Kế hoạch dự giờ giáo viên tiểu học

Về việc tổ chức dự giờ, thao giảng năm học 2019- 2020

Căn cứ Văn bản số 1711/SGDĐT- GDTrH ngày 19/8/2019 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019-2020;

Căn cứ Văn bản số 1754/SGDĐT- KTKĐCLGD ngày 23/8/2019 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2019-2020;

Căn cứ Quy chế chuyên môn năm học 2019- 2020 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn;

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lập kế hoạch dự giờ, thao giảng học năm học 2019-2020 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy; tổ chức lớp học; khai thác có hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học;

- Góp phần thực hiện các phong trào thi đua của trường; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên tự học và sáng tạo;

- Giúp nhà trường phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển cho sự nghiệp giáo dục của trường và của tỉnh.

- Ban giám hiệu nhà trường đánh giá được thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục;

- Là căn cứ để nhà trường cử giáo viên tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đồng thời xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên và thi đua của năm học.

2. Yêu cầu

Tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá tiết dạy khách quan, công bằng, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy.

II. Đối tượng, thời gian, nội dung, hình thức

1. Dự giờ

- Thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020

- Đối tượng:

+ Giáo viên mới về trường, giáo viên mới dạy chuyên phải dạy ít nhất 1 lần/tuần trong 2 tháng kể từ khi có quyết định về trường. Giáo viên đến dự giờ là giáo viên được phân công hướng dẫn, giúp đỡ.

+ Giáo viên các môn khoa học tự nhiên dạy bằng tiếng Anh ít nhất 1 tiết/năm. Giáo viên đến dự giờ là giáo viên trong tổ chuyên môn, ban giám hiệu phụ trách tổ.

+ Giáo viên được nhà trường cử tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2019- 2020. Dự giờ góp ý từ thàng 12/2019 đến tháng 2/2020.

2. Thao giảng

- Thời gian từ tháng 9/2019 đến 18/11/2019

- Đối tượng: 100% giáo viên các tổ chuyên môn. Mỗi tiết thao giảng có ít nhất 2 giáo viên cùng chuyên môn và 02 giáo viên khác chuyên môn dự giờ. Kết quả thao giảng để xếp loại chuyên môn năm học 2019- 2020. Là căn cứ để nhà trường xét tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

III. Tổ chức thực hiện

1. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn

- Tổ chức, xây dựng kế hoạch, triển khai đến các tổ/nhóm chuyên môn thực hiện;

- Tổng hợp, đánh giá kết quả dự giờ, thao giảng;

- Kiểm tra, đôn đốc, giám sát các tổ chuyên môn và giáo viên triển khai thực hiện kế hoạch.

2. Tổ trưởng

- Xây dựng kế hoạch dự giờ, thao giảng của tổ theo đúng kế hoạch của trường. Kế hoạch dự giờ hàng tuần được lập thành 2 bản (01 bản dán phòng chuyên môn, 01 bản nộp đồng chí phụ trách để xếp thời khóa biểu);

- Phân công giáo viên cốt cán của tổ giúp đỡ giáo viên mới về trường, giáo viên mới dạy chuyên; phân công giáo viên dự các tiết dạy của giáo viên giỏi cấp tỉnh, tiết thao giảng của tổ và các tổ chuyên môn khác;

- Tổ chức rút kinh nghiệm giờ dạy, chậm nhất sau 2 ngày giáo viên thực hiện xong tiết dạy;

- Tổng hợp kết quả dự giờ, thao giảng của tổ theo từng nộp đồng chí phụ trách chuyên môn.

3. Giáo viên

- Giáo viên được phân công giúp đỡ giáo viên mới chủ động lên kế hoạch đi dự giờ. Rút kinh nghiệm ngay sau khi dự giờ, khuyến khích, động viên, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy cho giáo viên.

- Giáo viên thực hiện tiết thao giảng (từ 2-3 tiết).

