Thuận lợi và khó khăn của nhà thuốc bệnh viện

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2019, tất cả các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Cơ sở nào không kết nối được coi như chưa cấp phép, buộc đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ kết nối dữ liệu đạt rất thấp.

Thuận lợi và khó khăn của nhà thuốc bệnh viện

Tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu tại các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Khả Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư y tế Nhật Quang, cho biết: Hiện các quầy thuốc của công ty đều đã kết nối liên thông dữ liệu. Việc kết nối này giúp ích rất nhiều trong quản lý nguồn gốc xuất xứ các lô thuốc nhập của công ty dựa trên dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, do dữ liệu dược quốc gia về các loại thuốc chưa đầy đủ, dữ liệu giữa quầy thuốc với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) chưa đồng bộ, nên quá trình nhập dữ liệu cũng như thực hiện bán thuốc theo đơn gặp khó khăn.

Theo một số nhà thuốc, nhiều loại thuốc bán phổ biến trên thị trường nhưng vẫn chưa có tên, hình ảnh trong dữ liệu dược quốc gia. Hiện phần lớn bác sĩ kê đơn ở các cơ sở KCB Nhà nước, do đó, để có 1 đơn thuốc cho một bệnh nhẹ, người dân lại phải tìm đến cơ sở y tế với các thủ tục chờ khám, xét nghiệm rất mất thời gian, nên phần lớn người mua thuốc không có đơn. Các cơ sở KCB chưa kết nối liên thông với các cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh, khi kê đơn, theo tâm lý, người bệnh hầu hết mua thuốc trong nhà thuốc bệnh viện, rất ít người cầm đơn ra các nhà thuốc khác để mua, nên việc tiếp cận đơn thuốc của các nhà thuốc ngoài bệnh viện rất khó khăn. Trong khi đó, các quầy thuốc trên địa bàn vẫn chưa kết nối liên thông dữ liệu, dẫn đến cạnh tranh trong kinh doanh, bắt buộc các nhà thuốc vẫn bán thuốc không có đơn.

Qua khảo sát tại một số nhà thuốc trên địa bàn tỉnh, tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thuốc vẫn diễn ra phổ biến. Chị L.T.D chủ nhà thuốc trên địa bàn TP Sầm Sơn cho biết: Hơn 9 tháng nay đã liên thông kết nối, nhưng gặp nhiều khó khăn. Vì khách hàng đến mua thuốc có đơn thuốc của bác sĩ không nhiều...

Còn theo “thổ lộ” của chị H.T.M, chủ một nhà thuốc tư nhân trên địa bàn TP Thanh Hóa: Mặc dù đăng ký tài khoản liên thông kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia đã hơn 9 tháng nay nhưng việc này chỉ là hình thức. Theo quy định bán thuốc kê đơn phải khai trên hệ thống, tuy nhiên nếu theo đơn có khi cả tuần chỉ được vài đơn. Tâm lý chung của người dân là ngại đến bệnh viện; hắt hơi, sổ mũi hay viêm họng là đến hiệu thuốc mua vài viên kháng sinh về uống. Dù kháng sinh là thuốc kê đơn nhưng nếu mình từ chối bán vì không có đơn thuốc thì “khách hàng” sẽ lại đi quầy thuốc khác mua và như thế sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng, nên vẫn phải “chiều” khách hàng.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.101 cơ sở kinh doanh dược, 98 cơ sở bán buôn thuốc đạt chuẩn GDP, 3.168 cơ sở bán lẻ thuốc đạt GPP (trong đó có 386 nhà thuốc và 2.782 quầy thuốc), 563 tủ thuốc trạm y tế (không tính 71 trạm y tế phường, thị trấn). Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về dược đã được chú trọng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống bán lẻ thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm; các cơ sở đã chú trọng củng cố về hạ tầng công nghệ thông tin để bán hàng và có thể truy xuất được nguồn gốc hàng hóa.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” theo Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7-9-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, nhằm tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế, ngành y tế đã phối hợp với UBND các địa phương tuyên truyền, vận động, yêu cầu, hướng dẫn các quầy thuốc, nhà thuốc cài đặt, sử dụng phần mềm kết nối liên thông nhà thuốc; thành lập tổ công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông, thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối của các nhà thuốc và việc kê đơn thuốc, giá bán kê đơn; mở các lớp tập huấn nhằm phổ biến tới các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh về chủ trương thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc phải có đơn chỉ định của bác sĩ; tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn cài đặt kết nối mạng cho các đơn vị cung ứng thuốc... Tuy nhiên việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa thực sự nghiêm túc; hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu tại các cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động không thường xuyên; việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống dược quốc gia phần lớn các cơ sở đang thực hiện mang tính đối phó; tình trạng thuốc phải bán theo đơn nhưng không có đơn vẫn bán khá phổ biến.

Trao đổi với ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế được biết, với mục tiêu hướng tới là tất cả các cơ sở bán buôn thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm tin học, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Việc triển khai kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc sẽ góp phần đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ưu điểm khi kết nối sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc cũng như việc bán thuốc kê đơn rất rõ ràng. Đó là cho phép nhà thuốc truy xuất nguồn gốc của thuốc; hạn chế trường hợp thuốc không rõ nguồn gốc; việc xuất, nhập kho bán hàng được nhà thuốc thực hiện dễ dàng, thuận tiện; kiểm soát tốt sản phẩm thuốc tồn kho. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn rất nhiều trong thực thi nhiệm vụ. Đối với người bệnh, sẽ kiểm soát giá thuốc; tra cứu thông tin thuốc, truy xuất hóa đơn bán thuốc, truy xuất hạn sử dụng cho từng lô thuốc; cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả, từ đó hạn chế dần tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý tiềm ẩn nguy cơ mắc các chứng bệnh khác...

Tuy nhiên, công tác quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, tăng khối lượng công việc khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm... Bên cạnh đó một số quầy thuốc, trình độ cập nhật thông tin trên hệ thống máy tính còn hạn chế nên dù có cài phần mềm cũng không sử dụng; ý thức chấp hành chưa đầy đủ nên tỷ lệ cập nhật dữ liệu đạt thấp. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các nhà thuốc chưa cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối theo đúng lộ trình bởi đây là quy định bắt buộc để cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra, hạn chế tình trạng bán thuốc không có đơn. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo thẩm quyền.

Bài và ảnh: Tô Hà

Việc xây dựng lộ trình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP đang được dư luận quan tâm và công việc này tại TP. Hồ Chí Minh - một thị trường dược phẩm lớn nhất cả nước đang gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Chúng ta cùng gặp gỡ trao đổi với PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan (PGS.TS. PKPL) - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

PV: Hiện nay việc triển khai đang ở chặng đường nào, thưa PGS?

Thuận lợi và khó khăn của nhà thuốc bệnh viện

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan.

PGS.TS. PKPL: Tính đến giữa tháng 12/2008, đã có 104 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên địa bàn thành phố. Về cơ bản chúng tôi gần hoàn thành mục tiêu triển khai GPP cho các nhà thuốc trong bệnh viện: đã có 52 nhà thuốc tại các bệnh viện, phòng khám được cấp giấy chứng nhận GPP trong đó tập trung hầu hết các bệnh viện lớn của trung ương và thành phố, cả bệnh viện công lập và ngoài công lập, ngoài ra những cơ sở còn lại đều đã hoàn thiện quy trình và đang nộp hồ sơ chờ thẩm định. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì các nhà thuốc bệnh viện thành phố chiếm 65-70% thị phần dược phẩm, tập trung nhiều thuốc đặc trị, thuốc giá trị lớn. Kiểm soát được hệ thống này, coi như chúng tôi đã thành công được hơn một nửa. Đây mới chỉ bước đầu song các đơn vị kinh doanh đã chứng tỏ họ đã thay đổi phương thức kinh doanh mới, hiện đại và bảo đảm chất lượng. Đối với địa bàn dân cư, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Dược học TP. Hồ Chí Minh, các công ty sản xuất kinh doanh dược, chúng tôi đang tiến hành tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các nhà thuốc tư nhân thực hiện GPP. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xúc tiến thành lập Hội các nhà thuốc GPP để có diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hoạt động và đề xuất các chính sách.

PV: Thưa PGS, trong quá trình triển khai các nhà thuốc ở TP. Hồ Chí Minh thường gặp phải những thuận lợi và khó khăn gì?

PGS.TS. PKPL: Thuận lợi lớn nhất chính là đội ngũ dược sĩ yêu nghề, luôn trăn trở trước thực trạng bất cập của hệ thống phân phối nên đã đồng thuận, quyết tâm làm GPP. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung thị trường dược phẩm của cả nước, có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh dược trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, bản thân các doanh nghiệp chân chính - sản xuất hay phân phối các sản phẩm chất lượng đã rất bức xúc trước các tồn tại của hệ thống bán lẻ, cho nên họ nhiệt tình ủng hộ chủ trương GPP bằng cách hỗ trợ Sở Y tế trong việc tập huấn, triển khai, quảng bá, cũng như ủng hộ các nhà thuốc GPP bằng các chính sách bán hàng ưu đãi. Ngoài ra còn phải kể đến tính chất năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, đã nhận thấy xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động nhà thuốc nên đã đầu tư lớn để xây dựng mô hình nhà thuốc chuỗi lần đầu tiên tại Việt Nam, chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Một số doanh nghiệp cũng lựa chọn việc hỗ trợ các bệnh viện xây dựng nhà thuốc GPP như một phương thức chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai GPP, chúng tôi cũng phải đối mặt với những thách thức lớn đó là nguồn nhân lực dược vừa thiếu lại vừa yếu, dù thành phố có đội ngũ dược sĩ đại học (DSĐH) cao nhất nước (3.956 DSĐH, tỷ lệ 4,9/10.000 dân) nhưng tập trung chủ yếu vào việc giới thiệu thuốc, tại các nhà thuốc vẫn phổ biến tình trạng cho thuê bằng. Đa số các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, khoa dược bệnh viện biên chế rất ít nhưng lại phải đảm đương quá nhiều công việc. Một khó khăn nữa là từ việc mua bán không hóa đơn chứng từ, kinh doanh thuốc tùy tiện của một số doanh nghiệp, cá nhân đã tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc triển khai GPP. Ngoài ra nhiều nhà thuốc đã triển khai GPP hiện đang gặp khó khăn vì thói quen của người tiêu dùng Việt Nam chưa chấp nhận việc mua thuốc đặc trị phải có đơn của bác sĩ, hơn nữa tâm lý còn e ngại của người dân, cho rằng thuốc tại nhà thuốc GPP sẽ đắt hơn. Những khó khăn đó không phải một sớm một chiều chúng ta có thể giải quyết được mà đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm lớn.

PV: Xin PGS cho biết người dân sẽ được hưởng lợi gì khi các nhà thuốc đạt GPP?

PGS.TS. PKPL: Nhà thuốc GPP giúp người dân được mua thuốc đảm bảo chất lượng (tránh được vấn nạn thuốc giả) với giá cả hợp lý, kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và có sự kiểm soát. Đây cũng chính là mục tiêu của cả ngành dược.

Thuận lợi và khó khăn của nhà thuốc bệnh viện

 Dược sĩ tư vấn cho người mua thuốc tại nhà thuốc GPP.

PV: Những bất cập trong việc triển khai nhà thuốc GPP thưa PGS?

PGS.TS. PKPL: Bất cập lớn nhất chính là sự tiến hành chưa đồng bộ giữa các ngành, giữa các địa phương. GPP là một chính sách đúng, làm GPP tức là thực thi Luật Dược. Bây giờ không còn là lúc đặt câu hỏi “Làm hay không?” mà phải là “Làm như thế nào? Làm đến đâu?”. Đáng tiếc là hiện nay vẫn còn phổ biến tình trạng ngồi chờ, hy vọng biết đâu Bộ sẽ gia hạn. Chúng tôi rất cần sự định hướng chính thức từ Bộ Y tế để tránh cách hiểu GPP theo kiểu máy móc, tô vẽ cho thật khó để rồi bàn lùi, hoặc cường điệu hóa những khó khăn của nhà thuốc GPP, nhất là khi còn tồn tại song song hai hệ thống GPP và non - GPP, làm nản chí mọi người. Chúng tôi cũng rất cần Cục Quản lý Dược ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, tổng kết kinh nghiệm theo đề xuất từ địa phương, ban hành các tài liệu... TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị bỏ quy định bắt buộc người giới thiệu thuốc phải là DSĐH hay bác sĩ, để định hướng sử dụng nhân lực hiệu quả hơn và tránh lãng phí, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về nguồn nhân lực cho GPP.

PV: Những nhà thuốc không đạt tiêu chuẩn GPP, Sở có những giải pháp gì để tạo điều kiện giúp đỡ họ?

PGS.TS. PKPL: GPP chỉ là những tiêu chuẩn cụ thể rút ra từ Luật Dược. Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, nên việc kinh doanh thuốc cũng phải đáp ứng những điều kiện đặc thù. Những nhà thuốc không đạt chuẩn GPP thật ra cũng là những nhà thuốc không bảo đảm quy chế dược, cần phải thấy trách nhiệm tự chuẩn hóa thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Năm 2009, Sở Y tế sẽ tập trung vào mảng nhà thuốc khu dân cư: Sở tổ chức tập huấn, đào tạo cho các nhà thuốc theo địa bàn từng quận huyện, Sở đào tạo các đội tư vấn, chuyên viên trực tiếp đến giúp các nhà thuốc làm GPP, Sở trang bị miễn phí và hướng dẫn cách sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc, Sở tăng cường tuyên truyền về các nhà thuốc đạt GPP... Chúng tôi không kỳ vọng chuẩn GPP hoàn thiện 100% nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, ít nhất các nhà thuốc cũng phải bảo đảm: thuốc có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, giá thuốc được kiểm soát và vai trò của dược sĩ. Như vậy có thể thấy để nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, cái cần nhất là thay đổi phương thức quản lý (phải sắp xếp, bảo quản thuốc hợp lý, phải kinh doanh thuốc hợp pháp, phải kiểm soát được hệ thống, phải nâng cao vai trò dược sĩ) chứ không nhất thiết phải đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất. Trong quá trình thẩm định, Sở Y tế phân biệt mức độ của nhà thuốc để đánh giá thích hợp, các yêu cầu đáp ứng có thể khác nhau giữa nhà thuốc chuỗi và nhà thuốc tư nhân ở khu dân cư.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS!

Bùi Nguyệt (thực hiện)