Thai 36 tuần nước ối bao nhiêu là đủ?

Nước ối đảm nhận vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Nếu lượng nước ối trong tử cung quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra những vấn đề sức khỏe ở cả mẹ và thai nhi.

nước ối có tác dụng gì đối với mẹ và thai nhi

Nước ối là gì?

Nước ối là môi trường giàu dinh dưỡng, có khả năng tái tạo, trao đổi chất và giữ nhiều vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Thai nhi nằm trong tử cung của mẹ, phát triển trong túi ối (được hình thành từ màng ối và màng đệm) và bao quanh bởi nước ối.

Nước ối sẽ bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai. Ban đầu, nước ối được sản xuất bởi người mẹ, đến khi thai nhi được khoảng 20 tuần tuổi, nước ối được thay thế hoàn toàn bằng nước tiểu của thai nhi. Nước được lưu thông liên tục do thai nhi nuốt nước ối vào và tái hấp thu qua da thai nhi, qua màng ối và dây rốn, sau đó mới bài tiết ra ngoài.

Trong túi ối chứa nhiều chất dinh dưỡng, kháng thể, hormone và các chất lỏng khác nhằm mục đích bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi phát triển khỏe mạnh. Khi thai nhi được khoảng 34 tuần, lượng nước ối trong bụng mẹ khoảng 800ml. Ở mức cao nhất sẽ đo được khoảng 1000ml. Sau tuần thứ 36, lượng nước sẽ giảm dần để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Nếu lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra những vấn đề sức khỏe ở cả mẹ và thai nhi. (1)

nước ối giúp bảo vệ thai nhiNước ối giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ sự sống còn và phát triển của thai nhi

Nước ối có tác dụng gì?

Ngay từ những ngày đầu của thai kỳ, nước ối đã đảm nhận chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau được hình thành, nước ối sẽ giữ các thành phần dinh dưỡng và các chất quan trọng để đảm bảo sự sống còn và phát triển khỏe mạnh của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi từ 34 tuần tuổi trở lên sẽ hấp thu khoảng 300-500ml nước vào ruột mỗi ngày để góp phần tạo thành phân su, hấp thu nước ối vào máu để góp phần cân bằng dịch trong cơ thể, một phần khác tạo thành nước tiểu của thai nhi. (2)

Nước ối còn đảm nhận chức năng bảo vệ, che chở cho thai nhi tránh khỏi những sang chấn, va chạm với môi trường bên ngoài. Bảo vệ môi trường vô trùng cho thai nhi trong túi ối, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.

Xét về mặt cơ học, nước ối tạo nên môi trường thuận lợi cho thai nhi được phát triển hài hòa các cơ quan và bình chỉnh ngôi thai trong ống dinh dục của mẹ vào những tháng cuối thai kỳ.

Bước vào giai đoạn chuyển dạ sắp sinh, nước ối sẽ tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn do cơn co tử cung và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Nước ối góp phần tạo nên đầu ối nong cổ tử cung của mẹ, giúp sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn. Khi mẹ bị vỡ ối, tính nhờn của nước sẽ bôi trơn đường sinh dục, giúp mẹ sinh nở dễ dàng hơn.

Nước ối có màu và mùi gì?

Ở giai đoạn đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong, khi thai nhi lớn dần màu sắc nước ối sẽ dần trắng dục do chứa nhiều chất gây nên. Đến khi thai nhi đã trưởng thành tầm khoảng tuần thứ 38 trở đi, nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống với nước vo gạo.

Khi mẹ thấy nước ối có màu nâu hoặc xanh lá cây, điều này cho thấy thai nhi đã đi ngoài phân su vào trong nước ối trước khi chào đời. Phân su là cách gọi cho lần đi tiêu đầu tiên của trẻ sơ sinh. Sự có mặt của phân su có thể gây ra những vấn đề hô hấp ở trẻ, gọi là hội chứng hít phân su khi phân su đi vào trong phổi. Một số trường hợp trẻ sơ sinh cần được can thiệp điều trị ngay sau khi chào đời.

tình trạng lẫn phân suNước ối có màu xanh lá cây hoặc nâu báo hiệu tình trạng lẫn phân su cần điều trị ngay để tránh nguy hiểm cho trẻ

Lượng nước ối bình thường là bao nhiêu?

Lượng nước ối trong bụng mẹ sẽ thay đổi ở từng giai đoạn thai kỳ để đảm bảo sự phát triển ổn định và an toàn cho thai nhi. Bác sĩ có thể ước tính lượng nước bằng cách cảm nhận trực quan chiều cao và độ to của bụng, bụng mẹ chắc hay lỏng lẻo. Kết hợp với phương pháp sờ nắn bụng, kiểm tra bề cao tử cung có tương thích với số tuần tuổi của thai nhi. Áp dụng thêm phương pháp siêu âm để kiểm tra lượng nước ối trong bụng mẹ. (3)

Có 2 thông số dùng để đánh giá lượng nước ối trong bụng mẹ là chỉ số nước ối (AFI) và túi dọc tối đa (MPV). Thông qua kiểm tra, bác sĩ sẽ có đánh giá lâm sàng, kết luận lượng nước nhiều hay ít để có can thiệp kịp thời, bảo vệ sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Thông thường, chỉ số nước ối ở các tuần thai như sau:

  • Khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ: lượng nước khoảng 350ml.
  • Tuần thứ 25-26 của thai kỳ: lượng nước khoảng 670ml.
  • Tuần thứ 34-36 của thai kỳ: lượng nước khoảng 800ml, tối đa là 1000ml.
  • Từ tuần thứ 36 trở đi lượng nước ối sẽ giảm dần đến ngày dự sinh vào tuần thứ 40-42: lượng nước khoảng 540-600ml.

