Làm sao biết Thiên Chúa có Ba Ngôi

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)

2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)

3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)

4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)

Bài 07: THIÊN CHÚA BA NGÔI: CHA, CON VÀ THÁNH THẦN

GLHTCG: 232-267; BTY: 44-49

"Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen" (2  Cr 13,13).

1. Mở Đầu

Ä Phút thánh hóa : làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Hát kinh: ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG :

ĐK: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, là đấy có ân sủng Người, đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi, đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan niềm vui

          Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ oán hờn ghét ghen, gìn giữ đức ái yêu Chúa mến thương anh em. ( trở lại ĐK)

Ä Giới thiệu chủ đề - Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần: Một Thiên Chúa có Ba Ngôi -

- Ôn bài cũ: Tuần trước, các em đã tìm hiểu bài giáo lý số 6: THIÊN CHÚA DUY NHẤT. Các em biết được trong trời đất vũ trụ chỉ có một mình Chúa là Đấng cao cả, tốt lành, thánh thiện, quyền phép... không có bất kỳ “Thần nào khác” có thể so sánh được với Chúa. Thiên Chúa của Tổ Phụ chúng ta mạc khải cho chúng ta biết Ngài đã yêu thương và muốn cứu độ con người. Ngài mời gọi ta CHỌN LỰA yêu mến tôn thờ một mình Ngài để ta được nên công chính thánh thiện và sống trong thân tình với Ngài.

Các em thân mến, bài hát các em vừa hát cho em cảm nhận điều gì? Có phải có một Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu và là nguyên lý hòa hợp để liên kết chúng ta lại trong tình yêu không? Các em có mong muốn gia đình em không hận thù không ghen ghét nhưng luôn mến yêu nhau không? Muốn được như vậy hôm nay chúng ta đi vào một mầu nhiệm của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.

Câu chuyện : Trên chuyến xe lửa Lyon-Paris, một thanh niên sang trọng ngồi bên một ông già ăn mặc thô sơ, có vẻ quê mùa. Thấy cụ già cầm xâu chuỗi, miệng lẩm bẩm đọc kinh, chàng thanh niên gợi chuyện:

- Tôi thấy ông vẫn còn tin tưởng ở tập quán thời trung cổ. Chắc ông cũng tin Một Chúa Ba Ngôi, tin Đức Mẹ Đồng Trinh và những chuyện ghi trong Sách Thánh, được nhai đi nhai lại trong các nhà thờ chứ gì?

Ông già trả lời: Đúng vậy đó cậu ạ. Còn cậu thì sao? Chàng thanh niên cười rộ:

- Tôi mà lại tin theo những chuyện vớ vẩn ấy à? Tôi đã tìm được sự thật đầy đủ ơ trường Đại học. Ông cũng nên từ bỏ xâu chuỗi, để có giờ mà đọc các sách khoa học tân tiến.

- Tôi cũng muốn thế, nhưng sợ không hiểu nổi khoa học.

- Được rồi, tôi sẽ gửi biếu ông một số sách. Ông có biết đọc không?

- Cám ơn cậu, tôi có biết đọc.

- Thế thì tốt rồi, nhưng xin ông cho địa chỉ để tôi gửi sách. Ông già rút trong túi ra một tấm danh thiếp, và cậu thanh niên tròn đôi mắt đọc thấy trên đó ghi: Louis Pasteur – Giám đốc, viện nghiên cứu khoa học Paris. Đó là người đã viết nhiều sách khoa học mà người thanh niên say mê nghiền gẫm.

Tại sao một nhà khoa học lại lần chuỗi? Có một huyền nhiệm nào trong đó không vậy? Con người vươn lên trong cuộc sống và đã dùng khoa học nhưng vẫn cần Thiên Chúa phải không?

Câu chuyện ấy cho thấy Nhà khoa học vẫn mong tìm kiếm sự sống cao vời hơn, đẹp đẽ hơn trong tương quan với Thiên Chúa vì thế ông đã cầu nguyện bằng chuỗi Kinh Mân Côi, mà trong đó phần nào ông cảm nghiệm đời sống của Thiên Chúa gắn liền với cuộc sống con người.

Có những mầu nhiệm trong đạo của chúng ta, mới xem thì dường như nghịch lý trái ngược nhau và trí óc con người không hiểu được, khoa học cũng không giải thích được, ví dụ như: linh hồn con người, Đức Maria Đồng Trinh… rất khó hiểu và khó đón nhận. Các em hãy chia sẽ kinh nghiệm...

- Tóm lại nội dung chính: Thiên Chúa là duy nhất, là một, nhưng Chúa có Ba Ngôi: Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần. Con người được mời gọi làm sáng tỏ mối tương quan của mầu nhiệm Thiên Chúa, có Một Thiên Chúa lại có Ba Ngôi.

          - Đưa ra những vấn đề cần giải quyết:

Điều chúng ta tuyên xưng và tin là có Một Chúa Ba Ngôi. Đức tin này có cơ sở không? Có thể giải thích bằng trí khôn con người được không? Khi đã tin vững chắc có Một Chúa mà Chúa có Ba Ngôi. Vậy dựa vào đâu để ta gọi Ngôi Thứ Nhất là Cha? Thánh Thần nghĩa là gì? Và tại sao Ngôi Hai phải xuống trần gian làm con người? Cuối cùng việc nhận biết và tin vào Một Chúa Ba Ngôi mang lại ích lợi gì cho đời sống con người cách chung và cách riêng là người Kitô hữu?

2. Trình bày nội dung giáo lý

          Trước khi tìm hiểu nội dung bài giáo lý hôm nay, mời các em đứng dậy lắng nghe Lời Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 3,13-17). Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!"  Nhưng Đức Giêsu trả lời:"Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."

          Các em vừa nghe khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong thì có tiếng Chúa Cha phán: Đây là Con ta yêu dấu, rồi có Chúa Thánh Thần xuất hiện qua hình ảnh chim bồ câu, và Chúa Con chính là Chúa Giêsu. Đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu mầu nhiệm này – mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: trung tâm đức tin và đời sống người Kitô hữu.

Ä Làm hiểu rõ nội dung đề bài

² Đặt vấn đề để các em đóng góp ý làm sáng tỏ: “Cơ sở của đức tin vào Ba Ngôi?”

+ Các em thử nhìn vào chiếc đồng hồ này xem, tại sao nhà thiết kế có thể phân chia được những con số từ 1-12 rải đều trên vòng tròn này? Và khi kim giây quay một vòng thì kim phút đi một nấc, khi kim phút quay một vòng thì kim giờ đi một số. Tại sao tất cả 3 loại kim có thể chỉ đúng vào từng con số vào những giờ khắc đã định?

?   Đúc kết phần thảo luận của các em : Để có thể làm được điều này, nhà thiết kế phải chọn một điểm ở giữa vòng tròn (đó gọi là tâm điểm) bắt đầu từ tâm điểm này mà họ phân chia những con số rải đều trên mặt đồng hồ, đồng thời đặt vào tâm điểm này các kim của chiếc đồng hồ để nó hoạt động. Các kim giây, kim phút và kim chỉ giờ phải có những bánh xe răng hoạt động ăn khớp với nhau thật chính xác.

Nếu chọn tâm điểm không trùng nhau sẽ phân chia sai, và các bánh răng của các kim không hoạt động ăn khớp với nhau, thì những chiếc kim không thể chỉ đúng các con số. Nghĩa là chúng ta không thể xác định được chính xác giờ giấc.

Những điều chúng ta tin trong đạo cũng giống như chiếc đồng hồ vậy. Tin Đức Mẹ đồng trinh, tin thiên đàng hỏa ngục, tin có linh hồn, tin có ngày tận thế, tin Hội thánh Công giáo, tin phép tha tội, tin các thánh thông công... nó giống như những con số được viết lên trên một vòng tròn.  Để viết được những con số đức tin này, đòi phải có một tâm điểm, một trung tâm của đức tin. Tâm điểm hay trung tâm đức tin đó chính là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vì chính đời sống nội tại trong tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa là trung tâm phát sinh các mầu nhiệm khác trong đạo. Vì Thế:

          - Có Một Thiên Chúa mà Người có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là trung tâm của đức tin và đời sống Giáo hội. Nghĩa là, khi tin nhận mầu nhiệm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào những mầu nhiệm khác, tất cả những điều chúng ta tin, những điều chúng ta cử hành (các bí tích), những điều chúng ta sống (đời sống luân lý), hay những điều chúng ta chúc tụng, cảm tạ, tri ân, xin ơn (đời sống cầu nguyện) đều phải quy về (trở về gốc, trung tâm, tâm điểm) là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

          Cho dù các em có tin nhận những mầu nhiệm khác một cách mạnh mẽ, mà lại chối bỏ đức tin Một Chúa Ba Ngôi thì coi như chúng ta chối đạo. Vì nếu không tin nhận Một Chúa Ba Ngôi, các em sẽ không thể đón nhận Chúa Con nhập thể và Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong tâm hồn, trong Hội thánh và trong thế giới này. Khi tin Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta hiểu được hoạt động của Thiên Chúa.

²   Đặt vấn đề để các em đóng góp ý làm sáng tỏ: “Tin vào Ba Ngôi? Giải thích thế nào?”

1. Các em thử làm bài toán đơn giản này xem (với điều kiện suy luận theo trí khôn con người, đừng suy luận theo đức tin): 1 + 1 + 1 sẽ cho đáp số là bao nhiêu? 1 Chúa + 1 Chúa + 1 Chúa sẽ cho đáp số là mấy Chúa?

2. Các em có thương ba mẹ mình không? Chắc chắn là có. Vậy các em có thấy màu sắc của tình thương đó không? Có sờ được, có nếm được, có đếm được, có cân, có đo được tình thương không?

?   Đúc kết phần thảo luận của các em : Theo trí khôn con người bài toán 1+ 1 + 1 có đáp số là 3, và 1 Chúa + 1 Chúa + 1 Chúa cũng có đáp số là 3 Chúa. Đó là lời giải đáp của trí óc con người. Nhưng lời giải đáp của đức tin thì khác hoàn toàn: 1 + 1 + 1 và 1 Chúa + 1 Chúa + 1 Chúa cũng chỉ bằng 1 mà thôi. Chính vì thế mà trí khôn con người không thể thấu hiểu tỏ tường được mầu nhiệm cao trọng Một Chúa Ba Ngôi. Trí khôn con người không thấu hiểu được, vậy liệu rằng có phải con người tin mù quáng, không có cơ sở không? Thưa rằng không phải, bởi vì các em vừa thảo luận: các em thương ba mẹ, nhưng đâu có sờ, đâu có cân đo đong đếm, nếm ngửi hay nhìn thấy màu sắc của tình thương đâu. Vậy mà tình thương vẫn có và các em xác nhận và tin như vậy.

          - Cho nên niềm tin Một Chúa Ba Ngôi không thể thấu đáo bằng lý trí, bằng trí khôn, không thể sờ mó, cân đo đong đếm hay nếm ngửi hoặc nhìn thấy hay định dạng bằng mắt trần xác thịt. Nhưng phải cậy dựa vào đức tin, và lời mạc khải của Chúa Giêsu về mầu nhiệm này, về Chúa Cha, về bản thân Chúa Giêsu (Chúa Con) và về Chúa Thánh Thần.

-  Vì thế cơ sở để đón nhận mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là nhờ đức tin – đức tin tông truyền (được các tông đồ truyền lại) và đức tin Hội thánh (đức tin của cộng đoàn của nhiều chứng nhân) và lời mạc khải giảng dạy của Chúa Giêsu(đạo mạc khải, đạo từ trời)

          - Lý trí con người không hiểu thấu được mầu nhiệm Ba Ngôi, tuy nhiên lý trí con người có thể dùng hình ảnh để minh họa cho mầu nhiệm Ba Ngôi này. Các em hãy nhìn vào hình tam giác: hình tam giác có ba cạnh, mỗi cạnh riêng biệt nhau, nếu tách biệt từng cạnh ra thì không còn là hình tam giác nữa, nhưng nếu ráp ba cạnh lại thì lại được một hình tam giác, chỉ một tam giác mà thôi.

Đó là hình ảnh Ba Ngôi, ba ngôi riêng biệt nhưng lại ở trong nhau, vì chỉ có một Chúa mà thôi. Không thể tách rời riêng biệt độc lập từng ngôi, vì như vậy sẽ phá vỡ tính duy nhất (Một Chúa) – phá vỡ tam giác, nhưng Ba Ngôi lại không trộn lẫn vào nhau, mỗi ngôi (mỗi cạnh ở một vị trí, vai trò độc lập, nhưng lại thống nhất và liên kết, liên lạc với nhau tạo thành một thể thống nhất.)

Thiên Chúa có ba ngôi vị khác nhau là Cha, Con và Thánh Thần, nhưng ba ngôi không tách biệt nhau, mà lại hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu.

