Thôn đồng linh 1 xã thuận tiên tỉnh thanh hóa

Là vùng đất “hai vua”, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê, Thọ Xuân có hệ thống các di tích lịch sử phong phú. Từ nơi nền sinh thánh trên đất làng Trung Lập, xã Xuân Lập đến núi rừng Lam Sơn đã sinh ra Lê Đại Hành, Lê Lợi và còn biết bao hào kiệt, mãnh tướng, khai quốc công thần. Mảnh đất ấy không chỉ mang cất một phần lịch sử dân tộc mà còn luôn giữ ngọn lửa cách mạng trong đời sống hôm nay.

Thôn đồng linh 1 xã thuận tiên tỉnh thanh hóa
Ngôi nhà của ông Trịnh Khắc Sản, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, ở thôn Long Linh Ngoại 1 (xã Trường Xuân).

Ngược dòng lịch sử

Cách đây 93 năm, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, giữa tháng 6-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về Thanh Hóa, chắp nối liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong tỉnh, lựa chọn kết nạp các hội viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng được 2 chi bộ cộng sản (Chi bộ Hàm Hạ ở Đông Sơn và Chi bộ Thiệu Hóa).

Ngày 22-7-1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân được tiến hành. Đồng chí Lê Văn Sĩ được cử làm bí thư chi bộ. Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức nông hội đỏ, phát triển đấu tranh chống áp bức bóc lột. Sự ra đời của Chi bộ Thọ Xuân góp phần tạo nên nền tảng để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Không lâu sau đó, ngày 29-7-1930, Hội nghị đại biểu các chi bộ đã được tổ chức tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ. Hội nghị gồm 11 đồng chí, thành lập ra tổ chức Đảng bộ Cộng sản Thanh Hóa, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.

Từ năm 1934 đến 1940, với sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí cán bộ đảng viên, đặc biệt là các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Thanh Hóa, các địa phương trong huyện Thọ Xuân đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh. Đó là phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ của người dân làng Phong Cốc (xã Xuân Minh) đòi nhà cầm quyền phải xử lý thích đáng tên Tây Đoan Béc-nác-đơ (Bernardet); biểu tình đòi tiền công đắp đường đã diễn ra ở làng Xá Lê (Xuân Minh), Phú Hậu (xã Thọ Trường, nay là xã Trường Xuân)... Ngoài ra, hơn 2.000 quần chúng cách mạng từ các làng, xã trong huyện đã tập trung ở cầu Phúc Như (nay thuộc xã Bắc Lương) tiến về chợ Neo tổ chức mít tinh. Từ đó tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tạo thành lực lượng cách mạng rộng lớn, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945.

Với những đóng góp to lớn trong giai đoạn cách mạng trước năm 1945, Thọ Xuân đã được Đảng, Nhà nước công nhận 399 cán bộ lão thành cách mạng; truy nhận 193 cán bộ lão thành cách mạng và 2 cán bộ tiền khởi nghĩa đã từ trần; 12 thôn, làng và 56 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương, hơn 200 gia đình được tặng Bằng có công với nước; cụm thôn, làng với 13 điểm tại xã Xuân Minh và thôn Kim Ốc, xã Xuân Hòa là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia...

Về thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường ở xã Thọ Lập, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, được ngắm nhìn biểu tượng khu di tích với hình tượng trống đồng - chim hạc - cờ búa liềm, thể hiện tinh thần giữ gìn truyền thống về văn hóa dân tộc; tượng trưng cho 3 chi bộ hợp nhất thành lập Đảng bộ tỉnh, chúng tôi phần nào hiểu thêm về khí phách, thế bứt phá vươn lên của đất và người nơi đây. Những câu chuyện lịch sử, những con người anh dũng kiên cường đã khơi nguồn và tạo nên sức mạnh để lớp lớp các thế hệ sau học hỏi làm theo.

Khơi nguồn nội lực

Phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám, những năm gần đây, thực hiện chương trình XDNTM, bằng sự cố gắng, nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, huyện đã có 11/30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã và 12 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Mục tiêu phấn đấu của huyện Thọ Xuân là đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024, đến năm 2025 trở thành một trong 3 huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh và đến trước năm 2030 trở thành thị xã.

Thôn đồng linh 1 xã thuận tiên tỉnh thanh hóa
Một góc làng Thuần Hậu, xã Xuân Minh.

Tự hào nói với chúng tôi về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng trên địa bàn huyện, ông Đỗ Huy Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Minh cho biết: Xã Xuân Minh là nơi có nhiều điểm di tích nhất trên địa bàn huyện. 13 điểm của Cụm di tích cách mạng Xuân Minh đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993.

Sinh ra ở làng Thuần Hậu, 1 trong 3 làng của xã Xuân Minh đã được Đảng và Nhà nước tặng “Bằng có công với nước”, ông Đỗ Huy Hùng ghi nhớ các sự kiện liên quan đến làng mình. Ông nói: "Từ năm 1885, nghe theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, Đỗ Tri Phương - một văn thân yêu nước của làng Thuần Hậu đã dựng cờ tập hợp lực lượng Nhân dân ở các làng của xã Xuân Minh chuẩn bị mọi điều kiện tham gia vào phong trào chống thực dân Pháp. Lúc ấy, làng Thuần Hậu là một căn cứ tập kết lực lượng của nghĩa quân. Từ năm 1930 trở đi, trên đất làng Thuần Hậu đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tại nhà các ông Đỗ Huy Trinh, nhà ông Đỗ Huy Kính, nhà ông Đỗ Huy Trai... góp phần vào sự hình thành và phát triển các tổ chức đảng, mở ra một thời kỳ mới cho quê hương Xuân Minh nói riêng, huyện Thọ Xuân nói chung".

Trong những năm qua, thôn Thuần Hậu nói riêng, xã Xuân Minh nói chung đã quyết tâm phấn đấu XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến nay, các tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu về cơ bản đã hoàn thành. Thôn Thuần Hậu có 260 hộ/970 nhân khẩu, trong đó có 58 đảng viên, thu nhập bình quân đạt 69 triệu đồng/người/năm. “Điểm thuận lợi nhất trong việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là người dân thôn Thuần Hậu luôn phát huy tinh thần cách mạng, bà con ngoài sự đồng thuận, thống nhất cao; còn quyết tâm cao độ trong việc xây dựng cơ sở vật chất như nhà văn hóa thôn, hệ thống dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, các sân bóng chuyền; các gia đình đều thực hiện tốt phương châm xanh, sạch, đẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ”, ông Đỗ Huy Trụ, trưởng thôn Thuần Hậu cho biết.

Không có được vị trí thuận lợi như xã Xuân Minh, lại vừa thực hiện việc sáp nhập (từ 3 xã Thọ Trường, Xuân Tân và Xuân Vinh), xã Trường Xuân hiện nay so với các xã khác trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn khá nhiều khó khăn. Có nhiều năm gắn bó với người dân xã Trường Xuân, ông Trịnh Bá Hậu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trong những năm tháng cách mạng sục sôi, vùng đất này đã vinh dự được đón nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng. Long Linh trở thành nơi đứng chân quan trọng của Đảng bộ tỉnh trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật từ những năm 1930-1945. Chính vì vậy mà kẻ thù đã gọi nơi này là “sào huyệt cộng sản” và đàn áp, khủng bố rất ác liệt”.

Cụm di tích cách mạng Long Linh có 3 địa điểm, trong đó nhà ông Trịnh Khắc Sản là địa điểm liên lạc của các chiến sĩ cộng sản. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra sự kiện quan trọng thành lập tổ chức Tân Việt (1927-1928) và là nơi tụ họp của các cán bộ chủ chốt đảng Tân Việt ở Thanh Hóa, của Xứ ủy và Tỉnh ủy trong quá trình củng cố và khôi phục Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1932-1936. Đây cũng chính là trụ sở in báo “Hồn Lao động” của Tỉnh ủy lâm thời năm 1934. Từ năm 1930 đến 1945, nhà ông Trịnh Khắc Sản là địa chỉ tin cậy mà nhiều đồng chí hoạt động cách mạng của Xứ ủy và Tỉnh ủy đã đến hoạt động và chỉ đạo phong trào, đồng thời là địa điểm thành lập “Hội Phụ nữ Giải phóng” tỉnh Thanh Hóa (tháng 2-1935) - tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Tính, Trưởng thôn Long Linh Ngoại 1 cho biết: Hiện tại thu nhập trung bình của bà con trong xã là trên 54 triệu đồng/người/năm. Khó khăn là vậy, song 3 năm liền thôn liên tục đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường luôn được chú trọng. Vào ngày lễ và các ngày cuối tuần, bà con trong thôn dọn dẹp vệ sinh môi trường các điểm di tích lịch sử cách mạng".

Kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, 78 năm ấy là cả hành trình dài của sự quyết tâm và nỗ lực để Đảng bộ và Nhân dân huyện Thọ Xuân có được “trái ngọt”.

Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) - Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” (NXB Thanh Hóa, 2020).