Trần nợ công là gì

Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ do các nhà lập pháp Mỹ đặt ra. Giới hạn này áp dụng cho các khoản nợ công chúng (bất kỳ người nào mua trái phiếu Mỹ) cộng thêm các khoản nợ các quỹ ủy thác của chính phủ liên bang như Quỹ an ninh xã hội và Y tế.

Tháng 5 vừa qua, tổng nợ của chính phủ Mỹ đã đạt tới giới hạn là 16,699 nghìn tỷ USD. Từ đó tới nay, Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng “các biện pháp phi thường” để có tiền chi trả các hoạt động của chính phủ.

Nếu so sánh số tiền mà chính phủ Mỹ đang nợ với nền kinh tế Mỹ thì ta có thể thấy con số này đã tăng rất nhiều kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 đã tạo ra một sự chênh lệch khổng lồ giữa nguồn thu và tổng chi ngân sách.

Nền kinh tế Mỹ khi đó đã lâm vào sự suy thoái nặng nề và nền tài chính liên bang đã xấu đi nhanh chóng khi chính phủ Mỹ tìm cách thúc đẩy nền kinh tế và ổn định khu vực tài chính. Và kết quả là trần nợ công đã tăng lên gấp hai lần trong nửa cuối năm 2008 và mức tăng của cả năm 2009 cũng là hai lần.

Trong năm tài chính hiện nay, tổng nợ công của chính phủ Mỹ dự kiến đạt mức 75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi tỷ lệ này năm 2007 chỉ là 36%.

Theo quy định, Tổng thống Mỹ không có quyền thiết lập giới hạn trần nợ công mà chỉ có các nhà lập pháp trong Thượng viện và Hạ viện mới có quyền lực này. Các nghị sĩ sẽ đưa ra một đạo luật trong đó quy định tổng số tiền mà Bộ Tài chính có thể vay mượn. Về mặt lý thuyết, thiết lập trần nợ công là nhằm giúp Quốc hội kiểm soát được chi tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc này hầu như không có ý nghĩa trong thực tế.

Kể từ năm 1940, Quốc hội Mỹ đã 79 lần phê chuẩn việc thay đổi giới hạn trần nợ liên bang. Tuy nhiên, những đề xuất thay đổi trần nợ công trước đây thường được thông qua suôn sẻ mà không gây ra nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, kể từ khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa vào năm 2010, cuộc chiến ngân sách giữa hai đảng đã trở thành chuyện phổ biến. Đảng Cộng hòa coi chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử giữa kỳ như một dấu hiệu cho thấy người Mỹ đã không chấp nhận chương trình nghị sự Dân chủ của Tổng thống.

Mặc dù các cuộc chiến ngân sách trước đây cũng từng bao gồm theo những vấn đề lớn hơn về kích thước và quy mô của chính phủ Mỹ, nhưng tranh cãi lần này liên quan tới một vấn đề đặc biệt cụ thể về đạo luật cải cách y tế, hay còn gọi là chương trình Obamacare, của ông Obama, có hiệu lực một phần từ ngày 1-10.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tin tưởng mạnh mẽ rằng đạo luật này sẽ bị công chúng Mỹ bác bỏ và đã tìm mọi cách để buộc ông Obama trì hoãn việc triển khai nó. Còn đảng Dân chủ tuyên bố đạo luật đã được Tòa án Tối cao phê chuẩn vào tháng 6-2012 và là một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 với chiến thắng tuyệt đối của Tổng thống Obama.

Một trong những lý do gây ra những tranh cãi này chính là việc phê duyệt các khoản chi ngân sách và giới hạn trần nợ công được Quốc hội thực hiện một cách riêng rẽ. Bởi vậy các chính trị gia có thể đồng ý thông qua tất cả các khoản chi ngân sách mà không cần nghĩ tới việc lấy nguồn tài chính ở đâu để trả cho các khoản chi đó.

Trong những năm kinh tế thuận lợi thì điều này chẳng có vấn đề gì nhiều, khi nguồn thu ngân sách của chính phủ liên bang lớn hơn nhiều so với tổng chi ngân sách. Tuy nhiên những trường hợp như vậy thực sự là hiếm hoi. Thông thường, Bộ Tài chính phải lấp đầy chênh lệch giữa nguồn thu và tổng chi ngân sách bằng cách vay mượn từ các thị trường tiền tệ quốc tế.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, chính phủ Mỹ đã tìm cách sắp xếp lại các khoản nợ của họ để chính phủ có đủ tiền tiếp tục hoạt động, nhưng những biện pháp này sẽ hết liệu lực vào khoảng từ ngày 22-10 đến cuối tháng.

Sau thời điểm này, để có tiền hoạt động, chính phủ Mỹ có thể sẽ thực hiện cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu liên bang hoặc tìm cách tăng thuế, hoặc có thể thực hiện cả hai biện pháp. Nhưng những biện pháp này sẽ rất khó thực hiện, và có thể là không đủ.

Trong suốt cuộc tranh cãi chung quanh trần nợ công năm 2011, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner đã cảnh báo rằng nghĩa vụ của chính phủ Mỹ rằng việc “cắt giảm mạnh mẽ và ngay lập tức các khoản chi hay tăng thế cũng không thể giúp tạo ra đủ số tiền cần thiết”.

Lo ngại lớn nhất là chính phủ Mỹ có thể sẽ phải ngừng trả các khoản nợ và điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ vỡ nợ. Điều này có thể gây tổn hại tới sự tín nhiệm của các thị trường quốc tế với Mỹ và làm tăng lãi suất vay tiền đối với người dân Mỹ.

Một vụ vỡ nợ có thể gây ra một sự chấn động trong khắp các thị trường tài chính. Trái phiếu Mỹ đã từng được xem là một sự đầu tư an toàn và hàng nghìn tỷ USD đã được đổ vào đó. Nếu vụ vỡ nợ này kéo dài sẽ có thể khiến dòng tiền đổ vào những khoản nợ khác ở Đức hay Thụy Sĩ. Hoặc chúng cũng có thể được chuyển thành vàng, vốn cũng được xem như một khoản đầu tư an toàn.

MINH NGUYÊN

Trần nợ công là gì

PGS.TS Nguyễn Chí Hải: Nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính
Những ngày gần đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia đưa ra quan điểm: Nên hay không “nới trần nợ công” để tạo “dư địa” tài chính tạo dư địa cho hồi phục và phát triển kinh tế. Chúng ta có đủ điều kiện để làm việc này ngay lập tức.

Đây cũng là chủ đề mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang bàn luận và có các quyết sách trước bối cảnh cần kích thích tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Còn tại các nước Đông Nam Á, việc nới lỏng “trần nợ công” cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng để ứng phó với đại dịch, mà gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% GDP lên 70% GDP.

Để kích thích tăng trưởng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, nợ công luôn là một trong các ưu tiên của Chính phủ các nước, nhằm mở rộng chi tiêu và đầu tư, để kích thích tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tình trạng nợ nần chồng chất dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ, cũng là nỗi ám ảnh của các quốc gia trên thế giới, mà đỉnh điểm là khủng hoảng nợ công tại các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác. Vấn đề mấu chốt ở đây, xét đến cũng là cần duy trì nợ công ở mức an toàn mà nền kinh tế có thể kiểm soát được, đó cũng chính là lý do các nước phải quy định “trần nợ công”.

Nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính

Thực tế nền kinh tế Việt Nam, vấn đề nợ công cũng đã trở thành vấn đề thời sự trong giai đoạn 2011-2016, khi nợ công liên tục tăng, từ 50% GDP năm 2011 đã tiến gần về ngưỡng 65% GDP (năm 2016 dư nợ công chiếm 63,7% GDP), trong khi đó chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư công chưa cao, áp lực trả nợ gia tăng (đến cuối năm 2015, nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ đạt 50,3% vượt trần 0,3%, nghĩa vụ trả nợ lãi trực tiếp chiếm 8% ngân sách, nếu tính cả trả nợ gốc thì lên đến gần 26% ngân sách). Đó là bối cảnh lúc đó và Chính phủ đã có các giải pháp quyết liệt nhằm giảm áp lực nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công và chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát theo hướng bền vững, với mức nợ công chiếm khoảng 55,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, thâm hụt ngân sách ở mức bình quân khoảng 3,6% GDP, tất cả đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là 65%, 54% và 3,9%.

Phát huy thành công của giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025, theo đó: (i) Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; (ii) Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45%; (iii) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lần 4 và tác động trầm trọng của nó đối với kinh tế - xã hội của cả nước, chúng ta nên có những rà soát, điều chỉnh phù hợp.

Các báo cáo gần đây của Chính phủ về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ tháng 6/2021 đã có những diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 đã giảm sâu ở mức 6,17%, nếu tính cả 9 tháng đầu năm 2021 thì tăng trưởng đạt mức 1,41%. Dự báo gần đây của các chuyên gia trong và ngoài nước về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 hầu hết đều ở mức khoảng 3%. Điều quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, không chỉ là cần cải thiện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh, cải thiện an sinh xã hội. Do vậy, việc nâng trần nợ công trong thời điểm hiện nay, theo chúng tôi, cần có quyết sách kịp thời và linh hoạt từ phía Quốc hội và Chính phủ. Các lý do để có thể “nới trần nợ công” của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, đó là:

Thứ nhất, để hồi phục và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính, trong đó việc nới trần nợ công sẽ tạo dư địa cần thiết để huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước. Theo ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi cho rằng, Quốc hội nên xem xét để có thể nới trần nợ công ở mức hơn 65% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nhưng liều lượng và lộ trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn của nền kinh tế.

Thứ hai, xem xét các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều đánh giá cao về sự ổn định (dù tăng trưởng có suy giảm), đặc biệt thành tựu kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài được đánh giá ở mức khá an toàn, trong khi dư địa về tổng cầu và tổng cung còn khá nhiều tiềm năng. Do vậy, việc nới trần nợ công có kiểm soát sẽ tạo động lực để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế.

Thứ ba, các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng cách chủ động gia tăng tổng cầu, để khôi phục và phát triển kinh tế là công cụ khá phổ biến mà các nước đã thực hiện, trong đó có Việt Nam. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu 2 năm qua, nhiều nước đã sử dụng nợ công như là công cụ cần thiết nhằm “bơm thêm” nguồn lực tài chính cho phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề là thời điểm, liều lượng và ảnh hưởng có mức độ khác nhau.

Ưu tiên đầu tư cho các vùng kinh tế động lực, có khả năng tạo sự lan tỏa

Thực tiễn vay nợ và sử dụng nợ công ở Việt Nam cũng như các nước đã chỉ ra rằng, điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định là hiệu quả của việc sử dụng nợ công. Do vậy, gắn với việc đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết “nới trần nợ công” thì Chính phủ cần cam kết các điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả nợ công trong thời gian tới. Theo chúng tôi, các giải pháp này bao gồm:

Thứ nhất, cần đặt giải pháp “nới trần nợ công” trong tổng thể các giải pháp kinh tế, tài chính quốc gia, trong đó cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đáp ứng “mục tiêu kép” là phát huy vai trò của nguồn vốn đầu tư công, đồng thời kiểm soát nợ bền vững.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thông qua các dự án, chương trình đầu tư công, các công trình phúc lợi xã hội, là nhân tố quyết định nhằm duy trì mức bền vững của nợ công. Để thực hiện được điều này, liên quan đến các chủ đầu tư, vai trò của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, trong đó yếu tố bảo đảm tiến độ, kịp thời trong giải ngân cũng như tiết kiệm nguồn lực tài chính, đang thực sự là khâu cần khắc phục hiện nay.

Thứ ba, duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, đặc biệt là kiểm soát tỷ lệ thâm hụt ngân sách, bảo đảm năng lực trả nợ, là nhân tố trực tiếp để lựa chọn và duy trì khả năng kiểm soát nợ công bền vững.

Thứ tư, việc “nới trần nợ công” cũng là dịp để Chính phủ huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm, mở rộng kết nối vùng, nâng cao năng lực quản trị số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thứ năm, để sử dung nợ công có hiệu quả, điều kiện tiên quyết, đó chính là các quyết định về phân bổ nguồn vốn hợp lý, có hiệu quả. Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đầu tư công cần được ưu tiên cho các vùng kinh tế động lực, có khả năng tạo sự lan tỏa trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đổi mới sáng tạo và không gian khởi nghiệp.

Tóm lại, nợ công luôn là công cụ trong việc huy động nguồn vốn cho phát triển kinh tế của các nước, đồng thời nợ công cũng là chỉ tiêu kinh tế quan trọng đánh giá tín nhiệm và sự an toàn tài chính của một quốc gia. Việt Nam, những năm gần đây luôn được các tổ chức quốc tế tín nhiệm về an toàn nợ, trong đó có nợ công; Việt Nam cũng là quốc gia có kinh nghiệm trong kiểm soát nợ và duy trì các chỉ số nợ bền vững. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lần 4 với những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo áp lực lớn đối với chi tiêu ngân sách Nhà nước, do vậy đề xuất “nới trần nợ công” ở mức độ phù hợp, linh hoạt, có kiểm soát, cần có quyết sách kịp thời của Quốc hội và Chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM