Làm chuyện bao đồng là gì

Khái niệm “bao đồng” thường ít được dùng với nghĩa tích cực, nhưng với trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Nam, người đã vận động làm hơn 100 cây cầu cho người dân nông thôn Nam bộ thì không bao đồng sẽ không làm được.

Làm chuyện bao đồng là gì
Nhà báo Nguyễn Việt Nam trở lại thăm một cây cầu đã làm được dân bảo dưỡng tốt. Ảnh: NHƯ HÀ

Cũng vì sự “bao đồng”, xây cầu cho “thiên hạ” này mà năm 2013 nhà báo Nguyễn Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. “Tại các tỉnh miền Tây tôi đã vận động làm được khá nhiều cầu, từ sau Tết 2016, tôi hy vọng có thể đến được các tỉnh miền Đông. Cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai thì không dám mơ, nhưng các nhánh nhỏ của sông này thì còn cần rất nhiều cầu” - nhà báo Nguyễn Việt Nam tâm sự.

 Từ những cây hạnh phúc

10 năm trước, trong một chuyến đi ngang qua xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), ông Nam tận mắt thấy cảnh người dân đu dây vượt suối, thế là ông nảy ra ý định tìm cách giúp dân cây cầu.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm được cây cầu để người dân đi bộ, xe đạp hoặc dắt xe máy qua được là tốt rồi. Nhưng khi bắt tay làm, mới thấy cây cầu như vậy rất khó an toàn vì quá hẹp, phải làm sao để 2 xe máy có thể tránh nhau được. Mấy năm gần đây, dân mình đa số đi xe máy, nên tôi hướng đến xây dựng cầu phục vụ vùng nông thôn, các cây cầu lớn thì để những tổ chức lớn hơn hoặc nhà nước làm” - ông Nam tâm sự.


Theo Quyết định số 1989 ngày 1-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có 392 con sông chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục Đường sông Việt Nam. Riêng tuyến đường sông quốc gia có tổng chiều dài hơn 6.734 km, thuộc 191 tuyến sông; còn tổng chiều dài của tất cả các loại sông, kênh, rạch vào khoảng 42 ngàn km. Số lượng cây cầu cần có không hề nhỏ.

Ông kể, cây cầu dài nhất mà các nhóm vận động cùng làm dài gần 170m, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An), nối chùa Nổi với đất liền, được khánh thành năm 2010 với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Các cây cầu còn lại dài chừng 30-100m, với kinh phí dao động từ 40-50 triệu đến 400-500 triệu đồng.

Cách làm của những người như ông gói gọn trong 3 bước: đầu tiên là tìm hiểu thực tế xem cây cầu thiết yếu đến mức độ nào, xem khả năng cùng đóng góp của người dân và chính quyền ở địa phương ra sao. Tiếp đến là lên thiết kế, ước lượng kinh phí, rồi lập các ban vận động tài trợ tiền, công sức đóng góp, trong đó nguồn tiền được tài trợ từ các mạnh thường quân ở TP.Hồ Chí Minh thường rất lớn. Cuối cùng là xây cầu và bàn giao cho dân sử dụng. Nghe thì khá đơn giản, nhưng để làm nhanh gọn, hiệu quả không hề dễ. 10 năm mà xây dựng được hơn 100 cây cầu đã chứng tỏ sức vận động, cách làm gối đầu và sự “bao đồng” của những người như ông Nam là rất đáng nể.

 Mong “thất nghiệp”


Khi khánh thành một cây cầu, các nhóm thiện nguyện thường phối hợp tặng quà cho trẻ em nghèo hiếu học, người già neo đơn và những gia đình có người đuối nước. “Lắng nghe người dân ước mơ, rồi nhìn thấy họ chung sức xây cầu, vui mừng trong ngày thông cầu, hạnh phúc thật khó tả” - ông Nam bồi hồi. Hơn 100 cây cầu có sự chung tay của ông đến nay vẫn “chạy tốt”, đúng nghĩa là nối những bờ vui. Nhiều cù lao biệt lập ở Nam bộ từ ngày có cầu thì trẻ em đi học dễ dàng và an toàn hơn, người dân buôn bán thuận tiện và phát đạt hơn.

Làm chuyện bao đồng là gì
Cầu treo Tân Bình thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), do ông Nguyễn Việt Nam và các nhóm thiện nguyện xây dựng.

 

Gần đây, nổi lên chuyện cây cầu treo bắc qua chùa Nổi (tỉnh Long An) đang xuống cấp, chính quyền huyện Vĩnh Hưng phải cử người điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn. Nguyễn Việt Nam tâm sự rằng ông khá buồn, nhưng không mấy bất ngờ. “Cây cầu không thể vĩnh cửu, bền hay không còn do ý thức và trách nhiệm của người làm, người sử dụng. Sau vài năm sử dụng, sơn, ốc vít hoặc các mối hàn bong tróc, tôi nhiều lần đề nghị mà người dân lẫn chính quyền địa phương chẳng mấy mặn mà sửa chữa. Không có cầu thì mong mỏi, mà có rồi thì ít nơi nào chịu khó bảo dưỡng để sử dụng được lâu dài. Chắc chỉ khoảng 15% cây cầu mà chúng tôi đã làm là có được sự bảo dưỡng” - ông Nam buồn buồn bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Việt Nam (74 tuổi, ngụ tại phường 2, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) nguyên là nhà giáo, từ năm 1963 đã theo học trường dạy trẻ khuyết tật do Mỹ đào tạo, khóa đầu tiên chỉ có 6 người Việt. Thời gian này ông đã tham gia nhiều ban vận động thiện nguyện, tranh đấu. Năm 1965, ông làm chủ biên đặc san Đêm vô tận, chuyên viết về người mù. Năm 1985, ông là chủ biên đặc san Ánh sáng tình thương và năm 1989 chủ biên đặc san Tương lai, viết về trẻ em khuyết tật, bất hạnh. Sau năm 1975, ông còn vận động mở trường mù, câm, điếc, tâm thần ở quận 5, huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), các tỉnh: Long An, Bến Tre…; đồng thời tham gia quản lý, giảng dạy, huấn luyện giáo viên cho các trường đặc biệt này.

Ông cũng là nhà báo, nhà văn có nhiều ưu tiên với mảng đề tài này, bên cạnh những khảo cứu, bút ký khác. Ông là tác giả của Làng nghề cổ truyền Việt Nam (sưu khảo), Nhịp cầu nối những bờ vui (ký), Đình An Hội (biên khảo, viết chung), Côn Đảo - Ký sự và tư liệu (viết chung)…

Từ năm 2005, ông tập trung vào việc vận động làm cầu cho người dân ở các miền quê, riêng tại tỉnh An Giang ông đã tham gia xây dựng hơn 30 cây cầu. Không nề hà, tự ái hay sĩ diện, ông lăn lộn, kết nghĩa, kết nối nhiều chuyên gia như “vua cầu treo” Sáy Quý, “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký… cùng nhiều nhóm thiện nguyện để tạo nên sức mạnh. “Nguyên tắc của chúng tôi là không đụng đến tiền đã vận động được. Ăn ở, đi lại mỗi người tự lo. Tôi ngủ ké chùa chiền, nhà thờ, giáo xứ, nhà dân, trường học, trạm xá… là chuyện như cơm bữa, miễn sao làm được cầu” - ông Nam cho hay.

Ông cũng trăn trở chuyện đôi khi cầu có trọng lượng 1,5 tấn trở xuống, ưu tiên dành cho xe máy và người đi bộ, nhưng nhiều nơi vẫn “phiêu lưu” cho xe có tải trọng vài tấn chạy qua, khiến cầu xuống cấp nhanh. Chưa kể, còn có tình trạng một số địa phương ngăn cản việc làm cầu thiện nguyện vì không có “phần trăm” bỏ túi. Nhiều nơi còn vin vào chuyện an toàn, hồ sơ thủ tục xây dựng cầu để gây khó, khiến nhiều khi ông và các nhóm làm cầu từ thiện cũng nản chí.

Toàn vùng Nam bộ đã có hàng ngàn cây cầu thiện nguyện mọc lên, do nhiều nhóm khác nhau thực hiện, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn về nhu cầu sử dụng. Một, hai năm gần đây kinh tế khó khăn, các mạnh thường quân cũng làm ăn khó khăn nên nguồn tài trợ không còn nhiều như trước nữa. “Nhưng tôi tin khi kinh tế khởi sắc họ sẽ sớm trở lại, vì họ đã sẵn lòng nhân ái, hào phóng, mà dân mình thì còn nghèo, còn khổ lắm. Tôi chỉ có ước mong một ngày nào đó, khi đất nước mình phát triển, hạ tầng đời sống hình thành căn bản để những người như chúng tôi thật sự “thất nghiệp” - nhà báo Nguyễn Việt Nam tâm tình.