Những tấm gương thầy thuốc tận tâm với người bệnh

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, thời gian qua, phần lớn đội ngũ y, bác sĩ đã và đang công tác trong ngành y tế trên địa bàn huyện luôn phấn đấu học tập, trau dồi chuyên môn, y đức. Tuy mỗi người đảm đương những vai trò, nhiệm vụ khác nhau nhưng ở họ đều có chung lòng say mê, tâm huyết với nghề và tận tụy chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dưới đây là  một số gương mặt trong nhiều cán bộ y tế tâm huyết với nghề y đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động.

Bác sỹ Thương binh đam mê học hỏi

Những tấm gương thầy thuốc tận tâm với người bệnh

Bác sỹ Chu Duy Luật đang khám và điều trị cho bệnh nhân

Hơn 30 năm bén duyên với ngành y, bác sỹ thương binh Chu Duy Luật - Trưởng Khoa Nội và truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt lẫn công tác chuyên môn để chữa lành bệnh tật cho bệnh nhân. Có chứng kiến cảnh bác sĩ Luật khám bệnh, ân cần trò chuyện với bệnh nhân mới hiểu được những khó khăn, vất vả của công việc và tấm lòng yêu nghề, yêu thương con người của người thầy thuốc. Chính tâm niệm "khi tiếp xúc với bệnh nhân phải có thái độ niềm nở, chu đáo, yêu thương" ấy của bác sỹ Luật đã tạo niềm tin lớn lao cho mỗi bệnh nhân trong phối hợp điều trị. Chị Phạm Hương Thu ở xã Cẩm Đàn  bị viêm phổi, sau khi nhập viện được bác sỹ Luật trực tiếp điều trị bệnh đã thuyên giảm nhiều. Chị Thu tâm sự: "Tôi thấy bác sỹ Luật rất quan tâm đến bệnh nhân như đã thăm khám đầy đủ, tư vấn nhiệt tình cho bệnh nhân. Chúng tôi thấy an tâm khi điều trị bệnh". Do tuổi cao nên bác Phạm Đức Lai ở xã Thanh Luận luôn bị viêm phổi và tăng huyết áp. Nhiều lần điều trị tại khoa Nội và truyền nhiễm, bác Lai cũng được bác sỹ Luật trực tiếp khám và điều trị. Nói về bác sỹ Luật, bác Lai cho biết: Bác sỹ Luật quan tâm, chăm sóc chúng tôi rất tốt. Bệnh của tôi đã thuyên giảm nhiều.

Với bác sĩ Luật, thì nghề y là một nghề có sự thay đổi nhanh về kiến thức và kỹ thuật vì vậy bác sĩ rất trân trọng việc học nâng cao kiến thức chuyên môn. Với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị bệnh cao huyết áp, dù công việc ở khoa Nội và truyền nhiễm luôn bận rộn nhưng bác sĩ đã cố gắng sắp xếp thời gian lên Đại học Y Thái Nguyên để nghiên cứu  về lĩnh vực này. Vì đây là căn bệnh gặp rất nhiều ở người cao tuổi và số lượng bệnh nhân nhập viện ở khoa Nội là chủ yếu. Năm 2014 bác sĩ Luật đã học xong bác sĩ chuyên khoa cấp 2 (tương đương với bậc Tiến sĩ) nhưng với bác sĩ Luật, không gì vui  bằng việc khi đem kiến thức học được chữa lành cho nhiều bệnh nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Và phần thưởng lớn nhất của những thầy thuốc là nụ cười của những người khỏi bệnh và  niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc. Đó chính là động lực giúp bác sĩ Luật vượt qua những khó khăn, thử thách để càng thêm yêu và gắn bó hơn với công việc của mình.

Bác sỹ tận tụy vì bệnh nhân.

Những tấm gương thầy thuốc tận tâm với người bệnh

Bác sỹ Vi Văn Luyện thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phế quản

