Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật của nam cao năm 2024

Nói về nhân vật trong tác phẩm văn học, Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung kết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Đúng vậy, nhân vật không chỉ là hình thức đề nhà văn khái quát hiện thực cuộc sống một các hình tượng mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thông qua nhân vật nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ về con người. Vì vậy nhà phê bình văn học Nga đã có lí khi cho rằng: một nhân vật xây dựng thành công là “một người lạ mà quen biết”. Điều đó được thể hiện rõ qua đoạn trích “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao.

“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Văn học bao giờ cũng thể hiện cuộc sống của con người. Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được nhà văn miêu tả thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. “Người lạ mặt”: là nét riêng , nét cá biệt, nét độc đáo mà nhìn vào đó ta có thể phân biệt được với nhân vật khác. Nói “Người lạ mặt” nhưng “quen biết” là do những nét chung, nét phổ quát của điển hình nghệ thuật. Điểm chung đó giúp ta nhận ra một loại người, một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc với những đặc điểm, phẩm chất đặc trưng. Câu nói của Belinsky là một định nghĩa về nhân vật điển hình: là nhân vật có tính chung (phổ biến, khái quát và thống nhất) mang ý nghĩa thẩm mỹ, quy định nhân vật thuộc tầng lớp nào, giai cấp nào, lối sống nào, thậm chí tiêu biểu cho dân tộc nào trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tính riêng là nét độc đáo, cá biệt chỉ nhân vật đó có. Nó biểu hiện qua hình dáng, lời nói, tính cách, số phận, qua mối quan hệ với nhân vật khác.

Điển hình nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan. Bước vào tác phẩm, hiện thực ấy mang đậm dấu ấn sáng tạo, qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Như vậy, do yêu cầu của tính riêng về phong cách cá nhân, mỗi điển hình nghệ thuật phải thể hiện được nét độc đáo, mới mẻ từ nội dung đến hình thức, để phân biệt với hình tượng khác. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ vô cùng quan trọng, song hình tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo không phải chỉ để cho riêng mình, mà còn là để nói hộ người khác. Do đó, điển hình nghệ thuật bao giờ cũng phải mang tính khái quát cao, nó phải phản ánh được đặc điểm, tâm lí, tính cách, tư tưởng và nguyện vọng của một tầng lớp xã hội, một giai cấp hay một loại người nào đó. Điển hình nghệ thuật là người “quen biết”, khi mỗi người đều có thể thấy hình bóng mình trong đó. Điển hình nghệ thuật phải hài hoà giữa tính chung và tính riêng, cụ thể và khái quát, cá biệt và phổ quát. Nếu chỉ chú ý tính chung thì hình tượng mất đi tính sinh động, cụ thể, thủ tiêu cá tính sáng tạo của nhà văn, xoá nhoà phong cách riêng độc đáo của nhà văn. Ngược lại, nếu chỉ chú ý tính riêng thì hình tượng sẽ trở nên xa lạ, tính phổ quát sẽ mất, hình tượng sẽ thiếu sức truyền cảm, không tạo được sự đồng điệu, đồng cảm với bạn đọc.

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, ông đã kịp để lại cho dân tộc ta những sáng tác vô giá, những kiệt tác văn chương bất hủ mà truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm tiêu biểu. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là hình ảnh tiêu biểu về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám chịu nhiều bất hạnh nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất.

Lão Hạc là điển hình cho người nông dân nghèo khổ của nước ta trong giai đoạn Trước Cách mạng tháng 8. Mở đầu tác phẩm là cuộc đời cơ cực, nghèo khổ, bần cùng của Lão Hạc. Cuộc đời lão là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh, một kiếp đời chua chát và đắng cay! Góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ, những mong con khôn lớn trưởng thành làm chỗ nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã không đến với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su. Cảnh chia ly của cha con. Lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão đã mất vợ, nay lại mất con. Cảnh khổ vật chất hòa trong nỗi đau tinh thần thành dòng lệ chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha.

Lão Hạc sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu chuyện cảm động về tình cha con. Thương con sớm mồ côi mẹ lão Hạc không nỡ tục huyền. Nhìn con đau khổ vì không có đủ tiền cưới vợ, lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình có lỗi với con và điều này làm cho lão day dứt mãi. Khi người con phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su, trái tim người cha thật sự tan nát. Nỗi thương nhớ mong chờ con thường trực trong lòng người cha biến thành sự khắc khoải ngóng trông: Thằng cháu nhà tôi dễ hơn một năm nay không có giấy má gì đấy ông giáo ạ. Ta đọc được trong câu nói ấy cái tình cảm ấm áp của người cha. Thương nhớ con, lão dồn tình cảm âu yếm vào cậu Vàng, kỉ vật của người con để lại. Cái tên cậu Vàng (tên lão Hạc đặt cho con chó) đă chứa đựng tất cả tình quý mến và thân thiết đối với một con vật. Hình ảnh lão Hạc: Miệng méo xệch, khóc hu hu, khi nghĩ rằng mình đánh lừa một con chó, là hiện thân của tấm lòng nhân ái cao cả.

ĐỌC THÊM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT LÃO HẠC TRONG TÁC PHẨM CÙNG TÊN CỦA NAM CAO

Với Nam Cao, ông luôn nhìn đời bằng con mắt tình thương. Chính vì quan niệm ấy mà những trang văn của Nam Cao luôn đặt nhân vật của mình trong tình thế cheo leo giữa nhân tính và thú tính, giữa say và tỉnh, giữa sự sống và cái chết. Nhưng đến cuối cùng Nam Cao vẫn cho thấy sự tin tưởng của mình vào phẩm chất lương thiện của người nông dân. Với lão Hạc, một người cha giàu lòng yêu thương con, có lòng tự trọng cao và đặc biệt là một người ân nghĩa, lão nghĩa tình với cả con vật của mình. Khi đã tuổi già sức yếu, không làm gì để kiếm ăn được, lão chẳng dám đụng vào số tiền bòn vườn của con, chỉ dám ăn sung luộc. Và chính trong cảnh ngộ thê thảm, buồn bã ấy, cậu Vàng xuất hiện, con chó đã mang lại cho lão ý nghĩ để tiếp tục sống, tiếp tục bám víu vào cuộc đời. Con vật trở thành người bạn thân tình, bầu bạn, sớm hôm cùng lão, giúp lão khuây khỏa đi nỗi nhớ con trai, vơi đi nỗi cô quạnh của tuổi già, xế bóng. Con Vàng còn chính là sợi dây kết nối của lão với đứa con trai mà lão rất mực yêu thương Con chó là của cháu nó mua đấy chứ vì thế lão rất yêu thương cậu Vàng. Lào gọi là cậu Vàng như đứa con cầu tự, lão bắt rận, tắm, trò chuyện, cưng nựng, cho nó ăn trong cái bát như nhà giàu, ăn gì cũng gắp cho nó, chửi yêu vỗ về nó… Trước khi bán lão đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Thế rồi sau khi bán lão sang nhà ông giáo với một thân xác hoàn toàn vụn vỡ, sự vụn vỡ của một tâm hồn đôn hậu, rất mực thiện lương: Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ….lão cố làm ra vui vẻ, cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra, lão mếu như con nít và hu hu khóc… Quả là những phác thảo chân dung hết sức chân thực, sinh động, sự miêu tả tinh tế đã bóc trần một tâm hồn quá đau đớn, day dứt, hối hận, ăn năn, vì trót làm một điều gì đó thật ghê sợ, lão thấy có lỗi với con chó, lão cay đắng tủi hờn cho số kiếp cùng quẫn, lão xót thương cho con Vàng, xót thương cho chính lão, lão đã bán đi con vật mà lão yêu thương hơn chính mình, lão thấy cuộc đời lão không còn ý nghĩ gì nữa rồi.

Lão Hạc là một nhân vật giàu tình yêu thương và lòng tự trong ở ngay trong xã hội tàn ác. Đớn đau thay, xã hội tàn ác, vô nhân đạo đã đẩy lão vào bước đường cùng, không cho lão được sống tiếp, lão chỉ có thể lựa chọn cho mình con đường duy nhất là chết đi. Khi đọc truyện, nhất là đoạn viết về cái chết, không ai có thể quên được cái chết bi thảm của lão Hạc: Lão đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ mới chết. Quả là một cái chết dữ dội, đầy thương tâm và ám ảnh của người ăn bả chó. Cái chết chứng tỏ lão vẫn còn khỏe, chưa phải già yếu đến kiệt sức, vật vã đến hai giờ mới chết hẳn. Đấy là cái chết được chuẩn bị chu đáo “đâu vào đấy”, một cái chết chạy trốn tương lai. Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bã chó của Lão Hạc, ông giáo mới vỡ oà ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”. Đến đây truyện đi đến hồi mở nút, để cho tâm tư chất chứa của ông giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về Lão Hạc và người nông dân… “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dỡ, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”.

Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của Nam Cao. ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia xẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương.

Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ.

Tóm lại cuộc đời Lão Hạc đầy nước mắt, đau thương. Sống thì cô đơn, bất hạnh, nghèo đói, chết thì quằn quại đau đớn. Lão Hạc cũng đại diện cho số phận của bao người nông dân khác, là một điển hình văn học mà người yêu văn thơ khó có thể quên. Trong khổ đau, gian truân, nổi bật lên một phẩm chất hiền lành, nhân hậu, chất phác và giàu lòng tự trọng. Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng tháng 8.

Có thể thấy rằng câu nói của Belinsky là nhận định đúng đắn bởi đã nêu lên những nét đặc trưng, độc đáo của nhân vật điển hình. Đây cũng là một gợi ý cho bạn đọc về cách đánh giá, nhận diện những nhân vật điển hình trong một tác phẩm. Từ đó thấy được tài năng, tâm huyết, tấm lòng nhân đạo của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.