Kỹ năng chất vấn là gì

      Từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa IX, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có những chuyển biến đáng kể, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Để tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của mình, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định bảo đảm cho ĐBQH thực hiện có hiệu quả hơn quyền chất vấn, tạo cơ sở pháp lý cho việc đề cao trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, cơ cấu ĐBQH các khóa gần đây đã được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và tăng cường số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách. Cũng chính từ đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội quan tâm đổi mới. Điều dễ nhận thấy là, từ Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa IX, UBTVQH đã quyết định cho phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp toàn thể của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó, hoạt động này phát triển dần, mạnh mẽ, ngày càng được đổi mới, cải tiến qua các nhiệm kỳ Khóa X và Khóa XI. Những chuyển biến quan trọng đó đã tạo tiền đề cho sự thay đổi về diện mạo trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian sau này.
      Để bảo đảm cho hoạt động giám sát tối cao, trực tiếp của Quốc hội có hiệu lực và hiệu quả, thì quy trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Vai trò, ý nghĩa đó được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây:
      Thứ nhất, nó tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo một trật tự thống nhất, với những trình tự, thủ tục cụ thể. Nó tránh sự tùy tiện trong việc sử dụng nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia vào hình thức giám sát tối cao, trực tiếp của tập thể các đại biểu do cử tri cả nước bầu ra – tức Quốc hội. Đặc biệt, kể từ khi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thì hoạt động này còn được diễn ra công khai, trước sự chứng kiến của cử tri và nhân dân cả nước. Điều đó đòi hỏi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội phải được tuân thủ chặt chẽ bởi các khâu, các bước theo một quy trình nhất định, do chính Quốc hội đặt ra.
      Thứ hai, nó phản ánh tính nền nếp, kỷ cương và kỷ luật trong sinh hoạt của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với việc quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Nội quy kỳ họp, các chủ thể tham gia hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có những quyền hạn, nghĩa vụ tương xứng với địa vị pháp lý của mình. Theo đó, ĐBQH có quyền nêu câu hỏi chất vấn, thậm chí có thể theo đuổi đến cùng vấn đề mà mình chất vấn, nhưng không thể vượt quá giới hạn thời gian cho phép. Người trả lời chất vấn có nghĩa vụ trả lời đầy đủ, rõ ràng những câu hỏi mà đại biểu nêu ra, nhưng cũng có quyền từ chối trả lời những vấn đề thuộc phạm vi bí mật quốc gia hoặc những vấn đề không thuộc thẩm quyền và phạm vi lĩnh vực mình phụ trách.
      Thứ ba, nó tạo tiền đề cho việc xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát của Quốc hội; Là sự khởi đầu, tiếp nối hay sự kết thúc một nội dung thuộc phạm vi hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Với các bước của quy trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, một vấn đề cụ thể liên quan đến quốc kế dân sinh có thể được mổ xẻ tỷ mỷ; Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội sẽ được xác định rõ hơn. Tùy vào tính chất, mức độ của vấn đề đang được chất vấn mà Quốc hội có thể quyết định tiếp tục làm rõ tại phiên họp của UBTVQH, hoặc quyết định giao cho một cơ quan của Quốc hội giám sát, hay kết thúc việc trả lời chất vấn bằng một nghị quyết xác định trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
      Thứ tư, nó tác động và phản ánh kỹ năng đối thoại, tranh luận giữa các chủ thể tham gia hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Chính các quy định về quy trình chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo tiền đề cho các bên nâng cao kỹ năng đối thoại, tranh luận để cùng giải quyết những vấn đề mà Quốc hội và nhân dân quan tâm. Quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cũng có tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới không khí sinh hoạt tại các phiên họp công khai của Quốc hội.
      Thứ năm, nó phản ánh khoa học tổ chức, điều hành hội nghị trên bình diện của diễn đàn quyền lực ở tầm quốc gia. Nó thể hiện tư duy khoa học và phép vận trù hợp lý trong việc sắp đặt trật tự các bước, các khâu cần tiêæn hành của quy trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Nó bảo đảm tiết kiệm được thời gian, loại bỏ được những yếu tố bất hợp lý, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ts Lê Thanh Vân
Phó vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu – VPQH

CTTĐT - Thông qua chất vấn của đại biểu HĐND, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương đã được giải quyết, sự băn khoăn, thắc mắc của cử tri phần nào được giải tỏa, góp phần thể hiện rõ tính chất của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nâng cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân

Kỹ năng chất vấn là gì

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại Kỳ họp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chất vấn là một hình thức giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), được tổ chức công khai tại kỳ họp hoặc giữa hai kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND); thành viên khác của UBND; Chánh án Tòa án nhân dân; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời nhằm giải đáp, làm rõ trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền được phân công. Hoạt động chất vấn thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND, bảo đảm tính chủ động, có kế hoạch của hoạt động chất vấn, bảo đảm chất vấn có trọng tâm, sát thực; quy định rõ hơn về việc Thường trực HĐND xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; xác định rõ hơn hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, chất vấn lại, quy kết trách nhiệm; chi tiết các trường hợp cho trả lời bằng văn bản và quy định rõ trình tự, thủ tục của việc trả lời bằng văn bản... Điều này cho thấy, các quy định pháp luật thể hiện vai trò, ý nghĩa của quy trình, trình tự, thủ tục chất vấn và hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND, tránh được sự tùy tiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động chất vấn.

Để hoạt động chất vấn thật sự hiệu quả, đại biểu HĐND cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, lựa chọn vấn đề chất vấn: Đây là yếu tố hết sức quan trọng, đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cư tri và dư luận quan tâm. Lựa chọn nội dung chất vấn đang được dư luận quan tâm sẽ nhận được ủng hộ từ các đại biểu khác và công chúng, sự hỗ trợ này có ý nghĩa quan trọng để nội dung chất vấn thành công, đạt hiệu quả. Nội dung chất vấn yêu cầu phải “cụ thể” nghĩa là đại biểu phải có bằng chứng, có ví dụ chứng minh; trên cơ sở dư luận, đại biểu cần tìm hiểu kỹ vấn đề chất vấn, số liệu đưa ra đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, phải đảm bảo “rõ ràng”, tức là đại biểu phải có đầy đủ thông tin chính xác. Trong trường hợp đại biểu nắm được thông tin rất có giá trị nhưng chưa có điều kiện kiểm tra, khi đó đại biểu chỉ nên nêu thông tin đó như một nguồn tin để hỏi người bị chất vấn có biết sự việc đó hay không? nếu có thì ở mức độ nào? và trách nhiệm của người bị chất vấn về vấn đề đó ra sao? Hạn chế việc chọn và đi sâu vào những vấn đề nóng nhưng chưa có thông tin đầy đủ, khi các cơ quan chức năng còn đang làm rõ, chưa có biện pháp xử lý khả thi hoặc những vấn đề quá chi tiết, không mang tính phổ biến.

Thứ hai, thu thập các thông tin về vấn đề chất vấn: Khi đại biểu HĐND đã xác định được vấn đề chất vấn thì cần tiến hành thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho việc đặt câu hỏi chất vấn. Đại biểu có thể thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn nhưng những nguồn đó phải là nguồn thông tin chính thức như: Báo cáo của UBND cùng cấp, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát của HĐND, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,...Bên cạnh đó, đại biểu có thể thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ tiếp xúc cử tri, đơn thư khiếu nại của công dân. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là thông tin tiếp xúc cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần phải được kiểm tra kỹ. Các thông tin đại biểu thu thập được cần được xử lý chuyên sâu hơn bằng cách tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Thứ ba, chọn đối tượng trả lời chất vấn: Đối tượng trả lời chất vấn phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nội dung chất vấn. Thực tế có trường hợp đại biểu chất vấn những việc không thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn. Việc xác định người đứng đầu cơ quan nào phải chịu trách nhiệm ra sao đối với vấn đề bức xúc đang tồn tại là một điều khá khó khăn. Do đó, trước khi đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu phải giải quyết được hai câu hỏi: Thứ nhất, vấn đề chất vấn có xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay không; thứ hai, vấn đề đó có thuộc trách nhiệm của người định chất vấn hay không?

Thứ tư, trình bày nội dung chất vấn: Để chất vấn có hiệu quả, đại biểu cần chú ý đặt câu hỏi chất vấn phù hợp với nội dung chất vấn mà HĐND đã quyết định. Đảm bảo thời gian đặt câu hỏi chất vấn đã được quy định. Đại biểu nên đặt câu hỏi ngắn gọn, tránh dài dòng. Trong trình bày nội dung chất vấn, đại biểu cần có thêm một số kỹ năng khác như: Lựa chọn sử dụng ngôn từ, sử dụng giọng nói, ngôn ngữ cơ thể một cách hiệu quả có thể làm nội dung trình bày trở nên sinh động hơn; trình bày mạch lạc, rõ ràng, chú ý âm lượng, cao độ, tốc độ khi nói.

Thứ năm, chất vấn lại: Sau khi nhận được câu trả lời chất vấn, nếu người chất vấn hoặc đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời hoặc trả lời chưa đầy đủ, chưa xác định được trách nhiệm của vấn đề chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời tiếp. Đây là việc cần thiết để làm rõ những vấn đề mà đại biểu chất vấn và thể hiện trách nhiệm cũng như năng lực của đại biểu.

Có thể thấy, qua chất vấn của đại biểu HĐND, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương đã được giải quyết, sự băn khoăn, thắc mắc của cử tri phần nào được giải tỏa, góp phần thể hiện rõ tính chất của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nâng cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân./.

Kiều Anh