Paratramol 37.5 mg 325mg giá bao nhiêu

Thuốc Paratramol thường được sử dụng chủ yếu cho các trường hợp có cơn đau mức độ từ trung bình cho đến nặng, chẳng hạn như đau khớp, đau nhức đầu, đau tai,... Khi điều trị bằng thuốc Paratramol, bệnh nhân cần tuân theo đúng các hướng dẫn sử dụng thuốc mà bác sĩ khuyến nghị để sớm đạt được mục tiêu như mong muốn.

Paratramol thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm không steroid, điều trị các bệnh xương khớp và bệnh gút. Thuốc Paratramol được sản xuất bởi Pharmaceuticals Works Polpharma S.A – Ba Lan, với dạng bào chế viên nén bao phim, đóng gói theo quy cách hộp 1 vỉ x 10 viên; hộp 2 vỉ x 10 viên; hộp 3 vỉ x 10 viên hoặc hộp 6 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Paratramol có chứa các thành phần hoạt chất sau đây:

  • Hoạt chất chính: Tramadol hydrochloride (37,5mg) và Paracetamol (325mg).
  • Các tá dược khác (viên trần): Cellulose vi tinh thể (45,4mg), tinh bột ngô (36,1mg), Silica colloidal khan (2,4mg), Natri starch glycolate (loại A – 28,8mg) và Magnesium stearate (4,8mg).
  • Tá dược bao: Macrogol 400 (1,875mg), Hypromellose (9,375mg), Oxit sắt vàng (E172 – 0,15mg) và Titandioxid (E171 – 3,6mg).

Hoạt chất chính Tramadol trong thuốc Paratramol là loại thuốc giảm đau trung ương, có khả năng liên kết chất gốc cũng như chất chuyển hoá hoạt tính M1 với thụ thể Mu-opioid receptor, đồng thời ức chế nhẹ quá trình tái hấp thu của serotonin và norepinephrine ở các khe synap thần kinh. Trong khi đó, Paracetamol đóng vai trò là thuốc giảm đau hạ sốt có tác động phần lớn lên COX ở thần kinh trung ương. Nhờ đó, Paracetamol có khả năng giảm đau hạ sốt nhanh chóng, hơn nữa giúp hạn chế đáng kể các tác dụng phụ ngoại ý xảy ra trên thận. Do chủ yếu tác động lên COX và hệ thần kinh trung ương nên Paracetamol không mang lại công dụng chống kết tập tiểu cầu hoặc chống viêm như các loại thuốc thuộc nhóm NSAIDs khác.

Một số nghiên cứu thí nghiệm đã cho thấy, việc phối hợp cả 2 hoạt chất trên có thể mang lại tác dụng hợp lực.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Paratramol

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Paratramol

Thuốc Paratramol được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị cơn đau nhức đầu.
  • Giảm cơn đau răng.
  • Điều trị tình trạng đau tai, đau khớp.
  • Hạ sốt.
  • Điều trị các cơn đau ngưỡng trung bình cho đến nặng khác.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Paratramol

Những đối tượng sau đây tuyệt đối không sử dụng thuốc Paratramol khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc mẫn cảm với các hoạt chất như Paracetamol, Tramadol hay bất kỳ tá dược nào khác có trong thuốc.
  • Bệnh nhân bị nhiễm độc cấp với thuốc ngủ, rượu, các opioid, các thuốc giảm đau tác dụng trung ương và các thuốc tác động đến tâm thần.
  • Chống chỉ định Paratramol đối với bệnh nhân đang điều trị bằng các loại thuốc ức chế Monoamine oxidase hoặc trong vòng 14 ngày sau khi ngừng sử dụng các thuốc này.
  • Không dùng Paratramol cho bệnh nhân bị suy gan nặng.
  • Chống chỉ định dùng thuốc cho người bị động kinh hoặc suy hô hấp nặng.
  • Không sử dụng thuốc cho bệnh nhân có mức Glucose-6-phosphat dehydrogenase không đủ lượng cần thiết trong cơ thể.
  • Bệnh nhân chưa đủ 15 tuổi, phụ nữ mang thai, dự định có thai hoặc đang nuôi con bú cần tránh sử dụng Paratramol khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Paratramol

3.1 Liều dùng thuốc Paratramol theo khuyến cáo

Liều điều trị Paratramol giảm đau hạ sốt sẽ được xác định cụ thể đối với từng bệnh nhân nhất định:

*Liều Paratramol dành cho người lớn và thanh thiếu niên trên 15 tuổi:

  • Uống liều khởi đầu gồm 2 viên Paratramol. Có thể xem xét tăng liều nếu cần thiết, tuy nhiên tuyệt đối không được vượt quá 8 viên (tương đương Tramadol 300mg và Paracetamol 2600mg / ngày). Theo khuyến cáo, khoảng cách giữa các liều dùng thuốc Paratramol cần tối thiểu 6 giờ và tránh dùng thuốc kéo dài quá liệu trình mà bác sĩ chỉ định.
  • Tuỳ thuộc vào mức độ đau cũng như đáp ứng điều trị của bệnh nhân mà liều lượng sử dụng thuốc Paratramol có thể cân nhắc điều chỉnh lên mức hợp lý hơn. Đối với trường hợp cần dùng nhắc lại hoặc điều trị kéo dài do mức độ và tính chất nghiêm trọng của chứng bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ để đưa ra quyết định có nên sử dụng tiếp thuốc hay không.

Liều Paratramol dành cho bệnh nhân cao tuổi:

Đối với bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên có thể được sử dụng thuốc Paratramol với liều lượng tương tự như người lớn và trẻ vị thành niên. Do thuốc có chứa hoạt chất Tramadol, do đó bệnh nhân trên 65 tuổi nên đảm bảo giữ khoảng cách giữa các liều thuốc tối thiểu trên 6 giờ.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Paratramol

Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Paratramol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn để dùng thuốc một cách chính xác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên tự ý hạ liều, tăng liều hoặc kéo dài thời gian sử dụng thuốc không đúng chỉ định, bởi điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe ngoài ý muốn.

Thuốc Paratramol được bào chế dưới dạng viên nén nên sẽ được dùng theo đường uống. Bệnh nhân có thể uống thuốc kèm / không kèm theo thức ăn. Tốt nhất, bạn nên uống Paratramol cùng thức ăn để giảm tình trạng kích ứng dạ dày, đồng thời nuốt nguyên viên thuốc với ly nước đầy nhằm giúp thuốc di chuyển xuống dạ dày dễ dàng hơn.

3.3 Cách xử trí tình trạng quá liều thuốc Paratramol

Việc sử dụng quá liều thuốc Paratramol có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu hiện tượng quá liều không được phát hiện và xử trí sớm.

Nếu có dấu hiệu khác lạ sau khi uống quá liều lượng chỉ định của thuốc Paratramol, bệnh nhân cần được đưa đến đơn vị chuyên môn để giải quyết ngay lập tức. Bác sĩ sẽ tiến hành duy trì đường thở cũng như chức năng tuần hoàn cho người bệnh.

Ngoài ra, trước khi điều trị tình trạng quá liều Paratramol, bệnh nhân cũng sẽ được lấy mẫu máu ngay nhằm xác định rõ nồng độ của Tramadol và Paracetamol trong huyết tương. Sau đó, các xét nghiệm gan cũng được tiến hành khi bệnh nhân bắt đầu quá liều và có thể nhắc lại sau mỗi 24 giờ.

Đối với quá liều Paratramol, tình trạng tăng men gan có thể nhận thấy thông qua xét nghiệm gan. Tuy nhiên, chỉ số men gan có thể quay lại mức bình thường sau 1 – 2 tuần điều trị.

Ngoài các xét nghiệm trên, bác sĩ cũng sẽ tiến hành một số phương pháp xử trí tình trạng quá liều truyền thống sau:

  • Làm rỗng dạ dày bằng cách thúc nôn bệnh nhân thông qua kỹ thuật rửa dạ dày hoặc kích thích dạ dày. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng khi bệnh nhân còn ở trạng thái tỉnh táo.
  • Áp dụng một số biện pháp hỗ trợ khác như duy trì chức năng tim mạch, duy trì đường thở, khắc phục suy hô hấp bằng Naloxon hoặc kiểm soát cơn động kinh bằng Diazepam.
  • Hoạt chất Tramadol trong thuốc Paratramol được thải trừ một lượng không đáng kể từ huyết thanh thông qua thẩm tách màng bụng và thẩm tách máu. Tuy nhiên, việc điều trị tình trạng nhiễm độc cấp do Paracetamol bằng các phương pháp thẩm tách trên là không phù hợp.

4. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Paratramol

Trong quá trình điều trị các cơn đau và hạ sốt bằng thuốc Paratramol, bệnh nhân có thể vô tình gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:

  • Rối loạn nhịp tim (ít gặp) như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực hoặc loạn nhịp tim.
  • Rối loạn mạch (ít gặp) như bốc hoả hoặc tăng huyết áp.
  • Rối loạn hệ thần kinh như chóng mặt, hoa mắt, ngủ gà (rất phổ biến); run rẩy, đau đầu (phổ biến); dị cảm, co cơ không chủ ý (ít gặp); ngất, co giật hoặc mất điều hoà (hiếm gặp).
  • Rối loạn tai như ù tai (ít gặp).
  • Rối loạn mắt như nhìn mờ (hiếm gặp).
  • Rối loạn tâm thần như thay đổi tính tình, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ (thường gặp); ảo giác, trầm cảm, hay quên, ác mộng (ít gặp); phụ thuộc thuốc (hiếm gặp); lạm dụng thuốc (rất hiếm gặp).
  • Rối loạn hô hấp, trung thất và ngực như khó thở (ít gặp).
  • Rối loạn dạ dày ruột như buồn nôn hoặc nôn ói (rất thường gặp).

Bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên đều có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Paratramol. Do đó, nếu nhận thấy có sự hiện diện của một trong những triệu chứng này, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ chuyên môn để có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Paratramol

5.1 Cần thận trọng điều gì khi dùng thuốc Paratramol?

Trước và trong toàn bộ quá trình điều trị đau và hạ sốt bằng thuốc Paratramol, bệnh nhân cần thận trọng chung một số điều sau:

  • Nguy cơ tăng sự phụ thuộc của khả năng dung nạp thuốc đối với các yếu tố về tâm lý và thể chất có thể xảy ra ở ngay liều điều trị. Nhu cầu giảm đau dựa trên lâm sàng của bệnh nhân cũng cần được xác minh lại định kỳ. Đối với các bệnh nhân có tiền sử lạm dụng ma tuý hoặc phụ thuộc opioid chỉ nên dùng Paratramol trong thời gian ngắn và cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
  • Thận trọng sử dụng Paratramol cho những bệnh nhân bị rối loạn đường mật, chấn thương sọ não, rối loạn co giật, sốc, thay đổi nhận thức không rõ nguyên nhân, tăng áp suất nội sọ, có các vấn đề về trung tâm hô hấp hoặc chức năng hô hấp.
  • Dùng quá liều lượng Paratramol có thể dẫn đến nhiễm độc gan. Ở liều điều trị Tramadol có nguy cơ gây ra các triệu chứng cai thuốc, do đó bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc.
  • Có nguy cơ xảy ra phản ứng khi ngừng sử dụng thuốc Paratramol, nhất là sau đợt điều trị kéo dài.
  • Thuốc Paratramol có thể gây chóng mặt hoặc hoa mắt, thậm chí tăng lên nếu dùng phối hợp với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác hoặc đồ uống có cồn. Do đó bệnh nhân không nên lái xe hay vận hành máy móc trong thời gian dùng Paratramol.

5.2 Paratramol có khả năng xảy ra tương tác với loại thuốc nào?

Cách thức hoạt động và công hiệu của thuốc Paratramol có thể bị thay đổi hoặc ảnh hưởng đáng kể nếu dùng chung với một số loại thuốc sau:

  • Thuốc Buprenorphine (thuốc giảm đau do đau lưng mãn tính hoặc viêm khớp).
  • Thuốc Bupropion (thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý).
  • Thuốc Carbamazepine (thuốc chống co giật cho người bị động kinh).
  • Thuốc Cimetidine (thuốc chữa loét dạ dày).

Để tránh nguy cơ tương tác giữa Paratramol với bất kỳ loại thuốc nào khác, người bệnh cần báo cho bác sĩ danh sách các loại dược phẩm mà mình đang sử dụng, trong đó bao gồm cả thảo dược, thực phẩm bổ sung bảo vệ sức khoẻ hoặc vitamin tổng hợp. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ tương tác giữa các thuốc, từ đó đưa ra hướng điều chỉnh phù hợp cho người bệnh.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số hoặc đặt lịch trực tiếp . Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.