Vai trò của ý thức trách nhiệm là gì?

Thạc sỹ: Lê Thị Thu Ngọc 

Giáo viên Phòng Ngoại ngữ - Tin học

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho Ta

Mà hãy hỏi Ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”

Câu nói đấy là nỗi niềm trăn trở lớn với những ai có trách nhiệm với bản thân,với công việc hay với xã hội nói chung. Nói đến trách nhiệm trong công việc đa số mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần đi làm đúng giờ, tan sở đúng giờ, không đi muộn, không về sớm đã là có trách nhiệm với công việc của mình. Nhưng thực ra yêu cầu về ý thức trách nhiệm đối với công việc rất nghiêm khắc. Một người dù làm bất cứ công việc gì, cũng nên có ý thức trách nhiệm đối với công việc của mình.

Ý thức trách nhiệm và trách nhiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn ý thức trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và nơi họ đang công tác. Mức độ ý thức trách nhiệm của một người quyết định thái độ làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc.

I. Khái niệm chung về trách nhiệm và ý thức trách nhiệm .

1. Trách nhiệm của một người là việc người đó phải đảm bảo một kết quả tốt xảy ra trong tương lai chính xác và kịp thời. Nếu không hoàn thành trách nhiệm là mắc lỗi, và người đó phải gánh chịu hậu quả không tốt do lỗi đó của mình.

a. Chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố:

* Yếu tố thứ nhất là dám nghĩ, dám làm

Nhận nhiệm vụ và có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy nhiệm vụ cho hoàn cảnh hay người khác.

* Yếu tố thứ hai là dám chịu (trách nhiệm)

Sẵn sàng nhận lỗi và gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi mình không hoàn thành nhiệm vụ, không đổ thừa cho hoàn cảnh hay người khác.

b. Ba loại trách nhiệm

Trách nhiệm chủ động 
      Trách nhiệm thụ động 

Trách nhiệm giả tạo

Trách nhiệm chủ động là việc chủ động nhận trách nhiệm từ chỗ nhận thức được trách nhiệm của mình. Ở đây có sự tham gia một cách có ý thức vào tiến trình ra quyết định nhận trách nhiệm.

Trách nhiệm thụ động là việc có trách nhiệm nhờ tác nhân bên ngoài. 

Động lực làm việc của một người sẽ càng cao, nếu người đó vừa có trách nhiệm chủ động lại vừa có trách nhiệm thụ động. 

Trách nhiệm giả tạo là việc dường như có trách nhiệm nhưng thực tế là không nhận trách nhiệm. Đây là việc nhận trách nhiệm ở bên ngoài, nhưng bên trong tư tưởng thì lại không thông, không thấy đó là trách nhiệm của mình, cảm thấy mình bị ép buộc phải nhận trách nhiệm. Những điều này dẫn tới việc bị stress, ức chế, bức xúc, bất mãn ngầm ở bên trong.

2. Ý thức trách nhiệm

Ý thức trách nhiệm (hay tinh thần trách nhiệm) là việc:

Nhận thức được mình phải làm , thực thi công việc có ý thức để đảm bảo một kết quả phải xảy ra trong tương lai một cách chính xác và kịp thời.

Nhận thức về việc nếu không hoàn thành công việc đó thì mình là người có lỗi và mình phải gánh chịu hậu quả không tốt xảy ra do không hoàn thành công việc đó.

Một cách có ý thức ra quyết định nhận trách nhiệm đó dựa trên lòng tự trọng hoặc dựa trên lợi ích của bản thân.

Nhìn bề ngòai thì ý thức trách nhiệm có nhiều loại như: ý thức trách nhiệm với bản thân; với người khác; với gia đình; với công việc; với tổ chức; với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên về mặt bản chất thì tất cả đều là những biểu hiện khác nhau của ý thức trách nhiệm với bản thân.

II. Tổng quan về tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, GV, NLĐ ở trung tâm:

Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa là một đơn vị tập hợp được những CB, GV, NLĐ ưu tú, có tinh thần làm việc trách nhiệm khá cao. Ở mỗi vai trò, vị trí khác nhau thì mỗi người đều thực hiện tốt ý thức trách nhiệm của mình trong công việc thể hiện ở những thành quả mà Trung tâm đã gặt hái được trong những năm qua. 

* Ưu diểm :

+ Trung tâm đã có một Ban lãnh đạo giàu lòng nhiệt huyết, tài năng, đầy tinh thần trách nhiệm với tổ chức, tập thể, đã không ngừng trăn trở, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tìm ra nhiều hướng đi mới giúp Trung tâm phát triển thích ứng trước tình hình mới, vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách.

+ Trung tâm cũng có một đội ngũ các lãnh đạo phòng ban có năng lực chuyên môn tốt, năng lực quản lý với tinh thần chủ động tích cực tham mưu trong công việc, hơn nữa đội ngũ này luôn có mong muốn được cống hiến hết mình  nên làm việc đầy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo. 

+ Đặc biệt trung tâm có một đội ngũ CB, GV và NLĐ có ý thức trách nhiệm với công việc. Trách nhiệm ở đây không phải chỉ là trách nhiệm với với cấp trên, với đồng nghiệp mà trước hết là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Sở dĩ như vậy là bởi vì đã ý thức được vai trò là người chủ công việc. Trách nhiệm với sự lựa chọn, trách nhiệm với những gì đã cam kết .

* Nhược điểm:

Thứ nhất một bộ phận CB,GV,NLĐ trung tâm còn chưa có trách nhiệm chủ động trong công việc. Còn chưa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc. Mới thực hiện tốt ở việc trách nhiệm thụ động, có nghĩa là thực hiện trách nhiệm do tác nhân bên ngoài.   

Thứ hai là chưa đề cao ý thức trách nhiệm với tổ chức. Khác với ý thức trách nhiệm với công việc là chỉ nhận trách nhiệm với những gì mình cam kết, ý thức trách nhiệm với tổ chức đạt đến mức độ trách nhiệm cao hơn. Đó là việc họ tự đặt ra cho mình trách nhiệm với cả những điều mình không cam kết. Có những sự việc không ai yêu cầu họ phải làm hay phải thực hiện, nhưng họ vẫn làm và tự thấy mình phải có trách nhiệm với những công việc đó. Những công việc đó thường là những sự hỗ trợ đồng nghiệp, đề ra những sáng kiến, ý kiến đóng góp cho cấp trên để công việc được tốt hơn. Những việc đó phát sinh khi  không chỉ quan tâm đến kết quả trong phần việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức, của cơ quan tập thể mình đang làm. Họ ý thức được sự gắn kết giữa quyền lợi cũng như lợi ích của tổ chức, của cơ quan với lợi ích của bản thân. Trong một số trường hợp, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích của cơ quan tập thể, vì họ thấy rõ bảo vệ lợi ích của cơ quan tập thể cũng chính là bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Họ thấy rõ đây chỉ là hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn .

 * Nguyên nhân

Trên thực tế thì có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan 

- Đối với CB,GV,NLĐ

+ Một số CB,GV,NLĐ ý thức kỷ luật chưa cao.

+ Một số CB,GV,NLĐ năng lực chuyên môn chưa đủ tốt, không linh hoạt sáng tạo để tìm ra điểm mới trong công việc tham mưu lên cấp trên kịp thời, cũng như dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc.

+ Chưa phát huy được tinh thần ý thức trách nhiệm chủ động trong công việc, còn đâu đó có những biểu hiện trách nhiệm giả tạo. Dường như có trách nhiệm nhưng thực tế là không nhận trách nhiệm. Đây là việc nhận trách nhiệm ở bên ngoài, nhưng bên trong tư tưởng thì lại không thông, không thấy đó là trách nhiệm của mình, cảm thấy mình bị ép buộc phải nhận trách nhiệm. Những điều này dẫn tới việc bị stress, ức chế, bức xúc, bất mãn ngầm ở bên trong khi thực hiên công việc.- Đối với các lãnh đạo các cấp

+ Thực hiện chức năng  giám sát đôi lúc còn lỏng lẻo, chưa sâu sát

+ Chưa khích lệ được tinh thần nâng cao ý thức trách nhiệm và cống hiến của nhân viên.

III Một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế và nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân tại Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.

1. Đối với mỗi CB,GV và NLĐ trung tâm 

Để nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân mỗi CB, GV và NLĐ trung tâm cần thực hiện 7  về thái độ và hành vi sau đây:

1. Tuân thủ nội quy, quy chế và các quy định của tổ chức

Là việc tuân thủ những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của lao động mà tổ chức xây dựng nên dựa trên những cơ sở pháp lý và các chuẩn mực đạo đức xã hội. 

2. Làm việc một cách tự giác

Là làm việc mà không cần phải chờ cấp trên giám sát, nhắc nhở, đôn đốc, thúc giục mới chịu làm. Chính mình tự giám sát mình, đôn đốc mình và thúc giục mình. Một trong những kết quả và cũng là dấu hiệu của làm việc tự giác là làm việc một cách tận tâm, cẩn thận, chu đáo và vẹn toàn.

3. Làm việc một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo

Là làm việc không theo một khuôn mẫu cứng nhắc mà biết ứng phó linh hoạt tùy theo tình huống, không chờ việc đến tay mới làm mà có những dự đoán trước, biết nhìn xa, trông rộng.

4. Luôn luôn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.

5. Có tinh thần đóng góp ý kiến, đóng góp công sức cho cấp trên, đồng nghiệp một cách tự nguyện, tự giác nhằm góp phần xây dựng tổ chức ngày càng tốt đẹp hơn.

6. Có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong phòng

7. Không đổ thừa hay đùn đẩy trách nhiệm qua cho người khác.

2. Đối với Lãnh đạo trung tâm

Yếu tố giúp tạo ra ý thức trách nhiệm cho người nhân viên là ý thức tổ chức kỷ luật. Nhờ có ý thức tổ chức kỷ luật mà người nhân viên ý thức được rất rõ về vai trò, quyền hạn cũng như trách nhiệm của mình đối với công việc, đối với tổ chức. Nhờ sự hiểu rõ về điều đó cộng với lòng tự trọng của mình họ sẽ tự nguyện tự giác làm theo, không có cảm giác bị ai ép buộc. Dù ở vị trí nào thì họ cũng ý thức được vai trò là người làm chủ công việc của mình. Chính điều này đem lại cho họ một thái độ làm việc cũng như cảm xúc tích cực trong công việc.

1.Điều kiện thứ nhất là xây dựng một tập thể ý thức tổ chức kỷ luật 

Ý thức tổ chức kỷ luật không chỉ đơn giản là tuân thủ nội quy, quy định và các quy chế làm việc của tổ chức, mà ý thức tổ chức kỷ luật còn là một lối sống, một phong cách sống trong công việc, trong tổ chức.  

Vì vậy cần làm tốt công tác tư tưởng chính trị để cho mọi CB, GV, NLĐ hiểu rõ :

• Ý thức tổ chức kỷ luật là gì?

• Lợi ích mà ý thức tổ chức kỷ luật mang lại cho bản thân và cho tổ chức là gì?

• Bản chất của công việc mình làm là gì? Là do mình đồng ý nhận làm, tự nguyện làm hay bị ép buộc phải làm?

• Vai trò của mình trong tổ chức, trong mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp ra sao?

• Quyền hạn của mình tới đâu?

• Trách nhiệm của mình như thế nào?

• Đâu là việc cá nhân của mình và đâu là công việc mình làm cho cơ quan tập thể?                                                                                           Nhờ đó người nhân viên sẽ đi đến sự chấp nhận làm theo và tự nguyện, tự giác điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, thái độ và cảm xúc của mình theo hướng của một người có ý thức tổ chức kỷ luật.

Rất nhiều người nhân viên thiếu ý thức tổ chức kỷ luật không phải vì họ cố ý vi phạm mà là vì họ có những nhận thức sai lầm về những điều nói trên. Một khi họ biết đâu là đúng, đâu là sai trong những điều trên thì họ sẽ tự động điều chỉnh bản thân cho phù hợp với nhận thức mới của họ về ý thức tổ chức kỷ luật. 

. Điều kiện thứ hai là xây dựng tập thể có lòng tự trọng

Có hiểu biết là một chuyện, còn có chấp nhận và làm theo nó không lại là một chuyện khác. Rất nhiều người nhân viên hiểu rõ và hiểu đúng về ý thức tổ chức kỷ luật, họ có thể trả lời chính xác các câu hỏi về ý thức tổ chức kỷ luật. Nhưng trong thực tế họ không làm theo những điều chính họ đã nói. Nguyên nhân là vì họ thiếu lòng tự trọng. Vì thiếu lòng tự trọng nên họ không giữ cam kết, không giữ lời hứa, dám làm mà không dám chịu, thường có xu hướng đổ thừa, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến làm việc kém hiệu quả.

Yếu tố quyết định khiến chúng ta làm theo điều hay lẽ phải, làm theo lương tâm, đạo đức chính là lòng tự trọng của một con người. Chính nhờ lòng tự trọng sẽ khiến cho người nhân viên quyết định có ý thức tổ chức kỷ luật khi sống và làm việc trong một tổ chức. Xây dựng lòng tự trọng cho nhân viên cũng chính là nền tảng của việc xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật cho họ.

Vâng, Hội thảo Trung tâm lần này với nội dung về “Văn hóa phối hợp và chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm GDTX tỉnh”, bản thân tôi có một số nhận thức về ý thức trách nhiệm trong công việc như đã đề cập ở trên . Tôi hi vọng đây là dịp tất cả cán bộ, giáo viên và NLĐ trong Trung tâm cũng như bản thân tôi,chúng ta nhìn nhận lại bản thân, để cùng giúp nhau tiến bộ, hoàn thiện hơn để phát huy tinh thần của Hội thảo, cùng nhau nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc và ý thức trách nhiệm với tổ chức để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Trung tâm để Hội thảo thực sự có ý nghĩa thực tiễn, giúp Trung tâm của chúng ta ngày một phát triển vững mạnh hơn.