Phi hạt nhân hóa bán đảo triều tiên là gì

Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo và tập trận răn đe với đồng minh, nhưng không ngăn được Triều Tiên tiến hành loạt vụ thử tên lửa để "diễn tập hạt nhân".

Triều Tiên ngày 4/10 phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản, trước khi rơi xuống tây Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 tên lửa Triều Tiên bay qua không phận Nhật Bản, buộc giới chức nước này kích hoạt cảnh báo, yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn.

Mỹ phản ứng bằng cách tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn cùng Hàn Quốc, trong đó có diễn tập phóng tên lửa vào vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan cũng đột ngột thay đổi lộ trình, tái triển khai trở lại vùng biển gần Triều Tiên chỉ vài ngày sau khi rời khỏi khu vực.

Các động thái quân sự của Washington và đồng minh dường như nhằm gửi thông điệp răn đe đến Bình Nhưỡng, ngăn nước này có thêm các động thái leo thang. Nhưng đến rạng sáng 9/10, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển, rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Một ngày sau, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA tuyên bố loạt vụ phóng tên lửa thời gian qua là hoạt động thử nghiệm vũ khí "hạt nhân chiến thuật" do Chủ tịch Kim Jong-un chỉ đạo.

Phi hạt nhân hóa bán đảo triều tiên là gì

Người dân xem bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật Bản ngày 4/10 tại một ga tàu ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích nhận định các động thái quân sự lẫn ngôn từ cứng rắn mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục tung ra thời gian qua chỉ phản ánh thực tế họ đã cạn ý tưởng và phương án kiềm tỏa tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

"Sự kiên trì chiến lược của Mỹ với quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một thất bại", Ankit Panda, chuyên gia về các vấn đề vũ khí hạt nhân, làm việc tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tại Washington, nhận định. "Triều Tiên cứ thử nghiệm vũ khí, Mỹ phản ứng nhưng không thay đổi được gì và vòng luẩn quẩn tiếp tục".

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ cùng đồng minh cần thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Thay vì tiếp tục đòi hỏi phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo, Mỹ cần chấp nhận thực tế Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, để chuyển sang đàm phán giảm rủi ro xung đột và kiểm soát vũ khí.

"Triều Tiên thật sự đã thắng. Đây là viên thuốc đắng, nhưng chúng ta phải thừa nhận điều đó", chuyên gia Panda đánh giá.

Tại một hội nghị quan trọng vào tháng 1/2021, ông Kim đã vạch kế hoạch phát triển quốc phòng 5 năm cho Triều Tiên, kêu gọi phát triển các loại đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn để sử dụng cho "mục tiêu chiến thuật". Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức nổ nhỏ, dùng để tấn công các mục tiêu riêng lẻ như sở chỉ huy, điểm tập kết binh lực và trận địa đối phương trên chiến trường.

Trong thông cáo của KCNA về đợt diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật từ ngày 25/9 đến 9/10, ông Kim tái khẳng định lập trường "không còn gì để thảo luận và không cảm thấy cần phải thảo luận" với Mỹ.

Chuyên gia Panda cho rằng các lãnh đạo Mỹ cần đặc biệt lo ngại về khả năng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật với lượng phóng xạ thấp, đủ khả năng đe dọa Hàn Quốc.

Ông cảnh báo chiến tranh hạt nhân "có thể kết thúc với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng nhiều khả năng khởi đầu bằng đầu đạn hạt nhân chiến thuật". Đây có thể là lá bài chiến lược mà ông Kim Jong Un đang chờ để hoàn thiện, trước khi chuyển sang giai đoạn răn đe bằng sức mạnh hạt nhân.

Theo Panda, Mỹ sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn nếu tiếp tục trì hoãn thừa nhận thực tế rằng Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ không từ bỏ nó. Trong thời gian đó, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục phát triển kho vũ khí cả về số lượng và mức độ tinh vi. Khi vũ khí hạt nhân Triều Tiên đạt đến độ hoàn thiện nhất định, ông Kim có thể yêu cầu mức nhượng bộ lớn hơn nữa từ đối phương trong bàn đàm phán tương lai.

Đối thoại Mỹ - Triều đóng băng bốn năm qua, sau hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đàm phán rơi vào bế tắc khi Mỹ kiên quyết đòi Triều Tiên giải trừ hạt nhân toàn diện, trong khi Bình Nhưỡng muốn cắt giảm năng lực hạt nhân theo từng phần và yêu cầu Washington đồng thời dỡ lệnh trừng phạt để tạo thiện chí.

