Hcm Việt chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ là Liêm

Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Hcm Việt chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ là Liêm
Giáo sư Hoàng Chí Bảo trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Doanh nghiệp Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo ngày 22/8/2019, tại Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo Người "Liêm" là một phần của đạo đức cách mạng mà người đảng viên, người cán bộ tốt phải có, phải rèn luyện. Cho đến cuối đời, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Hồ Chí Minh vẫn đau đáu về chữ "Liêm" trong xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng, đó là "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng...".

BỐN ĐỨC CƠ BẢN CỦA NGƯỜI CÁN BỘ

Bàn về chữ Liêm, theo Tiến sỹ Vũ Thị Kiều Phương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm là "không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết"; là "không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ"; là "chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống"; là "không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân".

Thậm chí "Liêm" còn được Người bàn trong một trước tác chuyên biệt về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính "Cần Kiệm Liêm Chính" viết năm 1949. Trong đó, cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, là tiền đề của nhau. Người có chỉ rõ sự khác biệt giữa "Liêm" của "ngày xưa" với "Liêm" của ngày nay. Nếu như ngày xưa "Liêm" chỉ để nói đến "những người làm quan không đục khoét dân", "trong sạch, không tham lam", thì ngày nay "Liêm" có nghĩa rộng hơn và "mọi người đều phải Liêm". Và "Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm", bởi "có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm".

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không phải cứ thực hiện các nội dung "Liêm" như thế là đã có "Liêm". Thực hiện "Liêm" như vậy mới chỉ là "Liêm một nửa". Để "Liêm" thật sự hoàn chỉnh thì không phải chỉ mình thực hiện "Liêm", mà còn phải giúp người khác cũng thực hiện được "Liêm".

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - người đã dành hơn 30 năm cuộc đời mình để nghiên cứu, sưu tầm, chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy rằng Bác không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một nhà đạo đức học. Lý thuyết đạo đức của Bác là đạo đức cách mạng, quy tụ vào có bốn giá trị, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính. Như Bác gọi đó là bốn đức để làm Người. Có đủ cần, kiệm, liêm, chính mới chí công vô tư được, mới vô ngã, vị tha được, mới có thể đứng ngoài vòng danh lợi để suốt đời vì nước, vì dân được.

Bác nói cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cơ bản để làm Người, phải đủ cả bốn đức mới là con người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Nhưng ở đời thì nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn cả, cho nên muốn có đủ bốn đức thì suốt đời phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân mà Bác gọi là chống giặc nội xâm ngay ở trong lòng. Bác còn hình dung đây là cuộc chiến đấu suốt đời mà sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.

Suy nghĩ về chữ Liêm trong quan hệ đạo đức của Bác, Giáo sư. Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo phân tích liêm là kết quả của cần và kiệm, có cần, có kiệm thì mới liêm được, mà có liêm thì mới chính được. Vậy liêm ở đây là liêm khiết, trong sạch không có gì tư túi, khuất tất, bất minh. Liêm gắn liền với chính. Chính vì thế khi trừng trị tham nhũng, Bác chỉ thị là trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị nào. Bây giờ Đảng đang thực hiện lời Bác là không có ngoại lệ là vì thế.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đánh giá chữ Liêm rất quan trọng, nhất là đối với người có chức, có quyền. Có liêm tức là liêm khiết, không tham nhũng, có liêm mới trong sạch, quang minh chính đại. Chữ Liêm gần như là thước đo về đạo đức, nhưng đồng thời cũng là thước đo về bản lĩnh của con người, nhất là khi có chức, có quyền.

Điều đó càng đúng trong điều kiện hiện nay khi mà hằng ngày, hằng giờ con người bị cám dỗ bởi đồng tiền vật chất của kinh tế thị trường. Trước đây rèn luyện và bảo vệ, phát huy chữ Liêm đã khó, trong điều kiện ngày nay càng khó hơn bởi vì cuộc sống đã thay đổi, hằng ngày hằng giờ, người ta nghĩ tới lợi ích, nhất là lợi ích vật chất, thì chữ Liêm đúng là thách thức đối với cán bộ, đảng viên nói chung, nhất người có chức vụ. Chức vụ càng cao, càng đứng trước những thách thức rất nghiệt ngã của chữ Liêm - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đánh giá.

