Thượng lưu trung lưu hạ lưu là gì

Sự lạc quan cao nhất khu vực của người VN, khi 96% người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu theo kết quả khảo sát về "Tầng lớp trung lưu không giới hạn" do Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo (HILL ASEAN) thực hiện vừa được công bố đã gây nên nhiều tranh cãi.

Nếu chỉ dựa vào nguồn thu nhập để xác định tầng lớp trung lưu liệu có đủ?

Khái niệm tầng lớp trung lưu được hiểu rất rộng

Trong bài trình bày của mình, ông Yusuke Yosoda, giám đốc phụ trách kế hoạch chiến lược của HILL ASEAN cho rằng tái định nghĩa về tầng lớp trung lưu là điều cần thiết cho mô hình “lối sống ước mơ” với quan điểm mới của tầng lớp trung lưu khu vực ASEAN.

Trước đây khái niệm trung lưu thường được xác định bằng thu nhập, nhưng nghiên cứu cho thấy một phân khúc lớn những người tự xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu. 

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh công ty Kantar World Panel, thông thường các công ty nghiên cứu thị trường sẽ có những tiêu chí riêng đánh giá tầng lớp trung lưu, ngoài yếu tố thu nhập, một số công ty còn đánh giá dựa trên nhà cửa, đồ dùng gia đình, thói quen sinh hoạt…

Tất cả nhằm mục đích đánh giá sức mua, khả năng chi trả của người tiêu dùng tiềm năng. Nhưng điều quan trọng nhất sau những tiêu chí này là suy nghĩ của họ về cuộc sống của mình.

Với người này có thể đảm bảo một cuộc sống cho con ăn học, cơm ngày ba bữa đầy đủ được xem là trung lưu nhưng với người khác, phải có nhà lầu, xe hơi, đi du lịch nước ngoài mới được xem là trung lưu.

Ý thức của người trả lời

Cái ý thức (mindset) của người trả lời trong các khảo sát rất quan trọng.

“Có một điểm cũng cần lưu ý là người VN tính sĩ diện cũng khá cao. Họ không thích bị nhìn nhận là người cực khổ cho dù nếu khai thu nhập, thì ai cũng đưa ra con số khá thấp so với thực tế” - ông Hoàng cho biết.

Thông thường ở VN, tầng lớp được xem là trung lưu nếu một hộ gia đình có thu nhập 20 triệu đồng/tháng trở lên, nếu trên 40 triệu đồng/tháng thì được xem là thu nhập cao.

Người VN vốn linh hoạt, xoay sở cuộc sống nên mức thu nhập bình quân này được xem là cao, đặc biết khi GDP của VN năm 2015 cũng chỉ khoảng 45 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, được xem như là thế hệ tiêu dùng trẻ, chị Bùi Huyền My, 33 tuổi, Công ty Gumi Việt Nam, TP.HCM, có một bé trai, cho biết thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chị đủ để chi tiêu dư dả nhưng lại chưa có nhiều để tiết kiệm.

“Quan điểm tiêu dùng của tôi là chia làm hai:  nếu chi tiêu cho con cái có mắc một chút miễn là đồ tốt thì không nề hà gì. Còn cho bản thân và gia đình thì dành hẳn riêng một khoản cố định hàng tháng để chi tiêu.

Phân định rạch ròi vậy nên tôi không nghĩ mình quá cực khổ để gọi là cuộc sống hạ lưu nhưng cũng không hẳn sướng như cuộc sống trung lưu, chúng cứ lấp lửng chứ chưa xác định hẳn ở tầng lớp nào” - chị My chia sẻ.

Theo chị My, nói như vậy để thấy, kết quả khảo sát gần đây về con số 96% cho thấy bản thân người tham gia khảo sát cũng hẳn sẽ rơi vào trường hợp như của chị, ít người VN nào dám nhận mình là hạ lưu.

“Quan điểm cuộc sống của tôi cũng khá rõ ràng, thích cái gì thì phải làm và mua cho bằng được chứ không để mình thèm thuồng, nên tôi cũng ủng hộ các hình thức trả góp, hay tiêu dùng ứng trước”, chị My nhấn mạnh.

Nhóm khảo sát của HILL ASEAN cũng cho rằng những người tham gia khảo sát ở VN tự xem mình thuộc tầng lớp trung lưu chia sẻ họ thường tìm ra cách sống và cách kiếm thu nhập để sống theo lối sống mơ ước mà không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có.

Phần lớn trong số họ tìm cách cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, chủ yếu bằng các nguồn thu nhập từ thứ hai trở đi ngoài công việc toàn thời gian đang làm. Họ muốn đầu tư nhiều hơn và chấp nhận rủi ro.

N.BÌNH

Theo thống kê từ Forbes, 400 người giàu nhất nước Mỹ có tài sản nhiều hơn tài sản của 150 triệu người ở tầng lớp lao động Mỹ cộng lại.

Vậy còn những người ở tầng lớp trung lưu thì sao, họ là ai? Bạn có thể được coi là thuộc tầng lớp trung lưu khi bạn không nghèo, nhưng cũng không giàu. Hiện nay, tầng lớp trung lưu đang bị thu hẹp lại, theo dữ liệu được tiết lộ trong hai thập kỷ qua. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn ít có khả năng nằm trong tầng lớp trung lưu trong tương lai. Bạn có khả năng là thuộc tầng lớp nghèo, hoặc giàu trong tương lai. Bạn muốn nằm ở tầng lớp nào?

Nếu bạn muốn mình sẽ thuộc vào tầng lớp giàu, hãy bắt đầu suy nghĩ như người giàu. Và dưới đây là 10 đặc điểm khác biệt giữa tầng lớp trung lưu và giàu, để bạn có thể học hỏi:

1. Tầng lớp trung lưu sống thoải mái, người giàu thì không

Tác giả người Mỹ Peter McWilliams nhận định: "Hãy sẵn sàng cho sự không thoải mái. Muốn thoải mái, cần phải không thoải mái trước đã. Điều này có thể là khó khăn, nhưng đó là cái giá rẻ để trả cho việc hiện thực hóa giấc mơ". Hay như nhà đầu tư Robert Arnott thì: "Với việc đầu tư, thứ đem lại sự thoải mái hiếm khi có lợi nhuận".

Thật thoải mái khi làm một công việc an toàn. Thật thoải mái khi làm việc cho người khác. Tầng lớp trung lưu nghĩ rằng thoải mái có nghĩa là hạnh phúc, nhưng người giàu nhận ra rằng điều phi thường xảy ra khi chúng ta đặt bản thân vào những tình huống không thoải mái.

Bắt đầu kinh doanh riêng là một sự mạo hiểm, và sự mạo hiểm có thể không dễ chịu chút nào, nhưng một chút mạo hiểm là những điều kiện cần để tạo ra sự giàu có, giúp đạt được kết quả vượt trội.

Nên bước ra khỏi "vùng an toàn" của bản thân và xem xét mọi lựa chọn của bạn. Bạn sẽ phải chấp nhận một chút không thoải mái nếu muốn trở nên giàu có. Thậm chí, bạn có thể sẽ phải thất bại, và điều đó thật tuyệt vời, bởi vì nếu không thất bại, bạn sẽ chẳng làm được gì nhiều.

2. Tầng lớp trung lưu tiêu nhiều tiền hơn số kiếm được, tầng lớp giàu tiêu ít hơn số kiếm được

Sẽ khó mà bắt gặp một triệu phú tầm trung đi chiếc xe 100.000 USD hay ở một ngôi nhà nhiều triệu USD. Người giàu thường không tiêu tiền của họ vào những thứ có giá trị khấu hao cao. Thay vì thế, họ chi tiền vào những tài sản có giá trị tăng theo thời gian và chi tiêu dưới mức mình kiếm được.

Trung bình, người giàu lái chiếc xe vài năm tuổi, không mua mới, theo những nghiên cứu được thực hiện trong cuốn The Millionaire Next Door. Ngay cả khi đủ tiền mua chiếc Escalade, họ cũng chẳng bỏ tiền ra mua nó. Nên nhớ, nếu bạn kiếm được một triệu USD mỗi năm mà tiêu hết số tiền đó thì bạn sẽ khánh kiệt thôi.

3. Tầng lớp trung lưu cố gắng để leo thang thăng chức, người giàu làm chủ chiếc thang đó

Nhà đầu tư Robert Kiyosaki nhận định: "Những người giàu nhất thế giới tìm kiếm và xây dựng các mạng lưới, còn những người khác thì tìm kiếm công việc".

Tầng lớp trung lưu có xu hướng làm việc cho người khác. Họ có một công việc, một nghề nghiệp. Trong khi đó, người giàu có xu hướng tự mình làm chủ doanh nghiệp. Họ sở hữu nấc thang chức vụ mà người thuộc tầng lớp trung lưu cố gắng đạt được. Người giàu hiểu rằng họ cần nhiều người lao động làm việc cho mình để kiếm ra nhiều tiền hơn. Người giàu cũng hiểu được sức mạnh của thu nhập thụ động.

4. Tầng lớp trung lưu làm bạn với tất cả mọi người. Người giàu chọn bạn khôn ngoan

Tỷ phú Warren Buffett phát biểu: "Nên chơi với những người giỏi hơn bạn. Chọn được cộng sự có năng lực tốt hơn bạn, và bạn sẽ tự khắc đi theo hướng đó".

Người giàu hiểu rằng khi ở bên những người thành công, thành công của chính họ sẽ đến ngay sau đó. Tương tự như vậy, việc ở bên những người không thành công cũng có thể có những ảnh hưởng như dự báo.

Thu nhập của bạn chính là trung bình thu nhập của ba người bạn thân nhất của bạn. Thế nên, nếu bạn muốn kiếm thêm tiền, hãy ở bên những người kiếm được nhiều tiền hơn. Đó chính là việc sắp xếp cho tư duy của mình cạnh tư duy của những người thành công. Nếu muốn giàu có, hãy tư duy làm giàu trước đã.

5. Tầng lớp trung lưu làm việc để kiếm tiền, người giàu làm việc để học hỏi

Robert Kiyosaki nhận định: "Khi bạn trẻ, làm việc để học hỏi chứ không phải để kiếm tiền".

Tầng lớp trung lưu dễ bị thuyết phục thay đổi công việc khi ai đó trả cho họ lương cao hơn. Nhưng người giàu hiểu rằng làm việc không phải vì tiền, nhất là trong những năm đầu. Đó còn là việc phát triển các kỹ năng và những phẩm chất mà bạn cần để trở nên giàu có. Điều đó có thể có nghĩa là làm việc bán hàng để hiểu rõ hơn về thế giới bán hàng. Hoặc làm việc tại một ngân hàng để hiểu rõ hơn về nghiệp vụ kế toán.

Nếu bạn muốn trở nên giàu có hơn, nên làm việc để học các kỹ năng cần thiết. Hầu hết những người giàu không đến với một công việc nào đó chỉ vì mức lương cao.

6. Tầng lớp trung lưu có nhiều thứ, người giàu chỉ có tiền

Diễn viên người Mỹ Will Rogers từng nhận định: "Quá nhiều người tiêu số tiền mà họ không kiếm được, mua những thứ mà họ không muốn, chỉ để gây ấn tượng với những người mà họ không thích".

Những chiếc xe đắt tiền, những ngôi nhà lớn, đó là mục tiêu mà những người tầng lớp trung lưu chi tiền ra. Lái xe qua một khu phố trung lưu, bạn thường sẽ thấy những chiếc xe mới coóng, những ngôi nhà đắt đỏ. Ngược lại với đó, người giàu hiểu rằng để trở nên giàu có, bạn phải muốn có tiền hơn là muốn có những thứ vật chất khác. Nếu bạn giữ thói quen mua sắm mọi thứ, tiền sẽ đi theo những thứ đó. Ví dụ, Warren Buffett sống trong căn nhà mua từ năm 1958, với giá chỉ 31.500 USD.

Nên ngừng việc mua sắm và bắt đầu tập trung vào việc tiết kiệm, đầu tư số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn là người nghiện mua sắm, hãy bắt đầu với việc mua sắm các tài sản. Nên quan tâm đến việc đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận cổ phiếu, thay vì giày dép, các thiết bị điện tử.

7. Tầng lớp trung lưu tập trung vào tiết kiệm, tầng lớp giàu tập trung vào việc kiếm tiền

"Tài sản lớn nhất của bạn chính là khả năng kiếm tiền. Nguồn lực giá trị nhất của bạn chính là thời gian", diễn giả Brian Tracy nhận định. Còn theo Benjamin Franklin thì: "Nếu bạn muốn giàu có, nên nghĩ về việc tiết kiệm cũng như kiếm tiền".

Tiền kiệm là quan trọng, nhưng đầu tư là quan trọng hơn, và kiếm tiền là nền tảng của cả hai điều đó. Bạn hiểu rằng bạn phải tiết kiệm và đầu tư, nhưng để đạt được những mục tiêu cao hơn với chúng, bạn sẽ phải kiếm nhiều hơn. Những người giàu hiểu điều này và không ngừng tạo ra các cách kiếm tiền, cũng như kiếm thêm nhiều tiền với những cách thức mà họ có.

Nếu bạn muốn trở nên giàu, hãy làm việc dựa trên khả năng kiếm tiền của bạn, chứ không phải khả năng tiết kiệm.

8. Tầng lớp trung lưu cảm tính với tiền bạc, còn người giàu lại lý trí

Tỷ phú Steve Siebold từng phỏng vấn 1.200 người giàu nhất thế giới trong 30 năm qua cho cuốn sách của mình "How Rich People Think", và theo ông, có hơn 100 sự khác biệt về cách người giàu nhìn nhận về tiền bạc so với người ở tầng lớp trung lưu.

Một trong những điểm khác biệt then chốt mà ông nhận thấy là người trung lưu nhìn tiền bạc cảm tính, còn người giàu lại nhìn nhận về tiền bạc qua góc độ logic. Việc đưa ra các quyết định tài chính cảm tính sẽ hủy hoại tài sản của bạn. Warren Buffett giải thích rằng việc đầu tư có liên quan nhiều đến việc kiểm soát những cảm xúc của mình, hơn là liên quan trực tiếp đến tiền. Cảm xúc là nguyên nhân khiến người ta mua cao, bán thấp, hay đưa ra những giao dịch kinh doanh nhiều rủi ro. Thế nên, cần phải gạt bỏ cảm xúc khỏi việc làm ăn và dùng lý trí.

9. Tầng lớp trung lưu đánh giá thấp tiềm năng của họ, còn giới nhà giàu đặt ra những mục tiêu lớn

Cầu thủ bóng chày nổi tiếng Bo Jackson khuyên: "Nên đặt cho bản thân những mục tiêu cao và không dừng lại cho đến khi đạt được nó".

Tầng lớp trung lưu đặt ra những mục tiêu an toàn, có thể đạt được. Trong khi đó, giới nhà giàu thường đưa ra những mục tiêu "bất khả thi", khó khăn, thậm chí là điên khùng. Nhưng họ hiểu mình có thể làm được, và điều này xuất phát từ việc có một tư duy đúng đắn.

Khi bạn lập ra cho mình những mục tiêu, nên hỏi bản thân xem liệu có thể đặt ra mục tiêu cao hơn không. Nên hỏi mình xem đó có phải là tất cả những gì mà bạn có thể làm không, hay bạn có thể làm tốt hơn?

10. Tầng lớp trung lưu tin vào sự làm việc chăm chỉ, người giàu tin vào "lực đòn bẩy"

Làm việc chăm chỉ là một điều cần thiết với tất cả mọi người. Nếu bạn muốn đạt đến đỉnh cao nào đó, bạn đều phải chăm chỉ dồn tâm sức vào đó. Vấn đề là chỉ sự chăm chỉ không thôi sẽ không khiến bạn giàu được. Bạn không thể giàu nếu "tự thân vận động". Cần phải sử dụng sức mạnh của đòn bẩy để trở nên giàu có hơn và duy trì sự giàu có ấy. Sức mạnh của đòn bẩy hoạt động theo nhiều cách, bao gồm sự đầu tư, sự hỗ trợ từ bên ngoài (outsourcing)... Càng kết hợp nhiều đòn bẩy, bạn sẽ càng có nhiều thời gian để làm những việc thực sự quan trọng trong cuộc sống hay công việc của mình.

Thùy Linh (Theo Lifehack)