Tỷ lệ thất nghiệp ở việt nam 2023

Phân tích và Dự báo

Một số dự báo tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn 2022-2023 và trong trung hạn 2022-2027

Cập nhật lúc: 29/06/2022 12:40:00 PM

Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục trong xu thế hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu, mặc dù những lo ngại về biến chủng virus mới có thể làm chệch hướng phục hồi, làm gia tăng lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 dự báo sẽ trong khoảng từ 4,3-4,9%, đặc biệt đến từ sự phục hồi nhanh của những khu vực và nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc,…, các đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do phát huy tích cực, là nhân tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2022 và trong trung hạn. EVFTA đã cho thấy tác động khá mạnh đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU kể từ khi hiệp định này chính thức có hiệu lực. Sau 1 năm thực thi EVFTA, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong nước, việc phủ rộng vắc xin cho phép hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có độ phủ vắc xin cao trên thế giới, tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam có cơ hội mở cửa phục hồi kinh tế.

Đồng thời, dịch bệnh đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được thực thi trong năm 2022, tạo động lực thúc đẩy sự hồi phục kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quá trình hồi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Sự xuất hiện của các biến chủng mới vẫn tiếp tục là một rủi ro đối với nền kinh tế. Kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và chứa đựng nhiều rủi ro khiến triển vọng gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và quá trình phục hồi các chuỗi cung ứng đối với Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Dư địa để Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn còn song không qua nhiều trong năm tới. “Sức khỏe” của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn. Các rủi ro tài chính, nhất là rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu và có thể gia tăng.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022-2027 theo 3 kịch bản. Theo đó, với kịch bản cơ sở, cũng là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng khoảng 6,95% trung bình giai đoạn. Kịch bản này khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục cùng kinh tế thế giới, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro từ tình hình địa chính trị, những biến thể virus mới, mặc dù không làm đình trệ các hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế như trong giai đoạn 2020-2021 nhưng cũng là yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế và dòng thương mại toàn cầu, gây tăng giá hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, nếu trong trạng thái tốt hơn, khi bệnh dịch hoàn toàn được khống chế, tạo điều kiện kinh tế thế giới hồi phục ổn định thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, dự kiến 7,13% trung bình giai đoạn 2022-2027. Nhưng ngược lại, nếu kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh, phát sinh những biến thể mới, những cuộc khủng hoảng địa chính trị tiếp tục xảy ra, khi đó tăng tưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2022-2027 khoảng 6,5%.

Bảng 1: Các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 và trong trung hạn 2022-2027 (%)

 

Kịch bản thấp

Kịch bản chủ

(trung bình)

Kịch bản cao

Năm 2022

6,20

6,70

7,20

Năm 2023

6,80

7,03

7,20

Giai đoạn 22-27

6,50

6,95

7,13

Nguồn: NCIF, tháng 2/2022

Với kịch bản tăng trưởng này, dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 và trong trung hạn:

Bảng 2: Dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 -2027 (%)

Năm

KB thấp

KB trung bình

KB cao

2022

2,7

3,2

3,8

2023

2,6

3,5

4,3

2024

2,9

3,9

4,8

2025

3,2

4,1

5,1

2026 -2027

4,5 - 5

Nguồn: NCIF, tháng 2/2022

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu:

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động thương mại hàng hóa dịch vụ nói riêng trong giai đoạn trước mắt (2022-2023) phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của các đối tác thương mại lớn. Sức cầu tăng mạnh do tâm lý sau giai đoạn giãn cách xã hội cùng với tác động từ các gói kích thích phục hồi kinh tế của Chính phủ các nước là động lực chính giúp lĩnh vực này phục hồi trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong năm 2020 và RCEP dự kiến có hiệu lực trong năm 2021 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023. Các Hiệp định này sẽ góp phần làm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giảm bớt sự phụ thuộc của Việt Nam vào một số ít thị trường trường, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế cho Việt Nam.

Bên cạnh những tác động tích cực từ tình hình kinh tế thế giới, hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Cụ thể, một số quốc gia vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngawttj (như Trung Quốc), khiến chi phí logistic tăng cao do diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nhiều ngành hàng của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2022-2027, các hiệp định thương mại sẽ giúp thúc đẩy tự do hóa thương mại đi liền với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan. Hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ gặp nhiều khó khăn, vai trò của các định chế thương mại đa phương (như Tổ chức thương mại thế giới) ngày càng mờ nhạt. Xu hướng ký kết các FTA song phương đang và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới. Phạm vi điều chỉnh của các FTA cũng rộng hơn, không chỉ là cắt giảm thuế quan và thuận lợi hoá thương mại mà còn các lĩnh vực liên quan đến cách thức sản xuất hàng hoá (dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm công), mức độ tự do hoá cao và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau. Các yếu tố này sẽ là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn trung hạn.

Dự báo dòng vốn FDI:

Dòng vốn FDI thu hút vào Việt Nam chịu ảnh hưởng đan xen của cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Nhìn vào bối cảnh toàn cầu, dòng vốn FDI chưa phục hồi chắc chắn do tiếp tục xuất hiện những biến thế mới trong đại dịch COVID-19. Hơn nữa, tồn tại những rủi ro địa chính trị, tài chính, căng thẳng thương mại có thể khiến khả năng FDI toàn cầu tiếp tục suy thoái trong năm 2022 và 2023. Không ngoại lệ, vốn FDI thu hút vào Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ sự thu hẹp này. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ có lợi thế chính trị ổn định, thể chế vững vàng, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng, các chi phí không chính thức đã được cắt giảm một cách đáng kể. Đồng thời, Chính phủ thực hiện hiệu quả kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa ra các gói kích cầu tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh chóng. Hơn cả, Việt Nam tham gia ký kết vào các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực, v.v, sẽ là thuận lợi lớn giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô thị trường. Có thể thấy, xu hướng vốn FDI vào Việt Nam có nhiều kỳ vọng và cơ sở để duy trì và tăng tưởng. Dự báo vốn FDI thu hút của Việt Nam đạt mức khá trong năm 2022 và 2023, trong đó tương ứng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 25 tỷ USD và 27 tỷ USD.

Trong trung hạn, dòng vốn FDI chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 – đây là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất; việc các Hiệp định thương mại tư do song phương và đa phương có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư so với các đối thủ trong khu vực, cũng như tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các cụm nhóm tạo kết nối để tạo giá trị gia tăng, phát triển kỹ năng và hợp lý hóa quy trình hoạt động.

Dự báo thất nghiệp trong ngắn hạn 2022-2023 và trung hạn 2022-2027:

Năm 2021 số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vượt mốc 4% (cao nhất 10 năm qua). Trong năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo trong năm 2022, trong kịch bản khả quan nhất, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, thị trường vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm[1]. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra dự báo số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người; đến năm 2023, số lượng thất nghiệp sẽ giảm xuống 1,2 triệu người, nhưng vẫn cao hơn thời điểm năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người). ILO lưu ý, tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với các số liệu được thống kê.

Bảng 3: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi đến năm 2030 (%)

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

2021*

2022**

2023

2025

2027

2030

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

2,29

2,22

2,19

2,17

2,48

3,22

2,65

2,50

2,30

2,20

2,25

Nguồn: (*) Số liệu các năm 2016-2021 tham khảo từ Tổng cục Thống kê[2];

(**) Số liệu dự báo các năm 2022-2030 dựa trên tính toán của NCIF.

Theo ILO, đến năm 2023, khả năng phục hồi hoàn toàn về thị trường lao động việc làm trên các khu vực trên toàn cầu nói chung vẫn sẽ khó xảy ra. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh nhất ở các nước có thu nhập cao và sự phục hồi diễn ra không đồng đều ngay cả trong nội tại mỗi quốc gia. Chung quan điểm này, dự báo của NCIF cũng cho thấy, mặc dù thị trường lao động Việt Nam đang dần khởi sắc trong giai đoạn cuối 2021, đầu 2022 khi tỷ lệ tiêm chủng được mở rộng trong toàn dân, tuy nhiên , tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi trong năm 2022 và năm 2023 được dự báo tuy sẽ giảm dần nhưng vẫn ở mức cao hơn giai đoạn trước khi dịch bệnh xuất hiện. Cụ thể, tỷ lệ này trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt là 2,65% và 2,5%, và sau đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần trong trung hạn, cho thấy sự khởi sắc trở lại của thị trường lao động.                                                        

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Dự báo kinh tế vĩ mô



Bình luận

Họ và tên
Địa chỉ
Nội dung
Mã xác nhận:
Tỷ lệ thất nghiệp ở việt nam 2023
Nhập mã xác nhận:
 

Tìm kiếm