TỰ CHỈNH ĐỐN, TỰ NGĂN CHẶN

Vậy làm thế nào để thực hiện được lời Bác, giữ được chữ Liêm trong điều kiện hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo thấy rằng trước tiên cần phải thường rèn luyện cho đủ cả bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Người có cần, có kiệm thì người đó đã có tiền đề để liêm. Có liêm thì sẽ chính trực, công minh, không lợi dụng, không cá nhân riêng tư mà tất cả vì dân. Đồng thời phải có thể chế, luật pháp thật nghiêm để buộc mọi người phải liêm, nếu không liêm, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của luật pháp để giữ được lòng tin của nhân dân.

Một nội dung quan trọng khác, theo Giáo sư. Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Đảng phải chú trọng giáo dục, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có trọng trách. Trên cơ sở đưa đạo đức vào nội dung xây dựng Đảng, cần đẩy mạnh giáo dục danh dự, giáo dục liêm sỉ, giáo dục nỗi biết nhục khi rơi vào chuyện xấu xa, khuất tất. Bác Hồ nói tham nhũng, tham lam là điều đáng xấu hổ nhất, phải rèn luyện cho cán bộ, đảng viên tự thức tỉnh mình, tự răn đe và chỉnh đốn mình, tự ngăn chặn mình khi có nguy cơ làm những điều sai trái.

Cuối cùng, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, phải đặt trong sự kiểm soát của dân. Đây là điều rất quan trọng, môi trường xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, người dân có tiếng nói giúp Đảng uốn nắn cán bộ khi cán bộ có sai lầm, như vậy mới gắn Đảng với dân là một, cán bộ sẽ sống trong môi trường cần, kiệm, liên, chính.

Theo Tiến sỹ Vũ Thị Kiều Phương, để chữ "Liêm" được thực hiện sâu rộng trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên", nhất là "cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân". Nếu cán bộ "thi đua thực hành liêm khiết" thì "sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân". Và ngược lại, người dân cũng cần nâng cao trình độ, hiểu biết, phải biết quyền hạn của mình để có thể kiểm soát được cán bộ, để "giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm", bởi "quan tham vì dân dại". Người cũng nhấn mạnh rằng, pháp luật phải "thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì".

Để rèn luyện phẩm chất này, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, điều đầu tiên là tự tu dưỡng của mỗi cá nhân, tự nhận thức được đâu là cái đúng, đâu là cái sai; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của con người. Theo ông Quang, có những việc vẫn cần phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để tạo thành một nếp nghĩ, thói quen của mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với giáo dục thuyết phục, cần có biện pháp kỷ luật nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm để xử lý thích đáng.

Đánh giá, rèn luyện, giữ liêm là cả quá trình lâu dài, vì đây là phạm trù đạo đức, đối với mỗi con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, việc rèn luyện là cả cuộc đời. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đây cũng là phẩm chất của nêu gương. Giữ được liêm tức là cán bộ, đảng viên đã nêu gương trước quần chúng nhân dân. Nhiều cán bộ cao cấp nhưng không tu dưỡng, rèn luyện, không giữ được liêm đã sa ngã và bị xử lý nghiêm khắc, cho thấy hơn lúc nào hết, chúng ta phải làm việc này thật quyết liệt. Không chỉ xem xét năng lực chuyên môn, trong tuyển lựa, rèn luyện cán bộ phải kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tư cách của người cán bộ trên vị trí công tác được phân công.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, để không còn những lỗ hổng, kẽ hở mà luồn lọt, len lách, để muốn "bất liêm" cũng không thể được, đồng thời phải tận dụng hệ thống kiểm tra, giám sát. Việc này cần được triển đồng bộ, từ nhiều lực lượng khác nhau, trong đó có vai trò quan trọng của nhân dân.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ "Liêm" của con người trong xã hội, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng về thực hành chữ "Liêm". Điều này khẳng định sự nhất quán từ tư tưởng tới thực tiễn cách mạng của Người về chữ "Liêm", tạo nên một nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh.

Bài 3:

Quỳnh Hoa ()

“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cán bộ chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc,vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít,mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” (Hồ Chí Minh. Toàn tập NXBCTQG tập 4, trang 466).

Hcm Việt chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ là Liêm
Ai cũng được học hành – Một ham muốn tột bậc
của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ảnh: TL

“Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc. Trời có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người” (Hồ Chí Minh Toàn tập NXBCTQG tập 5, trang 293).

Hơn 60 năm qua, những lời nói, câu viết ấy, những giá trị cốt lõi trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như một sự tiếp nối và nhất quán về “tư cách một người cách mạng” được Nguyễn Ai Quốc – Hồ Chí Minh đưa lên hàng đầu trong các bài giảng về Đường cách mạng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng thời dựng Đảng (1925-1929) để hôm nay và lâu dài mai sau, lớp lớp đồng chí, đồng bào, con cháu của Người học tập, rèn luyện, làm theo. Trong những lời khuyên bảo, giảng huấn ấy nổi bật là chữ “Liêm” gắn chặt với bài học “Tu thân”, được Bác Hồ của chúng ta nêu cao và tự mình thực hành trước, nêu gương…

“Liêm – là đức tính trong sạch, không tham lam, không tham của công và của người khác”, cả từ điển tiếng Việt và từ điển Hán – Việt đều chú giải như vậy. Theo đó, liêm khiết là trong sạch đến độ thanh khiết, thuần khiết, tinh khiết, cao khiết, không một chút bụi bậm, nhơ bẩn. Liêm còn là liêm chính, ở đó có sự trong sạch gắn liền với sự ngay thẳng, một sự chân thật, trên căn bản lẽ phải, không chỉ là theo lẽ phải mà còn là bảo vệ lẽ phải, không gian dối, dối trá, thiên vị. Liêm phải gắn liền với sỉ, liêm sỉ – giữ mình sao cho trong sạch, tránh những điều phải xấu hổ, hổ thẹn với mọi người, trước nhất là hổ thẹn với lương tâm của chính mình.

“Liêm” là một trong “tứ đức” (cần, kiệm, liêm, chính), là một trong “ngũ thường” (nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm), trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và đây là một đặc sắc, sáng tạo trong tư duy đạo đức, triết lí đạo đức của Người. Hồ Chí Minh đã sử dụng nguyên vẹn 3 chữ: nhân, trí, dũng của Khổng Tử, lấy thêm chữ nghĩa của Mạnh Tử; và đưa vào thêm chữ liêm, mà trước đó không một ai đưa vào “ngũ thường”. Đây không chỉ là chữ, là từ, là khái niệm, là chuẩn mực giá trị đạo đức, được dùng lại và đưa thêm vào mà quan trọng hơn, cơ bản nhất lại là ở chỗ Hồ Chí Minh đã có cách tiếp cận mới nên đã xác định nội hàm mới về chất để các từ khái niệm đạo đức truyền thống trở thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng, thực hiện một cuộc cách mạng về đạo đức. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng phải là đạo đức, là văn minh “thì mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình”. Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây, ngọn nguồn, của sông của suối. Người vẫn thường nói, đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng, mới đi được xa; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng… Chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng ấy phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội ta. Theo Hồ Chí Minh, phải có cái đức để đi đến cái trí. Vì khi đã có cái trí thì đức chính là cái đảm bảo cho người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã lựa chọn, đã tiếp nhận, đã đi theo. Nói về liêm, Hồ Chí Minh đã dẫn lời của Khổng Tử: “Người mà không liêm không bằng súc vật”. Hơn thế đây coi là một phẩm chất nhân cách của con người trong các mối quan hệ xã hội, trong đối nhân xử thế, là một phẩm chất xã hội của cá nhân và của cộng đồng.

Theo Hồ Chí Minh thì “Liêm là không tham địa vị, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”… Liêm là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa thì không ham gì hết…”, “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, tham sống yên đều là bất liêm”… “Dìm người giỏi để giữ gìn danh tiếng của mình… gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm… gặp giặc mà rụt rè mà không dám đánh đều trái với liêm, đều là bất liêm”. Như vậy trong Liêm có Chính, có Nghĩa, có Nhân, có Dũng; bất liêm là biểu hiện và bắt nguồn từ bất nhân, bất chính, bất nghĩa, vô dũng. Liêm gắn liền với liêm sỉ, từ sự hổ thẹn của con người về điều gì và với ai, ở đâu, khi nào mà ta nhận ra cái đức liêm, đức nhân, đức nghĩa, đức chính của con người, đánh giá được một cách trực giác về trình độ trưởng thành của nhân tính, nhân cách, nhân phẩm, tức phẩm giá làm người của con người và của cộng đồng dân tộc. Đây là điều mà Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Liêm và Sỉ, bất liêm và vô sỉ, do vậy đã trở thành trung tâm của sự phán xử, đánh giá về trình độ phát triển của con người, cơ sở của tiến bộ xã hội.

Nêu cao đức liêm khiết, liêm chính trong giáo dục, tự giáo dục và “giáo dục lại” của mọi người Việt Nam, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh cũng là mẫu mực trong thực hành tu thân. Tu thân là tự rèn luyện, tự giáo dục về đạo đức cách mạng để phụng sự tổ chức, phụng sự nhân dân, làm người con Trung Hiếu. “Trung với nước. Hiếu với dân,nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; “kẻ thù” không chỉ là giặc ngoại xâm mà còn là giặc “nội xâm” – chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân, chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.

Đây chính là nội dung của khái niệm “tu thân” theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, một khái niệm cơ bản của đạo đức học phương Đông truyền thống – Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, được biến đổi và nâng cao về chất. Tu thân là “sửa mình” để mình luôn trong sạch. Liêm, liêm khiết, thanh liêm, liêm chính, trong sạch và ngay thẳng. Tu thân là đối với mình, là tự mình từ đó mà đối với việc và đối với người khác, từ tu thân mà đối nhân xử thế. “Là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình” là thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa”.

Tu thân xét từ chiều sâu tâm lý của chủ thể nhân cách chính là cái trình độ, năng lực làm chủ ham muốn. Ham muốn là cái lẽ thường tình, là “thói đời”, là tính người phổ biến của con người thực, sống ở đời và làm người. Không chỉ là sự phong phú đa dạng, mạnh mẽ hay nghèo nàn, đơn điệu, yếu ớt nơi ham muốn của mỗi người. Rất quan trọng còn là định hướng giá trị xã hội và văn hóa, đạo đức và chính trị của những ham muốn ấy. Hơn thế còn là cách thức theo đuổi của con người để thỏa mãn nhu cầu ham muốn. Ham muốn do vậy trở thành tiêu chí cơ bản, phép màu thử nghiệm để nhận ra cái cốt cách, bản lĩnh của mỗi con người trong đối nhân, xử thế, trong sự tự thực hiện bổn phận của mỗi người với mọi người và đối với chính bản thân mình. Tinh thần này đã được thể hiện trong một bài của Bác Hồ trả lời các nhà báo nước ngoài, đăng toàn văn lần đầu trên báo Cứu Quốc, số ra ngày 21-1-1946, tại Hà Nội. Bài viết có đoạn như sau:

“Nhân dịp các bạn tân văn, ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết:

Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu đến vòng danh lợi…”

Ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thì mọi sự đều công khai và minh bạch trong sự lựa chọn và xác định, theo đuổi và thực hiện tới cùng, từ thời tuổi trẻ cho tới lúc “đi xa”. Không chỉ công khai minh bạch mà còn là dứt khoát quyết liệt, khẳng định và phủ định. Đó là “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc”… là “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào”… “không dính líu gì với vòng danh lợi”. Đây không phải là sự biện luận cùng phép tu từ trong ngôn ngữ văn bản. Đây là cốt cách, bản lĩnh của một con người, nhân cách tự do, “tự do tin tưởng, tự do tổ chức”, tự do trong suy nghĩ và hành động của một chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ của dân tộc, của Đảng. Con người đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, là Bác Hồ kính yêu của tất cả chúng ta, của mỗi người Việt Nam yêu nước, thương nòi.

Một năm trước ngày đi gặp các bậc cách mạng đàn anh khác, Bác còn căn dặn: “Muốn giáo dục nhân dân làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục, rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân… Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng đáng với nhân dân và Đảng anh hùng”.

“Đảng anh hùng” đó cũng đồng nghĩa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chí Minh đã định nghĩa, định tính, định chất về Đảng như vậy, Đảng do Người sáng lập và rèn luyện dìu dắt, trở thành “Đảng ta” trong suy nghĩ và mong đợi thiết tha của mọi người dân nước Việt về “Đảng của mình” độc đáo và riêng biệt có một không hai.

Nguyễn Đức Thạc
daidoanket.vn