km, loại II dài 116,46 km, loại III + nội đồng dài 367,16km, hiện nay đã cứng hóa được 164,13 km kênh mương các loại. Hệ thống đê biển dài 32km, có 8 tuyến đê ngăn mặn và 53 cửa cống dưới đê song đã bị xuống cấp.

- Toàn huyện có 30 đập đầu nguồn, trong đó có 17 đập đã xây kiên cố (tuy nhiên có nhiều đập đã xây dựng từ lâu đã xuống cấp), 13 đập chưa kiên cố. Ngoài ra còn hàng chục đập xếp đá cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa, trong đó: Hồ Trúc Bài Sơn dung tích 15 triệu m3; Hồ Khe Dầu có dung tích 200.000 m3; Hồ Khe Đình có dung tích 380.000 m3 (hiện đã xuống cấp nghiêm trọng cần nâng cấp).

- Nhìn chung, các công trình thủy lợi do được đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp, nhiều kênh mương chưa được kiên cố hóa, lượng nước rò rỉ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bảng 10: Thông số kỹ thuật hồ hiện trạng chính tại huyện Hải Hà

Tên hồ

Thông số kỹ thuật

W(triệu m3)

Hmax (m)

Hdâng bt(m)

1. Hồ Trúc Bài Sơn

15

78,2

        76,5

2. Hồ Khe Dần

0,38

3. Hồ Cái Chiên

4. Hồ Khe Đình

0,2

d. Hiện trạng ngập úng và tình hình thiên tai sự cố môi trường:

- Thị trấn Quảng Hà: các công trình đã được xây dựng ở các cao độ không bị ngập lụt. Mạng đường không bị úng ngập, chỉ có một số sân vườn cơ quan bị ngập với chiều cao ngập 0,3m (tần suất P =4%)

- Tại trận mưa lịch sử 8/2015 vừa diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại lớn, mưa kéo dài 10 ngày, chia làm hai đợt, tổng lượng phổ biến 200-300 mm mỗi ngày, cá biệt có những điểm trên dưới 1.000 mm như ở Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà (899 mm). Để đề phòng tình hình thiên tai diễn biến phức tạp cần thiết phải có các biện pháp chuẩn bị ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ.

- Các trung tâm xã xây dựng ở các khu vực cao không bị úng ngập, chỉ có dân cư sống rải rác 2 bên sông suối thường hay bị úng ngập, lũ quét khi mùa mưa đến. - Một số khu vực dân cư đang sinh sống, các công trình nhà ở phần lớn là nhà cấp 4. Cao độ nền xây dựng từ +3,5m ¸ +11,0m, không bị ngập lụt.

- Khu vực xây dựng khu công nghiệp Hải Hà có địa hình thấp, phần lớn tôn nền lấn biển. Các khu vực ven biển ít xây dựng chỉ có các đầm nuôi tôm và đất ngập mặn.

e. Đánh giá đất hiện trạng chuẩn bị xây dựng:

Theo điều kiện tự nhiên như  địa hình, khí hậu, thủy văn ảnh hưởng tới khu vực, quỹ đất xây dựng với 51393,7ha (không bao gồm khu vực lấn biển)  được phân thành các loại đất cơ bản sau:

- Đất đã xây dựng 4.276,5ha chiếm 8,3% tổng diện tích đất (S);

- Đất xây dựng thuận lợi có độ dốc i£10% và không bị ngập úng khoảng 16544,5ha, chiếm 32,2% S;

- Đất xây dựng ít thuận lợi do độ dốc 10%<i£25%, diện tích khoảng 3.969ha chiếm 7,8% S; Đất xây dựng ít thuận lợi do ngập h £ 1m, diện tích khoảng 2739ha chiếm 5,3% S;

- Đất xây dựng không thuận lợi do độ dốc i>25%, diện tích khoảng 19.872ha chiếm 38,6% S; Đất xây dựng không thuận lợi do ngập h > 1m, diện tích 3186ha chiếm 6,2% S; Đất không xây dựng được bao gồm núi đá và các khu vực ven các dòng sông, dòng suối, diện tích khoảng 806ha chiếm 1,6%.

II.8.2. Hiện trạng giao thông

Huyện Hải Hà nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, phía Tây thành phố Móng Cái, có 09 xã, thị trấn nằm trong không gian KKTCK Móng Cái, có vị trí thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế. Mạng lưới giao thông được phân bố tương đối hợp lý trên địa bàn và kết nối liên thông với các khu vực khác bằng 3 phương thức vận tải là đường bộ, đường thuỷ nội địa và đường biển, rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hoá và hành khách trong và ngoài khu kinh tế, đặc biệt hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam, Asean và Trung Quốc.

Mạng lưới đường bộ bao gồm quốc lộ QL18, QL18B, đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn.

Mạng lưới giao thông đường thủy: Với chiều dài đường bờ biển khoảng 35 Km, kết hợp với  mạng lưới sông ngòi phong phú là một ưu thế của giao thông vận tải thuỷ khu kinh tế, cảng Hải Hà là cảng biển quan trọng của khu vực phía Đông - Bắc tỉnh Quảng Ninh và nhiều cảng bến thủy nội địa, đây là điều kiện rất thuận lợi cho vận tải đường thủy của khu vực.

a. Hiện trạng mạng lưới giao thông đường bộ.

Về mạng lưới đường:

Với đặc điểm địa hình của huyện trải dài dọc theo bờ biển từ Đông sang Tây, mạng lưới đường đã được kết nối liên thông bằng các tuyến trục dọc xuyên suốt và các trục ngang liên kết với tất cả các xã của huyện Hải Hà.

Tính đến tháng 12/2013, hệ thống đường bộ gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và đường xã bao gồm:

- Quốc lộ (2 tuyến): dài 44Km: Quốc lộ 18: dài khoảng 27 km; Quốc lộ 18B: dài khoảng 17 km.

- Đường tỉnh 341: dài khoảng 22 km.

- Đường đô thị (thị trấn Quảng Hà): tổng chiều dài khoảng 11,4 km.

- Đường giao thông nông thôn: Đường huyện: tổng chiều dài khoảng 33,7 km;  Đường liên xã, liên thôn: tổng chiều dài khoảng 72,2 km

b. Hiện trạng quốc lộ:

Quốc lộ 18:

- Điểm đầu từ Hà Nội (giao cắt với đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài), điểm cuối tại cầu Bắc Luân I, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Chiều dài toàn tuyến là 341 Km.   

- Đoạn qua địa phận huyện Hải Hà mới được nâng cấp hoàn thành năm 2010 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, thảm bê tông nhựa.

- Hiện nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái cao nhất trong các cửa khẩu khu vực phía Bắc, do vậy mật độ giao thông tăng nhanh gây tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 18. Cần tập trung đầu tư xây dựng các tuyến tránh khu vực, thị trấn, thành phố đặc biệt tuyến phân luồng xe tải thành phố Hạ Long.

- Mật độ giao thông đầu năm 2014 đạt trung bình 14.500 PCU/ngđ.

- Tổng số cầu trên quốc lộ 18 là 114 cầu với tổng chiều dài 5.938m. Trong những năm qua, cùng với việc nâng cấp quốc lộ 18, nhiều cầu đã được xây dựng mới đạt tải trọng H30-XB80.

Quốc lộ 18B:

- Nằm trong địa phận huyện Hải Hà có điểm đầu  giao với QL.18 tại Km272+300 đến cửa khẩu Pắc Phong Sinh, dài 18Km, đạt tiêu chuẩn cấp V, nền 6,5m, mặt 3,5m rải nhựa (riêng đoạn có dốc >6% dài 5Km rải BTXM) chất lượng xấu, đang được nâng cấp. Mật độ giao thông trên tuyến năm 2013 đạt 500-600PCU.

- Trên tuyến có 12 cầu với tổng chiều dài 189m, khổ cầu hẹp (chiều rộng 5,2m) với kết cấu vòm và đều được xây dựng từ năm 1995 đã xuống cấp đang được xây dựng mới thay thế.

c. Hiện trạng Đường tỉnh

Đường tỉnh 341:

- Về đường: Đường tỉnh 341 nằm trong địa phận huyện Hải Hà dài 22Km. Hiện tại, tuyến đạt tiêu chuẩn cấp V, nền 6,5m, mặt 3,5m rải nhựa (riêng đoạn có dốc >6% dài 6,8Km rải BTXM) chất lượng trung bình.

- Mật độ giao thông trên tuyến năm 2013 đạt 300-350PCU.

d. Giao thông đô thị

Mạng lưới đường: Hệ thống đường đô thị tập trung tại khu vực thị trấn Quảng Hà, gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 11,4 km.

Các tuyến đường đô thị ngắn và hẹp trung bình bề rộng mặt đường 3,5-7 m

Công trình giao thông:

- Cầu: Trên các tuyến chính các cầu đã được xây dựng khá hoàn chỉnh.

- Bến bãi đỗ xe: Hiện nay Hải Hà có 1 bến xe khách Hải Hà, quy mô khoảng 7500m2.

e. Giao thông nông thôn

Hệ thống đường giao thông nông thôn trong huyện Hải Hà đã đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đi lại của các vùng nông thôn.

Mạng lưới đường:

- Hệ thống đường huyện, đường liên xã và đường xã hiện trạng đã kết nối tới được các trung tâm xã, các điểm dân cư nông thôn. Kết cấu đường đa phần là rải đá dăm thấm nhập nhựa.

- Đường xã: đa phần là đường rải đá dăm.

Phần nhiều là đường dân sinh mang tính tự phát.

Hệ thống công trình phục vụ giao thông như bãi đỗ xe công cộng, trạm sửa chữa còn thiếu

g. Hiện trạng giao thông đường thủy.

Hiện trạng hệ thống cảng biển:        

- Tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Hải Hà nói riêng là một khu vực ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, Quảng Ninh vừa thuộc vùng KTTĐ phía Bắc, vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Với hơn 250Km đường bờ biển chạy dài từ biên giới Trung Quốc đến địa giới thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển. Hệ thống cảng biển của Quảng Ninh tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Gai (với trung tâm khu bến Cái Lân) và khu vực Cẩm Phả, ngoài ra dọc theo chiều dài bờ biển của mình Quảng Ninh còn một số cảng vừa và nhỏ đã và đang để phục vụ nhu cầu địa phương như cảng Vạn Hoa, Hải Hà, Vạn Gia.

- Cảng Hải Hà, nằm tại huyện Hải Hà, trong khu công nghiệp cảng biển Hải Hà,  hiện cảng  đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng.

- Hiện tuyến đường bộ kết nối giữa QL 18 với cảng và khu công nghiệp Hải Hà đang trong quá trình thi công xây dựng.

- Ngoài các cảng biển chính trên, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn một số khu vực cảng tiềm năng có thể làm cảng nước sâu tại khu vực Hòn Miều, đảo Cái Chiên …

Cảng bến thủy nội địa: Huyện Hải Hà với hệ thống cảng, bến thủy nội địa đang được sử dụng, công tác quản lý và khai thác bến cảng đã đạt hiệu quả tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa trong vùng. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều bất cập: một số cảng chưa hoạt động hết công suất thiết kế; việc đầu tư còn nhỏ giọt, chưa đồng bộ, mức độ cơ giới hoá thấp, chủ yếu vẫn là công đoạn từ tàu (sà lan) lên bờ; gây ô nhiễm môi trường … Vẫn còn tồn tại nhiều bến nhỏ lẻ ở các vị trí không phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.

Các cảng hàng hóa, hành khách chính trên địa bàn: Hiện tại, trong khu vực nghiên cứu có 7 bến: bến Hà cối, bến Cái Chiên trước, bến Cái Chiên sau, bến thôn 2 Cái đước, bến thôn 3 Quảng Thắng, bến thôn Bắc xã Phú Hải, bến thôn Nam xã Phú Hải phục vụ các nhu cầu bốc xếp địa phương, tàu chở khách và neo đậu tàu đánh bắt cá.

f. Đánh giá hiện trạng

Huyện Hải Hà quan hệ vận tải hàng hóa và hành khách với các tỉnh trong cả nước và với các nước khác, đặc biệt với Trung Quốc bằng hai phương thức vận tải là đường bộ và đường thủy, nhưng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng quốc gia và quốc tế còn thiếu và yếu:

Liên kết vận tải quốc gia và quốc tế bằng đường bộ chỉ có độc tuyến QL18 mới đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, có 2 làn xe; Lưu lượng vận tải trên QL18 đã quá tải. (đoạn Tiên Yên là 4.995 xe/ngđ; đoạn Hà Cối là 2.982 xe/ngđ; đoạn cầu King Coong là 2.953 xe/ngđ- nguồn tài liệu đếm xe của Công ty quản lý cầu đường bộ II);

Đường thủy: khả năng khai thác các luồng tuyến bị hạn chế so với tiềm năng do chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa đầu tư cải tạo, nạo vét luồng lạch.

Hệ thống cảng, bến phân bố khá hợp lý dọc theo các tuyến đường thuỷ chính,. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng, thiết bị bốc xếp, kho bãi lạc hậu, diện tích mặt đất và mặt nước hẹp;

Chưa được kết nối đường sắt và đường hàng không;

Giao thông đô thị: Huyện Hải Hà có hệ thống đường trong thị trấn hiện hữu đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh mặt đường, vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật. Đối với các khu vực phát triển mới theo quy hoạch đã được phê duyệt chưa được xây dựng đồng bộ.

Những vấn đề cần nghiên cứu:

- Trong tương lai huyện Hải Hà cùng với KKTCK Móng Cái phát triển nhanh và mạnh, đặc biệt phát triển thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu, công nghiệp và dịch vụ du lịch chất lượng cao của khu vực, nhu cầu vận tải ngày càng tăng, do đó cần bổ xung các tuyến đường liên kết liên vùng mới hỗ trợ cho Quốc lộ 18 hiện nay đã quá tải.

- Nghiên cứu đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và các đầu mối tiếp nhận hàng hóa và hành khách lớn bao gồm đường thủy, đường bộ và đường sắt; xây dựng các trung tâm tiếp vận đa phương thức, cảng cạn (ICD) và các công trình phục vụ giao thông cầu cống bến bãi.

- Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối liên thông các khu chức năng trong huyện và khu kinh tế.

II.8.3. Hiện trạng cấp nước

a. Hiện trạng cấp nước chung

Năm 2012 tỷ lệ số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại thị trấn Quảng Hà đạt 100% và 15 xã trong huyện trung bình đạt 82,85%. Những xã đạt 100%: Quảng Trung, Phú Hải, Tiến Tới; một số xã đạt tỷ lệ khá như: Quảng Minh 94,7%, Quảng Thịnh đạt 95,1%, Quảng Phong đạt 90,3%, Quảng Thành đạt 94%...một số xã đạt tỷ lệ thấp là: Quảng Sơn 45,5%, Quảng Đức đạt 68,4%, Đường Hoa đạt 74,7%, Cái Chiên đạt 76,6%.

b. Cấp nước đô thị

Thị trấn Quảng Hà sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước nhà máy nước Hải Hà do Xí nghiệp nước Móng Cái trực thuộc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh đầu tư xây dựng

Công trình đầu mối: Nhà máy nước Hải Hà bao gồm các hạng mục công trình:

- Công trình thu và trạm bơm cấp 1: Công suất 3.000 m3/ngày. Làm nhiệm vụ cấp nước thô sông Hà Cối cho trạm xử lý nước.

- Trạm xử lý: Công suất 3.000 m3/ngày, bao gồm khu hành chính, khu kỹ thuật, khu bể xử lý, khu bể chứa và trạm bơm cấp 2.

- Tuyến ống nước thô đường kính F250mm từ trạm bơm cấp 1 về công trình xử lý, chiều dài khoảng 70m.

c. Cấp nước nông thôn

- Công trình cấp nước xã Phú Hải có công suất theo thiết kế 1200m3/ngày-đêm; công suất khai thác thực tế 300m3/ngày-đêm;

- Công trình cấp nước xã Tiến Tới có công suất theo thiết kế 1000m3/ngày-đêm; công suất khai thác thực tế 600m3/ngày-đêm; số hộ cấp theo thực tế 500 hộ; số hộ cấp theo thực tế 350 hộ.

- Công trình cấp nước xã Quảng Đức có công suất theo thiết kế 500m3/ngày-đêm; công suất khai thác thực tế 40m3/ngày-đêm.

Ngoài ra, các khu dân cư nông thôn trong khu vực sử dụng nước từ các giếng đào, bể chứa nước mưa, các giếng khoan và các ao, hồ, sông suối.

d. Đánh giá hiện trạng.

Thuận lợi: Chất lượng và trữ lượng nước sông Hà Cối đủ tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt với nhu cầu hiện nay. Tiêu chuẩn cấp nước khu vực nội thị đạt 100 l/người.ngày

Khó khăn: Công trình cấp nước cục bộ chưa có dây truyền xử lý tốt, mới chỉ qua bể lắng và cấp thẳng, do đó chất lượng nước chưa đảm bảo.

Tỷ lệ dân số được cấp nước thấp: khu vực đô thị đạt 75%, khu vực nông thôn đạt 4,76% (quy định là 80%).

II.8.4. Hiện trạng cấp điện

Nguồn điện: Huyện Hải Hà được cấp điện từ lộ 473 - Trạm 110KV Móng Cái và lộ 373 - trạm 110KV Tiên Yên. Tháng 3/2011 trạm 110/35/22KV Quảng Hà – 1x16MVA đã vào vận hành, cung cấp điện cho huyện Hải Hà đồng thời hỗ trợ, dự phòng cấp điện cho thành phố Móng Cái và huyện Đầm Hà.

Lưới điện: Hiện trên địa bàn có 3 cấp điện áp 110KV, 35KV, 22KV

- Trạm 110KV: Hiện từ trạm 110KV Móng Cái có 02 tuyến đường dây 110KV đi và về: Lộ 175 E5.6 -17 E5.24 tuyến 110KV Tiên Yên - Texhong (tiết diện AC 185); Lộ 174 E5.6 - 171 E5.29 tuyến 110KV Tiên Yên - Trạm biến áp KCN Hải Hà 3 (tiết diện AC120)

- Lưới điện 35KV: Đang cấp điện cho các xã Đường Hoa, Tiến Tới,  chiếm khoảng 8% tổng chiều dài đường dây trung áp trên địa bàn.

- Đường dây 35KV hiện đang vận hành bình thường, chưa bị quá tải. Sự cố kỹ thuật hầu như không có. Đường dây 22KV và

Bảng 11: Hệ thống lưới điện 35KV

TT

Tuyến

Khu vực cấp điện

Tiết diện dây pha

1

Lộ 371

Đường Hoa, Tiến Tới

AC50, AC95

2

Lộ 373

Trục chính từ Đầm Hà cấp tới

AC50, AC70

- Lưới điện 22KV: Là lưới trung áp phân phối chính của Huyện Hải Hà với tổng chiều dài 92km, chiếm 92% tổng chiều dài đường dây trung áp

Bảng 12: Hệ thống lươi điện 22KV

TT

Tuyến

Khu vực cấp điện

Tiết diện dây pha

1

Lộ 471

Quảng Chính, Quảng Long, Quảng Sơn, Quảng Thịnh

AC70, AC95

2

Lộ 473

Quảng Hà, Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Tháng, Quảng Nghĩa, Quảng Đức, Phú Hải, Quảng Trung, Quảng Phong, Quảng Điền

AC70, AC95

         

(Nguồn: Công ty điện lực Hải Hà lập 2014)

Trạm biến áp: Huyện Hải Hà đang có khoảng 160 trạm biến áp, công suất 28707 KVA, trong đó có 16 trạm phân phối 35/0,4KV Công suất 2676 KVA còn lại là 144 các trạm phân phối 22/0,4KV công suất 26031 KVA.

Lưới điện hạ thế và chiếu sáng: Hải Hà đang được sử dụng lưới điện nổi 380/220V ba pha bốn dây và đường rẽ nhánh sử dụng cấp điện áp 220V 1pha 2 dây. Dây dẫn sử dụng phần lớn là cáp bọc PVC ( chiếm 85%), còn lại 15% là dây trần tập trung tại khu vực thị trấn Quảng Hà. Tiết diện đường trục hạ áp : 3x70 + 1x50, 3x50 + 1x 35mm.

Nhận xét:

- Trạm 110KV Quảng Hà hiện còn khả năng mang thêm tải khi phụ tải huyện Hải Hà phát triển và sẽ đảm nhiệm cấp điện giai đoạn đầu trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp tại địa phương.

- Đường dây 35KV hiện đang vận hành bình thường, chưa bị quá tải. Sự cố kỹ thuật hầu như không có.

- Đường dây 22KV và các trạm biến áp phân phối đều vận hành ổn định, đảm bảo kỹ thuật. Số lượng các trạm biến áp cần được tăng cường để giảm bớt bán kính cấp điện hạ thế và đáp ứng nhu cầu phát triển của phụ tải.

- Hiện tại còn một số thôn bản phía Bắc (vùng sâu vùng xa) và xã đảo Cái Chiên chưa có điện lưới. Tỷ lệ số hộ dân có điệncủa huyện là 81%.

II.8.5. Thông tin liên lạc

Hiện trạng viễn thông và công nghệ thông tin:\

- Về chuyển mạch hiện các trạm vệ tinh của huyện Hải Hà nằm trong hệ thống tổng đài điều khiển Host Cẩm Phả, có 2 tổng đài vệ tinh: Quảng Nghĩa, Hải Hà, các tổng đài vệ tinh này được điều khiển bởi Host Cẩm Phả sử dụng loại tổng đài 1000 - E10 có dung lượng khoảng 250000 thuê bao.

Bảng 13: Hệ thống chuyển mạch khu vực Hải Hà

TT

Địa điểm lắp đặt

Loại tổng đài

Lắp đặt

1

Quảng Nghĩa

Vệ tinh

256

2

Hải Hà

Vệ tinh

3.000

Tổng

3256

- Hệ thống truyền dẫn: Truyền dẫn chính cho các tổng đài hiện tại đang sử dụng công nghệ cáp sợi quang, dung lượng từ 24F0 đi theo quốc lộ 18.

- Hiện trạng hệ thống mạng ngoại vi: Mạng ngoại vi được các doanh nghiệp viễn thông đặc biệt quan tâm và đầu tư, đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu lắp đặt điện thoại của các tổ chức và người dân. Để nâng cao chất lượng, rút ngắn cự ly phục vụ các doanh nghiệp đã mở rộng các trạm chuyển mạch, các điểm tập trung thuê bao, bán kính phục vụ bình quân của các trạm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên do nhu cầu lắp đặt nhanh phục vụ công tác kinh doanh, nên mạng chưa được đầu tư một cách đồng bộ và chưa thực sự chú ý đến chất lượng mạng.

- Hiện trạng hệ thống thông tin di động: Hiện nay đang sử dụng công nghệ GSM và CDMA, với nhiều  nhà cung cấp dịch vụ: Vinaphone, Mobiphone Viette,... Vùng phủ sóng đã phủ toàn bộ huyện.

Hiện trạng bưu chính: hiện có 17 điểm giao dịch bưu chính đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; đã chuyển phát số lượng thư, công văn trong nước và quốc tế là 35.375 cái, bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế là 4.724 cái, sản lượng phát hành báo công ích là 774.323 tờ, cuốn. Viễn thông: tổng số thuê bao di động trả trước, trả sau, cố định, MyTV, ADSL… phát triển mới trong năm 2014 là 7.497 thuê bao (tổng số thuê bao trên địa bàn là 50.134 thuê bao). Tổng số có 69 trạm BTS (Mobifone 19 trạm, Viettel 28 trạm, Vinafone 22 trạm). 

Đánh giá: Hiện trạng mạng Bưu chính khá tốt, 100% số xã có điểm phục vụ, các chỉ tiêu về bán kính phục vụ bình quân và số dân bình quân phục vụ bởi một điểm phục vụ đã rút ngắn đạt mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ thông tin di động còn chưa được đảm bảo, do việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển dịch vụ, tình trạng nghẽn mạng, và tín hiệu yếu vẫn xảy ra

II.8.6. Hiện trạng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang

a. Thoát nước thải.

Hiện tại trên địa bàn huyện chưa có hệ thống thoát nước thải riêng, chủ yếu là chảy chung vào hệ thống thoát nước mưa, chưa qua xử lý trước khi thải ra môi trường.

Nước thải công nghiệp và nước thải y tế khu vực huyện Hải Hà đều chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.

b. Quản lý chất thải rắn (CTR).

Hiện nay, thị trấn Quảng Hà và 4 xã Quảng Chính, Quảng Ninh, Quảng Thành, Phú Hải có tổ chức thu gom chất thải rắn, với khối lượng : khu vực thị trấn 25 tấn/ngày, đạt tỷ lệ thu gom 98%; các xã còn lại  tỷ lệ thu gom đạt 40¸50%. Toàn bộ chất thải rắn được thu gom và vận chuyển đến khu vực bãi đất trống thuộc thôn 8 xã Quảng Chính (cách trung tâm thị trấn khoảng 4 km), diện tích 8¸10 ha. Hình thức xử lý là chôn lấp tự nhiên, chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Chất thải rắn y tế của huyện và các xã cũng được thu gom và xử lý tại lò đốt chất thải rắn y tế được xây dựng tại bệnh viện đa khoa của huyện với khối lượng 15Tấn/năm (tương đương 0,04 Tấn/ngày), tỷ lệ thu gom đạt 90%.

Chất thải rắn công nghiệp: Chưa được thu gom, xử lý riêng, triệt để.

c. Nghĩa trang

Khu vực thị trấn Quảng Hà đang sử dụng nghĩa trang tập trung tại thôn 8, xã Quảng Chính,diện tích 10,4Ha. Các xã còn lại nghĩa trang được phân bố rải rác theo các thôn, cụm dân cư tập trung, chưa có quy hoạch. Hình thức chôn lất chủ yếu là hung táng, sau đó cải táng.

Bảng 14: Hiện trạng nghĩa trang huyện Hải Hà

TT

Xã/Thị Trấn

Địa điểm

Quy mô (ha)

Ghi chú

1

Thị trấn Quảng Hà

Nghĩa trang nhân dân tại thôn 8 xã Quảng Chính

10,4

2

Xã Quảng Đức

Nghĩa trang liệt sĩ ở phía Tây trạm xá

1

Nghĩa trang nhân dân phân bố rải rác, chưa có nghĩa trang tập trung

3

Xã Quảng Thịnh

Nghĩa trang nhân dân phân bố rải rác, chưa có nghĩa trang tập trung

4

Xã Quảng Sơn

Xã có 4 nghĩa trang nhân dân tại Bản Lồ Má Coọc, Cấu Phùng, Lý Van, Tài Chi

5

Các điểm xa trung tâm xã nghĩa địa rải rác

5

Xã Đường Hoa

Nghĩa trang nằm rải rác, diện tích đất nghĩa trang theo nông thôn mới là 4,3ha.

6

Xã Quảng Long

Nghĩa trang nằm rải rác, diện tích đất nghĩa trang theo nông thôn mới là 2,63ha.

7

Xã Quảng Chính

Nghĩa trang nhân dân phân bố rải rác, chưa có nghĩa trang tập trung, dùng chung nghĩa trang với thị trấn.

8

Xã Quảng Trung

1 nghĩa địa đã đóng cửa

0,6

Định hướng tập trung về nghĩa trang tập trung của thị trấn Quảng Hà.

9

Xã Quảng Điền

5

Hiện trạng chưa được quy hoạch gây ảnh hưởng tới môi trường

10

Xã Quảng Phong

11

Xã Phú Hải

Nghĩa trang nằm rải rác, diện tích đất nghĩa trang theo nông thôn mới là 0,16ha. Hiện tại đang sử dụng chung nghĩa trang với thị trấn.

12

Xã Cái Chiên

13

Xã Quảng Minh

2 khu nghĩa trang tại thôn 3 và thôn 4

1,94

14

Xã Quảng Thành

2 khu nghĩa trang dùng chung cho cả xã

4

15

 Xã Quảng Thắng

2 khu nghĩa trang tại thôn 2 và thôn 3

5

16

Xã Tiến Tới

1 nghĩa trang tập trung

4,01

Đảm bảo phục vụ cho cả xã

d. Ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh Quảng Ninh cho thấy chất lượng nước sông tại khu vực miền Đông (sông Đầm Hà, Sông Hà Cối, sông Tiên Yên) còn tương đối tốt, các thông số quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Nguồn nước sông đảm bảo chất lượng phục vụ cho sinh hoạt.

Chất lượng nước biển ven bờ từ Tiên Yên đến Trà Cổ - Móng Cái còn tương đối tốt, ít bị ảnh hưởng của các nguồn thải ven bờ. Tuy nhiên đây cũng là tuyến vận tải hàng hoá đi các nước như Trung Quốc, nên nguy cơ gây ô nhiễm do vận tải biển là rất dễ xảy ra.

Chất lượng nước ngầm tại các đô thị thuộc khu vực ven biển từ Uông Bí đến Móng Cái đều bị nhiễm mặn.

e. Đánh giá hiện trạng.

Thoát nước thải: khu vực thiết kế chưa có hệ thống thoát nước thải, chỉ có thị trấn Quảng Hà có hệ thống thoát nước chung không hoàn chỉnh. Nước thải chưa được xử lý xả ra môi trường.

Chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Toàn huyện mới chỉ có 4/16 xã có tổ chức thu gom và chôn lấp tự nhiên, không hợp vệ sinh. Vị trí khu chôn lấp CTR của thị trấn hiện tại nằm trong ranh giới phát triển của thị trấn do đó khi đô thị phát triển sẽ dự kiến vị trí mới có quy mô, khoảng cách ly vệ sinh và công nghệ xử lý phù hợp

Nghĩa trang phân bố rải rác, thiếu quy hoạch. Nghĩa trang hiện tại của thị trấn nằm trong ranh giới phát triển của đô thị do đó khi đô thị phát triển sẽ phải có vị trí mới đáp ứng quy mô xây dựng, khoảng cách tới đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Qua số liệu hiện trạng nước thải, CTR, Nghĩa trang cho thấy: các chất thải tuy chưa được xử lý, xong do đô thị chưa phát triển, dân cư, công nghiệp còn ít nên môi trường hầu như chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các nguồn thải. Tuy nhiên khi đô thị phát triển sẽ nảy sinh các vấn đề về môi trường, nếu không có phương pháp giải quyết phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị và khu dân cư nông thôn.

II.9. Tình hình triển khai quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng

II.9.1. Tình hình phát triển theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt

a. Công tác lập dự án quy hoạch phát triển các khu đô thị (kể cả địa bàn xã)

Hiện nay trên địa bàn huyện Hải Hà có 2 khu vực chính đang có tốc độ đô thị hoá nhanh:

+ Khu vực thị trấn Quảng Hà và phần không gian có liên quan tới Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà

+ Khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Hiện nay, hai khu vực trên đang phát triển theo về định hướng chiến lược đã đề ra về tính chất, chức năng...Tuy nhiên, về chi tiết không gian, sử dụng đất...cần được rà soát theo tình hình thực tiễn, các định hướng phát triển mới. Ngoài ra theo quy hoạch chung đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2008, khi Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà đi vào hoạt động sẽ  hình thành thêm 1 khu đô thị mới Đường Hoà nằm ở cửa ngõ Tây Nam huyện, hình thành đô thị vệ tinh trên cơ sở hình thành của trung tâm du lịch biển, ven biển. Tuy nhiên, theo đanh giá trên thực tiễn, khu vực này có thế mạnh phát triển về vùng nguyên liệu nông sản, trang trại kết hợp du lịch sinh thái.

Đối với khu vực nông thôn, hiện nay, toàn huyện Hải Hà đã tiến hành lập được 15 đồ án Quy hoạch Nông thôn mới trên cho toàn bộ các xã trên địa bàn. Nhìn chung, các đồ án đã nghiên cứu và hoạch định được cơ bản hướng phát triển theo mô hình NTM cho các xã, xong do bản thân các QH NTM là lập quy hoạch cho từng xã, nên khi ghép lại thành một bức tranh tổng thể cho toàn huyện thì phát sinh một số vẫn đề bất cập như: bố trí không gian chưa hài hòa với không gian chung toàn huyện, một vài xã do cập nhật số liệu đầu vào chưa thống nhất với số liệu quản lý của phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện dẫn đến việc dự báo sai… Do đó, cần có một số điều chỉnh cục bộ cho một số nội dung trong các đồ án quy hoạch nông thôn mới để phù hợp với tình hình thực tiễn và các định hướng mới có liên quan.

b. Các công trình, dự án đã và đang triển khai

Hạ tầng khu dân cư tái định cư phía Nam đường Lâm nghiệp

Hạ tầng khu dân cư thôn Nam xã Phú Hải.

Khu dân cư phố Ngô Quyền thị trấn Quảng Hà.

Dự án cửa hàng xăng dầu (nằm trong quy hoạch điều chỉnh mở rộng khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh huyện Hải Hà).

Dự án Khu thương mại cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế (theo quy hoạch chi tiết cửa khẩu Bắc Phong Sinh huyện Hải Hà).

Dự án khu Bãi đỗ xe (quy hoạch chi tiết khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh huyện Hải Hà).

Dự án bãi tập kết vật liệu xây dựng tại thôn 3 xã Quảng Thắng huyện Hải Hà.

Dự án quy hoạch khu vui chơi, giải trí, dịch vụ, khách sạn, của CTy CP xây dựng thương mại XNK Đại Lục.

Dự án Khu đô thị mới Quảng Minh.

Hoạt động đầu tư của huyện Hải Hà đang tập trung vào 2 khu vực: Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà và Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Bắc Phong Sinh. Đây được xác định là một trong những điểm nhấn, tạo đột phá trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Hải Hà nói riêng. Bên cạnh đó, với thế mạnh có điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực dồi dào trong phát triển nông nghiệp, Hải Hà cũng đang tích cực thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực  này.

II.9.2. Đánh giá các đồ án quy hoạch có hiệu lực, ảnh hưởng tới định hướng phát triển huyện Hải Hà

Qua công tác điều tra, thu thập tài liệu, số liệu, có các đồ án chính có ảnh hưởng lớn tới công tác lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà như sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Về quan điểm phát triển

- Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia.

- Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng

- Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo và đa dạng của Quảng Ninh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và giữa các địa phương trong tỉnh.

- Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

- Về định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực:

+ Phát triển thương mại dịch vụ và du lịch: Phát triển nhanh thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế nhất là với Trung Quốc, là một trong những đầu tàu kinh tế thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía Bắc và cả nước. Chú trọng phát triển hoạt động xuất khẩu kết hợp với phát triển thị trường nội địa tại các khu vực nông thôn, đô thị, miền núi và hải đảo. Đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại để nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển dịch vụ kho vận; phấn đấu đến năm 2020, ngành vận tải và kho vận đóng góp vào GDP lên 11 - 12%. Thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện và hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính, tín dụng theo đẳng cấp quốc tế, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ tài chính vào GDP tỉnh lên 6 - 7% đến năm 2020.

+ Phát triển công nghiệp, xây dựng: - Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới; phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 14%/năm.

+ Phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực... đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa để đưa ngành chăn nuôi (lợn và gia cầm) trở thành một động lực tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao hơn trong ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, phát triển đàn lợn đạt 1,7 triệu con/năm trên cơ sở phát triển khu chăn nuôi tổng hợp tại Hải Hà.

Về kết cấu hạ tầng:

- Hạ tầng giao thông:

+ Đường bộ: Đầu tư xây dựng các tuyến đường huyết mạch để kết nối nội tỉnh cũng như với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn gồm: Đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là đường Hạ Long - Hải Phòng); đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; nâng cấp Đường Quốc lộ 18; xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; nâng cấp đường quốc lộ 4B, xây dựng cầu Vân Tiên nối Vân Đồn với Tiên Yên, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Vân Nam Trung Quốc.

+ Đường sắt: Trong giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Cái Lân, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Uông Bí - Lạch Huyện và Lạng Sơn - Mũi Chùa vào giai đoạn đến năm 2030.

+ Cảng: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển tại cảng Cái Lân; phát triển cảng Hải Hà khi các điều kiện về thị trường, quy mô sản xuất và các điều kiện kết nối thương mại được bảo đảm; phát triển cảng Hòn Gai thành cảng khách du lịch quốc tế.

- Hạ tầng cấp điện: Triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Kế hoạch phát triển lưới điện quốc gia với 55 dự án cấp điện cho các thôn; tiếp tục thực hiện các kế hoạch mở rộng lưới điện quốc gia đang được triển khai tại các làng xã nông thôn trên các đảo ở Vân Đồn và Hải Hà.

- Hạ tầng cấp nước: Ưu tiên đầu tư các dự án cấp nước cho các khu vực: cấp nước khu vực Móng Cái và cấp nước cho các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc. Nghiên cứu lập kế hoạch đối với các dự án cấp nước sau đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng: Dự án nhà máy cấp nước cho Hải Hà, Móng Cái và Trà Cổ;

- Về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế:

+ Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà: Phát triển đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nặng và sản xuất công nghệ cao.

+ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái: Phát triển thành khu vực kinh tế cửa ngõ giữa Trung Quốc - ASEAN cho các hoạt động về thương mại, du lịch và sản xuất.

Về tổ chức không gian kinh tế - xã hội:

- Tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh Tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo định hướng này, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và tuyến hành lang phía Đông, hai mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.

- Đối với tuyến hành lang phía Đông: Tập trung phát triển hai Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái theo định hướng sau:

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái:

- Dịch vụ du lịch: Phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng du khách qua cửa khẩu với Trung Quốc như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, trung tâm mua bán...; đầu tư các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của gia đình để khai thác du khách Trung Quốc từ các khu vực gần biên giới.

- Dịch vụ thương mại: Phát triển theo hướng dịch vụ vận tải và kho vận để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.

- Công nghiệp, sản xuất: Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn trong ngành dệt may thời trang để lấp đầy khu công nghiệp Hải Yên; nghiên cứu phát triển khu nuôi lợn và chế biến thịt lợn tổng hợp có quy mô lớn.

Về phát triển mạng lưới đô thị:

- Giai đoạn đến năm 2015: Nâng cấp thành phố Móng Cái lên đô thị loại II. Nghiên cứu nâng cấp thị trấn Quảng Hà (Hải Hà), thị trấn Đầm Hà, thị trấn Bình Liêu lên đô thị loại IV, đô thị Quảng Yên lên đô thị loại III, thành lập mới đô thị Hoành Mô (Bình Liêu) khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

2. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và ngoài 2050

Về vị trí, tính chất vùng tỉnh Quảng Ninh:

- Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ; là khu vực đầu mối quan trọng trong các tuyến hành lang kinh tế thuộc khu vực hợp tác kinh tế Việt - Trung.

- Quảng Ninh là trung tâm phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là trung tâm du lịch Quốc tế, trung tâm cung cấp năng lượng cấp quốc gia; là cửa ngõ ra biển và ra quốc tế của khu vực

- Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia.

Về quan điểm lập quy hoạch:

- Phù hợp với đường lối chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước; các chiến lược - định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng cấp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng; đảm bảo thực hiện các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; bám sát không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.

- Đặt tỉnh Quảng Ninh trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh với vùng và khu vực; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của Tỉnh để thu hút đầu tư, phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc về quốc phòng an ninh của Quảng Ninh, góp phần tạo động lực cho phát triển của cả vùng và miền Bắc.

- Từng bước xây dựng hệ thống đô thị Quảng Ninh trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái; có một nền kiến trúc khác biệt, đặc biệt, văn minh hiện đại; phát huy tối đa đặc trưng riêng gắn với truyền thống văn hóa Quảng Ninh, đồng thời phù hợp với kiến trúc tổng thể Vùng Bắc Bộ và các đô thị lớn trong vùng; vùng đô thị Quảng Ninh trở thành một trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao thương trong nước và quốc tế.

Về mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch

- Mục tiêu đến năm 2030: Tổ chức, định hướng không gian các cơ sở công nghiệp chủ yếu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không gian hệ thống đô thị, điểm dân cư trên phạm vi vùng theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, tiềm năng của từng khu vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý của toàn vùng.

- Tầm nhìn chiến lược đến năm 2050: Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch- công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, Di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới. Cụ thể:

+ Trở thành đầu tàu của cực tăng trưởng kinh tế Bắc Bộ, là trung tâm của “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, cửa ngõ của ASEAN ra Trung Quốc và ngược lại; phát triển đô thị đặc sắc, đặc biệt, văn minh hiện đại ngang tầm với di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

+ Trở thành vùng trung tâm du lịch - dịch vụ quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; trong đó dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng, văn hoá, y tế và thương mại chiếm tỷ trọng lớn và phát triển mang tầm cỡ quốc tế.

+ Trở thành vùng đô thị phát triển bền vững, định hướng là vùng đô thị đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Về tổ chức không gian vùng: Hải Hà thuộc Tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu) được định hướng như sau:

+ Tính chất: Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Việt - Trung; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng biên giới của quốc gia trên bộ và trên biển. Trong đó:

+ Móng Cái là động lực, trung tâm phát triển của vùng; phát triển thành cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực; là đô thị xanh gắn với xây dựng khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà thành một Khu đô thị lớn Hải Hà - Móng Cái với nhiều chức năng trong tương lai và phát triển thành trung tâm công nghiệp cảng biển, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới và trung tâm hội chợ quốc tế.

+ Hải Hà phát triển khu công nghiệp - cảng biển, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh để hỗ trợ, gắn kết với phát triển của Móng Cái, phát triển sản xuất và chế biến nông sản

+ Đầm Hà phát triển thành trọng điểm sản xuất, chế biến nông sản lớn của vùng và của Tỉnh

+ Bình Liêu phát triển KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn; đồng thời phát triển các sản phẩm lâm nghiệp đặc sắc và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.

- Liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng: Xây dựng đồng bộ đường cao tốc, QL18, đường sắt Móng Cái - Hải Hà, cảng biển; khai thác, phát triển KCN Hải Hà cùng với KKT Móng Cái tạo ra hiệu quả tổng hợp, phát triển toàn tiểu vùng; phát triển, gắn kết các KKT cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn, đồng thời xây dựng tuyến đường biên giới để phát triển dịch vụ thương mại, tăng cường chức năng quốc phòng của vùng; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng

Về định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu:

-  Các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp:

+ Các khu, cụm công nghiệp: Trọng điểm phát triển thu hút đầu tư là Khu đô thị công nghiệp thông minh Quảng Yên; các khu công nghiệp Phương Nam, Đầm Nhà Mạc, Tiền Phong, Cái Lân, Việt Hưng, Nam Hoành Bồ, Hải Hà, Hải Yên… Từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời do ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng đô thị. Các nhà máy nhiệt điện: Đến năm 2021, dừng khai thác Nhiệt điện Uông Bí 1 (Theo QH điện VII); đến năm 2030 xem xét và đánh giá lại sự phù hợp các Dự án Nhiệt điện: Uông Bí 2, Quảng Ninh 1-2; sau năm 2030 di chuyển nhiệt điện Cẩm Phả 1-2 về khu vực Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà và phía Bắc đường cao tốc.