² Đặt vấn đề để các em đóng góp ý làm sáng tỏ: “Dựa vào đâu ta gọi Ngôi thứ nhất là Cha? Vai trò của Ngôi Con và Thánh Thần?”

1.      Tại sao các em lại gọi cha của các em là cha?

2.      Nếu các em phạm một lỗi gì đó với ba mẹ của mình, với bất kỳ một ai đó, các em có tự tha cho mình thiếu sót đó được không? Và nếu các em bán đi một món đồ quí giá, làm sao để các em có lại được món đồ đó?

3.      Mỗi lần các em làm một việc gì đó sai trái: nói dối, trộm cắp, gian lận... các em nhận thấy lo lắng bất an và muốn ăn năn hối lỗi, thấy ray rức và muốn sữa chữa. Lý do nào khiến tâm hồn các em diễn ra trạng thái tâm lý như thế?

?   Đúc kết phần thảo luận của các em : Để có thể gọi một người nào đó là cha hoặc là mẹ của mình, người đó phải là người sinh ra mình. Còn nếu các em gọi một ai đó là cha là mẹ vì lòng quý mến, vì ân nghĩa... thì người đó chỉ là cha mẹ nuôi thôi, không phải cha mẹ ruột.

- Chúng ta gọi Chúa là Cha là bởi vì chính Chúa đã tạo dựng vũ trụ và con người (các em sẽ được học kỹ hơn trong bài Thiên Chúa sáng tạo).Hơn nữa, từ đời đời, Ngài là Cha đã sinh ra Chúa Con cũng là Ngôi Lời của Chúa Cha. Vì thế chúng ta gọi Chúa là Cha là phải đạo, phải phép.

           - Nếu lỡ chẳng may các em xúc phạm đến cha mẹ hay bất kỳ một người nào, khi đã xúc phạm rồi các em không thể tự tha thứ cho mình được, chỉ có người mình đã xúc phạm tha thứ cho mình thì mới được. Và khi một món đồ đã bán đi, để có lại được món đồ đó các em phải mua lại, phải chuộc lại. Tổ tông của chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa (các em sẽ được học ở bài Con Người Sa Ngã), vì thế chỉ có Chúa mới tha thứ được cho con người.

- Tha thứ không vẫn chưa đủ, Chúa còn phải trả một cái giá rất đắt để chuộc con người lại, vì tổ tông con người đã đánh mất món quà Chúa tặng: là ơn được làm con Chúa đã bị mất do nghe theo lời của ma quỷ qua việc phạm tội. Cho nên Chúa Con phải trả giá đền thay tội cho con người để chuộc ơn làm con Chúa. Cái giá mà Chúa trả là Chúa Cha đã cho Con Chúa là Ngôi Hai hạ mình xuống thế làm người, chịu đau khổ và chịu chết để chuộc tội cho con người.

          - Còn khi các em nhận thấy lo lắng bất an, muốn ăn năn hối lỗi, thấy ray rức và muốn sửa chữa mỗi khi mình làm một điều gì đó sai trái. Diễn biến tâm lý biểu lộ ra bên ngoài này, là do tiếng Chúa thúc đẩy từ bên trong tâm hồn các em. Đấng thúc đẩy đó chính là Chúa Thánh Thần.  Bởi vì tâm hồn con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, mà Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa (làm biến đổi), Đấng Canh Tân (làm mới lại), là Thần Chân Lý (Đấng hướng dẫn mọi người sống đúng với sự chân thật)

- Sâu xa hơn Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài hợp nhất và đồng hàng với hai ngôi cực thánh ấy. Được Chúa Cha và Chúa Con sai phái, là Đấng hướng dẫn Hội thánh đến chân lý trọn vẹn.

² Đặt vấn đề để các em đóng góp ý làm sáng tỏ: “Tin vào Chúa Ba Ngôi mang lại ích lợi gì?”

+ Các em sống trong một gia đình đầm ấm, có cha mẹ con cái yêu thương, không hề có những xích mích hay cự cãi nhau. Các em sống trong một mái ấm gia đình như vậy, các em sẽ học được bài học gì? Các em thử  nói lên cảm nghĩ và cảm nghiệm của mình.

? Đúc kết phần thảo luận của các em : Nếu các em được sống trong một gia đình đầm ấm như vậy, chắc chắn bài học đầu tiên các em đón nhận đó chính là bài học về tình yêu thương – cha mẹ con cái yêu thương nhau. Và bài học thứ hai mà các em cũng nhận ra được, đó là cha mẹ con cái một lòng một ý với nhau, giáo lý gọi điều này là hiệp nhất và hiệp thông với nhau.

- Chính vì thế khi Chúa mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Chúa cho chúng ta biết đời sống trong gia đình của Thiên Chúa: có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tất cả đều hiệp nhất, hiệp thông và luôn luôn yêu thương nhau trong kế hoạch cứu độ con người.

- Khi con người đón nhận và tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, có nghĩa rằng Chúa gởi đến cho những ai tin nhận mầu nhiệm này lời mời gọi với sứ điệp: chúng con sống yêu thương, hiệp nhất, hiệp thông với nhau như mẫu gương gia đình thánh của Thiên Chúa.

Trong gia đình thánh thiện của Thiên Chúa, mỗi người mỗi việc, mỗi vai trò khác nhau: Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Mỗi ngôi mỗi vai trò, mỗi Ngôi có việc làm trong những lãnh vực riêng, nhưng Ba Ngôi cùng lúc cũng hợp nhất và xuất hiện cùng lúc trong từng việc làm của mỗi Ngôi. Không có tranh chấp, không có chia rẽ, nhưng trong tương quan đúng đắn và phối hợp với nhau cách sung mãn theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi chí thánh, nghĩa là nhờ ân sủng của Người, ta được mời gọi sống trong một cộng đoàn được gọi là thân thể Đức Kitô. Ta không thể nào đi vào đời sống của Thiên Chúa nếu không đồng thời dấn thân vào một cuộc sống yêu thương và hiệp thông với người khác.

Mọi hình thức độc quyền đều xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nghĩa là không một con người nào được quyền thống trị người khác. “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, đàn ông hay đàn bà; nhưng hết mọi người chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Trong Hội thánh chúng ta có thể khẳng định sự bình đẳng, nhưng khác biệt đa dạng về nhân vị, ân huệ và đặc sủng. Sự lãnh đạo là để phục vụ chứ không phải để thống trị và kiểm soát (Mc 10,43-44).

Ở đâu có những con người hiệp thông với nhau trong tình bác ái chân thật, ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Chúng ta được mời gọi phục vụ sự hiệp thông và thăng tiến con người, ngợi khen Thiên Chúa, quay lưng với tội lỗi và hoán cải, sống xứng đáng ơn làm con Chúa qua việc phục vụ tha nhân, yêu thương kẻ thù, tiếp rước người xa lạ vào gia đình của Thiên Chúa.

Ä Cầu nguyện giữa giờ:

Để có thể đón nhận được mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, các em cần có thái độ khiêm nhường và cầu nguyện như nhà bác học Louis Pasteur.  Còn trái lại, nếu các em có thái độ như chàng sinh viên kiêu ngạo, thì không bao giờ các em cảm nếm và hiểu được phần nào những điều cao siêu trong đạo.

Lời nguyện : Lạy Chúa, sau khi chúng con được học hỏi, tìm hiểu về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng con mới thấy trí khôn của chúng con thật nhỏ bé trước mắt Chúa. Chúng con tưởng rằng mình đã biết hết mọi sự, chúng con kiêu ngạo và hãnh diện về sự thông minh của mình. Giờ đây khi đối diện với mầu nhiệm Chúa đã mạc khải, chúng con cảm thấy hối hận về sự tự kiêu, tự cao, tự hào, tự đại của chúng con trong thời gian qua. Xin Chúa thêm đức tin, ban ơn khiêm nhường để chúng con mở lòng mình đón nhận mầu nhiệm của Chúa. Amen. (các em quỳ gối cùng nhau đọc kinh Tin)

3. Một điểm thực hành

Ä Sinh hoạt giáo lý:

- Băng reo: CHÚA BA NGÔI

NĐK : Em tin

CE : Chúa Cha tạo dựng (2 tay vung vòng cung qua đầu rồi đứng nghiêm)

          NĐK: Em tin

CE : Chúa Con cứu chuộc (bắt chéo trước ngực)

          NĐK: Em tin

CE : Thánh Thần thánh hóa (2 tay giơ lên rồi xoay một vòng)

NĐK: tất cả chúng ta cùng tin

CE : Một Chúa Ba Ngôi (tất cả cùng hát bài: Dấu Thánh Giá)

(tùy nghi thay đổi băng reo và hình thức cử điệu sao cho linh hoạt và phù hợp)

