Tại sao cần phải quản lý đô thị

Tuesday, 06/10/2008 00:00

Tại sao cần phải quản lý đô thị
Acronyms
Tại sao cần phải quản lý đô thị
Tại sao cần phải quản lý đô thị
View with font size

I. Đặc điểm đô thị hoá ở Việt Nam hiện nay 1. Đô thị hoá trước công nghiệp hoá Ở nước Anh, trước khi phát triển các thành phố hiện đại đầu tiên đã có 80 năm công nghiệp hoá; nước Mỹ là 50 năm và các “con rồng” châu Á là 30 năm. Tuy không có những điểm khởi đầu rõ ràng, nhưng chính cuộc cách mạng công nghiệp đã chuyển hoá phương thức sản xuất nông nghiệp sang lao động công nghiệp dịch vụ hình thành cư dân đô thị.

Ở Việt Nam, quá trình này ngược lại, sự gia tăng dân số đô thị chủ yếu tăng cơ học. Làn sóng dịch cư tới các đô thị tăng ở TPHCM hiện người nhập cư chiếm 1/3 dân số, nhanh hơn tốc độ tăng công nghiệp, dịch vụ. Nhất là từ 1/7/2007 Luật Cư trú có hiệu lực, tạo điều kiện pháp lý cho xu hướng di dân này. Sự bùng nổ hệ thống khu đô thị mới đang diễn ra, một mặt vừa giảm áp lực chốn ở cho dân, vừa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho giới kinh doanh bất động sản. Nhưng, các khu đô thị mới chỉ phát triển các công trình để ở, còn bỏ ngỏ các công trình dân sinh, hạ tầng xã hội... Và, nó giải thích cho hiện tượng đất ở của đô thị vì sao sớm hoàn thành kế hoạch sử dụng đến vậy.

2. Hạ tầng kỹ thuật đi sau trong phát triển đô thị

Nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ có khả năng kế hoạch hoá tốt hơn kinh tế nông nghiệp. Theo đó là công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Vì thế đô thị ở các nước phát triển có thể đáp ứng tương đối làn sóng nhập cư. Còn ở nước ta thì chưa. Bằng chứng khảo sát đất hạ tầng kỹ thuật của nhiều đô thị ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10-15% quỹ đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30-35%. Khuyến cáo của Hiệp hội Đô thị Việt Nam, để khắc phục, theo kịp tốc độ tăng dân số đô thị, từ nay đến 2010, Việt Nam cần 8,9 tỉ USD cho 3 hạng mục: Cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải. Và đến 2020 cần 13 tỉ USD cũng chỉ để làm 3 việc này.

3. Phá vỡ vành đai xanh cần thiết cho đô thị

Năm 1996, chiến lược phát triển đô thị Việt Nam xác định đất đô thị đến 2020 là 460.000 ha, thì mới đến 2006 đã thực hiện trên 470.000 ha, vượt kế hoạch 13 năm. Ví dụ Hà Nội đã gần như ôm gọn TP. Hà Đông, phía Bắc áp sát TP. Bắc Ninh và phía Đông Bắc là Phúc Yên,... Nghĩa là Hà Nội gần như đã mất vành đai xanh bao bọc, có ý nghĩa góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố và vùng.

II. Thách thức trong quản lý đô thị Việt Nam hiện nay

Quản lý đô thị đang đối diện với những thách thức lớn, khi công cụ và năng lực không theo kịp với yêu cầu phát triển của xã hội. Đó là các vấn đề như: Quản lý đất đai không chuyên nghiệp, chưa sử dụng hệ thống GIS để dễ dàng sử dụng trong công tác quản lý thường nhật; Quy hoạch sử dụng đất do Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý không cập nhập kịp thời thông tin phát triển đô thị và các khu xây dựng mới; Quản lý xây dựng đô thị và hạ tầng còn nhiều hạn chế,... để lại một thực trạng bộ mặt kiến trúc đô thị thiếu bản sắc cùng với môi trường đô thị bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Rõ ràng, nhà nước không thể tự mình thực hiện toàn bộ khối lượng công việc quản lý đô thị lớn, bao gồm: Các lĩnh vực quản lý hành chính - hành pháp nhà nước, quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo an ninh và an ninh xã hội, dịch vụ công,... Vì vậy các dịch vụ công phải được xã hội hoá và theo hướng thị trường hóa để mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân đô thị. Và, đó cũng chính là sự tham gia trực tiếp của cộng đồng trong quản lý đô thị ở các cấp đô thị.

III. Quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng

Xã hội là tập hợp các cộng đồng có xu hướng liên kết nhau vì lợi ích chung. Trong truyền thống, cộng đồng là tập hợp cư dân sống cùng nhau trong một không gian địa lý. Nhưng trong xã hội hiện đại họ có thể chỉ có cùng khuynh hướng và ở xa nhau cũng được coi là nhóm cộng đồng cùng chung lợi ích. Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý đô thị là một quá trình mà nhà nước và người dân cũng nhận các trách nhiệm cụ thể trong các hoạt động cung cấp dịch vụ đô thị trên nguyên tắc hợp tác và hài hoà lợi ích. Đây không đơn giản là huy động nguồn lực, mà chính là đảm bảo cho những người chịu tác động của dự án đô thị ở tất cả các lĩnh vực được tham gia vào quá trình hình thành và thực hiện dự án. Trong một số trường hợp cộng đồng còn cử đại diện tham gia vào Ban lãnh đạo dự án. Không nên nhầm lẫn giữa sự tương trợ cộng đồng với sự tham gia quản lý đô thị của cộng đồng. Do đó cần có các yếu tố xác định cộng đồng như sau:

- Sự nỗ lực và tự chủ tối đa của người dân để cải thiện chính điều kiện sống của mình.

- Khai thác tối đa các nguồn lực trong cộng đồng, hợp tác và tổ chức hợp tác nhằm thực hiện các mục tiêu của cộng đồng.

- Chính phủ hoặc các tổ chức có sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực cũng như dịch vụ để hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực tự chủ, sáng tạo trong cộng đồng như quá trình xúc tác.

Các lợi ích lớn của đất nước có sự tham gia cộng đồng sẽ bền vững hơn nhiều, nhất là trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị. Ý nghĩa của sự tham gia này là thiết thực, cụ thể:

- Người dân có quyền tham gia vào quá trình hoạch định đô thị vì các quyết định đó sẽ tác động vào cuộc sống của họ. Nếu thuận thì họ sẽ tự đóng góp cho quá trình này bằng nhiều cách, ít nhất là ủng hộ và tuân thủ quy hoạch.

- Tăng sức mạnh của cộng đồng dân cư tại chỗ ở và họ sẽ tự can thiệp vào các cản trở quá trình làm chậm quy hoạch cũng như thực hiện qui hoạch bằng phương thức điều phối cộng đồng.

- Các dự án qui hoạch, xây dựng sẽ đạt kết quả tốt nhất nếu có sự ủng hộ của người dân trong khi hình thành và họ cũng giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo sản phẩm tốt nhất. Đây cũng là ưu điểm lợi thế nhất, đặc biệt đối với các công trình ngầm và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Cộng đồng có thể huy động các nguồn lực vốn rất dồi dào trong dân cư và họ sẽ gắn kết quyền lợi với dự án, tạo điều kiện cho các dự án xây dựng đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả.

Không thể nói hết các lợi ích mà sự tham gia của cộng đồng đem lại ở hầu hết các nước đang phát triển, khi chính phủ không đủ khả năng cung cấp nhà ở và các dịch vụ cơ bản cho người nghèo. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng rất quan trọng, do họ huy động được nguồn lực tại chỗ hoặc tự cung cấp các dịch vụ sẵn có cho cộng đồng. Ở đây hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng như là một quá trình để cùng nhận trách nhiệm trước xã hội và lựa chọn các dịch vụ giá rẻ, đáp ứng được chất lượng mà cộng đồng chấp nhận. Ở Việt Nam hiện nay các cơ chế, chính sách cần thiết để đảm bảo cho việc tham gia của cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các đơn vị cơ sở cấp phường, quận trong các dự án xây dựng có lấy đất của dân.

Chính vì vậy cần có qui trình khoa học để làm căn cứ cho việc đưa chủ trương có sự tham gia người dân trong quản lý đô thị như sau:

1. Xây dựng quan điểm và phương pháp tiếp cận.

2. Xây dựng qui trình thực hiện “qui chế dân chủ cơ sở” và áp dụng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” theo sơ đồ tăng quyền cho cộng đồng.

3. Đưa sự tham gia cộng đồng vào các dự án qui hoạch ở tất cả các giai đoạn.

4. Đưa sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng dân cư tại chỗ trong việc xây dựng các dự án đô thị theo các qui định và qui chế có ràng buộc pháp lý giữa Chủ đầu tư - Nhà nước - Cộng đồng dân cư tại chỗ - Người hưởng thụ dự án.

5. Kiểm tra tài chính dự án, dân phải có quyền so sánh giá xây dựng và các chỉ tiêu kinh tế giá thành khác.

6. Bảo quản sau xây dựng càng cần có ý kiến người dân địa phương. Bởi dự án hàng ngày tác động lên cuộc sống của họ một cách tích cực hoặc tiêu cực.

Từ quan điểm thực tiễn và lý luận nêu trên, có thể thấy rằng sự tham gia của cộng đồng trong quản lý đô thị Việt Nam, nếu được khai thác tốt, sẽ có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, chất lượng sống, chất lượng qui hoạch, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng môi trường và chất lượng dịch vụ... Và, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút sự tham gia của toàn dân vào quá trình xây dựng và quản lý đô thị của chính họ.

Nguồn: T/C Xây dựng, số 5/2008