+ Thương mại, dịch vụ: Xây dựng 01 trung tâm dịch vụ thương mại cấp quốc gia và hướng tới đẳng cấp quốc tế tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với tổng diện tích khoảng 500ha; gồm: Khu mậu dịch thương mại tự do, khu phố thương mại, khu phố tài chính, khu dịch vụ du lịch cửa khẩu gần cửa khẩu Bắc Luân II…; Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ du lịch cấp tỉnh tại 5 khu vực: Hạ Long (khoảng 65ha), Vân Đồn (khoảng 50ha), Hải Hà (khoảng 100ha), Bình Liêu (khoảng 50ha), Quảng Yên (khoảng 65ha)

+ Du lịch: Phát triển xây dựng các khu du lịch sinh thái (tuyến du lịch đi bộ, khám phá, leo núi, cắm trại…) tại Móng Cái, Bình Liêu, Tiên Yên…; du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với các vùng nông nghiệp nông thôn tại Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều…; các khu du lịch văn hóa địa phương (giới thiệu văn hóa, hình thức sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương); 

+ Các khu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn kết hợp phục vụ đắc lực cho ngành du lịch của tỉnh thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực…

- Định hướng phát triển phân khu biển: Phát triển các khu nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp hấp dẫn tại khu vực các đảo thuộc các địa phương Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà

Về định hướng phát triển các đô thị và điểm dân cư nông thôn:

- Hệ thống các đô thị, điểm dân cư nông thôn: Đến năm 2030, vùng đô thị Quảng Ninh gồm 16 đô thị và 76 điểm dân cư nông thôn; trong đó: Hải Hà là đô thị loại III: Hải Hà, Đô thị cửa khẩu Bắc Phong Sinh là thị trấn, đô thị loại V

- Định hướng phát triển nông thôn: Nhanh chóng cải thiện, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch và thoát nước thải, đồng thời tiến hành bảo tồn môi trường sống nông thôn (trong đó có bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa làng xã) và bảo tồn môi trường tự nhiên. Ngoài ra, tiến hành xây dựng hạ tầng nông thôn như các tuyến đường nông thôn, cấp điện nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất nông thôn phát triển, nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, khả năng lưu thông hàng hóa nông nghiệp...Đối với những khu vực nông thôn ổn định lâu dài sẽ phát triển theo mô hình nông thôn mới; những khu vực nông thôn có khả năng đô thị hóa cao sẽ phát triển hợp lý trên cơ sở phù hợp với lộ trình và các yêu cầu đô thị hóa

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

- Giao thông:

+ Đường bộ: Xây dựng các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái và tuyến Hải Phòng - Hạ Long; xây dựng tuyến đường ven biển kết nối với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định; xây dựng các tuyến quốc lộ liên kết Quảng Ninh với các tỉnh thành khác: QL10, QL279, QL4B, QL18C. Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hình thành vành đai kết nối các địa phương trong tiểu vùng, các khu vực nội- ngoại thị. Xây dựng mới các tuyến đường kết nối các khu vực ven biển, các tuyến đường tránh và các tuyến đường vành đai.

+ Đường sắt: Hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên- Hạ Long - Cái Lân; xây dựng tuyến mới các đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Lạng Sơn - Mũi Chùa, Uông Bí - Tiền phong (nối sang Lạch Huyện - Hải Phòng);

+ Đường thủy: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảng vận tải hàng hóa, hành khách và các bến du thuyền. Cảng biển: Nâng cấp, cải tạo và mở rộng cảng Hòn Gai (cảng Cái Lân), cảng Vạn Gia, cảng Vạn Hoa - Mũi Chùa, cảng Cẩm Phả, cảng Hải Hà theo quy hoạch hệ thống cảng biển.

+ Cấp nước: Tổng nhu cầu sử dụng nước của toàn tỉnh khoảng 691.500m3/ng.đ; sử dụng các hồ, đập trong khu vực nghiên cứu, nâng khả năng khai thác tối đa đối với các hồ, đập trên địa bàn tỉnh; nâng cấp hệ thống các hồ, đập, nhà máy, trạm bơm đáp ứng nhu cầu phát triển theo các giai đoạn phát triển (ưu tiên phát triển công nghiệp tiết kiệm nước, sử dụng công nghệ tuần hoàn nước)

+ Cấp điện: Tổng nhu cầu dùng điện năm 2030 khoảng 3.987MVA; nâng cấp, xây mới các Trạm biến áp 500, 220, 110 KV đáp ứng nhu cầu phát triển theo các giai đoạn phát triển.

+ Thoát nước thải: Khu vực đô thị: Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước cho các thành phố, thị trấn, thị xã và các khu đô thị; các khu vực phát triển mở rộng và các khu đô thị mới yêu cầu đảm bảo 100% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thoát ra môi trường; Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các bệnh viện và cơ sở y tế: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước rồi mới xả vào nguồn tiếp nhận. Khu vực nông thôn: Xử lý tại chỗ bằng các bể xử lý nước tiên  tiến, hợp vệ sinh rồi xả ra các ao hồ, sông suối.

+ Quản lý CTR, nghĩa trang: Xây dựng các khu xử lý tập trung Quảng Thành - Hải Hà, xây dựng các công viên - nghĩa trang quy mô lớn phục vụ cho các tiểu vùng đô thị lớn như tiểu vùng Hạ Long, tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu …

3. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hải Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030:

Về quan điểm phát triển:

- Phát triển kinh tế-xã hội của huyện phải được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển KT -XH của tỉnh, các ngành, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác, liên kết của Trung ương và Tỉnh, của các huyện bạn và bên ngoài.

- Phát triển triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với các mục tiêu “tăng trưởng xanh” của Tỉnh Quảng Ninh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH; phát triển khu vực dịch vụ gắn chặt với phát triển công nghiệp; cơ cấu nông lâm thủy sản chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

- Phát triển dựa trên cơ sở phát huy tối đa nguồn nội lực của huyện đồng thời tăng cường quan hệ liên kết thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài để phát triển.

- Phát triển dựa trên yếu tố mang tính dài hạn là nguồn nhân lực có chất lượng, văn hóa văn minh và sự hài hòa về môi sinh.

- Phát triển phải dựa trên sự đồng thuận, đồng bộ và tạo sức mạnh lan tỏa rộng.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng huyện Hải Hà trở thành huyện công nghiệp, dịch vụ; với hai khâu đột phá là xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và phát triển kinh tế biên mậu khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Đồng thời, phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa, từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Huyện trở thành trung tâm kinh tế mang tính liên kết và hỗ trợ phát triển trong chuỗi hành lang kinh tế ven biển; là huyện  phát triển toàn diện về kinh tế gắn liền với xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa – giáo dục, y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; đời sống vật chất và văn hóa của các tầng lớp dân cư được nâng cao.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Giai đoạn 2016 - 2020

Về phát triển kinh tế: Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của huyện, tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của huyện, mục tiêu về tăng trưởng GTTT đạt 18,8%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng 29,9%/năm; dịch vụ 19,0%/năm; nông-lâm-thủy sản tăng 5,8%/năm.

Cơ cấu giá trị tăng thêm: Công nghiệp - xây dựng 40,0%; dịch vụ 37,0%, nông- lâm-thủy sản 23,0%.

Thu nhập bình quân/người/năm đạt 60,0 triệu đồng (2.900USD, giá tháng 12/2012).

Về phát triển xã hội: Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,0%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2,0% (theo tiêu chí mới); Giải quyết việc làm mới hàng năm cho từ 1.800 lao động trở lên; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

Về bảo vệ môi trường: Phấn đấu trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Duy trì tỉ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 59%.

+ Tầm nhìn đến năm 2030:

Tốc độ tăng trưởng GTTT giai đoạn 2021 - 2030 ước đạt 15,7%/năm. Trong đó: Công nghiệp - xây dựng 18,9%/năm; dịch vụ 15,3%/năm; Nông-lâm-thủy sản 5,0%/năm.

Cơ cấu kinh tế giá trị tăng thêm: Công nghiệp – xây dựng 51,0%; dịch vụ chiếm 39,0%; nông-lâm-thủy sản 10,0%.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống dưới 0,90%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 5,0%.

Bảo vệ môi trường: Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh.

Về Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu ưu tiên đột phát trong phát triển KTXH huyện Hải Hà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

- Phát triển công nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư của Tập đoàn Texhong vào Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà, giai đoạn 1 với 660 ha; phát triển công nghiệp dệt may; điện và các ngành nghề khác với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng nổi đa năng của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung tại đảo Hòn Miều; Đầu tư hệ thống cảng biển là kho chứa hàng của Tập đoàn Indevco.

- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh: Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trở thành khu kinh tế động lực, có tác dụng lôi kéo sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông - Bắc của huyện Hải Hà; là đầu mối giao lưu kinh tế, trung chuyển, xuất nhập hàng hóa, dịch vụ và hợp tác quốc tế quan trọng trên dải biên giới Việt-Trung.

- Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có tính chất tập trung cao: (i) Phát triển sản xuất rau, chè an toàn gắn với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; (ii) Phát triển khu chăn nuôi lợn, gia súc tập trung theo hướng công nghiệp. (iii) Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; (iv) Xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản; (v) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là nhân tố dài hạn và là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật cao phục vụ tiến trình xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, quản trị doanh nghiệp giỏi. Phát triển nguồn nhân lực toàn diện về các mặt giáo dục, đào tạo, thể chất, nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ có kỹ thuật cao. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn <30% trong cơ cấu lao động của huyện.

Ghi chú: Các nội dung khác: Xem Phụ lục Quyết định số 3276/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hải Hà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Các đồ án có liên quan mật thiết khác cần được cập nhật, rà soát, khớp nối trong quá trình xây dựng nội dung đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà bao gồm:

- Quy hoạch chung KKTCK Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, huyện Hải hà, tỉnh Quảng Ninh;

II.10. Đánh giá tổng hợp thực trạng và ưu thế phát triển vùng

Thuận lợi:

 - Vị trí, vai trò quan trọng trong mối liên hệ vùng. Có tiềm năng về đất đai, cảnh quan, môi trường.

 - Có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Có các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia về đường bộ, sắt, thủy và hàng không.

Khó khăn:

- Khí hậu, thời tiết: Hải Hà là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 - 40m/s, bão thường kèm theo lượng mưa khá cao nhưng không đều, mưa trung bình 3.120 mm/năm gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

- Địa hình của huyện Hải Hà chiếm 65,60% diện tích tự nhiên là đồi núi, độ dốc cao gây khó khăn cho trồng cây nông nghiệp cũng như phát triển cơ sở hạ tầng.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, đặc biệt giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…

-  Đội ngũ lao động qua đào tạo, nguồn vốn đầu tư  còn hạn chế.

Cơ hội:

- Nằm trong khu vực được xác định là một trong hai “điểm đột phá” quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

- Năm trong không gian Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái gắn với hệ thống giao thông đa phương thức thuận lợi.

- Có tiềm năng trở thành trung tâm đô thị, tài chính, du lịch, thương mại, dịch vụ tầm cỡ trong vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Thách thức:

- Xuất phát điểm của nền kinh tế - xã hội thấp, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2014 là 18,5 triệu đồng/người/năm, bằng 40% so với mức thu nhập bình quân của tỉnh Quảng Ninh).

- Huyện có khả năng chịu nhiều rủi ro trực tiếp do chính sách ứng xử kinh tế biên mậu khó dự đoán của Trung Quốc.

- Lao động ngành nông lâm thủy sản hiện còn chiếm tỷ lớn hơn 70%. Lao động chưa qua đào tạo còn chiếm trên 25,6%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 12-15%.

- Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, đây là hạn chế lớn nhất cho giai đoạn đầu phát triển các khu, cụm công nghiệp.

- Bối cảnh trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn. Hiệp ước Tự do Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2015 có hiệu lực; thực hiện đầy đủ cam kết của WTO vào năm 2018 tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt trong khi nội lực của huyện chưa mạnh; sức cạnh tranh còn thấp.

Các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch.

Kế hoạch phát triển đô thị cẩn đảm bảo tính thực tiễn và khả thi, đáp ứng công tác quản lý đất đai, phát triển đô thị theo các giai đoạn và ngưỡng phát triển tối đa của đô thị, tránh tình trạng đô thị hoá tự phát.

Cần tăng cường hạ tầng nông thôn, đặc biệt là kết nối liên xã, kết nối đô thị với nông thông. Tuy nhiên các kết nối này không được gây ra những hiệu ứng đô thị hóa nông thôn. Giải quyết vấn đề môi trường đặc biệt là rác, nước thải, nghĩa trang… đang rất bức xúc tại các vùng nông thôn hiện nay.

Cần thiết lập quy định quản lý quy hoạch, công cụ quan trọng để huyện Hải Hà quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Thiết kế đô thị gắn với giữ gìn bản sắc nông thôn vùng huyện Hải Hà, tôn vinh giá trị cảnh quan và văn hóa; Hình thành vùng sinh thái nông nghiệp có ý nghĩa về giá trị kinh tế và cảnh quan phù hợp với cấu trúc làng xã mới và các đô thị mới.


III.CHƯƠNG III - BỐI CẢNH, TẦM NHÌN VÀ DỰ BÁO PHÁT TRIỂN

III.1. Bối cảnh và tầm nhìn phát triển đến năm 2050 và ngoài 2050

III.1.1. Bối cảnh phát triển

Vai trò Hải Hà trong Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ: Là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn, thu hút mạnh đầu tư với các chức năng: Trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của quốc gia; Trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển; đồng thời, là cửa mở lớn của cả vùng, tạo điều kiện phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, khai thác thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Nam Trung Quốc thông qua vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đến năm 2020 cơ bản xây dựng hoàn chỉnh Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà gắn với thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, trung tâm tài chính, khu mậu dịch tự do lớn và hiện đại trong khu vực.

Vùng huyện Hải Hà trong quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh: Hải Hà thuộc Tiểu vùng các KKTCK với Trung Quốc (bao gồm :thành phố Móng Cái, các huyện Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà). Theo đó, phát triển Khu công nghiệp Hải Hà là khu công nghiệp nặng bao gồm cả công nghiệp hóa dầu. Diện tích xây dựng đến năm 2030 là 1750ha. Và nếu tình hình thuận lợi, sẽ tiếp tục phát triển diện tích đất công nghiệp đến 4988ha bao gồm cả phần đất dự trữ. Gần đây, đã có những nhà đầu tư Trung Quốc có mong muốn đầu tư trên lô đất rộng, như vậy việc xúc tiến phát triển KCN này đã có tính khả thi. Yếu tố thúc đẩy sự phát triển này là tuyến đường cao tốc được xây mới và tuyến đường sắt Móng Cái – Hải Hà. Rất nhiều hàng hóa sản xuất tại đây được vận chuyển đến kho bãi, trung tâm dịch vụ vận chuyển của khu kinh tế biên mậu Móng Cái, và xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua phương thức vận chuyển khối lượng lớn này.Vì vậy, cần phải kết nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc và đường sắt phía Trung Quốc. Ngoài ra, có thể vận chuyển đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và xuất khẩu sang phía Trung Quốc thông qua quốc lộ 18B đã được nâng cấp, mở rộng. Cảng biển phía Nam của khu công nghiệp Hải Hà sẽ được xây dựng với chức năng là cảng vận chuyển hàng hóa và trở thành trọng điểm giao thông vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc. Do cảng Vạn Gia là cảng hành khách chuyên dụng nên hàng hóa, vật liệu của tiểu vùng các KKT cửa khẩu Móng Cái sẽ được xử lý đồng loạt tại cảng Hải Hà.

Khu KTCK Móng Cái sẽ phát triển theo mô hình “01 trục, 02 vùng (phía Bắc và phía Nam) với 03 trung tâm (01 trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mơi và 02 trung tâm động lực là trung tâm Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và thành phố cửa khẩu Móng Cái)”. Trong đó xác định 1 phần huyện Hải Hà (thị trấn Quảng hà và 9 xã) thuộc trục hành lang nối kết 03 Trung tâm là (01 trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mới và 02 trung tâm động lực là trung tâm Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và thành phố cửa khẩu Móng Cái). Trục hành lang này nối kết phía Bắc với Nam của KKTCK Móng Cái, các hoạt động như công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng sẽ được kết nối với tuyến hành lang này

Quy hoạch cũng định hướng: Mở rộng xây dựng trung tâm thị trấn Quảng Hà sang khu vực phía Đông, hình thành khu đô thị mới ở phía Đông thị trấn Quảng Hà - là nơi sinh sống của những người lao động làm việc ở khu công nghiệp, từ đó hình thành khu vực sản xuất có nhà ở và nơi làm việc tiếp giáp nhau.

Định hướng phát triển kinh tế xã hội huyện Hải Hà:

- Phát triển công nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư của Tập đoàn Texhong vào Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, giai đoạn 1 với 660 ha; phát triển công nghiệp dệt may; điện và các ngành nghề khác với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng nổi đa năng của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung tại đảo Hòn Miều; Đầu tư hệ thống cảng biển là kho chứa hàng của Tập đoàn Indevco.

- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh: Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trở thành khu kinh tế động lực, có tác dụng lôi kéo sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông - Bắc của huyện Hải Hà; là đầu mối giao lưu kinh tế, trung chuyển, xuất nhập hàng hóa, dịch vụ và hợp tác quốc tế quan trọng trên dải biên giới Việt-Trung.

- Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có tính chất tập trung cao: (i) Phát triển sản xuất rau, chè an toàn gắn với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; (ii) Phát triển khu chăn nuôi lợn, gia súc tập trung theo hướng công nghiệp. (iii) Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; (iv) Xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản; (v) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là nhân tố dài hạn và là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật cao phục vụ tiến trình xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, quản trị doanh nghiệp giỏi. Phát triển nguồn nhân lực toàn diện về các mặt giáo dục, đào tạo, thể chất, nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ có kỹ thuật cao. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn <30% trong cơ cấu lao động của huyện.

III.1.2. Tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050

Xây dựng Đô thị Quảng Hà đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, tương lai là đô thị loại II; Đô thị cửa khẩu Bắc Phong Sinh đạt tối thiểu tiêu chuẩn đô thị loại V. Vùng huyện Hải Hà là Thành phố Xanh - Thông minh, xứng đáng là trung tâm giao lưu quốc tế chất lượng cao.

Đến năm 2030: Là khu vực phát triển Kinh tế xanh hình mẫu, phát triển Công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, chế biến nông sản chất lượng cao, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tầu kinh tế của Quốc gia

Đến năm 2050 và ngoài 2050: là Thành phố Xanh – Thông minh, xúng đáng là trung tâm giao lưu quốc tế chất lượng cao, là một bộ phận cấu thành hiện đại, chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh.

III.2. Mối quan hệ vùng và tiền đề phát triển

III.2.1. Quan hệ nội ngoại vùng

Hải Hà có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi để phát triển kinh tế:

- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong ba cực của Tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc.

- Nằm trong vành đai kinh tế Biển, thuận lợi trong giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và Asean - Trung Quốc nói chung.

- Có cửa khẩu quốc gia Bắc Phong Sinh và kết nối thuận tiện với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu quốc gia Hoành Mô.

- Có hệ thống giao thông rất thuận lợi quan hệ, giao lưu với các vùng trong cả nước và quan hệ quốc tế.

Quốc lộ 18 và sau này là đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đồng thời cũng là đường xuyên Á trong tương lai.

III.2.2. Phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh

Các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển:

- Khu công nghiệp -  Cảng biển Hải Hà: nằm trong “vành đai” kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc. Gần các khu vực cảng Quốc tế của Trung Quốc nh­ư Hải Nam, Phòng Thành… Khu Công nghiệp – Cảng biển Hải Hà sẽ là cửa ra Biển của vùng Đông Bắc Việt Nam, vùng giao th­ương hàng hóa từ nội địa và phía Nam Trung Quốc đi các n­ước trong khu vực và thế giới. Như­ vậy Hải Hà là khu vực thuận lợi để xây dựng khu công nghiệp và cảng biển. Khu công nghiệp - Cảng biển cần tiếp cận với mực nước sâu, theo số liệu khoan thăm dò địa chất tại khu vực này, khu vực bãi triều thuộc xã Phú Hải, Quảng Điền, Tiến Tới là khu vực phù hợp cho xây dựng một khu Công nghiệp – Cảng biển quy mô khoảng 5.000 ha.

- Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh: bố trí các khu thuế quan, tài chính, chợ biên giới, doanh nghiệp thương mại kinh doanh các sản phẩm của Trung Quốc và Việt Nam nhằm hỗ trợ các hoạt động biên mậu. Phát triển sản xuất công nghiệp chế biến như chế biến đồ gỗ, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm kỳ vọng đem lại giá trị gia tăng cao, khai thác nguồn nguyên liệu là hàng nông sản, vật liệu gỗ được sản xuất... tại huyện Hải Hà và các khu vực khác như Móng Cái, Đầm hà, Tiên Yên... Các sản phẩm sản xuất phục vụ xuất khẩu được tập kết tại đây, do đó sẽ phát triển các chức năng dịch vụ kho tàng, logistic để tạo thuận lợi cho các hoạt động cửa khẩu.

- Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ với lợi thế là một thành phần của KKTCK Móng Cái, là trung tâm kinh tế mang tính liên kết và hỗ trợ phát triển trong chuỗi hành lang kinh tế ven biển, nằm trên hành lang kinh tế kỹ thuật Quốc gia với trục cao tốc Hạ Long - Móng Cái và đ­ường sắt khổ lớn, các đầu mỗi giao thồn quan trọng về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Cơ sở kinh tế - kỹ thuật:

- Các Khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà: Là khu công nghiệp dự kiến đạt quy mô 1750ha và lên 4988ha vào năm 2050, kết nối trực tiếp với đường cao tốc liên kết trong và quốc tế thông suốt; Cụm công nghiệp phía Đông Hải Hà và Cụm công nghiệp Bắc Phong Sinh: chế biến nông, lâm sản tại huyện Hải Hà, tương lai là các vùng lân cận, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu để gia tăng chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tại khu vực xung quanh còn trang bị kèm theo cả chức năng kho bãi, dịch vụ vận tải sao cho sản phẩm được sản xuất và xuất khẩu đi Trung Quốc được tập trung ở đây và khi đến kỳ có thể ngay lập tức xuất kho.

- Thương mại, dịch vụ: Cảng biển và dịch vụ cảng, hậu cần: Phát triển cảng là một lợi thế, tiềm năng của khu vực Hải Hà, là khu vực có thể xây dựng cảng kín vì có 2 đảo Vĩnh Thực và Cái Chiên che chắn gió, tạo thành vùng vịnh kín tự nhiên. Đây là công trình đầu mối quan trọng không những phục vụ khu công nghiệp Hải Hà mà cón cả của vùng Đông bắc Việt Nam, là cửa ngõ giao thương với quốc tế. Ngoài dịch vụ cảng, dịch vụ cung cấp thiết bị, vật tư, dịch vụ vận tải, dịch vụ nhu cầu sinh hoạt lao động công nghiệp tại các khu công nghiệp và các cảng cũng là ngành thu hút khá nhiều lao động; Du lịch: có nhiều tài nguyên du lịch phong phú bao gồm tài nguyên Rừng - Biển - Đảo - Hồ trên núi.

- Tiềm năng khai thác quỹ đất: Đất tự nhiên toàn huyện 51.393,17 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm  gần 3731 ha, lúa năng suất thấp, có thể chuyển đổi phát triển đô thị, công nghiệp. Ngoài ra còn hàng chục ngàn ha đất bằng, đồi núi  có thể khai thác bền vững vào mục đích xây dựng phát triển.

III.3. Tính chất và chức năng

Là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt gắn với thế mạnh về kinh tế biển, trung tâm chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu theo hướng xây dựng thương hiệu, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với thành phố Móng Cái xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành một Khu đô thị lớn Hải Hà - Móng Cái – Cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với quốc tế.

Là vùng có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng phía Đông Bắc Việt Nam.

Phát triển khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh để hỗ trợ gắn kết với phát triển của Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu phát triển sản xuất và chế biến nông sản. Đến năm 2020, thị trấn Quảng Hà đạt đô thị loại IV và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại III.

Đồng thời xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh bảo đảm chức năng trong tương lai của huyện Hải Hà phát triển thành trung tâm công nghiệp cảng biển, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới và trung tâm hội chợ quốc tế; giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với Đông Bắc Á và Đông Nam Á…

III.4. Dự báo phát triển

III.4.1. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội   

Giai đoạn tới 2020: Mục tiêu của huyện là đạt GDP bình quân đầu người khoảng 65 - 68 triệu đồng/người /năm(danh nghĩa) (giá so sánh 2010). Tốc độ tăng trưởng khoảng 18 - 20%/năm. Cơ cấu kinh tế:

- Thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 37 %

- Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 40%

- Nông, Lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 23 %.

Giai đoạn tới năm 2030: GDP bình quân đầu người khoảng 230 triệu đồng (danh nghĩa)/người (tính theo giá so sánh 2010). Tốc độ tăng trưởng khoảng 15,7%/năm. Cơ cấu kinh tế:

- Thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 39 %

- Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 51 %

- Nông, Lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 10 %.

Bảng 15: Chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội huyện theo các giai đoạn.

Đvt: tỷ đồng

TT

Chỉ tiêu

2010

2015

2020

2030

Tốc độ tăng trưởng

(%/năm)

2011-2015

2016-2020

2021-2030

I

Tổng giá trị sản xuất (giá 2010)

1.142,5

2.500

6.955

40.296

1

   Nông lâm thủy sản

375,3

490

861

2.039

2

   Công nghiệp - x.dựng

345,0

1.044

3.589

26.215

3

   Dịch vụ

422,168

966

2.505

12.041

II

Tổng giá trị tăng thêm (giá 2010)

569,7

819

2.022

8.929

13,7

18,8

15,7

1

   Nông lâm thủy sản

204,6

214

320

520

5,6

5,8

5,0

2

   Công nghiệp - x. dựng

141,6

245

907

5.120

20,1

29,9

18,9

3

   Dịch vụ

223,5

333

795

3.289

14,2

19,0

15,3

III

Tổng giá trị tăng thêm (giá TT)

569,7

1.450

4.520

18.320

1

   Nông lâm thủy sản

204,6

539

1.040

1.832

2

   Công nghiệp - x. dựng

141,6

387

1.808

9.343

3

   Dịch vụ

223,5

524

1.672

7.145

IV

Cơ cấu giá trị tăng thêm (giá TT)

100,0

100,0

100,0

100,0

1

   Nông lâm thủy sản

35,9

37,2

23,0

10,0

2

   Công nghiệp - x. dựng

24,9

26,7

40,0

51,0

3

   Dịch vụ

39,2

36,1

37,0

39,0

III.4.2. Dự báo phát triển dân số

a. Các cơ sở dự báo

Hiện trạng và diễn biến dân số huyện Hải Hà giai đoạn 2005 - 2014

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

- Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

- Quy hoạch kinh tế - xã hội huyện Hải Hà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Quy hoạch kinh tế xã hội khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Quy hoạch chung huyện Hải Hà được phê duyệt năm 2008

b. Yêu cầu dự báo

Vùng huyện Hải Hà được chia thành 3 vùng phát triển chính. Do đó việc dự báo dân số cần được xét theo 3 vùng như sau:

- Vùng I: gồm thị trấn Quảng Hà và 08 xã (Quảng Điền, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Trung, Phú Hải, xã đảo Cái Chiên) thuộc không gian KKTCK Móng Cái, cần khớp nối, rà soát theo Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

- Vùng II: Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (xã Quảng Đức), cần khớp nối, rà soát theo Quy hoạch kinh tế xã hội khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Vùng III: 06 xã Quảng Sơn, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Thịnh, Tiến Tới, là vùng phát triển nông thôn mới gắn với du lịch, công nghiếp chế biến...

c. Kết quả dự báo của các đồ án có liên quan

1. Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh: Trường hợp tính gộp dân số ngoại lai năm 2020 là 401.000 người (theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội do McKinsey lập); Năm 2030 là 623.000 người (theo tính toán nội suy) và chuyển dịch cơ cấu dân số khoảng 10% từ nông thôn ra thành thị trong giai đoạn đến năm 2020 và khoảng 15% từ nông thôn ra thành thị trong giai đoạn 2020-2030.

Bảng 16: Dự báo chỉ tiêu phát triển dân số Tỉnh theo QHXD vùng tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn ngoài năm 2050.

Chỉ tiêu

2011

2020

2030

Dân số

1.172.500

1.686.000

1.990.000

Dân số đô thị

651.400

1.171.700

1.564.800

Dân cư nông thôn

521.600

496.300

425.200

Tỷ lệ đô thị hóa

55,5%

70.2%

78,6%

Bảng 17: Dự báo dân số huyện Hải Hà theo QHXD vùng tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn ngoài 2050

TT

Khu vực

2020

2030

1

- Thành thị

70.200

93.000

2

- Nông thôn

29.800

32.000

Tổng dân số

100.000

125.000

2. Theo Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh:

Bảng 18: Bảng dự báo dân số vùng 1 và vùng 2

TT

Khu vực

2014

Dự báo

2020

2030

Tổng số

Đô thị

Tổng số

Đô thị

Tổng số

Đô thị

Vùng I

Khu vực 09 xã, thị trấn trong KKTCK Móng Cái

30.156

6.784

56.000

30.000

120.000

105.000

Vùng II

KKTCK Bắc Phong Sinh

3.352

5.000

5.00

8.000

6.000 - 8.000

Tổng cộng

61.000

35.000

128.000

111.000 - 113.000

Ghi chú: Không kể dân số quy đổi.

3. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Hải Hà đến năm 2020 và tàm nhìn đến năm 2030.

- Dân số tăng tự nhiên: Tốc độ tăng dân số tự nhiên  giai đoạn 2012 - 2015 là 1,14%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 là 1,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 là 0,90%/năm. Dân số huyện Hải Hà năm 2020 là 62.900 người và năm 2030 là 70.000 người.

- Dân số tăng cơ học: Dự báo dân số tăng cơ học của huyện Hải Hà năm 2020: 15.700 người. Đến năm 2030 dân số cơ học tăng lên 55.000 người.

Bảng 19: Dự báo tổng hợp dân số huyện Hải Hà theo QH kinh tế xã hội huyện Hải Hà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

2014

2015

2020

2030

1

Tổng số dân huyện Hải Hà

người

57.920

61.400

78.600

125.000

-

Tổng dân số tăng tự nhiên

Người

57.920

59.900

62.900

70.000

-

Tổng dân số tăng cơ học

1.500

15.700

55.000

2

Tốc độ  tăng dân số tự nhiên

%

1,14

1,10

1,00

0,90

b.4. Dự báo dân số huyện Hải Hà theo quy hoạch chung huyện Hải Hà giai đoạn 2008 - 2020.

Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Hải Hà giai đoạn 2008 - 2020 đã được phê duyệt, dự báo dân số huyện Hải Hà: Đến năm 2020: 143.200 người; Đến năm 2025: 203.500 người, cụ thể như sau:

TT

Danh mục

Năm cuối giai đoạn dự báo  (%)

Hiện trạng

2010

2015

2020

2025

01

Dân số TT Hải Hà hiện có phát triển

7.115

7.500

8.500

9.500

11.000

02

Dân số do sự hình thành Khu Công nghiệp-Cảng Hải Hà

-

-

39.500

80.000

136.000

03

Dân số các xã

45.807

47.700

51.000

53.700

56.500

Tổng cộng toàn huyện

52.922

55.200

99.000

143.200

203.500

Nguồn: Quy hoạch chung xây dựng huyện Hải Hà giai đoạn 2008 – 2020

d. Tổng hợp dự báo dân số

Vùng huyện Hải Hà được chia thành 3 vùng phát triển chính. Do đó việc dự báo dân số được dự báo theo 3 vùng.

Mô hình tổng quát dự báo dân số khu vực quy hoạch như sau:

Pn = P1 + P2

Pn, Dân số khu vực quy hoạch (9 xã, TT), tại thời điểm năm dự báo (2020 và 2030)

P1, Dân số hiện trạng phát triển, được tính theo công thức: P0 (1 + a)n.

P0, dân số năm gốc khu vực lập quy hoạch.

a, tỷ lệ tăng dân số các giai đoạn dân số hiện trạng khu vực quy hoạch.

n, số năm trong giai đoạn dự báo.

P2, Dân số tăng cơ học do nhu cầu phát triển kinh tế (công nghiệp, cảng…), được tính theo công thức:

Dân số tăng cơ học do nhu cầu lao động :

P2 =

100 x A

100 – (B +C)

Trong đó:

P2, dân số năm dự báo (đợt đầu năm 2020, dài hạn năm 2030)

A, lao động cơ bản (bao gồm cán bộ công nhân phục vụ trong các xí nghiệp, kho tàng, cảng...phạm vi phục vụ vượt ra ngoài phạm vi khu vực.

B, Thành phần phục vụ (bao gồm cán bộ công nhân phục vụ trong các xí nghiệp, cơ quan...,phạm vi chỉ phục vụ trong phạm vi khu vực.

C, thành phần lệ thuộc: Gồm những người mất sức lao động, tàn tật, cán bộ, công nhân về hưu, mất sức...

Dự báo dân số Vùng I: gồm 09 xã, thị trấn trong không gian KKTCK Móng Cái

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, xu thế phát triển của tỉnh Quảng Ninh và vùng huyện Hải Hà, các khu vực lân cận, dự báo tỷ lệ đô thị hóa tại khu khu huyện Hải Hà như sau:

Các thông số dự báo

STT

Danh mục

Năm cuối giai đoạn dự báo  (%)

2014

2015

2020

2030

Tăng tự nhiên (%)

1.34

1.22

1.09

0.84

Dân số (người)

30.156

31.000

33.000

35.000

Ghi chú: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm 0,025%/năm.

Dự báo dân số tăng do nhu cầu tăng lao động đột biến: Phương pháp dự báo: Để sử dụng lao động hiệu quả, dự báo dân số theo phương pháp cân bằng lao động theo phương pháp toán học với hàm tổng quát:

Dân số tăng cơ học do nhu cầu lao động:

P2 =

100 x A

100 – (B +C)

Trong đó:

P2 :  dân số năm dự báo (đợt đầu năm 2020, dài hạn năm 2030)

A : lao động cơ bản (bao gồm cỏn bộ công nhân phục vụ trong các xí nghiệp, kho tàng, cảng...phạm vi phục vụ vượt ra ngoài phạm vi khu vực.

B :  thành phần phục vụ (bao gồm các bộ phận công nhân phục vụ trong các xí nghiệp, cơ quan...,phạm vi chỉ phục vụ trong phạm vi khu vực.

C :thành phần lệ thuộc: gồm những người mất sức lao động, tàn tật, cán bộ, côngvề hưu, mất sức...

Lựa chọn thông số đầu vào: 

- Lao động cơ bản: đợt đầu (năm 2020) khoảng 17.000 người đến 20.000 (khoảng hơn 1/3 dài hạn), dài hạn: 51.000 lao động, (Cn dự kiến 45.300 lđ; cảng+dịch vụ cảng 5000 - 5700 lđ,), xem chi tiết phần phụ lục

-  Lao động cơ bản tính quy mô dân số

- Đợt đầu 50% lao động từ các khu vực lân cận, đặc biệt từ Tp. Móng Cái  tới Hải Hà làm việc, không có nhu cầu định cư tại khu vực Hải Hà.

- Dài hạn dự tính khoảng 50% lao động từ các  khu vực lân cận tới KCN - cảng Hải Hà làm việc, không có nhu cầu định cư tại khu vực Hải Hà.

+ Thành phần phục vụ (%): đợt đầu  8,0-12,0%; dài hạn 16,0-22,0%

+ Thành phần lệ thuộc (%): đợt đầu 47%; dài hạn 52%.

Kết quả dự báo

Đợt đầu (2020): P2 =

100 x (17000 đến 20.000) x  0,5

= 20.000 - 23.000 (người)

100 - (10 +47)

Đợt đầu (2030): P2 =

100 x (51.000 x 0,5)

= 85.000 (người)

100 - (18 +52)

Tổng hợp dự báo dân số khu vực Hải Hà (9 xã, TT):

   - Theo công thức : Pn = P1 + P2

Bảng 20: Phân bố dân cư đô thị, nông thôn theo khu vực Quy hoạch.

Đvt: Người

Dân số hiện trạng

(người)

Dân số năm 2020

(người)

Dân số năm 2030

(người)

Tăng thêm

Tổng

Tăng thêm

Tổng

Vùng 1

30,156

26,000

56,060

63,850

120,000

KCN

0

1,000

1,000

29,000

30,000

Thị trấn QH

6,784

3,016

9,800

5,200

15,000

Quảng Minh - Quảng Thắng

7,690

10,010

17,700

12,300

30,000

Quảng Trung & Phú Hải

3,800

4,000

7,800

700

8,500

Quảng Điền

1,910

6,990

8,900

5,400

14,300

Quảng Phong

4,950

1,950

6,900

2,900

9,800

Quảng Thành

3,440

0

3,400

10,000

11,400

Cái Chiên

560

0

560

440

1,000

Ghi chú: (1), không kể lao động xây dựng giai đoạn đầu

Vùng III: Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (xã Quảng Đức)

Dân số năm 2014 tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh: 3.352 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình Bắc Phong Sinh trong các năm từ năm 2010 - 2014 là 1,4%/năm. Trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên giai đoạn 2015 - 2020 là 1,2 /năm và giảm xuống còn 1% trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030.

Tốc độ tăng dân số cơ học

- Lao động cơ bản: đợt đầu (năm 2020) khoảng 1.000 người đến 20.000 (khoảng hơn 1/2 dài hạn), dài hạn: 3.800 lao động, (công nghiệp – xây dựng dự kiến 1.500 lao động; dịch vụ khoảng hơn 3.000 lao động)

- Đợt đầu đến năm 2020: Dự tính 50% lao động từ các khu vực lân cận tới khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và trung tâm thị trấn Quảng Đức.

- Dài hạn đến năm 2030: Dự tính khoảng 40% lao động từ các khu vực lân cận tới khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và trung tâm thị trấn Quảng Đức.

- Thành phần phục vụ (%): Đợt đầu  8,0-12,0%; Dài hạn 16,0-22,0%

- Thành phần lệ thuộc (%): Đợt đầu 47%; Dài hạn 52%.

Đợt đầu:

P1 =

3.352*(1+1.2/100)^5 = 3.800 (người)

P2 =

100 x (1.000 x 0,5)

= 1.200 (người)

100 – (10 +47)

Dài hạn:

P1 =

P1 = 3.800*(1+1/100)^10 = 4.200 (người)

P2 =

100 x (1.000 đến 1.900) x 0,6

= 1800 -  3.800 (người)

100 – (18 +52)

Dự báo dân số các khu vực Vùng II

Bảng 21: Bảng dự báo dân số Vùng II.

ĐVT: Người

Vùng 

Dân số hiện trạng
(người)

Dân số năm 2020
(người)

Dân số năm 2030
(người)

Tổng

Tổng

Tổng dân số

3,352

5,000

8,000

Khu vực Quảng Đức

3,352

4,000

2.400

Đô thị Bắc Phong Sinh

1000

5.600(*)

Ghi chú: (*) đến năm 2030 Bắc Phong Sinh sẽ trở thành đô thị loại III.

Vùng III: Các xã khu vực nông thôn

Hiện trạng dân số tại 06 xã vùng nông thôn hiện nay khoảng 24.459 người. Dự báo đến năm 2020 dân số các xã sẽ đạt khoảng 24.000 người, tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,25 %/năm. Đến năm 2030 tốc độ tăng dân số tự nhiên giảm dần mỗi năm giảm 0,02%/năm. Do đó dân số đến năm 2030 khu vực này đạt khoảng 25.000 – 27.000 người.

Dự báo dân số cho các khu vực Vùng III

Bảng 22: Bảng dự báo dân số Vùng III.

Đvt: người

Vùng  III

2014

2020

2030

Tổng dân số

24,459

26,000

28,000

Xã Quảng Sơn

4,220

4,500

4,800

Xã Đường Hoa

3,730

3,900

4,300

Xã Tiến Tới

2,380

2,500

2,700

Xã Quảng Long

5,480

5,800

6,200

Xã Quảng Thịnh

2,690

2,800

3,100

Xã Quảng Chính

6,060

6,400

6,900

Tổng hợp 3 vùng

Bảng 23: Tổng hợp dự báo dân số huyện Hải Hà

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

2014

2020

2030

Tổng số dân huyện Hải Hà

người

58.524

87.000

144.000 - 156.000

1

Vùng I

người

30.165

56.000

110.000 - 120.000(*)

2

Vùng II

người

3.352

5.000

6.000 - 8.000

3

Vùng III

người

25.459

26.000

28.000

Nhận xét: trường hợp đột biến Vùng I dân số có thể tăng lên 120.000 người. Cần bố trí thêm quỹ đất dự trữ phát triển để đảm bảo nhu cầu khi dân số tăng cao; Giai đoạn đến 2030, do các loại hình phát triển sản xuất công nghệ cao được áp dụng, có thể giảm số lượng lao động, dân số có thể đạt ngưỡng thấp hơn tính toán vào khoảng 125.000 người. Đến năm 2050 và ngoài 2050: dân số ổn định ở mức 230.000 - 250. 000 người

Kết luận: dự báo dân số huyện Hải Hà:

- Đến năm 2020: dân số khoảng 87.000 người, dự phòng trường hợp tăng cao khoảng 100.000 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 50.000 - 55.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50 - 55%;

- Đến năm 2030: dân số khoảng 125.000 - 156.000 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 80.000 - 90.000 người, tỷ lệ độ thị hóa khoảng 64 - 72%.

III.4.3. Dự báo lao động

a. Hiện trạng lao động

Lực lượng lao động tương đối dồi dào: năm 2014 tổng số lao động của huyện  34.937 người. Trong đó lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tới 70,94%; 22,38% lao động làm việc trong các ngành thương mại - dịch vụ và 6,69% trong các ngành công nghiệp - xây dựng. Tốc độ tăng trưởng lao động (2005 - 2014) khoảng 3,2%/năm.

Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp thuộc huyện Hải Hà còn cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 34%

b. Dự báo phát triển

Tổng cầu lao động trong nền kinh tế của một quốc gia được xác định bằng phương pháp “hệ số co giãn việc làm”. Một trong những phương pháp khá thông dụng trong kinh tế lao động là dự báo nhu cầu lao động căn cứ vào hệ số co giãn việc làm (dùng hàm tương quan giữa tăng trưởng lao động và tăng trưởng kinh tế). Hệ số co giãn việc làm thể hiện tốc độ của tăng trưởng lao động so với tốc độ tăng trưởng của GDP (đầu ra), được tính theo công thức.

L = (TLĐ/TGDP) * (GDP/L); Trong đó:

L :  Tổng số lao động; TLĐ: Tốc độ tăng lao động.

TGDP: Tốc độ tăng GDP; GDP : Tổng thu nhập quốc dân.

Đối với nhu cầu lao động trên toàn quốc trong giai đoạn dự báo được tính toán trên cơ sở cứ 1% tăng trưởng kinh tế thì số lao động cần tăng thêm từ 0,38% (2011-2015) và 0,32% (2016-2020); 0,28% (2021 - 2030).

Huyện Hải Hà với quá trình CNH-HĐH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 sẽ diễn ra nhanh hơn. Do vậy đóng góp của lao động vào tăng trưởng kinh tế cầu lao động trong nền kinh tế giai đoạn (2011-2015; 2016-2020; 2021-2030) được dự báo với tốc độ GDP là 1% thì tốc độ tăng lao động là 0,30%/năm giai đoạn 2011-2015; 0,52%/năm giai đoạn 2016-2020 và 0,32%/năm giai đoạn 2021-2030.

Như vậy: Để thực hiện các mục tiêu đề ra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện, nhu cầu lao động của huyện năm 2015 là 33.600 người; năm 2020 là 53.600 người và năm 2030 là 87.400 người. Với lượng lao động này huyện Hải Hà sẽ đáp ứng được về số lượng, tuy nhiên chưa đáp ứng được về chất lượng do vậy trong những năm tới huyện cần phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực.

Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%, năm 2020 đạt 65% và năm 2030 đạt trên 80%.

Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự kiến sau 2015 lao động của huyện sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông lâm thủy sản. Đến năm 2020 cơ cấu lao động ngành nông lâm thủy sản giảm xuống còn 30%; lao động ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 38% và lao động ngành dịch vụ chiếm 32%. Đến năm 2030 cơ cấu lao động các ngành tương ứng là: 15%; 48%; 37%.

Bảng 24: Dự báo nhu cầu lao động đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2005-
2014

2015

2016-
2020

2021-2030

1

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm

%

12,7

13,7

18,8

15,7

2

Tốc độ tăng trưởng lao động

%

3,0

4,1

9,8

5,0

3

Lao động trong các ngành KTQD

Người

29.783

33.600

53.600

87.400

-

Lao động nông lâm, thuỷ sản

23.420

20.160

16.080

13.110

-

Lao động công nghiệp - xây dựng

1.546

5.040

20.368

41.952

-

Lao động dịch vụ

4.817

8.400

17.152

32.338

4

Cơ cấu lao động theo ngành

%

100

100

100

100

-

Lao động nông lâm, thuỷ sản

78,6

50

30

15

-

Lao động công nghiệp – xây dưng

5,2

22

38

48

-

Lao động dịch vụ

16,2

28

32

37

5

Tỷ lệ lao động qua đào tào

26,14

35

65

80

6

Giải quyết việc làm

1.300

1.800

2.800

III.4.4. Dự báo nhu cầu sử dụng đất

a. Dự báo nhu cầu sử dụng đất Vùng I - Khu trung tâm động lực phát triển

Xác định tiêu chuẩn đất xây dựng đô thị: Căn cứ vào khả năng quỹ đất, hiện trạng sử dụng đất của khu vực quy hoạch, Quy chuẩn xây dựng Viêt Nam được ban hành theo quyết định số 04/2008/QĐ-BXD, ngày 03 tháng 4 năm 2008 và hướng dẫn áp dụng định mức sử dụng đất trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kèm theo công văn số 5763/BTNMT-ĐKTK ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qui mô đất xây dựng đô thị được xác định như sau:

- Khu vực thành thị: Theo dự báo năm 2020 đô thị Quảng Hà quy mô dân số đô thị tương đương đô thị loại IV và năm 2030 tương đương đô thị loại III.

- Đất xây dựng đô thị: Đất dân dụng: ≥ 78 m2/ người; Đất ngoài dân dụng: (dựa nhu cầu thực tế).

Hiện trạng  đất xây dựng đô thị : 1.578,1ha. Trong đó:

   + Đất dân dụng : 565,6ha, bình quân 148,5 m2/người.

   + Đất ngoài dân dụng : 1.012,5ha.

Dự báo 

Bảng 25: Bảng chỉ tiêu kinh tế

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2014

2020

2030

1

Chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng đô thị

145,99

132

111

a

Đất đơn vị ở

m2/ng

101,4

87,5

67,5

b

Đất công trình công cộng đô thị

m2/ng

7,03

8,5

8,5

c

Đất cây xanh TDTT.

m2/ng

6,46

8,0

10,0

d

Đất giao thông đô thị

m2/ng

31,1

28,0

25

2

Chỉ tiêu đất XD khu dân cư N.thôn

a

Đất xây dựng khu dân cư

m2/ng

119

111

111

- Năm 2020 : nhu cầu đất xây dựng đô thị: 3.126,76 ha. Trong đó:

   + Đất dân dụng : 396 ha, bình quân 132 m2/người.

   + Đất ngoài dân dụng : 2.730,76 ha.

- Năm 2030: nhu cầu đất xây dựng đô thị:  7.384,58 ha. Trong đó:

   + Đất dân dụng: 1.218 ha, bình quân 111 m2/người.

   + Đất ngoài dân dụng 6.219,08 ha.

b/ Đất khu vực nông thôn

Chỉ tiêu đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn:

   + Tại 8 xã Hải Hà:

   - Dự báo quy hoạch, chỉ tiêu đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn 91,0 - 117,0 m2/người, trong đó:

   + Đất xây dựng nhà ở và lô đất gia đình: 75 - 95 m2/người.

   + Đất xây dựng công trình công cộng: 3,0 m2/người,

   + Đất làm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đầu mối: 9,0 - 10,0 m2/người,

   + Cây xanh công cộng 2,0 - 3,0 m2/người

   + Đất tiểu thủ công nghiệp nông thôn 8,0 - 11,0 m2/người.

b. Nhu cầu đất xây dựng Vùng II - Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Theo dự báo năm 2020 đô thị Bắc Phong Sinh có quy mô dân số đô thị tương đương đô thị loại V.

Bảng 26: Bảng chỉ tiêu kinh tế

STT

Chie tiêu

Đơn vị tính

2014

2020

2030

1

Chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng đô thị

125

a

Đất đơn vị ở

m2/ng

80

b

Đất công trình công cộng đô thị

m2/ng

7

c

Đất cây xanh TDTT.

m2/ng

13

d

Đất giao thông đô thị

m2/ng

25

2

Chỉ tiêu đất XD khu dân cư N.thôn

a

Đất xây dựng khu dân cư

m2/ng

109

127

105

Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị 

- Đất xây dựng đô thị: Đất dân dụng: ≥ 78 m2/ người; Đất ngoài khu dân dụng: (cần dựa vào nhu cầu thực tế)

Năm 2030: Nhu cầu đất xây dựng đô thị: 877,46 ha, trong đó:

+ Đất dân dụng: 70 ha, bình quân 125 m2/người.

+ Đất ngoài dân dụng:  807.46 ha.

Bảng dự báo nhu cầu sử dụng đất Vùng II

Dự báo đất khu vực nông thôn: chỉ tiêu đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn 105 - 127 m2/người, trong đó:

   + Đất xây dựng nhà ở và lô đất gia đình: 75 - 95 m2/người.

   + Đất xây dựng công trình công cộng: 5 m2/người,

   + Đất làm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đầu mối: 10 - 15 m2/người,

   + Cây xanh công cộng 5,0 m2/người

   + Đất tiểu thủ công nghiệp, du lịch nông thôn 12 - 18 m2/người.

c. Dự báo nhu cầu sử dụng đất Vùng III - Khu vực các xã nông thôn (06 xã nông thôn mới)

Chỉ tiêu đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn: Đất khu dân cư nông thôn 78,2 m2/người.

Dự báo quy hoạch, chỉ tiêu đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn 93 – 108 m2/người, trong đó:

   + Đất xây dựng nhà ở và lô đất gia đình: 90 - 100 m2/người.

   + Đất xây dựng công trình công cộng: 5 m2/người,

   + Đất làm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đầu mối: 10 - 15,0 m2/người,

   + Cây xanh công cộng : 5,0 m2/người

d. Tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng đất và hoạch định cơ bản cơ cấu sử dụng đất huyện Hải Hà như sau:

- Đất ở đô thị: Đến năm 2020 khoảng 400 - 450 ha; Đến năm 2030 khoảng 1.150 - 1.200 ha; Đất ở nông thôn: Đến năm 2020 khoảng 400 - 410 ha; Đến 2030 khoảng 420 - 450 ha;

- Đất khu, cụm công nghiệp: Đến năm 2020 khoảng 3.400 ha; Đến năm 2030 khoảng 5.170 - 5.250 ha;

- Đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ: Đến năm 2020 khoảng 1.400 - 1.450 ha; Đến 2030 là: 1.800 - 1.900 ha;

- Đất sản xuất nông, lâm, nghiệp: Đến năm 2020 khoảng 38.500 - 40.000 ha; Đến năm 2030 khoảng 33.500 - 40.000 ha. Mặt nước chuyên dùng khoảng 1.900 - 2.000 ha.

IV.CHƯƠNG IV - ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN

IV.1. Mô hình phát triển không gian

IV.1.1. Nguyên tắc phát triển không gian vùng

Hài hòa với điều kiện tự nhiên, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và tỉnh Quảng Ninh. Phát huy được các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh, tăng cường khả năng liên kết, chia sẻ, hỗ trợ với các khu vực Móng Cái , Đầm Hà, Bình Liêu để tạo thành khu vực phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Việt - Trung; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng biên giới của quốc gia trên bộ và trên biển. Cụ thể hóa định hướng phát triển: “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”; “kết nối vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế”;

Phát triển kinh tế, hạ tầng đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường. Ngoài công nghiệp, đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, du lịch, nông nghiệp gắn với sản xuất mang hàm lượng công nghệ cao theo định hướng Bền vững - Hiện đại - Sáng tạo - An toàn, nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu riêng cho khu vực.

IV.1.2. Khung cấu trúc thiên nhiên

Huyện Hải Hà có 4 vùng thiên nhiên như sau:

- Vùng rừng núi cao: bao gồm vùng rừng núi thuộc các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Thành, một phần Quảng Thịnh và Đường Hoa là khu vực có cảnh quan đẹp, địa hình phúc tạp, hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng.Ưu tiên phát triển các phát triển kinh tế rừng như trồng rừng, phát triển các loại rừng chuyên dụng, trồng trè, khai thác du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm, phát triển một số cụm dịch vụ phân tán phục vụ du lịch. Tuy nhiên cần lưu ý phát triển tránh ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên sãn có, có những giải pháp kỹ thuật phòng tránh thiên tai, sạt lở.

- Vùng đồng bằng ven biển: Bo gồm một phần các xã Đường Hoa, Tiến Tới, Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Tháng, là khu vực có quỹ đất, có cảnh quan biển, nằm tiếp giáp với những vùng cảnh quan tự nhiên giữa rừng và biển, ưu tiên phát triển công nghiệp, cảng biển, đô thị tập trung mật độ trung bình và cao. Là khu vực chịu trực tiếp của lũ, lưu ý khi tập trung xây dựng nên để lại những hành lang lớn ven các tuyến sông.

- Vùng sinh thái ngập mặn: là khu vực lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng, ưu tiên khai thác hình thành các điểm dịch vụ, ở kết hợp du lịch tập trung xây dựng cục bộ với quy mô nhỏ. Phát triển Hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung theo phương thức công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó: Khu thủy sản Quảng Minh: Bố trí tập trung khu đất Thủy sản mật độ cao để hướng tới liên kết với nhà máy chế biến thủy sản trong KCN Hải Yên. Khu thủy sản Quảng Phong: Bố trí tập trung khu đất Thủy sản mật độ cao để hướng tới liên kết với nhà máy chế biến thủy sản trong KCN phía Tây Đầm Hà.

- Vùng biển đảo: ưu tiên phát triển các ngành nuôi trông thủy hải sản, đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế biển. Khu vực xã đảo Cái Chiên phát triển du lịch sinh thái đảo. Không phát triển xây dựng tập trung cao.

IV.1.3. Các trục hành lang, liên kết gắn với khung cấu trúc giao thông

Không gian huyện Hải hà được định hình dựa trên hệ thống cấu trúc giao thông liên vùng, có vai trò kết nối các vùng chức năng liên vùng, và các trung tâm kinh tế vùng Huyện, hình thành nên các trục, hàng lang phát triển kinh tế đặc thù. Cụ thể như sau:

- Các trục hành lang kinh tế kỹ thuật Đông - Tây:

+ Hành lang Phát triển kinh tế cửa khẩu: dựa vào tuyến đường tuần tra biên giới TL 341, phát triển, kết nối hệ thống các khu kinh tế của khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh, Móng Cái.

+ Hành lang Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa: dựa vào tuyến kết nối TL340 và TL341, khai thác lợi thế sẵn có hình thành các điểm, cụm dân cư, kết hợp phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ trên núi như khu trung tâm xã Quảng Sơn gắn với khu du lịch sinh thái hồ Trúc Bài Sơn, vùng rừng bảo tồn kết hợp khai thác du lịch và cụm trung tâm xã Quảng Đức…, về phía Đông liên kết với khu du lịch sinh thái hồ Tràng Vinh, về phía Tây liên kết các khu, điểm du lịch sinh thái rừng huyện Đầm Hà, tạo ra chuỗi khu, điểm du lịch vùng phía Đông tỉnh Quảng Ninh.

+ Hành lang Kinh tế kỹ thuật Quốc gia (Cao tốc Hạ Long - Móng Cái và Quốc lộ 18): Ngoài chức năng liên kết vùng, kết nối các khu chức năng quan trong, đối với huyện Hải Hà là hành lang kết nối, phát triển hệ thống đô thị, các trung tâm vùng xã bámdọc tuyến tránh QL18 với hệ thống các điểm trung tâm xã Đường Hoa, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Thành có vai trò trung tâm tiểu vùng, hỗ trợ các khu chức năng ven biển Hải Hà.

+ Hành lang kinh tế biển (đường ven biển): Kết nối các khu đô thị, công nghiệp ven biển với toàn bộ các trung tâm động lực lớn của tỉnh như Hạ Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Tận dụng lợi thế từ tuyến hành lang qua Huyện, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch như khu vực Đường Hoa - Tiến Tới, khu đô thị Quảng Phong, thị trấn Quảng Hà mở rộng với các trung tâm công nghiệp, cảng biển, các khu đô thị Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Thắng.

+ Hành lang du lịch sinh thái Biển - Đảo là: Trà Cổ - Vĩnh Thực - Vĩnh Trung - Cái Chiên - Vân Đồn - Hạ Long: tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch đảo Cái Chiên

- Các trục liên kết Bắc - Nam:

+ Trục kết nối phía Đông: phát triển dựa vào tuyến ĐT 341 kết nối đô thị Quảng Hà mở rộng, qua khu trung tâm Quảng Đức (trung tâm TTCN, logicstic cấp vùng) và nối với Trung Quốc qua đô thị cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

+ Trục ven sông Tài Chi, kết nối trung tâm thị trấn Quảng Hà, KCN Hải Hà với vùng du lịch núi ( nhân lõi là KDL hồ Trúc bài Sơn) và nối thẳng lên tuyến đường tuần tra biên giới

+ Trục kết nối phía Tây Huyện: Nối kết trung tâm du lịch sinh thái Biển Đường Hoa - Tiến Tới với trung tâm du lịch núi Quảng Sơn- Trúc bài Sơn, qua khu vực rừng tự nhiên thuộc xã Quảng Sơn và kết nối với khu cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn.

Description: SO DO CAU TRUC KHONG GIAN-RESIZE.jpg

Sơ đồ khung cấu trúc phát triển vùng

IV.2. Phân vùng kiểm soát quản lý phát triển

IV.2.1. Phân vùng sản xuất

Vùng kinh tế phía Bắc:

- Gồm 6 xã trong đó có 2 xã miền núi (Quảng Đức, Quảng Sơn) và 4 xã trung du (Đường Hoa, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Chính). Là vùng miền núi, trung du của huyện có mật độ dân số thấp, tiềm năng đất sản xuất nông lâm nghiệp còn lớn. Do địa hình bị chia cắt mạnh nên đi lại khó khăn, có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp. Dựa vào địa hình và phát triển kinh tế, vùng này có thể chia thành 2 tiểu vùng nhỏ:

- Tiểu vùng cao: Phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, đẩy mạnh khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả và cây dược liệu như ba kích, phát triển chăn nuôi trâu bò (trong đó xây dựng khu chăn nuôi bò sữa quy mô 30 ha). Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh phát triển dịch vụ xuất-nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, vận tải và các ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho kinh tế biển, phát triển đô thị.

- Tiểu vùng trung du: vùng sản xuất nông sản hàng hoá như chè, cây ăn quả, trong vùng sẽ xây dựng một số trung tâm cụm xã làm điểm hội tụ về văn hoá, trao đổi khoa học kỹ thuật, cầu nối với vùng ven biển, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vùng kinh tế phía Nam:

- Gồm 9 địa phương nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái: Khu công nghiệp-cảng biển Hải Hà (bao gồm 4 đơn vị hành chính là các xã: Quảng Điền, Quảng Phong, Phú Hải và xã Cái Chiên); thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung và xã Tiến Tới.

- Phát triển Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà để đáp ứng nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

- Phát triển dịch vụ: Khai thác có hiệu quả dịch vụ trung tâm thị trấn Quảng Hà gắn chặt với sự phát triển Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà.

- Phát triển kinh tế biển và hải đảo: Hướng phát triển chính là khai thác hải sản, tận dụng bãi triều để nuôi trồng thuỷ hải sản theo phương thức thâm canh hoặc bán thâm canh kết hợp trồng rừng ngập mặn.

- Tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển chăn nuôi lợn, nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

IV.2.2. Phân vùng phát triển tổng thể

Phân vùng phát triển đảm bảo hướng tới một không gian kinh tế xanh, đô thị xanh; bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, hiệu quả trong khai thác các tiềm năng thế mạnh của khu vực để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạnh KCN Hải Hà, đồng bộ với các khu đô thị mới Hải Hà ở phía Đông thị trấn Hải Hà. Phía Nam ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái cao cấp. Phía Bắc là KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh và phía Tây cần duy trì phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu lớn cho KKT cửa khẩu Móng Cái.

Vùng huyện Hải Hà phân thành 03 khu vực phát triển như sau:

Vùng I - Vùng Trung tâm phát triển kinh tế động lực: Khu vực thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Phú Hải, Quảng Trung, Quảng Điền, Quảng Phong, Cái Chiên (khu vực nằm trong không gian Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái). Diện tích khoảng 35.287,70 ha (chiếm 51,13% diện tích tự nhiên của toàn huyện, 29,12% diện tích tự nhiên của KKTCK Móng Cái). Phát triển các khu chức năng chính sau:

+ Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà: Khu vực phát triển năng động và bền vững, là tổ hợp khu công nghiệp - cảng biển - dịch vụ;

+ Khu vực thị trấn Quảng Hà hiện hữu nâng cấp, cải tạo;

+ Các khu vực Quảng Minh - Quảng Thắng, Quảng Trung - Phú Hải, Quảng Điền, Quảng Phong và Quảng Thành:  hình thành các khu đô thị hỗ trợ, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái biển.

+ Khu vực xã đảo Cái Chiên: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, liên kết với các khu du lịch khác trong vùng, đảm bảo gìn giữ và phát huy giá trị thiên nhiên.

Vùng II - Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh: nằm trên địa bàn xã Quảng Đức, diện tích 9.404,79 ha, có chiều dài đường biên giới với Trung Quốc là 10,439 km trong đó có 9,75 km là sông suối. Định hướng phát triển mới Đô thị dịch vụ thương mại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (tên tạm gọi). Cải tạo nâng cấp trung tâm xã Quảng Đức gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, logistic...

Vùng III - Vùng phát triển nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững: Bao gồm các xã Quảng Sơn, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Tiến Tới, Đường Hoa, Quảng Long, diện tích khoảng 33.726 ha.

Sơ đồ phân vùng phát triển huyện Hải hà

IV.2.3. Định hướng phát triển chức năng Vùng I

Quy Mô: Diện tích khoảng: 17,667.88 ha. Dân số đến năm 2020 khoảng 56.000 người, đến 2030: khoảng: 120.000 người

Ranh giới: 09 đơn vị hành chính của huyện Hải Hà (thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Điền, Quảng Phong, Phú Hải, Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung, Cái Chiên) nằm trong không gian KKTCK Móng Cái

Tính chất – Chức năng: Là Vùng Trung tâm - Động lực phát triển chủ đạo - Trung tâm Công nghiệp - Cảng biển, Dịch vụ Thương mại - Đô thị

Bao gồm các phân khu sau:

1. Khu Công nghiệp - Cảng biển Hải Hà.

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung 4.900-5.000 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 1000-1200 người, tới năm 2030 từ 20.000-22.000 người.

Tính chất, chức năng: là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của Vịnh Bắc Bộ và cả nước, tạo điều kiện phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc thông qua vành đai kinh tế ven biển.

Định hướng không gian:

* Phát triển mô hình công nghiệp 4 trong 1: CÔNG NGHIỆP - ĐÔ THỊ - THƯƠNG MẠI – DU LỊCH

* Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà được tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng để trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của Vịnh Bắc Bộ và cả nước, tạo điều kiện phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc thông qua vành đai kinh tế ven biển

* Khu công nghiệp cảng biển được tổ chức theo nguyên tắc thuận tiện cho phát triển cảng, tiếp cận tốt với hệ thống giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và vùng. Trục đường với mặt cắt lớn, trục chính của Khu công nghiệp – Cảng biển được kết nối với đường cao tốc dọc theo sông Hà Cối đến thẳng khu vực cảng tạo thành hệ thống sương sống chính của khu Công nghiệp – Cảng biển. Trong hành lang tuyến giao thông này còn có hệ thống đường sắt chuyên dùng kết nối với trục đường sắt khổ lớn Hạ Long – Móng Cái.

* Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 15-50%; Tầng cao từ 1-5 tầng

2. Đô thị Quảng Hà

Phát triển đô thị Hải Hà hình thành trên cơ sở đô thị Quảng Hà, mở rộng ra các xã Quảng Trung, Quảng Chính cho giai đoạn trước mắt và phát triển mở rộng lên phía Đông Bắc thêm các xã Quảng Thắng, Quảng Minh và một số khu vực khác cho giai đoạn dài hạn, nhằm kết nối không gian với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Đối với phần lõi đô thị cũ Quảng Hà, cải tạo chỉnh trang, trong giai đoạn tới hình thành việc xây dựng đô thị mới Quảng Hà và Quảng Minh. Sau 2030 hình thành đô thị Trung  tâm mới tại phía Bắc của khu. Đô thị Quảng Hà mở rộng bao gồm các phân khu:

- Khu thị trấn Quảng Hà hiện hữu:

+ Quy mô: diện tích 220 -260 Ha. Dân số tới năm tới năm 2030 khoảng 14.000 - 16.000 người. Xây dựng trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế huyện Hải Hà; Là trung tâm, đầu mối giao lưu phát triển quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

+ Định hướng không gian:

Phát triển và mở rộng trung thị trấn Quảng Hà, lấy sông Hà Cối làm trục cảnh quan chính của đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị cũ, hoàn thiện các quy hoạch đã được duyệt. Ưu tiên phát triển đô thị xanh, lấy yếu tố cảnh quan thiên nhiên làm mục tiêu phát triển.

Hoàn thiện kết nối hệ thống HTKT giữa các khu mới và hiện trạng.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-50%; Tầng cao từ 2-10 tầng.

- Khu đô thị Quảng Minh - Quảng Thắng:

+ Quy mô: diện tích khoảng 1300 - 1400 ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 17.000 - 18.000 người, tới năm 2030 từ 29.000 - 31.000 người. Xây dựng khu đô thị sinh thái - Dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái biển.

+ Tính chất, chức năng: Là khu đô thị mới thuộc đô thị Quảng Hà trong tương lai, thân thiện với môi trường

+ Định hướng không gian:

Phát triển khu đô thị sinh thái mới tại Quảng Minh và Quảng Thắng, hình thành và mở rộng thêm về phía Đông của khu vực Hải Hà. Lấy yếu tố môi trường làm yêu cầu phát triển. Là khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, gắn kết với hệ thống giao thông thủy phục vụ cho phát triển du lịch và KTXH.

Hình thành hệ thống giao thông kết nối hai khu vực Quảng Hà và Quảng Minh, xây dựng thêm tính kết nối giữa hai bên bằng hệ thống cầu cảnh quan, cải tạo cảnh quan hai bên bở sông Hà Cối.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-50%; Tầng cao từ 2-10 tầng

- Khu đô thị Quảng Trung- Phú Hải:

+ Quy mô: diện tích khoảng 260 - 280 Ha. Dân số tới năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 người. Xây dựng Khu đô thị - Dịch vụ Tài chính ngân hàng - Du lịch sinh thái biển.

+ Tính chất, chức năng: Khu đô thị - Dịch vụ Tài chính - Du lịch sinh thái biển.

+ Định hướng không gian:

Mở rộng không gian mở phía bờ sông Hà Cối tạo thành khu cây xanh và công viên ven sông bằng hình thức dịch chuyển toàn bộ các khu chức năng từ bờ sông Hà Cối đến khu công viên văn hoá thể thao về phía Đông.  

Hình thành các khu dịch vụ kết hợp với các bến thuyền du lịch, phát triển khu dân cư mới về phía Tây Nam khu vực suối Khe La, 

Khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển về hướng Tây Nam sát với đường công vụ đi khu vực công nghiệp cảng Biển Hải Hà

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-50%; Tầng cao từ 2-7 tầng

- Khu đô thị Quảng Phong - Quảng Điền:

+ Quy mô: diện tích xây dựng khoảng 800 - 900 Ha. Dân số tới năm 2030 khoảng 31.000 - 33.000 người. Xây dựng Khu đô thị hỗ trợ hoạt động Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, Tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, hàng hóa

+ Tính chất, chức năng: Khu đô thị hỗ trợ hoạt động Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, Tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, hàng hóa

+ Định hướng không gian:

Hình thành các khu dịch vụ kết hợp với các bến thuyền du lịch, phát triển khu dân cư mới 

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-50%; Tầng cao từ 2-7 tầng

- Khu đô thị Quảng Thành:

+ Quy mô: diện tích khoảng 650 - 700 Ha. Dân số tới năm 2030 từ 13.000-14.000 người. Xây dựng đô thị dịch vụ trong rừng, phục vụ dịch vụ du lịch.

+ Tính chất, chức năng: đô thị dịch vụ trong rừng, phục vụ dịch vụ du lịch.

- Ngoài ra, dành quỹ đất dữ trữ phát triển để xây dựng 02 Khu đô thị trong rừng (400 ha và 250 ha), mật độ thấp, bám địa hình, phía Bắc đường cao tốc Hạ Long- Móng Cái và dọc đường QL18. Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 20-25%; Tầng cao từ 1-3 tầng.

3. Khu vực xã đảo Cái Chiên

Quy mô: Dân số khoảng 600 - 1.000 người. Xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Phát triển nông thôn mới gắn với vùng sản xuất ngư nghiệp mang hàm lượng công nghệ cao, tạo ra các mặt hàng đặc sản có tính thương hiệu.

Tính chất, chức năng: Khu du lịch sinh thái, hoang sơ. Phát triển kinh tế nông thôn

Định hướng không gian:

Hình thành các khu vực du lịch sinh thái hoang sơ cao cấp thân thiện với môi trường, đặt yêu cầu hoang sơ cao cấp làm tiêu chí phát triển.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 10-20%; Tầng cao từ 1-2 tầng

4. Các khu vực khác

Bảo tồn hệ sinh thái mặt nước và hệ sinh thái ven biển.

IV.2.4. Định hướng phát triển chức năng Vùng II

Quy mô: Diện tích khoảng: 9.404,79 ha. Dân số đến năm 2020 khoảng 5000 người, đến 2030: khoảng: 8.000 người

Ranh giới: nằm trên địa bàn xã Quảng Đức, có chiều dài đường biên giới với Trung Quốc là 10,439 km trong đó có 9,75 km là sông suối

Tính chất – Chức năng: Đô thị dịch vụ thương mại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (tên tạm gọi). Cải tạo nâng cấp trung tâm xã Quảng Đức gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, logistic..

Bao gồm các phân khu sau:

1. Đô thị cửa khẩu Bắc Phong Sinh:

Phát triển đô thị tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đô thị loại V: Quy mô: diện tích khoảng 400 - 500 ha. Dân số tới năm 2030 từ khoảng 3000 - 4.000 người. Xây dựng đô thị dịch vụ cửa khẩu với đầy đủ các khu dịch vụ thương mại, khu đô thị, cụm công nghiệp, khu dịch vụ kho vận và các khu công viên cây xanh, cảnh quan thiên nhiên.

Tính chất, chức năng: Là khu đô thị dịch vụ cửa khẩu với đầy đủ các khu dịch vụ thương mại, khu đô thị, cum công nghiệp, khu dịch vụ kho vận và các khu công viên cây xanh, cảnh quan thiên nhiên.

Định hướng không gian:

Phát triển thành khu đô thị mới loại V với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho phát triển đô thị và cửa khẩu bền vững.

Bố trí các khu thuế quan, tài chính, chợ buôn bán đấu giá, doanh nghiệp thương mại các sản phẩm Trung Quốc và Việt Nam nhằm hỗ trợ các hoạt động biên mậu.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-50%; Tầng cao từ 2-10 tầng

2. Trung tâm xã Quảng Đức

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 25-40 Ha. Dân số khoảng 4.500-5.500 người

Tính chất, chức năng: Trung tâm dịch vụ hậu cần, kho bãi, dịch vụ phục vụ khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Khu trung tâm hành chính, kinh tế xã hội xã Quảng Đức.

Định hướng không gian:

Phát triển khu vực trung tâm dịch vụ hậu cần với đầy đủ các khu dịch vụ thương mại, khu đô thị, cum công nghiệp, khu dịch vụ kho vận và các khu công viên cây xanh, cảnh quan thiên nhiên.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-40%; Tầng cao từ 2-5 tầng

3. Các khu vực khác

Từng bước xây dựng theo Bộ tiêu chí Quốc gia về chuẩn nông thôn mới.

Bảo tồn hệ sinh thái rừng.

IV.2.5. Định hướng phát triển chức năng Vùng III

Quy Mô: Diện tích khoảng: 24,318.52 ha. Dân số đến năm 2020 khoảng 26.000 người, đến 2030: khoảng: 28.000 người

Ranh giới: Bao gồm các xã Quảng Sơn, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Tiến Tới, Đường Hoa, Quảng Long

Tính chất – Chức năng: Vùng phát triển nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Bao gồm các khu sau:

1. Trung tâm xã Quảng Sơn

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 30-35 Ha. Dân số khoảng 4.400- 4.600 người

Tính chất, chức năng: Trung tâm hành chính, kinh tế xã hội xã Quảng Sơn, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ trên núi

Định hướng không gian: Tận dụng địa hình, cảnh quan dạng lòng chảo có độ dốc phù hợp bố trí các công trình phục vụ du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng… Và tổ chức các Tour tham quan, dã ngoại, nghiên cứu và khám phá thiên nhiên. Mở rộng khu vực trung tâm xã hiện nay, về hướng Đông, dành quỹ đất để bố trí các công trình công cộng văn hóa TDTT

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 10-20%; Tầng cao từ 1-2 tầng.

2. Trung tâm xã Đường Hoa

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 15-20 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 3.900- 4.000 người, tới năm 2030 khoảng 4.200-4.300 người.

Tính chất: phát triển khu vực tập trung xây dựng nhà vư­ờn, sinh thái, hỗ trợ các chức năng còn thiếu cho đô thị Quảng Hà.

Định hướng không gian: Tổ chức không gian chủ đạo là các trục giao thông chính đi qua - là tuyến cảnh quan khu vực. Các khu ở mới được cách ly KCN Hải Hà bởi hành lang cây xanh đảm bảo an toàn, ngăn tiếng ồn cũng như tạo cảnh quan, môi trường trong sạch cho khu đô thị.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 20-30%; Tầng cao từ 2-5 tầng

3. Trung tâm xã Tiến Tới

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 35-40 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 2.400- 2.700 người, tới năm 2030 khoảng 2.700-3.000 người.

Tính chất: phát triển khu vực tập trung xây dựng nhà ở thấp tầng, mật đọ thấp, khu du lịch sinh thái vùng ngập mặn.

Định hướng không gian: Phát triển và bổ sung các trung tâm còn thiếu, bổ xung các hạng mục công trình theo tiêu chuẩn quy phạm. Cải tạo chỉnh trang trụ sở UBND xã hiện có và mở với đầy đủ các chức năng cho trung tâm xã.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 20-30%; Tầng cao từ 2-5 tầng

4. Trung tâm xã Quảng Long

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 30-34 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 5.700- 6.000 người, tới năm 2030 khoảng 6.200-6.300 người.

Tính chất: phát triển khu vực tập trung xây dựng nhà ở thấp tầng, hỗ trợ các chức năng còn thiếu cho khu công nghiệp Hải Hà.

Định hướng không gian: Phát triển và bổ sung các trung tâm còn thiếu, bổ xung các hạng mục công trình theo tiêu chuẩn quy phạm. Quy hoạch tuyến 2 tuyến đường gom hai phía quốc lộ 18A .Phần đất để QH khu trung tâm lấy chủ yếu về phía đường có UBND xã, hướng tiếp cận cho các công trình chủ yếu từ phía trong TT .

Tổ chức trục giao thông chính đấu nối ra QL 18A, phía sát QL18A bố trí khu TDTT, các công trình thương nghiệp, trong trung tâm phía sát UBND

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 25-40%; Tầng cao từ 2-5 tầng

5. Trung tâm xã Quảng Thịnh

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 35-40 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 2.700- 3.000 người, tới năm 2030 khoảng 3.000-3.300 người.

Tính chất: trung tâm hành chính xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn..

Định hướng không gian: Phát triển và bổ sung các trung tâm còn thiếu, bổ xung các hạng mục công trình theo tiêu chuẩn quy phạm.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 20-30%; Tầng cao từ 2-5 tầng.

6. Trung tâm xã Quảng Chính.

Quy mô: diện tích xây dựng tập trung khoảng 20-30 Ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 6.400- 6.600 người, tới năm 2030 khoảng 6.900-7.000 người.

Tính chất: trung tâm hành chính xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn..

Định hướng không gian: Phát triển và bổ sung các trung tâm còn thiếu, bổ xung các hạng mục công trình theo tiêu chuẩn quy phạm.

Quy định chỉ tiêu: Mật độ xây dựng từ 20-30%; Tầng cao từ 2-5 tầng.

7. Các khu vực khác.

Từng bước xây dựng theo Bộ tiêu chí Quốc gia về chuẩn nông thôn mới.

Bảo tồn hệ sinh thái mặt nước và hệ sinh thái ven biển.

IV.3. Phân bố các không gian phát triển gắn với định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu

IV.3.1. Quy hoạch các công trình thương mại.

a) Trung tâm thương mại cấp vùng:

Khai thác có hiệu quả hai trung tâm thương mại tại Thị trấn Quảng Hà và thương mại mậu dịch biên giới Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đồng thời phát triển dịch vụ gắn chặt với phát triển KCN- cảng biển Hải Hà.

   b) Trung tâm thương mại cấp đô thị

Thị trấn Hải Hà và các khu đô thị: Cải tạo, nâng cấp và xây mới mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... đồng bộ, hiện đại với với số lượng và quy mô căn cứ theo quy mô dân số. Hình thành các tuyến và trục phố thương mại.

Khu vực nông thôn: Cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ truyền thống, chú trọng đầu mở rộng các khu vực thu mua nông sản. Hình thành mạng lưới trung tâm mua sắm - thương mại dịch vụ tổng hợp,

Nâng cấp chợ trung tâm Hải Hà trên đường Hoàng Hoa Thám quy mô 1,6ha; Phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ, th­ương mại, tài chính, ngân hàng tập trung tại khu vực đô thị Hải Hà tiếp cận khu công nghiệp cảng Biển.

Trung tâm dịch vụ th­ương mại cửa khẩu Bắc Phong Sinh nhằm phát triển KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh trở thành một cửa khẩu đầu mối giao thương hàng hóa đa chức năng; trung tâm giao dịch thương mại, bán buôn, bán lẻ; trung tâm thu phát hàng xuất nhập khẩu; trung tâm thanh toán biên mậu.

Xây dựng trung tâm DVTM đô thị Đư­ờng Hoa

 Xây dựng mới và nâng cấp chợ trung tâm cụm xã, bố trí hệ thống cửa hàng đại lý ở các xã, quy hoạch phát triển các chợ nông thôn: Quảng Long, Đường Hoa, Quảng Điền, chợ Bắc Phong Sinh, chợ Cái Chiên...

Xây dựng mới Trung tâm thương mại Hải Hà tại trung tâm Quảng Hà và xây dựng hệ thống siêu thị ở khu đô thị mới Quảng Minh, xây dựng 1 số chợ ở các xã miền núi, phấn đấu đến năm 2020 có 70-80% số xã, thị trấn của huyện có chợ.

Xây dựng Trung tâm thương mại mới tại khu dịch vụ cảng biển để phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nội khu đô thị mới. Đầu tư xây dựng khu dịch vụ (bãi đỗ xe, kho chứa hàng, cửa hàng thương mại) tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh từ nguồn thu để lại.

Xây dựng cửa hàng kiêm kho tại các xã miền núi Quảng Đức, Quảng Sơn để phục vụ đời sống đồng bào dân tộc.

Hoàn thiện các hạng mục chợ theo Quyết định số 3340/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh v/v phê duyệt: “Điều chỉnh, bổ xung Quy hoạch phát triển hệ thống chợ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” như sau:

TT

Tên chợ

Địa chỉ

Hạng chợ

Diện tích
(m2)

Định hướng pháttriển

Ghi chú

2015 - 2020

Sau 2020

Huyện Hải Hà (9 chợ)

71.981

A

Danh sách các chợ hiện có (Giữ nguyên) 01 chợ

1

Chợ Bắc Phong Sinh

Xã Quảng Đức

3

3.000

2

Chợ TT Hải Hà (mới)

Thị trấn QuảngHà

1

15.600

B

Danh sách các chợ hiện có (Nâng cấp, cải tạo) 03

1

Chợ Đường Hoa

Xã Đường Hoa

3

3.000

x

2

Chợ Quảng Đức

Xã Quảng Đức

3

3.000

x

3

Chợ Quảng Sơn

Xã Quảng Sơn

3

3.000

x

C

Danh sách các chợ hiện có (Di chuyển) 01 chợ

1

Chợ Trung tâm Hải Hà (cũ)

Thị trấn Quảng Hà

Di chuyển để xây dựng Công viên cây xanh. Vị trí di chuyển sang chợ Quảng Trung hoặc chợ Trung tâm Hải Hà mới

D

Danh sách các chợ xây mới 04 chợ

1

Chợ Quảng Long

Xã Quảng Long

3

3.000

x

2

Chợ Quảng Thành

Xã Quảng Thành

3

14.481

x

3

Chợ Quảng Trung

Xã Quảng Trung

1

11.900

x

4

Chợ Cá Quảng Minh

Xã Quảng Minh

3

15.000

x

IV.3.2. Quy hoạch các khu - cụm công nghiệp

a) Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà:

Về chủ trương xây dựng KCN – Cảng biển Hải Hà:

Ngày 23/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, Tỉnh Quảng Ninh với quy mô diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích khu công nghiệp Hải Hà khoảng 3.900 ha.

Kết luận số 47-KL/TW ngày 06/05/2009 của Bộ Chính trị “Đồng ý với chủ trương xây dựng thành phố Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế, hiện đại và gắn với KCN-cảng biển Hải Hà để xây dựng thành một khu đô thị lớn Hải Hà – Móng Cái với nhiều chức năng trong tương lai và phát triển thành một trung tâm công nghiệp cảng biển, trung tâm tài chính, khu mậu dịch tự do hiện đại”.

Tính chất:

Phát triển khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà để đáp ứng nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nặng và sản xuất công nghệ cao; xây dựng cảng tổng hợp, cảng nước sâu, cảng chuyên dụng; hệ thống kho cảng chuyên dụng xuất nhập khẩu xăng dầu; công nghiệp vật liệu xây dựng; các ngành công nghiệp phù trợ và hệ thống cảng tổng hợp phục vụ khu công nghiệp.

Phạm vi ranh giới và diện tích:

Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà nằm trong phạm vi ranh giới hành chính của 5 xã (xã Quảng Điền, xã Quảng Phong, xã Phú Hải, xã Tiến Tới và xã Cái Chiên). Cho tới năm 2030, sẽ đạt quy mô 1750 ha và lên 4.988 ha vào năm 2050.

Chức năng.

Kết hợp với Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành cụm kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc Tỉnh Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ;

Tạo mối liên kết phát triển với các trung tâm kinh tế của Tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái, Vân Đồn trong vành đai khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và Nam Trung Quốc;

Hình thành, phát triển một trong những trung tâm dịch vụ cảng biển, vận tải biển lớn tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và miền Bắc trong giao thương quốc tế.

Là cửa ngõ giao thương, tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại của cả nước với Trung Quốc, khai thác thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc.

Bảng 27: Dự kiến các khu chức năng tại KCN hải Hà

TT

Danh mục

Diện tích (ha)

Công suất dự kiến

Nhu cầu lao động (ng)

Ghi chú

1

Hoá dầu, hoá than, công nghiệp phụ trợ

707

290,6

0,8-1,0 Tr.T/n

1200

416,4

1,2-1,5 Tr.T/n

1700

2

Công nghiệp phụ trợ

765,62

608,12

15200

157,5

3900

3

Nhà máy đóng tàu

530,1

12*320.000T/n

10600

4

Nhà máy luyện cán thép

464,6

6000

5

Nhà máy nhiệt điện

202,3

1800MW

6600

6

Bãi quặng

110,9

100

7

Cây xanh

367,47

7.1

Cây xanh - mặt nước

292,4

137,3

155,1

7.2

Cây xanh cách ly

75,07

31,08

43,99

8

Giao thông

598,06

Tổng cộng

3.746,0

45.300

b) Quy hoạch cụm công nghiệp

Căn cứ Quyết định 4178/QĐ-UBND ngày 29/12/2011 của UBND Tỉnh Quảng Ninh về việc duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp huyện Hải Hà giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định 1362/QĐ-UBND ngày 12/5/2010 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” trên địa bàn huyện hình thành cụm công nghiệp Quảng Phong:

Đến năm 2015: Xây dựng mới cụm công nghiệp xã Quảng Phong: quy mô 50 ha tại xã Quảng Phong. Dự kiến định hướng bố trí ngành nghề sau: Xây dựng xí nghiệp thủy sản xuất khẩu, công suất 600 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, công suất 3.000 tấn sản phẩm /năm. Nhà máy chế biến chè, công suất 3 - 5 tấn búp tươi/ngày. Nhà máy sản xuất gạch không nung.

Đến năm 2020, định hướng đến 2025: Mở rộng cụm công nghiệp xã Quảng Phong (giai đoạn 2) tại xã Quảng Phong, quy mô 20 ha, dự kiến định hướng các ngành nghề sau: Chế biến hải sản; dịch vụ tổng hợp; công nghiệp phụ trợ.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050. Trên địa bàn huyện Hải Hà hình thành cụm công nghiệp Quảng Đức: Đến năm 2030 xây dựng cụm công nghiệp Quảng Đức, quy mô 20 ha; Nguyên liệu gỗ, nông sản thu hoạch được tại huyện Hải Hà được tập trung ở cụm công nghiệp này và sản xuất các sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến dự kiến có giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm được làm ra sẽ được vận chuyển tới Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường QL18B; đồng thời có khu công nghiệp tiếp giáp liên kết với đường cao tốc, do đó có thể vận chuyển đi toàn lãnh thổ Việt Nam hoặc đi Trung Quốc qua Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Ngoài khu, cụm công nghiệp nêu trên; quá trình phát triển sẽ căn cứ theo điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội có thể nghiên cứu, bố trí thêm các cụm công nghiệp với quy mô phù hợp tại Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh và các khu vực khác để bảo đảm nhu cầu, hoạt động sản xuất.

IV.3.3. Quy hoạch mạng lưới du lịch

Định hướng của ngành du lịch Hải Hà là đón được 15.000 lượt khách năm 2010 và 40.000-60.000 lượt khách sau năm 2015, trong đó 50% là khách du lịch Quốc tế.

Xây dựng 2 trung tâm du lịch cấp quốc gia ở khu vực Suối Tiên xã Quảng Đức và du lịch biển đảo tại xã Cái Chiên và các đảo lân cận, kết hợp với tuyến du lịch biển đảo Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và tuyến du lịch Trung Quốc, Bắc Phong Sinh xã Quảng Đức giao nhau tại Cái Chiên.

Xây dựng khu du lịch sinh thái núi hồ Trúc Bài Sơn, quy hoạch hồ Trúc Bài Sơn trở thành điểm du lịch trọng điểm của huyện tạo thành điểm vui chơi, giải trí của nhân dân trong và ngoài huyện.

Hình thành tuyến du lịch Biển Đảo cụ thể là: Trà Cổ - Vĩnh Thực – Vĩnh Trung – Cái Chiên – Vân Đồn – Hạ Long. Đầu tư phát triển tuyến du lịch biên giới Bình Liêu – Hải Hà – Móng Cái kết nối ba cửa khẩu Hoành Mô – Bắc Phong Sinh – Móng Cái (kết hợp mua sắm).

Tập trung đầu tư cải tạo các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận tải đủ điều kiện phục vụ du khách trong và ngoài nước. Xây dựng, nâng cấp một số khách sạn và nhà nghỉ quy mô thích hợp, trong đó có một số khách sạn quy mô vừa phải, trang bị hiện đại để phục vụ khách Quốc tế đến liên doanh sản xuất và tìm hiểu đầu tư, kết hợp tham quan du lịch. Dự kiến trong giai đoạn tới phát triển mở rộng loại hình dịch vụ này bám theo trục đường Quốc lộ 18A.

IV.3.4. Các khu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Quan Điểm:

- Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hang hóa huyện Hải Hà đến năm 2020 phải phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực của huyện.

- Tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu KHCN, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Phát huy và sử dụng tốt mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh, hiệu quả và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Mục tiêu:

Xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hang hóa tập trung, chuyên canh bền vững, ưu tiên phát triển những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lơi thể, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ  trong và ngoài huyện; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mặt nước, lao động, nguồn vốn.

Ổn định và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Góp phần hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Quy hoạch phát triển:

- Lĩnh vực trồng trọt:

+ Vùng trồng lúa chất lượng, thâm canh: Tổng diện tích quy hoạch: 520 ha. Địa bàn quy hoạch: Xã Quảng Điền: 60 ha (các thôn 2,3,4); Xã Quảng Thành: 60 ha( Thôn Hải Tiến, Hải Thành);Quảng Chính: 100 ha ( Các thôn: 1,3,5,6,7,9,10); Xã Đường Hoa: 10 ha (Các thôn: 2,3,4,5,6,9); Xã Quảng Long: 80 ha ( Các thôn: 1,5,6); Xã Quảng Phong: 60 ha ( Các thôn: 4,5,6,7,8,9); Xã Quảng Thịnh: 40 ha ( thôn 1)

+ Vùng trồng ngô thâm canh: Tổng diện tích quy hoạch: 356 ha. Địa bàn quy hoạch: Xã Quảng Điển: 95 ha ( các thôn 3,4); Xã Quảng Chính: 70 ha ( các thôn 4,6); Xã Quảng Phong: 110 ha ( các thôn 2, 3,5); Xã Quảng Minh: 90 ha ( các thôn 5,6)

+ Vùng trồng rau an toàn:  Tổng diện tích quy hoạch: 95 ha. Địa bàn quy hoạch: Xã Quảng Chính 25 ha ( các thôn 2); Xã Quảng Minh 45 ha ( các thôn 3,4); Xã Quảng Trung 25 ha ( các thôn 1,2)

+ Vùng trồng mía thâm canh: Tổng diện tích quy hoạch: 150  ha. Địa bàn quy hoạch: xã Quảng Chính 150 ha ( Các thôn 1,2,3,5,9, 10)

+ Vùng trồng chè: Tổng diện tích quy hoạch: 1365 ha. Địa bàn quy hoạch: Xã Quảng Đức 140 ha,  xã Quảng Thịnh 160 ha, xã Quảng Sơn 460 ha, xã Quảng Long 420 ha, xã Quảng Phong 185 ha.

+ Vùng trồng cây ăn quả: Tổng diện tích quy hoạch: 350 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Quảng Đức 60 ha, Quảng Thành 80 ha, xã Quảng Sơn 100 ha, xã Đường Hoa 50 ha, xã Quảng Phong 60 ha.

- Lĩnh vực chăn nuôi:

+ Vùng chăn nuôi bò chất lượng cao. Tổng diện tích quy hoạch: 200 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Quảng Sơn ( các thôn 4, Bản Cấu Phùng)

+ Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: Tổng diện tích quy hoạch: 398 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Quảng Đức (60ha), xã Quảng Thịnh (40ha), xã Quảng Sơn (65ha), xã Đường Hoa (20ha), xã Quảng Chính (20ha), xã Quảng Long (33ha), xã Quảng Điền (10ha), xã Quảng Phong (100ha), xã Quảng Minh (5ha), xã Quảng Thắng (20ha), xã Quảng Thành (20ha), xã Cái Chiên (5ha).

- Lĩnh vực lâm nghiệp:

+ Vùng trồng cây nguyên liệu gỗ: Tổng diện tích quy hoạch: 11.000 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Đường Hoa (2.000ha), xã Quảng Sơn (4.000ha), xã Quảng Đức (2.500 ha), xã Quảng Phong (1.000 ha), xã Quảng Thành (1.500 ha).

+ Vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ (Ba Kích, Hồi, Quế...): Tổng diện tích quy hoạch: 595 ha. Trong đó: Ba Kích (70 ha), Quế (375ha), Hồi (150 ha). Địa bàn quy hoạch Ba Kích: xã Quảng Thịnh (70 ha); Địa bàn quy hoạch Quế: xã Quảng Sơn (100 ha), Quảng Đức (50 ha); Địa bàn quy hoạch Hồi: xã Quảng Sơn (70 ha), Quảng Đức (125 ha)

- Nuôi trồng thủy sản:

+ Vùng nuôi tôm: Tổng diện tích quy hoạch: 742 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Đường Hoa (202 ha), xã Tiến Tới (36 ha), xã Quảng Phong (214 ha), xã Quảng Minh (170 ha), xã Quảng Thắng (70 ha), xã Quảng Thành (50ha).

+ Vùng nuôi nhuyễn thể: Tổng diện tích quy hoạch: 350 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Quảng Minh (350ha)

+ Vùng nuôi Sá Sùng: Tổng diện tích: 200 ha. Địa điểm quy hoạch: xã Quảng Minh (134 ha).

+ Vùng nuôi lồng bè: Tổng diện tích quy hoạch: 134 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Cái Chiên

+ Vùng nuôi thủy sản nước ngọt: Tổng diện tích quy hoạch: 198 ha. Địa bàn quy hoạch: xã Đường Hoa (30 ha), xã Quảng Điền (20ha), xã Quảng Minh (50ha), xã Quảng Thắng (40ha), xã Quảng Thành (58ha).

IV.4. Định hướng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn

IV.4.1. Định hướng phát triển các đô thị

a. Đô thị Quảng Hà: Phát triển trong khu vực Vùng I, tạo thành khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi.

Khu vực trung tâm:

- Khu thị trấn Quảng Hà hiện hữu nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang: Quy mô: diện tích khoảng 220 - 260 Ha. Dân số tới năm tới năm 2030 khoảng 14.000 - 16.000 người. Xây dựng trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế huyện Hải Hà; Là trung tâm, đầu mối giao lưu phát triển quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

- Khu đô thị Quảng Minh - Quảng Thắng: Quy mô: diện tích khoảng 1300-1400 ha. Dân số tới năm 2020 khoảng 17.000-18.000 người, tới năm 2030 từ 29.000-31.000 người. Xây dựng khu đô thị sinh thái - Dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái biển.

- Khu đô thị Quảng Trung -  Phú Hải: Quy mô: diện tích khoảng 260 - 280 Ha. Dân số tới năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 người. Xây dựng Khu đô thị - Dịch vụ Tài chính ngân hàng - Du lịch sinh thái biển.

Khu vực ngoại vi:

- Khu đô thị Quảng Phong - Quảng Điền: Quy mô: diện tích xây dựng khoảng 800 - 900 Ha. Dân số tới năm 2030 khoảng 31.000 - 33.000 người. Xây dựng Khu đô thị hỗ trợ hoạt động Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, Tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, hàng hóa

- Khu đô thị Quảng Thành: Quy mô: diện tích khoảng 650 - 700 Ha. Dân số tới năm 2030 từ 13.000-14.000 người. Xây dựng đô thị dịch vụ trong rừng, phục vụ dịch vụ du lịch.

-  Khu Đô thị - Du lịch Cái Chiên: Quy mô: Dân số khoảng 600 - 1.000 người. Xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Phát triển nông thôn mới gắn với vùng sản xuất ngư nghiệp mang hàm lượng công nghệ cao, tạo ra các mặt hàng đặc sản có tính thương hiệu.

b. Đô thị Dịch vụ thương mại cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Phát triển đô thị tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đô thị loại V: Quy mô: diện tích khoảng 400 - 500 ha. Dân số tới năm 2030 từ khoảng 3000 - 4.000 người. Xây dựng đô thị dịch vụ cửa khẩu với đầy đủ các khu dịch vụ thương mại, khu đô thị, cụm công nghiệp, khu dịch vụ kho vận và các khu công viên cây xanh, cảnh quan thiên nhiên.

IV.4.2. Định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn

- Nhanh chóng cải thiện, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch hoặc hợp vệ sinh, thoát nước thải, thu gom rác thải, chú trọng bảo vệ môi trường sống tại khu vực nông thôn.

- Phát triển hạ tầng nông thôn như các tuyến đường nông thôn, cấp điện nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất nông thôn phát triển, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, khả năng lưu thông hàng hóa nông nghiệp...

- Đối với những khu vực nông thôn ổn định lâu dài (Quảng Sơn, Đường Hoa, Tiến Tới) sẽ phát triển theo mô hình nông thôn mới; những khu vực nông thôn có khả năng đô thị hóa cao (Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thành) sẽ phát triển hợp lý trên cơ sở phù hợp với lộ trình và các yêu cầu đô thị hóa.

IV.5. Định hướng phát triển hệ thống các công trình hạ tầng xã hội

IV.5.1. Nhu cầu phát triển

Các chỉ tiêu áp dụng:

TT

Loại công trình

Chỉ tiêu tính toán

Chỉ tiêu sử dụng đất

Ghi chú

A

Công trình giáo dục

1

Trường mẫu giáo

60-70 chỗ/1000 dân

20-30m2 /1 chỗ

2

Trường tiểu học

100-130 chỗ/1000 dân

18-22 m2 /1 chỗ

3

Trường trung học cơ sở

80-100 chỗ/1000 dân

20-25 m2 /1 chỗ

B

Công trình y tế

1

Trạm y tế

1 trạm/phường, xã

Khoảng 500m2/trạm

Quy mô dân số khoảng 5000-10.000 dân

C

Công trình văn hóa, TDTT.

Sân tập luyện TDTT

0,3-0,9ha/Sân

Nhà sinh hoạt văn hóa

0,3 -0,8ha/công trình

D

Công trình thương mại, dịch vụ.

1 chợ/Phường, xã

Khoảng 0,2-0,5ha/chợ

E

Công trình hành chính

Trụ sở UBND phường, xã.

khoảng 0,2-0,5ha/Công trình

Ghi chú: Tùy theo điều kiện cụ thể, các xã có thể tính đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật như công trình năng lượng, bưu chính, khoảng 0,01-0,3ha. Một số xã có thể có công trình nghĩa địa vv…; Tính toán cụ thể và phân bố do đồ án quy hoạch phân khu sẽ thực hiện.

Các công trình dự kiến

TT

Loại công trình

Chỉ tiêu tính toán

Qui mô công trình

Qui mô đất (ha)

Phân bố

A

Công trình giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp

1

Trường trung học phổ thông (cấp 3)

20-30 chỗ/1000 dân.

25-30m2/chỗ

10.200,0 chỗ.

3 cơ sở trường

26,0-30,0 ha

Khu vực Quảng Hà 3 trường.

B

Công trình y tế

1

Phòng khám đa khoa

3.500m2/phòng

2 phòng

2,45

Khu vực Quảng Hà 2 phòng.

2

Trạm vận chuyển xe cấp cứu.

1 trạm

-

1 x 0,4ha

Khu vực Quảng Hà 1 trạm

3

Bệnh viện đa khoa.

4 giường/1000 dân

500 g

4,5ha

Khu vực Quảng Hà 1 B. Viện 500g

C

Công trình văn hóa.

1

Câu lạc bộ và phòng trưng bày

1 công trình

1 x 0,6ha

Khu vực Quảng Hà 1.

2

Thư viện khu vực

1công trình

1 x 0,2ha

Khu vực Quảng Hà 1.

3

Rạp chiếu phim

3,0-5,0m2/chỗ

Mỗi rạp 500-800 ghế

3 công trình.

7000 – 8000 chỗ

Tổng  2,8ha – 3,5ha

Khu vực Quảng Hà 3

D

Công trình thể dục thể thao

1

Sân thể thao cơ bản

1 công  trình

1 x (1,0-2 ha)

- Quảng Hà 1

C

Thương mại, dịch vụ

- Các công trình thương mại, dịch vụ tùy theo điều tiết của thị trường các tổ chức kinh tế hoặc tư nhân đầu tư các công trình riêng biệt hoặc kết hợp nhà ở

Ghi chú: (1) và (2) có thể trong cùng một khu đất hoặc tách riêng 2 khu đất.

IV.5.2. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

a. Quy hoạch các công trình hành chính - công sở

Đối với công trình hành chính và cơ quan công sở cấp huyện tại thị trấn Quảng Hà mở rộng, giữ nguyên vị trí khu trung tâm hành chính hiện có, nâng cấp cải tạo lại các công trình sau:

Xây dựng lại mới nhà trụ sở Huyện uỷ diện tích 0,68 ha. Cải tạo nâng cấp nhà trụ sở Uỷ ban nhân dân diện tích 1,44 ha; nhà hội trường diện tích 0,54 ha; nhà mặt trận tổ quốc diện tích 0,25 ha; khu trung tâm bồi dưỡng chính trị diện tích 0,49 ha; khu nhà liên cơ quan diện tích 0,95 ha.

Nâng cấp các công trình hành chính thị trấn Hải Hà và cấp xã hiện hữu huyện Hải Hà tại vị trí là các trung tâm xã, thị trấn với các cơ sở hiện trạng hiện có hoặc xây mới theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hệ thống trụ sở phường thuộc TT Hải Hà được cải tạo nâng cấp phục vụ cho hoạt động hành chính trong qúa trình phát triển.

b. Quy hoạch các công trình văn hóa

Xây dựng hệ thống thiết kế văn hóa phù hợp với đặc điểm văn hóa tại địa phương, gắn kết, khai thác và bảo vệ các công trình di tich văn hóa hiện hữu. Đối với các khu vực phát triển đô thị thì xây dựng hệ thống công trình văn hóa hiện đại, đa chức năng phục vụ chung cho toàn huyện và các vùng phụ cận.

Các công trình văn hóa huyện Hải Hà tại thị trấn Quảng Hà bao gồm nhà văn hóa huyện kết hợp với TT TDTT quy mô 5,1ha, Câu lạc bộ và phòng trưng bày 0,6ha, Thư viện huyện quy mô 0,2ha, 3 rạp chiếu phim quy mô khoảng 500 ghế/rạp. Bố trí tại các trung tâm phường, xã nhà sinh hoạt văn hóa qui mô 0,3-0,8ha/công trình.

Duy tu, cải tạo và nâng cấp các công trình văn hóa tín ngưỡng, đặc biệt là các công trình đã được xếp hạng di tích (di tích Đền thờ Trần Hưng Đạo tại xã Phú Hải). Xây mới các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các trung tâm xã hoặc trung tâm cụm.

c. Quy hoạch hệ thống công trình giáo dục

Mục tiêu:

- Giáo dục mầm non: Duy trì và phát triển mạng lưới trường lớp hiện nay, chú trọng phát triển các nhóm trẻ đến các thôn bản để tạo cơ hội cho trẻ được chăm sóc giáo dục một cách tốt nhất. Phấn đấu huy động trẻ em trong độ tuổi 0-2 tuổi ra các nhóm trẻ đạt 18 – 20% vào năm 2015 và 25 – 30% năm 2020, huy động trẻ 3 – 5 tuổi ra các lớp mẫu giáo đạt 80 – 85% vào năm 2015 và đạt 85 – 90% vào năm 2020.

- Giáo dục tiểu học: Phấn đấu có tối thiểu 80% số học sinh được học 2 buổi/ngày. 65% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015; đạt 70-75% vào năm 2020 và đạt trên 90% năm 2030.

- Giáo dục trung học: Phấn đấu đạt tỷ lệ 75-80% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc THPH vào năm 2015; đạt 85-90% vào năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030. Số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 đạt 65%; đạt 85-90% vào năm 2020 và đạt 95% năm 2030.

- Giáo dục thường xuyên: Hàng năm thu hút khoảng 10% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ bổ túc văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp; huy động số đối tượng tốt nghiệp bổ túc THCS vào học hệ bổ túc THPT để đảm bảo kế hoạch phổ cập giáo dục trung học.

c. Quy hoạch hệ thống công trình giáo dục

- Đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đạt chuẩn về giáo dục gồm xây mới và nâng cấp các điểm trường, phòng học, phòng học chức năng, công trình phụ trợ, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học... cụ thể:

- Tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng nhà xưởng cho Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cho đào tạo nghề tại huyện phục vụ cho Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà đã được phê duyệt.

- Tạo điều kiện cho các trường học có đủ diện tích phục vụ cho dạy và học, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia về tương đối bình quân trên một học sinh.

   - Sáp nhập trường Tiểu học Nông trường và trường Tiểu học Quảng Long; Trường Tiểu học Quảng Chính I và trường Tiểu học Quảng Chính II thành trường Tiểu học Quảng Chính; trường Tiểu học Quảng Văn và trường Tiểu học Quảng Phong.

   - Giảm 30 lớp: Mầm non giảm 06 lớp; Cấp Tiểu học giảm 20 lớp; Cấp THCS giảm 04 lớp; do dồn lớp ở 10 điểm trường: Xã Quảng Đức dồn 03 điểm trường; Đường Hoa dồn 02 điểm trường; Quảng Phong dồn 02 điểm trường; Quảng Thịnh dồn 02  điểm trường; Quảng Sơn dồn 01 điểm trường.

- Giai đoạn từ năm 2016 - 2020: Xây mới 01 trường mầm non Bắc Phong Sinh, chuyển một số điểm trường của trường Mầm non Quảng Đức về trường Mầm non Bắc Phong Sinh; Tách trường THCS&THPT Đường Hoa Cương thành trường THCS Quảng Long và trường THPT Đường Hoa Cương; Xây dựng 01 trường THCS chất lượng cao để đào tạo cho học sinh trên địa bàn huyện; Học sinh cấp Trung học cơ sở ở 2 xã Quảng Trung và Phú Hải về trường THCS thị trấn Quảng Hà, thành lập trường Tiểu học Phú Hải và trường Tiểu học Quảng Trung. Dãn học sinh ở trường tiểu học thị trấn Quảng Hà về học tại 2 trường tiểu học Quảng Trung và tiểu học Phú Hải; Học sinh cấp THCS của xã Tiến Tới về học tại trường THCS Đường Hoa, thành lập trường Tiểu học Tiến Tới; Giảm 04 điểm trường: Trường Tiểu học Quảng Sơn I: dồn điểm trường Thôn 4 và Lý Van về trường trung tâm; Trường Mầm non Quảng Đức: xây dựng thêm 01 điểm trường tại ngã ba giữa Khe Lánh - Tân Đức - Pạc Này để dồn học sinh 3 điểm trường Khe Lánh, Tân Đức, Pạc Này về cùng một điểm.

d. Quy hoạch các công trình y tế

Mục tiêu: Giai đoạn đến 2020, phấn đấu 100% trạm Y tế xã có bác sỹ. Duy trì và phát huy thành quả công tác tiêm chủng đã đạt được. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đến năm 2020 là dưới 12,5%. Đầu tư kinh phí đào tạo cán bộ chuyên sâu.

Định hư­ớng phát triển y tế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

STT

Chỉ tiêu

2015

2020

2030

1

Tỷ lệ Bác sỹ/10.000 dân

6,5

9

10

2

Tỷ lệ xã có Bác sỹ (%)

75

100

100

3

Tỷ lệ xã có nữ hộ sinh hoặc y sẽ sản nhi (%)

100

100

100

4

Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (%)

100

100

100

5

Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế (%)

100

100

100

6

Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân (trong đó
có số giường ngoài công lập)

20

25

30

Quy hoạch hệ thống công trình Y tế:

- Xây dựng hoàn thiện mạng lưới y tế cấp cơ sở theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành:

- Giữ nguyên vị trí, mở rộng diện tích, cải tạo và nâng cấp khu vực bệnh viện huyện hiện có diện tích 2,11 ha, quy mô xây dựng 200 gường bệnh, giữ nguyên diện tích và nâng cấp khu vực trạm xã thị trấn, quy mô 0,05 ha và trạm y tế khu xã Phú Hải, quy mô 0.04 ha. Cải tạo và nâng cấp trạm xá các xã.

- Dự kiến xây dựng mới 1 bệnh viện qui mô khoảng 500 giường, diện tích đất khoảng 4,5ha tại khu vực Quảng Hà. Bố trí một trạm xá khu vực tại khu mở rộng Quảng Minh diện tích 0,95 ha.

- Xây mới trạm y tế tại trung tâm phường gồm: khu vực Quảng Hà 2 phòng khám diện tích 0,7ha; 1 trạm y tế, diện tích khoảng 0,4 ha; Xây dựng phòng khám đa khoa tại các xã vùng cao Quảng Đức, Quảng Sơn;

e. Quy hoạch các công trình thể thao

Hoàn chỉnh hệ thống các công trình TDTT  theo tầng bậc ở các đô thị và các điểm dân cư nông thôn tại huyện Hải Hà:

Giữ nguyên vị trí và xây dựng hoàn thiện trung tâm văn hóa thể thao huyện Hải Hà, quy mô 5,1ha trên gồm sân vận động trung tâm, nhà văn hoá trung tâm huyện và nhà thi đấu TDTT đa năng có phòng tập năng khiếu, bể bơi, nhà biểu diễn nghệ thuật.

Xây dựng mới sân vận động 4,1 ha kết hợp với khu vui chơi thiếu nhi và công viên hồ cảnh quan tại khu ĐTM Quảng Minh. Bố trí tại  khu vực ĐT Quảng Hà

Tại các phường, xã trong huyện, bố trí 1 sân tập luyện qui mô khoảng 0,3 - 0,9ha (qui mô sân, tùy theo qui mô dân số mỗi phường, xã) và 1 sân thể thao cơ bản dự kiến qui mô từ 1,0 - 2,0ha.

Bố trí thêm một số khu TDTT tại các khu vực mở rộng gồm: Khu Quảng Minh bố trí một khu Trung tâm văn hoá TDTT diện tích 1,16 ha tại thôn 1, Khu Phú Hải bố trí một sân TDTT diện tích 0,75 ha vị trí cạnh khu trường học, Khu Quảng Trung bố trí một khu văn hoá TDTT diện tích 1,24 ha gồm nhà văn hoá khu phố và 1 sân chơi TDTT.

IV.6. Thiết kế đô thị

IV.6.1. Phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan

Hình thành  4 vùng cảnh quan đặc trưng gắn với các điều kiện đặc thù của huyện Hải Hà: (1) Vùng cảnh quan đồi núi, ven sông, (2) Vùng cảnh quan đô thị sinh thái, (3) Vùng cảnh quan NN, khu CN, (4) Vùng cảnh quan sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái biển đảo.

Khung chỉ dẫn thiết kế đô thị:

- Các diện không gian theo các phân vùng theo từng khu vực cụ thể được quản lý phát triển theo các không gian đặc trưng riêng biệt. Cảnh quan từng khu vực phải phản ánh được đặc điểm địa hình tự nhiên, hoạt động sinh hoạt sản xuất và gắn kết với mạng lưới cảnh quan chung toàn khu vực.

- Khu vực đô thị, nông thôn được kiểm soát chặt chẽ về quy mô công trình, mật độ xây dựng, tầng cao công trình phải phù hợp khu vực hiện hữu. Đặc biệt phải quản lý chặt kiến trúc công trình nông thôn.

- Quảng trường trong đô thị: Cải tạo nâng cấp các quảng trường khu đất chợ cũ trong đô thị bằng các giải pháp nâng cấp hệ thống chiếu sáng, phun nước và nâng cấp các vật liệu ốp lát. Trồng thêm cây xanh và bổ sung thêm các hệ thống biển báo, ký hiệu và trồng cây xanh. Các khu vực ưu tiên phát triển các quảng trường mới chủ yếu tập trung tại các khu đô thị mới. Các quảng trường thiết kế theo các chủ đề đặc trưng cho đô thị. Khu vực ưu tiên phát triển các quảng trường mới:

- Các công trình điểm nhấn: gồm các điểm nhấn đô thị tại các khu vực trung tâm, các quảng trường, các điểm nút giao thông quan trọng thị trấn Quảng Hà mở rộng, đô thị sinh thái Đường Hoa, đô thị công nghiệp Hải Hà... Các công trình mới này có thể là các kiến trúc tượng đài kết hợp với quảng trường công cộng, các công trình văn phòng, khách sạn cao tầng hoặc các công trình có giá trị kiến trúc cảnh quan đặc biệt.

- Các cửa ngõ đô thị: Đồ án đề xuất 2 cửa ngõ đô thị trên QL18 từ hai phía Đông và Tây vào huyện Hải Hà. Đây là các khu vực giao nhau của các tuyến quốc lộ và các trục chính đô thị. Tại các khu vực này đồ án đề xuất quy hoạch thành các quảng trường giao thông lớn, tập trung các công trình hiện đại có quy mô và cao tầng để tạo hình ảnh cửa ngõ đô thị năng động đang trên đà hội nhập với kinh tế quốc tế.

-  Quy hoạch tuyến trục không gian gồm các trục giao thông cảnh quan đối ngoại, trục chính đô thị, các hành lang ven sông, tuyến hành lang ven biển, các trục nhìn quan sát, các hành lang, trường nhìn:

- Các tuyến trục chính đô thị: tập trung các công trình thương mại lớn của TT Hải Hà, KĐT Công nghiệp Hải Hà với kiến trúc hiện đại. Các công trình dịch vụ thương mại gắn với các tuyến giao thông và hệ thống giao thông công cộng đảm bảo các hoạt động thuận lợi.

-- Các tuyến hành lang ven sông: tạo một hình ảnh sắc thái đặc trưng với các dải công viên ven sông, tại đây các giải pháp TKĐT được đầu tư mạnh, các công trình hạ tầng kỹ thuật được thiết kế riêng biệt đặc thù. Kết hợp xây dựng các dịch vụ vừa và nhỏ như cửa hàng ẩm thực với kiến trúc khác nhau thể hiện được tính đa dạng của miền. Khuyến khích các hoạt động lễ hội đường phố, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được trình diễn tại đây.

Xác định bản sắc đặc trưng riêng:

- Yếu tố địa hình đa dạng, tạo nên các hình thái xây dựng khác nhau theo từng khu vực và gắn với đặc thù chức năng khác nhau tạo nên hình thái đặc trưng riêng cho không gian xây dựng vùng huyện.

- Không gian xây dựng với mật độ thấp, không gian xanh đóng vai trò chủ đạo kết nối  các khu xây dựng tương đối tập trung theo từng cụm chức năng, khu vực đô thị, khu vực làng xóm.

- Các khu vực dân cư phát triển ven đồi núi, ven đê và các khu vực có địa hình thấp tạo nên các hình thái kiến trúc rất riêng cho khu vực. Các công trình xây dựng mới được thiết kế theo nguyên tắc nhà giật bậc, nhà trên cột, hạn chế san gạt cục bộ, phá dỡ cấu tạo địa hình tại khu vực.

Định hướng tầng cao:

- Định hướng phát triển đô thị theo hướng trung tầng và thấp tầng.

- Khu vực trung tâm Hải Hà, Đường Hoa Hải Hà và tại các điểm nút giao thông cho phép phát triển cao tầng, tạo nên điểm nhấn kiến trúc cho đô thị. Các công trình cao tầng này không cản trở các tầm nhìn từ các điểm cao và hướng nhìn quan trọng.

- Khu vực làng xóm hiện hữu và nhà ở sinh thái mới  phát triển thấp tầng.

- Tầng cao công trình được quy định cụ thể trong quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cụ thể ở giai đoạn tiếp theo.

Định hướng mật độ xây dựng:

- Mật độ nén, tập trung cao theo từng khu vực chức năng và mật độ thấp về các khu vực không gian cây xanh mặt nước.

- Các khu vực điểm nút giao thông, có nhu cầu hoạt động thương mại cao, khuyến khích hợp khối, liên kết, xây dựng mật độ cao để tăng khả năng cung cấp dịch vụ công cộng, tạo thuận lợi cho người sử dụng.

- Khu vực đô thị hiện hữu: thực hiện kiểm soát mật độ xây dựng trung bình, phù hợp với thực trạng xây dựng hiện nay, kiểm soát sự gia tăng mật độ làm phá vỡ cấu trúc chung của đô thị sinh thái.

- Các khu vực phát triển mới như khu đào tạo, khu du lịch, khu nhà ở sinh thái được kiểm soát theo hướng mật độ thấp, tăng cường diện tích cây xanh.

- Các khu vực xung quanh các công trình tôn giáo tín ngưỡng có kiểm soát chặt chẽ đối với các công trình xây mới về mật độ, tầng cao, hình thức kiến trúc và khối tích công trình.

IV.6.2. Thiết kế đô thị đối với các khu vực

Quy hoạch cải tạo các khu đô thị hiện có:

- Khu phố cũ hiện hữu cải tạo bao gồm các khu phố cũ tại thị trấn Quảng Hà huyện Hải Hà. Quy hoạch đề xuất đây là khu vực ưu tiên cho các giải pháp cải tạo chỉnh trang đô thị. Tại các tuyến đường trục chính ưu tiên phát triển các công trình kiến trúc hiện đại mang bản sắc kiến trúc Việt Nam. Có thể phát triển cao tầng tại một số không gian công cộng có khoảng mở lớn (các quảng trường).

- Tại các khu dân cư thương mại hiện hữu hạn chế phát triển cao tầng. Không chế chiều cao tối đa cho các khu dân cư khảng 05 tầng. Trong các khu dân cư tập trung vào các giải pháp cải tạo kiến trúc mặt đứng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị

Quy hoạch các khu đô thị mới:

- Khu đô thị mới phía Nam quốc lộ 18A như khu đô thị công nghiệp Hải Hà, khu ĐTM Quảng Minh…, đây là khu đô thị đầu mối một độ thị dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng. Kiến trúc phát triển với mô hình thức hiện đại, cao tầng đan xen với một ố khu vực khai thác kiến trúc truyền thống, hệ thống hạ tầng đồng bộ.

- Hình thành tuyến điểm công trình cao tầng tạo điểm nhấn cho khu vực. Dọc trên các tuyến đ­ường chính xây dựng các công trình có chức năng sử dụng tổng hợp. Khoảng cách giữa các công trình cao tầng đ­ược thiết kế đảm bảo thông thoáng, đảm bảo tiết diện đổ bóng nhiều nhất tạo không gian mát cho mùa hè. Tạo tính dẫn h­ướng đến các không gian mở hoặc không gian trung tâm công cộng. Các khu thấp tầng đ­ược xây dựng đồng bộ và thống nhất về kiến trúc.

Khu sinh thái Đường Hoa: bố trí các công trình thấp tầng kết hợp với các công trình dịch vụ thương mại.  

Các khu dân cư làng xóm hiện trạng:

- Giữ lại cấu trúc làng xóm với cốt cách truyền thống, hoàn thiện và nâng cấp các tuyến giao thông .

- Tạo ra mối liên kết bằng các tuyến không gian cây xanh, mặt nư­ớc hoặc tuyến giao thông (liên khu ở họăc giao thông đi bộ). Các làng đ­ược gắn kết với nhau bằng các tuyến tham quan tạo ra không gian sinh hoạt riêng biệt.         

- Tổ chức thêm các không gian đệm, các vành đai xanh bảo vệ không gian kiến trúc cho các làng (hoàn thiện các bụi tre, hào hoặc m­ương thoát nư­ớc tự nhiên, thảm cây xanh).

Khu công nghiệp Hải Hà:

  • Kiểm soát công tác xây dựng theo quy hoạch và các điểm trọng tâm về không gian.

- Tổ chức xây dựng tập trung tạo hình ảnh cho 03 cổng vào tiếp cận đường Móng Cái – Hải Hà đi qua khu công nghiệp và trục đối ngoại, đường bao ven khu công nghiệp.

- Bố trí công trình theo thiết kế có khoảng lùi và không gian lân cận sinh động, không gây cảm giác ngột ngạt theo các điểm nhìn từ trục đường giao thông. Có màu sắc khi xây dựng hài hòa với các công trình xung quanh, ưu tiên màu nhẹ, trầm cho các kiến trúc ng oại cảnh tòa nhà.

- Khu công nghiệp “Xanh" cảng biển Hải Hà là sự kết hợp hợp các yếu tố con người, môi trường và công nghiệp, tạo một không gian xanh - sạch để mọi người làm việc và nghỉ ngơi trong đó. 

- Phát triển theo mô hình " Business Park " đó là tên gọi chung của các khu công nghệ cao… kết hợp hài hòa trong không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước. 

- Hạn chế, không sử dụng các tường rào đặc để có thể nhìn xuyên qua nhằm tăng cảm giác thị giác về độ mở không gian. Các không gian cây xanh trong hàng rào cần gắn kết với các trục cây xanh dọc tuyến đường để tăng cường tính liên tục. Các tuyến, dải cây xanh dọc đường, gần lối ra vào được bố trí các tiện ích phục vụ chờ hoặc nghỉ ngơi cho người lao động.

- Riêng khu trung tâm điều hành và dịch vụ ưu tiên thiết kế với hình thức liên hợp, tổ hợp các khu chức năng tạo thành công trình phức hợp hiện đại tạo điểm nhấn, điểm gợi nhớ mang dấu ấn vị trí và chức năng cho toàn khu.

Không gian ven biển:

Đô thị sinh thái ven biển có cấu trúc các lớp song song tương đối với bờ biển, có một trục chính hoặc một hệ trục nối trung tâm đô thị với bờ biển và biển như một yếu tố nhấn của cảnh quan đô thị.

Các trục đường hướng biển là các trục cấu trúc và hoạt động quan trọng của đô thị nên tập trung nhiều công trình kiến trúc điềm nhấn có quy mô và độ cao tương xứng.

Quy hoạch bảo tồn các khung thiên nhiên có giá trị:

- Hệ thống thảm thực vật: Hiện nay hệ thống công viên đô thị (cây xanh công cộng) của khu vực đô thị và nông thôn huyện Hải Hà phát triển chưa tương xứng với thực lực. Chỉ tiêu cây xanh đô thị trên đầu người còn hạn chế, cần được bảo vệ và mở rộng phát triển thêm trong các khu đô thị. Tuy nhiên hệ thống rừng và thảm thực vật tự nhiên tại các xã hiện nay là phong phú và đặc sắc.

Kế hoạch cụ thể đối với rừng: Phát triển các lâm viên, khu du lịch sinh thái cao cấp tại các khu vực có cảnh quan đẹp hồ Trúc Bài Sơn và các khu vực thổ nhưỡng thuận lợi.

+ Kế hoạch đối với cây công nghiệp: Tại các vùng cây công nghiệp có giá trị cao quy hoạch và nâng cấp thành các trang trại có quy mô lớn, có hình thức canh tác hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh, áp dụng các công nghệ mới về gen, giống và các công nghệ sau thu hoạch để nâng chất lượng sản phẩm.

   + Đưa các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần vào các khu vực trang trại này để nâng cao giá trị và dần đưa thương hiệu và quy trình sản phẩm chất lượng ăn sâu vào ấn tượng của khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế.

Hệ thống mặt nước: Hiện nay qua quá trình phát triển các dòng chảy của và hệ thống mặt nước của huyện Hải Hà đã bị đô thị hóa ảnh hưởng khá lớn, mặt sông bị thu hẹp, bồi lắng... Việc khai thác và nạo vét luộng lạch của các con sông phục vụ phát triển kinh tế và tạo dựng cảnh quan cho Hải Hà là hết sức cần thiết và cấp bách. Khai thác lại các con sông đem lại các tác dụng sau:

- Tăng thêm khả năng thoát nước mặt cho đô thị

- Cải tạo được môi trường đô thị

- Tăng thêm khả năng tích nước vào các muà khô

- Tạo được sắc thái cảnh quan riêng đặc trưng

- Tăng tính hấp dẫn và giá trị thương mại của các lô đất xa đường.

Các con sông được mở rộng, khơi thông lại dòng chảy và tùy theo từng khu vực cụ thể có thể tổ chức các tuyến đường dạo và hệ thống dải cây xanh dọc tuyến phố. Các khu vực này có thể tổ chức thành các phố đi bộ, cảnh quan, mua sắm hàng lưu niệm và thưởng thức văn hóa ẩm thực.

IV.7. Quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn

IV.7.1. Quy hoạch sử dụng đất toàn huyện

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn Huyện là 51.393,17 Ha, được quy hoạch theo các giai đoạn phát triển sau:

  1. Đến năm 2020

Đất nông nghiệp 38,666.32 ha chiếm 75,24%. Trong đó đất lúa 2.615.63 ha chiểm 3.94%, đất trồng cây lâu năm 1,028 chiếm 2%, đất lâm nghiệp 33,214.23 chiếm 64,6% tổng diện tích đất.

Đất phi nông nghiệp 12,172.28 ha chiếm 23,68% tổng diện tích đất toàn huyện. Đất dự trữ phát triển  554.57 ha chiếm 1.08%. Đến năm 2020 đất du lịch dự kiến 3,276.00 ha chiếm 6.37%.

Bảng 28: Bảng quy hoạch sử dụng huyện Hải Hà năm 2020

TT

Chỉ tiêu

2020

 

Diện tích
(ha)

Cơ cấu
(%)

 
 

Tổng diện tích

51,393.17

100

 

1

Đất nông nghiệp

NNP

38,666.32

75.24

 

Trong đó:

 

1.1

Đất lúa nước

DLN

2,615.54

5.09

 

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

2,025.63

3.94

 

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

1,028.00

2

 

1.3

Đất lâm nghiệp

33,214.23

 

Đất rừng phòng hộ

RPH

14,092.50

27.42

 

Đất rừng đặc dụng

RDD

-

-

 

Đất rừng sản xuất

RSX

19,121.73

37.21

 

1.4

Đất nuôi trồng thuỷ sản tập trung

NTS

2,303.00

4.48

 

1.5

Đất làm muối

LMU

-

-

 

1.6

Đất nông nghiệp khác còn lại

NKH

597.54

1.16

 

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

12,172.28

23.68

 

2.1

Đất xd trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

CTS

44.42

0.09

 

2.2

Đất quốc phòng

CQP

336.2

0.65

 

2.3

Đất an ninh

CAN

1.84

0

 

2.4

Đất khu công nghiệp

SKK

3,733.00

7.26

 

2.5

Đất cơ sở sản xuất kinh doanh

SKC

876.7

1.71

 

2.6

Đất sản xuất vật liệu xây dựng gốm sứ

SKX

140.38

0.27

 

2.7

Đất cho hoạt động khoáng sản

SKS

220.44

0.43

 

2.8

Đất di tích danh thắng

DDT

1

0

 

2.9

Đất để xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại

DRA

282.21

0.55

 

2.10

Đất tôn giáo, tín ngưỡng

TTN

2.02

0

 

2.11

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

NTD

124.9

0.24

 

2.12

Đất có mặt nước chuyện dùng

SMN

1,995.87

3.88

 

2.13

Đất phát triển hạ tầng

DHT

1,551.81

3.02

 

2.14

Các loại đất phi nông nghiệp còn lại

PNK

2,685.49

5.23

 

3

Đất dự trữ phát triển

554.57

1.08

 

4

Đất đô thị

DTD

1,570.00

3.05

 

Trong đó: Đất ở

ODT

176

0.34

 

5

Đất khu du lịch

DDL

3,276.00

6.37

 

6

Đất khu dân cư nông thôn

DNT

930.46

1.81

 

Trong đó: Đất ở

ONT

421.73

0.82

 
  1. Đến năm 2030

Đất nông nghiệp toàn huyện 38,446.44 ha chiếm 74,81%. Trong đó:

  • Đất trồng cây lâu năm 1,028.00 ha, đất lâm nghiệp 33,094.23 ha chiếm 64,39%.

Đất phi nông nghiệp 13,121.29 ha chiếm 25.53%.

Đất dự trữ đến năm 2030 còn 45,6 ha chiếm 0,09%.

 Dự kiến đất du lịch đến năm 2030: 3,356 ha chiếm 6.53%

Bảng 29: Bảng quy hoạch sử dụng đất toàn huyện năm 2030

TT

Chỉ tiêu

2030

 

Diện tích
(ha)

Cơ cấu
(%)

 
 

Tổng diện tích

51,393.17

100

 

1

Đất nông nghiệp

NNP

38,446.44

74.81

 

Trong đó:

 

1.1

Đất lúa nước

DLN

2,015.24

3.92

 

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

2,025.63

 

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

1,028.00

2.00

 

1.3

Đất lâm nghiệp

33,094.23

64.39

 

Đất rừng phòng hộ

RPH

14,092.50

27.42

 

Đất rừng đặc dụng

RDD

 

Đất rừng sản xuất

RSX

19,001.73

36.97

 

1.4

Đất nuôi trồng thuỷ sản tập trung

NTS

2,252.30

4.38

 

1.5

Đất làm muối

LMU

 

1.6

Đất nông nghiệp khác còn lại

NKH

56.67

0.11

 

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

13,121.29

25.53

 

2.1

Đất xd trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

CTS

49.83

0.10

 

2.2

Đất quốc phòng

CQP

336.20

0.65

 

2.3

Đất an ninh

CAN

1.84

0.00

 

2.4

Đất khu công nghiệp

SKK

5,110.00

9.94

 

2.5

Đất cơ sở sản xuất kinh doanh

SKC

1,018.01

1.98

 

2.6

Đất sản xuất vật liệu xây dựng gốm sứ

SKX

140.38

0.27

 

2.7

Đất cho hoạt động khoáng sản

SKS

229.44

0.45

 

2.8

Đất di tích danh thắng

DDT

1.00

0.00

 

2.9

Đất để xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại

DRA

319.21

0.62

 

2.10

Đất tôn giáo, tín ngưỡng

TTN

2.02

0.00

 

2.11

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

NTD

134.90

0.26

 

2.12

Đất có mặt nước chuyện dùng

SMN

1,995.87

3.88

 

2.13

Đất phát triển hạ tầng

DHT

1,702.77

3.31

 

2.14

Các loại đất phi nông nghiệp còn lại

PNK

2,079.82

4.05

 

3

Đất dự trữ phát triển

45.60

0.09

 

4

Đất đô thị

DTD

1,630.20

3.17

 

Trong đó: Đất ở

ODT

753.55

1.47

 

5

Đất khu du lịch

DDL

3,356.00

6.53

 

6

Đất khu dân cư nông thôn

DNT

570.10

1.11

 

Trong đó: Đất ở

ONT

408.60

0.80

 

IV.7.2. Quy hoạch sử dụng đất Vùng I

a. Đến năm 2020

Tổng diện tích đất nội thị là 4.976,21 Ha. Trong đó:

- Đất xây dựng đô thị là 3.126,76 Ha chiếm 6,08% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm:

- Đất dân dụng là 396 Ha, đạt 132m2/ng (đât đơn vị ở 262,5 ha, đạt 87,5 m2/ng; đất công cộng đô thị là 25,5 ha, đạt 8,5 m2/ng; đất cây xanh đô thị là 24 ha, đạt 8m2/ng; đất giao thông đô thị là 84 ha, đạt 28m2/ng).

- Đất ngoài dân dụng là 2730,76 ha (bao gồm các loại đất công trình công cộng, thương mại cấp vùng, đất giao thông và đầu mối HTKT cấp vùng, đất công nghiệp kho tàng trong khu vực nội thị, cây xanh cảnh quan, du lịch, tôn giáo…)

- Đất khác 1,849.45 bao gồm các loại đất An ninh quốc phòng, sông suối mặt nước chuyên dùng…

Tổng diện tích đất ngoại thị là  12,691.66 ha, bao gồm các loại đất dân dư nông thôn, đất nông, lâm nghiệp +  thủy sản, du lịch sinh thái, và các loại đất khác…

b. Đến năm 2030

Tổng diện tích đất nội thị là 8,945.50 Ha. Trong đó:

- Đất xây dựng đô thị là 7,384.58 Ha chiếm 16,18% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm:

- Đất dân dụng là 1,165.50 Ha, đạt 111 m2/ng (đất đơn vị ở 708.75 ha, đạt 67.5 m2/ng; đất công cộng đô thị là 89.25 ha, đạt 8,5 m2/ng; đất cây xanh đô thị là 105 ha, đạt 10 m2/ng; đất giao thông đô thị là 262,50 ha, đạt 25m2/ng).

- Đất ngoài dân dụng là 6,219.08 ha (bao gồm các loại đất công trình công cộng, thương mại cấp vùng, đất giao thông và đầu mối HTKT cấp vùng, đất công nghiệp kho tàng trong khu vực nội thị, cây xanh cảnh quan, du lịch, tôn giáo…)

- Đất khác 1,560.92 bao gồm các loại đất An ninh quốc phòng, sông suối mặt nước chuyên dùng…

Tổng diện tích đất ngoại thị là  8,722.36 ha, bao gồm các loại đất dân dư nông thôn, đất nông, lâm nghiệp +  thủy sản, du lịch sinh thái, và các loại đất khác…

Bảng 30: Quy hoạch sử dụng đất Vùng I

TT

Hạng mục

2030

Diện tích
(ha)

Tỷ lệ
(%)

Chỉ tiêu
(m2/người)

Tổng diện tích

17,667.86

100

A

Đất nội thị

8,945.50

50.63

I

Đất xây dựng đô thị

7,384.58

41.80

1

Đất dân dụng

1,165.50

6.60

111.00

Đất đơn vị ở

708.75

4.01

67.50

Đất công cộng đô thị

89.25

0.51

8.50

Đất cây xanh đô thị

105.00

0.59

10.00

Đất giao thông đô thị

262.50

1.49

25.00

2

Đất ngoài dân dụng

6,219.08

35.20

Đất công trình công cộng cấp vùng

10.32

Đất giao thông đối ngoại

114.75

0.65

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

171.14

0.97

Đất công nghiệp, kho tàng

5,096.66

28.85

Đất cây xanh cảnh quan

75.08

0.42

Đất du lịch

750.13

4.25

Đất tôn giáo tín ngưỡng

1.00

0.01

II

Đất khác

1,560.92

8.83

Đất an ninh quốc phòng

252.03

1.43

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

37.00

0.21

Đất sông suối mặt nước chuyên dùng

1,226.85

6.94

Đất dự trữ phát triển

45.04

0.25

B

Đất ngoại thị

8,722.36

49.37

Đất khu dân cư nông thôn

166.50

0.94

111.00

Đất nông nghiệp +  thủy sản

1,998.62

11.31

Đất lâm nghiệp

6,278.53

35.54

Đất khác (sông suối mặt nước chuyên dùng,…..)

112.21

0.64

IV.7.3. Quy hoạch sử dụng đất Vùng II

a. Đến năm 2020

Tổng diện tích đất ngoại thị là  9,404.79 ha, bao gồm các loại đất dân dư nông thôn 63,5 ha, đất nông, lâm nghiệp 339.49 ha, đất lâm nghiệp 8,183.84ha,  đất công nghiệp, kho tàng 306.01 ha  du lịch sinh thái, và các loại đất khác…

b. Đến năm 2030

Đến năm 2030, tại KKTCK Bắc Phong Sinh phát triển đô thị Bắc Phong Sinh (tên tạm gọi) trở thành thị trấn, đô thị loại V

Tổng diện tích đất nội thị là 1,151.83 Ha. Trong đó:

- Đất xây dựng đô thị là 877.46 Ha chiếm 16,18% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm:

Đất dân dụng là 70 Ha, đạt 125 m2/ng (đất đơn vị ở 44.8 ha, đạt 80 m2/ng; đất công cộng đô thị là 3,92 ha, đạt 7 m2/ng; đất cây xanh đô thị là 7,28 ha, đạt 13 m2/ng; đất giao thông đô thị là 14 ha, đạt 25m2/ng).

- Đất ngoài dân dụng là 807.46 ha (bao gồm các loại đất công trình công cộng, thương mại cấp vùng, đất giao thông và đầu mối HTKT cấp vùng, đất công nghiệp kho tàng trong khu vực nội thị, cây xanh cảnh quan, du lịch, tôn giáo…)

- Đất khác 274.37 bao gồm các loại đất An ninh quốc phòng, sông suối mặt nước chuyên dùng…

Tổng diện tích đất ngoại thị là  8,252.96 ha, bao gồm các loại đất dân dư nông thôn, đất nông, lâm nghiệp +  thủy sản, du lịch sinh thái, và các loại đất khác….

Bảng 31: Quy hoạch sử dụng đất Vùng II

TT

Hạng mục

2030

Diện tích
(ha)

Tỷ lệ
(%)

Chỉ tiêu
(m2/người)

Tổng diện tích

9,404.79

100

A

Đất khu vực nội thị

1,151.83

12.25

I

Đất xây dựng đô thị

877.46

9.33

1

Đất dân dụng

70.00

0.74

125.00

Đất ở đô thị

44.80

0.48

80.00

Đất công cộng

3.92

0.04

7.00

Đất cây xanh thể dục thể thao

7.28

0.08

13.00

Đất giao thông đô thị

14.00

0.15

25.00

2

Đất ngoài dân dụng

807.46

8.59

Đất công trình công cộng cấp vùng

60.35

0.64

Đất giao thông đối ngoại

128.19

1.36

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

16.99

0.18

Đất công nghiệp, kho tàng

501.93

5.34

Đất du lịch

100.00

1.06

II

Đất khác ngoài dân dụng

274.37

2.92

Đất an ninh quốc phòng

54.18

0.58

Đất nghĩa trang

11.13

0.12

Đất sông suối mặt nước chuyên dùng

172.56

1.83

Đất dự trữ phát triển

36.50

0.39

B

Đất ngoại thị

8,252.96

87.75

Đất khu dân cư nông thôn

25.20

0.27

105.00

Đất nông nghiệp

294.49

3.13

Đất lâm nghiệp

7,779.09

82.71

Đất công nghiệp, kho tàng

Đất giao thông liên khu vực

Đất an ninh quốc phòng

Đất nghĩa trang

Đất du lịch sinh thái

Đất khác (sông suối mặt nước chuyên dùng)

154.18

IV.7.4. Quy hoạch sử dụng đất Vùng III

a. Đến năm 2020

Tổng diện tích đất ngoại thị là  24,320.52ha  , bao gồm các loại đất dân dư nông thôn, đất nông + thủy sản 2,722.60 ha, đất lâm nghiệp 17,409.98 ha,  đất công nghiệp, kho tàng 19 ha , du lịch sinh thái 80 ha, đất kinh doanh thương mại dịch vụ 998,5 ha, các loại đất khác…

b. Đến năm 2030

Tổng diện tích đất ngoại thị là  24,320.52ha  , bao gồm các loại đất dân dư nông thôn 378,4 ha, đất nông + thủy sản 2,752.60 ha, đất lâm nghiệp 17,514.98 ha,  đất công nghiệp, kho tàng 19 ha  du lịch sinh thái 80 ha, đất kinh doanh thương mại dịch vụ 1.018,01 ha, các loại đất khác…

Bảng 32: Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất Vùng III

TT

Hạng mục

2030

Diện tích
(ha)

Tỷ lệ
(%)

Chỉ tiêu
(m2/người)

1

Tổng diện tích khu vực nông thôn

24,320.52

100

Đất khu dân cư nông thôn

378.40

1.56

135.14

Đất nông nghiệp + thủy sản

2,752.60

11.32

Đất lâm nghiệp

17,514.98

72.02

Đất công nghiệp, kho tàng

19

0.08

Đất kinh doanh, thương mại dịch vụ

1,018.01

4.19

Đất du lịch sinh thái

80.00

0.33

Đất giao thông liên khu vực

290.95

Đất an ninh quốc phòng

31.83

0.13

Đất tôn giáo tín ngưỡng

1.04

0.00

Đất nghĩa trang

76.77

0.32

Đất khác (sông suối mặt nước chuyên dùng,….)

2,156.94


V.CHƯƠNG V - ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT

V.1. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật

V.1.1. Cơ sở và nguyên tắc tính toán

Theo định hướng Quy hoạch xây dựng huyện Hải Hà được phê duyệt năm 2008, xét tới các yếu tố mới, lựa chọn cao độ khống chế xây dựng như sau:

- Khu vực đô thị (Thị trấn Quảng Hà và các đô thịmới):  Hxd ³ +3,5m.

- Khu vực cây xanh TDTT: Hxd ³ +3,0m.

- Khu vực nông thôn : H dân dụng > H mn.max TB năm

- H công cộng > H mn.max +0,3m

- Mực nước tính toán là mực nước cao nhất có chu kỳ theo tần suất (năm) được quy định theo QCXDVN 01: 2008/BXD về qui hoạch xây dựng như sau:

- Cao độ khống chế tôn nền xây dựng tối thiểu phải cao hơn mức nước tính toán tối thiểu 0,3m đối với đất dân dụng và 0,5m đối với đất công nghiệp.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho chương trình củng cố và bảo vệ nâng cấp đê biển của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn năm 2014.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho chương trình củng cố và bảo vệ nâng cấp đê biển của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (năm 2014): Mực nước triều cường kết hợp với lũ sông Hà Cối tại cửa sông với biển có đỉnh triều cao nhất ứng với tần suất 100 năm (p= 5%)

= +3,05m

Nguyên tắc thiết kế:

- Phù hợp với địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa công tác đào đắp, phá vỡ sinh thái tự nhiên và  khối lượng san đắp nền kinh tế nhất. Xác định cao độ xây dựng cho các đô thị trong vùng đảm bảo yêu cầu kĩ thuật phù hợp với cấp đô thị, mức độ bảo vệ đô thị, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tránh đào đắp lớn, tránh ngập úng.

- Xác định lưu vực và hướng thoát nước chính phù hợp với địa hình tự nhiên , tận dụng hệ thống sông suối chính hiện có làm các trục tiêu nước chính cho khu vực khi mưa lớn gây lũ. Hệ thống thoát nước mưa đảm bảo tự chảy và thoát nước nhanh không gây ngập cục bộ.

- Xác định hệ thống đê chính,  trong đó nâng cấp cải tạo hệ thống đê hiện có, hoàn chỉnh hệ thống đê mới nhằm bảo vệ hiệu quả các khu vực cần thiết, thấp trũng ven sông, ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xác định các công trình tiêu đầu mối kết hợp với hệ thống đê, tiêu nước cho các khu vực thấp trũng trong đê.

- Xác định các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai và các giải pháp phòng chống thiên tai.

- Độ dốc dọc đường theo quy chuẩn hiện hành để đảm bảo giao thông và thoát nước mưa thuận lợi : 0,004 ≤ id ≤ 0,10. Đảm bảo độ dốc nền theo quy chuẩn, nhỏ nhất là 0,004 để đảm bảo thoát nước tự chảy.

V.1.2. Cao độ nền xây dựng

Cao độ khống chế nền xây dựng đô thị và nông thôn được tính toán trên cơ sở căn cứ vào cấp đô thị , dựa trên các số liệu quan trắc về thủy văn, hải văn như: Tần suất (tổng hợp các yếu tố mực nước dâng do nước lũ sông, bão kết hợp với triều cường đo tại các trạm quan trắc) và ảnh hưởng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Tính toán đề xuất cao độ nền xây dựng theo công thức:

   Hxd =  + Hnd +Hsl + Hbđkh + a

                                    Hxd    : Cao độ nền xây dựng thiết kế (m)

                         : Cao độ mực nước lớn nhất tính toán theo tần xuất (m)

Hnd : Chiều cao nước dâng do bão (m)

Hsl : Chiều cao sóng leo (m)

Hbđkh : Chiều cao của nước biển dâng do biến đổi khí hậu, lấy theo kịch bản xảy ra trung bình năm 2030 - 2050 :  0,12m ÷ 0,2m

 a : Trị số độ gia tăng an toàn (m) 

- Xác định mực nước tính toán ():

+ Thị trấn Quảng  Hà: Mực nước triều cao nhất  = +2,18m (Hệ cao độ lục địa Quốc Gia) tương ứng với tần suất 40 năm (P=2,5%).

+ Khu vực ven biển: Mực nước triều cao nhất  = +2,18m (Hệ cao độ lục địa Quốc Gia) tương ứng với tần suất 40 năm (P=2,5%).

- Tính toán nước dâng: Hsl. Chiều cao nước dâng được xác định theo bảng C- 3 của 14 TCN-130-2002. Kết quả tính toán tra được Hnd = 1,1 m . Tuy nhiên các khu vực nghiên cứu nằm sâu trong lục địa, nên khi nước dâng truyền vào đất liền sẽ nhỏ đi. Hệ số giảm tăng lên khi đi sâu trong đất liền. Trên cơ sở các đo đạc thực tế có thể chọn hệ số k = 0,60. Mực nước dâng Hnd = 0,84 m tại khu vực ven biển Hải Hà-Móng Cái

- Tính toán sóng leo: Hsl. Tính toán vận tốc gió thiết kế W: Căn cứ công văn số 5095/PCLB ngày 28 tháng 11 năm 2001 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thông báo về cấp và mực nước thiết kế cho các tuyến đê thì kè taị khu vực nghiên cứu tính theo tiêu chuẩn chống bão cấp IX. Chọn W = 24 m/s .

- Đà gió là khoảng cách lớn nhất, gió thổi tới đoạn bờ nghiên cứu. Hệ thống kè nằm phía trong cửa sông, gió bão có thể gây ra sóng lớn, nhất là hướng Đông hoặc Đông Bắc với chiều dài ≤ 2 km. Chọn D = 300m trong tính toán đối với kè biển.

- Kè tại khu vực nghiên cứu có đặc điểm là được bao bọc bởi sông, do vậy đặc trưng sóng của Kè được tính theo công thức.

- Chiều cao sóng Hs đối với kè sông được tính toán theo công thức :

   Hs = 0,0208 x W5/4 x D1/3  (m)

   Thay số: ứng với đê sông W = 24 m/s ; D = 300m được Hs= 0,75m .

- Chiều cao sóng leo Hsl = 0,78m, do được tính toán như sau:  

Hsl = 3,8 x Hs / m x cos a  (chỉ tính sóng leo khi m > 0) mái nghiêng;

Mái thẳng đứng không có sóng leo.

Trong đó :

                        Hs : Chiều cao sóng trước chân kè (m)

                        m : Hệ số mái kè phía biển

                        a : Hướng gió thổi so với kè.

Thay số : ứng với đê sông D = 300m ; a = 0 ; m = 1,5  được Hsl = 1,11m

Mái được lát đá; Chọn hệ số chiết giảm sóng leo là 0,7.

- Tính toán: Theo thống kê quan trắc chế độ triều cường nhiều năm của vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh và tra bảng thủy triều 2012 (tập 1) điều tra về mực nước thủy triều (hệ cao độ hải đồ) của Trung tâm hải văn - Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, xác định mực nước thủy triều tại vùng biển từ  Hòn Gai - Cầm Phả - Cửa Ông - Đầm Hà - Hải Hà -  Móng Cái - Trà Cổ (theo hệ cao độ lục địa Quốc Gia) như sau: Mực nước triều cường kết hợp với lũ sông Hà Cối tại cửa sông với biển có đỉnh triều cao nhất ứng với tần suất 100 năm (p= 5%) - bộ NN và PTNT năm 2012

  = +3,05m.

- Tính toán  Hbđkh: xu hướng dâng cao của nước biển trong diễn biến về biến đổi khí hậu trong vùng biển thuộc khu vực Đầm Hà - Hải Hà - Móng Cái theo kịch bản phát thải trung bình B2 do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố năm 2012 như sau:

Bảng 33: Mô hình mực nước biển dâng

TT

Năm

Mực nước biển dâng hệ cao độ lục địa (m)

1

2020

0,07 ÷ 0,08

2

2030

0,11 ÷ 0,12

3

2040

0,15 ÷ 0,17

4

2050

0,20 ÷ 0,24

5

2060

0,25 ÷ 0,31

6

2070

0,31 ÷ 0,38

7

2080

0,36 ÷ 0,47

8

2090

0,42 ÷ 0,55

9

2100

0,49 ÷ 0,64

Nguồn : Bộ tài nguyên môi trường năm 2012

 Số liệu bảng trên, Bảng hiện cho vùng có nguy cơ ngập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo kịch bản phát thải ở mức độ trung bình B2,  chủ yếu tập trung tại dải đất ven biển trải dài từ huyện Tiên Yên - Đầm Hà - Hải Hà - Móng Cái.

Theo quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh năm 2014, lấy mốc năm 2050 mực nước tăng Hbđkh = 0,2m để làm cơ sở nghiên cứu cho hệ thống cao độ san nền và hệ thống đê điều.

- Hbđkh =         0,2m

Trị số an toàn: a

a = 0,3 m (đối với khu vực xây dựng dân dụng)

a = 0,5 m (đối với khu vực xây dựng công nghiệp, kho tàng)

- Định hướng cao độ nền và giải pháp nền xây dựng: chọn cao độ nền xây dựng đảm bảo không bị ngập lụt với tần suất P³2,5% (phù hợp với khu vực phát triển đô thị loại III), khu công nghiệp tập trung với tần suất P³1%. Các điểm dân cư tập trung ³ Hmax hàng năm +0,3.

- Kết quả tính toán: Mực nước triều cường kết hợp với đỉnh lũ sông Hà Cối có đỉnh triều cao nhất:

= +3,04m (hệ cao độ quốc gia).

Hxd =   +  Hbđkh + a  =  3,04 + 0,2 + 0,3 = + 3,54m

+ Khu vực dân dụng :                              Hxd³ +3,5m (tần suất P=2,5%)

+ Khu vực công nghiệp :                         Hxd³ +3,8m  (tần suất P=1%)

+ Khu vực kho tàng, bến bãi:                  Hxd³ +4,0m (tần suất P=1%)

+ Khu vực công viên, cây xanh, TDTT: Hxd³ +3,0m   (tần suất P=10%)

V.1.3. Giải pháp san nền

-  Đối với khu vực đã xây dựng, cao độ nền hiện tại Hxd ³ +3,5m về cơ bản không bị ngập lụt. Các khu vực xây dựng xen cấy cần có cao độ nền xây dựng tối thiểu Hxd = +3,5m và đảm bảo hài hòa, phù hợp khu vực xung quanh.

- Đối với các khu vực xây dựng mới: chọn cao độ nền xây dựng đảm bảo không bị ngập lụt với ứng với mực nước tần suất P = 2,5% (40 năm), khu vực cây xanh ứng với mực nước tần suất P=10%

- Định hướng cao độ nền xây dựng:

Hxd =   +  Hbđkh + a  =  3,04 + 0,2 + (0,3) = + 3,54m

+ Khu vực dân dụng: Hxd dân dụng > H mn.max TB năm

+ Khu vực công cộng: Hxd công cộng > H mn.max + (0,3)m

Các khu vực xây dựng ven biển (ảnh hưởng thủy văn của các sông Hà Cối, Tài Chi kết hợp triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu), mực nước triều cường kết hợp với đỉnh lũ sông Hà Cối có đỉnh triều cao nhất:

= +3,05m (tần suất P=5%); Hxd =  (tần suất P=2,5% và 5%) +  Hbđkh + a

Hxd =3,05 + 0,2 + 0,3 = + 3,54m

Khu vực dân dụng :                              Hxd³ +3,5m (tần suất P=2,5%)

Khu vực công nghiệp :                         Hxd³ +3,8m (tần suất P=1%)

Khu vực kho tàng, bến bãi:                  Hxd³ +4,0m (tần suất P=1%)

Khu vực công viên, cây xanh, TDTT: Hxd ³ +3,0m (tần suất P=10%)

Giải pháp san nền :

- Đối với các khu vực dự kiến xây dựng mới: các khu đô thị mới ven biển chọn cao độ nền xây dựng đảm bảo không bị ngập lụt với ứng với mực nước tần suất P = 2,5% và 5% (40 năm và 20 năm), khu vực cây xanh ứng với mực nước tần suất P=10%(10 năm) và 50%. (2 năm)

- Đối với khu vực đã xây dựng có cao độ nền Hxd ³ +3,5m, cơ bản không bị ngập lụt. Các khu vực xây dựng xen cấy cần có cao độ nền xây dựng tối thiểu Hxd = +3,5m và đảm bảo nền xây dựng hài hòa, phù hợp khu vực xung quanh không.

- Đối với các khu vực dự kiến xây dựng mới có cao độ nền hiện trạng < +3,5m cần tôn nền xây dựng tối thiểu Hxd = +3,5m đảm bảo không bị ngập lụt của  mực nước tính toán theo tần suất.

V.1.4. Giải pháp thoát nước mưa

a. Hệ thống thoát nước

Khu vực thị trấn Quảng Hà, các khu đô thị ven biển khu vực Quảng Minh, Khu công nghiệp Hải Hà: hệ thống thoát nước mưa là hệ thống thoát nước riêng giữa nước mưa và nước thải. Các khu vực thuộc Vùng I: chia thành 3 lưu vực thoát nước chính và một số lưu vực thoát nước mưa nhỏ lẻ thoát theo các suối đổ ra sông và thoát ra biển như sau:

- Lưu vực 1: Khu đô thị ven biển (khu vực Quảng Minh - Quảng Thắng)

+ Lưu vực phía Bắc khu đô thị: xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát nước về đầm, sông Phú Hải, sau đó thoát nước ra biển.

+ Lưu vực phía Nam khu đô thị: xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát nước về sông Hà Cối và biển.

- Lưu vực 2: Khu vực thị trấn Quảng Hà và khu vực lân cận:

+ Khu vực trung tâm hiện hữu: xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát về sông Hà Cối sau đó đổ ra biển.

+ Khu vực lân cận, xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát nước về suối La chảy ra sông Hà Cối sau đó đổ ra biển.

- Lưu vực 3: Khu công nghiệp Hải Hà:

+ Lưu vực phía Bắc khu công nghiệp: xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát nước ra biển.

+ Lưu vực phía Nam khu công nghiệp: xây dựng hệ thống thoát nước mưa thoát nước ra biển.

- Các khu vực trung tâm xã, khu vực dân cư nông thôn: Hệ thống thoát nước mưa là hệ thống thoát nước nửa chung, thoát nước riêng từng phần (nửa riêng) giữa nước mưa và nước thải.

- Các khu vực nông thôn khác thuộc vùng địa hình miền núi thoát nước tự nhiên theo địa hình, tại trung tâm các xã xây dựng hệ thống mương nắp đan thoát nước mưa đảm bảo cảnh quan khu vực.

Phạm vi bảo vệ kênh tưới, tiêu được quy định: Đối với kênh tiêu chính đã được bê tông hoá, hành lang bảo vệ tối thiểu 2m- 5m.

Bảng: Phạm vi bảo vệ kênh tưới, tiêu.

Loại kênh

Lưu lượng (m3/s)

Phạm vi bảo vệ (m)

Kênh tưới

2- 10

5

Trên 10

10

Kênh tiêu

10- 20

20

Trên 20

30

V.1.5. Giải pháp chuẩn bị kỹ thuật với biến đổi khí hậu

a.  Ứng phó với lũ lụt.

Với đặc điểm địa hình dốc và bị chia cắt bởi nhiều con sông lớn nhỏ nên huyện Hải Hà tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với lũ quét khi có mưa lớn. Đồng thời khi có mưa lớn kết hợp với triều cường khiến cho mực nước biển dâng cao, lượng nước mưa chảy từ các con sông đổ ra biển bị giữ lại gây ngập úng thời gian dài.

Các giải pháp ứng phó với lũ lụt: Đối với những địa hình dốc tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, điều đầu tiên cần quan tâm là giảm lưu lượng dòng chảy, lưu chứa tạm thời hay bố trí dòng chảy an toàn để sao cho xói mòn là thấp nhất, cụ thể:

- Thiết kế thềm bậc theo hình thức bậc thang: được thiết kế theo đường đồng mức, phụ hợp với địa hình và tầng dày mặt đất. Đất bị san làm tầng không vượt quá 2/3 độ dày tầng đất ban đầu, phải đảm bảo trả lại được lớp đất màu trên mặt, tỷ lệ sử dụng phải đạt 65-70% so với diện tích ban đầu.

- Biện pháp lâm nghiệp: Trên các đỉnh đồi, sườn dốc đứng và ở các vị trí hợp thủy, cần bảo vệ và tăng cường trồng rừng, chống xói mòn, ngăn chặn dòng chảy và giữ ẩm cho đất.

- Nâng cấp cải tạo các công trình điều tiết lũ, đảm bảo sử dụng tốt trong việc điều tiết dòng chảy khi có mưa lớn, tránh nguy cơ xảy ra lũ quét.

b. Ứng phó với nước biển dâng

Thuỷ triều mang tính nhật triều đều điển hình, hầu hết số ngày trong tháng là nhật triều (trong 1 ngày có 1 lần nước lớn và 1 lần nước ròng). Trong 1 tháng mặt trăng có 2 kỳ nước cường, biên độ dao động 0,5 - 1,0m. Đây cũng là khu vực có độ cao của triều lớn nhất dải ven bờ Việt Nam, có thể đạt tới 4 - 5m. Thuỷ triều cao kết hợp cùng với hiện tượng nước dâng trong mưa bão là một trong những điều kiện gây tổn thương các đê bao, bờ đầm nuôi thuỷ sản của huyện. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường (năm 2012) thì mực nước biển dâng dải đất ven biển trải dài từ huyện Tiên Yên – Đầm Hà- Hải Hả - TP Móng Cái như sau:

Bảng: 34 Mô hình mực nước biển dâng

TT

Năm

Mực nước biển dâng

hệ cao độ lục địa (m)

1

2020

0,07 ÷ 0,08

2

2030

0,11 ÷ 0,12

3

2040

0,15 ÷ 0,17

4

2050

0,20 ÷ 0,24

Sơ đồ diễn biến triều của huyện Hải Hà

Các nhóm giải pháp chính:

- Các biện pháp bảo vệ: Kết hợp hài hòa các giải pháp “cứng” và “mềm”.

+ Các giải pháp cứng:  Chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đê ngăn mặn hiện có, tiến hành gia cố đê, kè đảm bảo ứng biến tốt với kịch bản nước biển dâng. Khi tiến hành xây dựng và gia cố các tuyến đê cần kết hợp với hệ thống cống ngăn triều nhằm điều tiết tốt lượng nước, đảm bảo thoát nước tốt cho toàn khu vực khi có mưa lớn và triều cường dâng cao.

+ Các giải pháp mềm: Chú trọng vào hệ sinh thái ven biển, tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, sử dụng các vùng đất ngậm mặn ( tập trung tại khu vực xã Tiến Tới), cải tạo cồn cát ven biển giảm thiểu hiện tượng xâm thực.

- Các biện pháp thích nghi: Tăng cường khả năng thích nghi, sống chung với lũ của cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tiến hành tôn cao các vùng đất và nhà ở, việc tôn cao trên đỉnh lũ cao nhất sẽ là cần thiết để cải thiện mức an toàn hiện đại của dân cư ở một số khu vực.

- Các biện pháp rút lui: Phương án cuối cùng khi mực nước biển dâng lên không có điều kiện sở vật chất để ứng phó là biện pháp di dời, rút lui vào sâu trong lục địa. Đây là phương án né tránh tác động của việc nước biển dâng bằng tái định cư và di dời nhà cửa tại những khu vực chịu tác động.

V.1.6. Khái toán khối lượng và kinh phí chuẩn bị kỹ thuật

Công tác san nền:

- Đắp nền khu đô thị:                                       16.228.800 m3

- Đắp nền khu công nghiệp cảng Hải Hà:   250.000.000 m3

- Đào nền khu công nghiệp:                            45.738.650 m3

Thoát nước mặt:

- Xây dựng các tuyến cống tròn D1500-D2000, cống hộp B=2.1m-2.3m, tổng chiều dài L = 5266m

- Xây dựng các tuyến cống tròn D1500-D2000, chiều dài L = 2161m

- Xây dựng tuyến cống hộp B=1.3-2.3m. Tổng chiều dài L=2440m

Bảng 35: Tổng hợp khối lượng hệ thống thoát nước  mưa riêng

TT

Hạng mục

Đơn vị

Khối lượng

Đến năm 2020

Đến năm 2030

A

Thị trấn Quảng Hà

1

Cống BTCT D1200

m

        143,0

           538,0

2

Cống BTCT D1500

m

     1.118,0

        4.921,0

3

Cống BTCT D1800

m

     1.761,0

        5.623,0

4

Cống BTCT D2000

m

     1.730,0

      16.789,0

5

Cống hộp BTCT BxH=1.7x2

m

        1.777,0

6

Cống hộp BTCT BxH=1.9x 2

m

     1.672,0

        5.163,0

7

Cống hộp BTCT BxH=1.9x 2.5

m

        189,0

        2.510,0

8

Cống hộp BTCT BxH=2x 2

m

        650,0

        2.515,0

9

Cống hộp BTCT BxH=1.7x 2.5

m

        5.843,0

10

Cống hộp BTCT BxH=2.1x 2.5

m

        811,0

        5.984,0

11

Cống hộp BTCT BxH=2.1x 2

m

        950,0

        4.139,0

12

Cống hộp BTCT BxH=2.2x 2

m

        713,0

        4.822,0

13

Cống hộp BTCT BxH=2.2x 2.5

m

        2.840,0

14

Cống hộp BTCT BxH=2.3x 2.5

m

        709,0

        3.330,0

15

Cống hộp BTCT BxH=2.3x 2

m

        908,0

        3.896,0

16

Cống hộp BTCT BxH=2.4x 2

m

        622,0

        2.698,0

17

Cống hộp BTCT BxH=2.4x 2.5

m

        4.366,0

18

Cống hộp BTCT BxH=2.5x 3

m

        3.486,0

19

Cống hộp BTCT BxH=2.5x 2.5

m

        4.912,0

20

Cống hộp BTCT BxH=2.8x 3

m

           554,0

21

Cống hộp BTCT BxH=2.8x 2.5

m

        1.664,0

22

Cống hộp BTCT BxH=2.9x 2.5

m

           896,0

23

Cống hộp BTCT BxH=3.2x 2.5

m

        1.415,0

B

Khu công nghiệp Hải Hà

Cống BTCT D1000

m

        68798

Cống BTCT D1250

m

     83446

Cống BTCT D1500

m

     18072

Cống BTCT D2000

m

970

Công tác chuẩn bị kỹ thuật khác:

- Kè hồ, kè bờ sông Hà Cối (đoạn qua thị trấn Quảng Hà):  4.500m.

- Kè biển khu đô thị ven biển:                                              15.500m.

- Kè biển khu công nghiệp:                                                   24.750m.

- Khái toán kinh phí: Đắp nền + HTTN + kè =  37436 + 450,7 + 233,8 = 38.120,5 tỷ đồng.

V.2. Định hướng quy hoạch giao thông

V.2.1. Mục tiêu và chiến lược phát triển

Huyện Hải Hà nói riêng, tiểu vùng phía Đồng cũng như tỉnh Quảng Ninh nói chung có nhu cầu giao thông tăng mạnh trong tương lai. Các công trình hạ tầng giao thông cần phải được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ. Bên cạnh việc thực hiện các công trình hạ tầng giao thông riêng lẻ đáp ứng nhu cầu các giai đoạn phát triển, nghiên cứu quy hoạch hệ thống giao thông thống nhất đồng bộ và phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện đặc trưng của khu vực, đáp ứng các chức năng đô thị và giảm thiểu tác động môi trường. Mạng lưới và các công trình hạ tầng giao thông và chính sách phát triển phải được hoạch định trên cơ sở các chiến lược phát triển:

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, liên kết thống nhất với các cửa khẩu đường bộ, đường thủy và đường sắt, đáp ứng nhu cầu vận tải xuất nhập khẩu gia tăng, phù hợp với cấu trúc phát triển mở rộng huyện Hải Hà, KKTCK Móng Cái và cấu trúc quy hoạch xây dựng vùng tỉnh;

Chiến lược vận tải: Phát triển các loại phương tiện giao thông, đảm bảo thị phần vận tải hợp lý, phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện;

Phát triển các đầu mối giao thông trung chuyển liên kết các phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng;

Huyện Hải Hà nằm trên địa hình đa dạng (đồi núi, trung du, ven biển, biên giới và hải đảo) và đa dạng các loại hình giao thông (đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không) phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, quân sự và dịch vụ du lịch.

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải cho huyện, nhằm phát huy tối đa vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các loại hình giao thông vận tải được kết nối thuận tiện và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên hệ thống giao thông thống nhất liên thông. Trên cơ sở chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia, giao thông vùng tỉnh và quan hệ vận tải quốc tế, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch sử đụng đất, xác định phương thức và đề xuất định hướng phát triển các hành lang giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải cho huyện Hải Hà.

V.2.2. Xác định các hành lang giao thông quan trọng

a) Xác định phương thức vận tải

Đường bộ: Vận tải hàng hóa, hành khách đường dài quy mô lớn; Vận tải hành khách công cộng trong nội bộ huyện.

Đường biển: Vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu (than, gạo, xăng dầu, sắt thép, hàng  container…); Vận tải hành khách ven biển và hải đảo; Đường thủy nội địa: Vận tải hàng rời, khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng)

Đường sắt: Vận tải hàng hóa, hành khách đường dài quy mô lớn; Vận tải hành khách công cộng trong vùng .

b) Phát triển các hành lang giao thông chính.

Đặc biệt quan trọng đối với huyện Hải Hà là việc xây dựng phát triển các hành lang giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh, liên vùng quốc gia và quốc tế với 4 loại hình vận tải chính: Đường bộ; đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt.

Xây dựng các công trình đầu mối giao thông hợp lý và các trung tâm tiếp vận đa phương thức: hệ thống cảng, bến thuyền; cảng cạn (ICD),bến bãi, ga đường sắt vận chuyển hàng hóa, hành khách, đảm bảo kết nối thuận tiện, liên thông giữa các phương thức vận tải.

c) Hành lang giao thông Đông - Tây.

Các tuyến đường bộ:

- Đường vành đai biên giới (TL341) là tuyến đường dọc biến giới với Trung Quốc, có vai trò quan trọng kết nối các của khẩu và các KKT cửa khẩu phục vụ thương mại dịch vụ và đảm bảo quốc phòng an ninh.

- Tuyến QL18 kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với khu kinh tế của khẩu Móng Cái là đường đối ngoại huyết mạch quan trọng nhất tỉnh Quảng Ninh liên kết các đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn huyện và các khu kinh tế phát triển dọc địa hình ven biển.

- Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái

- Đường ven biển kết nối các đô thị của KKT của khẩu Móng Cái, khu kinh tế Vân Đồn và các đô thị ven biển tỉnh Quảng Ninh.

Các tuyến vận tải biển quốc gia và quốc tế phát triển phù hợp với hệ thống cảng biển, cảng bến thủy nội địa vận chuyển hàng hóa xuất nhập và hành khách ven biển và hải đảo

Các tuyến vận tải đường thủy nội địa: Vận tải ven biển và trên các sông

Các tuyến đường sắt: Hà Nội - Hạ Long - Tiên Yên; Lạng Sơn - Tiên Yên - (Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà) - Móng Cái, vận chuyển hàng hóa, hành khách đường dài quy mô lớn;

d. Hành lang giao thông Bắc - Nam.

Các tuyến đường bộ:

- Tuyến QL18B kết nối của khẩu Pắc Phong Sinh, đường vành đai biên giới với QL.18 và đường cao tốc tiếp tục kéo dài vào khu công nghiệp cảng biển Hải Hà.

- Xây dựng mới các tuyến kết nối khu vực miền núi biên giới phía Bắc với QL18, đường cao tốc, đường ven biển và với các khu vực phát triển đô thị công nghiệp cảng biển phía Nam.

Các tuyến vận tải đường thủy nội địa vận tải ven biển ra các đảo và trên các sông.

V.2.3. Định hướng phát triển giao thông đối ngoại

a. Đường bộ

Cải tạo kết hợp xây dựng mới mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và liên thông tăng cường kết nối liên vùng, quốc gia và quốc tế.

Xây dựng mới các tuyến:

- Xây dưng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái: hướng tuyến theo phương án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận; Quy mô mặt cắt ngang 06 làn xe (Giai đoạn I: 04 làn xe), kết nối hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Hà Nội - Hạ Long - Móng Cái; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội; Về nút liên thông: trên địa bàn có nút giao liên thông vào/ra đường cao tốc tại lý trình Km230+320 đường cao tốc) kết nối với Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà.

- Xây dựng tuyến đường ven biển song song phía Nam đường cao tốc, quy mô 04 làn xe. Tuyến đi qua các khu đô thị mới kết nối các khu chức năng của huyện Hải Hà và liên kết với hệ thống cảng biển, các khu vực ven biển tạo động lực khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển: Vận tải và dịch vụ vận tải biển; du lịch và dịch vụ du lịch biển đảo và đánh bắt, nuôi trồng và chế biển thủy hải sản.

Các tuyến cải tạo nâng cấp:

- Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18: trên địa phận huyện Hải Hà có chiều dài khoảng 17 km, hiện đạt tiêu chuẩn cấp IIImiền núi (Bn = 9m, Bm = 8m), cải tạo đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, phù hợp với toàn tuyến Mông Dương – Móng Cái, (Bn = 12m, Bm = 11m), dài hạn nghiên cứu mở rộng lên 04 làn xe. Ngoài ra, đoạn qua khu vực trung tâm hiện hữu nghiên cứu cải tuyến nối thẳng Quảng Long - Quảng Thành.

- Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18B: hiện dài khoảng 17km, kết nối từ Quảng Hà qua Quốc lộ 18 nối với cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hiện là đường cấp III miền núi, Bn= 9m, Bm = 7m, cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo liên thông.

- Cải tạo nâng cấp đường vành đai biên giới - TL341: Đảm bảo kết nối trên vành đai Hoành Mô - Bắc Phong Sinh - Móng Cái, hiện đang là đường cấp V miền núi (Bn = 6,5 m, Bm = 3,5 m), riêng đoạn qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã được mở rộng. Cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi. Dài hạn: đảm bảo quỹ đất, lộ giới hai bên để đảm bảo khả năng nâng cấp thành Quốc lộ với tiêu chuẩn cấp III miền núi.

- Ngoài ra, đối với đường nối từ Khu công nghiêp – cảng biển Hải Hà: dài khoảng 6,62 km, hiện đang thi công hoàn thiện với Bn = 52m, Bm = 30 m, vỉa hè 2 x 8 m, dải phân cách 6m, cần quản lý chỉ giới, có tính đến quy hoạch hai bên tuyến đường để đảm bảo an toàn, lưu thông toàn tuyến.

b. Đường thủy

Xây dựng cảng biển tổng hợp là cửa khẩu đường thủy, đáp ứng nhu cầu phát triển tổ hợp công nghiệp và dịch vụ cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam, Asean với quốc tế;

Xây dựng cảng chuyên dụng và cơ sở đóng mới sửa chữa phương tiện đường thủy phục vụ phát triển tổ hợp công nghiệp và năng lượng.

Hình thành luồng hàng hải qua Cửa Đại vào Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà kết nối với cảng biển thuộc khu công nghiệp và đảo Cái Chiên. Đối với liên khu vực, cải tạo nâng cấp cảng tổng hợp Vạn Gia là cảng cửa khẩu đường thủy xuất nhập khẩu hàng hóa và hành khách vùng Đông Bắc Việt Nam.

Xây dựng kết hợp cải tạo nâng cấp hệ thống cảng bến thủy nội địa kết nối các khu chức năng, các khu vực biển đảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách phục vụ du lịch.

Đường sắt:

- Xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1435mm từ khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nối đường sắt Hạ Long - Móng Cái , tạo động lực phát triển và tăng khả năng cạnh tranh của khu công nghiệp cảng biển Hải Hà.

- Xây dựng ga lập tàu Quảng Hà, quy mô 40,0 ha và ga tiền cảng trong khu vực công nghiệp, cảng biển Hải Hà.

c. Trung tâm tiếp vận - Logistic

Xây dựng các trung tâm tiếp vận hàng hóa và hành khách giữa các phương thức vận tải: Xây dựng cảng cạn (ICD) khu vực ga Hải Hà chuyển tải đường bộ và đường sắt; Trung tâm tiếp vận cảng biển Hải Hà (sắt - thủy - bộ).

d. Công trình phục vụ giao thông và giao thông công cộng

Xây dựng bến xe khách Quảng Hà tối thiểu đạt tiêu chuẩn bến loại 3. Hệ thống bãi đõ xe: Xây dựng các bến xe tại các khu vực cửa khẩu, đầu mối giao thông và cho các trung tâm thương mại dịch vụ, thể dục thể thao vui chơi giải trí, du lịch.

Xây dựng 2 nút giao thông khác mức:

- Nút giao liên thông giữa cao tốc Hạ Long - Móng Cái với đường vào Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà (liên thông vào/ra tại lý trình Km230+320)

- Nút giao cắt giữa cao tốc Hạ Long - Móng Cái với đường QL18

Phát triển các tuyến xe bus trên địa bàn, đảm bảo liên thông với các tuyến sau: Đường Hoa - Quảng Hà - Khu công nghiệp Hải Hà; Quảng Hà - Bắc Phong Sinh; Quảng Hà - Hải Yên (Móng Cái), Cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Pò Hèn - Trung tâm thành phố Móng Cái.

Bảng 36: Tổng hợp mạng lưới đường đối ngoại

TT

Danh mục

Chiều dài (km)

Chiều rộng (m)

Diện tích

 (ha)

Loại đường

Ký hiệu

mặt cắt

Cải tạo

Xây mới

Mặt

đường

Hè,lề

Tổng

Đường đối ngoại

68

41

256

I

Đường cao tốc

1

Cao tốc Hạ Long - Móng cái

A - A

19

22,5

10

38,5

73,15

II

Quốc lộ

1

Quốc lộ 18

B - B

27

15

7,5

28,5

76,95

2

Quốc lộ 18B

C - C

17

7

5

12

20,4

III

Đường tỉnh

1

Tỉnh lộ 341

D - D

24

5,5

2

9,5

2,8

IV

Đường ven biển

B - B

 22

15

7,5

28,5

62,7

V.2.4. Định hướng phát triển giao thông đô thị và nông thôn

a. Định hướng phát triển giao thông đô thị, công nghiệp

Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có tại trung tâm Quảng Hà, xây dựng các tuyến giao thông mới theo hướng phát triển về phía Đông của thị xã, dọc theo trục đường ven biểnnhằm tạo động lực phát triển mở rộng thị xã Quảng Hà tạo cơ sở hạ tầng thuận tiện hỗ trợ tốt cho khu công nghiệp Hải Hà trong tương lai.

Các tuyến giao thông đô thị xây mới tại khu vực Quảng Phong, Quảng Điền nhằm phục vụ nhu cầu của khu công nghiệp Hải Hà xây dựng theo dạng ô cờ nhằm kết nối tốt với khu vực đô thị cũ, tạo sự liên kết thuận lợi cho khu công nghiệp và khu đô thị.

Xây dựng mạng lưới đường trong khu công nghiệp Hải Hà tuân thủ theo “quy hoạch khu công nghiệp Hải Hà” đã được phê duyệt.

Bảng 37: Tổng hợp mạng lưới đường đô thị và công nghiệp

TT

Danh mục

Chiều dài (km)

Chiều rộng (m)

Diện tích

 (ha)

Loại đường

Ký hiệu

mặt cắt

Cải tạo

Xây mới

Mặt

đường

Hè,lề

Tổng

A

Đường đô thị

17,8

56,1

199

1

Quốc lộ 18

Đường rộng 32 m

2 - 2

3,8

20

12

32

12,2

2

Đường rộng 30 - 39 m

2 - 2

7,2

24,9

18 - 24

12 - 15

30 - 39

100,3

3

Đường rộng 24 - 27 m

3 - 3

24,9

14 - 15

5 - 7

24 - 27

63,2

4

Đường rộng 10 - 21.5 m

4 - 4

6,8

6,3

5 - 10.5

5 - 11

10 - 21.5

23,3

B

Đường trong khu công nghiệp

2,0

 93,8

219,8

2

Khu công nghiệp Hải Hà

C1-C1

C2-C2
C3-C3

C4-C4

88

9.5- 30

14 - 37

23.5 - 67

219,8

Ngoài ra, Hiện trên địa bàn có các luồng đường thủy nội địa: Móng Cái - Cửa Mô, Hà Cối, Cái Chiên, Má Ham với các bến thủy nội địa dọc sông Hà Cối. Cần thường cuyên duy tu, đảm báo hoạt động của các tuyến đường thủy nội địa này, đặc biệt là tuyến và bến nối với đảo Cái Chiên.

b. Định hướng phát triển giao thông nông thôn

Cải tạo các đường giao thông liên xã hiện có, xây mới thêm 72,2Km đường liên xã nhằm tăng khả năng kết nối giữa các xã trong toàn huyện.

Hoàn thiện hệ thống khung giao thông nông thôn tại khu vực Hải Hà  theo mô hình nông thôn mới, đảm bảo tăng tính kết nối trong toàn khu vực.

Bảng 38: Tổng hợp mạng lưới đường giao thông nông thôn

TT

Danh mục

Chiều dài (km)

Chiều rộng (m)

Diện tích

 (ha)

Loại đường

Ký hiệu

m/c

Cải tạo

Xây mới

Mặt

đường

Hè,lề

Tổng

I

Đường liên xã, liên thôn

72,2

 72,2

671,4

Đường cấp 4 miền núi

D - D

47,7

6

5,5

2

9,5

510,2

Đường rộng 10 - 21.5 m

4 - 4

24,5

66,2

5- 10.5

5 - 11

10- 21.5

161,2

                               

Bảng: Tổng hợp mạng lưới đường

TT

Loại đường

Chiều dài (km)

Diện tích

(ha)

Cải tạo

Xây mới

A

Đường đối ngoại

68,0

41,0

256,0

B

Đường đô thị

17,8

56,1

199,0

C

Đường trong khu công nghiệp

2,0

 93,8

219,8

D

Đường liên xã, liên thôn

72,2

 72,2

671,4

Bảng 39: Tổng hợp diện tích đất giao thông

TT

Danh mục

Diện tích đất (ha)

Ghi chú

A

Đường bộ

I

Mạng lưới đường

1349,2

1

Đường đối ngoại

256

3

Đường đô thị

199

4

Đường khu công nghiệp

219,8

5

Đường liên xã, liên thôn

671,4

II

Công trình đường bộ

48,0

1

Bến xe

3,0

1 bến

2

Bãi đỗ xe

35,0

3

Cảng cạn (ICD)

10,0

Kết hợp ga Quảng Hà

B

Đường thủy

500

1

Cụm cảng Hải Hà

450

Tổng hợp chuyên dùng

3

Cảng bến thủy nội địa Hà Cối

50

1 bến, HK, hàng hóa

C

Đường sắt

138,0

1

 Đường

10,0

Quốc gia, vào cảng

2

Ga

60,0

2 ga

Tổng: A+B+C

2.032,2

c. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật

Mạng lưới đường

- Tổng chiều dài mạng lưới đường:              423 Km

- Tổng diện tích đất giao thông:                               2.032,2 Ha

- Tỷ lệ đất giao thông toàn huyện                ≈ 3%

Các tuyến đường

- Độ dốc dọc tối đa                                         imax = 8%

- Bán kính đường cong nhỏ nhất                  Rmin = 20m

Quy hoạch xây dựng đợt đầu

Quy hoạch xây dựng giao thông đợt đầu được xác định phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đợt đầu. Ngoài ra, còn phải đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đợt đầu để tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông

   a)  Hệ thống tiêu chí xác định các dự án ưu tiên đầu tư:

1/. Quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch;

2/. Nhu cầu phát triển theo các giai đoạn;

3/. Tạo động lực phát triển kinh tế lan tỏa

4/. Hiệu quả kinh tế xã hội cao.

   b)  Dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2015 -2020:

1./. Hoàn thành sớm đường nối QL18 vào khu công nghiệp cảng biển Hải Hà;

3./. Xây dựng các đường trục chính đô thịnối với các khu đô thị quy hoạch mới;

4./. Xây dựng cụm cảng biển Hải Hà

6./. Xây dựng đường, công trình giao thông trong các khu công nghiệp, đô thị và du lịch.

V.2.5. Khái toán khối lượng và kinh phí đầu tư giao thông

Bảng 40: Tổng hợp khối lượng và ước tính kinh phí đầu tư

TT

Tên Đường

Đơn vị

Khối Lượng

Đơn Giá       Tỷ.VNĐ

Thành Tiền Tỷ.VNĐ

2020

2030

2020

2030

A

Giao thông đối ngoại

4..228,5

3.000,0

I

Đường Sắt

300,0

280,0

1

Đường sắt

Km

22

20,0

300,0

140,0

2

Ga đường Sắt

Quảng Hà

Ga cảng Hải Hà

Ha

40

20

2,0

100,0 

40,0

II

Đường Thủy

480,5

2.670,0

1

Cảng tổng hợp Hải Hà

Tr.tấn

4,5

30

90,0

450.5

2.670,0

4

Cảng, bến thủy nội địa

Bến

1

30,0

30,0

III

Đường Bộ

3.448,0

50,0

1

Đường cao tốc

km

19

80,0

1.520,0

2

QL18

27

15,0

405,0

3

QL18B

17

8,0

136,0

4

Bến xe

ha

3

5,0

15,0

5

Tỉnh lộ 341 (Đường vành đai biên giới)

Km

24

8,0

192,0

6

Đường ven biển

22

40,0

880,0

7

Các tuyến Bắc - Nam

km

10

20

30,0

300,0

600,0

B

Đường đô thị

491,4

504,0

1

Thị trấn Quảng Hà

Km

19,4/25,0

 33,6

6,0/15,0

491,4

504,0

C

Đường khu công nghiệp

800,0

960,0

1

Khu công nghiệp Hải Hà

Km

40,0

48,0

20,0

800,0

960,0

D

Công trình giao thông

405,0

450,0

I

Bải đỗ xe

Ha

35

50

3,0

105,0

150,0

II

Nút giao thông khác mức

Nút

2

2

150,0

300,0

300,0

Tổng (B+C+D)

1.696,4

1.914,0

Tổng cộng

5.924,9

4.914,0

10.828,9

Tổng vốn đầu tư giai đoạm 2015 đến 2020: 5.924,9 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư giai đoạm 2021 đến 2030: 4.914,0 tỷ đồng

V.3. Định hướng quy hoạch cấp nước

V.3.1. Chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp nước

TT

Thành phần dùng nước

Đơn vị tính

2020

2030

Tiêu chuẩn

Tỷ lệ cấp nước

(% dân số)

Tiêu chuẩn

Tỷ lệ cấp nước

(% dân số)

1

Nước sinh hoạt

Nội thị

l/ng.ngđ

120

100%

150

100%

Ngoại thị

l/ng.ngđ

100

80%

120

100%

Ghi chú: (*) Đối với ngành sản xuất rượu, bia, sữa, đồ hộp, giấy, dệt, chế biến thực phẩm: 70m3/ha/ngày. Đối với các ngành khác: 22m3/ha/ngày

TT

Hạng mục

Nguồn nước thô

Phạm vi phục vụ

Công suất

(m3/ngày)

2020

2030

1.2. Thị trấn Hải Hà

a

NMN Quảng Hà (NMN Hải Hà)

Sông Hà Cối

Thị trấn Quảng Hà

3.000

b

NMN Quảng Minh

Hồ Tràng Vinh

KCN Hải Hà

60.000

2. QHXD Vùng tỉnh Quảng Ninh

2.2. Thị trấn Hải Hà

a

NMN Hải Hà

Sông Hà Cối

Thị trấn Hải Hà

3.000

6.000

b

NMN Hồ Tài Chi

Hồ Tràng Vinh

Thị trấn Hải Hà

100.000

                   

V.3.2. Dự báo nhu cầu dùng nước

Dự báo nhu cầu dùng nước huyện Hải Hà

TT

Khu vực dùng nước

Nhu cầu (m3/ngày)

2020

2030

1

Khu vực Hải Hà

165.000

190.000

Sinh hoạt

15.000

40.000

Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà

150.000

150.000

2

Xã đảo Cái Chiên

500

1.000

Tổng cộng

165.500

191.000

V.3.3. Lựa chọn nguồn nước

Về nước mặt:

- Sông Hà Cối diện tích lưu vực khoảng 86,4 km2, chiều dài 35 km

- Sông Tài Chi: diện tích lưu vực khoảng 55,6 km2, chiều dài 25 km, lưu lượng dòng chảy Q = 6,1 m3/s (tại trạm Tài Thi trên sông Tài Chi có Wo = 192,37.106 m3). Modul dòng chảy năm lớn nhất là trung tâm dãy nam Châu Lĩnh (thượng lưu sông Tài Chi) có M >100 l/s-km2. Đặc trưng chuẩn dòng chảy tại trạm thủy văn Tài Thi được tính trong một quá trình dài cho ta thấy  Qmax=2660 m3/s, Qmin=0,425 m3/s. Dự kiến sẽ xây dựng trên thượng nguồn sông Tài Chi hồ chứa nước để điều tiết và cấp cho sinh hoạt và công nghiệp giai đoạn dài hạn.

- Sông Đường Hoa: Hiện tại trên sông Đường Hoa đã xây dựng 5 đập khác nhau để lấy nước cấp cho nông nghiệp, sinh hoạt và các nhu cầu khác như đập Sán Lừu, đập Đường Hoa, đập Roa, đập Đồi Che, đập 3/2

- Một sô suối khác trong khu vực như suối Văn Tốc, Mằn Thìn...

- Hồ Tràng Vinh: Diện tích lưu vực: 70,8 km2; Dung tích toàn bộ: 75 triệu m; Dung tích hữu ích: 60 triệu m3; Dung tích chết 15 triệu m3; Mực nước chết: +15 m; Mực nước dâng bình thường: +24,20 m; Mực nước gia cường + 25,20 m. Cấp nước thô cho hệ thống cấp nước Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà từ hồ Tràng Vinh với công suất khoảng 50 triệu m3/năm (khoảng 110.000 m3/ngày)

- Hồ Trúc Bài Sơn: diện tích lưu vực: 18,2km2; Dung tích toàn bộ: 15 triệu m3

- Hồ Khe Dầu: diện tích lưu vực: 2,3 km2; Dung tích toàn bộ: 0,5 triệu m3. Xây mới trên sông Tài Chi, thuộc xã Quảng Đức và xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà).

- Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng dập cao su tại ngã ba sông Hà Cối, bổ xung thêm nguồn nước cho khu vực.

Tài nguyên nước ngầm:

- Tại huyện Hải Hà cũng chưa có tài liệu thăm dò, đánh giá nguồn nước ngầm, tuy nhiên qua quan sát sơ bộ các giếng đào tại khu vực thì nguồn nước này tương đối dồi dào, bình thường ở độ sâu 3¸4 m đã có mạch nước ngầm và đây cũng là nguồn nước chủ yếu cấp cho sinh hoạt, dịch vụ của dân trong huyện. Tuy nhiên các xã ven biển thì nguồn nước này có hiện tượng bị nhiễm mặn về mùa khô.

- Đảo Cái Chiên có nguồn nước ngầm có chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác để phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Lựa chọn nguồn nước: Nguồn nước thô cấp cho Hải Hà: các hồ Tràng Vinh (Móng Cái), Trúc Bài Sơn, Tài Chi, sông Hà Cối

Bảng 41: Công suất dự kiến các Công trình thứ cấp cho KCN cảng biển Hải Hà

TT

Công trình thu

Các NMN được cấp nước thô

Công suất cấp cho các NMN (m3/ngày)

Công suất tổng cộng (m3/ngày)

2020

2030

2020

2030

1

Công trình thu hồ Tràng Vinh

NMN Quảng Minh

15.000

40.000

95.000

120.000

NMN Khu CN Hải Hà 2

80.000

80.000

2

Công trình thu hồ Tài Chi

NMN Khu CN Hải Hà 1

70.000

70.000

20.000

20.000

3

Công trình thu hồ Trúc Bài Sơn

50.000

50.000

Phân vùng cấp nước: Dựa vào điều kiện tự nhiên, định hướng quy hoạch phân thành các vùng cấp nước chính như sau:

- Vùng I : Bao gồm các xã : Quảng Sơn, Đường Hoa, Tiến Tới. Nguồn nước thô cấp là hồ Trúc Bài Sơn và sông Đường Hoa.

- Vùng II : Bao gồm các xã : Quảng Đức, Quảng Thành. Nguồn nước thô cấp là suối Văn Tốc, sông Thoa Mới và sông Tài Chi.

- Vùng IIIa: Bao gồm khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, thị trấn Quảng Hà và các xã Quảng Thắng, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Phong, Quảng Điền, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Chính. Nguồn nước thô cấp là các hồ Tràng Vinh (Móng Cái), hồ Trúc Bài Sơn, hồ Tài Chi, sông Hà Cối.

- Vùng IIIb: Xã đảo Cái Chiên thuộc khu D - Khu vực du lịch biển đảo phía Nam. Nguồn nước thô cấp là hồ và nguồn nước ngầm tại chỗ.

Giải pháp cấp nước:

- Công trình thu - trạm bơm 1: Nước thô cấp cho các Nhà máy nước (NMN) trên là các công trình thu - trạm bơm 1 các hồ Tràng Vinh, Trúc Bài Sơn, Tài Chi.

Bảng 42: Công suất dự kiến các Công trình thứ cấp cho huyện Hải Hà

TT

Công trình thu

Các NMN được cấp nước thô

Công suất cấp cho các NMN (m3/ngày)

Công suất tổng cộng (m3/ngày)

2020

2030

2020

2030

1

Công trình thu hồ Tràng Vinh

NMN Quảng Minh

15.000

40.000

95.000

120.000

NMN Khu CN Hải Hà 2

80.000

80.000

2

Công trình thu hồ Tài Chi

NMN Khu CN Hải Hà 1

70.000

70.000

20.000

20.000

3

Công trình thu hồ Trúc Bài Sơn

50.000

50.000

Các Nhà máy nước:

- Vùng I: NMN xã Quảng Sơn, công suất vào năm 2020 là 420m3/ngày đêm, năm 2030 là 1.000 m3/ngày đêm; NMN xã Tiến Tới cấp nước cho trung tâm 2 xã Đường Hoa, Tiến Tới, công suất vào năm 2020 là 1.000 m3/ngày đêm, năm 2030 là 2.000 m3/ngày đêm.

- Vùng II: NMN suối Văn Tốc, công suất vào năm 2020 là 600 m3/ngày đêm, năm 2030 là 1.000 m3/ngày đêm; NMN Cống Mằn Thìn, công suất vào năm 2020 là 320 m3/ngày đêm, năm 2030 là 600 m3/ngày đêm; NMN xã Quảng Thành, công suất vào năm 2020 là 500 m3/ngày đêm, năm 2030 là 1.000 m3/ngày đêm.

- Vùng III - A:

+ NMN Hải Hà tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà; lấy nguồn nước sông Hà Cối, công suất năm 2020 là 3.000 m3/ngàyđêm, năm 2030 là  6.000 m3/ngàyđêm, xây dựng thêm tuyến ống nước thô đường kính Ø250mm cho giai đoạn 2030 bên cạnh tuyến ống Ø250mm hiện có;

+ NMN Quảng Minh, lấy nguồn nước hồ Tràng Vinh, công suất vào năm 2020 là 15.000 m3/ngàyđêm, năm 2030 là 40.000 m3/ngàyđêm. Xây dựng tuyến ống nước thô đường kính Ø600mm đáp ứng đủ cho cả 2 giai đoạn;

+ NMN Khu công nghiệp Hải Hà 1 dự kiến xây dựng tại Khu công nghiệp Hải Hà, lấy nguồn nước hồ Trúc Bài Sơn, Tài Chi, công suất vào năm 2020 là 70.000 m3/ngàyđêm, linh động đáp ứng nhu cầu thực tiễn giai đoạn. Xây dựng 02 tuyến nước thô, một từ công trình thu hồ Trúc Bài Sơn đường kính Ø600mm, một từ công trình thu hồ Tài Chi đường kính Ø500mm đáp ứng đủ cho cả 2 giai đoạn;

+ NMN Khu công nghiệp Hải Hà 2 dự kiến xây dựng tại Khu công nghiệp Hải Hà, lấy nguồn nước hồ Tràng Vinh (và các nguồn khác trong trưởng hợp thực tiễn yêu cầu), công suất vào năm 2020 là 80.000 m3/ngàyđêm, giai đoạn sau linh động theo nhu cầu thực tiễn. Xây dựng tuyến nước thô từ công trình thu hồ Tràng Vinh đường kính Ø800mm đáp ứng đủ cho cả 2 giai đoạn.

- Vùng III - B: Trạm cấp nước Cái Chiên, công suất vào năm 2020 là 500 m3/ngàyđêm và năm 2030 là 1.000 m3/ngàyđêm.

Bảng 43: Công suất dự kiến các NMN cấp cho huyện Hải Hà:

Vùng cấp nước

Hạng mục

Nguồn nước thô

Công suất (m3/ngày)

2014

2020

2030

Vùng I

NMN xã Quảng Sơn

Hồ Chúc Bài Sơn

420

1.000

NMN xã Tiến Tới

Sông Đường Hoa

1.000

2.000

Vùng II

NMN suối Văn Tốc

Suối Văn Tốc

600

1.200

NMN Cống Mằn Thìn

Sông Thoa Mới

320

600

NMN xã Quảng Thành

Sông Tài Chi

500

1.000

Vùng IIIa

NMN Hải Hà

Sông Hà Cối

3.000

3.000

6.000

NMN Quảng Minh

Hồ Tràng Vinh

15.000

40.000

NMN Khu CN Hải Hà 1

Hồ Chúc Bài Sơn + Hồ Tài Chi

70.000

70.000

NMN Khu CN Hải Hà 2

Hồ Tràng Vinh

80.000

80.000

Vùng IIIb

Trạm cấp nước Cái Chiên

Nước ngầm

500

1.000

Mạng nước, ống nước:

- Mạng lưới đường ống bố trí dạng vòng, cụt kết hợp thuận tiện cho việc phân phối nước đến các điểm tiêu thụ. Vật liệu ống bằng gang dẻo, nhựa HDPE. Duy trì, bảo dưỡng mạng lưới đường ống tránh thất thoát.

- Tính toán mạng lưới ống cấp nước: Mạng lưới tuyến ống chuyển tải được tính bằng chương trình Waterwork, trên cơ sở tính toán bằng phương trình Hazen Wiliam:

   H = 3,02 x (V/C)1,85 x (L/F)1,17

Trong đó:

C: Hệ số nhám của đường ống.

V: Vận tốc xác định theo vận tốc kinh tế của ống (m/s).

F: Đường kính ống trên mạng lưới (mm).

L: Chiều dài các đoạn ống giữa các nút trên mạng lưới (m).

- Đối với nhu cầu sinh hoạt: Đặt mới các tuyến ống chuyển tải và phân phối chính đường kính F450mm-F160mm kết hợp với các tuyến ống hiện có. Đối với nhu cầu Công nghiệp: Đặt mới các tuyến ống chuyển tải và phân phối chính dọc các trục chính của khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đường kính F800mm - F160mm.

- Đặt mới các tuyến ống phân phối dọc theo các trục đường chính của trung tâm các xã theo quy hoạch nông thôn mới được lập, đường kính F150 mm-  F110mm phục vụ cho nhu cầu của xã.

- Áp lực của mạng cấp 1 vào giờ cao điểm  ≥15m đủ cấp nước cho nhà từ 2 -3 tầng.

V.3.4. Cấp nước phòng cháy chữa cháy

Nguồn nước: Phối kết hợp nguồn cấp nước tập trung, hai từ hệ thống mặt nước tự nhiên trong khu vực.

Chữa cháy áp lực thấp. Khi có cháy xe cứu hoả đến lấy nước tại các họng cứu hoả, áp lực cột nước tự do lúc này không được nhỏ hơn 10m. Họng cứu hoả được bố trí trên các tuyến ống 100mm trở lên, đồng thời phải tuân theo quy phạm phòng cháy chữa cháy của bộ Công an. Họng cứu hoả được đặt nổi trên mép đường, dọc theo đường phố, ở các ngã ba, ngã tưKhoảng cách cách tường nhà tối thiểu 3m, cách mép ngoài của lòng đường tối đa 2,5m. Khoảng cách giữa các họng được xác định theo lưu lượng chữa cháy tính toán và đặc tính của từng loại họng, có thể từ 150 - 300m. (Được thiết kế cụ thể trong giai đoạn tiếp theo).

V.3.5. Biện pháp bảo vệ nguồn nước

Khu vực bảo vệ nguồn nước: Đối với nguồn nước ngầm: Xung quanh công trình khai thác (giếng khoan) với bán kính 25m. Cấm : Xây dựng các công trình làm nhiễm bẩn nguồn nước; Đào hố phân, rác, hố vôi; Chăn nuôi, đổ rác; Đối với nguồn nước mặt: trong khoảng 200m tính từ điểm lấy nước về phía thượng lưu và 100m về phía hạ lưu, không được xây dựng các công trình gây ô nhiễm nguồn nước (không xả nước thải, nước nông giang, chăn nuôi, tắm giặt).

Khu vực bảo vệ nhà máy nước, trạm bơm tăng áp:  Trong phạm vi 30m kể từ chân tường các công trình xử lý phải xây dựng tường rào bảo vệ bao quanh khu vực trạm. Bên trong tường rào này không được xây dựng nhà ở, công trình vui chơi, sinh hoạt, vệ sinh. Khu vực bảo vệ đường ống cấp nước tối thiểu là 0,5m

V.3.6. Khái toán khối lượng và kinh phí xây dựng hệ thống cấp nước

Bảng 44: Khái toán kinh phí đầu tư hệ thống cấp nước huyện Hải Hà

TT

Danh mục thiết bị

Đơn vị

Đơn giá (Tr vnđ)

Khối lượng

Thành tiền (Tr vnđ)

2020

2030

2020

2030

A

Nhà máy nước

m3/ngày

5

171.340

31.460

856.700

157.300

B

Đường ống

2

Ống gang Ø800

m

8,5

1.420

12.070

3

Ống gang Ø700

m

7

7.530

52.710

4

Ống gang Ø600

m

5,5

2.850

15.675

5

Ống gang Ø500

m

4

2.350

9.400

6

Ống gang Ø450

3,5

1.250

4.375

7

Ống gang Ø400

3

4.370

750

13.110

2.250

8

Ống gang Ø300

2

5.350

1.230

10.700

2.460

9

Ống gang Ø250

1,5

580

4.240

870

6.360

10

Ống gang Ø200

1,2

17.950

3.250

21.540

3.900

11

Ống nhựa HDPE Ø160

m

0,9

5.140

5.370

4.626

4.833

12

Ống nhựa HDPE Ø110

m

0,45

780

2.500

351

1.125

E

Phụ kiện đường ống

30%

42.316

7.591

F

Cộng

1.040.068

190.194

G

Chi phí khác

20%

208.014

38.039

H

Tổng cộng

1.248.082

228233

Tổng mức đầu tư hệ thống cấp nước cho huyện Hải Hà là khoảng 1.480.000.000 VNĐ (một ngàn bốn trăm tám mươi tỷ đồng).

V.4. Định hướng quy hoạch cấp điện

V.4.1. Chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp điện

Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt

- Đến năm 2020:

+ Khu vực đô thị:                    750kWh/người/năm(300W/người)

+ Khu vực nông thôn:            450kWh/người/năm(200W/người)

- Đến năm 2030:

+ Khu vực đô thị:                    1500kWh/người/năm(500W/người)

+ Khu vực nông thôn:            1000kWh/người/năm(330W/người)

Chỉ tiêu cấp điện công cộng

- Phụ tải điện công cộng khu đô thị:            30% phụ tải điện sinh hoạt.

Phụ tải điện công cộng khu nông thôn:       15% phụ tải điện sinh hoạt

Phụ tải điện công cộng, du lịch:                   30% sinh hoạt dân cư.

Chỉ tiêu cấp điện công nghiệp

TT

Loại công nghiệp

Chỉ tiêu (KW/ha)

1

Công nghiệp nặng (luyện gang, luyện thép, sản xuất ôtô, sản xuất máy cái, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, phân bón), sản xuất xi măng

350

2

Công nghiệp vật liệu xây dựng khác, cơ khí

250

3

Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, điện tử, vi tính, dệt

200

4

Công nghiệp giầy da, may mặc

160

5

Cụm công nghiệp nhỏ, tiểu công nghiệp

140

6

Các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp

120

7

Kho tàng

50

Phụ tải điện sinh hoạt

TT

Hạng mục

Năm 2020

(1000 ng)

Năm 2030

(1000 ng(

Chỉ tiêu cấp điện 2020

(w/ng)

Chỉ tiêu cấp điện 2030

(w/ng)

Phụ tải điện 2020

(MW)

Phụ tải điện 2030

(MW)

1

Đô thị

11

105

300

500

3,3

52,5

2

Nông thôn

44

15

200

330

8,8

4,95

Ghi chú: Riêng khu vực Cái Chiên, do lấy nguồn từ Vĩnh Thực sang, phụ tải theo Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Phụ tải điện công cộng:

TT

Hạng mục

Phụ tải điện 2020 (MW)

Phụ tải điện 2030 (MW)

Chỉ tiêu cấp điện  công cộng

Phụ tải điện 2020 (MW)

Phụ tải điện 2030 (MW)

1

Thành thị

3,3

52,5

30%

0,99

15,75

2

Nông thôn

8,8

4,95

15%

1,32

0,74

Phụ tải công nghiệp

TT

Danh mục công nghiệp

Năm 2030 (ha)

Mật độ xây dựng nhà máy

Chỉ tiêu cấp điện

KW/ha

Phụ tải điện

(MW)

1

Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà

4988

0,6

350

1047,48

2

Cụm công nghiệp địa phương

28,96

0,6

160 - 200

3,40

V.4.2. Nguồn điện

- Nhà máy nhiệt điện: Theo định hướng của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 trên địa bàn sẽ xây dựng  nhà máy nhiệt điện than tại khu cảng biển Hải Hà, dự kiến công suất giai đoạn 2030 là 2.000 MW.

- Trạm Nguồn

+ Cân đối trạm nguồn 220KV: Cân đối nguồn cấp điện và kế hoạch phát triển nguồn điện trong tổng thể khu vực:

TT

Đơn vị hành chính

S (MW)

Nguồn cấp hiện trạng: Trạm 220KV

Phân bổ định hướng nguồn cấp Trạm 220KV

2020

2030

2020

2030

Khu vực Hải Hà

14,41

74,24

Cấp đến từ Trạm 220KV Cẩm Phả

Trạm 220kv Hai Hà(2x250) MVA

Trạm 220kvHai Hà(3x250) MVA

Khu CN Hải Hà

1050,88

1050,88

NMNĐ Hải Hà(1X1000) MVA

NMNĐ Hải Hà(2X1000) MVA

Tổng

750MVA

1250MVA

- Cân đối trạm nguồn 110KV: Dựa vào nhu cầu phụ tải của từng khu vực và trên cơ sở các trạm nguồn của từng khu vực, xây dựng các trạm 110KV cho từng khu. Các trạm 110KV được nâng cấp, cải tạo và xây mới phù hợp với nhu cầu phụ tải.

Bảng 45: Thống kê các trạm biến áp 110KV

TT

Tên trạm

Địa điểm

Công suất hiện trạng (MVA)

Công suất năm 2020
(MVA)

Công suất năm 2030
(MVA)

Tổng công suất2030

(MVA)

Phạm vi phục vụ

6

Trạm 110/35/22KV Quảng Hà

Thị trấn Quảng Hà

16MW

25

2X25

50

Thị trấn Hải Hà và khu vực lân cận

7

Trạm 110/22KV Hải Hà

40

2X40

80

Khu đô thị Hải Hà

8

Trạm 110/22KV Hải Hà1

KCN Hải Hà

63

2X63

126

KCN Hải Hà

9

Trạm 110/22KV Hải Hà2

KCN Hải Hà

2X63

3X63

189

KCN Hải Hà

10

Trạm 110/22KV Hải Hà3

KCN Hải Hà

2X63

3X63

189

KCN Hải Hà

11

Trạm 110/22KV Hải Hà4

KCN Hải Hà

2X63

3X63

189

KCN Hải Hà

Trạm nguồn 110KV với phân bổ cân đối nguồn cấp đáp ứng đủ nhu cầu của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có dự phòng.

Khu vực biển đảo, vùng sâu vùng xa (dân cư phân tán) nên nghiên cứu đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió và năng lượng sinh khối.

V.4.3. Lưới truyền tải và phân phối điện

- Lưới điện 220 KV: Lưới 220KV liên kết các trạm 220KV và liên kết với các nhà máy nhiệt điện vừa cung cấp nguồn và bổ trợ nguồn cho các cụm phụ tải cho khu nghiên cứu đồng thời liên kết với các trạm 220kv trong tỉnh. Đầu tư xây dựng tuyến đường dây mạch kép Cẩm Phả đi Hải Hà, Móng Cái, nhiệt điện Than Miền Bắc đi trạm 220KV Hải Hà, Móng Cái. Đường dây 220KV là đường dây mạch kép tiết diện ACSR 2x330mm2.

- Lưới điện 110 KV:

+ Được thiết kế đảm bảo cấp điện an toàn và có độ dự phòng cho phát triển. Kết cấu lưới 110KV cấp điện cho khu vực thành phố Móng Cái và khu vực thị trấn Quảng Hà các khu đô thị mới là đường dây mạch kép 110KV để tăng độ an toàn cung cấp điện kể cả các trường hợp sự cố.

+ Đường dây 110KV ở khu vực đô thị hoặc khu công nghiệp tiết diện dây sử dụng ≥ 240 mm2. Đối với khu vực nông thôn miền núi sử dụng tiết diện 185÷ 240 mm2. Để giảm diện tích chiếm đất, xuất tuyến 110KV ra từ các trạm 220 KV và nhà máy điện được thiết kế cột 2-4 mạch.

+ Lưới điện 110KV, đoạn qua khu vực nội thị khuyến khích hạ ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị.

+ Lưới điện 110KV hiện trạng được cải tạo nâng tiết diện lên tiết diện AC 240mm2. Lưới 110KV được đầu tư xây mới như sau:

Bảng 45: Các tuyến 110KV xây mới

TT

Tuyến đường dây

Số mạch

Tiết diện

1

Đấu nối tuyến 110kv Tiên Yên – Quảng Hà, Móng Cái vào trạm 220KV Hải Hà

4,00

AC240

2

Trạm 110KVQuảng Hà -Trạm 110KVHải Hà

2,00

AC240

2

Trạm 220KVHải Hà -Trạm 110KVHải Hà 1

2,00

AC330

3

Trạm 220KVHải Hà -Trạm 110KVHải Hà 2

2,00

AC330

4

Trạm 220KVHải Hà – Trạm 110KV Hải Hà 3

2,00

AC330

5

Trạm 220KVHải Hà – Trạm 110KV Hải Hà 4

2,00

AC330

6

Trạm 220KV Móng Cái- Trạm Móng Cái

2,00

AC240

7

Trạm 220KV Móng Cái-Hải Xuân –Biên Mậu

2,00

AC240

8

Trạm 220KV Móng Cái- Trạm khu CN Hải Yên

2,00

AC240

9

Trạm 220KV Móng Cái-Trạm Hải Đông

2,00

AC240

Lưới trung thế:

- Hiện nay hầu hết lưới điện trung thế đã được cải tạo và chuyển đổi lên cấp điện áp 22kV. Các đường dây trung thế xây dựng mới được thiết kế theo các tiêu chuẩn sau:

+ Thiết kế các mạch vòng, vận hành hở đảm bảo cấp điện linh hoạt liên tục, tiện lợi khi thao tác và đóng, ngắt, bảo vệ. Dự phòng 100%.

+ Mạng lưới mạch vòng này có thể được cấp điện từ 2 trạm biến áp 110kV hoặc từ 2 thanh cái phân đoạn của trạm 110kV có 2 máy biến áp. Để đảm bảo độ dự phòng phát triển và dự phòng cấp điện cho các phụ tải của các tuyến khác khi bị sự cố, các đường trục trung thế trong chế độ bình thường chỉ thiết kế mang tải 60-75%. Như vậy mỗi xuất tuyến mang tải không quá 8MW.

+ Đối với khu vực trung tâm, khu vực đô thị mới có quy hoạch ổn định (Khu nội thị thành phố Móng Cái, KĐT Mới ven biển, Khu trung tâm hỗn hợp mới, khu kinh tế hợp tác Song Phương, khu công nghiệp Hải Hà) khuyến khích sử dụng cáp ngầm XLPE chống thấm, có tiết diện chung ≥ 240mm2 và thực hiện đấu nối chuyển tiếp.

+ Đối với các khu đô thị hiện hữu và các khu dân cư sẽ sử dụng đường dây không bọc cách điện - tiết diện đường trục từ 185mm2 đến 240 mm2, đường nhánh từ 95 mm2 đến 120 mm2 đế đáp ứng nhu cầu sử dụng điện

+ Tiêu chuẩn về tổn thất điện áp lưới trung thế: Các đường dây trung thế mạch vòng, vận hành hở thiết kế sao cho tổn thất điện áp tại hộ xa nhất không quá 5% trong chế độ vận hành bình thường và không quá 10% trong chế độ sau sự cố. Với các đường dây trung thế hình tia có tổn thất điện áp cuối đường dây ≤ 5%.

+ Nghiên cứu việc xây dựng hào kỹ thuật nhằm kết hợp hạ ngầm lưới trung thế tại các tuyến đường giao thông xây dựng mới hoặc mở rộng.

Trạm biến áp phân phối: Có 3 loại trạm sẽ được thực hiện:

- Trạm 1 cột: Là loại trạm thiết kế mới giải quyết vấn đề tiết kiệm đất, mỹ quan đô thị và ngầm hóa lưới điện. Loại trạm này được sử dụng để cải tạo các loại trạm treo không đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cung cấp điện.

- Trạm xây (trạm trong nhà): Loại trạm này chiếm diện tích xây dựng lớn từ 20-30m2, tuy nhiên loại trạm này rất thích hợp với việc phát triển lưới ngầm, hạn chế tối thiểu những ảnh hưởng của máy biến áp và các thiết bị đóng ngắt đến mỹ quan chung và an toàn cung cấp điện.

- Trạm treo: Loại trạm này chủ yếu sử dụng tại các khu vực nông thôn ngoại thành.

- Về kết cấu đấu nối: Đối với khu vực hạ ngầm lưới trung thế, các trạm biến áp thực hiện đấu nối chuyển tiếp để có thể vận hành từ 2 phía. Đối với các khu vực còn tồn tại đường dây trên không, các trạm biến áp thực hiện đấu rẽ nhánh trên đường dây.

- Các khu đô thị mới hoặc khu dân cư mới: Sử dụng trạm xây, các ban quản lý dự án phải bố trí đất trong khu đô thị mới để đặt trạm, đường dây trung hạ thế phải sử dụng cáp ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Các khu vực dân cư hiện tương đối ổn định: Sử dụng kiểu trạm cột. Các trạm biến áp treo khi được cải tạo thay máy hoặc nâng công suất có thể chuyển sang kết cấu dạng cột.

- Các gam máy biến thế thường sử dụng các loại 100, 160, 250, 400, 560, 630kVA; riêng đối với các trạm biến áp công cộng trên địa bàn TP Móng Cái  phải được chọn theo gam máy công suất tiêu chuẩn phụ thuộc vào mật độ và phân bố phụ tải theo địa lý bao gồm: 250, 400, 560kVA có tính cả trạm thiết kế 2 máy. Tuy nhiên đối với khách hàng có nhu cầu điện sản xuất có công suất từ 80kW (100kVA) trở lên phải đặt trạm biến áp riêng và phải đảm bảo hệ số công suất cosφ>0,85.

Lưới hạ thế: Dự kiến tại khu vực trung tâm thành phố và các khu đô thị mới lưới hạ thế tiếp tục được ngầm hóa. Khu dân cư ở hiện trạng dự kiến cải tạo và nâng cấp, sử dụng cáp ABC đi nổi.

Lưới chiếu sáng: Thiết kế chiếu sáng và lựa chọn thiết bị chiếu sáng phù hợp với cảnh quan đô thị. Tại khu vực trung tâm đô thị và các tuyến phố chính lưới chiếu sáng dự kiến được bố trí đi ngầm, trục đường thôn xóm và các trục nhánh được cải tạo và nâng cấp, sử dụng cáp đi nổi chung cột với lưới hạ thế.

V.4.4. Khái toán kinh phí đầu tư cấp điện

Khái toán kinh phí đầu tư hệ thống điện

TT

Danh mục xây dựng

Đơn vị

Đơn giá

(Triệu USD)

Khối lượng

(km)

Thành tiền

(106 USD)

1

NMNĐ Miền Bắc

NMNĐ

2500

1

2500

2

Đường dây và trạm 220kV

Trạm

24,5

2

49

3

Đường dây và trạm 110kV

Trạm

5

8

40

Cộng

2,589

Dự phòng 10%

258.9

Tổng cộng

2,847

Khái toán đầu tư hệ thống điện trong tổng thể khu vực (bao gồm các không gian khác trong KKTCK Móng Cái khoảng 60.000.000.000.0000 VNĐ (sáu mươi ngàn tỷ đồng).

Định hướng quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang.

V.5. Định hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc

a. Dự báo nhu cầu thuê bao

- Dự báo nhu cầu mạng có thể sử dụng các phương pháp:

+ Phương pháp tính toán bằng các giải thuật quy nạp, nội suy

+ Phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp

+ Các phương pháp khác như phương pháp mô hình, chuyên gia…

- Phương pháp dự báo được lựa chọn là dùng phương pháp tính trực tiếp trên cơ sở dự báo tổng hợp các ngành.

- Mật độ thuê bao:

Y= x.(M+a) + b(máy/100 dân)

Trong đó:   

Y: Mật độ thuê bao

M: Tỷ lệ thâm nhập (năm dự báo/tổng những năm trước dự báo)

x: Số năm dự báo (năm cần dự báo- năm dự báo trước)

b: Mật độ thuê bao/100 dân năm dự báo

a: Tỷ lệ thâm nhập thuê bao (năm dự báo/ năm trước dự báo)

- Dung luợng: DL (Dung lượng) = DS (dân số) x M(Mật độ thuê bao)

Chỉ tiêu tính toán

Đối với khu dân sinh:

Hiện tại: 33,5 thuê bao/ 100 dân;

Giai đoạn năm 2020: 48.2 thuê bao/ 100 dân; Giai đoạn 2030: 69,2 thuê bao/ 100 dân.

Số các điểm Bưu điện văn hóa xã: 100%  các điểm có điểm truy cập internet.

Tỷ lệ ADSL: 100% được sử dụng đường truyền ADSL.

Đối với các khu công nghiệp:

Mật độ:  10 thuê bao/ 1ha.

Đối với các công trình công cộng, dịch vụ:

Dung lượng thuê bao cho các công trình công cộng, dịch vụ lấy bằng 10% nhu cầu thuê bao của sinh hoạt.

Nhu cầu thuê bao

Bảng tính toán dung lượng thuê bao

TT

Hạng mục

Năm 2020

1000 ng

Năm 2030

1000 ng

Tổng nhu cầu thuê bao đến năm 2020

Tổng nhu cầu thuê bao đến năm 2030

1

Khu vực Hải Hà

55

120

26510

83040

Nhu cầu thuê bao khu công cộng, dịch vụ

TT

Hạng mục

Nhu cầu thuê bao khu dân cư năm 2020

Nhu cầu thuê bao khu dân cư 2030

Chỉ tiêu thuê bao  công cộng

Tổng nhu cầu thuê bao đến năm 2020

Tổng nhu cầu thuê bao đến năm 2030

1

Khu vực Hải Hà

26510

83040

10% đsh

2651

8304

Nhu cầu thuê bao công nghiệp

TT

Danh mục công nghiệp

Năm 2030(ha)

Mật độ xây dựng nhà máy

Chỉ tiêu thuê bao  công cộng

Tổng nhu cầu thuê bao đến năm 2030

1

Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà

4988

0,6

10

29928

2

Cụm công nghiệp khu thị trấn Quảng Hà

25,96

0,6

10

155,7

3

Cụm công nghiệp khu dân cư cải tạo chỉnh trang

3

0,6

10

18

b. Giải pháp phát triển

Hệ thống bưu chính và dịch vụ viễn thông: Phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ tài chính, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu - phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước…. )

- Phát triển các dịch vụ đại lý cho viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ sở công nghiệp, thu hút lao động ở các địa phương tới làm việc do đó cần bố trí thêm các điểm phục vụ, đáp ứng nhu cầu.

Đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp tại các điểm phục vụ, không chỉ gò bó trong các sản phẩm của Bưu chính mà có thể kinh doanh nhiều mặt hàng khác thiết yếu trong cuộc sống. Đó chính là việc thay thế mô hình post - office thành post - shop; post - shop có thể bán nhiều mặt hàng như một siêu thị chứ không chỉ riêng việc bán và cung cấp các sản phẩm Bưu chính như post - office trước kia. Với các điểm du lịch, loại hình này có thể cung cấp các sản phẩm đặc trưng của điểm du lịch đó như ảnh, quà lưu niệm.

Tham gia cung cấp các dịch vụ Viễn thông thông qua các hình thức bán lại dịch vụ, đại lý cho Viễn thông như: phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ, cung cấp các dịch vụ Viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ Internet.

Triển khai các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm với nhiều hình thức hơn, đặc biệt trong phần thanh toán (cung cấp các loại thẻ thanh toán ATM, thẻ này có thể thanh toán trực tiếp các dịch vụ Bưu Chính, thậm trí có thể như một tài khoản cho điện thoại di động khi liên kết với bên Viễn thông). Các dịch vụ thu phát hộ tại nhà (thu tiền điện thoại, điện, nước, phát tiền lương hưu, thu tiền các loại thuế…), dịch vụ gói hàng hộ, dịch vụ phát tờ rơi. Các dịch vụ hỗ trợ Viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu khách hàng…

Công nghệ thông tin liên lạc:

- Về công nghệ: phát triển theo tiến bộ mới, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Công nghệ chuyển mạch truyền thống (TDM) dần dần được thay thế bởi chuyển mạch giao thức truyền số liệu (IP), các giao thức tiên tiến khác. Chuyển mạch quang sẽ được sử dụng rộng rãi đến tận thuê bao. Thông tin quang tốc độ cao với các công nghệ ghép kênh sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tuyến truyền dẫn.

- Công nghệ truy nhập sẽ nhanh chóng triển khai sử dụng các thiết bị đầu cuối thông minh. Thông tin băng thông rộng ADSL sẽ là giải pháp trước mắt và sẽ dần được nâng cấp lên các công nghệ tiên tiến hơn như truy nhập không dây băng rộng (Wimax).

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp và một số các đơn vị sự nghiệp làm cơ sở triển khai Chính phủ điện tử.

- Công nghệ mạng thế hệ tiếp theo (Next Generation Networks- NGN), Công nghệ WiMax, Công nghệ 3G/4G và Mobile Internet sẽ là công nghệ chủ yếu được khai thác trong những năm tiếp theo ở tỉnh.

V.6. Định hướng thoát nước thải, quản lý CTR và nghĩa trang

Vùng I: Vùng trung tâm đông lực phát triển vùng. Gồm thị trấn Quảng Hà và 08 xã (Quảng Minh, Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Trung, Quảng Phong, Quảng Điền, xã đảo Cái Chiên, Phú Hải).

Vùng II: Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (xã Quảng Đức)

Vùng III: Khu vực nông thôn (6 xã: Quảng Long, Quảng Sơn, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Đường Hoa, Tiến Tới) xử lý cục bộ bằng bể tự hoại trước khi thải ra môi trường.

V.6.1. Định hướng thoát nước thải

a. Dự báo nhu cầu

Bảng 46: Chi tiêu thoát nước thải

TT

Đối tượng thải nước

2020

2030

 

Tiêu chuẩn thải

Tỷ lệ thu gom

Tiêu chuẩn thải

Tỷ lệ thu gom

 
 

1

NTSH

 

Vùng I(Đô thị III)

 

Nội thị

102

l/ng.ngđ

80%

135

l/ng.ngđ

90%

 

Ngoại thị

80

l/ng.ngđ

70%

108

l/ng.ngđ

80%

 

Vùng II ( Đô thị V)

 

Nội thị

96

l/ng.ngđ

80%

108

l/ng.ngđ

90%

 

Ngoại thị

80

l/ng.ngđ

70%

90

l/ng.ngđ

80%

 

Vùng III (Nông thôn)

50

l/ng.ngđ

70%

60

l/ng.ngđ

80%

 

2

Công cộng

10

%Qsh

100%

10

%Qsh

100%

 

3

Vãng lai

15

%Qsh

100%

15

%Qsh

100%

 

4

Khu công nghiệp tập trung

22-70

m3/Ha

100%

22-70

m3/Ha

100%

 

5

Tiểu thủ công nghiệp

8

%Qsh

90%

8

%Qsh

100%

 

Dự báo lượng nước thải cần thu gom

Bảng 47: Dự báo lượng nước thải cần thu gom

TT

Đối tượng thải nước

2020

2030

Lưu lượng nước thải (m3/ngđ)

Lưu lượng nước thải

(m3/ngđ)

1

NTSH

Vùng I(Đô thị III)

Nội thị

2448

12758

Ngoại thị

1456

1296

Vùng II

Nội thị

184

544

Ngoại thị

146

173

Vùng III

910

1568

2

Công cộng

514

1611

3

Vãng lai

772

2417

4

Khu công nghiệp tập trung

74800

115500

5

Tiểu thủ công nghiệp

412

1289

Tổng

81641

136932

Làm tròn

82000

137000

Nước thải công nghiệp: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà có dự án xử lý nước thải riêng, nước thải sau khi được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn QCVN: 24-2009, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

b. Lựa chọn hệ thống thoát nước.

Khu vực đô thị:

- Đối với các khu dân cư cũ đã có hệ thống thoát nước: Sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp (cống riêng và nửa riêng). Việc đấu nối hệ thống thoát nước thải giữa khu vực dân cư cũ với khu vực phát triển mới sẽ được khảo sát thực tế và nghiên cứu trong các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

- Các khu vực phát triển mới, chưa có hệ thống thoát nước, sử dụng hệ thống thoát nước thải  riêng hoàn toàn, xử lý nước thải tập trung.

- Các khu vực đã lập dự án,  hệ thống thu gom và xử lý nước thải được thực hiện theo dự án riêng.

Khu vực nông thôn:

- 100% các hộ gia đình phải sử dụng xí hợp vệ sinh, khuyến khích sử dụng bể tự hoại hợp quy cách.

- Các điểm dân cư nông thôn có lượng nước nhỏ và phân tán: xây dựng mương nắp đan, thoát nước chung với nước mưa, tận dung hệ thống kênh, mương nội đồng; ao, hồ sẵn có ngoài đồng để xử lý sinh học trong điều kiện tự nhiên. Tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ nông nghiệp.

- Các nhóm hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm và các trang trại nuôi gia súc tập trung sẽ xây bể biogas, xử lý phân rác thải và thu khí gas phục vụ sinh hoạt.

- Giải pháp hệ thống thu gom và xử lý nước thải cụ thể cho từng xã sẽ được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch nông thôn mới.

Các khu chức năng đặc biệt:

- Bệnh viện: Nước thải y tế phải được thu gom theo hệ thống riêng và phải xử lý đến giới hạn cho phép của QCVN 28:2010/BTNMT trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung.

- Khu công nghiệp:

+ XLNT cục bộ trong nhà máy để làm sạch nước thải tới giới hạn C theo QCVN 40-2011/BTNMT. Làm sạch lần 2 tại trạm XLNT tập trung của khu công nghiệp đạt tới giới hạn B theo QCVN 40-2011/BTNMT trước khi xả ra môi trường bên ngoài.

+ Cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất: Xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn C theo TCVN 40-2011/BTNMT trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước .

Ghi chú: Lượng thải phát sinh, yêu cầu XLNT công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào loại hình công nghiệp và công nghệ sản xuất, để thuận lợi cho quản lý, hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực công nghiệp sẽ triển khai theo dự án riêng khi đã xác định làm rõ được các yếu tố nêu trên

+ Khu du lịch: có yêu cầu cao về vệ sinh môi trường cao, mật độ xây dựng thấp, phân tán. Do đó, ưu tiên xử lý cục bộ nước thải cho từng công trình hoặc nhóm công trình  bằng các loại bể tiên tiến như bể tự hoại cải tiến (BASTAF-F), bể lọc kỵ khí với lớp vật liệu nổi, bể lọc ngược qua tầng bùn kỵ khí (UASB) hoặc các loại công trình xử lý sinh học kiểu hợp khối theo công nghệ hiện đại (JRY) có hiệu suất sử dụng cao, tốn ít diện tích. Nước thải sau các bể này sẽ được xử lý triệt để bằng hệ thống hào lọc hoặc tận dụng lại để tưới cây, rửa đường…

 c. Giải pháp về mạng lưới.

Khu vực phát triển đô thị:

- Nước thải được thu gom từ nhà ở và các CTCC… sau khi được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sẽ chảy vào các tuyến cống đường phố về trạm xử lý tập trung. Hệ thống cống thoát nước thải bằng BTCT, độ dốc tối thiểu imin = 1/D.

- Độ sâu chôn cống tối thiểu là 1m; tối đa là 5-6 m tính đến đỉnh cống. Tại các vị trí có độ sâu chôn cống lớn > 6 m đặt các trạm bơm nâng cốt. Đường ống áp lực dùng ống thép tráng kẽm, tuyến ống áp lực bố trí 2 ống đi song song để đảm bảo an toàn trong vận hành khi có sự cố. Đường ống áp lực chôn sâu 1m.

- Trạm bơm chuyển tiếp sử dụng máy bơm thả chìm kiểu ướt, phần nhà trạm xây chìm và có thể kết hợp với giếng thăm để tiết kiệm tích đất và đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Đối với khu vực dân cư hiện hữu, trước mắt xử lý nước thải cục bộ tại hộ gia đình bằng bể tự hoại 3 ngăn hợp quy cách, khuyến khích sử dụng các loại bể tự hoại cải tiến.

- Các trạm XLNT tập trung dự kiến đặt tại các khu đất cây xanh của đô thị. Công suất các trạm xử lý đến 2030 dự kiến như sau:

Bảng 48: Hệ thống các trạm xử lý nước thải

TT

Trạm xử lý nước thải

Công suất (m3/ngđ)

Phạm vi phục vụ

6

TXL TT.Quảng Hà (cũ)

10.000

Thị trấn Quảng Hà (cũ)

7

TXL TT.Quảng Hà (mới)

9.000

Trung tâm Quảng Hà (mới)

8

TXL KKT Bắc Phong Sinh

3.000

KKT Bắc Phong Sinh

Yêu cầu chung về chất lượng nước thải sau xử lý: tối thiểu đạt các tiêu chuẩn có liên quan tại: QCVN 08:2008/BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt” ; TCVN 7222 - 2002 “Yêu cầu chung về môi trường đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung”; QCVN 14:2008/BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt” (Áp dụng cho những khu vực chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung); Nước thải công nghiệp:Chất lượng nước thải công nghiệp sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp”; Nước thải y tế:Nước thải các bệnh viện phải xử lý riêng, đạt QCVN 28:2010/BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế” trước khi xả ra hệ  thống thoát nước đô thị.

V.6.2. Định hướng quản lý chất thải rắn

a. Dự báo nhu cầu

Bảng 49: Các chỉ tiêu tính toán quản lý CTR

TT

Đối tượng thải

2020

2030

 

Tiêu chuẩn thải

Tỷ lệ thu gom

Tiêu chuẩn thải

Tỷ lệ thu gom

 
 

1

Chất thải rắn sinh hoạt

 

1.1

Vùng  I

 

Nội thị

1,0

kg/ng.ngđ

90%

1,1

kg/ng.ngđ

100%

 

Ngoại thị

0,6

kg/ng.ngđ

90%

0,7

kg/ng.ngđ

100%

 

1.2

Vùng II

 

Đô thị Bắc Phong Sinh

1,0

kg/ng.ngđ

90%

1,1

kg/ng.ngđ

100%

 

Các khu vực khác

0,6

kg/ng.ngđ

90%

0,7

kg/ng.ngđ

100%

 

1.3

Vùng II

0,5

kg/ng.ngđ

70%

0,6

kg/ng.ngđ

80%

 

2

Khu công nghiệp Hải hà

0,2

tấn/ha/ngđ

100%

0,2

tấn/ha/ngđ

100%

 

Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh

Bảng 50: Khối lượng chất thải rắn

TT

Đối tượng thải nước

Năm 2020

Năm 2030

Khối lượng CTR (tấn/ngđ)

Khối lượng CTR (tấn/ngđ)

1

Chất thải rắn sinh hoạt

1.1

Vùng I

Nội thị

27

116

Ngoại thị

14

11

1.2

Vùng II

Đô thị Bắc Phong Sinh

2

6

Ngoại thị

1

2

1.3

Vùng III

9

13

2

Khu công nghiệp tập trung

680

1050

Tổng (làm tròn)

734

1200

b. Định hướng thu gom và xử lý CTR:

Sơ đồ quy trình quản lý CTR thải rắn:

CTR phát sinh ® thu gom ® vận chuyển ® (xử lý trung gian ® vận chuyển) ® xử lý cuối

Trong đó: Xử lý trung gian: đốt, chế biến phân vi sinh, tái chế; Xử lý cuối: chôn lấp hợp vệ sinh

100% CTR được thu gom, phân loại tại nguồn, trên phạm vi toàn Huyện. Cơ bản phân thành 3 loại chính:

- CTR có thể thu hồi để tái chế, tái sử dụng: bao gồm CTR vô cơ (bao bì, giấy, thuỷ tinh…);

- CTR phải xử lý: CTR hữu cơ

- CTR không xử lý: đất, đá, gạch…

c. Thu gom, lưu chứa, vận chuyển:

Khu vực phát triển đô thị:

- Thu gom CTR tập trung: Xe thu gom  theo lịch trình đã định, các hộ gia đình mang CTR đến đổ vào xe; sau đó xe cơ giới đến thu gom và vận chuyển đi. Các ngõ nhỏ, đường hẹp, có thể sử dụng xe đẩy tay loại nhỏ để đi thu gom, sau đó tập kết tại một điểm chung, để xe cơ giới đến chuyên chở đến cơ sở xử lý.

- Nâng cao khả năng vận chuyển sao cho tiện lợi, nhanh chóng, vệ sinh và kinh tế; từng bước cơ giới hoá tới mức cao nhất công tác vận chuyển và bốc xếp để hạn chế các tác động bất lợi đến môi trường;

- Phương tiện lưu chứa sử dụng các thùng di động hoặc xe đẩy tay, dung tích từ 400 đến 700 lít; bố trí trên các trục phố chính, các khu thương mại, công viên lớn, bến xe…với khoảng cách 100m/thùng.

Khu vực nông thôn: Thu gom tập trung, vận chuyển đến các trạm trung chuyển gần nhất của xã, thuận lợi cho xe chuyên dụng chuyên chở đến nơi xử lý;

Khu công nghiệp:

- Chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) phải được phân loại triệt để tại nguồn thải theo đúng tính chất (Thông thường và nguy hại); thu gom, vận chuyển theo kênh riêng đến khu xử lý tập trung;

- Bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRCN, hạn chế dòng vận chuyển cắt qua đô thị;

- CTRCN nguy hại bắt buộc phải đăng kí chi tiết với các đơn vị chuyên ngành, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, đảm bảo vệ sinh và mỹ quan về khu xử lý tập trung;

- Mỗi KCN thành lập cơ sở trao đổi thông tin về CTR có thể tận thu tái sử dụng, tái chế; trao đổi hoặc bán lại CTR có thể tái chế cho các cơ sở khác sử dụng để giảm giá thành sản phẩm.

Khu vực bệnh viện:

- Cô lập và giảm thiểu chất thải rắn y tế (CTRYT) tại nguồn;

- Chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường phải lưu giữ trong các buồng riêng biệt.

- Chất thải để tái sử dụng, tái chế phải được lưu giữ riêng.

- Thu gom 100% CTRYT không nguy hại, xử lý cùng CTRSH;

- Nơi phát sinh, lưu giữ chất thải phải định rõ vị trí đặt thùng đựng chất thải y tế cho từng loại chất thải. Thời gian và vị trí lưu giữ tuân thủ theo Quy chế quản lý CTRYT.

- Nơi đặt thùng đựng chất thải phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom. Sử dụng thùng đựng chất thải theo đúng tiêu chuẩn quy định và phải được vệ sinh hàng ngày. Mỗi loại chất thải được thu gom vào các dụng cụ thu gom (thùng, túi…)theo mã mầu quy định và phải có nhãn hoặc ghi bên ngoài túi nơi phát sinh chất thải.

- Tần suất thu gom: ít nhất 1 lần trong ngày và khi cần. Quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải theo các quy định của BYT.

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi thu gom về nơi tập trung chất thải của cơ sở y tế phải được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải.

Xử lý CTR Sinh hoạt: Tái chế nhựa, giấy, sắt thép…kết hợp các làng nghề;  Công nghệ sinh học xử lý CTR hữu cơ thành phân vi sinh; Công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng; Chôn lấp hợp VS có thu hồi năng lượng;

- CTR sinh hoạt xử lý tại Khu Liên hợp xử lý CTR xã Quảng Thành.

- CTR Công nghiệp: Tái chế, chôn lấp; CTR nguy hại: xử lý tại khu xử lý CTRCN tại thành phố Cảm Phả;

- CTR y tế: Tập trung hoá việc xử lý CTR y tế nguy hại; Sử dụng công nghệ xử lý CTRYT hiện đại, thân thiện môi trường; Tại các bệnh viện: thiêu đốt nhiệt độ cao có xử lý khí thải lò đốt. Sản phẩm sau đốt đưa về chôn lấp tại KLHXLCTR xã Quảng Thành; Tại các cơ sở y tế tuyến xã: khử khuẩn bằng nhiệt ẩm, sau đó nghiền và chôn lấp.

V.6.3. Định hướng quản lý nghĩa trang

a. Tiêu chuẩn tính toán nghĩa trang

Chỉ tiêu: 0,6Ha/10.000 người. Dự báo năm 2020 dân số huyện Hải Hà là 85.000 người và năm 2030 là 144.000 ÷ 156.000 tương ứng với nhu cầu đất nghĩa trang là 8,5 ÷ 15,6 ha.

b. Định hướng quy hoạch nghĩa trang tập trung.

Khu vực đô thị:

- Các nghĩa trang hiện có đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường từng bước cải tạo, mở rộng thành nghĩa trang công viên;

- Quy hoạch mới các nghĩa trang tập trung theo định hướng nghĩa trang công viên.Cụ thể, xây dựng nghĩa trang mới cấp vùng (liên đô thị). Vị trí xây dựng dự kiến tại xã Quảng Thành, cách trung tâm TT.Quảng Hà 8 ¸ 10km, quy mô đất xây dựng khoảng 37 ha (theo quy hoạch vùng Duyên Hải Bắc Bộ và Quy hoạch vùng Đông Bắc) - nhu cầu đất cho đô thị Quảng Hà là 10 ha. Công nghệ táng: địa táng có cải táng, địa táng 1 lần, cát táng và hỏa táng.

Khu vực nông thôn:

- Các nghĩa trang phân tán khu vực nông thôn có quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách ly theo quy chuẩn, hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch ngừng hung táng, trồng cây xanh cách ly. Khi có nhu cầu sử dụng đất, có thể di chuyển đến nghĩa trang tập trung ở các xã theo quy hoạch.

- Khu dân cư thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sẽ hướng dẫn người dân chôn cất theo phong tục tập quán riêng, nhưng đảm bảo vệ sinh môi trường.

V.6.4. Khái toán khối lượng và kinh phí đầu tư

Bảng 51: Khái toán kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước thải

TT

Hạng mục

Đơn vị

Khối lượng

Đơn giá (Triệu đồng)

Thành tiền (Triệu đồng)

1

Cống thoát nước tự chảy

D300

m

40697

0,3

13093

D400

m

37714

0,4

15465

D500

m

26785

0,5

13393

D600

m

6103

0,6

3662

D700

m

7623

0,8

6098

D800

m

1022

0,9

920

D1000

m

2930

1,3

3809

2

Cống thoát nước áp lực

m

2026

2

4052

3

Trạm bơm chuyển bậc

Trạm

7

5

35

4

Trạm xử lý nước thải

Trạm

8

250

2000

Tổng cộng

62.527

Làm tròn

63.000

Kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước thải cho Vùng huyện Hải Hà khoảng 63.000.0000.000 VNĐ (sáu mươi ba tỷ đồng).

VI.CHƯƠNG VI - ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

VI.1. Tổng quan nội dung

a. Nội dung của ĐMC:

 Nhằm đánh giá được thực trạng và diễn biến môi trường trên địa bàn, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khoẻ con người, kinh tế xã hội, các vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết trong.

 Lồng ghép các mục tiêu môi trường, đảm bảo sự thống nhất giữa các mục tiêu môi trường và các mục tiêu quy hoạch

Đánh giá, xem xét các tác động tới môi trường của các phương án quy hoạch làm cơ sở lựa chọn phương án ưu tiên.

Đề xuất các giải pháp chiến lược bảo vệ môi trường.

Đề xuất chương trình quản lý môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch

b. Căn cứ pháp lý

Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 01-2011/BXD và các nghị định, thông tư có liên quan;

Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định, thống tư có liên quan; Các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan

c. Phương pháp xây dựng:

Phương pháp thống kê: Thu thập và xử lý các số liệu môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại khu vực.

Phương pháp liệt kê: Để chỉ ra các tác động và có khả năng thông kê đầy đủ các tác động cần chú ý trong ĐTM của dự án.

Phương pháp mạng lưới: Chỉ rõ các tác động trực tiếp và gián tiếp, các tác động thứ cấp và các tác động qua lại lẫn nhau.

Phương pháp chỉ số môi trường: Phân tích các yếu tố về môi trường.

Phương pháp phân tích lợi ích / chi phí.

Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia: Thông qua các hội nghị để thu thập ý kiến các chuyên gia về môi trường.

Phương pháp điều tra xã hội học: lấy ý kiến cộng đồng

Phương pháp mô hình hoá: Sử dụng để dự báo mức độ và phạm vi ô nhiễm môi trường nước và không khí.

VI.2. Hiện trạng môi trường

a. Chất lượng môi trường đất

Quá trình phát triển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện trong những năm qua diễn ra mạnh mẽ đã tác động đến môi trường đất. Nguyên nhân là do chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt hoàn chỉnh, rác thải không được thu gom và xử lý triệt để gây ô nhiễm đất.

Để đánh giá chất lượng các loại đất . .. Các chỉ tiêu sau sẽ được phân tích làm cơ sở cho việc đánh giá: pHKCl, Cu, Zn, Cd, Pb, As, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả phân tích chất lượng môi trường đất Hải Hà thực hiện tháng 7/2012, tất cả các mẫu đất chưa bị ô nhiễm kim loại nặng.

Bảng 52: Kết quả phân tích chất lượng môi trường đất Hải Hà.

Thông số

Đơn vị

Đ01

Đ02

Đ03

Đ04

Đ05

Đ06

Đ07

Đ08

pHKCl

4,6

4,1

5,2

4,9

5,0

4,6

4,9

5,3

Pb

mg/kg

26,3

15,8

23,4

27,8

35,0

26,3

27,1

35,2

Cd

mg/kg

1,6

1,1

0,8

1,1

1,7

1,2

0,8

0,9

As

mg/kg

5,1

3,8

3,6

4,7

6,2

4,2

3,9

5,2

Zn

mg/kg

97,6

88,2

113,2

116,5

87,6

102,4

98,2

85,3

Cu

mg/kg

39,7

25,8

31,2

29,8

37,7

28,7

37,1

27,5

Dư lượng thuốc BVTV

µg/kg

KPH

KPH

KPH

KPH

0,12

KPH

KPH

KPH

Ghi chú:  KPH: Không phát hiện thấy chất ô nhiễm

b. Chất lượng môi trường nước

Tổng diện tích sông suối của khu vực Hải Hà  là 1,253.85 ha. Nguồn nước mặt từ các sông suối của khu vực khá lớn nhưng phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Hiện nay, cùng với việc gia tăng dân số và sự phát triển công nghiệp, hệ thống sông hồ, biển cũng đang có dấu hiệu bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

 Về chất lượng, nước mặt tại các sông hồ của khu vực đều đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất theo tiêu chuẩn loại B.

Việc so sánh kết quả quan trắc với các tiêu chuẩn chất lượng nước tại Việt Nam là điều cần thiết. Bảng 7-1 trình bảy các giá trị tiêu chuẩn liên quan tới chất lượng nước ở Việt Bam quy định bởi QCVN 08:2008/BTNMT; QCVN1 10:2008/BTNMT; QCVN 09:2008/BTNMT; QCVN 14: 2008/BTNMT và QCVN 40:2011/TT-BTNMT

Bảng 53: Giá trị tiêu chuẩn chất lượng nước ở Việt Nam

TT

Thông số

Nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT

Nước biển ven bờ QCVN 10:2008/BTNMT

Nước ngầm QCVN 09:2008/BTNMT

Nước nthải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT

Nước nthải công nghiêp QCVN 40:2011/TT-BTNMT

Loại

A2

B1

Bãi biển, thể thao dưới nước

-

B

B

1

COD

15

30

42

4

-

150

2

BOD

6

15

-

-

50

50

3

TSS

30

50

50

-

-

100

4

Cd

0,01

0,01

0,01

0,01

-

0,1

5

Pb

0,02

0,05

0,02

0,01

-

0,5

6

Coliform (MPN/100ml)

5000

7500

1000

3

5000

5000

7

E.coli

50

100

-

0

-

-

8

Dầu

0,02

0,1

0,1

-

20

10

Ghi chú:

A2: Dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp; bảo tồn thực vật thủy sinh hoặc các mục đích sử dụng như loại B1 và B2

B1: Dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự hoặc có mục đích sử dụng như loại B2

B: Đối với nước thải sinh hoạt xả vào nguồn tiếp nhận không sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Bảng 16 trình bày tỷ lệ đạt chuẩn của cadmium trong từng năm từ năm 2009 đến năm 2012. Các kết quả phân tích cadmium đôi khi vượt quá tiêu chuẩn chất lượng nước mặt nhưng vẫn không xác nhận được mức độ không thay đổi của ô nhiễm cadmium.

Nước ngầm:

- Trữ lượng: Trữ lượng khai thác tiềm năng nguồn nước ngầm một vùng là lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước và chứa nước yếu trong vùng đó mà không làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và biến đổi môi trường vượt quá mức cho phép (theo Quyết định số 13/2007/QĐ- BTNMT).

- Trữ lượng khai thác tiềm năng bao gồm trữ lượng động tự nhiên, trữ lượng tĩnh đàn hồi, trữ lượng tĩnh trọng lực, trữ lượng cuốn theo, trữ lượng bổ xung nhân tạo…

Tổng hợp kết quả tính trữ lượng tiềm năng nước ngầm

TT

Tên tiểu khu

Trữ lượng tiềm năng (m3/ngày)

Tầng chứa nước đệ tứ

Tầng chứa nước khe nứt

Tổng

1

Khu Hải Hà

15.200

100.595

115.795

 (Nguồn: Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh)

Trữ lượng tiềm năng toàn vùng quy hoạch là 115.795 m3/ng. Do địa hình phân cắt, sự phân bố các tầng chứa nước khe nứt chủ yếu trong các khe nứt, đới dập vỡ kiến tạo nên mặc dù tiềm năng nước dưới đất không nhỏ nhưng khả năng khai thác lại rất khó khăn.

Mặc dù trữ lượng nước ngầm khá lớn nhưng khả năng khai thác bị hạn chế, do đó tương lai nguồn cung cấp nước cho khu vực chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn nước mặt.

Khai thác:  Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm tại một số điểm khai thác nước trên địa bàn Hải Hà từ năm 1970 đến 2000 lượng nước dưới đất cung cấp cho sông Hà Cối có xu hướng tăng lên. Điều đó cho thấy tại khu vực này việc trữ lượng nguồn tài nguyên nước chưa có dấu hiệu suy giảm tuy nhiên vẫn cần có biện pháp quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước và thải các chất thải ra sông, suối để tránh làm suy giảm trữ lượng nguồn tài nguyên nước dưới đất này.

Nước thải: Lượng nước thải phát sinh năm 2013 được tính toán như thể hiện ở bảng 7-7. Trong đó, tỷ lệ phát sinh nước thải,tỷ lệ nước thải của cơ quan,khối kinh doanh và tỷ lệ thấm xuống nước ngầm được trích từ “ Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải khu vực đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”

Khối lượng nước thải phát sinh năm 2013

TT

Đơn vị hành chính

Dân số (người)

Nhu cầu nước bình quân đầu người(l/người/ngày)

Tỷ lệ phát sinh nước thải (%)

Tỷ lệ nước thải cơ quan và kinh doanh (%)

Tỷ lệ thấm xuống nước ngầm (%)

Lượng nước thải phát sinh trong năm 2013 (m3/ng.đ)

1

Hải Hà

30.140

80

80

20

10

2.652

Nước thải sinh hoạt khu vực đô thị: hiện đang sử dụng hệ thống thoát nước thải chung với nước mưa, chưa có hệ thống thoát nước thải riêng, nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Hệ thống thoát nước chung cũng chưa được xây dựng hoàn chỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thị.

Nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn: nước thải sinh hoạt được xả thải vào nguồn nước thải công cộng sau khi đi qua nhà tiêu hợp vệ sinh. Tính đến tháng 5 năm 2013 có khoảng 74% gia đình nông thôn trong khu vực có nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân bắc từ các gia đình nông thôn được xử lý đơn giản tại các nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nước xám từ các hộ gia đình nông thôn không được xử lý trước khi xả thải. Về việc xử lý nước xám, một số cộng đồng dân cư trong khu vực nông thôn có hệ thống thu gom nước thải đơn giản bao gồm hệ thống mương, cống và tận dụng các hồ tự nhiên làm hồ ô xy hóa. Tại khu vực này, ô nhiễm nước thải sinh hoạt không nghiêm trọng như ở các khu đô thị.

 Nguồn ô nhiễm nước lớn nhất trong khu vực nông thôn là nước thải chăn nuôi gia súc bao gồm chất thải hữu cơ và các hợp chất nitơ nồng độ cao.Tính đến tháng 5/2013 có khoảng 62,4% hộ gia đình nông thôn trong khu vực có chuồng chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh còn lại 37,6% số hộ chỉ có chuồng chăn nuôi gia súc thông thường. Do đó, điều cần thiết là phải xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh cho toàn bộ số hộ gia đình có hoạt đông chăn nuôi nhằm giải quyết vần đề nghiêm trọng nhất cho khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Hải Hà.

Nước thải từ tàu thuyền: Hoạt động của cảng, sinh hoạt của thủy thủ  trong thời gian neo đậu ảnh hưởng đến nếp sống của cư dân địa phương, cảnh quan và du lịch,gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí. Chất thải từ tàu và các sự cố tràn dầu cũng có thể có những tác động tiêu cực. Đặc biệt, khu vực cảng Mũi Ngọc ở vị trí khu du lịch Trà Cổ cũng cần được lưu ý, phòng ngừa các tác động tiêu cực đến nước biển ven bờ khu vực Trà Cổ.

Trong quá trình xây dựng cảng, các hoạt động nạo vét có thể làm thay đổi hệ sinh thái đáy, bóc bỏ lớp cư trú của động vật đáy, làm khuấy động lớp bùn đáy nơi chứa nhiều các chất ô nhiễm có độc tính cao ( kim loại nặng, các trầm tích …). Các hoạt động này có khả năng làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông, nước biển ven bờ, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và đa dạng hệ sinh thái thủy vực. Ngoài ra, việc nạo vét cũng làm thay đổi chế độ thủy văn, tăng khả năng xâm nhập mặ và xói lở khu vực xung quanh.

Vì vậy,khi triển khai dự án, cần dự báo định lượng đầy đủ các tác động nói trên, đồng thời có những giải pháp giảm thiểu thích hợp

c. Chất lượng môi trường khí và tiếng ồn

Không khí: Tại tuyến đường Quốc lộ 18 và thị trấn Quảng Hà: Lấy mẫu và quan trắc tại 5 vị trí (2 điểm trên trục đường 18A, 3 điểm  thuộc thị trấn) vào các giờ cao điểm (08-09h và 16-17h). Kết quả phân tích cho thấy hàm tiếng ồn tại giờ cao điểm vượt quá tiêu chuẩn cho phép của QCVN/26-2010/BTNMT tại khu vực chợ thị trấn Quảng Hà và đầu cầu Hà Cối, nồng độ NOx, SO2 cũng gần bằng giới hạn cho phép của QCVN, các chỉ tiêu còn lại tại tất cả các điểm đo đều  thấp hơn  QCVN 05-2009/BTNMT về nồng độ các khí độc hại và QCVN 26-2010/BTNMT về tiếng ồn.

Bảng: Kết quả phân tích chất lượng không khí xung quanh tại thị trấn Quảng Hà và Quốc lộ 18A (giá trị trung bình trong 1 giờ)

TT

Mô tả vị trí lấy mẫu

Bụi lơ lửng (mg/m3)

SO2  (mg/m3)

NOx(mg/m3)

CO (mg/m3)

Tiếng ồn (dBA)

1

Thị trấn Quảng Hà ( khu vực cổng chợ

0,28

0,23

0,16

22,5

72

2

Đường 18 (ngã 3 đi Bắc Phong Sinh

0,27

0,22

0,15

20,7

65

3

Ngã 3 đường bệnh viện đa khoa

0,21

0,29

0,19

22

58

4

Đầu cầu Hà Cối thị trấn Quảng Hà

0,23

0,16

0,11

19

71

5

Ngã 3 đường lâm nghiệp

0,22

0,14

0,19

17

50

QCVN 05-2009,QCVN26-2010 (tiếng ồn)

0,3

0,35

0,2

30

70

Tại khu vực nông thôn: Mẫu phân tích và quan trắc tại các điểm khu vực nhạy cảm của 7 xã trên địa bàn huyện, vị trí lựa chọn điểm quan trắc thường là trung tâm dân cư (gần chợ, trường học hoặc cửa UBND xã) có biểu hiện tác động đến môi trường. Nhìn chung, chất lượng không khí xung quanh khu vực nông thôn huyện Hải Hà tương đối tốt, nồng độ trung bình các chất khí C0,C02, N02 đều thấp hơn giới hạn cho phép theo quy chuẩn hiện hành. Hàm lượng bụi và tiếng ồn tương đối cao nhưng vẫn thấp so với Quy chuẩn QCVN 26-2010/BTNMT; Nguyên nhân là tại gần điểm quan trắc có công trình dân dụng đang thi công xây dựng.

Kết quả phân tích chất lượng không khí xung quanh khu vực nông thôn huyện Hải Hà (giá trị trung bình trong 1 giờ)

TT

Mô tả vị trí lấy mẫu

Bụi lơ lửng (mg/m3)

SO2  (mg/m3)

NOx(mg/m3)

CO (mg/m3)

Tiếng ồn (dBA)

1

Khu vực UBND xã Quảng Phong gần nhà máy gạch Thắng Lợi

0,21

0,22

0,12

20,5

62

2

Chợ xã Đường Hoa

0,28

0,19

0,11

18,4

43,2

3

Đường vào UBND xã Phú Hải

0,20

0,22

0,15

21,5

50,5

4

Cổng trường PTTH thị trấn Quảng Hà

0,21

0,17

0,08

19,3

65

5

Đường vào UBND xã Quảng Minh

0,24

0,19

0,11

17,7

48

6

Trung đoàn 43 xã Quảng Thành

0,18

0,11

0,07

22,1

43

7

Cổng trường THCS xã Quảng Long

0,16

0,16

0,09

18,0

59

QCVN 05-2009,QCVN26-2010 (tiếng ồn)

0,3

0,35

0,2

30

70

Bảng 55: Kết quả phân tích chất lượng không khí xung quanh tại một số điểm khai thác khoáng sản và cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giá trị trung bình trong 1 giờ)

TT

Mô tả vị trí lấy mẫu

Bụi lơ lửng (mg/m3)

SO2  (mg/m3)

NOx(mg/m3)

CO (mg/m3)

Tiếng ồn (dBA)

1

Điểm  quăng IIIA Tấn Mài

0,29

0,22

0,13

21

63

2

Điểm quặng IV Tấn Mài

0,27

0,21

0,17

19,8

62

3

Mỏ Antimoan (Thống Nhất)

0,24

0,30

0,12

23

54

4

Nhà máy gạch Tuynel

0,25

0,34

0,15

29

64

5

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh

0,20

0,14

0,09

15

49

QCVN 05-2009,QCVN26-2010 (tiếng ồn)

0,3

0,35

0,2

30

70

Tiếng ồn: có xu hướng gia tăng so với tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân chính chủ yếu là do ảnh hưởng của các phương tiện giao thông hoạt động buôn bán tại cửa khẩu (xe vận chuyển khách; xe chở hàng hóa qua cửa khẩu…)

d. Quản lý chất thải rắn

Hiện trạng hoạt động: Hệ thống thu gom rác thải hiện tại thực hiện thu gom hỗn hợp mà không có tái chế hoặc tái sử dụng chính thức cũng như phân loại rác tại nguồn, không có cơ sở tái chế và hầu như toàn bộ rác thu gom đều được vận chuyển đến bãi rác.

Số liệu về chất thải rắn phát sinh và được thu gom trên địa bàn năm 2012

TT

Khu vực

Khối lượng CTR phát sinh ( tấn /năm)

Khối lượng CTR được thu gom( tấn /năm)

1

Huyện Hải Hà

16.044

4.714

Trên một số tuyến đường, rác được đổ trực tiếp xuống đường, gây tình trạng phải có nhiều công nhân để xúc lượng rác đó lên xe trong điều kiện vệ sinh lao động kém. Đồng thời, gây tác động xấu tới luồng giao thông và cảnh quan đô thị.

Hệ thống xử lý chất thải rắn: Hiện tại, huyện Hải Hà có 1 bãi chôn lấp, tuy nhiên không có hệ thống thu gom nước rác và công trình xử lý, không có hệ thống lót đáy. Do đó bãi rác này đều không đảm bảo chôn lấp hợp vệ sinh và đang gây ra các vấn đề môi trường.

TT

Khu vực

Tên bãi rác

Vị trí

Công suất ( tấn/ngày)

Điều kiện vận hành

Ghi chú

1

Hải Hà

Bãi rác thôn 8

Xã Quảng Chính

12,3

Hoạt động đến 2013

Yêu cầu bãi rác mới

(Nguồn: Báo cáo Quy hoạch môi trường vùng tỉnh Quảng Ninh)

Việc rải lớp đất phủ sau khi đổ rác, một công việc cơ bản nhất đối với một bãi rác hợp vệ sinh, chưa hề được đáp ứng đủ theo yêu cầu ở các bãi rác. Ngoài ra, tại bãi rác khu vực Hải Hà, rác thải được đổ xuống và không được san gạt, đầm nén bằng các thiết bị có công suất lớn như máy ủi, không sử dụng hình thức vận hành bãi rác thân thiện với môi trường và hợp vệ sinh.

Thiếu lớp đất phủ rác gây ra những vấn đề về sức khỏe và vệ sinh như bụi,mùi hôi thối và nạn ruồi, muỗi. Không có hệ thống lót hoặc hệ thống thu gom và xử lý nước rác cũng gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và vệ sinh đối với nước ngầm và các vùng nước. Quan trắc định kỳ khối lượng và chất lượng nước rác, chất lượng nước ngầm và các vùng nước công cộng, thành phần khí ga được tạo ra, mùi hôi…góp phần rất quan trọng trong vận hành và quản lý bãi rác, nhưng lại không được thực hiện.

Hiện không có các hướng dẫn về lập kế hoạch, thiết kế và quản lý/vận hành bãi rác. Hiện đã có các mô tả về khái niệm hoặc mô tả về mặt định lượng các bãi rác nhưng nội dung đó không đi vào chi tiết hoặc không có tính định tính.

e. Tài nguyên rừng.

Rừng ở khu vực Hải Hà (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết và bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp gỗ cho công nghiệp khai thác và phục vụ dân sinh…Với diện tích khoảng 33,664.89 ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 65.50% diện tích tự nhiên của toàn khu kinh tế.

Hiện trạng sử dụng đất nông, lâm nghiệp huyện Hải Hà năm 2014

TT

Loại đất

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

Tổng diện tích

51,393.17

100.00

I

Đất nông nghiệp

39,557.53

76.97

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

4,969.83

9.67

Đất trồng cây hàng năm

3,731.95

7.26

Đất trồng cây lâu năm

1,237.88

2.41

1.2

Đất lâm nghiệp

33,664.89

65.50

Đất rừng sản xuất

18,457.35

35.91

Đất rừng phòng hộ

15,207.54

29.59

Ghi chú: Tổng hợp trên cơ sở số liệu kiểm kê đất theo Phường, xã, thị trấn  (Phòng TNMT huyện Hải Hà cấp)

Nhìn chung rừng Quảng Ninh hiện đang bị suy giảm cả về số lượng, chất lượng, độ che phủ và số loài cây gỗ quý hiếm. Rừng nguyên sinh hiện nay còn rất ít, trên các dẻo núi cao, sườn dốc, hiểm trở, khó khai thác thuộc. Phần lớn diện tích rừng còn lại là rừng tái sinh, rừng trồng với các chủng loại khác nhau: bạch đàn, thông, keo tai tượng, tre luồng, cây công nghiệp, cây ăn quả. Dưới đây là những sự cố tiềm tàng có thể gây tác động đến rừng:

Thay đổi sử dụng đất từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng ven biển ( như phát triển khu công nghiệp, mở rộng khu dân cư và phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh)

Hoạt động phát nương làm rẫy xảy ra ở khu vực xung quanh các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Cháy rừng (có thể gia tăng lên bởi các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu).

Nhu cầu cao cần các nguồn tài nguyên gỗ, đặc biệt là cho sản xuất bột giấy.

Hệ thống trồng rừng thuần loài, có thể dẫn đến mất sự đa dạng sinh học)

Biến đổi khí hậu (mặc dù từ nay đến năm 2020 có thể sẽ không có tác động tiêu cực quá lớn như thể hiện trong kịch bản ở SEDP nhưng việc chuẩn bị năng lực để ứng phó với biển đổi khí hậu là cần thiết )

g. Sự cố và tai biến rủi ro môi trường.

Là Huyện có địa hình phức tạp bao gồm cả khu vực vùng núi và khu vực đồng bằng ven biển nên Hải Hà chịu những tác động trực tiếp từ bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, vấn đề trượt lở, xói mòn đất cho đến các vấn đề Dịch hại trong nông nghiệp và dịch hại cho người

Trượt lở, xói mòn đất: Với hơn 70% địa hình đồi núi đất có độ dốc cao, Hải Hà đang phải đối mặt với vấn đề trượt lở, xói mòn đất. Các vụ trượt lở núi thường do các nguyên nhân mưa lũ, địa chất yếu, địa hình đồi dốc kèm theo các tác động của con người như bạt ta luy, đào bới khai thác khoáng sản … Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khá quan trọng là việc tàn phá các loại thảm thực vật dẫn đến tình trạng trượt lở..

Bão, lũ lụt, hạn hán:

- Bên cạnh nguy cơ sạt lở đất, vùng núi huyện Hải Hà phải thực hiện chế độ canh tác phòng chống hạn vào mùa khô. Mùa hạ mưa nhiều, thường có bão (hàng năm có 5-7 cơn bão), nhiều lần xuất hiện mưa lớn trong năm với lượng mưa 300 mm trong 2-3 ngày làm nhiều diện tích bị úng.

- Nhiệt độ đang có dấu hiệu thay đổi bất thường so với nhiều năm trước làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển các loại sâu bệnh hại, dịch bệnh... Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây, nền nhiệt độ ở các khu vực trên địa bàn đều tăng so với trung bình từ 0,4-0,7oC. Số ngày có nhiệt độ không khí trung bình trên 30oC (thời tiết “oi bức”) xuất hiện nhiều hơn, trung bình tăng 4-6 ngày/năm. Cùng với đó, tại địa bàn Huyện cũng xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại đặc biệt nghiêm trọng, trong đó phải kể đến đợt rét đậm rét hại kéo dài 30 ngày (từ 22-1 đến 20-2-2008) trên toàn tỉnh, kéo nền nhiệt độ thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 3-4oC. Đây là đợt rét đậm rét hại lịch sử, lần đầu tiên xuất hiện sau 40 năm kể từ năm 1968

Dịch hại trong nông nghiệp và dịch hại cho người: Hài Hà đã 2 lần bùng phát dịch cúm gia cầm đều xảy ra vào thời điểm tết âm lịch một lần vào cuối năm 2004, một lần vào cuối tháng 2 năm 2007, xảy ra chủ yếu ở đàn gà, khó phát hiện do không có dấu hiệu mang bệnh nên rất khó phòng tránh. Trong thời gian vừa qua, Chi cục Thú y Quảng Ninh phối hợp với UBND huyện Hải hà chỉ đạo Trạm Thú y huyện và UBND xã tổ chức lực lượng ứng phó nhanh với dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh nên thiệt hại là không đáng kể.

VI.3. Các vấn đề và mục tiêu môi trường chính liên quan

Phát triển dải ven biển trên địa bàn theo hướng bền vững, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên, chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Kiểm soát chất lượng nước mặt; môi trường không khí và tiếng ồn ( do phát thải hoạt động Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông trên đường quốc lộ, cao tốc)

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật -> giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khắc phục, cải tạo môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các khu vực dân cư giáp các khu công nghiệp.

Bảo vệ cảnh quan môi trường: Hệ sinh thái nông nghiệp,hệ sinh thái rừng, núi, mặt nước hoặc bộ khung thiên nhiên bảo vệ môi trường; bảo vệ  hành lang kỹ thuật -> giảm thiểu tai biến môi trường và các hành lang an toàn giao thông. Bảo vệ các điểm di tích, các khu có tiềm năng phát triển du lịch.

Ngăn chặn đẩy lùi xu hướng gia tăng ONMT, suy thoái tài nguyên ( tài nguyên nước, đất, rừng, đồi núi..); hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế, công nghệ xanh ít chất thải đặc biệt trong khu công nghiệp, và nền nông nghiệp hiện có.

Chỉ tiêu môi trường

Giữ vững và củng cố môi trường cảnh quan của các vùng sinh thái đặc thù. Bảo vệ tài nguyên, các hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái rừng.

Quản lý tốt môi trường các đô thị, KCN, Cụm CN, các điểm du lịch nhằm ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước.

Mục tiêu đến năm 2015: chú trọng đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Thực hiện thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị; 100% các khu công nghiệp, bệnh viện và các điểm du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Mục tiêu đến năm 2020: Phấn đấu trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Duy trì tỉ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%.

Mục tiêu đến năm 2030: Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh.

Xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại xã Quảng Thành.Giảm nhẹ tác động môi trường tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao trong tương lai.

Phân vùng môi trường

Đề xuất phân vùng môi trường theo 3 khu vực sau:

Vùng bảo tồn: vùng bảo tồn là những vùng được chính thức được bảo vệ môi trường ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Vùng này sẽ được kiểm soát dựa trên luật và quy chế liên quan. Các biện pháp chính được thực hiện trong khu vực này là:

Bảo vệ các nguồn cấp nước thông qua kiểm soát hoặc hạn chế những hoạt động phát triển ở các khu vực rừng đầu nguồn quan trọng có vai trò là nguồn cấp nước.

Vùng quản lý môi trường tích cực: vùng quản lý môi trường tích cực là những khu vực được khai thác có cân nhắc tới sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế có tôn trọng hài hòa với bảo vệ môi trường.

Vùng phát triển (với các biển pháp cân nhắc tới môi trường): vùng phát triển bao gồm những khu vực áp dụng những quy chế liên quan đối với thay đổi mục đích sử dụng đất.

Bảng: Các tiểu vùng trong vùng bảo vệ- đặc trưng khái quát và giải pháp quản lý, bảo vệ

TT

Tên

Đặc điểm ( Phân bố, đặc điểm tự nhiên, vấn đề môi trường cần quan tâm)

Yêu cầu quản lý và bảo vệ

Tiểu vùng rừng đầu nguồn

Phân bổ chủ yếu ở những nơi đồi núi cao, có độ dốc lớn như khu vực dọc biên giới Trung Quốc, khu vực thuộc các xã Quảng Đức, Quảng Sơn.

Chức năng: điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn,bảo vệ đất, ngăn chặn sự bồi đắp lòng sông, lòng hồ

Yêu cầu: phải tạo thành vùng tập trung tập trung có cấu trúc hỗn loài, nhiều tầng, có độ che phủ của tán rừng (theo quy định chung độ che phủ phải đạt 60% trở lên ).

Thực trạng: rừng tự nhiên nguyên thủy ở tiểu vùng này cơ bản đã bị chặt phá, thay vào đó là các cánh rừng thứ sinh gồm cây gỗ và cây bụi không bao chiếm toàn bộ diện tích. Có một diện tích không nhỏ là rừng trồng với chức năng là rừng phòng hộ

Quy mô của rừng phòng hộ đầu nguồn phù hợp với quy mô của lưu vực sông và việc quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông.

Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, kết hợp tái sinh rừng, ổn định độ che phủ rừng ở tỷ lệ cao, phải đạt từ 60% trở lên.

Quản lý theo quyết định số 186/2006/QĐ-Ttg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ Việt Nam về quy chế quản lý rừng.

Số 34/2011/QĐ-Ttg quyết định của thủ tướng chính phủ ngày 24/6/2011 VV sữa đổi bổ sung một số điều quy chế quản lý rưng ban hành kèm theo quyết định số 186/2006/QĐ-Ttg

Tiểu vùng phòng hộ trên đất liền

Phân bố ở các khu vực đồi núi trong khu vực, tại các xã Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Quảng Chính

Chức năng: sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.

Thực trạng: là các thảm rừng trồng làm chức năng phòng hộ là chủ yếu

Thảnh phần loài đơn giản, chủ yếu là keo, keo xen bạch đàn, thông 2 lá

NĐ số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của chính phủ về thi hành luật bảo vệ và phát triển rừng

Số 34/2011/QĐ-Ttg quyết định của thủ tướng chính phủ ngày 24/6/2011 VV sữa đổi bổ sung một số điều quy chế quản lý rưng ban hành kèm theo quyết định số 186/2006/QĐ-Ttg

Số 99/2006/TT-BNN ngày 6/11/2006 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng

Nghiêm cấm các loại hoạt động chặt phá rừng phòng hộ

Bảng: Các tiểu vùng trong vùng quản lý đặc trưng khái quát và giải pháp quản lý, bảo vệ

TT

Tên

Đặc điểm ( Phân bố, đặc điểm tự nhiên, vấn đề môi trường cần quan tâm

Yêu cầu quản lý và bảo vệ

Tiểu vùng bảo vệ rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản

Vùng có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản.

Đất mặn ven biển chiếm diện tích; nước lợ và các chỉ tiêu lý hóa phù hợp cho nuôi trồng thủy sản

Rừng ngập mặn bị suy giảm nhanh, trong đó một phần lớn được chuyển dodỏi sang đầm nuôi trồng thủy sản

Bảo vệ và cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản

Quản lý không cho phép chặt phá rừng ngập mặn

Mở rộng và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản các loài có giá trị kinh tế cao, duy trì các đối tượng nuôi truyền thống.

Tiểu vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản khu vực đảo Vạn Nước và đảo Vạn Vược của xã đảo Cái Chiên

Nuôi trồng thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào nguồi nước tự nhiên.

Môi trường nước có xu hướng ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của con giống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản ảnh hưởng đến việc kiểm soát dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn

Rừng ngập mặn bị suy giảm mạnh trong những năm vừa qua. Nhiều nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm. Nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao bị mất đi

Quản lý, khai thác bền vững và bảo vệ tài nguyên biển.

Phục hồi rừng ngập mặn nhằm phục vụ nguồi lợi thủy sản tự nhiên và đa dạng sinh học.

Phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ.

Nâng cao nhận thức của nhân dân về biển đảo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tiểu vùng môi trường công nghiệp

Khu công nghiệp đông nam Hải Hà

Vấn đề môi trường quan tâm: các chất thải từ các khu CN có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do nước thải, ô nhiễm dầu, một số nơi ô nhiễm khí khi nhà máy đi vào hoạt động

Áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm nhiên liệu đầu vào và các chất thải ở đầu ra đảm bảo trong giới hạn cho  phép.

Quản lý nghiêm ngặt các chất thải từ các nhà máy, xi nghiệp, các khu công nghiệp, đảm bảo chất thải phải đạt chất lượng theo QCVN.

Các khu CN ký cam kết bảo vệ môi trường.

Tiểu vùng kinh tế cửa khẩu

Khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Dân cư đô thị với các hoạt động ngoại thương- xuất nhập khẩu và các dịch vụ kèm theo.

Vấn đề môi trường quan tâm:

+ Nảy sinh các vấn đề môi trường xuyên biên giới; dịch bệnh theo đường hàng hóa, nhập xuất sinh vậy khó kiểm soát…

+ Dân số cơ học tăng nhanh và tăng các đầu xe tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa vì vậy có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn, ô nhiễm bụi và tiếng ồn

Kiểm tra nghiêm ngặt các hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.

Sử dụng các loại xe đảm bảo, ít gây ô nhiễm. Tránh gây ô nhiễm không khí ( bụi và tiếng ồn)

Bảng 56: Các tiểu vùng trong vùng phát triển thân thiện môi trường -đặc trưng khái quát và giải pháp quản lý, bảo vệ

TT

Tên

Đặc điểm ( Phân bố, đặc điểm tự nhiên, vấn đề môi trường cần quan tâm

Yêu cầu quản lý và bảo vệ

Tiểu vùng ưu tiên phát triển du lịch cao cấp

Phân bổ ở nơi có tiềm năng phát triển du lịch như khu vực đô thị Quảng Minh, Quảng Thắng hay đô thị  trang trại Quảng Phong

Hoạt động nhà hàng, khách sạn

Các vấn đề về nước thải, rác thải trong các nhà hàng, khách sạn, khu vực bờ biển cần được giải quyết một cách triệt để.

Các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí ( bụi và tiếng ồn)

Quản lý môi trường dựa theo QCVN

Quản lý môi trường nghiêm ngặt đối với nhà hàng, khách sạn.

Đổi mới phương tiện sử dụng giao thông.

Tạo thói quen cho du khách, cộng đồng và những người trực tiếp làm du lịch có ý thức thực hiện bảo vệ môi trường.

Tiểu vùng đô thị thương mại – dịch vụ - du lịch.

Phân bổ ở thị trấn Quảng Hà, khu đô thị của khẩu Bắc Phong Sinh.

Các hoạt động chính: thương mại, dịch vụ và du lịch.

Các vấn đề môi trường cần quan tâm:

+ Hệ thống xử lý nước thải cần thu gom và xử lý

Quản lý môi trường theo QCVN

Nâng cao chất lượng môi trường không khí.

Cải thiện điều kiện thoát nước thải và xử lý nước thải

Thu gom chất thải rắn

Tiểu vùng môi trường quần cư nông thôn đồi núi và sản xuất nông lâm kết hợp

Phân bố ở các khu vực nông thôn đồi núi.

Dân cư phân bố tập trung tại trung tâm xã, ở các thôn xóm dần thưa và phân bố rải rác.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, nông lâm kết hợp.

Vấn đề môi trường cần quan tâm:

+ Thiếu nước sạch trong sinh hoạt.

+ Vệ sinh nông thôn chưa đảm bảo ( nhà vệ sinh, khu chăn nuôi gia súc, không có mương thoát nước)

+ Chất thải rắn sinh hoạt tự thu gom theo hộ gia đình và tự xử lý theo kiểu truyền thống nông thôn – tự đốt rác, tuy nhiên không thể xử lý được 100%

+ Rác thải độc hải trong sản xuất, rác thải nông, lâm chưa được quan tâm nhiều.

Xói mòn đất do canh tác chưa hợp lý.

Quản lý môi trường theo QCVN

Giải pháp dựa vào cộng đồng.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức hiểu biết về bảo vệ môi trường, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư cho phát triển cộng đồng.

Quản lý theo tinh thần của dự án phát triển nông thôn mới.

Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt, bước đầu hướng dẫn cộng đồng tự thu gom và xử lý theo cách truyền thống đốt rác.

Tiểu vùng môi trường quần cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp đồng bằng ven biển.

Phân bố ở khu vực đồng bằng ven biển là chính.

Xung quanh điểm quần cư đông đúc là cánh đồng lúa hoặc nuôi trồng thủy sản.

Vấn đề môi trường cần quan tâm:

+ Vệ sinh nông thôn chưa đảm bảo ( nhà vệ sinh, khu chăn nuôi gia súc, không có mương thoát nước)

+ Thiếu nước sạch trong sinh hoạt.

+ Rác thải chưa thu gom hết.

Rác thải độc hại trong sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được thu gom và xử lý một cách nghiêm túc.

Quản lý các vấn đề môi trường theo QCVN

 Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức hiểu biết về bảo vệ môi trường, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư cho phát triển cộng đồng.

Quản lý theo tinh thần của dự án phát triển nông thôn mới.

VI.4. Dự báo diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch

Môi trường nước: Nước thải sinh hoạt và công nghiệp: Như vậy, nguồn gây ô nhiễm nước tiềm năng là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Nếu không quản lý và vận hành tốt hệ thống dẫn cũng như quy trình xử lý thì cả nước ngầm và nước mặt sẽ bị ô nhiễm do : sự rò rỉ của nước thải qua đường ống, xử lý không đạt tiêu chuẩn vì sự cố trong khi xử lý. Đặc biệt, diện tích đất nông nghiệp được thay thế bằng hệ thống đường giao thong và các công trình khác sẽ là nguyên nhân làm tăng dòng chảy mặt và suy giảm khả năng bổ trợ nước ngầm dẫn tới khả năng úng lụt, dẫn tới sự thất thoát, lan tràn nước thải ra khỏi hệ thống ống dẫn riêng gây ra sự sự pha trộn giữa nước thải và nước mưa làm ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng. Các hoạt động xây dựng trên địa bàn Huyện cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, nếu hệ thống thu gom và xử lý nước thải được thực hiện đúng như quy hoạch thì sẽ giảm thiếu nguy cơ ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tốt hơn so với hiện nay.

Nước thải từ tàu thuyền:

- Hoạt động của cảng, sinh hoạt của thủy thủ  trong thời gian neo đậu ảnh hưởng đến nếp sống của cư dân địa phương, cảnh quan và du lịch,gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí. Chất thải từ tàu và các sự cố tràn dầu cũng có thể có những tác động tiêu cực.

- Trong quá trình xây dựng cảng, các hoạt động nạo vét có thể làm thay đổi hệ sinh thái đáy, bóc bỏ lớp cư trú của động vật đáy, làm khuấy động lớp bùn đáy nơi chứa nhiều các chất ô nhiễm có độc tính cao ( kim loại nặng, các trầm tích …). Các hoạt động này có khả năng làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông, nước biển ven bờ, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và đa dạng hệ sinh thái thủy vực. Ngoài ra, việc nạo vét cũng làm thay đổi chế độ thủy văn, tăng khả năng xâm nhập mặ và xói lở khu vực xung quanh.

- Vì vậy,khi triển khai dự án, cần dự báo định lượng đầy đủ các tác động nói trên, đồng thời có những giải pháp giảm thiểu thích hợp.

Môi trường đất:

- Khi thực hiện xây dựng huyện Hải Hà theo quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất của khu vực có những thay đổi mạnh mẽ, chủ yếu theo xu hướng nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp và đât rừng có năng suất thấp được chuyển đổi mục đích sử dụng hợ lý. Diện tích đất rừng, đất cây xanh, tạo cảnh quan và cách ly được giữ lại tối đa góp phần cải thiện vi khí hậu cho khu vực.

- Sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông lâm sang đất đô thị và đất công nghiệp sẽ tạo nên sức ép lớn về đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm không chỉ cho khu vực dự án mà còn liên quan cả đến những khu vực phụ cận trong bố trí cây trồng và cơ cấu sử dụng đất. Sự suy giảm diện tích đất nông nghiệp sẽ dẫn đến thâm canh cây trồngmạnh mẽ và dễ xảy ra việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học trên khoảng diện tích canh tác có giới hạn.

- Việc san ủi các khu vực địa hình cao và san lấp các khu vực có địa hình thấp hơn để tạo mặt bằng xây dựng cho đô thị thì quá trình xây dựng hệ thống nhà ở, xí nghiệp công nghiệp, đường xá, cầu cống… cần hết sức quan tâm đến nguy cơ sạt lở và sụt lún đất. Sự đề phòng các sự cố này đặc biệt cần thiết đối với các khu đất lấp nhân tạo trên nhiều diện tích hồ ao, đầm lầy và ven sông thường có thành phần là cát sông và các phế thải sinh hoạt, phế thải xây dựng và phế thải công nghiệp với thành phần đa dạng với độ dày khoảng 1m - 5m.

- Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản cũng làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, gây xói mòn, bồi lắng đất, làm thay đổi địa hình và cấu trúc nền rắn, làm gia tăng hàm lượng các kim loại nặng trong đất. Hệ thống bệnh viện, trạm xá, trường học, cơ quan, xí nghiệp trong khu vực đô thị cũng sẽ tạo ra lượng chất thải rắn được ước tính gấp hàng chục lần so với hiện nay là một nguồn gây nhiễm bẩn đất tiềm ẩn nếu không có những biện pháp xử lý hữu hiệu, từ đó ảnh hưởng đến các sản phẩm nông nghiệp và sức khoẻ của con người.

- Tuy nhiên, diện tích đất nông, lâm nghiệp hiện tại trong diện chuyển đổi mục đích sử dụng có giá trị kinh tế và môi trường không lớn và các tác động được dự báo đều có thể chủ động khắc phục được bằng các biện pháp thích hợp nên việc thay đổi mục đích sử dụng đất theo đồ án là hợp lý.

Môi trường không khí và tiếng ồn:

- Tác động trực tiếp và rõ rệt nhất đến môi trường không khí, tiếng ồn trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong tương lai là giao thông, đầu tư xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, sự gia tăng lượng chất đốt sử dụng tại các nhà máy, khu công nghiệp, nhà dân cũng làm tăng các chất gây ô nhiễm không khí (COX, NOX, SO2, ...). Ngoài ra, quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ như: nước thải, chất thải rắn… sẽ phát sinh các chất ô nhiễm nh- H2S, CH4…với tải lượng ngày một tăng do đô thị hoá.

- Khi quy hoạch phát triển toàn huyện Hải Hà được thực hiện thì tất cả các đường giao thông chính nội thị cũng như các đường Quốc lộ đều đã được cải tạo, nâng cấp. Cường độ dòng xe trên đường sẽ tăng lên, nhất là lượng xe cơ giới cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và gây ồn trong khu vực. Tuy nhiên, kích thước mặt đường đã được mở rộng, mặt đường có chất lượng tốt hơn, giao thông không bị tắc nghẽn, do đó ô nhiễm môi trường không khí về khí độc hại như SO2, chì… do giao thông gây ra sẽ ít hơn so với hiện nay, nhất là về nồng độ bụi.

- Ngoài các nguồn gây tiếng ồn nền hiện có, tiếng ồn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn đầu tư xây dựng do tiếng ồn sinh hoạt của công nhân tham gia thi công, tiếng ồn phát sinh  trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng, từ các phương tiện vận chuyển máy móc thi công trên công trường…có thể ảnh hưởng đến các vùng sinh sản, sinh sống của các loài động thực vật. Tuy nhiên, tác động này chỉ có tính ngắn hạn và có thể ngăn chặn.

- Các xí nghiệp công nghiệp trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh ra một lượng khói bụi đáng kể và cần phải có biện pháp xử lý khói bụi công nghiệp trước khi xả ra môi trường không khí. Tuy nhiên, công nghiệp phát triển trong khu vực huyện Hải Hà được xác định chủ yếu là công nghiệp sạch, các cụm công nghiệp được bố trí tập trung, xa khu dân cư, có đủ khoảng cách ly vệ sinh, cuối hướng gió chủ đạo nên có thể giảm thiểu tác động đến môi trường không khí.

- Hệ thống các khu du lịch sinh thái, các khu công viên, dải cây xanh bên đường nếu được xây dựng như quy hoạch sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm không khí, giảm lượng bụi và ô nhiễm tiếng ồn.

Chất thải rắn.

Lượng chất thải rắn phát sinh qua các giai đoạn

TT

Đối tượng thải nước

2020

2030

Khối lượng CTR

(Tấn/ngđ)

Lưu lượng nước thải

(m3/ngđ)

1.2

Vùng III (Khu Hải Hà + Đảo Cái Chiên)

Khu trung tâm

9,00

104,50

Ngoại vi

22,95

17,50

2

Công cộng, vãng lai

13,72

31,39

4

Khu công nghiệp tập trung

1060,40

1060,40

5

TTCN

6,86

25,11

Từ nay đến năm 2030, CTR sinh hoạt được đưa về chôn lấp tại khu liên hiệp xử lý CTR tại xã Quảng Nghĩa, CTR y tế sau khi đốt, đưa về chôn lấp tại khu liên hiệp XLTRR xã Quảng Nghĩa. Còn CTR công nghiệp sẽ được xử lý tại khu xử lý CTRCN  thành phố Cảm Phả.

Việc xây dựng khu xử lý CTR bước đầu ưu tiên cho giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh và chế biến phân hữu cơ, sau đó từng bước xây dựng các đơn vị tái chế để biến chất thải thành nguyên liệu cho khu công nghiệp. Mặt khác, giảm thiểu áp lực của CTR đến môi trường còn được thực hiện bằng phân loại CTR tại nguồn để tăng tỷ trọng rác có thể chế biến thành phân hữu cơ, tăng sử dụng lại và sử dụng các sản phẩm tái chế.

Đề xuất các loại vật liệu có thể tái chế

Mô hình hệ thống bãi rác

Đa dạng hệ sinh học:

- Khi thực hiện quy hoạch sẽ làm gia tăng tiếng ồn và thay đổi chức năng sử dụng đất tại khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến nơi cư trú, sinh sản của một số loài động thực vật.

- Cảng biển và khu công nghiệp Hải Hà: tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển ven bờ.

- Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đường ven biển: sẽ tiềm ẩn tác động tiêu cực tới hệ sinh thái. Hoạt động thi công đường cao tốc có thể gây tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt là thông qua những thay đổi về địa hình, thủy văn.

- Hoạt động du lịch: có thể làm giảm tính đa dạng sinh học trong khu vực.

Đánh giá chung: Phương pháp đánh giá là phương pháp ma trận có áp dụng trọng số

a.  Đối với nước thải

Nước thải công nghiệp: Cấm xả nước thải chưa xử lý ra nguồn. Từng bước áp dụng các công nghệ phù hợp với mỗi ngành công nghiệp. Mỗi xí nghiệp công nghiệp đều có hệ thống xử lý riêng và chất lượng nước sau khi xử lý phải đạt QCVN40:2011/BTNMT , loại C; sau khi xử lý tại mỗi cơ sở sản xuất, nước thải được thu gom vào hệ thống xử lý tập trung cho toàn khu, trước khi thải ra nguồn nước thải phải đạt được QCVN40:2011/BTNMT, loại B.

Nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư: được thu gom tập trung và xử lý cục bộ tại ngay những nơi phát thải (thông thường bằng bể phốt tự hoại 2 – 3 ngăn), bằng hệ thống đường ống thu gom nước thải tại mỗi đô thị.

Nước thải khu vực nông thôn: Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến khích các hộ dân sử dụng hố xí tự hoại và hố xí hợp vệ sinh tại khu vực dân cư nông thôn và miền núi.

b/. Đối với chất thải rắn:

- CTR từ các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt:  phải được xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường đất, nước và khí. CTR tại các khu công nghiệp không nguy hại cần được phân loại ngay tại cơ sở sản xuất nhằm thuận tiện cho quá trình tái chế. Tránh chôn lấp CTR nguy hại chung với chất thải rắn không nguy hại.

- Đối với CTR sinh hoạt đô thị và CTR sinh hoạt các khu công nghiệp:  đảm bảo công tác thu gom được thực hiện hàng ngày và do một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý. Khuyến khích áp dụng công nghệ seraphin trong việc sản xuất phân hữu cơ từ rác sinh hoạt có thành phần chất hữu cơ cao tại khu liên hợp xử lý CTR cấp vùng.

- Đối với chất thải rắn y tế: Chất thải rắn y tế cần được thu gom và xử lý riêng. Có thể đầu tư lò đốt CTR y tế cho bệnh viện đa khoa Hải Hà  và tại Móng Cái.

c/. Đối với ô nhiễm không khí, tiếng ồn:

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp trong vùng gây ô nhiễm bụi cao:  cần phải có các giải pháp kỹ thuật như: lắp đặt hệ thống thông gió tại các khu vực sản xuất, hạn chế ảnh hưởng độc hại của các chất ô nhiễm trong không khí tới sức khoẻ người lao động. Đầu tư các trang thiết bị xử lý ô nhiễm ngay khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động.

- Tại các khu tập trung dân cư (các khu chợ, …):  nên bố trí trồng cây xanh bên đường tại các nút giao thông có mật độ phương tiện qua lại cao, trồng cây xanh quanh khu vực các cụm công nghiệp gây ô nhiễm bụi, các cảng hàng không nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

*Xử lý ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông đô thị: Các tuyến đường có mật độ phương tiện cao, nên bố trí trồng cây xanh bên đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại các khu công nghiệp, tăng cường sử dụng các phương tiện ít gây ô nhiễm, rửa đường thường xuyên để giảm bụi, cải thiện chất lượng mặt đường….

d/. Xử lý ô nhiễm không khí do hoạt động công nghiệp:

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí cần phải quan tâm đến các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng khí thải ngay khâu phát sinh: áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải tại các khâu phát sinh ô nhiễm, đảm bảo chất thải đầu ra dưới ngưỡng cho phép rồi mới thải vào môi trường xung quanh

Hiện đại hoá thiết bị: Các dây chuyền công nghệ của các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ được trang bị các loại thiết bị mới, tốt, hiện đại, tránh gây ồn.

Thiết kế các bộ phận giảm âm: Trang bị các thiết bị chống ồn cho công nhân, nhất là những công đoạn có tiếng ồn cao, các trang bị bảo hộ cá nhân nh­ nút bịt tai, bao ốp tai…

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để hạn chế sự lan truyền tiếng ồn : buồng cách âm, tấm cách âm, thiết bị cách âm cho các thiết bị gây ồn nhiều.

Thay thế nguyên, nhiên liệu đầu vào: Các nguyên, nhiên liệu chứa nhiều chất độc hại được thay thế bằng nguyên liệu, nhiên liệu không độc hoặc ít chất độc hơn (thay thế than đá, dầu đốt bằng khí đốt).

Thay đổi công nghệ sản xuất: Công nghệ sản xuất phát sinh nhiều chất thải độc hại cần được nghiên cứu thay thế, lựa chọn các công nghệ phát sinh ít chất thải hơn. Ví dụ sử dụng các Phương pháp sản xuất không sinh bụi hoặc thay thế phương pháp gia công khô phát sinh nhiều bụi bằng phương pháp gia công ­ớt phát sinh ít bụi hơn.

Sử dụng chu trình sản xuất khép kín: Sử dụng tuần hoàn toàn bộ hoặc một phần chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.

Nhằm giảm nguồn thải xen kẽ trong các khu dân c­ư và định hướng phát triển hợp lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn khu kinh tế

Các ngành công nghiệp chế biến, phải thường xuyên kiểm soát môi trường định kỳ, nhằm cảnh báo và nhắc nhở các cơ sở chú ý duy tu, bảo d­ỡng hệ thống xử lý khí thải, bụi và nếu cần. Khuyến khích và bắt buộc các nhà máy và xí nghiệp cũ đầu t­ư công nghệ sản xuất mới, áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất sạch hơn. 

 Việc chuyển đổi đất đai giữa các mục đích nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn là tất yếu xảy ra. Song trên địa bàn cụ thể khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang các mục đích khác cần phải căn nhắc thận trọng. Việc quản lý các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo diện tích cây xanh đô thị.

- Quản lý chất thải rắn rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Việc hợp lý hóa vai trò và trách nhiệm của các tổ chức liên quan đến quản lý chất thải rắn là rất quan trọng.

- Việc thu gom chất thải rắn thông thường được thực hiện tốt nhất ở các cấp chính quyền ph­ờng, xã  nhưng việc xử lý chất thải rắn được tổ chức tốt nhất trên một cơ sở thống nhất toàn khu vực về tổng thể.

- Phân bố trách nhiệm trong các khía cạnh khác nhau của dịch vụ quản lý chất thải rắn có thể được chi tiết hóa trong hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn. - Hoạt động thu gom chất thải rắn thành công và bền vững đòi hỏi phải có sự hợp tác và liên hệ mật thiết giữa những người giám sát, quản lý có trách nhiệm và chính quyền địa phương. Hoạt động thu gom rác thải phải là trách nhiệm của cơ quan hành chính cấp ph­ường,xã .

Các biện pháp khống chế giảm tiếng ồn: Bố trí khoảng cách an toàn từ đường giao thông tới nhà dân và các khu vực lân cận, đồng thời bố trí mật độ cây xanh thích hợp nhằm giảm thiểu tiếng ồn trong đô thị.

- Chương trình giám sát chất lượng nước mặt được tiến hành với  việc lấy mẫu và xét nghiệm các chỉ tiêu chọn lọc: 03 điểm đầu vào hệ thống nước mặt (pH, BOD5, COD, SS, Coliform)

- Các số liệu trên sẽ được cập nhật hoá, đánh giá và ghi nhận kết quả thường xuyên. Nếu phát hiện thấy có sự dao dộng lớn hoặc gia tăng về mặt nồng độ các chỉ tiêu ô nhiễm phải có biện pháp xử lý thích hợp kịp thời.

- Tần suất giám sát: 4 lần/năm đối với điểm giám sát.

Tần suất giám sát: 4 lần/năm đối với điểm giám sát.

Các số liệu trên sẽ được cập nhật hoá, đánh giá và ghi nhận kết quả thường xuyên. Nếu phát hiện thấy có sự dao động lớn hoặc gia tăng về mặt nồng độ các chỉ tiêu ô nhiễm, phải có biện pháp xử lý thích hợp kịp thời.

Tần suất giám sát: 4 lần/năm đối với điểm giám sát.

Vị trí lấy mẫu: 01 điểm đầu ra khỏi hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (pH, BOD5, COD, SS, tổng N, tổng P, Coliform).

- Chương trình giám sát định kỳ chất lượng môi trường không khí sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo các hoạt động quy hoạch không làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường không khí trong và ngoài khu vực.

- Trong giai đoạn này, nguồn ô nhiễm chính cho môi trường không khí là tiếng ồn, độ rung, và bụi. Vì vậy các thông số này sẽ được giám sát định kỳ.

- Vị trí quan trắc: Giám sát chất lượng môi trường không khí được tiến hành với tất cả các nguồn thải trong khu vực, vị trí quan trắc cố định được lấy ở những điểm nhạy cảm của khu vực như trung tâm thị trấn, và đường cao tốc. Vị trí giám sát lấy mẫu thể hiện trên bản vẽ. Do hướng gió thay đổi trong năm do đó cần thay đổi vị trí lấy mẫu giám sát cho phù hợp.

- Tần suất giám sát: Thực hiện giám sát trong suốt quá trình quy hoạch.

- Vị trí quan trắc di động: đối với các thông số dễ thu thập như: tiếng ồn, độ rung thì phải tiến hành đo hàng tháng

- Thời gian giám sát: Tiến hành giám sát  định kỳ trong suốt giai đoạn xây dựng. Đối với chỉ tiêu có thể phát hiện nhanh như tiếng ồn thì có thể theo dõi hàng ngày. Các chỉ tiêu còn lại có thể đo đạc 4 lần/năm, 1 lần vào mùa khô và 1 lần vào mùa mưa.

- Các thông số giám sát: Các thông số giám sát chất lượng môi trường không khí trong khu vực dự án bao gồm: Điều kiện khí tượng thuỷ văn; Nồng độ các chất khí: CO, CO2, NOx, NH3, H2S, THC; Chất hạt: bụi; Kim loại nặng: Pb; Vi sinh vật : tổng vi sinh vật, nấm mốc; Tiếng ồn, độ rung...

- Chất thải rắn sinh hoạt: thu gom hàng ngày và được thải bỏ theo quy định của chất thải rắn sinh hoạt. Tần suất thu gom 1 lần/ngày;

- Các chất thải rắn sinh ra trong quá trình hoạt động của nhà máy xử lý nước thải: bùn cặn từ bể lắng xả ra được phơi khô hồ lắng, phơi bùn, các loại cặn vôi, phèn…được thu gom theo tần suất 3 lần/tuần hoặc có thể nén ép làm khô bùn cặn bằng máy rồi tái sử dụng để bón ruộng.

Kết luận: Trong quá trình thực hiện quy hoạch có ảnh hưởng cả về mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực đến điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và môi trường kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nếu quy hoạch xây dựng huyện Hải Hà thực hiện nghiêm túc đồng thời với việc thực hiện các chính sách/giải pháp quy hoạch bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và giảm thiểu tác động bất lợi thì các tác động xấu nêu trên sẽ giảm đáng kể về quy mô và phạm vi, đồng thời các tác động tích cực sẽ được phát huy. Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý về mặt môi trường cần theo sát việc xả thải vào nguồn tiếp nhận của các KCN, các cơ sở sản xuất; Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; và đánh giá tác động môi trường của từng dự án cụ thể.

Giai đoạn đến 2020: Xây dựng hệ thống quy hoạch, chương trình dự án, cơ chế chính sách; Phát triển hệ thống hạ tầng khung và các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Giai đoạn 2020 - 2030: Phát triển các dự án về hạ tầng, kinh tế, xã hội theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Hoàn chỉnh các chiến lược phát triển hướng tới sự gắn kết, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Những dự án ưu tiên, thời gian triển khai và nguồn vốn gồm 05 lĩnh vực với 42 chương trình dự án ưu tiên  đến năm 2020 như sau:

(Ghi chú: Xem thêm danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Trong những năm tới, dự kiến Hải Hà có mức tăng trưởng cao, trong trường hợp Tập đoàn Texhong đầu tư xây dựng hạ tầng và dây truyền dệt may vào Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà; Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trở thành một cửa khẩu đầu mối giao thương hàng hóa đa chức năng; trung tâm giao dịch thương mại, bán buôn, bán lẻ; trung tâm thu phát hàng xuất nhập khẩu; trung tâm thanh toán biên mậu...., đầu tư vào khu vực nông nghiệp: Phát triển khu chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm xuất khẩu quy mô công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản tập trung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh.

Xuất phát từ bối cảnh trên, đồng thời trên cơ sở danh mục các dự án ưu tiên, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của huyện Hải Hà đến năm 2020 như sau:

Bảng 58: Nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội (giá TT). Đvt: Tỷ đồng

  Cơ cấu đầu tư được chuyển đổi theo hướng đầu tư có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm tạo tiềm lực cho phát triển lâu dài và tạo các khâu đột phá cho các ngành kinh tế trong huyện. Định hướng đầu tư các ngành lĩnh vực sau:

Đầu tư vào ngành công nghiệp - xây dựng để tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm, lĩnh vực đầu tư này tăng nhanh vì có khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và các cụm công nghiệp Quảng Phong và xây dựng các tuyến đường nối QL18A- KCN cảng biển; tuyến đường nối cao tốc Hạ Long - Móng Cái tới Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà…, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020 nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp - xây dựng chiếm 70 - 85% tổng vốn đầu tư.

Đầu tư cho nông lâm thuỷ sản: Do vốn được đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ lớn nên tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành nông lâm thuỷ sản chỉ chiếm khoảng 07 - 12% tổng nguồn vốn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư trên cần phải có hệ thống các biện pháp huy động vốn một cách tích cực, tập trung vào các nguồn vốn chủ yếu sau:

- Gồm ngân sách Trung ương và ngân sách Tỉnh: Dự kiến đáp ứng khoảng 17-24% nhu cầu vốn đầu tư và có xu hướng giảm dần. Nguồn vốn này dành chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hạ tầng các vùng sản xuất tập trung…

- Để nâng cao nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế huyện, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển.

- Đề nghị Trung ương và Tỉnh đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, điện, giáo dục, văn hóa, y tế…

Nguồn vốn nước ngoài (FDI): Dự kiến chiếm 53-61% cơ cấu vốn đầu tư: Để tăng nguồn vốn này: Cần xác định rõ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng để tăng cường tiếp cận; Thực hiện cải cách hành chính, tạo thông thoáng trong lĩnh vực đầu tư; tạo thuận lợi trong đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất, thuê mặt bằng, miễn giảm thuế và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... Trong đó: Tập đoàn Texhong – Trung Quốc đầu tư xây dựng vào Khu công nghiệp -cảng biển Hải Hà; Quy mô: 3.292 ha: Trong đó giai đoạn đầu tư hạ tầng khoảng 1 tỷ USD. Tiến độ thực hiện: từ năm 2014-2023, bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2017) - triển khai hạ tầng và đầu tư dây truyền dệt may với diện tích 660ha. Giai đoạn 2 (2018-2020). Giai đoạn 3 (2020-2023).

Nguồn vốn từ các doanh nghiệp và vốn tín dụng: Dự kiến chiếm 15-16% cơ cấu vốn đầu tư, trong đó: Nguồn vốn từ các doanh nghiệp như: Tập đoàn indevco; cơ khí quang trung; Tập đoàn Hoàn Dương đầu tư vào khu chăn nuôi lợn, gia súc); Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Quảng Ninh; Công ty sữa Vinamilk…Nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn huyện.

Nguồn vốn trong dân và nguồn vốn khác (khai thác quỹ đất…):  Đối với các dự án xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng như kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông nông thôn... phải cân đối và lồng ghép các nguồn vốn được ngân sách nhà nước đầu tư với nguồn vốn huy động bằng tiền nhân công trong dân và góp đất, cần tính đến hiệu quả đầu tư và khả năng hoàn trả. Dự kiến chiếm khoảng 10-20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

Thực hiện triển khai mô hình: “Lãnh đạo công- quản trị tư”, “ Đầu tư tư- quản lý tư”, “ Đầu tư tư- sử dụng công”, của Tỉnh Quảng Ninh; Huyện Hải Hà dự kiến một số dự án thực hiện mô hình đầu tư và quản lý theo hình thức đối tác công – tư cụ thể như sau:

- Kho bãi hàng hoá cửa khẩu: Đầu tư tư  - Sử dụng công.

- Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện: Đầu tư công- quản lý tư.

- Xây dựng nhà ở cho công nhân: Lãnh đạo công- quản trị tư.

Kế hoạch xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp trong và ngoài nước: Huyện thành lập “đơn vị đầu mối” phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh trong việc triển khai công tác xúc tiến và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư tại huyện Hải Hà.

- Xác định rõ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng để tăng cường tiếp cận và xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước: Từ yêu cầu về diện tích đất đến nhu cầu về nhân tài, các yêu cầu về cơ chế, chính sách...

- Đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp - du lịch

- Liên kết Website của huyện với Website của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của Tỉnh Quảng Ninh.

- Liên kết với Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, các Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, Nhật Bản,… Phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: tổ chức JICA, văn phòng JETTRO tại Việt Nam, văn phòng KOTRA tại Hà Nội; văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội … để vận động thu hút đầu tư.

- Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài truyền hình) ở Tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh của huyện; chủ động giới thiệu tiềm năng, cơ hội, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của huyện tới các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước bằng các hình thức: gửi thư mời, thư điện tử, thông tin trên Website.

- Gửi các tài liệu, ấn phẩm của huyện tới các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư; tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước về các mặt hàng có lợi thế của huyện.

- Xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư đang hoạt động thành công tại Tỉnh để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện.

- Phối hợp với Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của Tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư cho các cán bộ trực tiếp làm công tác xúc tiến đầu tư, các cán bộ quản lý Nhà nước có liên quan.

- Tổ chức cho các cán bộ chủ chốt làm công tác xúc tiến đầu tư đi thăm quan học tập kinh nghiệm tốt của các địa phương khác về xúc tiến đầu tư

- Tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

- Hỗ trợ nhà đầu tư: Thực hiện tốt việc đón tiếp và giới thiệu địa điểm thực hiện dự án cho các nhà đầu tư và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho nhà đầu tư, tăng cường công trợ giúp nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; Duy trì các cuộc đối thoại giữa nhà đầu tư và các lãnh đạo huyện để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật thực tế, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, tạo nên hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới các nhà đầu tư mới.

Các yêu cầu về quản lý quy hoạch xây dựng trong khu vực nghiên cứu phải tuân thủ các quy định sau:

- Tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành của nhà nước và thành phố có liên quan

- Tuân thủ quy hoạch và các quy định quản lý theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt

- Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

- Trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng có thể áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài và được cấp có thẩm quyền cho phép.

- Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt các yêu cầu về quy hoạch kiến trúc bao gồm:

- Tuân thủ các định hướng về không gian, sử dụng đất và các chỉ tiếu kinh tế kỹ thuật đã được xác lập trong quy hoạch

Các yêu cầu quản lý quy hoạc xây dựng về quy hoạch kiến trúc trong khu vực nghiên cứu như sau:

- Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó tận dụng tối đa hệ thống mặt nước hiện có phù hợp định hướng quy hoạch.

- Kiểm soát không gian, mật độ xây dựng, tầng cao tối đa trong khu vực.

- Tuân thủ các định hướng về hạ tầng kỹ thật và các chỉ tiêu đã được xác lập trong quy hoạch

Các yêu cầu về quản lý quy hoạch xây dựng về hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nghiên cứu như sau:

Các yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng về vệ sinh môi trường trong khu vực nghiên cứu như sau:

- Áp dụng biện pháp thi công tiên tiến, cơ giới hóa các thao tác và quá trình thi công để đảm bảo an toàn lao động và hạn chế tối đa gây ôi nhiễm môi trường

- Tránh sử dụng các máy móc thi công đã cũ, phát sinh nhiều khí thải và tiếng ồn lớn

- Có Biện pháp san nền đảm bảo nguyên tắc san lấp từng khu vực, tránh gây úng ngập

- Lập hành rào cách ly các khu vực nguy hiểm. Che chắn các khu vực phát sinh bụi và dùng xe tưới nước để rửa đường.

- Xây dựng các nhà vệ sinh tạm thời phục vụ công nhân viên công trường xây dựng, có những biện pháp chống gây ô nhiễm với môi trường xung quanh.

- Việc vận chuyển chất thải phải sử dụng các hộp gen, thùng chứa có nắp đậy kín và phải được vận chuyển đi ngay trong ngày, tránh ùn tắc tồn đọng trên công trường, làm rơi vãi vào mương gây tắc nghẽn dòng chảy.

- Các chất thải sinh hoạt: do cán bộ và công nhân xây dựng thải ra, các chất thải rắn trong quá trình thi công xây dựng cần được tập trung tại bãi chứa quy định, sau đó sẽ được thu gom chở đi xử lý theo quy định về hạ tầng kỹ thuật và các chỉ tiêu đã được xác lập trong quy hoạch chung.

- Các yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng trong quá trình khai thác sử dụng. Khi dự án đi vào hoạt động, các tác động đến môi trường chủ yếu là các tác động tích cực.

- Tuy nhiên cần có các biện pháp để hạn chế các tác động tiêu cực có thể phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường:

- Rác thải được thu gom phân loại tại nguồn, tập kết các thùng rác quy định, thu gom và mang đi hàng ngày bằng hệ thống thu gom rác thải của khu vực.

- Cần có giải pháp kiến trúc bên ngoài và bên trong công trình đối với những nhà gần đường giao thông chính để giảm tiếng ồn và khói bụi do phương tiện giao thông gây ra.

- Nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông bấm còi bừa bãi trong khu vực, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

- Bố trí các xe chuyên dụng để tưới rửa đường trên những trục đường chính trong khu vực. Nghiễm cấm các xe chở vật liệu, phế thải không che đậy kỹ khi đi vào khu vực này. Đảm bảo một môi trường trong lành.

- Có giải pháp kỹ thuật kết hợp mỹ quan để làm giảm mức độ ô nhiễm của trạm bơm nước thải.

- Rác thải và nước thải bệnh viện, khu công nghiệp phải được thu gom, xử lý riêng theo quy định hiện hành.

- Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất sẽ có chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm mới, ổn định đời sống.

Quy hoạch xây dựng huyện Hải Hà được nghiên cứu trong mối liên kết phát triển kinh tế xã hội Tỉnh Quảng Ninh, KKTCK Móng Cái và các đô thị, vùng phát triển, liền kề như KKT Vân Đồn, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu...

Các định hướng quy hoạch xây dựng đã cụ thể hóa định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, huyện Hải Hà, cập nhật, rà soát, khớp nối các đồ án có liên quan như Quy hoạch chung KKTCK Móng Cái, Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà,... rà soát các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn. Đồng thời, quy hoạch được lập trên cơ sở phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện, đưa ra các kế hoạch phát triển theo các giai đoạn ngắn hạn, dài hạn, đồng bộ giữa phát triển không gian và hệ thống kết cấu hạ tầng. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở khoa học mang tình pháp lý để các cơ quan có liên quan thực hiện và quản lý trong suốt quá trình phát triển.

Đề nghị giao UBND huyện Hải Hà tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trên địa giới hành chính huyện sau khi đồ án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho công tác quản lý phát triển đô thị và nông thôn. UBND huyện Hải Hà cần thực hiện đánh giá giá trị các công trình di tích văn hóa lịch sử, các cảnh quan tự nhiên trên toàn huyện để có phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị, khoanh vùng bảo vệ các cảnh quan tự nhiên, vùng nông nghiệp năng suất cao, vùng an ninh quốc phòng và vùng có nguy cơ tai biến môi trường để có biện pháp ứng xử thích hợp, bảo vệ hành lang phát triển cho các công trình hạ tầng quan trọng của vùng.

Đồng thời, UBND huyện Hải Hà cần tiếp tục quan tâm, tổ chức lập và triển khai theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan cụ thể từng khu vực trên địa bàn làm cơ sở hướng dẫn và thực hiện quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương. Trong giai đoạn phát triển dài hạn, cần điều chỉnh các quy hoạch nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững và phù hợp với định hướng phát triển chung toàn huyện. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các nội dung có liên quan trong công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở kinh tế, xã hội trên địa bàn nhằm đem lại những thành tựu mới trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN THEO QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ NGOÀI 2050
(Kèm theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh)

Ghi chú: Bổ sung 01 dự án (Khu du lịch nghỉ dưỡng tại Minh Châu, Quan Lạn); điều chỉnh 01 dự án (khu dịch vụ du lịch suối khoáng Quang Hanh) từ nhóm dự án sản xuất công nghiệp sang nhóm dự án dịch vụ, du lịch, thương mại Danh mục kèm theo Nghị quyết số 141/NQ-HĐND ngày 29/5/2014 của HĐND tỉnh.