Ông cố vấn là ai

Ông cố vấn là ai

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (phải) và tác giả tại làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày 1/6/2001.

Năm 1947, Vũ Ngọc Nhạ tình nguyện vào quân ngũ, anh trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, công tác tại Thị đội Thị xã Thái Bình. Ông Đặng Trịnh, người bạn thân thiết cùng hoạt động với Vũ Ngọc Nhạ trong tổ chức thanh niên cứu quốc, nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết:

- Ngay khi còn trẻ, anh Nhạ đã tận tình với công việc được giao và làm việc hết mình. Anh thông minh, ứng xử linh hoạt nhưng lại rất khiêm tốn và ý tứ giữ gìn. Bản chất con người anh, công việc anh làm đã tạo được uy tín với nhiều người. Vì thế ngày đó anh rất được tín nhiệm và sau này được cấp trên tin tưởng giao phó trọng trách. Công việc anh Nhạ làm đầy gian khổ, phải hy sinh và mạo hiểm. Chúng tôi cũng không ngờ anh đã làm được, hoàn thành được trọng trách một cách tốt đẹp.

Năm 1952, Vũ Ngọc Nhạ mang tên Vũ Ngọc Kép, có mặt trong đoàn đại biểu quân sự tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ tại Việt Bắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chủ trì. Trong cuộc Hội nghị này, Nhạ sung sướng biết bao, lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Nhạ nghe như nuốt từng lời Bác dạy, đặc biệt là lời Bác căn dặn: “Phải luôn luôn hết lòng vì dân - Dựa vào dân thì việc gì cũng thành công”.

Cũng chính tại cuộc Hội nghị này, Vũ Ngọc Nhạ đã nhận nhiệm vụ quan trọng do chính Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao phó. Năm tháng và bao biến cố trong xã hội, trong cuộc đời đã đi qua, nhưng lời Bác dặn năm ấy ông Nhạ vẫn nhớ như in. Bác nói: Nhiệm vụ của chú là phải bằng mọi cách để biết được: Mỹ đang làm gì, Mỹ sẽ làm gì và Mỹ đã làm gì. Ông Vũ Ngọc Nhạ bảo: Lúc ấy có thể chết, có thể lao vào lửa tôi cũng sẵn sàng. Vì nhiệm vụ của Bác trao, được chết cho cách mạng, chết vì Bác còn gì sung sướng hơn. Nhưng tôi nghĩ, mình phải sống, sống trong lòng địch để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác trao cho.

Ông Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: Dẫu sao tôi cũng đã xác định được mình sẵn sàng hy sinh. Đã chấp nhận sự hy sinh thì còn sợ gì nữa. Ý nghĩ ấy đã giúp tôi bình tĩnh, vượt qua rất nhiều mạo hiểm và đã thoát hiểm. Nhờ thoát hiểm mà các nguồn tin quan trọng từ phía nội tình của địch chúng tôi chuyển ra cho cách mạng mới an toàn.

*

*    *

Từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 5 năm 2001, bảy ngày liền chúng tôi mời ông Vũ Ngọc Nhạ vào “Phủ Tổng thống” để thực hiện những cảnh quay bộ phim tài liệu “Ông cố vấn” trong dinh Độc Lập, nơi ông đã từng ngồi “đàm đạo” cùng anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu những năm đầu sáu mươi; cùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mưu toan những việc đại sự của Việt Nam Cộng hoà thời kỳ 1965 - 1969.

Đứng bên cái ghế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cái ghế nay chỉ còn là một di vật bảo tồn trong dinh Độc Lập, tôi hỏi ông Nhạ:

- Từ một Thị ủy viên, một anh bộ đội thuộc Tỉnh đội Thái Bình, chỉ ít năm sau, người ta đã thấy ngày ngày ông ra vào Phủ Tổng thống của chế độ ngụy quyền Sài Gòn?

- Đó là bước ngoặt đầu tiên của đời tôi. Tôi cũng không nghĩ là mình lại lọt vô làm việc ở cơ quan đầu não này! Vũ Ngọc Nhạ hồi nhớ lại rồi nói:

Năm 1954, hoà bình lập lại, với tờ căn cước hợp pháp, trút bỏ trang phục anh bộ đội Cụ Hồ, Vũ Ngọc Nhạ “đóng vai” một sỹ quan nguỵ. Ông đưa vợ con từ làng Cọi Khê, xã Vũ Hội theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Ông tìm cách “bọc mình” thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy mạo hiểm bắt đầu từ đây.

Vũ Ngọc Nhạ nói: “Ngày đầu vào Sài Gòn, một lần đi qua dinh Độc Lập đứng ở ngoài nhìn, tôi thầm ao ước một ngày nào đó mình sẽ được lọt vô đây. Nhưng ảo tưởng ấy xa vời lắm. Chưa giám mơ ngày đó tôi đã bị mật vụ Sài Gòn do Dương Văn Hiếu bắt cóc rồi đưa ra biệt giam tại toà khâm sứ ở Huế”.

- Là tù nhân cộng sản, bằng cách nào mà ông được họ trọng vọng đón ông từ nhà tù Huế về dinh Độc Lập, Sài Gòn, làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu và đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm?

(Còn tiếp)

M.C.