Bài diễn văn tốt nghiệp của sinh viên năm 2024

Chủ nhân của bài phát biểu gây xúc động là Ngô Công Tiến Anh, tân kỹ sư ngành kỹ thuật cơ điện tử, Trường Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội. Tiến Anh sinh ra và lớn lên ở H.Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Ba mất khi chàng trai này mới 9 tháng tuổi, một mình mẹ phải làm lụng, bươn chải cùng mấy đồi chè để nuôi 2 anh em Tiến Anh ăn học.

Bài phát biểu của Tiến Anh trong buổi lễ tốt nghiệp đã "chạm" đến trái tim của nhiều người

“Mình có một anh trai lớn hơn 8 tuổi. Ba mất sớm nên mẹ phải gồng gánh nuôi 2 anh em ăn học. Nếu anh trai là người truyền cảm hứng, định hướng con đường học tập cho mình thì mẹ chính là nguồn động lực to lớn để thôi thúc bản thân cố gắng”, Tiến Anh chia sẻ.

Do đó, mỗi khi gặp áp lực bởi chuyện học, Tiến Anh đều nghĩ đến mẹ và tiếp tục tiến về phía trước. Trong bài phát biểu của Tiến Anh, có một đoạn chia sẻ rằng: “Con cũng xin cảm ơn mẹ, người mà chúng con luôn tự hào gọi là nông dân sở hữu hai bằng kỹ sư. Gia đình là hậu phương vững chắc nhất của con. Có mọi người ở bên và động viên, con chưa bao giờ cảm thấy cô đơn mà cứ thế yên tâm phấn đấu”. Những lời chia sẻ này đã "chạm" đến trái tim của không ít người.

Bài diễn văn tốt nghiệp của sinh viên năm 2024

Mẹ chính là nguồn động lực to lớn của Tiến Anh

NVCC

Nội dung của bài phát biểu được chàng trai này tự soạn và có sự góp ý của các cô giáo. Tiến Anh bày tỏ: “Tấm bằng kỹ sư xuất sắc này như một món quà và lời cảm ơn sâu sắc mình muốn gửi đến mẹ. Sở dĩ mình gọi mẹ là người nông dân có hai bằng kỹ sư vì trước kia anh trai mình cũng tốt nghiệp kỹ sư ở ĐH Bách khoa Hà Nội”.

Sau khi bài phát biểu của Tiến Anh được chia sẻ trên fanpage của ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút 1,7 triệu người xem và 53.000 lượt bày tỏ cảm xúc. Đồng thời, chàng tân kỹ sư cũng nhận được nhiều lời động viên, chúc mừng. Tiến Anh không giấu được niềm hạnh phúc: “Đó là những cảm xúc chân thành của mình, thật vui khi điều đó được mọi người dành nhiều tình cảm”.

Chàng tân kỹ sư cũng chia sẻ thêm: “Mẹ chính là động lực để mình cố gắng học tập. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng may mắn mình nhận được rất nhiều sự động viên của mọi người. Hơn nữa, thời điểm mình vào đại học, anh trai cũng đã ra trường đi làm nên đỡ đần nhiều cho mẹ. Nhờ vậy mình có thể tập trung học đến nơi đến chốn”.

Chàng kỹ sư xuất sắc của ĐH Bách khoa

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không vì thế mà Tiến Anh sao nhãng việc học. Sau 5 năm cố gắng ở giảng đường, Tiến Anh tốt nghiệp kỹ sư loại xuất sắc với điểm trung bình tích lũy 3.69/4.0. Chàng kỹ sư này cũng chính là á khoa đầu ra của Trường Cơ khí.

Tiến Anh cho biết ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đã đặt mục tiêu và lập kế hoạch học tập cho cả 5 năm. “Lúc năm nhất mình chỉ đặt mục tiêu là tốt nghiệp loại giỏi và lập kế hoạch ngắn hạn cho từng kỳ. Trong quá trình học mình nâng mục tiêu lên cao hơn, cập nhật lại kế hoạch một cách linh hoạt theo khả năng của bản thân ở từng giai đoạn. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, mình dễ dàng đạt được mục tiêu về học tập đồng thời phân phối thời gian để có thêm những trải nghiệm bên ngoài như nghiên cứu hay làm việc ở các doanh nghiệp”, Tiến Anh chia sẻ.

Bài diễn văn tốt nghiệp của sinh viên năm 2024

Chàng tân kỹ sư xuất sắc của Trường Cơ khí

NVCC

Bên cạnh việc học, Tiến Anh còn dành thời gian đi làm thêm, trải nghiệm thực tế. “Mình bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất đại học nhưng lúc ấy chỉ làm những công việc tay chân vì chưa có kinh nghiệm hay kiến thức. Đến cuối năm 3 mình bắt đầu tìm những công việc sát với chuyên ngành để tích lũy kinh nghiệm, trang bị thêm kiến thức mới. Đồng thời, trải nghiệm ở doanh nghiệp để áp dụng những gì mình đã học vào thực tế”, Tiến Anh cho hay.

Chàng kỹ sư cũng cho biết bản thân đã trải qua nhiều công việc ở những lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn đa chiều hơn về con đường đang theo đuổi. Hiện tại, Tiến Anh đang làm việc tại Tập đoàn FPT Software ở vị trí lập trình.

Tiến sĩ Tào Ngọc Linh, giảng viên Trường Cơ khí (ĐH Bách khoa Hà Nội), nhận xét: “Tiến Anh là một sinh viên xuất sắc. Trong quá trình học tập và nghiên cứu bạn ấy đã chứng minh được năng lực của mình. Do vậy, Tiến Anh được tôi đề cử làm trưởng lab để quản lý, giúp đỡ cho các sinh viên khác".

"Không chỉ học tập, nghiên cứu giỏi mà khả năng làm việc ngoài doanh nghiệp của Tiến Anh cũng vô cùng vượt trội. Lúc đi thực tập, tôi đã giới thiệu Tiến Anh cho một công ty và được họ phản hồi rất tốt về năng lực của bạn ấy. Sau khi thực tập xong họ ngỏ ý muốn giữ Tiến Anh lại làm với mức lương khá cao. Có thể thấy dù chưa tốt nghiệp nhưng bạn ấy đã làm việc như một kỹ sư. Đặc biệt, chàng trai này chưa bao giờ lấy khó khăn của mình ra làm lý do để ngừng cố gắng”, tiến sĩ Tào Ngọc Linh chia sẻ thêm.

Tại Lễ Tốt nghiệp đợt 1/2023, TS. Phạm Quốc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương đã có bài diễn văn đầy ấn tượng và cảm xúc dành cho các tân khoa. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của TS. Phạm Quốc Lộc.

Bài diễn văn tốt nghiệp của sinh viên năm 2024
TS. Phạm Quốc Lộc đọc diễn văn tại Lễ Tốt nghiệp vừa qua.

Kính thưa quý vị khách quý, Các vị phụ huynh kính mến,| Và thưa các bạn sinh viên mà lát nữa thôi sẽ là tân khoa của Trường Đại học Thái Bình Dương.

Sáng hôm nay, tôi vui mừng được đứng đây để bắt đầu cho buổi lễ đánh dấu một chặng đường quan trọng và đáng tự hào của 100 sinh viên Đại học Thái Bình Dương. Các bạn chắc hẳn là những người hạnh phúc nhất hôm nay. Bước vào một trường đại học không phải là quá khó khi các bạn có rất nhiều lựa chọn: trường công, trường tư, trường gần nhà, trường ở xa, trường lớn, trường nhỏ, v.v. Tôi thay mặt đội ngũ sư phạm của nhà trường cám ơn các bạn đã chọn Thái Bình Dương, và đặc biệt cám ơn và chúc mừng các bạn đã sống và học tập trọn vẹn cho lựa chọn đó. Cơ hội học đại học ngày nay luôn mở rộng, nhưng để hoàn tất nó và đến dự một buổi lễ như thế này cùng với bạn bè và người thân thì không phải ai cũng làm được.

Trên phông nền sân khấu, các bạn thấy tên gọi của buổi lễ bằng tiếng Việt “Lễ tốt nghiệp” và tiếng Anh “Commencement”. Nhà trường dùng hai ngôn ngữ cho buổi lễ này không phải để khoe chữ, mà để luôn nhắc nhở chúng ta về hai cách nhìn khác nhau cho một sự kiện. Trong tiếng Việt, tốt nghiệp, hay tuất nghiệp, có ý nghĩa kết thúc một quá trình. Trong khi đó, tiếng Anh, commencement có nghĩa là bắt đầu. Sự kiện kết nối chúng ta lại với nhau sáng hôm nay có thể được hiểu ở cả hai góc độ kết thúc và bắt đầu mà mỗi ngôn ngữ cho chúng ta nhìn thấy. Ở một góc độ khác, nó vừa là dịp kết nối chúng ta lại, nhấn mạnh với xã hội rằng chúng ta đã có một thời gắn bó với nhau tại ngôi trường này; đồng thời sự kiện cũng dự báo một sự chia tay. Tương tự như vậy, sự kiện tốt nghiệp hay commencement vừa đánh thức những ký ức của quá khứ vừa khơi gợi những dự tính cho tương lai. Sự kiện này có thể khiến chúng ta vừa tự hào về những gì mà nó khép lại, nhưng cũng làm ta cảm thấy khiêm nhường trước những gì nó mở ra. Nó mở ra cho chúng ta một tương lai, một loại tương lai mà tôi muốn nhân dịp này được bàn thêm với các bạn.

Các bạn tốt nghiệp trong bối cảnh nhiều thách thức trên mọi phương diện của cuộc sống. Hệ quả kinh tế và xã hội của đại dịch còn đeo bám nhiều gia đình. Ngay tại thành phố Nha Trang của chúng ta, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khôi phục, du lịch chưa thực sự sống lại nguyên trạng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô diễn biến phức tạp từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa, sa thải hàng loạt nhân công. Tin tức về sự mất việc của thanh niên dội về chúng ta ngày càng nhiều. Các bạn cũng tốt nghiệp trong bối cảnh người ta ngày càng nghi ngờ về giá trị của tấm bằng đại học. Học rồi có việc làm hay không, có sẽ làm đúng ngành đúng nghề hay không, hay thậm chí có cần học đại học hay không là những câu hỏi lẩn quẩn trong tâm trí nhiều người. Chắc có bạn ở đây cũng tự hỏi: ngày hôm nay vui thì vui đó, được mặc lễ phục, được chụp hình đồ, rồi sao nữa? Chúng ta có chắc sẽ thành công hơn hay kiếm được nhiều tiền hơn những bạn đã bỏ ngang con đường học hành? Chúng ta có thể đang nghi ngờ về ý nghĩa và công dụng của chặng đường đại học. Tôi gọi đây là một hoài nghi phổ quát của thời đại về giá trị của đại học, ở Việt Nam và trên khắp thế giới. Các bạn cũng tốt nghiệp trong bối cảnh bị hăm doạ liên tục bởi khoa học công nghệ. ChatGPT vừa ra đời, chưa kịp tạo account, chưa biết cách dùng, thì người ta đã nói với các bạn rằng hàng trăm loại công việc này sẽ biến mất, hàng ngàn người làm việc kia sẽ bị trí tuệ nhân tạo thay thế. Vừa ra trường, chưa kịp làm gì, đã bị hù doạ liên tục. Các bạn tốt nghiệp trong bối cảnh toàn cầu căng thẳng về địa chính trị. Hàng chục ngàn con người ly tán ở Ucraine đã gần 2 năm chưa được về nhà. Các bạn tốt nghiệp trong bối cảnh nước biển ngày càng dâng cao do biến đổi khí hậu, cá thì ăn phải đồ nhựa thải ngày càng nhiều ở đại dương, và thú cưng nhiều hơn động vật hoang dã. Tỉ lệ trầm cảm ngày càng tăng, tuổi của đột quỵ ngày càng giảm. Trẻ con thì chơi với điện thoại và ipad nhiều hơn với cỏ cây và con người. Người lớn thì ly dị ngày càng thoải mái. Chủ nghĩa tư bản tiếp tục bóc lột dữ liệu của chúng ta: Twitter, facebook, tiktok, tinder tiếp tục khai thác chúng ta để thao túng hành vi và cảm xúc của chúng ta, để bán hàng. Mỗi cú quẹt tinder của các bạn là một điểm dữ liệu mà nhà tư bản phân tích và tác động ngược lại bạn. Giáo sư Shosana Zuboff của Mỹ đã nhận định: chúng ta tưởng chúng ta đang search google, nhưng thực chất google đang search chúng ta; chúng ta tưởng chúng ta đang sử dụng facebook, nhưng facebook đang sử dụng chúng ta. Các bạn tốt nghiệp trong một hình ảnh mà đã trở nên quen thuộc của cuộc sống ngày nay: lát nữa đây các bạn có thể rủ nhau đi cà phê, rồi sau vài ba lời, thì mỗi đứa một cái điện thoại, quẹt quẹt, gõ gõ. Một giáo sư Mỹ gọi đây là hình ảnh thể hiện sự “cùng nhau cô đơn” của thời đại. Chúng ta đang sống trong một thế giới con người bị bóc lột mà không biết, và cô đơn ngay bên cạnh người thân của mình, ngay trong những không gian mà lẽ ra là độc quyền của hội họp và đoàn tụ.

Cũng có một số hy vọng cho thế giới của chúng ta ngày nay. Trường Đại học Harvard vừa thành lập trung tâm tỉnh thức Thích Nhất Hạnh. Tỉnh thức, chánh niệm, tái kết nối với cảm xúc bản thân, với người khác, với thiên nhiên, lòng thấu cảm, lòng biết ơn là những trào lưu đang nổi lên, từ nghiên cứu đến thực hành, hòng tạo ra một thế giới tích cực hơn. Trước những diễn tiến đó của thế giới ngày nay, Trường đại học Thái Bình Dương đã làm nhiều thứ để chuẩn bị cho các bạn sự sẵn sàng với thế giới việc làm và cuộc sống tương lai. Bằng cam kết 5T, thực học, toàn diện, tương tác, trao quyền, thấu cảm, nhà trường kỳ vọng lễ tốt nghiệp không còn là cầu nối giữa thế giới của đi học với thế giới việc làm, như thể hai thế giới này tách biệt, chỉ liên hệ nhau qua một buổi lễ. Trong sự học luôn 4 năm qua tại Thái Bình Dương đã luôn có thế giới ngoài kia, và các bạn sẽ phải tiếp tục học khi đã thực sự bước vào thế giới đó.

Ngoài những điều này, tôi muốn nhắn nhũ các bạn luyện tập thêm một đức tính mà nếu tôi được quay trở lại thời trẻ của mình, tôi cũng sẽ luyện tập tốt hơn. Đó là sự khiêm tốn. Các bạn vừa thành công trong học tập, và hãy đừng như tôi thời trẻ, là quá hóng hách và tự tin vào năng lực bản thân mình. Thiếu sự khiêm tốn sẽ khiến bạn rất xấu hổ sau này, khi nghĩ lại. Quan trọng hơn, thiếu khiêm tốn các bạn sẽ không học hỏi ở người khác được, vì mình đã cho mình là số một. Người đối diện bạn, sau lưng bạn, bên cạnh bạn, trên xe buýt công cộng hay ngoài đường phố, người bán hàng rong hay cộng sự tại nơi làm việc đều có cái gì đó cho chúng ta học, nếu chúng ta khiêm nhường và cầu thị. Có sinh viên đã gặp tôi tâm sự trong sự thất vọng ê chê sau một năm đi làm. Bạn ấy cho rằng sếp đã không lắng nghe bạn, đã không biết cách quản lý một khách sạn, đã vô lý, v.v. Sếp thì có cả chục năm quản lý, lăn lộn qua bao khách sạn từ hèn đến sang, bạn thì chỉ có vài bài luận cuối khoá, mấy kỳ thực tập. Thế hệ của tôi thì quá rụt rè và luôn coi sếp là chân lý, trong khi đó, thế hệ các bạn thì quá tự tin, coi sếp dở hơn mình. Cả hai thế hệ đều dở. Các bạn hãy cố vượt qua khỏi cái khuôn mẫu của thế hệ mình. Hãy khiêm nhường để mà học hỏi.

Trong sự khiêm nhường đó, ngôn ngữ rất quan trọng. Các bạn hãy tiếp trục trau dồi ngôn ngữ, những cách ăn nói, cách viết mà thể hiện độ chững chạc và luôn hướng đến tạo kết nối hơn là chia rẽ. Nên nói và viết để thắt chặt quan hệ, tránh những lời lẽ chỉ để chia lìa. Đừng ham thắng một cuộc tranh luận chỉ rồi để mất một người bạn. Hãy thêm bạn, hạn chế unfriend. Thế giới trước mặt các bạn rất phức tạp, đòi hỏi các bạn phải luôn khiêm nhường để học cái mới, để thích ứng, và mọi sự học, cũng như mọi hạnh phúc, bắt đầu bằng những quan hệ tốt đẹp.

Tôi còn muốn nói nhiều hơn nữa với các bạn, song có lẽ chúng ta hãy cùng nhau làm một điều này. Chúng ta hãy ngồi thẳng lưng, thả long cơ thể, hít một hơi sâu, và bắt đầu, chúng ta hãy thầm cám ơn cuộc sống này, cám ơn những người thân dù có lúc họ làm ta bực dọc, chúng ta cám ơn những thầy cô dù có lúc họ thật nhàm chán và keo kiệt, chúng ta cám ơn bạn bè, kể cả những người ta đã vội unfriend.