Đến nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, hai bên không thể đối thoại khi Washington giữ lập trường không chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng thừa nhận Triều Tiên là "quốc gia hạt nhân" sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm đối với nỗ lực toàn cầu về ngăn chặn phổ biến hạt nhân.

Triều Tiên hồi tháng 9 công bố học thuyết hạt nhân mới, cho rằng nước này có quyền tấn công hạt nhân phủ đầu thay cho chủ trương đáp trả hạt nhân như trước.

"Chúng ta sẽ không bao giờ tuyên bố từ bỏ hạt nhân hay phi hạt nhân hóa, hay bất kỳ đàm phán và mặc cả theo yêu sách của đối phương. Khi nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên Trái đất và chủ nghĩa đế quốc chưa lụi tàn, chúng ta sẽ không ngừng củng cố sức mạnh hạt nhân quốc gia", ông Kim Jong-un tuyên bố.

Với hàng loạt tuyên bố lẫn động thái thời gian qua từ Bình Nhưỡng, Jenny Town, giám đốc 38 North, chương trình nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, tổ chức tư vấn chính sách ở Washington, cho rằng các bên không còn khả năng đàm phán nếu tiếp tục giữ quan điểm phi hạt nhân hóa.

Bà nhận định cuộc chạy đua vũ trang đang tăng tốc ở châu Á, cũng như căng thẳng chiến lược Mỹ - Trung, đang tác động đáng kể đến quyết sách ở Bình Nhưỡng. "Triều Tiên không thể cân nhắc phi hạt nhân hóa khi phần còn lại của khu vực, trong đó có Hàn Quốc, tăng cường vũ trang. Đó là kịch bản không tưởng", Town nói.

Giám đốc 38 North dự báo Washington và Bình Nhưỡng vẫn có cơ hội trở lại chủ đề phi hạt nhân hóa trong tương lai, nhưng với điều kiện tiên quyết là quan hệ các bên được cải thiện vượt bậc và những xu hướng địa chính trị chuyển dịch tích cực hơn hiện nay. Dù vậy, bà thừa nhận kịch bản này còn cách rất xa so với cục diện hiện tại.

Phi hạt nhân hóa bán đảo triều tiên là gì

Khí tài trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại Quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, ngày 26/4. Ảnh: Reuters/KCNA.

Andrei Lavkov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho rằng công chúng Mỹ cùng giới lập pháp chỉ muốn Washington tiếp cận Bình Nhưỡng với tâm thế "không từ bỏ vũ khí hạt nhân thì không đàm phán". Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ không quan tâm đến đối thoại chừng nào Washington còn nhắc đến mục tiêu phi hạt nhân hóa, dù Mỹ coi đây là mục tiêu chính sách dài hạn hay trước mắt.

"Thông điệp của ông Kim là: 'Chúng tôi có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ sở hữu hạt nhân mãi mãi và chúng tôi muốn dùng chúng thế nào là tùy mình'. Ý tưởng buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân là phi thực tế", Lankov nhận định. "Triều Tiên đã nói rõ họ không chơi theo luật của đối phương".

Giới chuyên gia vũ khí đánh giá Triều Tiên đã phát triển đáng kể năng lực hạt nhân về mọi mặt trong vài năm qua, bất chấp lưới trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu và đại dịch Covid-19 buộc nước này đóng cửa với những đồng minh thân thiết nhất.

Chiến sự Ukraine năm nay chỉ khiến bài toán Triều Tiên của lãnh đạo Mỹ thêm phức tạp, khi ông Biden khó tìm được tiếng nói chung ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bình Nhưỡng cũng tranh thủ diễn biến địa chính trị toàn cầu để củng cố quan hệ với Moskva và Bắc Kinh.

"Hầu hết quan chức cấp cao về chính sách Triều Tiên tại Mỹ hiện đều âm thầm thừa nhận phi hạt nhân hóa là mục tiêu ngoài tầm tay. Họ chỉ không thể hoặc không muốn phát biểu công khai mà thôi", Chad O'Carroll, nhà sáng lập hãng tư vấn Nhóm Rủi ro Triều Tiên, nhận định.