Trong số nhiều khoa của một  bệnh viện thì khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu là một trong những khoa áp lực nhất - Khoa của những gương mặt thấp thỏm, những cái nhìn lo âu và sự tất bật của những thầy thuốc. Bởi một khi vào đây, tâm lý của người bệnh cũng như thân nhân bệnh nhân lúc nào cũng lo lắng và nôn nóng. Chính vì vậy làm việc ở khoa này, ngoài khả năng chuyên môn, còn có sự điềm tĩnh nhẫn nại và cả tinh thần trách nhiệm " bác  sỹ như mẹ hiền". Câu chuyện của chúng tôi với bác sỹ Vi Văn Luyện - Trưởng khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sơn Động cứ ngắt quãng bởi những ca cấp cứu vừa nhập viện. Hơn 20 năm trong nghề y hồi sức  cấp cứu,  bác sỹ Vi Văn Luyện đã tập cho mình được thói quen nhẫn nại, sự phản ứng nhanh nhẹn và chính xác trong việc chẩn đoán và điều trị, nhằm mang lại sự sống cho người bệnh. Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu như một cơ duyên với bác sỹ Luyện. Trải qua nhiều nơi làm việc như Trung tâm y tế dự phòng huyện, phòng khám khu vực xã Quế Sơn. Đến năm 2004, sau khi tốt nghiệp bác sỹ Vi Văn Luyện được phân công về khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động giữ chức vụ Trưởng khoa. Để nâng cao chuyên môn, năm 2010 tiếp tục học lớp chuyên khoa cấp 1 tại Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Nhi khoa. Theo bác sỹ Luyện, không yêu nghề thì không thể trụ lại được ở khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, bởi tiếng áp lực từ tiếng báo động của các máy móc lúc nào cũng dồn dập, thân nhân đi kèm người bệnh luôn ở trạng thái căng thẳng, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Có khi, các y, bác sỹ vừa phải tiến hành thao tác kỹ thuật chuyên môn để cố gắng cứu sống người bệnh, vừa phải nghe thân nhân của họ la mắng. Chính vì vậy, công tác ở khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu phải biết nhẫn nhịn, thậm chí nhiều đêm, những cú điện thoại hội chẩn khẩn cấp để hỗ trợ đồng nghiệp những ca bệnh khó là phải đi ngay. Và mỗi khi đến bệnh viện, khoắc trên mình chiếc áo blu trắng là phải quên hết mọi việc riêng tư.

Suốt quãng thời gian gắn bó với nghề, bác sỹ Luyện không còn nhớ chữa trị cho bao người bệnh nhân, giành sự sống lại cho bao người. Chỉ biết từng ngày, bác sỹ Luyện vẫn thầm lặng cùng các đồng nghiệp chăm sóc người bệnh bằng những cử chỉ ân cần, những lời động viên tận tình giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Và niềm vui của những người thầy thuốc khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu chính là hàng ngày thấy bệnh nhân khỏi bệnh, gia đình họ sống hạnh phúc. Cháu Lã Hồng Anh - bệnh nhân nhi bị viêm phế. Sau mấy ngày nhập viện, bệnh của các cháu đã thuyên giảm.

Chị Nguyễn Thị Hằng - mẹ cháu Lã Hồng Anh phấn khởi cho biết: "Lúc vào viện con chị ho, thở khò khè, biếng ăn, nhưng được bác sỹ Luyện tận tình thăm khám, chăm sóc nên giờ con chị đã ít ho và cháu ăn uống tốt". Là bệnh nhân bị viêm phổi do bác sỹ Luyện trực tiếp khám và điều trị, cháu Nguyễn Tiến Đạt sau mấy ngày điều trị bệnh cũng đã khỏi. Vui  mừng khi cháu trai khỏi bệnh, bà Vũ Thị Phai - người nhà cháu Nguyễn Tiến Đạt tâm sự: "Ngày đầu cháu vào bệnh viện  cháu ho nhiều, nhưng được bác sỹ Luyện tận tình chăm sóc, cháu đỡ ho nhiều".

Nữ hộ sinh hết lòng vì thai phụ

Những tấm gương thầy thuốc tận tâm với người bệnh

Nữ hộ sinh Ngọc Thị Dung đang hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc bé mới sinh

Tốt nghiệp trung cấp Y Bắc Giang khoa Hộ sinh. Năm 2008, chị Ngọc Thị Dung về công tác tại khoa Ngoại - phụ sản Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động. Làm việc ở khoa Phụ sản chị luôn nhớ đến câu ca ông bà đã răn dạy: “Chửa đẻ là cửa mả”. Do đó chị Ngọc Thi Dung luôn tâm niệm: đã làm thì phải làm hết khả năng trên tinh thần trách nhiệm cao, trách nhiệm với đồng nghiệp và quan trọng nhất là trách nhiệm với bệnh nhân. Gần 10 năm công tác trong nghề hộ sinh, chị Dung luôn được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp yêu mến. Năm 2014, chị Dung được bổ nhiệm làm Hộ sinh trưởng khoa Phụ Sản. Công việc hàng ngày của chị và đồng nghiệp là theo dõi sức khỏe thai phụ và đỡ đẻ. Ngoài ra, chị Dung còn là một cán bộ xông xáo, nhiệt tình với các phong trào của đơn vị và đạt nhiều thành tích cao như; giải nhì huyện về kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Sở y tế và Công đoàn ngành y tế tặng giấy khen.

Những người chúng tôi gặp hôm nay, dù mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở một chữ "tâm" với nghề y. Tất cả đều vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và an toàn cho cộng đồng. Nhận xét về bác sỹ Luật, bác sỹ Luyện và nữ hộ sinh Dung, bác sỹ Nguyễn Văn Tám – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Động cho biết: “đây là những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn  vững, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, các y bác sỹ đã có nhiều đóng góp nhiều cho sự phát triển của bệnh viện. Những y bác sỹ này luôn chịu khó học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, chính trị và năng lực công tác. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, các y bác sỹ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Bệnh viện”.

Thầy thuốc mãi mãi là một nghề cao quý. Và nay từng ngày, từng giờ các y bác sỹ, cán bộ y tế đang làm việc tại các Bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn huyện đang sát cánh với lực lượng y tế chung của ngành trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Họ là những bông hoa đẹp, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, rất đáng trân trọng./.

Hương Diễm - Xuân Thỏa

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhiều thầy thuốc trong ngành Y tế tỉnh đã sống và làm việc với tinh thần: “Lương y như từ mẫu”. Với tình thương yêu người bệnh và sự tận tụy, hết lòng vì công việc, họ đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để áp dụng vào công việc khám, điều trị giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh.

Là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh Việt, luôn trăn trở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Anh cho rằng, ngoài việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thì vấn đề con người là quan trọng và có ý nghĩa quyết định. “Thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn cao và có y đức - bao hàm cả bản lĩnh nghề nghiệp và thiện tâm với con người. Những điều này đều phải qua học tập, rèn luyện mới có được”. Từ suy nghĩ đó, bác sĩ Việt đã cùng Ban Giám đốc bệnh viện sâu sát tìm tòi, sáng tạo, phát hiện và ứng dụng những kỹ thuật mới đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh viện liên tục cập nhật thêm kỹ thuật phù hợp, đi đôi với việc đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Bên cạnh đó, công tác kế hoạch, tổ chức, tài chính được bệnh viện thực hiện dân chủ, công khai, công bằng. Từ nguồn thu viện phí hàng năm ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Hải Hậu là đơn vị đi đầu trong việc chăm lo đời sống cán bộ, tạo không khí thi đua, dân chủ, đoàn kết, phát huy tối đa năng lực sở trường của mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế. Nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu liên tục dẫn đầu khối các bệnh viện tuyến huyện toàn quốc về công tác khám, chữa bệnh. Ngoài tỷ lệ thu dung và điều trị bệnh nhân luôn ở mức cao (130-150% so với kế hoạch), bệnh viện còn thực hiện được nhiều kỹ thuật khó ngay tại tuyến huyện. Số ca phẫu thuật của Bệnh viện Hải Hậu hàng năm chiếm gần 40% tổng số ca phẫu thuật của cả 10 bệnh viện huyện trong tỉnh nên tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến giảm đáng kể. Ngoài việc thực hiện khám, điều trị cho nhân dân trong huyện hàng năm, bệnh viện còn thu hút gần 20% người bệnh đến khám và chữa bệnh từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu nhiều năm liền dẫn đầu toàn quốc về công tác xã hội hóa y tế, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Với những đóng góp cho chuyên môn và sự phát triển của Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, năm 2017 bác sĩ Hoàng Mạnh Việt được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Nhân dân”.