- Bài hát giáo lý: DẤU THÁNH GIÁ

Nào em làm dấu Thánh Giá, em tin Một Chúa Ba Ngôi. Ngôi Cha tạo thành trời đất, Ngôi Con chịu chết cứu đời. Nào em vì dấu Thánh Giá, em tin Một Chúa Ba Ngôi, Thánh Linh Chúa nguồn sức sống, cho em được sống đời đời. (tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)

- Bài hát sinh hoạt: VÀO ĐỜI TÌM CHÚA

          Với gói hành trang tôi vào đời tìm Chúa Kitô, với gói hành trang tôi lang thang tìm Con Thiên Chúa. Hai ngàn năm đã qua đi rồi, giờ này Người ở đâu? Giờ này người ở đâu? Trong rạp hát hay trong phòng trà, trong thương xá hay đêm màu hồng? Người ở đâu cho hồn tôi chơi với giữa chợ đời hôm nay. (tùy nghi thay đổi)

Ä Bài học ghi nhớ

36. H. Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là gì?

T. Là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh: Cha, Con và Thánh Thần. Nhờ mầu nhiệm này, ta biết được sự sống nội tại trong Thiên Chúa và ý nghĩa mọi công trình của Ngài cho cuộc đời của ta.

37. H. Chỉ dùng lý trí, con người có thể nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?

T. Dầu Thiên Chúa đã để lại những dấu vết về Chúa Ba Ngôi, nhưng chân lý đó vẫn còn là một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể hiểu thấu. Mầu nhiệm này đã được Chúa Giêsu tỏ cho biết và là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm khác.

38. H. Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết điều gì về Chúa Cha?

T. Ngài dạy chúng ta biết Thiên Chúa là “Cha” chí thánh. Chúa Cha tạo dựng vũ trụ và con người. Hơn nữa, từ đời đời, Ngài là Cha đã sinh ra Chúa Con cũng là Ngôi Lời của Chúa Cha.

39. H. Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là ai?

T. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài hợp nhất và đồng hàng với hai ngôi cực thánh ấy. Được Chúa Cha và Chúa Con sai phái, là Đấng hướng dẫn Hội thánh đến chân lý trọn vẹn.

40. H. Hội thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?

T. Hội thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, vì mỗi Ngôi có trọn vẹn bản tính thần linh duy nhất không phân chia, có vinh quang và uy quyền ngang nhau nên chỉ là một Thiên Chúa Duy nhất. Ba Ngôi lại thực sự phân biệt nhau qua các tương quan trong một Hữu Thể duy nhất.

41. H. Ba Ngôi hợp nhất cùng hoạt động như thế nào?

T. Ba Ngôi cùng một hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.

42. H. Toàn bộ đời sống Kitô hữu thể hiện sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi thế nào?

T. Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, là làm điều đó bởi Chúa Cha lôi kéo và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy.

43. H. Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi để làm gì?

T. Để mời gọi ta tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc; ta được kêu gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh, cùng góp phần làm cho gia đình, dân tộc và Hội thánh thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi.

4. Cầu nguyện kết

Ä Cảm nghiệm mới : Lạy Chúa từ lúc con có trí khôn, con cứ tưởng rằng con sẽ học biết được hết mọi sự, giờ đây sau khi học bài giáo lý này con mới cảm nghiệm ra được: đến tình thương, tình yêu con còn không thể cân đo đong đếm được, huống chi là những mầu nhiệm đức tin cao cả trong Hội thánh. Xin Chúa dạy con có được sự khiêm nhường, vâng phục những điều Chúa đã mạc khải. Để tâm trí và cõi lòng con được mở ra đón nhận những điều Chúa dạy qua Hội thánh. Amen.

(Một phút hồi tâm, từng em nói lên quyết tâm sống đạo khi tin nhận mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi)

Ä Quyết tâm sống : Chúa ơi, nay con quyết tâm từ bỏ tính kiêu ngạo, từ bỏ những lời nói việc làm gây chia rẽ, xích mích oán thù... mà thay vào đó là đời sống khiêm nhường, hiệp nhất, cảm thông yêu thương như gương mẫu gia đình thánh của Chúa Ba Ngôi. Để thực hiện quyết tâm sống này, sau khi ra về con sẽ chủ động xin lỗi làm hòa với một người bạn mà con đã xúc phạm đến họ.

Ban Giáo lý Giáo phận