- Giáo viên được phân công dự giờ phải hiểu và vận dụng đúng hướng dẫn đánh giá giờ dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; không biểu lộ thái độ hoặc mất trật tự khi dự giờ; đánh giá khách quan, công bằng.

Nhận được Kế hoạch này, Trường yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên thực hiện nghiêm túc và hiệu quả./.

HIỆU TRƯỞNG

(đã ký)

Phạm Hồng Phong

Quy định về số tiết dự giờ của giáo viên như thế nào?

Quy định số tiết dự giờ của giáo viên như thế nào? Quy định cụ thể việc dự giờ và dự bao nhiêu là đủ? VnDoc.com xin giới thiệu tới các bạn về việc dự giờ của giáo viên qua bài viết dưới đây, mời các bạn tham khảo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa mới triển khai đã vấp phải sự phản ứng của dư luận vì kiến thức nặng, tốc độ dạy quá nhanh nên học sinh khó theo kịp nếu không đi học thêm hằng ngày. Nhằm giải quyết những khó khăn của chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra yêu cầu các Sở Giáo dục thực hiện là nhà trường phải tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình;

Trong bài viết này VnDoc sẽ giúp các thầy cô hiểu rõ và nắm được quy định số tiết dự giờ của giáo viên mới nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

Kế hoạch dự giờ giáo viên tiểu học

1. Không quy định số tiết dự giờ bắt buộc

Tại Luật Giáo dục 2019 và các văn bản hiện hành có liên quan đều không có quy định cụ thể về hoạt động dự giờ.

Trước đây, hoạt động dự giờ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT (đã hết hiệu lực) như sau:

“2. Mỗi năm học, nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

a) Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/giáo viên; mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”

Tuy nhiên, Thông tư 12 đã được thay thế bằng Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT và đến năm 2018 tiếp tục được thay thế bằng Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT. Trong đó, cả hai Thông tư này đều không còn quy định về hoạt động dự giờ của giáo viên nữa.

Như vậy, quy định trên không còn quy định các hoạt động dự giờ cụ thể của giáo viên.

2. Giáo viên cấp 2, cấp 3 không còn phải dự giờ?

Hiện nay, chỉ có giáo viên cấp 1 còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT. Trong đó, hồ sơ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm:

- Kế hoạch bài dạy;

- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh;

- Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm);

- Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Đối với giáo viên trường cấp 2, cấp 3:

Tại Điều lệ trường trung học cơ sở (THSC), trường trung học phổ thông (THPT) và trường THPT có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đã không còn quy định về “sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp” như các văn bản trước.Cụ thể, tại khoản 3 Điều 21, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm:

- Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

- Kế hoạch bài dạy (giáo án).

- Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

- Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Ngoài ra, như đã phân tích, các văn bản khác cũng không có quy định về hoạt động dự giờ, thăm lớp.

Như vậy, giáo viên cấp 1 vẫn còn sử dụng sổ dự giờ và thực hiện hoạt động dự giờ. Trong khi đó, không còn quy định về sử dụng sổ dự giờ đối với giáo viên cấp 2, cấp 3.

3. Giáo viên chủ nhiệm được quyền dự giờ lớp do mình chủ nhiệm

Mặc dù hiện nay không có quy định cụ thể về hoạt động dự giờ, tuy nhiên riêng với giáo viên chủ nhiệm, tại điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường tiểu học và điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường THPT có nhiều cấp học đều quy định:

“Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.”

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm của cả 3 cấp học đều có quyền được tham gia dự giờ với mà mình làm chủ nhiệm.

4. Quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên

I. Giáo viên mầm non

- Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày:

+ Dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày/01 giáo viên;

+ Thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để đảm bảo làm việc đủ 40 giờ/tuần/01 giáo viên.

- Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày:

+ Dạy trên lớp đủ 4 giờ/ngày/01 giáo viên;

+ Thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để đảm bảo làm việc đủ 40 giờ/tuần/01 giáo viên.

- Đối với lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập thì cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.

- Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì ngoài công tác quản lý, cần:

+ Hiệu trưởng trực tiếp dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ 02 giờ/tuần.

+ Phó hiệu trưởng trực tiếp dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ 04 giờ/tuần.

Lưu ý:

- Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách: giảm 06 giờ dạy/tuần (quy ra 210 giờ dạy/năm học);

- Giáo viên làm ủy viên BCH công đoàn; tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách: giảm 03 giờ dạy/tuần (quy ra 105 giờ dạy/năm học).

- Kiêm nhiệm trưởng ban thanh tra nhân dân: giảm 02 giờ dạy/tuần;

- Kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn: giảm 03 giờ dạy/tuần;

(Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 chức danh và được hưởng chế độ giảm giờ dạy ở chức danh cao nhất).

- Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống: giảm 05 giờ dạy/tuần.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 4, 5 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011.

- Khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28/3/2016.

II. Giáo viên trường phổ thông

1. Giáo viên tiểu học

- Định mức: 23 tiết/tuần;

- Giáo viên trường dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 21 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội:

+ Trường hạng I: 2 tiết/tuần.

+ Trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy của giáo viên không kiêm nhiệm.

+ Trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.

- Hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

- Phó hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

2. Giáo viên THCS

- Định mức: 19 tiết/tuần

- Giáo viên trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 17 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội:

+ Trường hạng I: 2 tiết/tuần;

+ Trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm;

+ Trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.

- Hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

- Phó hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

3. Giáo viên THPT

- Định mức: 17 tiết/tuần.

- Với trường dân tộc nội trú: 15 tiết/tuần.

- Hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

- Phó hiệu trưởng:

Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

LƯU Ý, Giáo viên tiểu học, THCS, THPT sẽ được giảm định mức tiết học như sau:

- Giáo viên chủ nhiệm:

+ Giảm 3 tiết/tuần/GV tiểu học;

+ Giảm 4 tiết/tuần/GV THCS, THPT.

+ Giảm 4 tiết/tuần/GV trường phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường bán trú.

- Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn: giảm 3 tiết/môn/tuần;

- Giáo viên kiêm nhiệm công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu chưa có cán bộ chuyên trách): giảm từ 2 - 3 tiết/tuần do hiệu trưởng quyết định.

- Tổ trưởng bộ môn: giảm 3 tiết/tuần;

- Tổ phó chuyên môn: giảm 1 tiết/tuần;

- Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách:

+ Giảm 04 giờ dạy/tuần/GV tiểu học;

+ Giảm 03 giờ dạy/tuần/GV THCS, THPT, chuyên biệt cấp THPT.

- Giáo viên làm ủy viên BCH công đoàn, tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách:

+ Giảm 02 giờ dạy/tuần/GV tiểu học;

+ Giảm 01 giờ dạy/tuần/GV THCS, THPT, chuyên biệt cấp THPT.

- Giáo viên kiêm chủ tịch, thư ký hội đồng trường: giảm 2 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân: giảm 2tiết/tuần.

- Giáo viên được tuyển dụng bằng HĐLV lần đầu: giảm 2 tiết/tuần.

- Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống:

+ Giảm 3 tiết/tuần/GV THCS, THPT;

+ Giảm 4 tiết/tuần/GV tiểu học.

Tóm lại, hiện nay không có quy định về số tiết dự giờ của giáo viên cũng như yêu cầu cụ thể về việc tổ chức hoặc tham gia dự giờ. Đồng thời, chỉ có giáo viên cấp 1 còn sử dụng sổ dự giờ. Giáo viên cấp 2, cấp 3 không còn sử dụng sổ này.

Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Quy định số tiết dự giờ của giáo viên. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Mời quý thầy cô tham khảo thêm: Tài liệu dành cho giáo viên: