Tại sao không có vaccine sốt xuất huyết

Việt Nam vừa hoàn tất công trình nghiên cứu Dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine mới ngừa sốt xuất huyết (SXH), với 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). Kết quả thử nghiệm thành công ngoài mong đợi và toàn bộ trẻ tham gia vào chương trình đều an toàn, không tai biến.

Tuy nhiên, vaccine được khuyến cáo chỉ dùng cho người đã nhiễm SXH Dengue trước đó và được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm hoặc thông qua kiểm tra huyết thanh trước khi tiêm ngừa. Để làm rõ hơn về hiệu quả và tính khả thi của vaccine này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vaccine SXH.

Tại sao không có vaccine sốt xuất huyết
Trẻ tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh tật tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Viện Pasteur và các nhà khoa học của Hãng dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp) phối hợp thực hiện quá trình thử nghiệm loại vaccine phòng SXH. Ông có thể giới thiệu sơ qua về loại vaccine này và tại sao Việt Nam lại thực hiện việc thử nghiệm này?

>> PGS-TS TRẦN NGỌC HỮU: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số ca mắc SXH trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỷ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay mô hình bệnh tật có xu hướng chuyển dịch sang nhóm tuổi lớn (tăng từ 18% bệnh nhân là người lớn năm 1999 lên đến 60% vào tháng 6-2019) và vùng trọng điểm SXH dịch chuyển về khu vực có các khu công nghiệp. Trước nguy cơ đó, Công ty Sanofi Pasteur đã quyết định nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống căn bệnh này. Vaccine có tên thương mại là Dengvaxia. Loại vaccine này được chỉ định để phòng chống bệnh SXH do 4 type huyết thanh của virus SXH gây ra. Vaccine đã được chứng minh hiệu quả trong việc phòng ngừa SXH cho trẻ em và vị thành niên từ 9-45 tuổi đã có virus SXH trước đó. Việt Nam tham gia nghiên cứu vaccine SXH giúp chúng ta có cơ sở khoa học để cân nhắc cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống SXH theo khuyến cáo của WHO.

- Vaccine Dengvaxia được thực hiện từ bao giờ và tiến độ thực hiện đến nay như thế nào? 

Vaccine SXH Dengvaxia của Sanofi Pasteur được bắt đầu nghiên cứu cách nay hơn 20 năm, đã trải qua nhiều công đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vaccine được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia (5 quốc gia ở châu Á tham gia vào nghiên cứu (CYD14) bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tổng cộng có 10.275 trẻ từ 2 đến 14 tuổi tham gia nghiên cứu. 5 quốc gia ở châu Mỹ tham gia vào nghiên cứu (CYD15) bao gồm Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico (USA). Tổng cộng có 20.986 trẻ từ 9 đến 16 tuổi tham gia nghiên cứu.  Dựa trên kết quả nghiên cứu, Công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký vaccine Dengvaxia ở các nước trên thế giới và đến năm 2018 đã được cấp phép ở 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, gần 2.400 trẻ ở độ tuổi 2-14 tuổi tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm trong vòng 7 năm (trong đó, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có 1.402 trẻ và TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là 934 trẻ). Đến nay công tác nghiên cứu đã hoàn tất và nhóm nghiên cứu gửi kết quả cho Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế), chờ cấp phép lưu hành. Khi vaccine được cấp phép lưu hành ở Việt Nam, Sanofi Pasteur cam kết ưu tiên cung ứng vaccine SXH cho Việt Nam với giá cả phải chăng nhất.

- Hiệu quả của việc thử nghiệm như thế nào và khả năng ứng dụng ra sao, thưa ông?


Kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ chứng minh vaccine Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh SXH ở cá thể 9 đến 16 tuổi có xác định nhiễm SXH trước đó. Ở Việt Nam, các trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vaccine đều an toàn, không tai biến. Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia cấp phép cho Dengvaxia đều khuyến cáo chỉ được tiêm vaccine cho người đã nhiễm SXH Dengue trước đó và được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm hoặc thông qua kiểm tra huyết thanh trước khi tiêm ngừa. Trong trường hợp không có bằng chứng ghi nhận việc nhiễm virus Dengue trước đó, thì cần phải được xét nghiệm xác nhận tình trạng nhiễm Dengue trước đó trước khi tiêm chủng. Cần sử dụng các phương pháp xét nghiệm có độ đặc hiệu cao để tránh tiêm các trường hợp huyết thanh thực chất là âm tính. Sẽ không có xét nghiệm nào có độ đặc hiệu chuẩn đạt 100% vì luôn có khả năng có những phản ứng chéo với flaviviruses khác nên sẽ có một số người chưa từng nhiễm Dengue có thể được chỉ định tiêm vaccine do kết quả dương tính giả.

THÀNH AN (thực hiện)

Thời tiết chuyển mùa Thu – Đông, dịch sốt xuất huyết lại đến “chu kỳ” bùng phát khi số ca mắc liên tục gia tăng. Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, việc chủ động phòng sốt xuất huyết rất cấp thiết khi nhịp sống “bình thường mới” quay trở lại.

Tại sao không có vaccine sốt xuất huyết

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan cộng đồng

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong, chủ yếu là tại tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Bình Phước (6), TP. Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1) và Bình Thuận (1). So cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 36,7%, tăng 5 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, 2 tuần gần đây số mắc có xu hướng gia tăng, số mắc trong tuần tăng 15,4% so với tuần trước.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hiện đang tiếp nhận và điều trị hàng chục trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện. Bé Khánh An (14 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) sốt cao liên tục ba ngày kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Song gia đình lo ngại Covid-19 nên không cho bé đi khám mà chỉ uống thuốc theo đơn thuốc cũ của bác sĩ. Sang ngày thứ tư, bé vẫn sốt liên tục 39 độ C, uống thuốc không hạ, nhợn ói nhiều, đau bụng và có biểu hiện ra kinh nguyệt bất thường. Bé được đưa tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám vào ngày 28/8 và được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết. Sau 3 ngày điều trị, các triệu chứng của bệnh nhi giảm dần, khỏe hơn, ăn uống khá. Tuy nhiên, bé vẫn còn tình trạng chảy máu kinh rỉ rả nên vẫn cần phải theo dõi sát. Những ngày tiếp theo, tình trạng của bé được cải thiện và hồi phục. Bé được xuất viện sau 6 ngày điều trị.

Theo thống kê, số ca nhập viện do sốt xuất huyết rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Điểm đáng ngại của mùa sốt xuất huyết năm nay có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào nhập viện truyền khối tiểu cầu. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, người dân lo ngại đi bệnh viện nên tự chữa bệnh tại nhà. Với sốt xuất huyết, nếu không được theo dõi sát, người bệnh nhập viện điều trị muộn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

“Ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, trẻ hoàn toàn có thể mắc đồng thời sốt xuất huyết và Covid-19. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, mọi người cần thực hiện test nhanh Covid-19 ở nhà trước, nếu kết quả âm tính thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì biểu hiện tương đồng nhau. Nếu trẻ nhiễm đồng thời Covid-19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị Covid-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng.” Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đưa ra lời khuyến nhận biết sớm, điều trị nhanh.

Tại sao không có vaccine sốt xuất huyết

Bên cạnh dịch Covid-19, sốt xuất huyết cũng có thể khiến người bệnh nguy kịch, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM)

Người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là tác nhân chính.

Nguy cơ “dịch chồng dịch” vẫn luôn hiện hữu, BS.Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất khứu giác, vị giác… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Đa số người bị sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có diễn tiến nặng như: cô đặc máu, suy đa tạng, nhiễm trùng máu gây sốc do giảm thể tích,… nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt nguy cơ tử vong. Thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng. Ai cũng có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, nhất là người có sức đề kháng kém.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Khi có một trong những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc đặc trị. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” khi Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Hàng tuần chủ động thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
  • Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt;
  • Chủ động, tích cực phối hợp với cán bộ Y tế và Ban, Ngành, Đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết;
  • Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng.
  • Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà;
  • Dọn dẹp sạch sẽ nơi mình làm việc, sinh sống từ trong nhà ra xung quanh nhà, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi.

Theo các chuyên gia, tất cả mọi người cần bảo vệ hệ hô hấp, tăng cường đề kháng cho lá phổi khỏe mạnh, nhất là trong mùa mưa các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết dễ làm tổn thương hệ hô hấp, đồng thời những “bệnh cũ” như cúm, viêm phổi, viêm mũi họng, hen phế quản… vẫn luôn rình rập tấn công hệ hô hấp, nguy cơ đồng nhiễm các bệnh hô hấp và Covid-19 tăng cao.

Không chỉ Covid-19, hãy đề phòng sốt xuất huyết vì đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Mùa mưa, sốt xuất huyết gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm ở nhiều nơi. Nắm vững kiến thức nhận biết, phòng tránh là cách để bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh, tránh nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh cùng lúc, giảm nguy cơ tử vong.