Công việc giao liên có nghĩa là gì

Chủ Nhật, ngày 20 tháng 3 năm 2022

Câu chuyện của cô giao liên trẻ ở căn cứ Long Ðước

Công việc giao liên có nghĩa là gì
Công việc giao liên có nghĩa là gì

Cập nhật: 18:15 13-11-2015

Năm 1966, khi ấy tôi vừa tròn 16 tuổi, so với những cô gái đồng trang lứa ở quê thì tôi khá là khác biệt. Cô bạn thân chuẩn bị lấy chồng, còn tôi vẫn mê mải chạy theo những người dân quê tôi tham gia những cuộc đấu tranh phản đối Mỹ - ngụy đàn áp, bắt bớ dân lành, bắt dân vào ấp chiến lược. Tôi không thích mình giống như những người phụ nữ ở xung quanh, những bà, những mẹ, những chị em gái mười mấy tuổi đã bước vào cuộc sống làm dâu. Quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu. Tôi thần tượng những người phụ nữ như bà Nguyễn Thị Định, mạnh mẽ, dũng cảm và làm chủ cuộc đời mình. Có lẽ tôi thuộc mẫu phụ nữ nam tính, tôi thích học quân sự hơn là chính trị, thích cầm súng chiến đấu hơn là đấu tranh tuyên truyền. Công việc của một con bé giao liên, chạy lui chạy tới để truyền lệnh của các chú, các anh trong lực lượng du kích xã, hay những cuộc đi đào lộ ngăn chặn xe của địch trong những trận càn… không đủ thỏa mãn tôi. Trong mắt các chú, các anh, tôi vẫn là một đứa con nít nên không thể giao nhiệm vụ gì khác hơn. Khát vọng được thoát ly càng mãnh liệt khi tôi được gặp một số anh công tác trên thành phố của Phân khu 3 Khu Sài Gòn - Gia Định về. Qua các anh, tôi làm quen với anh Hai Bằng, một cán bộ thuộc cánh Thanh vận. Tôi đã thuyết phục được anh cho tôi theo để được thoát ly đi hoạt động cách mạng.

Ba tôi, một người từng tham gia kháng chiến chống Pháp, cũng từng bị bắt giam trong nhà tù đế quốc, dường như đoán được ý định của tôi, ông già nói bâng quơ: - “Đi làm cách mạng chứ không phải đi chơi nghen. Đi thì có 2 việc phải suy nghĩ kỹ. Một là phải chịu cực khổ, hy sinh, phải nghĩ là sẽ khổ, sẽ chết. Thứ hai nếu không chết thì bị bắt bớ, ở tù; tù đày không đơn giản, sẽ bị tra tấn dã man để moi tin, moi cơ sở; đau đớn liệu có chịu được không, có giữ được không hay lại khai báo, làm vậy càng có tội với đất nước. Phải hiểu những điều này để suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định”. Tôi nghĩ trong bụng nhưng không nói ra: “Mình chấp nhận được”…

Tôi trốn nhà vào một đêm trung tuần tháng 4 có trăng, dù trăng không sáng lắm nhưng cũng đủ soi đường đi, không cần dùng đến đuốc. Hành lý tôi mang theo chỉ có 1 cái túi đệm trong đó bỏ 2 bộ đồ bà ba “chiến” nhất, đôi dép 2 quai, 1 cây lược, 1 cây bàn chải đánh răng, ít đồ phụ nữ. Tôi nôn nao vì lời hẹn với anh Hai Bằng lúc 9 giờ khuya ở bụi tre đầu xóm, trong lòng lo lắng sợ anh không tới. Lá thư viết vội gửi ba má, tôi nhớ có đoạn: “…Khi nào đất nước hòa bình thống nhất con mới trở về. Con xin lỗi vì không dám nói với ba má. Những lời ba nói con xin ghi nhớ…”.

Chúng tôi tới căn cứ Long Can và ở đó khoảng 1 tuần lễ sau đó về đóng tại căn cứ Long Đước, Hiệp Phước, Nhà Bè. Căn cứ Long Đước là một vùng sông nước mênh mông, gần ngay cửa biển Cần Giờ. Xuồng là phương tiện di chuyển của người dân nơi đây. Tôi ở Long An vùng giáp Bình Chánh, không phải dân vùng sông nước nên không hề biết chèo xuồng, không hề biết lội, nhưng nhiệm vụ của một giao liên kiêm bảo vệ căn cứ ở đây là phải rành hai chuyện đó. Tôi bắt đầu học chèo xuồng, học bơi lội và học võ thuật căn bản. Hóa ra học chèo xuồng và bơi lội không đơn giản. Những con rạch với nước lớn, nước ròng, nước chảy xiết, nước hai chiều rất đáng sợ, những khúc xoáy trôn ốc muốn nuốt chửng cả căn nhà như thách thức lòng kiên nhẫn của tôi. Dân ở đây chèo xuồng bằng một mái chèo, trên xuồng còn có thêm cây chống để qua rạch. Phải biết cách dằm, cách chống, không ít lần tôi bị rớt xuống nước… Căn cứ không có nước ngọt, chỉ có một giếng nước lợ dùng cho nấu nướng, sinh hoạt. Chúng tôi phải tắm bằng nước mặn, tôi nhớ có tháng nước mặn tới độ, ban đêm chèo xuồng mà mái chèo dạt nước như có lửa…

Căn cứ nơi tôi đóng quân chia làm 2 cánh A và B, cánh B ở tại căn cứ Long Đước gồm có các anh Ba Tâm, Ba Không, Tư Thiện, Năm Nghiêm, chị Út Kim và tôi, cánh A gồm có các anh Hai Bằng, Chín Hải, chị Sáu Tam và một số chị bí mật tôi không biết hết, hoạt động ở Phước Vân là bàn đạp của Sài Gòn. Cánh B có nhiệm vụ đưa đón cán bộ về chỉnh huấn, học nghị quyết hoặc truyền đạt các vấn đề liên quan đến đấu tranh cách mạng.

Tôi được cấp 1 cây carbin, 1 cây dao găm và bắt đầu công việc giao liên. Đây mới là giao liên thực sự chứ không phải giống như công việc tôi làm hồi ở nhà. Tôi chèo xuồng mang thư tới các hộp thư và nhận thư từ các nơi gửi về cho căn cứ. Những bức thư mật được chuyển tới cho thủ trưởng là anh Ba Tâm. Ngoài thời gian giao liên, tôi làm công việc đào, đặt những chiếc lu lớn làm hầm trú ẩn (vì là vùng sông nước nên không thể đào hầm như những vùng khác) ở những vị trí thuận lợi, kín đáo, ít ai để ý, chỉ có bảo vệ căn cứ và thủ trưởng biết; sớm sớm tôi đi cảnh giới, kiểm tra những chiếc lu có bị nước vào không thì múc ra, xem mấy tên chỉ điểm có để lại ám hiệu bất thường báo hiệu máy bay địch đến bỏ bom không thì gỡ xuống, hoặc về báo cáo lại…

Không chỉ biết lội, sau một thời gian ngắn ở tại căn cứ tôi đã biết chèo xuồng, chém vè khi địch đổ quân càn quét. Ở nơi này tôi có những kỷ niệm không thể nào quên. Chuyện thứ nhất là lần địch đổ quân bất ngờ, tôi và anh Tư Hiệp cùng chui vô một cái lu để ẩn nấp. Không ngờ anh Tư Hiệp bị bệnh tim, không khí trong lu không đủ để thở, anh bắt đầu ngạt thở và muốn ngất, trong một không gian chật hẹp như vậy, với một người thở gấp khiến lượng không khí trong lu dường như cạn, tôi cũng dần khó thở. Xui cho chúng tôi, điểm chúng tôi ẩn náu cũng là điểm địch hành quân. Đúng lúc chúng đi qua thì anh Tư không thể chịu nổi nữa bèn đề nghị: “Giờ chết cũng phải tung khỏi hầm…”. Anh cầm sẵn trái lựu đạn để nếu cần thì quăng luôn, tôi giành làm việc đó vì tôi khỏe hơn. Vừa hé nắp lu chuẩn bị chui ra thì cũng là lúc tên lính cuối cùng bước ngang qua. Chỉ cần nó quay đầu lại là chúng tôi bị lộ. Tôi kéo vội nắp hầm lại, đợi mấy phút rồi mới chui ra. Anh Tư thở liên tục, còn tôi 2 chân như dính chặt vô nhau vì ngồi cả ngày trong lu chỉ một tư thế. Đêm đến chúng tôi bắt đầu bò đi tìm các anh trong đội là Ba Tâm và Ba Không. 4 người chúng tôi dời khỏi khu vực hành quân của địch, phát hiện trên đường có một cái gò bị bom tạo thành một cái đìa hõm xuống mặt đất, chúng tôi liền chui xuống ẩn mình sau đám dây leo um tùm. Mới vừa chui xuống thì đám lính đi tới, có đứa chợt nói: - “Thôi ở đây có cái gò, ghé nghỉ chân”. Mặc dù được đám dây leo che khuất nhưng chỉ cần dòm kỹ là có thể phát hiện ra chúng tôi. Trời chạng vạng. Vốn có kinh nghiệm, các anh dặn: - “Yên tâm, nó nói gì kệ nó, có chết cũng nằm tại chỗ”. Từ dưới nhìn lên, tôi thấy rõ từng tên lính đi tới đi lui. Bỗng một tên giơ tay chỉ ngay hướng mặt tôi: - “Nè, tao thấy tụi bay dưới đó rồi đó nghen, lên không tao bắn xuống!”. Nói xong nó đưa cây súng chĩa thẳng xuống chúng tôi. Anh Ba Không lấy tay đè đầu tôi xuống vì sợ tôi mất bình tĩnh. Tim tôi đập mạnh muốn vỡ. May phước, nó chỉ nói hú họa. Một lát sau chúng tôi nghe: - “Thôi đi tụi bay”. Những giây phút thử thách ghê gớm, cũng may là xung quanh tôi có những đồng chí thật vững vàng.

Suy cho cùng thì dù đi làm cách mạng nhưng tôi vẫn chỉ như là một đứa con nít, chính điều này khiến tôi gây ra không biết bao vụ dở khóc, dở cười... Sau khi căn cứ bị lộ, chúng tôi dời đi. Lần đó thủ trưởng ra lệnh đào hầm ở ngay trong nhà cơ sở của ta, nhà của chị Sáu Huê. Chúng tôi đào từng chút đất rồi vác từng cục đất quăng xuống sông để tránh bị phát hiện. Đào xong xuôi, thì nước tràn lên, cần phải múc đổ ra để đặt lu xuống. Anh Ba Tâm nói tiếng gió (phải nhìn miệng để đoán) vì nhà dân vách lá và kế sát bên: - Lấy cái thùng. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghe ra là: – “Lấy cái thúng”. Tôi chạy tuốt ra sau kiếm cái thúng, nhìn thấy một cái thúng rách người ta để cho gà đẻ, tôi liền xách xuống đưa. Vừa trông thấy cái thúng, anh Ba Tâm nổi máu xung thiên, la lên: - “Cái thùng”. Thế là xong, hầm phải lấp lại vì sợ đã lộ. Đợt đó tôi bị kiểm điểm dữ dội – “Tại sao cái đơn giản như vậy mà cô không biết? Múc nước mà lấy cái thúng hả?”...

Lần khác tôi chèo xuồng đưa các anh đi họp. Tới một đoạn rạch nhỏ, dây leo chằng chịt, anh Ba Tâm nói để anh đứng sau chống xuồng, còn tôi xé mấy cái dây leo cho xuồng đi qua. Tôi đang ngồi từ từ vén và kéo dây leo, chẳng hiểu sao thuận tay nắm sợi dây giựt mạnh một cái để xuồng vọt nhanh tới, mà quên rằng anh Ba đứng phía sau. Anh bị văng luôn xuống sông. Trở về, tôi lại bị kiểm điểm: - “Không bao giờ để ý gì hết, con gái gì mà”…

Thêm một lần chúng tôi đi công tác tiện thể ghé nhà cơ sở lấy lương thực mà bà con đã mua giùm để mang về cứ. Xuồng chất đầy gạo, dầu, mắm, muối và nhiều thực phẩm khác. Bến sông trước nhà dân thường có những cái ụ, người dân đào để neo ghe xuồng. Thường khi nước lớn thì xuồng đi dễ dàng, nhưng nếu nước ròng, chỗ ụ sẽ bị hõm xuống rất dễ gây lật xuồng. Khi nước ròng, phải nhảy xuống nước, nhẹ nhàng kéo xuồng qua khỏi cái ụ, trước khi chèo. Bữa đó phần vì lạnh, phần vì bù mắt cắn nên tôi làm biếng. Các anh đều nai nịt súng ống gọn gàng cộng với trên người mang nhiều thứ. Anh Ba nói: - “Trinh(1), em xuống đẩy, coi chừng lật”. Tôi nói: - “Các anh ngồi yên trí đi”. Anh Ba la: - “Em xuống đi để nó lật sao?”. Tôi vẫn nói chắc nịch: - “Anh yên trí, không sao đâu!”. Tôi mở dây cột lấy cây dằm đẩy một cái, xuồng vọt tới, lật úp. Tôi và các anh văng xuống sông. Sông lớn, nước xoáy, tôi bị rơi ngay vào vòng nước rút. Trong giây phút cận kề cái chết tôi còn kịp nghĩ: “Mình chết kỳ này về các anh sẽ kiểm điểm vì cái tật làm biếng”. Nước xoáy rút tôi vô lần thứ nhất, lần thứ hai, đến lần thứ ba khi bị quăng ra, tôi văng trúng cái thùng đóng đáy của người dân, chụp vội lấy thế là thoát chết. Quay lại phía sau, thấy mấy anh đang loi ngoi, người dân mang xuồng ra vớt chúng tôi vào, đồ đạc bị trôi mất hết. Không thể diễn tả hết sự tức giận trên nét mặt của anh Ba lúc đó…

Chuyện ở cứ thì rất nhiều, tôi đã trở thành một cô gái miệt sông nước, được rèn luyện ý thức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Năm 1967, chúng tôi chuyển qua căn cứ đóng tại Bến Tre và tổ chức thành lập đội Trung Dũng hoạt động liên quận 2-4-7-8, tôi được học một khóa quân sự bài bản chuẩn bị cho những ngày vào hoạt động tại Sài Gòn, bắt đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh trực diện với kẻ thù. Cũng trong giai đoạn gay go, quyết liệt này đã có lần tôi xuất hiện trên báo chí Sài Gòn với biệt danh “Nữ khủng bố”!

-------------------------------

(1) Bí danh hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Hiền.

(*) Nguyên Tiểu đội trưởng Đội võ trang Trung Dũng, Sài Gòn – Gia Định, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3.

Thu Hà, ghi theo lời kể của cô Nguyễn Thị Hiền (*)

tin khác

  • “Ðược chia sẻ là niềm hạnh phúc lớn nhất”
  • Đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch
  • Khi hệ thống chính trị cùng dân lo "việc nước"
  • Một số kết quả, kinh nghiệm thực hiện phân công đảng viên trực tiếp làm công tác vận động nhân dân ở cơ sở
  • Chú trọng nâng cao năng suất lao động
  • Một số nội dung quan trọng tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020
  • Hội nghị Trung ương 12 khóa XI thảo luận nhân sự chuẩn bị Đại hội XII của Đảng
  • Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên
  • Nỗ lực thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực, các nhóm dân cư
  • Giá trị tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong giai đoạn hiện nay

Công việc giao liên có nghĩa là gì

Chia sẻ bài viết qua Email

Bài viết:

Công việc giao liên có nghĩa là gì
Công việc giao liên có nghĩa là gì

Sai mã bảo mật!

Thông báo