Cũng ở Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, bác sĩ Nguyễn Trung Trực, khoa Ngoại tổng hợp được đồng nghiệp và người bệnh tin yêu, quý trọng bởi sức trẻ, giàu nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn vững vàng. Năm 2007, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội (khóa 2000-2006) bác sĩ Trực về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu. Vững vàng về chuyên môn cộng với lòng nhiệt tình, tác phong nhanh nhẹn, hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Trực luôn nêu cao y đức, tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc. Anh luôn quan niệm phải đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết trong phẫu thuật, gần gũi, đồng cảm với người bệnh. Từ tháng 1-2015, được bổ nhiệm chức vụ Phó khoa Ngoại tổng hợp, anh luôn cùng tập thể các thầy thuốc trong khoa hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tại khoa Ngoại tổng hợp mỗi năm phẫu thuật khoảng 1.300 bệnh nhân và có đông bệnh nhân điều trị các bệnh lý khác nên áp lực đối với các thầy thuốc không hề nhỏ. Do chưa có đủ điều kiện về nhân lực, vật lực, mỗi bác sĩ phải biết phẫu thuật nhiều thể loại bệnh lý nên anh và các đồng nghiệp trong khoa luôn phải tìm tòi, học hỏi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả điều trị. Do đó, các kỹ thuật mới về ngoại khoa đối với bệnh viện tuyến huyện được triển khai thường xuyên tại bệnh viện. Hiện tại bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý đường tiêu hóa, hàng năm phẫu thuật gần 800 ca, áp dụng điều trị thoát vị bẹn bằng mảnh ghép, nội soi tán sỏi niệu quản, bàng quang bằng Laser, cắt phì đại tiền liệt tuyến… Bác sĩ Nguyễn Trung Trực tâm sự: “Đứng trước sự sống chết của người bệnh, người thầy thuốc phải làm việc hết sức với ý thức và trách nhiệm. Được người bệnh và nhân dân ghi nhận, mình cảm thấy hạnh phúc khi giúp họ vơi đi phần nào đau đớn, khổ sở vì bệnh tật…”.

Tiếp xúc với điều dưỡng trưởng Vũ Thị Huế, khoa Liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường, đồng nghiệp và bệnh nhân đều có chung nhận xét: “Chị là người sống giản dị, gần gũi, cởi mở với đồng nghiệp, tận tâm với công việc, hết lòng chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình”. Chị Vũ Thị Huế về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường năm 2006. Quá trình công tác, chị luôn tâm niệm “Là người điều dưỡng, phải luôn xem người bệnh như người thân trong gia đình, lấy việc chăm sóc người bệnh toàn diện làm nhiệm vụ trọng tâm, luôn lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, giúp họ bớt đau đớn, yên tâm và hợp tác điều trị”. Trong điều kiện làm việc của đơn vị y tế tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn song với trình độ chuyên môn vững, chăm chỉ, cẩn trọng, xử lý nhanh tình huống và lúc nào cũng tận tình với người bệnh, chị đã cùng bác sĩ phối hợp chăm sóc, điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị luôn ân cần, cởi mở, hoà nhã trong ứng xử với người bệnh. Chị thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, động viên, hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc, giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị. Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi vào điều trị tại khoa, đặc biệt là người già và trẻ em luôn được chị và các y, bác sĩ trong khoa quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Chị quan niệm: “Để làm tốt công tác của người điều dưỡng thì cần có sự yêu nghề, có tâm, đạo đức nghề nghiệp, từ đó có cách ứng xử thân thiện đối với người bệnh. Bên cạnh đó là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và đồng nghiệp để hoàn thành tốt công việc được giao”. Nói về chị, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường phấn khởi cho biết: Chúng tôi tự hào vì điều dưỡng trưởng Vũ Thị Huế, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm về y đức, gương mẫu về mọi mặt, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào của bệnh viện. Về chuyên môn, chị có kiến thức vững, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, không ngừng học tập, nâng cao kiến thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để các đồng nghiệp trong bệnh viện noi theo.

Thạc sĩ Trần Hải Đăng, cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, Bí thư Đoàn Sở Y tế cũng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Nhiều năm qua, thạc sĩ Trần Hải Đăng luôn tích cực tham gia các hoạt động do Tỉnh Đoàn tổ chức như: hiến máu nhân đạo; tham gia 15 đoàn khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thực phẩm chức năng cho gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong công việc chuyên môn, anh tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh như: “Đánh giá thực trạng kiến thức của người kinh doanh thực phẩm”; “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định năm học 2016-2017”; “Mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại khu vực tổ chức lễ hội Đền Trần năm 2017”. Anh đã được Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn khen thưởng.

Ngoài những tấm gương nêu trên, ở các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh còn có nhiều cán bộ, nhân viên y tế là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiêu biểu như bác sĩ: Trần Đức Khánh, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Thầy thuốc Ưu tú Hoàng Tiến Cường, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh; Điều dưỡng Trần Văn Tuyên, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Thầy thuốc Ưu tú Đỗ Văn Vận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu; Điều dưỡng Phan Thị Hợi, Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ… Với lòng tận tâm, trách nhiệm, yêu nghề đã và đang thầm lặng đem kiến thức, tâm huyết của mình để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.

Minh Thuận