Một số hiện tượng bất thường của nước ối

Nước ối đảm nhận vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi phát triển khỏe mạnh. Vì thế, bất kỳ hiện tượng bất thường nào ở lượng nước ối đều gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thai nhi. Thường gặp nhất là:

1. Thiểu ối

Thiểu ối (tên gọi trong y khoa là Oligohydramnios) là tình trạng lượng nước ối thấp hơn so với bình thường, xảy ra khi chỉ số AFI < 5cm (chỉ số bình thường là 5-25cm) và MPV < 2cm. Thống kê cho thấy, thiểu ối xảy ra ở 4% tổng số ca mang thai và 12% đối với các ca mang thai quá ngày.

Tình trạng thiểu ối thường xảy ra ở những thai phụ có tiền sử bệnh lý như từng mang thai chậm phát triển, nạo phá thai, tiền sản giật, tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus, mang đa thai, thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh như sinh già tháng, bất thường thận…

Thiểu ối có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, đáng lo ngại nhất nếu xuất hiện trong 6 tháng đầu vì tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh. Nếu thiểu ối trong 3 tháng cuối, thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của thiểu ối nhằm đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết như:

  • Đo tim thai khi nghỉ ngơi và di chuyển.
  • Siêu âm phát hiện các cử động của thai, trương lực cơ, nhịp thở và lượng nước ối.
  • Theo dõi số lần đá chân của thai nhi.
  • Siêu âm Doppler kiểm tra lưu lượng máu trong thai nhi.

Đối với trường hợp thiểu ối nhẹ, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ uống nước dừa khoảng 2-3 lần mỗi tuần để tăng lượng nước ối, cũng như làm sạch nước ối trong bụng mẹ. Uống nhiều nước hàng ngày cũng cải thiện tình trạng thiểu ối ở mẹ bầu.

Với những trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ sinh sớm để bảo vệ sự an toàn cho cả hai mẹ con. Nguyên do bởi tình trạng thiểu ối có thể khiến mẹ vỡ ối sớm mặc dù chưa đến ngày dự sinh, thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng ối, nhiễm trùng huyết… đe dọa tính mạng.

các tình trạng bất thường của túi ốiMinh họa tình trạng thiểu ối và đa ối ở mẹ bầu

2. Đa ối

Đa ối (tên gọi trong y khoa là Polyhydramnios) là tình trạng có quá nhiều nước ối trong bụng mẹ, xảy ra khi chỉ số AFI > 24cm và MVP > 8cm. Theo American Pregnancy Association, đa ối xảy ra ở 1% các trường hợp mang thai. (4)

Đa ối thường gặp ở những mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai và một số bất thường ở hệ thần kinh trung ương của thai nhi như não úng thủy, thoát vị màng não, thai vô sọ, cột sống chẻ đôi… Ngoài ra, đa ối cũng có thể xuất phát từ bệnh lý của màng ối, bánh nhau, dây rốn, thai nhi to, phù nhau thai, hoặc các bệnh lý của mẹ như đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa…

Các triệu chứng đặc trưng khi bị đa ối gồm đau bụng, khó thở do tử cung mở rộng hoặc bụng nhô cao quá nhanh và xuất hiện các cơn đau tức đột ngột. Đa ối nếu không được can thiệp xử trí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai như như vỡ ối sớm, nhau bong non, thai chết lưu, sinh non, dị tật thai nhi, dây rốn quấn cổ hoặc băng huyết sau sinh.

Để phát hiện sớm tình trạng đa ối trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose hoặc siêu âm thường xuyên để theo dõi lượng nước ối trong tử cung. Với trường hợp đa ối nhẹ bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, mẹ không cần lo lắng. Nếu đa ối nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối để rút bớt nước ối chỉ giữ lại mức cần thiết.

3. Rò rỉ nước ối

Một số trường hợp mẹ bầu sẽ bị rò rỉ nước ối vào những tuần cuối của thai kỳ. Cũng theo American Pregnancy Association, cứ 10 phụ nữ mang thai sẽ có 1 người bị rò rỉ nước tiểu. Tuy nhiên mẹ cần phân biệt với tình trạng són tiểu vì khi mang thai, tử cung đè lên bàng quang cũng khiến nước tiểu rò rỉ ra ngoài. Bên cạnh đó, các tuyến trong cổ tử cung và mô âm đạo sẽ tăng sản xuất dịch âm đạo để giúp thai nhi dễ dàng di chuyển qua ống sinh.

Hướng dẫn mẹ cách phân biệt nước ối, nước tiểu và dịch tiết âm đạo thông qua màu sắc và mùi. Nếu nhận thấy chất lỏng trong suốt và không mùi, đó là nước ối. Nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc vàng sẫm và mùi khai đặc trưng. Dịch âm đạo có màu trắng, nhầy dính như lòng trắng trứng.

Tuy nhiên, nếu thấy chất lỏng rò rỉ ra ngoài có màu xanh lá cây hoặc nâu, đó chính là biểu hiện của sự hiện diện phân su hoặc vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng nước ối. Lúc này, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.

hiện tượng rò rỉ nước ối

4. Vỡ ối sớm

Vỡ ối sớm là tình trạng màng ối bị vỡ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Phụ thuộc vào thời điểm vỡ ối sớm mà gây ra những hậu quả nhất định, ối vỡ càng sớm càng gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.

Có 2 dạng vỡ ối sớm là vỡ ối khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ (còn gọi là vỡ ối non) và vỡ ối khi đã chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở. Vỡ ối sớm cảnh báo tình trạng sinh non, nếu không được can thiệp kịp thời có thể đe dọa tính mạng hoặc sự phát triển thể chất của trẻ về sau.

Vì thế, khi thấy âm đạo rò ối dù chưa đến ngày dự sinh, mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế để được nhập viện và theo dõi. Trong lúc đó, tuyệt đối không được đưa bất cứ vật gì vào trong âm đạo bởi có thể gây nhiễm trùng và gây hại cho thai nhi.

Có thể thấy, nước ối giữ nhiều vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống còn và phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Chính vì thế, mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ hoặc được chỉ định riêng để được theo dõi chỉ số nước ối thường xuyên, phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời những bất thường để hạn chế tối đa những biến chứng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và sự an toàn của thai nhi. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn và đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm cần thiết cũng là cách giúp mẹ tránh được những bất thường của nước ối.

Trung tâm Sản Phụ khoa là một trong những chuyên khoa mũi nhọn tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, đặc biệt là hệ thống máy siêu âm hình thái 3D, 4D, siêu âm màu Doppler, siêu âm thế hệ mới nhất Voluson E10; thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra cần thiết trong thai kỳ như Double Test, Triple Test, NIPT; triển khai đa dạng dịch vụ thai sản cho mẹ bầu như gói thai sản trọn gói, thai sản theo yêu cầu, sinh con trọn gói… giúp mẹ an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở nhẹ tênh, an toàn, mẹ tròn con vuông.

Ngoài ra, Trung tâm Sản Phụ khoa còn liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện như Trung tâm Sơ sinh, khoa Nhi, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… Đội ngũ bác sĩ Sơ sinh túc trực tại phòng sinh, sẵn sàng đón bé và chăm sóc bé toàn diện ngay từ khi chào đời, sàng lọc 73 bệnh lý và dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh giúp trẻ có sức khỏe và nền tảng phát triển tốt nhất trong tương lai.

bác sĩ sơ sinh bệnh viện tâm anhBác sĩ Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM chăm sóc bé ngay sau sinh và theo dõi sát sao những ngày bé lưu trú tại viện

Để được tư vấn các gói thai sản và sinh con tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Các câu hỏi thường gặp

1. Uống nước có làm tăng thể tích nước ối không?

Các chuyên gia Sản khoa thường khuyến cáo mẹ bầu tăng cường uống nước nếu mẹ rơi vào tình huống thiểu ối. Những loại nước có thể bổ sung là nước lọc, nước hoa quả, nước dừa hoặc thức ăn lỏng như cháo, canh, soup. Nhìn chung, việc uống nhiều nước khi mang thai không gây hại, nhưng mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ theo dõi thai kỳ để được tư vấn phù hợp cho thai kỳ của mình.

2. Thai nhi có thể sống nếu thiếu nước ối không?

Chắc chắn là không. Thai nhi làm tổ trong tử cung của người mẹ, nằm trong túi ối và được bao quanh bởi nước ối. Chúng chứa các chất dinh dưỡng, hormone, kháng thể và các chất cần thiết để nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Nói cách khác, thai nhi cần nước ối để tồn tại và phát triển. Tùy vào tuổi thai mà thai nhi sẽ cần lượng nước ối khác nhau.

3. Thai nhi có uống hay thở được trong nước ối không?

Thai nhi hấp thu nước ối để tập nuốt và phát triển hệ tiêu hóa. Ngoài ra, khi ở trong tử cung của mẹ, thai nhi sẽ tập các cử động như tập thở để phát triển phổi và làm quen cách thở khi rời khỏi bụng mẹ.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ bầu nắm rõ nước ối là gì và có tác dụng gì, từ đó tuân thủ đầy đủ các mốc khám thai để được theo dõi chặt chẽ lượng nước trong thai kỳ, bảo vệ sức khỏe bản thân và con yêu. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!